Hôm nay,  

Ngày Của Cha, Rồi Sao?

11/06/201400:00:00(Xem: 10951)

Tác giả: Song Lam
Bài số 4247-14-29647vb4061114

Bài mới nhất của Song Lam là một tự sự viết cho “Ngày của Cha” đang tới. Tác giả thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Ba 2013 là "Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân," tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., sau một năm, đã có hơn 283,000 lượt người đọc. Sang năm 2014, Song Lam liên tục góp thêm 11 bài.

* * *

Ngày Lễ Mẹ (Mother's Day) chộn rộn một ngày rồi cũng qua đi. Tôi mệt ngất ngư với một đám con, đám cháu gọi liên tục hỏi ăn gì, ăn gì, ăn ở đâu, ở đâu dù tôi đã nói với chúng là tôi đã nấu sẵn một nồi bò kho rồi. Giờ này ra tiệm ăn, nhà hàng nào cũng chờ rã giò, vô được rồi ăn hối ăn hả vì khách còn chờ rồng rắn ở ngoài cửa. Chi cho mệt vậy, để ngày khác đi ăn cho thong thả! Nhưng mà đám con “Mỹ lai” này đâu có chịu. Cái “văn hóa Mỹ lai” này cũng ngộ. Bọn trẻ chỉ quan tâm tới Người Mẹ trong ngày Mother's Day cho đúng “thủ tục” còn 364 ngày còn lại chúng chơi “tình lờ” nếu không nói rõ là “đá đít”. Rồi tháng sau, thêm một ngày chộn rộn y như vậy cho ngày Father's Day.

Ngày của Cha, Ba, của Bố, gọi văn vẻ là Lễ Từ Phu, hình như ít sôi nổi hơn. Con cháu ít khi tặng hoa hồng, gửi cards chúc tụng, hay dắt ông già đi ăn tiệc như dắt các bà mẹ. Bữa ăn gia đình cũng nhẹ nhàng hơn. Có lẽ người đàn ông tính tình trầm lặng không ồn ào hoa lá cành như người đàn bà. Tôi nghĩ đó là một sự thiệt thòi vốn có của cánh mày râu.

Tự nhiên tôi ngồi thừ ra khi nghĩ đến song thân. Ông bà đã quá vãng nhưng mỗi lần nghĩ đến họ tôi vẫn còn thấy lòng tê lạnh. Nhất là đối với Ba tôi. Ông mất sớm khi chưa an hưởng tuổi già, khi dân tình cả nước còn ăn cơm độn với bo-bo nhai lốp bốp trong miệng. Cái cảnh:

“Thương cha nằng nặng trên mi / Thương chồng nửa buổi xuân thì dỡ dang” đó, tôi đã nếm trải hơn 40 năm rồi còn ít ỏi gì, mà mỗi lần nghĩ đến cũng thấy lòng đau nhói. Những người đàn ông trong cuộc đời tôi, ai cũng tuyệt vời, và ai cũng một đời cơ cực!

Tôi nhớ Ba tôi, nhớ nhất là những đêm trăng ông thường đem ghế bố ra sân vừa hóng gió vừa “nói thơ”. Bên cạnh ông luôn có tôi lúc đó 7, 8 tuổi và đứa em gái kế 5, 6 tuổi gì đó.

Thuở ấy ở Sàigon nhà cửa còn thưa thớt, chớ không đông đúc, đen kịt như bây giờ. Nhà tôi rộng rãi với khoảng sân rộng, dài với cây xoài trĩu quả bên trái và hàng dừa xanh xõa tóc bên hông nhà. Trời trong và xanh. Trăng sáng, sáng ghê lắm. Hai đứa nhỏ trèo lên ghế bố nằm hai bên ông già. Trăng vừa lên, to bằng cái thúng nửa giạ. Con em hối:

- Ba, nói thơ đi ba!

“Nói thơ” là nghề ruột của Ba tôi. “Nói thơ” tức là đọc thơ Lục Vân Tiên với giọng ê-a kéo dài lên bổng xuống trầm. Trước khi ra sân, Ba tôi đã chuẩn bị sẵn ly nước trà để ở góc sân thấm giọng.

Ông say sưa “nói thơ” và chỉ nửa tiếng sau, hai đứa đã ngủ khò. Vậy mà lắc lắc biểu vô nhà ngủ, hai đứa tôi đâu có chịu vì nghe nói thơ êm tai quá, ngủ đã quá. Vì vậy, từ lúc nhỏ tôi đã thuộc làu thơ Lục Vân Tiên dù đâu biết nghĩa lý là gì:

Nhớ câu “kiến ngãi bất vi”
Những người như thế cũng phi anh hùng.

Hoặc:

Vợ Tiên là Trực chị dâu
Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì?

Đó là thời khắc vui vẻ của Ba tôi đối với các con. Ngoài những ngày dự cúng đình, ăn giỗ, đám cưới, đám hỏi của con cháu, của xóm giềng… thời gian còn lại của Ba tôi là những chuỗi ngày lao động cơ cực để nuôi bầy con 11 đứa.

Cám ơn cuộc đời vì những người đàn ông tốt, những người đàn ông tuyệt vời quanh tôi. Ở đời này không ai hoàn hảo, nhưng chữ “tuyệt vời” tôi dùng trong chừng mực trung bình khá, nghĩa là không tệ bạc. Tôi càng không lý giải được tại sao, từ lúc nhỏ đến bây giờ, tôi nghĩ người đàn ông Việt Nam thật tội nghiệp, thật thiệt thòi. Cùng thời với tôi, lúc còn đi học, họ học hành không yên, cứ nhấp nha nhấp nhỏm vì cái lệnh động viên bất cứ lúc nào. Đang đi học, nếu lỡ “trượt vỏ chuối” một năm là bị “lùa” vô lính. Mà đời lính thì sung sướng nỗi gì? Ở quân trường tập luyện gian khổ, ăn uống bữa đực bữa cái, phần lớn là ăn cơm với cá mối gần như thường trực. Ra trường mưa nắng dãi dầu, gối tuyết màn sương, cháo núi rau rừng, mấy khi được về thăm gia đình? Còn với người yêu? Bài nhạc nào cũng lải nhải “yêu anh dài lâu” nhưng cuộc đời binh nghiệp biết đâu là may rủi?

Con đường học vấn dở dang mà con đường binh nghiệp cũng tắt ngúm với đại nạn, với cơn hồng thủy 75. Cả đám vô tù. Những đau đớn tủi nhục, những thương nhớ uất nghẹn, bệnh tật, đói khát, chết chóc, vùi dập xác thân nơi nước độc, rừng sâu… Trời ơi, làm sao nói hết những đau khổ, cơ cực mà những “người hùng thất trận” ấy phải gánh chịu?

Rồi ra tù. Rồi vượt biên. Rồi được đi Mỹ theo diện H.O. Đã vượt thoát, đã trốn chạy được sự ngược đãi, nhục nhằn. Hành trình tìm tự do này đâu có dễ dàng gì dù xã hội Mỹ, nhân dân Mỹ đã dang rộng tay cứu giúp buổi đầu. Họ được thở không khí tự do, được nhìn bầu trời cao rộng không có “bộ đội cụ Hồ” lăm lăm tay súng kề bên, họ được ngắm ánh trăng đêm rằm lộng lẫy mà chép miệng nghĩ thầm “Sao giống trăng Việt Nam quá” vì lúc đó họ giống như thi bá Lý Bạch ngày xưa: “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ quê hương)


Rồi sao nữa? Rồi nhìn xuống hai bàn tay trống trơn, hai bàn tay trắng với con thơ, vợ yếu… khó khăn trùng điệp khi phải “làm lại từ đầu”. Đó, chừng ấy lao khổ, chừng ấy nhọc nhằn mà người đàn ông Việt Nam của chúng ta phải “hứng trọn”.

Trong Việt Báo ngày 9 tháng 5 năm 2014, trong tiêu đề “Ngày của Mẹ, của Cha” nhà báo Vi Anh đã viết: “…Ngày của Mẹ, của Cha năm thứ 39 của tập thể người Mỹ gốc Việt này, số những người cha, người mẹ Việt Nam đầu tiên đưa gia đình tỵ nạn CS ở hải ngoại chắc cũng không còn nhiều lắm. Đây là cơ hội tốt để thấy công ơn trời biển của những người cha, người mẹ đã liều mình đưa con cái đến bến bờ tự do. Và những bậc sinh thành ấy quên mình nơi quê hương mới, lao động chân tay cắt chỉ, ủi đồ, cắt cỏ, làm công cho cây xăng, nấu cơm tháng mướn để có tiền cho con cái, là lớp trẻ hải ngoại, ăn học, trưởng thành được như ngày hôm nay…”

Xuất phát từ nỗi chịu đựng âm thầm đó, các bậc từ phụ đã hơn một lần tự giễu cợt mình:

Đầu đường Đại tá vá xe.
Cuối đường Trung tá bán chè đậu đen.

Những cha mẹ đó đã chấp nhận hết mọi hoàn cảnh để vươn tới, để gieo trồng cho con cái những bông hoa tươi đẹp ngày mai. Điều đó, ai ai cũng thấy rõ, rất rõ. Người cha, người mẹ đã tự nguyện làm những cây cầu, làm tấm ván lót đường cho con cái hướng về tương lai. Thế hệ thứ hai, thứ ba ở Mỹ, ở Canada, ở khắp nơi trên thế giới đã cảm nhận được điều đó.

