Hôm nay,  

Tấm Ảnh Sống Sót

19/04/201400:00:00(Xem: 19470)
Người viết: Orchid ThanhLê
Bài số 4188-14-29598vb7041914

Bài viết là hồi ức vê những ngày sau Tháng Tư 1975 tại Sàigòn, khi mọi gia đình miền Nam phải đốt bỏ sách vở và những hình ảnh cũ. Tác giả sinh trưởng tại Sài Gòn, định cư tại Hoa Kỳ tháng 9 năm 1997. Hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Với hai bài đã phổ biến trước đây, “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh” và “Vết Thương Xát Muối,” Orchid Thanh Lê là tác giả đã dành được sự trân trọng đặc biệt của bạn đọc.

* * *

Nghe tiếng chuông điện thoại reng, tôi nhìn vào màn hình bé xíu, nhận ra người gọi:

- Chị Hợp hả? Em đây.

- Hai tuần nữa là giỗ bố.

- Em nhớ, ngày thứ ba, hôm đó vợ chồng em sẽ nghỉ phép lái xe về.

- Năm nay anh chị em tụ họp đông đủ, chị có ý kiến này.

- Chị nói đi.

- Hôm trước chị Yến bạn chị cho xem một cái phim mà con chị ấy gom hết các hình ảnh gia đình vô máy vi tính, có ghi chú thời gian, khung cảnh của mỗi bức ảnh. Chị Yến nhờ in ra CD để bốn đứa con chị ấy mỗi đứa giữ một bản. Chị thấy cũng hay, chị Yến làm như vậy để ngộ sau này mất đi, những tấm ảnh sẽ không bị mai một...

- Em hiểu rồi, chị muốn làm tương tự cho gia đình mình, đúng không?

- Ừ, nếu không mất thì giờ nhiều cho cô.

Phào, chị tôi lúc nào cũng rào trước, đón sau. Nếu ngại thì không nhờ, mà nhờ rồi thì ngại gì nữa? Tôi đánh nhanh rút gọn:

- Được, em sẽ dùng PowerPoint để làm. Chị gom hết ảnh gia đình đi, nếu sắp ảnh theo thứ tự thời gian thì đỡ cho em.

- Cô yên tâm, cuối tuần cô lên thăm mẹ thì chị sẵn sàng cho cô. À, mà này, có luôn cả tấm ảnh bố chụp ở Capitol Hill năm 1963 đấy.

Kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại với chị Hợp, tôi thừ người mường tượng lại tấm ảnh mà chị Hợp nhắc nhớ, gợi cho tôi một kỷ niệm không thể xóa nhòa.

*

Tháng Tư. Người khóc hận. Đất trời buồn.

Biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi trở thành chứng nhân lịch sử như bao người dân Việt khác. Khi bố tôi gia nhập Võ Bị Đà Lạt khóa 11, ông lớn tuổi khá nhiều so với các bạn đồng khoá vì vậy bố đã có thể giải ngũ ngay từ đầu thập niên 70 sau khi mắt ông trải qua hai cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Ông trở thành thường dân nhưng gia đình tôi vẫn còn ở trong cư xá quân đội. Ngày mất Sài Gòn, cư xá ngập tràn khói súng cùng khói đốt của các bộ quân phục và các chứng từ liên hệ. Bố tôi đau lòng nhìn cảnh đồng đội trút bỏ quân phục hay cắt xoạc đôi giày nhà binh bền chắc ném vào đống lửa.

Mỗi gia đình chọn một cách chôn vùi quá khứ hòng đương đầu với thực trạng. Riêng bố, ông lặng lẽ vuốt thẳng những bộ quân phục còn cất giữ như một lời chào vĩnh biệt, đặt chúng vào một rương gỗ nhà binh cùng với hai đôi giày bốt. Bố tôi khóa chặt chiếc rương như thể người ta nghiêm trang đóng nắp một chiếc quan tài. Ông đem chiếc rương đặt xuống cái hố to cuối cư xá cách nhà độ hai mươi mét mà ai đó mới đào vội vàng. Cũng cái hố đó chưa đầy một năm sau, ông mục kích cảnh người ta xô nhau đào bới, hể hả lấy được bộ quần áo trận, nhuộm đen nhẻm mặc đi lao động thủy lợi.

Bố dặn mọi người trong nhà tự giác gom những sách vở, giấy tờ liên hệ đem đốt hoặc xé bỏ. Tôi lúc ấy mới tập tễnh ở những năm đầu của trung học, bé nhất nhà, nên gần như không có gì góp vào cái mớ liên quan đến “Mỹ Ngụy”. Duy nhất có quyển sách “English for Today” bìa vàng mà tôi liệt vô danh mục “đồ của Mỹ” là được tôi giữ lại, chỉ đơn giản là tôi thích tiếng Anh nhất trong các môn học. Các anh chị tôi mạnh người nào người nấy thổn thức chia tay với những quyển sách truyện và những tờ nhạc vuông to in hình các ca sĩ ngoài bìa. Bố mẹ tôi lần mở hai thùng album gia đình, bần thần định đoạt số phận phải ra đi của những tấm ảnh.

Cái việc xóa đi quá khứ tưởng phải làm xong càng gấp càng tốt nhưng mỗi thành viên trong gia đình tôi do quá bi lụy mà dùng dằng đến cả tuần lễ vẫn không sao đoạn tuyệt được với cả núi “văn hóa phẩm đồi trụy”. Từng tấm ảnh là từng kỷ niệm, mỗi quyển sách hay bản nhạc là kết quả của sự dành dụm tiền ăn quà của anh chị tôi hoặc là phần thưởng của bố mẹ thưởng cho đứa con có kết quả học tốt.

Rốt cuộc thì gia đình tôi không thể trì hoãn làm đám tang cho những thứ nêu trên. Tôi và các anh chị dù không nói ra nhưng đều ngầm biết rằng mỗi đứa đều lén cất dấu một vài thứ mà mình yêu quí. Phần tôi nhanh tay kẹp vào quyển sách tiếng Anh bìa vàng một tấm ảnh bố chụp tại Hoa Thịnh Đốn khi đi tu nghiệp năm 1963. Trong tấm ảnh, bố tôi khoác áo vest đứng trước điện Capitol Hill. Vào thời điểm hỗn quan hỗn quân, bao nhiêu điều tôi nghe về Việt cộng đều rất khiếp sợ, nhất là khi gia đình tôi bàng hoàng nghe tin gia đình cậu Bộ ở Vũng Tàu, một người em họ xa của mẹ, gồm hai vợ chồng và tám người con, đã uống thuốc độc tự tử để các con gái của cậu không phải lấy các ông Tròn (thương binh Việt cộng) hay bị rút móng tay móng chân. Thành thử ra trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó cũng ý thức được điều nguy hại khi dấu diếm một cái gì mà Việt cộng không ưa. Tôi tự trấn an mình rằng trong tấm ảnh này bố không mặc quân phục và chỗ cất dấu là ngay trong kệ sách để khơi khơi trước mắt làm sao ai lục tới.

Tiếp theo sau biến cố lịch sử tháng tư là những tháng ngày đọa đày không chỉ cho riêng gia đình tôi. Biết bố tôi giải ngũ khá lâu, đi “học tập tư tưởng” hơn một tháng thì trở về, chính quyền địa phương luôn gây khó dễ tuồng như kiếm cớ hòng ghép tội bố tôi để cho đi tù “cải tạo”.

Một buổi tối gần giờ đi ngủ, cửa nhà tôi bị đập ầm ầm để chính quyền địa phương vào khám xét tàn dư văn hóa Mỹ Ngụy. Tôi còn nhớ gã công an khu vực tên Tới đi với một gã khác cũng mặc sắc phục, nghênh ngang bước vào nhà nhìn quanh nhìn quất, tiến đến kệ sách quơ gạt, lật mở tứ tung các sách đã được sắp xếp theo trật tự. Trong khi lục lọi mớ sách, tấm ảnh của bố tôi rơi ra khỏi quyển sách vàng. Tôi điếng người. Gã công an tên Tới nhặt tấm ảnh, lật trước lật sau ngắm nghía (may quá, tấm ảnh không có chú thích).

Có tật giật mình, tôi vọt miệng:

- Cái ảnh này bố cháu chụp ở Toà Thánh Tây Ninh đấy.

Đời thưở nào tôi chỉ nghe địa danh Tây Ninh, chưa được bố mẹ cho đến đó, dù chỉ một lần. Tôi nghe người lớn nói ở đó có Toà Thánh Cao Đài thì trong lúc dầu sôi lửa bỏng này tôi quýnh quáng nói liều. Nói xong, tôi nhận ngay mấy cái nhìn sắc lẻm của gia đình khiến tôi không dám ho he thêm. Gã đi chung với tên công an Tới ghé đầu nhìn tấm ảnh, săm soi:

- “Hoành tráng,” anh nhẻ? Hôm nào đi Tây Linh một chuyến.

Cả nhà thót tim, nín thở chú mục vào hai gã công an. Cảm ơn Trời Phật. Tấm ảnh rốt cuộc được ném xuống bàn. Thâm tâm tôi không lo tấm ảnh bị xé nát mà sợ rằng nó bị dùng làm bằng chứng ghép tội bố tôi làm tay sai cho đế quốc Mỹ để bị đưa vào trại cải tạo. Kết quả lần truy quét đó, vài ký giấy báo cũ cùng vài quyển truyện dịch từ kệ sách bị trưng thu với lời cảnh cáo miệng dù mẹ cố gắng giải thích rằng bà giữ lại mớ giấy báo chỉ để làm giấy gói hàng.

Kể từ hôm đó, tấm ảnh được ai đó trong gia đình dấu kỹ hơn. Tôi bỗng dưng mất đi thói quen ngồi lật lại quyển “English for Today” để ngắm nhìn tấm ảnh của bố nằm yên giữa trang sách nhưng cũng thực sự từ đó trở đi tôi không dám đòi xem lại tấm ảnh. Sau này, khi được thấy ảnh về Toà Thánh Tây Ninh thì tôi hú hồn hú vía, khó mà nhìn ra điểm tương đồng chứ nói gì đến sự tương tự giữa hai kiến trúc. Giả như một trong hai tên công an kia đã từng đi đến Toà Thánh, hoặc đã xem hình ảnh về điện Capitol Hill, thì sự thể ra sao đây? Tôi không dám nghĩ tiếp.

Theo thời gian, tấm ảnh cùng bố mẹ tôi di cư sang Mỹ. Anh Nghiêm, một người anh em cô cậu với tôi, sau này có dịp xem tấm ảnh chụp bố đứng trước điện Capitol Hill, nói với mẹ tôi:

- Con thấy trong ảnh này cậu trông không khác là bao so với cậu trong ngày cưới mợ. Ngày đó con là thằng bé con cùng chúng bạn chạy ra bờ đê xem rước dâu. Con nhớ mợ mặc áo dài tím tay che dù đi bên cậu.

Mẹ tôi di cư vô Nam mang theo được chiếc áo cưới kỷ niệm. Chiếc áo dài màu tím lam hồng bằng nỉ, tôi đoán đất trời miền Bắc lúc đó đang mùa lạnh. Thời xa xưa ở miền quê làm sao có được tấm ảnh cưới. Thôi thì tấm ảnh cưới của bố mẹ được giữ trong ký ức ông anh nhạc sĩ của tôi cũng đủ ấm lòng gia đình. Đó là tấm ảnh hoài niệm thường được anh Nghiêm đem ra mở đầu câu chuyện mỗi khi ghé thăm. Còn tấm ảnh chụp bố tôi đứng trước điện Capitol Hill, đích thực là tấm ảnh sống sót.

Bố ạ, nhìn tấm ảnh sống sót này người người khẳng định là lúc đó bố ở trời Tây, dứt khoát không phải ở Tây Ninh, bố nhỉ!

2014

Orchid Thanh Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến