Hôm nay,  

Quà Mừng Ngày Tốt Nghiệp Sapy

25/05/201400:00:00(Xem: 12608)
Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 4220-14-29630vb7052414

Tác giả tự nhận là người kể chuyện. Chuyện ông kể đầy xúc động về ý chí học hành của người Việt tại Mỹ. Sapy Nguyễn Văn Hưởng đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải danh dự 2001, với bài "Hoa Ve Chai" kể về công việc và tấm lòng của những người mua bán ve chai. Ba năm sau, ông nhận giải Chung Kết 2004 với bài “Giọt Nước Mắt” kể việc một kiến trúc sư gốc Việt giúp vẽ hoạ đồ xây cất Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại New Jersey. Hình kèm theo là vị tân khoa tuổi quá cổ lai hy, nhân vật của chuyện ke.

* * *

blank
Thạc Sĩ Toán Học Trần Duy Biên.

Ở vào cái tuổi đã có medicare và nhận tiền an sinh xã hội hàng tháng, hiếm ai còn được mời tới dự lễ tốt nghiệp bằng này, cấp nọ của bạn bè nữa. Có chăng là mừng cho lớp con, lớp cháu. Vậy mà tôi lại hân hạnh được một người bạn lớn hơn những năm bẩy tuổi. “Thất thập cổ lai hy”, sống tới 70 đã là hiếm rồi, riêng “cụ” Trần Duy Biên bạn tôi, đã vượt quá cái tuổi “hiếm muộn” đó, mời tới dự tiệc mừng anh rước được cái văn bằng “Thạc sĩ Toán học”, thì nó còn hiếm hoi tới cỡ nào! Làm sao mà tôi không vác mặt tới đó cho được.

Nhớ có lần nhìn cụ Biên lụm cụm, hăng hái chống gậy, khoác ba lô lên vai tới trường, tôi hỏi cụ:

- Trong lớp có phải anh là người già nhất không?

Biên gật gù:

- Nhiều lớp, tôi là người già nhất, nhưng vài lớp, tôi trẻ hơn một người.

- Ai vậy?

- Ông giáo dạy tôi.

Và cũng cái ông cụ Biên này hồi 4 năm về trước, cụ mời vợ chồng tôi tới ăn mừng ngày lãnh văn bằng Cử Nhân. Tới cận ngày ra trường, vợ chồng tôi nhận thêm một lệnh tối quan trọng: Buộc phải tới nhà cụ thật sớm, bởi “cụ bà” đã mua vé khẩn cấp bay sang bên Úc, vì phụ thân bệnh nặng, không biết Chúa gọi lúc nào.

Giờ giấc hẹn hò đã xong. Vậy mà sau gần 2 giờ lái xe từ San Diego lên đến nơi, nhà cụ vẫn cửa đóng then cài, gõ mãi vẫn chẳng thấy ma nào ra mở. Tôi đành lôi điện thoại ra gọi. Một giọng alô nhừa nhựa, giống như hồn ma bóng quế rên rỉ trong máy. Nhận ra tiếng cụ Biên, tôi làm bộ lên giọng phiền trách:

- Em đã hẹn với anh là giờ này em lên tới, sao anh vẫn còn trùm chăn gãi… cho… lăn tăn, lang tang vậy?

Giọng Biên vẫn như người sắp chết:

- Tôi đang nằm trong phòng cấp cứu.

Tôi hốt hoảng:

- Nhà thương nào?

- Fountain Valley.

Trên đường phóng xe tới nhà thương, vừa ôm chặt tay lái tôi vừa nghĩ: sáng ngày mai nhận bằng cấp, trưa ngày mai, sáu bẩy chục bạn bè hứa hẹn tới nhà chung vui, giờ này còn nằm trong phòng cấp cứu. Quả tình tôi không tài nào đoán được ngày mai sẽ ra sao?

Thế mà buổi tiệc mừng cụ Biên cầm mảnh bằng cử nhân cũng diễn ra xuông xẻ. Cụ vẫn bước tới đi lui tiếp bạn bè, vẫn nhận lời chúc tụng với gương mặt chỉ hơi chút kém tươi.

4 năm trước cụ đã như vậy, 4 năm sau sức khỏe cụ chắc không thể khá hơn được. Bởi tôi cũng phải ghé vào nhà thương thăm cụ thêm những đôi ba lần. Cho nên tuy nhận lời và hứa sẽ hết lòng giúp cụ giống như năm xửa năm xưa, nhưng trong lòng cũng hơi lo, mỗi khi nghĩ tới hình ảnh cụ nằm trong phòng cấp cứu với dây nhợ giăng giăng đầy mình.

Buổi tiệc mừng tân Thạc Sĩ Trần Duy Biên diễn ra hết sức vui vẻ và xuông xẻ. Cũng diễn văn khai mạc, chúc công thành danh toại, bách niên giai lão… Nhưng một buổi tiệc khác ở tận Buffalo bang New York, cách Little Saigon hơn 2,500 dặm đường của cháu Nguyễn Kim Long, con trai ông bà thông gia với tôi lại có “sự cố”. Nhân tiện đây tôi xin kể lại cái “sự cố” đó.

*

Năm Long lên 6 tuổi, cháu đã cùng ba mẹ và người chị gái rời trại Bataan Philippines sang định cư tại Buffalo. Cũng giống như bao gia đình tỵ nạn khác, ông bà Nguyễn Thành Nhân chấp nhận làm bất cứ việc gì có người chịu thuê mướn. Vài ngày sau khi đến Mỹ, ông Nhân xin được công việc rửa chén đĩa trong một nhà hàng Ý ở gần nhà. Nhờ công việc này mà Lan Chi và Long biết được mùi vị Spaghetti và Pizza nó ngon như thế nào. Cho dù chỉ mới được ăn phần dư thừa của khách bỏ lại do cha mang về.

Rồi đến khi ông Nhân xin được công việc tại một xưởng may. Ông vẫn không bỏ việc rửa chén. Làm mười sáu mười bẩy giờ một ngày, ông chẳng còn chút thời gian nào cho mình lẫn cho con cái. Còn bà Nhân, mấy việc như: lặt rau, giặt ủi quần áo, rửa chén bát, lau chùi nhà cửa cho đồng hương hay người lối xóm, bà đều đã từng làm qua.

Nhắc tới mấy chuyện gian khổ của ba mẹ, có lần Lan Chi, cô con dâu của vợ chồng tôi kể cho chúng tôi nghe:

- Hồi mới sang Mỹ, tuy lúc đó con mới hơn 9 tuổi, nhưng cũng nhận ra sự làm việc cực nhọc của ba mẹ con. Còn con với thằng Long đi học về là ở miết trong nhà. Ngồi chơi hay học bài gì lâu lâu tụi con lại nhìn ra đường trông ngóng ba mẹ. Thấy bóng ba mẹ từ đằng xa là hai chị em tung cửa chạy ra mừng đón. Có một lần con thấy mẹ đưa khăn lên lau mặt. Con cứ tưởng vì phải đi bộ quá xa, nên mồ hôi rịn ra trán. Mãi sau này con mới biết mẹ lau nước mắt vì tự trách bản thân mình, quá ham công tiếc việc nên bỏ bê hai con. Chính vì vậy mà con cố bắt chước, học hỏi để biết làm mọi chuyện trong nhà, từ nấu ăn, giặt đồ, rửa chén… và nhất là lo cho thằng Long, để ba mẹ an tâm làm việc. Mỗi mùa đông tới, con phải coi kỹ từng cái nút áo đến đôi giày. Lội trong tuyết từ nhà tới trường vừa đi vừa về cũng gần 4 dặm đường, sơ hở một chút là bị cảm lạnh ngay.

Nhà tôi ngạc nhiên hỏi:

- Trường học bên Buffalo không có xe bus sao con?

- Dạ, có chứ mẹ. Nhưng phải ở cách xa trường hơn 2.2 miles mới có xe bus tới đón. Còn nhà con cách trường chỉ gần 2 miles, nên phải đi bộ. Lúc mới qua tiếng Anh chưa rành, con đâu có đủ chữ nghĩa kể rõ cho cô giáo hiểu hoàn cảnh của con với Long. Tới khi nói rành tiếng Anh rồi, tụi con không còn phải lội bộ nữa.

Phần Long, có lần cháu tâm sự:

- Cháu vẫn nhớ lời mẹ căn dặn: “Con có biết từ khi nhà nước mở cửa, cho người dân buôn bán trở lại. Nhờ ơn Trời Phật và siêng năng làm việc nên gia đình ta sớm thoát khỏi cảnh đói ăn thiếu mặc. Nhưng nghĩ đến tương lai, nhất là chuyện học hành của hai chị em con, ba mẹ dứt khoát ra đi, để tụi con có được cơ hội học hành. Vậy hai đứa con phải ráng lo học. Cực khổ bao nhiêu ba mẹ cũng chịu được, miễn các con học hành tới nơi tới chốn là ba mẹ vui rồi.” Vì thấy ba mẹ quá cực khổ, cháu xin đi làm từ năm 14 tuổi. Ở tuổi đó đâu có ai dám mướn. May mà cháu được ông chủ tiệm tạp hóa Việt Nam ở gần nhà nhận cho lau nhà cửa, chùi rửa cầu tiêu hàng đêm sau khi tiệm đóng cửa. Cái nghề thứ hai trong cuộc đời là nối nghiệp ba cháu, xin rửa chén tại nhà hàng. Từ vai trò rửa chén cháu ngoi tới chức chạy bàn, chuyên bưng đồ ăn thức uống và phục vụ khách hàng. Đến ngày lên đại học, cháu ước mơ sẽ trở thành một dược sĩ, nên xin làm việc tại một nhà thuốc tây. Có được công việc làm mới nhàn hạ hơn, nhưng cháu vẫn không bỏ công việc chạy bàn. Cháu quyết chí phải tự lực cánh sinh, để ba mẹ khỏi cần bận tâm tới cháu nữa.

Nhà tôi hỏi Long:

- Làm việc nhiều như vậy làm sao cháu còn đủ thì giờ để học hành?

Thấy Long lúng túng, chưa biết trả lời sao, Lan Chi đáp thay em:

- Con cũng không hiểu sao nữa mẹ. Ít khi nào thấy nó học bài hay làm bài ở nhà lắm, vậy mà điểm toàn A không thôi. Mà nó không phải chỉ làm 2 việc đó đâu. Nó mê xe dữ lắm, vì vậy lâu lâu còn lên trên net mua đi bán lại xe cộ lẫn phụ tùng xe nữa đó mẹ.

Nghe Lan Chi nhắc tới chuyện xe cộ. Long kể tiếp chuyện mình:

- Một hôm cháu tới dự tiệc mừng ngày tốt nghiệp Trung học đứa em của một thằng bạn cháu. Ba mẹ nó qua đây từ 75, nên khá giả hơn gia đình cháu rất nhiều. Bữa đó ba mẹ thằng bạn cháu tặng cho em nó một chiếc xe hơi mới. Làm cháu nhớ lại việc cháu mua chiếc xe đang chạy. Cháu mê xe hơi dữ lắm đó bác. Cháu từng mơ có được chiếc BMW, giá tới mấy chục ngàn lận. Tiền kiếm được từ việc bồi bàn và phụ giúp trong hiệu thuốc đâu có đủ để mua xe. Ba mẹ cháu biết việc này, nên khi hay tin trường Đại Học Khoa Học Dược Khoa Buffalo nhận cháu, ba mẹ liền rút hết tiền tiết kiệm có trong nhà băng ra đưa cho cháu, để cháu có đủ tiền mua chiếc xe mình mơ ước. Tới giờ này cháu đã xin và được ba mẹ cho phép hoàn trả lại số tiền đó. Qua việc đưa hết tiền cho cháu mua xe, cháu càng thấu hiểu tấm lòng ba mẹ hơn. Tất cả những gì con cái muốn mà ba mẹ có được là ba mẹ sẵn sàng cho ngay. Giấc mơ của cháu đã thực hiện được, nên cháu luôn âm thầm tìm hiểu xem ba mẹ cháu thích thứ gì. Cháu biết: điều quan trọng nhất ba mẹ muốn là việc học hành tới nơi tới chốn của 2 chị em cháu. Tới giờ này, chị Hai đã học hành xong, đã lập gia đình và đã có tới 3 đứa cháu cho ba mẹ bồng nựng, nhớ thương. Riêng phần cháu, tuy ham làm ra tiền, nhưng chưa bao giờ sao lãng việc học. Cháu biết việc học hành của cháu hiện giờ không phải chỉ cho riêng cháu, cho ước nguyện của ba mẹ cháu thôi, mà còn cho cả ông bà Nội ở bên Việt Nam nữa, vì cháu là đứa cháu trai lớn nhất và là đích tôn của ông bà.

Hớp một ngụm nước xong Long chia sẻ thêm vài điều mỗi khi nghĩ tới ba mẹ mình:

- Hai năm cuối chương trình học dược, cháu được một hãng bào chế thuốc lớn ở Buffalo thu nhận vào làm tại đó. Ngày đầu tiên lái chiếc xe đắt tiền, bước vào văn phòng làm việc rộng thênh thang, có máy nóng, máy lạnh dành riêng cho cháu. Cháu chạnh lòng nghĩ tới ba mẹ, hiện giờ vẫn lái chiếc xe cũ kỹ. Phải thức giấc từ lúc tờ mờ sáng, vào công ty New Era Cap làm việc cho đến khi trời tối mịt. Một công việc trả lương dựa trên sản phẩm, nên bận rộn luôn tay. Rồi cháu tự hỏi lại mình: giả dụ như sau này cháu có con cái, cháu có đủ can đảm rời bỏ thành phố Buffalo thân yêu, nơi cháu đã sống từ năm 6 tuổi, có biết bao bạn bè thân quen, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, để tới một vùng đất hoàn toàn xa lạ, xa lạ cả về ngôn ngữ lẫn phong tục tập quán, chỉ vì một lý do duy nhất là để cho con cái của cháu có một tương lai tốt đẹp hơn hay không?

*

Cách đây gần một tháng, hôm vợ chồng tôi từ San Diego lái xe lên Laguna Hills thăm 3 đứa cháu nội, Lan Chi kể tiếp cho vợ chồng tôi nghe chuyện của Long:

- Long đã chuẩn bị kỹ càng và từng chi tiết nhỏ một, vì không muốn trong ngày mừng nó tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ Dược Khoa và nhận được công việc làm tốt ngay tại thành phố Buffalo, xảy ra bất cứ điều bất trắc nào.

Nhà tôi khen:

- Bố mẹ cũng mừng cho ba mẹ con có được đứa con như vậy. Ngày nào nó ra trường? Và chừng nào ba mẹ con tổ chức tiệc mừng cho nó? Vợ chồng con có sang Buffalo không?

Lan Chi đáp:

- Long sẽ nhận văn bằng tốt nghiệp vào chiều ngày 17-5-2014. Trưa Chúa Nhật hôm sau, ba mẹ con sẽ mời bà con lối xóm tới nhà dự tiệc mừng. Còn chuyện nó sắp xếp buổi tiệc diễn ra như thế nào thì ba mẹ con hoàn toàn không biết. Rất tiếc là vợ chồng con không thể bay sang Buffalo được. Vì anh Quốc phải qua New Orlean dự một kỳ thi khảo hạch rất quan trọng.

- Chiều 16 bố mẹ cũng lên nhà bác Biên, phụ với hai bác làm tiệc mừng bác trai đỗ văn bằng Thạc Sĩ Toán Học.

Lan Chi ngạc nhiên kêu lên:

- Trời ơi, bác Biên đã bẩy mươi mấy tuổi rồi mà vẫn còn đi học. Thật là một tấm gương cho tụi con.

Tôi diễu cợt:

- Các con đứa nào muốn soi cái gương sáng đó thì cứ soi, chớ bố dứt khoát không soi đâu! Soi nó rồi còn thì giờ đâu để chơi với 3 đứa cháu nội của bố nữa!

Chiều ngày 16-5-2014 cũng đến, vợ chồng tôi lên tận nhà tiếp tay cùng vợ chồng anh bạn mãi đến khuya mới quay trở về nhà dâu con. Qua sáng 17, trước lúc đưa Quốc cùng Lan Chi ra phi trường để bay qua New Orlean. Lan Chi rầu rầu vắn tắt báo tin:

- Sáng sớm nay, thằng Long báo cho con với anh Quốc biết: chuyện nó sắp xếp từ bấy lâu nay đổ vỡ, tan nát hết rồi! Nó mất hết tinh thần, không biết phải làm gì và cũng không biết ngày ra trường của nó sẽ ra sao nữa!

*

Long mất gần nửa năm trời lùng xục khắp mọi nơi bán xe quanh Buffalo và vùng phụ cận, mong tìm ra một chiếc xe đúng với ý mình, để làm quà tặng cho ba mẹ nhân ngày mình công thành danh toại. Mãi đến lúc tới hãng Northtown Lexus, đứng ngắm nhìn chiếc Lexus RX350 đời 2011 màu đen bóng lộn một chặp xong, Long biết đó đúng là chiếc mình đang muốn tìm.

Sở dĩ Long phải đặt mua xe trước ngày ra trường cả tháng trời, vì không muốn có một sơ suất nào, cho dù thật nhỏ bé, xảy ra vào cái ngày trọng đại nhất của cuộc đời mình. Ngày đó phải thật êm đềm, hào nhoáng cũng giống như dàn máy và dàn đồng, ghế nệm của chiếc Lexus này.

Trước lúc ký giấy tờ và trao tiền mua xe. Chợt một hình ảnh đã qua từ hơn 7 năm trời vụt sáng lên trước mắt Long. Ngày đó, qua một đoạn phim quảng cáo thương mại trên truyền hình của hiệu xe Lexus. Có chiếu cảnh một người đàn ông mua tặng cho vị hôn thê mình một chiếc Lexus sang trọng, trên mui có dán chiếc nơ đỏ thắm. Ngay lập tức, bằng một giọng dứt khoát, Long đòi hỏi: “Tôi muốn có thêm một cái nơ đỏ thật to, để đặt trên mui xe. Chỉ có vậy thôi là xong xuôi mọi việc”. Người bán xe tươi cười, bước vào bên trong, mang ngay ra một cái nơ trao tận tay Long. Và cái nơ xe đó vẫn nằm sẵn trong chiếc xe suốt từ ngày đó cho đến tận bây giờ.

Chuyện hoàn tất việc học hành đến với Long thật tự nhiên, chẳng có điều gì cần nghĩ ngợi và bàn tới nữa. Công việc làm sau ngày ra trường Long cũng đã chọn lựa và ký kết xong. Việc trước mắt hiện giờ là làm sao cho ba mẹ thật ngạc nhiên, thật vui mừng, thật hạnh phúc trong buổi trưa Chúa Nhật 18-5-2014. Thời gian trôi thật chậm, như muốn trêu chọc sự háo hức, nôn nóng trong Long.

Long biết, thứ Bẩy là ngày nhận bằng tốt nghiệp mình sẽ hết sức bận rộn, nên ngay sáng thứ Sáu, Long gọi điện thoại tới Northtown Lexus, căn dặn họ chùi rửa chiếc Lexus sao cho thật bóng bẩy từ trong ra ngoài, để sẵn sàng cho Long đến nhận xe lúc 4 giờ chiều. Đã biết rõ ý định của khách mua hàng, nhân viên hãng xe đã làm tốt hơn những gì Long đòi hỏi. Long sung sướng lái chiếc xe sáng loáng, chẳng khác chi xe mới, tới gởi nhờ nhà Laymone, một người bạn thân, cách nhà mình vài phút lái xe. Long cẩn thận chạy thẳng vào “driveway”, đậu trước cửa garage, ngay phía sau xe của bạn. Đứng ngắm tới ngắm lui chiếc Lexus thêm một lúc xong, Long mỉm cười, trở vào nhà trao chìa khóa cho Laymone

*

blank
Lexus RX350 đời 2011 sau tai nạn.

Trời bên ngoài mới hừng sáng, chiếc điện thoại di động đặt trên đầu giuờng run lên từng chập. Long uể oải áp chiếc Iphone vào tai. Giọng Laymone réo lên trong máy:

- Long ơi! Chiếc Lexus của mày chắc bị thằng nào say xỉn đụng vô rồi.

- Thôi, tao buồn ngủ thấy mồ, đừng giởn chơi nữa.

Laymone gào lên:

- Tao không có giởn chơi đâu! Chiếc xe của mày bị đụng thiệt rồi đó.

Long cãi lại:

- Đâu có thằng nào say xỉn và khùng tới độ, chạy thẳng vô “driveway”, tông cho xe tao móp, rồi de trở ra bỏ chạy.

- Không phải vậy đâu. Hồi hôm bà xã tao sai tao chạy đi mua tã cho thằng con. Xe mày đậu ngay sau đít xe tao, nên tao mới phải lái chiếc Lexus ra ngoài đường, đậu trước mặt nhà tao. Lúc trở về, vừa định de chiếc xe của mày trở lại chỗ cũ, tao chợt nghĩ, con đường trước nhà tao vắng hoe, đâu có nhiều xe cộ qua lại, nên tao để nó nằm ngoài đường luôn. Mày chạy qua liền đi, chiếc Lexus bị đụng nặng lắm đó.