Xin các bậc từ phụ của thế hệ thứ nhất cho phép tôi được nói đôi lời trân trọng cám ơn Người, lúc nào tôi cũng cưu mang tấm lòng ân nghĩa đó của quí ông, trong số đó có cả cha của các con tôi. Quí ông thêm một lần “xông pha trận mạc” ở quê hương mới, đem lại cơm no áo ấm cho vợ con, dù sau những trận đòn thù, người ngựa xác xơ, gươm rơi giáo gãy…

Hiện nay, bậc từ phụ lớp trước dù trẻ nhất cũng tròm trèm 70, một số đã “ngàn đời yên nghỉ”, một số hom hem đứng ngồi không vững vì sức yếu tuổi cao, đang loanh quanh mấp mé với bến bờ sinh tử, hoặc đang an hưởng tuổi già với con cháu, hoặc đang trầm tư một mình ở viện dưỡng lão quạnh hiu. Xin quí vị cho người viết những dòng này lời thăm hỏi ân tình, và chợt nghĩ đến bản thân, tôi không tránh khỏi sự bùi ngùi khi nghĩ đến tuổi già không ai đợi, ai trông mà nó cứ sầm sập đi tới với mình như giông, như bão.

Nhắc tới viện dưỡng lão, một đoạn văn của một tác giả nào đó (xin lỗi người viết quên tên) đăng trên Việt Báo năm ngoái 2013 mà chạnh lòng: “Khi nào bạn được hay bị đưa vào viện dưỡng lão thì bạn mới biết được cảm nghĩ thế nào là cuộc đời ấm lạnh, biết được thế nào là tình người, tình mẫu tử hay phụ tử. Đừng nghe những bài ca, bài thơ, bài viết công ơn cha mẹ mà mê, mà hy sinh thí thân, thí mạng. Rồi con đường nào cũng đi đến “ngôi nhà chờ chết” này mà thôi…”

Thật tình tác giả này làm trái tim tôi trật nhịp. Tôi muốn khóc, tôi không biết phải nói sao đây? Quí bạn đọc, quí bạn nghĩ sao? Các cháu thế hệ một rưỡi, thứ hai, thứ ba các cháu nghĩ gì về đoạn văn trên? Tôi thông cảm sâu sắc với tác giả và cũng có chút bâng khuâng khi nghĩ đến phận mình!

Thế hệ thứ hai hôm nay, trẻ nhất cũng gần 40, tức là tôi dùng cái năm 75 “đất trời nghiêng ngửa” làm mốc đếm. Đây là giai đoạn “tứ thập tri thiên mạng”, qua rồi giai đoạn “tam thập nhi lập”, các cháu cũng đã là cha, là mẹ của thế hệ thứ ba thì các cháu cũng hiểu được nỗi gian lao của song thân mình lớp trước.

Xin các cháu thêm một lần tha thứ cho tôi, cho người già “lẩm cẩm sự đời” này. Thực ra hiểu và thương con không ai bằng cha mẹ. Chúng tôi vẫn biết cuộc sống ở đất nước tạm dung này có quá nhiều áp lực cho các cháu. Làm sao lớp người già như chúng tôi yêu cầu các cháu “sớm thăm tối viếng” như ngày xưa hoặc: “Phụ mẫu tồn, quân tử bất khả viễn du” (Cha mẹ còn sống người con hiếu không thể đi xa). Không, không thể nào được. Tình phụ tử quá đỗi thiêng liêng, dù ở người đàn ông, tình cảm ít khi biểu lộ. Vì thế, ngày Lễ Từ Phụ năm nay, các cháu đừng coi đó là ngày holiday mà chính là ngày để gợi nhớ, để nhắc nhở chúng ta nghĩ, thương về phụ thân sinh dưỡng ra mình. Đâu cần phải mâm cao cỗ đầy, quà cáp quí giá mà chỉ cần Tình thương yêu. Phải, chính là Tình Yêu viết hoa xuất phát từ trái tim mình, biểu hiện bằng sự quan tâm, sự thăm hỏi ân cần, cố gắng làm vui lòng cha mẹ vì “tuổi già hạt lệ như sương”.

Cám ơn quí độc giả theo tôi đến những giòng này. Được dàn trải nỗi lòng mình trên trang viết là hạnh phúc của riêng tôi, được san sẻ ý nghĩ tình cảm riêng tây của mình với quí vị từ lâu với tôi đã là niềm vinh hạnh.

Với những bậc từ phụ lớp trước, người viết trân trọng gởi lời thăm hỏi ân cần, chúc quí vị có nhiều niềm vui với cuộc đời, bên bằng hữu, bên gia đình cháu con; và trên hết, chúc quí vị có nhiều sức khỏe, bình thản an vui, thêm cao tuổi hạc.

Với các cháu “từ phụ” thuộc thế hệ thứ hai, người viết chúc các cháu thành công trong công việc, hạnh phúc với gia đình, dang tay giúp đỡ cộng đồng tiếp nối truyền thống dân tộc để làm nên “Mùa Xuân Việt Nam”.

Và, có lúc nào đó, các cháu dừng lại bên tâm tình của song thân, đặc biệt là phụ thân, để chiêm nghiệm suy nghĩ về câu nói của người xưa: “Còn Cha, gót đỏ như son.”

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
11/06/201419:53:33
Khách
Toi chan ghet cu cho la chuc nay , chuc no trong van-chuong nhung tai sao dung nhung danh-tu "kho nghe' tu Vietnam .
Van-chuong Mien Nam truoc khi bi mat khong du de noi hay viet ? That la " la lung " qua !!! .SAD .
11/06/201415:18:43
Khách
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến