Hôm nay,  

Chuyện Đời Của Ba Tôi

14/06/201400:00:00(Xem: 15026)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4249-14-29649vb7061414

Bài viết tác giả dành cho Fathers Day năm nay là chuyện đời phiêu lưu của một chàng trai làng quê miền Bắc vào Nam lập nghiệp từ 1942, rồi trở thành chủ cơ xưởng sản xuất và nhập cảng các loại đàn địch, nhạc cụ tại Sàigòn trước 1975. Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Bà là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc. Viết Về Nước Mỹ 2014, tác giả góp thêm 12 bài, cho thấy sức viết mạnh mẽ. Hình ảnh kèm theo là người cha họ Phùng và công việc sản xuất các loại đàn tại cơ xưởng của ông ở Sài Gòn trước đây.

* * *

Trong nhà, anh chị em chúng tôi có người gọi là "ba" theo tiếng gọi miền Nam. Hai cô em học Trưng Vương ảnh hưởng miền Bắc gọi "ba" là "bố". Khi vắng Ba, nói về Ba rất gần gũi, thân thương, chúng tôi gọi ông là "ông già", có khi là "bố già". Có người gọi "ba" là "cha", là "thầy", là "tía", là "cậu"...

Ông nội tôi là một nhà nho nghèo, đường thi cử gặp nhiều trắc trở nên mộng quan trường đành phải gác lại. Không làm quan thì làm thầy đồ dạy học cho dăm ba đứa trẻ trong làng. Ông có hai bà vợ, bà cả sinh ra mỗi bác gái, bà sau sinh thêm hai người con gái và năm ông con trai đặt tên theo vần "inh" nghe lạ tai. Bác Cả Đính, ba tôi là ông Hai Đinh, chú Ba Thinh, chú tư Nghinh, chú năm Hinh.

Hồi còn nhỏ, tôi hay thắc mắc nhưng không dám hỏi người lớn. Là nhà nho sao ông nội đặt tên năm ông con trai đều xấu cả, chẳng hiểu ý nghĩa gì, nhất là tên Ba tôi còn có nghĩa là cái đinh. Lớn thêm chút nữa, má kiêng tên húy, dặn chúng tôi đọc trại ra tên ba là "đanh". Gọi tên ba là đanh" nghe càng thấy kỳ. Sau này tôi hỏi Ba, Ba nói "Đinh" có nghĩa là người chẳng hạn như "thành đinh"có nghĩa là người đến tuổi trưởng thành. Ba giải thích thêm sinh trước Ba có hai bác gái và bác cả Đính, Ba là người thứ tư. "Đinh" là can thứ tư trong mười hai can."Đinh" ghép với tuổi Tỵ là con rắn thành tuổi Đinh Tỵ là tuổi của Ba.

Nhà nghèo nên ngoài dăm ba chữ Nho của ông nội truyền cho các con, ba tôi phải đi chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng cho ông anh rể giàu và có uy quyền nhất trong làng là bác chánh tổng San. Ba tôi ham chơi để trâu đói, bị ông anh rể nọc ra đánh đòn, phơi giữa sân nắng. Sau khi ông nội mất, hận cái kiếp nghèo của thằng chăn trâu chỉ biết cuộc đời quanh lũy tre xanh của làng Đào xá, giận roi đòn hành hạ và sự khinh miệt của ông anh rể, ấm ức vì bà chị gái bị ông chồng giàu bạc đãi, lại thêm có máu giang hồ thích phiêu lưu. ba tôi bỏ lên Hà nội học nghề đàn với các anh.

Thời đó, các chú các bác trong làng Đào xá lên Hà nội, đa số theo học nghề đàn nên nghề này trở thành nghề truyền thống của họ Phùng và trai làng. Sau này có bác làm ăn khá giả mở cửa hiệu đàn ở Hà nội. Ba tôi không dừng tại đó. Ông khéo tay, thông minh, có nhiều sáng kiến. Mộng làm giàu và máu phiêu lưu thúc giục ba tôi đi tìm môt thị trường mới đầy hấp dẫn và gian nan: Sài Gòn. Má tôi bế cậu con trai đầu lòng mới sinh được vài tháng theo ba trong chuyến xe lửa Xuyên Việt vào Nam năm 1942, mở đầu cho những chuyến di dân sớm của người miền Bắc vào Nam sinh cơ lập nghiệp.

Cơ ngơi của ba má tôi lúc bấy giờ là thuê một mặt tiền chu vi khoảng ba mươi mét vuông, ban ngày vừa là cửa hàng bán đàn, vừa là xưởng sản xuất đàn, nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt gia đình ngủ, nghỉ trên chiếc sập gỗ xoay quanh không gian nhỏ bé này. Gọi là xưởng sản xuất thật ra chỉ là một góc nhà, một chiếc ghế gỗ dài, thấp, vài ba thùng đựng đồ nghề, ba tôi mua gỗ và vật liệu về chế biến thành những cây đàn mandolin, guitar. Hoàn thành xong cây nào, má tôi làm công việc đánh vec-ni , gắn khóa đàn, mắc dây đàn. Má có cái tai thẩm âm, lên dây đàn không cần "diabason". "Diabason" là dụng cụ lên dây đàn giống như cái kèn. Đàn nào làm xong, Má treo lên tường, bán lẻ.

Thành phố Sài gòn lúc bấy giờ còn mới mẻ, có mấy ai dám đi tiên phong, xông xáo vào lãnh vực sản xuất mặt hàng đầy tính nghệ thuật này.Thời đó, phong trào chơi đàn mandolin nở rộ. Ba kể má tôi làm công việc "tiếp thị" rất thành công nghĩa là mỗi lần khách ghé vào tiệm, má không quên chơi vài bản nhạc để "câu" khách. Người khách nào vào tiệm rồi, nghe má tôi chơi đàn mandoline thì khó mà ra về không mang theo một cây đàn trên tay.

Tôi còn nhớ khi tôi học trường tiểu học Tôn Thọ Tường, hình ảnh ấn tượng nhất của ba má tôi là tôi say mê đứng nghe má tôi chơi đàn mandoline bài "Sơn nữ ca", "Bến Xuân" hoặc "Đường lên sơn cước" còn ba tôi đầu tóc lúc nào cũng bụi và dăm bào. Suốt ngày, Ba cong lưng trong chiếc áo thun ba lỗ và chiếc quần đùi màu cháo lòng, miệt mài bào, đục, cưa, cắt, ngắm nghía, đo đạc... Chung quanh Ba là mạt cưa, dăm bào, đồ nghề và những bộ phận của cây đàn chưa thành hình.

Hai hình ảnh cần cù, chịu thương chịu khó ấy đã giúp cho việc buôn bán càng ngày càng thành đạt và nuôi lớn chín anh chị em chúng tôi. Từ một cơ ngơi thuê mướn, nhiều năm sau, cửa hàng trở nên khang trang , có tủ kính bày đàn, có quầy bán dây đàn và các mặt hàng linh tinh trong nghề. Ba má tôi mua lại căn nhà trệt sâu gần bốn mươi mét. Số thợ có hơn mười người. Ba tôi trở thành ông chủ của một cơ xưởng làm đàn nhỏ.

Thị trường nghề đàn càng ngày càng phát triển. Có đầu óc kinh doanh, có tinh thần khai phá, cầu tiến, không hài lòng với thị trường đàn nhỏ bé là Sài gòn, ba và bạn bè rủ nhau lặn lội qua Miên, Lào tìm hiểu thêm công việc làm ăn buôn bán xứ người. Lúc ấy chúng tôi còn nhỏ, không biết gì về việc làm ăn của Ba. Sau này, nghe các bác, các chú, các anh kể lại, ba tôi làm giàu nhờ những chuyến đi buôn vàng này. Ba về Hà Nội, mang những xấp tiền Đông Dương mua cho chú Ba một cái nhà ở phố Hàng Da, cho chú Tư một căn nhà ở phố Huế, một căn nhà cho bác Cả Đính ở Hải Phòng nhất là giúp đỡ tiền để chuộc lại cái nhà ở phố hàng Gà của bác chánh tổng San, sau này nghèo túng, bác trai phải cầm cố.

Từ những câu chuyện này, chúng tôi học được hai bài học lớn của Ba tôi là tấm lòng rộng lượng, biết tha thứ kẻ đã từng đày đọa mình thời hàn vi và bài học về sự thương yêu, bao bọc, chia sẻ tài sản cho anh em. Ước mơ của Ba là làm giàu để có tiền mua nhà, giúp cho các anh em trai thoát cảnh đói nghèo và chuộc lại căn nhà của bà chị để bà thoát khỏi cảnh bị áp bức bởi ông chồng gia trưởng, hách dịch, keo kiệt.

blank
Năm 1953, tiệm đàn mang tên ba tôi: Phùng Đinh số 120 Hồ văn Ngà, từ căn nhà trệt được cơi lên ba tầng. Ba má mời ông ngoại và bà con ngoài Bắc vào Nam dự lễ tân gia. Tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh tiếng trống thùng thình, tiếng phách xập xình, tiếng ca hát í a cả đêm, các buổi tiệc tùng ăn uống, khách khứa ra vào suốt mấy ngày. Ông ngoại tôi phương phi, vóc dáng dong dỏng cao, mặc chiếc áo the đen mỏng, hay làm thơ, ngồi gõ phách trên chiếc chiếu hoa. Bài thơ ông ngoại đề tặng trong ngày tân gia, Ba má tôi còn giữ lại như một kỷ niệm, được mấy cô hát ả đào lúc bấy giờ ngâm nga:

Hồng vận năm nay đại phát tài
Làm nhà, con đỗ lại sinh trai
Sự nghiệp gầy vun giờ đã vững
Thương trường tranh đấu chẳng thua ai
Bốn tiếng tàu bay đi chửa rộng
Ba tầng thang gác ở chưa to
Làng chơi ai thích mua đàn đẹp
Đến tiệm Phùng Đinh sẽ có ngay.

Sau chuyến đi Nam năm 1953, ông ngoại, chú Ba, chú Tư quyết định về Bắc chăm lo mồ mả các cụ. Chú Năm đi kháng chiến hy sinh. Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954. Chỉ còn bác Cả ở lại miền Nam. Ba mua cho bác Cả căn nhà mặt tiền ở đường Hiền Vương, mở cửa hiệu bán đàn làm phương tiện sinh sống cho gia đình Bác.

Tiệm đàn Phùng Đinh bấy giờ không những là cửa hàng bán lẻ còn là một xưởng sản xuất đàn quy mô, bán sỉ cho các đại lý ở hai miền Trung và miền Tây. Hàng tháng ba đi một vòng các tỉnh miền Tây vừa tiếp cận thị trường vừa thu tiền từ các đại lý bán sỉ. Nhờ kỹ thuật giỏi, chữ "tín", sự hòa nhã và sự thành thật trên thương trường, ba có nhiều mối hàng lớn. Đối thủ của Ba lúc bấy giờ là ông hàng xóm Quang Thành tìm đủ mọi thủ đoạn cạnh tranh như xuống giá đàn, dụ dỗ thợ, khách hàng... tiệm đàn của ba vẫn càng ngày càng khuếch trương lớn..

Từ khi số thợ đông lên tới vài ba chục người, mối manh nhiều, đàn sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường, mặt bằng lại chật hẹp, con cái càng ngày càng đông và khôn lớn, ba má mua thêm căn nhà 118 bên cạnh. Hai căn thông với nhau, một bên là nhà ở, một bên là xưởng. Ba chạy lo vật liệu, trông coi kỹ thuật, lương tháng ,thợ thuyền, thị trường bán sỉ. Má lo cửa hàng bán lẻ, tiền bạc, chợ búa, cơm nước cho thợ, chăm sóc con cái học hành...

Chúng tôi lớn lên trong tiếng máy cưa soèn soẹt, tiếng bào lào xào, tiếng búa đập thình thịch, tiếng đục gỗ ầm ầm, tiếng cười đùa và chuyện trò râm ran của thợ nhất là tiếng lên giây đàn mandolin, những nốt nhạc đồ- rê -mi réo rắt vang lên theo những bước chân chạy nhảy lên cầu thang sau những buổi tan trường.

Nhắc đến sự thành công của Ba, ngoài yếu tố thiên thời là thời vận làm ăn phất lên, địa lợi là cơ sở vật chất rộng lớn thuận tiện còn là yếu tố nhân hòa. Bài học tôi tâm đắc nhất về ba tôi đó là tinh thần bình đẳng, chan hòa, không phân biệt giai cấp trong việc cư xử với thợ. Tất cả các thợ đều là các bác, chú, các cậu của tôi. Xưởng đàn của ba tôi như một gia đình nhỏ. Họ gọi Ba tôi bằng anh Hai có khi bác Hai. Nếu khách hàng vào đây sẽ không phân biệt ai là chủ, ai là thợ.

Xuất thân là người thợ làm đàn, văn chương hoa mỹ gọi đó là những "nghệ nhân", Ba tôi vào Nam, tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng, Hình ảnh Ba tôi cũng như các chú Tuế, cậu Lã và những người thợ khác... lúc nào cũng là chiếc quần đùi và cái áo may-ô lấm láp mạt cưa và bụi bặm. Ba ngồi thành hàng dài với thợ trên chiếc ghế gỗ, thấp của Ba. Ba cũng cưa, bào, đục, đẽo, mài, dũa, khi thì Ba góp ý thợ này, khi thì nhắc nhở thợ kia, khi thì trầm tư nghiên cứu, khi thì lăng xăng chỉ dẫn tay nghề cho các chú thợ trẻ. Ba làm công việc của người thợ cả ôn tồn, gần gũi, hòa mình với họ. Tuổi thơ nghèo khổ đã khơi dậy trong tâm hồn ông tấm lòng thương người, thông cảm với tầng lớp công nhân, chia sẻ công việc và nỗi nhọc nhằn với thợ.

Đối với tôi, điều khó làm nhất của con người là biết kềm chế lòng tham vô đáy luôn luôn thúc dục ta tìm cách vơ vét những cái lợi về tiền bạc, vật chất cho mình. Cái tính vị kỷ ấy làm cho con người sống bo bo chỉ biết có mình, không có tình người.. Ba tôi là một người chủ tử tế, rộng lượng và hào hiệp. Ông biết chia sẻ một cách hợp lý, hợp tình của cải mình kiếm được cho những người cộng sự. Ông biết trân quý công lao đóng góp của họ làm nên tài sản cho mình. Ba má thường dạy dỗ các con " Người ăn thì còn, con ăn thì hết ". Vì thế, Ba có những người thợ tuyệt đối trung thành, xem xưởng đàn như ngôi nhà thứ hai của mình. Họ gắn bó nghề đàn với Ba suốt mấy chục năm. Họ thay Ba Má đặt cho chúng tôi những cái tên từ khi chúng tôi ra đời cho đến khi mất nước.

Má nói tử vi Ba có cung Nô bộc. Tôi nghĩ khác. Ba tôi không coi thợ thuyền là "nô bộc". Nếu thương trường là chiến trường, họ là những chiến hữu của Ba.

Sau 1975, xưởng làm đàn của Ba bị nhà nước Cộng sản tiếp thu căn 118 gọi là xưởng nhạc cụ thành phố do các cán bộ miền Bắc vào quản lý. Họ phát động phong trào đấu tranh giai cấp, dụ dỗ công nhân "đấu tố" chủ nhân. Ba kể lại trong các buổi họp có cán bộ cộng sản, công nhân và chủ nhân, các chú, các bác trong xưởng nhạc cụ đều được mời lên phát biểu. Họ đều nói tốt về người chủ cũ. Có những bác và những chú rất tự nhiên và thành thật kể lại các việc làm của Ba trước đây như giúp họ sửa nhà, mua nhà, cung cấp vật liệu cho họ về nhà làm đàn để họ trở thành những ông chủ nhỏ tương lai. Khi đau yếu, bệnh hoạn, Ba lo bệnh viện, thuốc men. Trong gia đình có đại sự như quan, hôn, tang, tế đều được Ba quan tâm giúp đỡ. Họ có công ăn việc làm tốt, con cái được học hành, một năm hưởng 13 tháng lương, đời sống ổn định, thoải mái, không thấy có chi gọi là " bóc lột sức lao động" của công nhân và ông chủ cũ của họ không có vẻ gì là... ông chủ cả.

Buổi họp phát động đấu tranh giai cấp tại xưởng nhạc cụ xem như thất bại. Yếu tố "nhân hòa" trong cách cư xử giữa con người với nhau đã giúp Ba tránh được những màn "đấu tố" sắt máu được dàn dựng sẵn bởi cán bộ cộng sản.

Năm 1958, vào một buổi trưa hè nắng gắt, chị em chúng tôi đang sửa soạn đi học bỗng nhiên có những tiếng kêu la thất thanh " Cháy nhà!", "Cháy nhà!". Hệ thống điện chạm, bắt vào các đống gỗ thông làm ngọn lửa bốc cao từ tầng trệt của xưởng đàn căn 118. Má tôi và các chị giúp việc chạy lên lầu lùa chúng tôi ra ngoài. Ba chạy thông qua căn 118, đưa các thợ chạy qua căn 120 là lối thoát duy nhất để xuống đường. Kiểm điểm lại số thợ còn thiếu chú Bảy Thường. Ngọn lửa bốc càng ngày càng cao. Xe cứu hỏa đến quá chậm. Căn nhà 118 chìm trong biển lửa. Tài sản tiêu tan. Một mạng người mất đi một cách oan ức.Chúng tôi nghỉ học ngày hôm đó. Mãi đến chiều lính cứu hỏa mới đem được xác của chú Bảy Thường nám đen, co quắp trên chiếc băng ca.

Trước đống gạch vụn đổ nát, hoang tàn còn bốc khói , Má tôi mắt đỏ hoe. Ba tỉnh táo sắp xếp mọi công việc nào là đối phó với chính quyền, lo chôn cất và đền bù cho gia đình người quá cố, tính toán tương lai cho vài chục gia đình thợ thuyền còn sống sót, việc buôn bán với các đại lý, sửa chữa căn nhà, xưởng làm việc, tiền bạc... Những việc đại sự như thế, bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết đứng mếu máo, buồn cho một cái gì thân thiết vừa mất đi và thương cha mẹ đang đương đầu với những khó khăn trong những ngày sắp tới.


Tôi nhớ tuần lễ sau đó, xưởng làm đàn dời qua căn 120 và hoạt động trở lại. Các đại lý mua sỉ từ các tỉnh, nghe tin Ba gặp đại nạn, họ đến trả nợ và cho Ba mượn vốn làm ăn, xây lại căn nhà, gây dựng lại cơ nghiệp đã mất. Ba bắt tay làm lại từ đầu. Chỉ vài năm sau, Ba xây hai căn thông nhau thành cửa hàng lớn, cơi lên ba tầng.Căn nhà vừa hoàn tất cũng là lúc biến cố Mậu Thân xảy ra, căn nhà mới có cơ hội đón mấy gia đình thợ của Ba ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật bị pháo kích chạy về xin tá túc.

blank
Từ năm 1963 trở đi, chiến tranh leo thang, quân đội Mỹ ồ ạt vào miền Nam, nhu cầu về âm nhạc phát triển càng ngày càng mạnh, đàn guitar thùng sản xuất bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho các căn cứ Mỹ nhất là các loại trống, đàn điện phục vụ cho các phong trào nhạc trẻ và các "club" Mỹ. Ba rất thức thời và nhạy bén với thị trường âm nhạc, chuyển hướng nhập cảng trống, piano, đàn điện, đàn thùng hiệu Yamaha... hướng về bán lẻ các loại nhạc cụ hiện đại.

Để hàng nội địa có cơ hội phát triển trên thị trường, Ba nghiên cứu và sản xuất đàn điện, trống, amplifier... bằng nguyên vật liệu trong nước rẻ, đẹp và tốt không thua gì hàng Nhật.

"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Cả một đời Ba được vinh hoa phú quý nhờ vào tài nghề về kỹ thuật này.

Năm 1969, trong khi tôi đang ngồi trong giảng đường trường Văn Khoa, cô Xuân hàng xóm gần nhà dáo dác đi tìm ai trên hành lang. Linh tính cho tôi biết ở nhà có chuyện gì. Cô Xuân báo tin vì người giúp việc quên không khóa bình ga, hơi ga bốc ra. Ai đó tình cờ bật quẹt nấu bếp, lửa bắt hơi ga bốc cháy. Má tôi bị phỏng nhẹ nám một bên mặt. Ba tôi lăn vào dập tắt ngọn lửa nên bị phỏng nặng, hiện đang nằm trong nhà thương Đồn Đất.

Tôi vào phòng cấp cứu, thấy một thân hình nhỏ thó nằm co quắp, từ mặt đến hai cánh tay và hai chân từ đầu gối trở xuống nám đen như da cá lóc nướng trui.Tóc Ba bị cháy xém trụi lủi. Ba bị phỏng năm mươi phần trăm.Bác sĩ nói cũng may, nhờ chiếc áo may-ô ba lỗ và chiếc quần đùi nên ngọn lửa chưa táp vào lục phủ ngũ tạng. Nếu phỏng cả toàn thân, không cách gì cứu sống được. Ba nằm thiêm thiếp, mê man trong sự đau đớn. Cả trăm chai nước biển và thuốc liên tục tiếp vào cơ thể nuôi sống Ba hai tháng trời. Có những đêm trong bệnh viện, Ba tỉnh dần. Tôi nghiêng đầu hỏi han, chờ nghe Ba lên tiếng để biết Ba còn sống và đang phục hồi.

Thấy thương... "ông già"! Suốt thời gian chữa trị, bị đau đớn như vậy mà không ai nghe một tiếng kêu la, than thở hay rên rỉ nào. Ba xưa nay là người quen chịu đựng. Ông không muốn phiền con cái lo lắng về sự đau đớn của mình.

Tình yêu quê hương là tình tự dân tộc thiêng liêng. Xa quê hương, ai cũng có lòng nhớ về quê cha đất tổ, mồ mả ông bà, mong ngày trở về. Nhớ về quê Đào xá chắc không ai nhớ quê và thương quê như Ba tôi. Đếm trên đầu ngón tay từ năm 1975 cho đến khi ông mất tính ra ông về quê cũng hơn chục lần. Lần đầu tiên "Trở về mái nhà xưa", sau hơn ba mươi năm xa cách, Ba gặp lại hai bà chị gái, bác Khoái và bác Nam. Chú Ba Thinh mất chỉ còn chú Tư Nghinh. Ba nhìn lại căn nhà cụ Tổ họ Phùng ở quê Đào xá tiêu điều xơ xác vì bom đạn thời chiến tranh. Mái đình làng tróc ngói và đổ nát. Con đường làng lầy lội vào mùa mưa, gập ghềnh sỏi đá và bụi đỏ mịt mù vào mùa hè. Ba nhìn thấy trời lạnh, các cháu bé bò lê la trên chiếu, chung quanh là những thanh gỗ chèn với nhau để các cháu không bò ra ngoài trong khi bố mẹ bận đi làm. Nghĩa trang họ Phùng tiêu điều, bị ngập nước, cỏ mọc lên đến gối, trâu bò lang thang ăn cỏ, phóng uế bừa bãi. Làng Đào xá nghèo đến nỗi phải đi mượn chiếc xe tang của làng bên cạnh để chở quan tài ra nghĩa trang. Vào ban đêm, chỉ có vài nhà khá giả còn câu được điện, hầu hết dân làng còn sống trong cảnh tối tăm với những chiếc đèn dầu lập lòe khi tỏ khi mờ.

Ba kể gặp lại các chú, các bác, Ba không cầm được nước mắt. Họ là những bà con trong làng, thuở xưa là bạn cũ cùng đi chăn trâu với Ba. Họ nghèo quá, nhà tranh vách đất, ăn uống đạm bạc, quần áo cũ kỹ. Có bác đã già mà vẫn còn đi chăn trâu, cắt cỏ hoặc làm việc ngoài đồng để có công điểm, đổi lấy thóc gạo ăn.

Nhìn lại quê nhà tan tác sau bốn mươi năm xa cách, Ba nghẹn ngào nói ngày đó, nếu Ba không dứt khoát ra đi tìm con đường sống thì giờ này Ba cũng lây lất trong những túp nhà tranh xiêu vẹo kia, bên cạnh con trâu, cái cày, mảnh ruộng, thửa vườn, quanh quẩn trong lũy tre làng nghèo khó, tối tăm, bế tắc này.

Từng bước, Ba làm việc với các bác trong làng, đề ra kế hoạch xây nhà thờ Tổ họ Phùng, sửa lại ngôi đình làng, xây nhà trẻ, mua xe tang cho làng, xây nghĩa trang họ Phùng, xây mạng lưới điện cho làng, xây con đường làng...Các công trình ấy, Ba vừa bỏ tiền của vừa bỏ công sức. Có khi ông về quê trực tiếp điều khiển và cùng làm việc với dân làng. Có khi ông giao tiền cho các chú, các bác ở quê hoặc các cháu ở Hà nội thay ông tiến hành. Khi nào hoàn tất, ông về dự lễ khánh thành. Những lần về quê là những lần anh chị em chúng tôi được nghe dân làng Đào xá nói về những công đức Ba làm cụ thể cho làng. Có khi các chú, các bác thật thà tâm sự về những khoản tiền riêng Ba âm thầm giúp đỡ cho họ. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu thêm về Ba. Ba tôi sống như thế đó, chân tình mà tế nhị, hào sảng mà kín đáo, có thủy có chung, trân quý tình người.

Một lần nữa tai nạn lại đến. Trong một chuyến về quê xây nghĩa trang họ Phùng, ông bị bệnh nặng phải chở vào bệnh viện Việt Đức mổ mật. Nếu không có bà con nhất là các em con chú Ba và chú Tư ở Hà nội hết lòng săn sóc không biết anh chị em chúng tôi ở trong Nam xoay sở thế nào.

Được tin ba phải mổ, anh, chị tôi ra Bắc chăm lo sức khỏe cho Ba và đón Ba vào Sài gòn sau hai tháng điều trị và tĩnh dưỡng ở nhà thím Ba.

Cuộc đời Ba là một chuỗi những hoạn nạn, những thăng trầm, những biến cố đau thương , những được rồi mất, có rồi không nhưng mạng Ba lớn, phước lộc còn nhiều, số được hưởng thọ, tai nạn rồi cũng hết. Là người giàu ý chí, nghị lực nên Ba đã vượt qua tất cả để cuối đời, Ba an hưởng tuổi già.

Sau cơn bạo bệnh này, ông yếu nhiều và không bao giờ về quê nữa.

Năm 1981, cậu Ninh, em của Má là cán bộ vào Nam công tác, can thiệp với nhà nước trả lại căn nhà 118 cho Ba.Từ năm 1975 cho đến sau này khi Ba mất năm 2003, nhà của "Bác Hai Đinh" vẫn là trạm dừng chân đón tiếp khách Hà nội và Đào xá. Bài học về lòng hiếu khách của Ba vẫn là những dư âm tốt đẹp trong những câu chuyện kể về Ba. Ai vào Nam mà không ghé nhà bác Hai. Ai cũng được Ba tiếp đón hậu hỉ, chân tình và chu đáo nào là cho tiền tàu xe, tặng quà cáp, tiền dằn túi để tiêu vặt... Tùy theo hoàn cảnh, có cháu nghèo quá lại đông con, Ba lại dấm dúi cho vài chỉ vàng. Có cháu vào Nam sớm, xin cái xe đạp, xe Honda, cái đài, cái đổng...ông dắt đi mua cho về làm quà.. Bác Khoái, bác Nam và chú Tư là những người thân ruột thịt nhất, Ba tặng cho các bác, các chú quà gì chỉ có Ba biết. Các con tò mò hỏi, Má nhẹ nhàng nói:

- Thôi kệ Ba. Ba kiếm tiền được, Ba muốn cho ai bao nhiêu thì cho, các con đừng thắc mắc chuyện của Ba.

blank
Má lại nhắc câu đạo lý xưa:

- "Người ăn thì còn, con ăn thì hết" các con ạ!.

Cả Ba và Má đều hợp nhau trong quan điểm sống này.

Nói về học hành, chữ nghĩa, Ba tôi là người ít học nhưng rất ham học và thích tìm tòi hiểu biết.Tiếng Anh , tiếng Pháp ông không biết chữ nào. Ông chỉ được học một ít chữ Nho từ ông nội và chữ Quốc ngữ khi lên Hà nội.Vì thế ông luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, " Các con phải học dùm cho Ba" hoặc " Các con phải làm thầy, cô giáo dùm cho Ba". Không trực tiếp dạy con, làm bạn với con, ông kiếm tiền, mời Thầy kèm con cái học hành.Ông anh cả tôi được trui rèn bởi các "gia sư" ông nuôi trong nhà.Truyền thống "tôn sư trọng đạo" và "Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" thể hiện rất rõ trong tính cách quý trọng các Thầy, từ Thầy giáo dạy chữ đến Thầy giáo dạy đàn.

Ba có một thói quen rất dễ thương đã thành nếp và gây một ấn tượng sâu đậm không bao giờ quên trong cuộc đời thi cử của anh chị em chúng tôi là những kỳ thi trung học đệ nhất cấp, tú tài 1, tú tài 2 của các con, trong khi Má lo bồi dưỡng đồ ăn thức uống thì Ba luôn luôn là tài xế đích thân đưa đón chúng tôi đến trường thi. Ba tìm đúng phòng thi, đúng số báo danh. Ba nấn ná mãi đến khi nào loa phóng thanh yêu cầu thân nhân rời khỏi phòng, Ba mới yên tâm ra về.Tính Ba cẩn trọng, chu đáo, lo xa như vậy đó.

Đến giờ đón về , ông hỏi han bài vở, tìm mua các tờ báo có các bài giải toán xem bài làm tới đâu, có đúng đáp số không. Ba làm giám khảo ngồi tính điểm, cộng trừ, thêm bớt một hồi rồi đưa ra số điểm của các môn để đoán biết con mình đậu hay rớt.

Cái hay và không ngờ ở chỗ ông đoán rất sít sao có khi chính xác.Chúng tôi đậu hay rớt, ông giám khảo "cây nhà lá vườn" này biết trước rồi.

Một kỷ niệm trong đời về Ba làm tôi nhớ mãi là năm tôi thi Tú tài 2 tại trường Gia Long, các bạn tôi đều tự túc đến trường thi cũng là ngôi trường mình đang học. Ba chở tôi đến nơi, tìm chỗ đậu xe , ông nắm tay tôi, dắt tôi qua đường như một đứa trẻ, mắt nhìn hai bên để tránh xe. Nhìn sang bên kia đường, tôi thấy các bạn tôi đang đứng lố nhố, chúng cười đùa với cặp mắt vừa chọc ghẹo, vừa chế nhạo làm tôi mắc cỡ:

- Ê, "Tôi đi học" hả mậy?

Tôi thật thà trả lời:

- Không.Tao đi thi.

Môt lát sau tôi mới nhớ ra đó là bài "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh trong đó có câu" Hằng năm cứ vào cuối thu.....mẹ tôi nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi trên con đường làng...."

blank
Trong số các bạn có Hoàng Yến đến gần nói nhỏ:

- Mày sướng quá. Đi thi có ba chở. Qua đường có Ba dắt. Tụi tao đi thi đứa nào cũng đi một mình. Ba mày cưng mày quá há?

Ba mươi năm gặp lại Hoàng Yến tại tiệm cơm chay Vạn Hạnh ở xứ Mỹ, tôi nhắc lại kỷ niệm này và lời cám ơn xa xưa, bạn đã nhắc nhở tôi, cho tôi một bài học về sự hy sinh và lòng thương yêu của Ba dành cho tôi mà lúc ấy tôi vô tình không nhận ra hay ngại ngần vì mắc cỡ với bạn.

Trong sinh hoạt gia đình, nói đến tiền bạc, Má tôi là thủ quỹ, là tay hòm chìa khóa, là người chi thu, tiền đong gạo phát thế nhưng cho các con những khoản tiền túi nhỏ hàng tháng lại là Ba tôi. Sự thỏa thuận hay sắp xếp này không biết do ai nhưng làm cho chúng tôi hài lòng vì xin tiền Ba lúc nào cũng dễ hơn Má. Ba cho tiền rộng rãi hơn Má. Ba chẳng bao giờ thắc mắc, hỏi han gì khi cho tiền. Ba cho tiền với nét mặt nhẹ nhàng, thư thái chứ không băn khoăn, nghiêm nghị như Má. Có khi Ba tự động cho tiền dưới hình thức khen thưởng một việc làm tốt nào đó như thi đậu, điểm cao hay được lãnh thưởng. Có khi Ba cho là cho, chẳng vì lý do gì làm cho chúng tôi có những niềm vui bất ngờ. "Ông già tui" tâm lý quá chừng! Các khoản tiền túi nho nhỏ đó đó đều đến đúng lúc và vượt ra ngoài sự mong ước. Chắc vì vậy nên Ba làm công việc cho tiền các con rất thích hợp vì người cho và người nhận đều vui.

Sau này, khi có công ăn việc làm ổn định, kiếm được đồng tiền bằng mồ hôi và công sức lao động của mình và khi lập gia đình, có con rồi, tôi hay suy gẫm hoài những bài học về cách sử dụng đồng tiền của Ba tôi trong việc đối nhân xử thế.

Những ngày lễ Mẹ lúc nào cũng tưng bừng, rầm rộ với hoa, thiệp, quà, lời chúc...Những ngày lễ Cha trầm lắng, lặng lẽ hơn. Đi mua sắm quà cho Mẹ có nhiều chọn lựa. Quà cho Cha cân nhắc mãi chẳng biết mua gì.Viết về Mẹ có nhiều ý tưởng, đề tài. Viết về Cha ngồi cắn bút suy nghĩ mãi. Có nhiều bài hát, bài thơ ca ngợi Mẹ. Nhiều người thuộc lòng các bài hát về Mẹ như bài "Lòng Mẹ" của nhạc sĩ Y Vân. Bài hát, bài thơ ca ngợi Cha không nhiều. Bài hát về Cha ít người thuộc, không được phổ biến. Bài "Tình Cha" là bài hát hay và cảm động thế mà tôi chỉ thuộc câu đầu "Tình cha ấm áp như vầng thái dương" và câu cuối "Cha hỡi, cha già dấu yêu".

Tôi tự hỏi sao mình lại bất công với Cha thế nhỉ ? Hay tại mình thương Mẹ nhiều hơn thương Cha trong khi công Cha nghĩa Mẹ đều ngang nhau:

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

Cha được ví như ngọn núi Thái Sơn cao lớn, kiên định, vững chãi. Hình ảnh Cha vì thế trở nên mạnh mẽ, cứng rắn, uy nghiêm.Từ đó Cha ít gần chúng ta. Mẹ được ví như nước trong nguồn tươi mát, trong vắt có thể uống được. Hình ảnh Mẹ vì thế trở nên dịu dàng, ngọt ngào. Mẹ trở nên gần gũi, thân thương. Cha có "nghiêm" thì Mẹ có "từ".Tâm lý con cái sợ cái "nghiêm" và gần với cái" từ".

Trong tính cách của Ba tôi, có khi cái từ" lấn át cái "nghiêm". Ba tôi là con người lý trí trên thương trường nhưng bản chất ông vẫn là con người nhiều tình cảm.

Ngày lễ Cha sắp đến. Viết về Ba tôi để nhớ đến ông, một nhà doanh nghiệp thành đạt, một người công nhân kỹ thuật giỏi, một người chồng chung thủy, một người Cha có những phẩm cách cao quý. Ông để lại cho chúng tôi nhiều bài học về tình thương, sự bình đẳng, sự bao dung, sự chia sẻ và trên hết là tình người.

Ngày lễ Cha, tôi xem lại cuộn băng video ngày lễ thượng thọ của Ba Má năm 1991, lúc ấy Ba 75 tuổi, Má 70 tuổi. Đọc lại bài thơ của đứa em gái út gửi về chúc thọ mối tình già của Bố Mẹ mà em gọi là Cậu, Mợ. Bài thơ kết bằng hai câu:

Mợ là số một trên đời
Cậu là tất cả đất trời mùa Xuân.

Ngày lễ Father Day xin gửi đến những ông Bố câu cuối cùng của bài thơ như một lời chúc. Các ông mãi mãi là những mùa Xuân trong lòng những bà Mẹ chúng tôi.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
28/10/202220:10:09
Khách
Cô ơi! Có phải cô là cô Phùng Kim Anh giáo sư trưởng Nguyễn Huỳnh Đức sau đổi thành cấp 3 Ngô Gia Tự-Q8 không ạ
Em nghĩ tên tiếng anh và theo bài viết là Cô rồi
Em là trò Nguyễn Ngọc Dân lớp 10B khoá 1975-1978 Cô làm chù nhiệm
Nếu đúng thì em mừng lắm. Xin Cô trả lời tin nhắn này cho dù không đúng
(Nhưng em tin chắc là em đã gặp được Cô giáo của em)
Kính chúc Cô và gđ nhiều sức khỏe
14/06/201423:12:03
Khách
Ngày của Cha Mẹ là cơ hội để những người con bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với đấng sinh thành .
Bài viết rất chi tiết và đầy ý nghĩa.
14/06/201415:57:48
Khách
Bài viết hay, chi tiết và cảm động. Cô đem cả cái làng nghèo ngoài Bắc vào Saigon. Sự khác biệt của cuộc sống không Cộng Sản là người ta có thể vươn lên và thành công trong đời cho dù phải trải qua biết bao thử thách và tai ương. Cám ơn Cô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,338,033
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.