Trên đường đến nhà Laymone, Long vẫn hy vọng đó chỉ là một trò đùa quá lố của bạn. Nhưng sang đến nơi, nhìn chiếc xe móp méo, Long đứt từng đoạn ruột, tự nhiên nước mắt ứa ra. Bao nhiêu dự tính trong đầu, bao nhiêu ngày cố sửa soạn thật chu đáo, kỹ lưỡng, giờ mọi sự tanh bành y chang như chiếc xe trước mặt. Móp méo đến như vầy làm sao còn đủ thời gian sửa chữa! Mình phải làm gì đây vào những giờ sắp tới? Phải ăn nói sao đây với bè bạn, với lối xóm và nhất là với ba mẹ, trước sự việc đáng tiếc này?

Rồi việc gì phải làm, cần làm vẫn tuần tự phải diễn ra. Long gọi cho cảnh sát tới làm biên bản. Gọi cho hãng bảo hiểm. Trong lúc chờ đợi, dựa vào dấu tích để lại hiện trường, gồm một cái cảng trước và cái hộp đèn lái phía bên trái chiếc xe gây tai nạn. Bằng chút kinh nghiệm từng mua bán phụ tùng xe hơi, Long đoan chắc thủ phạm chính là chiếc xe hiệu Ford Fusion đời 2006 màu xanh. Nhân viên bảo hiểm tới nơi, định giá sự thiệt hại lên đến 6,500 đô la, và phải mất ít nhất 2 tuần chiếc xe mới sửa xong.

Rời nhà Laymone, Long chạy tới một quãng đường vắng, đỗ xe lại, kéo chiếc ghế cho dài ra, ngả mình nằm xuống, bấm số gọi nói chuyện với chị mình. Long nghẹn ngào ngay từ câu nói đầu:

- Chị Hai hả?

Lan Chi hốt hoảng:

- Chuyện gì vậy em?

- Mọi chuyện tan nát hết rồi. Chiếc Lexus bị đụng hồi sáng sớm nay chị Hai ơi!

- Vậy em có sao không? Ba mẹ có sao không?

- Dạ, không có ai bị sao hết.

Lan Chi thở phào nhẹ nhõm, giọng bớt căng thẳng:

- Không có ai bị gì hết là may rồi. Hãy bình tĩnh, từ từ kể cho chị Hai nghe.

Trong nỗi xúc động ngập lòng, Long kể lại mọi sự việc, rồi nói luôn tâm trạng rối bời:

- Nhìn chiếc Lexus tanh bành, em không tiếc gì chiếc xe hết. Nhưng em khóc bởi đau lòng nghĩ tới ba mẹ, sao cứ phải chịu cực khổ mãi như vầy.

Ngồi một bên lắng nghe vợ và em nói chuyện, Quốc choàng một tay sang ôm lấy Lan Chi. Giờ phải ra phi trường đã đến, trong hối hả, Lan Chi vội khuyên em:

- Hay em thử gọi tới tòa soạn “The Buffalo News” nhờ nơi này loan tin trên báo, may ra có thể tìm được thủ phạm gây tai nạn nhanh hơn.

Long chán nản lắc đầu:

- Có tìm ra người đụng vô xe em thì mọi chuyện cũng tiêu tan hết rồi. Mà em cũng còn tâm trí đâu để lo mấy cái chuyện này nữa!

Vì thế trong lúc chờ đợi chuyển phi cơ bay qua New Orlean, Lan Chi đã thay em làm mọi việc. Nghe Lan Chi vắn tắt thuật lại câu chuyện vừa xảy đến với Long, người nhận điện thoại của “The Buffalo News” liền hứa: sẽ cử nhân viên tới đúng giờ bữa tiệc khai mạc, để quay mọi diễn tiến xảy ra.

*

Tới lúc trở về căn nhà vắng hoe, nằm dài trên chiếc sofa, nghĩ tới nghĩ lui mãi Long cũng chẳng nghĩ ra mình phải làm gì? Bao nhiêu dự tính bấy lâu nay đều hoàn toàn sụp đổ. Niềm sung sướng lúc căn dặn ba mẹ, mời hết bạn bè lối xóm, cùng cư ngụ trên đoạn đầu khúc đường Brayton tới chung vui với gia đình mình, vẫn chưa nhạt phai. Lời mời các bạn đồng nghiệp, kể cả các vị nha y dược sĩ đến để tăng thêm niềm hãnh diện cho ba mẹ vẫn còn văng vẳng bên tai. Rồi bao sự hình dung, mơ tưởng tới giờ phút trọng đại. Sau khi mọi người hiện diện đông đủ, chiếc xe quấn chiếc nơ đỏ thật to lù lù xuất hiện. Làm sao ba mẹ có thể tưởng tượng nổi một ngày đãi bà con lối xóm một bữa nướng thịt ăn ngoài trời, để mừng con ra trường, lại tưng bừng đông vui đến như vậy. Ba mẹ càng bất ngờ, càng ngạc nhiên bao nhiêu thì niềm hạnh phúc trong Long càng dâng cao theo.

Ánh nắng đang ngả dần về tây, dòng suy tư trong Long buộc phải chuyển hướng, bởi giờ buổi lễ ra trường sắp gần kề. Long thầm nghĩ: chẳng biết mình sẽ lên lãnh nhận tấm bằng phải đánh đổi suốt hơn 20 năm học tập, cộng với bao sức lực và kỳ vọng của ba mẹ, bằng thái độ nào đây? Tươi cười rạng rỡ hay u sầu ủ dột? Nếu phải cười làm sao gương mặt có thể rạng rỡ cho được khi trong lòng héo đeo. Tại sao mình lại phải đương đầu với bao tình huống đối nghịch nhau như vầy. Chưa bao giờ Long cảm thấy bị lâm vào hoàn cảnh bế tắc như hiện giờ. Long biết mình có nghĩ thêm cũng chẳng ích lợi gì. Đành phải buông xuôi mọi chuyện, mặc cho ra sao thì ra.

*

blank
Tiệc mừng ngày tốt nghiệp 18-5-2014. (ảnh the Buffalo News)

Rồi việc gì đến cũng phải đến, Long phụ giúp ba mẹ chuẩn bị bữa tiệc như cái xác không hồn. Long cố lẩn tránh để ít phải trò chuyện hay đối mặt với ba mẹ. Long đã kể rõ mọi dự tính của mình cho đồng nghiệp cùng những bạn bè thân thiết biết mọi việc tuần tự sẽ xảy ra trong ngày hôm nay. Nên khi gần tới giờ đã định mà quang cảnh sau vườn và cạnh lối vào garage, vẫn chỉ thấy khói bốc lên từ mấy cái lò nướng thịt. Chốc chốc lại có người ghé vào tai Long hỏi nhỏ:

- Đâu, đâu chiếc xe đâu? Chiếc xe có cái nơ màu đỏ thật to trên mui đâu rồi? Chừng nào mới cho nó xuất hiện? Chừng nào mới trao quà?

Long chẳng biết trả lời sao, còn mọi người cứ ngỡ Long muốn kéo dài thêm những giây phút quý báu đó. Khi nhân viên quay phim, chụp ảnh của “The Buffalo News” tới, càng làm cho buổi họp mặt hồi hộp, bí ẩn thêm. Cuối cùng Long cũng phải mời ba mẹ ra trước mặt mình, nói vừa như ngại ngùng, vừa như bối rối:

- Thưa ba mẹ, trong lòng con muốn bữa tiệc mừng con ra trường ngày hôm nay chỉ là việc phụ, là một cái cớ. Vì vậy con mời hết thẩy đồng nghiệp, bạn bè thân thiết đến nhà ta hôm nay để cho con cơ hội vinh danh và cảm tạ ơn ba mẹ đã sinh thành ra con, đã vì tương lai đời con, mà ba mẹ phải rời xa quê hương, bỏ lại bà con dòng tộc, để đưa con tới đất nước này. Ba mẹ dựng lại cuộc đời mới nơi xứ người, với hai bàn tay trắng, với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi, nên phải gánh chịu bao gian lao khổ cực, để cho con có được ngày hôm nay. Con chẳng biết lấy gì để báo đáp phần nào công ơn ba mẹ. Rồi đến một ngày, con chợt nhớ lại hồi con mua chiếc Lexus đời 94. Lúc đưa chiếc xe cho ba lái, trước khi đề máy, ba có nói: “Hồi 94 gia đình mình mới qua tới đây, làm sao ba dám mơ có ngày mình được ngồi trên chiếc xe xịn như thế này”. Thưa ba mẹ, con đã mua một chiếc Lexus, đẹp, mới và đầy đủ tiện nghi hơn chiếc ngày xưa ba từng ngồi lên trên đó rất nhiều. Con dự tính giờ phút này con sẽ quỳ dưới chân ba mẹ, nâng bằng cả hai tay, dâng chìa khóa chiếc xe đó lên kính tặng ba mẹ.

Nói đến đây nước mắt Long tự nhiên ứa ra. Long khóc, ngước mắt lên thấy ba mẹ cũng khóc, vài người đến chung vui cũng khóc.

Trong nghẹn ngào Long tiếp tục nói:

- Nhưng thật xui xẻo, hồi khuya hôm qua, chiếc xe đó chẳng may bị đụng, hãng xe đã kéo nó đi sửa. Giờ này trong tay con chỉ có tờ biên bản của cảnh sát và tấm ảnh chụp chiếc xe móp méo đậu bên lề đường…

Long vốn không thích kể lể dông dài, nhưng bởi tình tiết trong câu chuyện quá lê thê, lại phải nói bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, để cho mọi người và nhất là cho ba mẹ Long hiểu, khiến cho buổi họp mặt kéo dài thêm. Nhờ vậy khách khứa đều đói meo và bữa thịt nướng càng ngon miệng và đậm đà thêm hương vị.

*

Rồi những gì xảy ra trong buổi chiều Chúa Nhật 18-5-2014 được “The Buffalo News” tường trình lên mặt báo cũng như trên internet. Nhờ vậy một người đàn ông sau khi đọc xong bản tin, đã nghi ngờ tai nạn đó do chính cậu con trai mình gây ra. Ông liền gọi tới sở cảnh sát trình báo sự việc. May cho cậu thanh niên trẻ người non dạ, chỉ bị phạt vi cảnh 260 đô la. Hãng Northtown Lexus nơi Long mua xe cũng hay biết chuyện này. Một vị giám đốc mời Long tới hãng, đưa cho Long chìa khóa chiếc Lexus, y hệt như chiếc Long mua tặng ba mẹ, để ông bà Nhân xử dụng cho đến ngày xe sửa chữa xong.

Nhìn lại sự việc đã qua, Long thấy mọi chuyện diễn ra tốt đẹp hơn mình sắp xếp rất nhiều. Trong cái rủi có cái may. Nhờ cái may đó, nhiều người quen biết cũng như chưa từng giáp mặt đã gọi đến Long, vừa chúc mừng vừa chia sẻ, tâm tình. Long thích nhất một lời kết luận: Giấc mơ Mỹ quốc của gia đình Long nói chung và của ba mẹ Long nói riêng đã thành hiện thực.

Long cũng chạnh lòng nghĩ tới nơi chôn nhau cắt rốn. Chẳng biết đến bao giờ mấy đứa trẻ từng ăn đồ dư thừa như Long ngày còn bé, mấy đứa đánh giày, bán vé số, lượm ve chai, lang thang đầu đường xó chợ… có được cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Những người làm các nghành nghề mà người Việt chê bai là thấp hèn, không còn bị miệt thị, khinh chê, sẽ luôn được đối xử bình đẳng như tất cả mọi người. Lời cảm ơn ba mẹ, Long đã nói lên được. Giờ Long cũng muốn nói lời cảm tạ người dân và đất nước Hoa Kỳ, đã biến mọi điều ước mơ của từng người trong gia đình Long thành hiện thực.

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
31/05/201403:38:20
Khách
Rất cảm động bác hưởng ạ.... Tụi sinh viên nghèo bên việt nam như con cũng mong ước làm gì đó để trả hiếu cho ba mẹ như anh Long nhưng bác về quê nhìu rồi bác cũng thấy đó... Ko phải đâu cũng trân trọng con người như bên đó.chính tại nơi chôn nhau cắt rốn thì tụi con còn cơ cực hơn nhìu,mong một ngày nào chắc sẽ rất lâu nơi con ở cũng sẽ có đc sự tử tế như bên bác.
Cám ơn bác đã mail cho con và chúc bác cùng gia đình luôn mạnh khỏe.
30/05/201413:07:03
Khách
Congratulation Tan Thac Si. You are a role model for young people to follow. I am just fifty years old, and just coming to the University. I try to follow your footstep to graduate 4 years from now with a Bachelor degree.
29/05/201419:50:26
Khách
nhưng mà tác giả để chữ sự cố trong ngoặc kép mà. Đời nay kiếm được người con có hiếu như cậu Long nầy coi bộ hơi hiếm .
29/05/201416:22:10
Khách
Cám ơn tác giả đã chia sẽ! Truyện rất hay và cảm động về tấm lòng hiếu thảo của người con...Nhưng hơi tiếc là tác giả lại dùng tữ ngữ của bọn Việt cộng "sự cố" thành ra khi đọc tôi có phần hơi bị dị ứng với chữ nghĩa của bọn csvn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến