Hôm nay,  

Vết Thương Xát Muối

30/03/201400:00:00(Xem: 45030)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4173-14-29583vb8033014

Ngày 2 tháng 4 hàng năm được chính thức công nhận là “Ngày Thế Giới Nhận Biết Về Bệnh Tự Kỷ” (World Autism Awareness Day) kể từ năm 2007. Chuyện được kể trong bài viết sau đây nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ trong cộng đồng Việt. Tác giả Orchid Thanh Lê hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sỹ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh.”

* * *

Lần về thăm cha mẹ ở Việt Nam, nghe Phong kêu đau bại một bên vai vì gắng sức vác chiếc ba-lô nặng hơn trọng lượng cho phép, một người bạn thân rủ Phong đến dịch vụ đấm bóp của những người khiếm thị. Cách điều hành của trung tâm rất đàng hoàng, họ thu nhận những người khiếm thị, dạy nghề thành thục rồi điều phối nhân viên nam phục vụ khách nam, nữ phục vụ nữ, không bát nháo như một số nơi đấm bóp trá hình mà nhiều người từng truyền miệng.

Chàng thanh niên đấm bóp cho Phong là người mau chuyện, tâm sự rằng anh bị mù bẩm sinh và cố gắng tự lập để không là gánh nặng cho gia đình. “Hổng thấy đường khổ lắm chú ơi. Hồi trước con đi bán vé số bị trả tiền tầm bậy hoài, bây giờ được vô hội người khiếm thị và dạy nghề đấm bóp nên con đỡ khổ hơn.”

Nghe chàng trai trẻ khiếm thị kể lể, Phong chạnh lòng nghĩ đến nỗi niềm riêng “Hỏi anh nhé, nếu có người nghe được mà không nói được, đầu có óc hẳn hoi mà không suy nghĩ được, vậy bệnh đó có khổ hơn bệnh khiếm thị của anh không?” Anh ta ngẩn người “Kỳ vậy chú, hồi nào đến giờ con chỉ nghe có người câm điếc là không nghe và không nói được; còn người điên mới không trí nhớ, chớ có ai nghe được mà lại không nói được rồi còn tửng tửng như chú tả đâu?”

“Có chứ. Anh nghe nói đến bệnh tự kỷ bao giờ chưa?”

“Dạ, con chưa nghe. Bệnh ra sao, chú?”

“Khi nào rảnh thì anh tìm hiểu cho biết.” Phong muốn kết thúc câu chuyện, dúi cho chàng thanh niên khiếm thị tiền thù lao rồi bước ra ngoài. Đó là một nỗi đau lớn trong cuộc đời vợ chồng Phong nếu như ai cố ý hoặc vô tình khơi gợi.

Nhân, con trai của Phong, còn được bồng trên tay lúc gia đình nhỏ của Phong được bảo lãnh sang Mỹ. Bên ngoại ai cũng khen thằng bé ngoan, ít khi quấy khóc hoặc vòi vĩnh đòi phải có người chơi cùng. Khi Nhân vào độ tuổi mà đứa trẻ có thể nhận biết người thân chung quanh, Diệu, vợ của Phong, linh cảm sự bất thường khi con không hề trao đổi ánh mắt giao tiếp. Diệu nhận xét “Lẽ ra con mình phải biết nhận ra người lạ, người quen, nhưng đằng này con lại tránh mắt nhìn của người đối diện.”

Không ai chú ý đến sự lo lắng của Diệu, chỉ đơn giản cho đó là sự quan tâm thường tình của một người mẹ. Khi Nhân đến tuổi tập nói, Diệu càng điếng người khi quan sát con chỉ yên lặng hoặc phát ra những âm thanh ứ, é, dường như muốn giao tiếp để đáp lại.

Diệu bần thần ngắm thằng bé Nhân mặt sáng như trăng rằm, cười hồn nhiên với má lúm đồng tiền nhưng chớ hề bập bẹ tiếng nói đầu đời như “ạ” hoặc “ba.” Nhiều lần Diệu thử ngồi cách xa con, thay đổi vị trí khác nhau, rồi lắc lục lạc hoặc vỗ tay để trắc nghiệm xem con có bị điếc hay không thì rõ ràng thằng bé quay đầu lại nơi phát ra tiếng động. Diệu thở phào nhẹ nhõm, riêng Phong trách vợ “Em khéo lo. Con trai thường không lanh như con gái nên bé Nhân chậm nói là đúng rồi.”

Cô em chồng có đứa con trai sinh trước Nhân hai tháng và thằng cháu lúc đó nói chuyện như khướu. Cô gọi điện thoại trách rằng chị chiều con quá, rằng me nói chị dạy tiếng Anh cho Nhân sớm quá rồi lại nói tiếng Việt ở nhà nên thằng bé lộn xộn giữa hai thứ tiếng đâm ra không nói được. Diệu không tranh cãi, luôn cảm nhận một điều không ổn xảy đến cho Nhân.

Nhân ngày một lặng yên không giao tiếp thì Phong càng đăm chiêu tư lự. Anh Sơn của Diệu, bị thất nghiệp đúng lúc ba chị em Diệu cùng gia đình nhỏ của mỗi người được bảo lãnh sang Mỹ sau hơn mười một năm chờ đợi. Chân ướt chân ráo đến Mỹ, vợ chồng Phong chưa tìm được việc làm ngay. Thương em gái và em rể còn bỡ ngỡ nơi xứ người lại thêm quẩn trí vì thằng bé Nhân chưa biết nói, anh Sơn thúc dục hai vợ chồng lúc đó vẫn chưa biết thằng bé bị bệnh gì “Hai đứa em đưa thằng Nhân đến ông bác sĩ chuyên về thần kinh mà anh quen để xem ông chẩn đoán thế nào. Đừng ngại tiền, anh lo được.”

Vợ chồng Phong nghe lời, làm hẹn đưa Nhân đến gặp bác sĩ. Lúc đó, Nhân còn nhỏ, ngồi ngoan trong lòng mẹ nên hai mẹ con Diệu có thể ngồi chờ bác sĩ mà không cần Phong phụ giúp. Cửa phòng vừa mở, Diệu mở lời: “Chào bác sĩ, tôi mới từ Việt Nam sang. Tôi nhận thấy có vài điều bất thường nơi con tôi nên...” Chưa nghe hết câu, ông bác sĩ nắm tay dẫn tuột Diệu ra cửa “Ở đây chúng tôi không chữa loại bệnh này, cô đưa cháu đi gặp bác sĩ khác nhé.”

Bàng hoàng tột độ, Diệu bồng thằng bé Nhân đứng như trời trồng trước cánh cửa phòng mạch đóng lại, không tin vào những gì mắt thấy tai nghe. Lúc kể lại cho anh Sơn và chồng điều xảy ra, Diệu cay đắng thốt “Em không hề nói đến sự quen biết hay xin giảm tiền khám bệnh gì đâu mà ông bác sĩ lại đối với em như vậy, thật là chuyện khó tin ở xứ Mỹ này.” Phong chán nản “Chuyện gì cũng có thể xảy ra dù ở bất cứ đâu.” Anh Sơn buồn bã ra mặt, chép miệng không giải thích nổi tại sao thằng bạn đồng môn Chu Văn An ngày xưa của mình lại nghi ngại và kén chọn bệnh nhân như vậy.

Hơn một năm sau vợ chồng Phong tách ra ở riêng khi tìm được việc làm tại một thành phố cách xa bên ngoại gần hai giờ lái xe. Nhân được gửi đến nhà giữ trẻ để ba mẹ đi làm. Chưa đầy một tuần sau đó Phong và Diệu nhiều lần nhận điện thoại của trường Nhân than phiền về thằng bé hoặc yêu cầu đến đón con ngay lập tức vì thằng bé la hét hoặc không hiểu lời chỉ dẫn của các cô giáo để làm theo. Tất tả với việc làm mới, đương đầu với sự ức hiếp của đồng nghiệp, lại thêm phần không có thân nhân gần bên để hỗ trợ, vợ chồng Phong quay cuồng khốn đốn với sự bất thường của bé Nhân.

Sau vài tuần mầy mò thông tin, vợ chồng Phong làm được cái hẹn đưa Nhân đến một chuyên viên giáo dục trẻ đặc biệt của học khu. Bà chuyên viên lắng nghe vợ chồng Phong mô tả những hành vi lập lại nhiều lần của Nhân chẳng hạn thằng bé luôn có một thứ tự nhất định cho các màu của những miếng xếp hình, chỉ mủm mỉm cười mà không đáp lại sự chuyện trò của người thân hoặc đôi khi trồng chuối ngược trong mười phút mà không thay đổi tư thế.

Nghe xong bà bày một số trò chơi cho Nhân để quan sát cách thằng bé hành xử. Sau cùng bà gọi vợ chồng Phong lại gần, nói chậm rãi “Cháu có triệu chứng của bệnh autism.” Lần đầu tiên vợ chồng Phong nghe đến tên căn bệnh và sau này tìm hiểu thêm mới biết đó là bệnh tự kỷ. Bà giải thích bệnh tự kỷ là do những rối loạn phức tạp về chức năng não bộ gây nên, từ mức độ không có khả năng giao tiếp đến chậm phát triển tinh thần, với những biểu hiện suy giảm khả năng tương tác, quan hệ xã hội. bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường; các khuyết tật bẩm sinh, môi trường nhiễm kim loại nặng hay thuốc trừ sâu, và các vaccine tiêm trong thời thơ ấu cũng có thể là thủ phạm.

Đêm về nằm vắt tay lên trán, Phong hồi tưởng mọi điều xảy ra với bé Nhân như một khúc phim quay chậm. Phong thảng thốt nhớ đến lời bà chuyên viên của phòng giáo dục đặc biệt còn vẳng bên tai “chứng tự kỷ là một khuyết tật suốt đời, nếu con của ông bà lên năm tuổi mà vẫn chưa nói được thì cháu sẽ không bao giờ nói được nữa.” Phong không tin được đây là sự thật.

Phong nhớ lại vợ mình tuy thể lực yếu đuối nhưng rất can đảm nhìn nhận thực tế. Diệu đã viết một thư cho cha mẹ chồng khi Phong đưa con về thăm gia đình sau vài năm đến Mỹ. Ông bà cụ đọc thư của Diệu do Phong đem về: “Con xin ba me chấp nhận sự thật rằng cháu nội Nhân của ba me không bình thường, cháu bị một bệnh tâm thần nào đó mà con chưa rõ...”. Lúc đó, cả nhà bên Phong đã hoài nghi Diệu viết thái quá; thậm chí cô em thứ sáu đòi đưa Nhân về Việt Nam cho một bác sĩ Ấn Độ làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng chữa trị và cam đoan Nhân sẽ khỏi bệnh. Phong phải làm sao đây để bé Nhân biết nói trước khi con năm tuổi?

Một buổi tối, Phong đưa vợ tờ báo, chỉ tay vào một góc báo có phần quảng cáo của một bác sĩ giới thiệu khả năng chữa bệnh tự kỷ, làm cho trẻ nói được và trở lại sinh hoạt như trẻ bình thường. Trái với sự lạc quan mà Phong mong đợi từ vợ, Diệu ngồi thừ khá lâu, sau nói khẽ khàng: “Từ trước đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh tự kỷ mà tại sao ông bác sĩ này lại quá tự tin dám quảng cáo mình chữa được bệnh?”

“Thì mình cứ thử, biết đâu.”

Diệu vẫn chưa hết băn khoăn “Dễ gì đưa được thằng bé Nhân đến văn phòng một bác sĩ mới. Con mình không hiểu chỗ đó là chỗ nào, rồi hốt hoảng, la hét, đấm đá ba mẹ. Nhân viên văn phòng thường không muốn mất khách nên chắc chắn yêu cầu mình đưa con ra khỏi chỗ đó.”

“Diệu để anh thu xếp.”

Diệu không nói thêm, biết rằng đồng tình với chồng cũng là lúc bắt đầu một nỗi căng thẳng khác vì phải đối diện một tình huống thử thách mới.

Mỗi lần đưa con đi khám bệnh là cả hai vợ chồng phải xin nghỉ làm, hứng chịu những ánh mắt lạnh nhạt, thiếu thiện cảm từ nhân viên văn phòng cho đến các bệnh nhân khác. Diệu nhắm mắt xua đi hình ảnh cố hữu mà Phong phải gồng người với những cú đá, đạp, cấu nhéo của Nhân trong lúc Diệu gập mình xin lỗi đã làm phiền những người chung quanh. Diệu chua xót nghĩ nếu cho rằng nước Mỹ là thiên đường nơi trẻ em được đối xử ưu tiên thì điều này chắc chỉ đúng cho những trẻ em phát triển bình thường, còn trẻ tự kỷ như Nhân thì không hẳn.

Đâu phải văn phòng bác sĩ nào cũng sẵn lòng nhận các bệnh nhân tự kỷ. Họ không có quyền từ chối nếu bệnh nhân tự kỷ đó hội đủ tiêu chuẩn chữa trị nhưng thường tình họ có quyền viện lý do như không có trang thiết bị trợ giúp loại bệnh nhân này, hoặc giới thiệu đến một nơi chữa trị khác ở cách xa vài giờ lái xe, hoặc phải làm hẹn trước ít nhất sáu tháng.

Cuối tuần đó Phong làm cái hẹn để gặp người bác sĩ quảng cáo trên báo chữa được bệnh tự kỷ. Phong cố gắng chờ thật sát nút giờ hẹn mới lái xe đến phòng mạch để tránh nỗi hồi hộp cho bé Nhân. Diệu ngồi trong xe quan sát nét mặt của con thấy thằng bé bắt đầu cảnh giác ngó quanh đường phố để đoán ba mẹ đưa đi đâu. Phong tìm được chỗ đậu xe ngay trước văn phòng vì đã bàn tính trước với Diệu là cố gắng mời bác sĩ ra tận nơi xe đậu để định bệnh cho Nhân trong trường hợp Nhân không chịu theo ba mẹ ra khỏi xe.

Quả nhiên như dự đoán, khi Phong mở cửa và chỉ tay vô văn phòng ý bảo con đi theo thì Nhân bắt đầu la hét quơ tay đạp chân nên Phong đành quày quả bước vào trong một mình. Diệu ngồi lại trong xe với con, đưa các món đồ chơi cố gắng dỗ ngọt để con quên thì giờ chờ đợi.

Độ hai mươi phút sau Phong xuất hiện, bước vội vào xe, đóng sầm cửa, mở máy chạy với nét mặt buồn bực. Lái xe được một đoạn đường, Phong bình tâm kể lại cho vợ “Vô gặp bác sĩ là anh nói ngay rằng tôi có một thằng con bị bệnh tự kỷ, rằng cháu nhất định không chịu vô gặp bác sĩ vì tính cháu hốt hoảng nên phiền bác sĩ quá bộ bước ra khỏi cửa để gặp cháu đang chờ trong xe.” Diệu đoán ngay rằng hai mẹ con mình đã không gặp ông bác sĩ tức là ông đã từ chối không tiếp bệnh nhân, bèn hỏi chồng “Ông bác sĩ lấy lý do gì mà không chịu gặp bé Nhân?” Phong cười buồn, “Ổng ra điều kiện là nếu anh đưa được thằng bé vô văn phòng thì sẽ chữa cho nó.”

Phong nhớ lại mình đã đi thẳng vào vấn đề rằng liệu ông bác sĩ có thể chữa cho Nhân biết nói chuyện, giao tiếp được với mọi người chăng thì ông hỏi ngược lại: “Anh nhắm đủ khả năng theo đuổi việc chữa bệnh cho cháu không vì bảo hiểm sẽ không trả những dịch vụ này?” Phong hỏi tới những dịch vụ thì ông nói đến một số phương pháp trị liệu như nhân điện, xoa bóp, v.v. Phong hỏi dò “Thế thì bác sĩ nhắm tôi phải chi trả khoảng bao nhiêu cho việc chữa trị để con tôi có thể nói được như bác sĩ quảng cáo?”

“Hơn nửa triệu đô la.”

“Tôi đồng ý.” Phong nói không chút đắn đo: “Bây giờ xin bác sĩ và tôi làm một hợp đồng chữa bệnh. Nếu cháu vẫn không nói được thì bác sĩ hoàn tiền lại cho tôi.”

Chưa nghe hết câu chuyện, Diệu đã thở dài vì đoán được phần kết. “Ông bác sĩ bắt đầu thoái thác và muốn dứt chuyện với anh,” Phong tiếp “anh đã hứa với lòng lo cho con bằng mọi giá để rồi sau này không ân hận là đã không làm.”

Diệu ngửng mặt ngăn dòng lệ muốn chảy tuôn. Diệu biết chồng đã liều lĩnh chấp nhận giải pháp chữa bệnh cho con trong khi hai vợ chồng còn ở thuê căn apartment chật chội thì lấy đâu ra số tiền lớn mà đánh cuộc một sự chữa trị hòng đem lại cuộc sống bình thường cho con.

Sau một loạt kiểm tra sức khỏe và giám định tâm thần, bé Nhân được chấp nhận là bệnh nhân của tổ chức San Andreas Regional Center (SARC) chuyên trợ giúp những gia đình có thân nhân bị bệnh tâm thần. Nhân được sắp vào lớp học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Học khu dành ra một góc trường học của trẻ bình thường, thiết lập một dãy nhà lắp ráp trên những bánh xe kéo để làm lớp học cho trẻ khuyết tật. Chỉ có khoảng dăm, bảy trẻ trong một lớp học đặc biệt. Mỗi buổi sáng có một xe buýt ngắn đến tận nhà đón trẻ và buổi trưa đưa về tận nhà.

Đối với các trẻ bình thường, sau giờ học chính khóa, các em có thể theo các chương trình ngoại khóa do trường hay các trung tâm tổ chức để phụ huynh có thể làm việc đến cuối ngày rồi mới ghé đón con; nhưng đối với trẻ tự kỷ thì phụ huynh không dễ tìm một nơi hoạt động tương tự cho con mình. Ngay cả nếu may mắn tìm được chỗ gửi con thì tiền gửi trẻ khuyết tật rất đắt so với tiền gửi trẻ bình thường.

Tại các buổi họp với nhà trường để lập ra chương trình giáo dục cá nhân (được gọi là IEP, Individualized Education Program) cho Nhân, hai vợ chồng Phong đấu tranh không mệt mỏi để kỳ nài thêm từng mười lăm phút cho giờ tập nói của con, nêu cho giới chức liên quan thấy cảm giác bị cô lập của phụ huynh trẻ tự kỷ vì không nhận được trợ giúp cụ thể.

Phong đưa ra sự đối sánh cho thấy nỗi bất công phụ huynh phải chịu đựng khi không thể tìm người trông con sau giờ học: tại lớp học của trẻ khuyết tật, ngoài giáo viên chính, mỗi trẻ còn có riêng một phụ giảng, đó là chưa tính đến sự hỗ trợ của chuyên viên chỉnh âm và vật lý trị liệu; ngược lại, ngoài thời gian đi làm thì vào buổi chiều tối, cuối tuần và dịp nghỉ lễ phụ huynh thêm mệt nhoài đuối sức với con.

Diệu dẫn chứng sự tắc trách trong công tác cung cấp thông tin liên quan đến các phụ huynh gốc Việt có con em bị bệnh tự kỷ, đó là việc tổ chức SARC dùng phương tiện Google Translate để dịch thông tin một cách máy móc, kết quả là nội dung muốn chuyển tải bằng tiếng Việt trở nên vô nghĩa hoặc mơ hồ, khó hiểu. Nản thay, tiếng nói được gióng lên không biết bao lần nhưng sự hồi đáp chung quy vẫn là: ngân sách hạn hẹp.

Càng lớn thêm thì nỗi bức xúc của Nhân càng nhiều vì Nhân không thể giao tiếp bằng lời nói, chỉ còn cách thể hiện bằng sự giận dữ. Diệu tự học thủ ngữ để dạy thêm giao tiếp cho con nhưng Nhân chỉ diễn tả được vài nhu cầu sơ đẳng như muốn ăn hoặc muốn uống vì khả năng nhớ của thằng bé rất giới hạn.

Đang ngồi chơi Nhân có thể bỗng dưng cười sằng sặc hoặc khóc thút thít; Nửa đêm Nhân mất ngủ, trằn trọc đấm thùm thụp vào ngực mà không hề biết đau. Cảm giác hốt hoảng dẫn đến sự thiếu kiên nhẫn khiến Nhân giộng tay ầm ầm vào cửa kính xe, giáng những quả đấm mạnh tay và liên tục đến độ làm thủng bức tường các-tông trong nhà thuê, thậm chí tấm thân gầy guộc của Diệu cũng là mục tiêu cho Nhân trút bỏ sự phẫn uất. Mà nào Nhân ghét bỏ người mẹ sinh ra mình cho cam bởi lẽ thằng bé vừa dang tay đánh mẹ vừa bật khóc tấm tức.

Cuộc sống tất bật, líu quíu với căn bệnh của con đánh mất đi nếp sinh hoạt bình thường mà Phong và Diệu cần có. Ngồi ăn chung bữa cơm với nhau ư? Không thể nào, một người phải ăn trước vội vàng để còn trông Nhân cho người còn lại cũng vội không kém lua cái gọi là đồ ăn vào miệng. Đi ra ngoài với nhau chăng? Hãy quên đi, một người phải ngồi trong xe với con và chịu trận với tiếng nhạc ồn ào do Nhân vặn từ ra-đi-ô trong khi người còn lại tất tả vào chợ hoặc tiệm mua những thứ đã ghi vội vào bộ nhớ trong đầu.

Một tối nọ, Diệu tình cờ nhận điện thoại của một người bạn sau vài mươi năm mất liên lạc. Diệu ngấm ngẩm kêu khổ vì Nhân đang quấy dù có Phong ngồi kề bên cố gắng giúp con đằm tính để Diệu rảnh trí nói chuyện điện thoại. Diệu vừa nghe cô bạn liến thoắng vừa ậm ừ đáp lại trong khi mắt còn mải dõi con. Sau một hồi lâu nói chuyện, cô bạn thảng thốt kêu: “Sao nãy giờ con chó nhà Diệu cứ tru lên hoài vậy, nó đòi gì chăng?” Diệu cười mếu, “Ừm, thôi cho Diệu dừng lại nhé.” Diệu hiểu rằng cô bạn sau bao năm xa cách chỉ vô tình hỏi chứ cô nào biết con của Diệu bị bệnh tự kỷ.

Một lần khác, một đồng nghiệp của Diệu nghe phong phanh từ ai đó rằng Diệu có một đứa con không bình thường, bà ta sấn lại vòng vo kể một trường hợp người quen của bà có đứa con bệnh tương tự giống Nhân nhưng không biết tìm sự trợ giúp ra sao. Diệu tình thật, sốt sắng hỏi tới để liên lạc và chia sẻ những kinh nghiệm trải qua. Cuối cùng bà đồng nghiệp nói quấy quá đủ cho Diệu đoán ra rằng thiên hạ chỉ muốn thoả mãn lòng hiếu kỳ bằng cách bịa đặt một câu chuyện hòng bòn rút thông tin đem đàm tiếu.

Lần khác, một người bà con khi biết bệnh trạng của Nhân, giở giọng an ủi “May là thằng bé sống ở Mỹ nên cha mẹ sẽ được lãnh tiền SSI của thằng bé suốt đời.” Phong nghe kể lại, nghiến răng lẩm bẩm “giá quí vị mà có một đứa con tự kỷ thì sẽ biết thế nào là lễ độ.” Diệu lặng lẽ thở dài, hiểu vì cớ sự nào mà chồng phải thốt lên những lời cay đắng như vậy.

Mỗi sự trải nghiệm với nhân thế là một vết thương lòng cho vợ chồng Phong mà dường như mỗi vết đâm ngọt lụi ở nhiều chỗ khác nhau trên cơ thể đem đến cảm giác đau đớn không giống nhau. Ngay chính trong những buổi gặp gỡ giữa các phụ huynh có trẻ tự kỷ, có bà mẹ cứ hỏi Diệu về những tiến bộ của Nhân nhưng kỳ thực bà muốn khoe khoang sự vượt trội của thằng bé Bryan con bà so với Nhân. Bà đã không biết rằng bệnh tự kỷ trải rộng ở những cấp độ khác nhau. Bà không giải thích được tại sao Bryan có khả năng giao tiếp cơ bản với mọi người hoặc khi nghe đọc truyện trong lớp thì giơ tay hăng hái trả lời câu hỏi trong khi những đứa khác như Nhân thì nghếch mặt ngồi yên như vịt nghe sấm. Bởi lẽ Bryan chỉ có biểu hiện nhỏ của bệnh tự kỷ mà khoa học gọi là hội chứng Asperger và những người mang hội chứng này có khi trở thành thiên tài trong một số lĩnh vực như nghệ thuật, toán học, vân vân.

Từ sự hiểu biết hạn chế về căn bệnh thế kỷ này, những câu hỏi thiển cận cho cha mẹ có trẻ tự kỷ ở cấp độ nặng như Nhân luôn được lập đi lập lại “Tại sao đứa này nói được mà Nhân thì không?”, “Tại sao Nhân không hành xử được như đứa kia dù cả hai cùng bị bệnh tự kỷ?” Cảm xúc dần dà trở nên chai lỳ, vợ chồng Phong không còn nghĩ đây là những lời hỏi han tử tế hoặc biểu lộ sự chia sẻ nên không nhất thiết phải biện bạch. Hoặc vợ hoặc chồng sẽ thản nhiên đáp “Tại kiếp trước ở ác nên kiếp này phải chịu.”

Mỗi ngày Nhân phải uống các loại thuốc chống trầm cảm hoặc giảm tính hiếu hoạt nhưng đôi lúc vẫn không dịu được cơn nóng giận và cảm giác hốt hoảng. Trên thực tế, chưa có loại thuốc nào được dùng chính thức để chữa bệnh tự kỷ vì cho đến nay nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác quyết thì huống hồ gì là thuốc điều trị. Các bác sĩ chỉ kê toa theo dạng bệnh tâm thần và điều này khiến Phong tranh cãi thường xuyên khi được đề nghị đổi thuốc dùng cho con vì Phong cho rằng Nhân được điều trị như một đối tượng thử nghiệm các loại thuốc mới. Có loại thuốc buộc Nhân đòi ăn liên tục và tăng cân đáng kể. Có một ngày khi Phong đang dở tay vá sửa những thứ hư hại do con gây ra trong lúc nóng giận, Diệu chưa nấu ăn xong thì Nhân đã giận dữ hất tung đồ ăn và sấn lại đấm đá mẹ. Nghe tiếng thét la Phong chạy bổ ra nhưng vẫn không kịp trở tay. Phong chết lặng với hình ảnh Nhân đã qua cơn bức xúc, lấy tay xoa ngực chỉ dấu ân hận, thức ăn đổ tung toé còn bốc khói trên sàn trong khi Diệu vẫn cố thủ ở một góc bếp, hai tay che đầu khóc nức nở và rối rít xin lỗi con. Đau đớn đi đứng lom khom mất vài tuần, Diệu hai tay quờ quạng che chắn khi con tiến lại gần.

*

Về thăm cha già mẹ yếu bên quê nhà, lòng Phong xốn xang nghĩ đến vợ một mình chịu đựng từ áp lực việc làm đến đương đầu với đứa con tự kỷ. Nỗi bất an đeo đuổi Phong khi đọc những dòng điện thư vợ gửi “Nhân bây giờ đang yên lặng chơi một mình nên em viết đến anh ngay kẻo lại bận bịu nữa. Hôm thứ ba là sinh nhật Nhân. Em mua tám đô la được mười hai cái cupcakes nhờ xe buýt chở theo Nhân đến trường. Em cũng tặng bà tài xế một hộp bánh nhỏ nữa để bà vui vẻ mang giúp bánh cho Nhân.” Nhân ơi, con lớn thêm một tuổi thì ba mẹ lại già đi một tuổi mà vẫn chưa tròn bổn phận với con. “Những lúc này Nhân ăn khỏe và lớn bộn. Em mới làm đồ ăn đây mà quay đi quay lại Nhân đã ăn hết. Cuối tuần em trả tiền để họ giữ Nhân trong ba giờ, vừa đủ để em dọn dẹp rồi đi mua đồ ăn hợp ý cho Nhân, không còn thì giờ ngồi nghĩ xem mình là ai.”

Ôi, chỉ một điều đơn giản là ngồi xuống, chỉ ngồi yên, không cần nghĩ ngợi gì, mà người bạn đời của Phong vẫn không thể thực hiện.

Từ khi Nhân chào đời, vợ Phong có bao giờ dám mơ một ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ theo đúng ý nghĩa của nó; thậm chí ngày phép của hai vợ chồng cũng tận dụng tối đa vào những quãng thời gian trường cho Nhân nghỉ giữa kỳ khi không thể tìm được người trông con.

“Ngày hôm qua Nhân nổi nóng đánh em nhiều lắm nhưng bây giờ em hết đau rồi, chỉ còn lại trong tim nỗi buồn day dứt. Nếu có ai phụ trông Nhân độ một giờ để em nghỉ ngơi lại sức thì tình hình không quá xấu như vậy.”

Phong gục đầu tê tái, bậm môi muốn rướm máu, gõ rời rạc ít dòng cho Diệu “Vợ ơi, thật là buồn khi đọc thư em. Cuộc sống của vợ chồng mình thật đau khổ. Buồn quá đi thôi. Diệu ơi Diệu ơi anh muốn lúc này ở bên em.”

Trở lại Mỹ từ chuyến về thăm nhà, Phong nhìn vợ tiều tụy thêm mà lòng quặn thắt. Diệu đã phải vô cấp cứu vì suy tim và sớm muộn gì cũng không tránh khỏi một cuộc giải phẫu.

Từ khung cửa sổ, Phong đứng lặng lẽ, mắt đăm đăm nhìn vào những đám mây tựa như các mảnh ghép trong trò chơi ráp nối để tạo thành một bức tranh tổng thể. Mảnh ghép là hình tượng của bệnh tự kỷ. Sự đa diện của mảnh ghép như một thách đố tìm tòi sự tương thích cho trẻ tự kỷ mà trong thế giới hiện thực này bản thân trẻ đã tạo cho mình một trật tự nhất định, một cách nghĩ suy riêng mà nhân gian cho là mơ hồ, lẫn lộn.

Có trẻ tự kỷ nào lớn lên mà biết rằng mình là một sự khiếm khuyết hay gánh nặng do chính môi trường chung quanh tạo ra? Câu trả lời không dành riêng cho Phong và Diệu.

Viết xong 28 tháng 2, 2014

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
11/08/201718:25:16
Khách
Nguyện xin ởn trên ban nhiều sức khỏe, nhiều nghị lực, nhiều tình thương đến cho những gd có người bị bịnh tự kỷ.
Hoàng không biết nói gì hơn . Xin thành thật cảm ơn bài viết ở trên..mong hiểu hết nỗi lòng của người làm cha mẹ.
01/08/201406:32:53
Khách
Tôi có một cháu trai cũng bị căn bệnh tự kỷ này....tôi đã từng chứng kiến nỗi đau và những ưu tư lo lắng của em trai tôi và em dâu cho cháu tôi...hệt như những gì chị đã viết....rất thật....rất xúc động...rất xót xa...như tựa bài viết ...đúng là "vết thương xát muối"! Tôi đã chuyển bài chị viết tới các em của tôi, như một sự chia xẻ chân tình giữa những người cùng cảnh ngộ với Phong và Diệu. Cảm ơn ngòi bút của chị đã san sẻ một phần nào tâm tư trĩu nặng của những gia đình có trẻ tự kỷ.
15/05/201417:55:09
Khách
Báo Calitoday có đăng tin một người cha làm nghề lái xe đò Hoàng bị tụi Mễ bắn chết để lại vợ là chị Diệu Hiền và hai đứa con thơ trong đó có một cháu bị tự kỷ nặng.
Xin gửi đến độc giả đường dẫn đến bài báo để tùy lòng từ tâm của quí vị mà giúp cho ba mẹ con.
http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/hoan-canh-gia-dinh-lam-phuoc-de-lai-vo-dai-con-tho-tam-su-cua-huynh-thi-dieu-hien-vo-nan-nhan.html
Cầu xin Chúa dang tay thương xót những gia đình có trẻ tự kỷ.
05/05/201418:52:59
Khách
Tôi là người thích đọc Viết Về Nước Mỹ từ lúc chương trình mới thành lập, gần như đọc hết các bài viết và đây là bài mà tôi thấy có sức thu hút rộng rãi và nghiêm túc nhất. Các độc giả từ Úc Châu, Âu Châu, Á Châu, và đương nhiên là Mỹ Châu tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến rất tôn trọng nhau. Tôi đọc bài này không dưới hai mươi lần vì mỗi lần đọc, tôi lại đi lần xuống cuối bài để tìm đọc ý kiến độc giả. Tác giả chọn đề tài này đã vô tình trở thành người điều hợp lặng lẽ nhưng rất thành công. Tôi không thấy mất thì giờ khi đọc đi đọc lại bài viết cùng những ý kiến bổ ích. Cám ơn người viết và người đọc. Cám ơn Việt Báo.
23/04/201416:01:31
Khách
Từ VN, tôi đọc đi đọc lại bài viết để thấu hiểu hết nỗi lòng của người làm cha mẹ.
Tôi đã định viết comment trên đó nhưng không được vì sau mỗi lần auto reload nó lại xóa sạch. Đọc bài của Cô, tôi buồn lắm khi hiểu thêm thực trạng ở Mỹ thật lòng mà nói tôi cũng có con & cũng từng trầm cảm vẫn khg thể thấu hết nỗi đau mà mình chưa trải qua. Nhưng có một điều tôi đồng tình với Thong Nguyen khi anh ấy chia sẻ là
- Đa số người Việt có quan niệm rằng có người bị bệnh tâm thần nói chung hay tự kỷ nói riêng hoặc bệnh ngặt nghèo không chữa được là do bị quả báo nên thân nhân mặc cảm, không muốn chia sẻ.
- Dư luận Việt đôi khi phụ họa theo với tính tò mò hay hỏi hoặc nhìn xoáy vào người bệnh tự kỷ thì (có thể) không cảm nhận nhưng người thân thì lòng đau như cắt.
Có khi chính những quan niệm này & hệ quả của nó làm cho tình hình càng tệ thêm. Tôi chỉ mong gia đình có con bị tự kỷ không bị áp lực của dư luận để khg tạo thêm áp lực & khó khăn cho chính mình. Không phải tôi không tin vào luật nhân quả nhưng cái gì cũng chỉ có tính tương đối, mặc cảm không thay đổi được thực tế mà chỉ làm tâm trạng chúng ta tồi tệ thêm. Khi tâm trạng luôn trong trạng thái tồi tệ chúng ta khg thể có sức lực tốt để chiến đấu & khg thể có những kết quả tốt trong việc làm để tạo ra những thứ cần thiết cho cuộc sống khi xã hội như Thong Nguyen đã nói TIỀN TIỀN là thứ quan trọng hàng đầu. Chỉ có tinh thần lạc quan, nhìn sự việc theo hướng tích cực & chấp nhận thực tế để đối đầu với nó mới giúp ta được mà thôi.
Chỉ là lý thuyết & ý kiến từ kinh nghiệm cá nhân, tôi hiểu mình khg thể giúp gì được vì chưa từng trải qua tình cảnh đó & thực hiện sẽ khó hơn rất nhiều.
12/04/201418:12:27
Khách
Xin anh vui long email cho toi. Toi cung chung hoan canh nhu anh.
Bay gio chau dang hoc lop 10 chung voi cac dua tre binh thuong.
Hy vong co the chia xe voi anh.
11/04/201417:06:55
Khách
Cô Lanna thân mến,
Đọc thư cô tui rất thông cảm một single mom như cô đã cực lại còn có thêm cháu bị bịnh tự kỷ. Tui cũng mừng là cô có được người bạn trai lo cho cô. Ở đây tui xin cô cân nhắc kỹ: cô đi tận Singapore để sống chung với ông bạn rồi gửi con đến một trung tâm nào đó, có “an toàn” cho cô và con cô hông? Xin nhắc cô rất cẩn thận khi trao thân gửi phận, cô nha.
Tui không biết gì về Singapore nên không tư vấn giúp cô được nhưng tự dưng tui thấy lo lo là cô không rành tiếng Anh mà đưa con đi xa quá rồi ở đó luôn, sau này ông bồ già của cô qua đời rồi thì mẹ con cô ra sao. Đó là tui nói chuyện cô ăn đời ở kiếp với ổng đó nghen, nghe kể ổng có hai đời vợ rồi cũng ớn ớn.
Thôi tui không biết khuyên gì hơn, chỉ nhắc cô xem lại vở kịch “Lá sầu riêng” và chúc cô may mắn.
11/04/201416:24:10
Khách
- Đa số người Việt có quan niệm rằng có người bị bệnh tâm thần nói chung hay tự kỷ nói riêng hoặc bệnh ngặt nghèo không chữa được là do bị quả báo nên thân nhân mặc cảm, không muốn chia sẻ.
- Dư luận Việt đôi khi phụ họa theo với tính tò mò hay hỏi hoặc nhìn xoáy vào người bệnh tự kỷ thì (có thể) không cảm nhận nhưng người thân thì lòng đau như cắt.
- Chữa bất cứ bệnh gì cũng cần có TIỀN. Đó là yếu tố ĐẦU TIÊN. Phát hiện trẻ bị tự kỷ sớm mà không có TIỀN thì cũng bó tay bởi vì cha mẹ phải đi làm kiếm sống thì lấy đâu ra thì giờ ở nhà chăm con, giúp con tiến bộ? Còn đi khám bệnh thì cho dù có bảo hiểm thì cũng chừng mực nào đó, vậy thì muốn chọn vị bác sĩ chuyên khoa giỏi hoặc như trị liệu thêm cặp thì phải có TIỀN, chứ khơi khơi mà nói gia đình phải hết lòng, dốc sức hay phải tra cứu, tìm hiểu thêm về bệnh thì chỉ là lý thuyết, đúng như độc giả Tiến đã nói. Vấn đề cụ thể là phải có TIỀN. TIỀN cho cha mẹ sự nghỉ ngơi, thời gian bên trẻ và chăm sóc trẻ ở mức tối ưu.
- Quý vị sẽ tự hỏi tại sao tôi cứ nhấn mạnh mãnh lực của đồng tiền phải không? Con tôi bị tự kỷ, bác sĩ chọn giải pháp loại trừ độc tố trong cơ thể cháu bằng cách yêu cầu gia đình cho cháu ăn toàn thực phẩm organic. Sau một tuần lượn lờ ở Whole Foods Market, vợ chồng tôi chỉ dám nhỏn nhẻn chọn vài loại trái cây hoặc rau quả rẻ tiền, không dám rớ tới thịt cá cho con. Một tháng sau đưa con đi tái khám, tôi nói thẳng với bác sĩ là không đủ khả năng theo phương pháp này, bác sĩ ngó lơ. Tôi chỉ biết trách mình là thằng bố tệ.
10/04/201415:14:19
Khách
Dạ, cháu chỉ là bà mẹ đơn thân, không biết tiếng Anh nhiều. Có người bạn gởi đường link về chuyện viết của cô Lê, cháu bấm vô đọc và thấy mấy ông, bác, cô chú viết hay quá, cháu cám ơn.
Đứa con của cháu bị autism năm nay bảy tuổi. Cháu đi làm part-time và nhận trợ cấp thêm mới đủ sống. Cháu có thân một ông Mỹ lớn hơn cháu 21 tuổi rồi. Ông có hai đời vợ đã ly dị và muốn lấy cháu. Ông nói đưa hai mẹ con cháu qua Singapore ở rồi gửi con cháu cho người ta chăm sóc tốt hơn. Cháu cũng muốn con cháu được tốt hơn. Các bà con biết nhiều về trường đặc biệt cho trẻ autism ở Singapore thì cho cháu biết thêm, cháu cám ơn nhiều.
09/04/201423:42:44
Khách
Tui đọc phần ý kiến nào cũng bồi hồi, không biết bà con nghĩ sao. Tui có con bình thường nhưng có người quen có con bị tự kỷ, rồi đọc những ý kiến của bà con ở đây, tui thấy những người bình thường may mắn lắm.
Ông Hoài Niệm dành nhiều thì giờ giúp bà con mở mang thêm về bịnh tự kỷ, mà ông khiêm tốn nữa, cám ơn thiệt nhiều nghen. Tui có mấy câu hỏi, nếu hỏi không đúng xin ông đừng quở: Tui nghe nói bệnh tự kỷ được xem là bịnh tâm thần mà bảo hiểm lại không chịu trả phần này, nhứt là Medical, có phải vậy không ông? Các bác sĩ cũng có quyền chọn bảo hiểm nên bảo hiểm mình nghèo/thấp quá thì đứa con bị bịnh của mình không có cơ may gặp bác sĩ giỏi nên đã nghèo lại còn bị khó thêm đó, chớ là cha là mẹ ai mà chẳng ham chữa bịnh cho con đúng thầy đúng thợ. Tui cũng băn khoăn thêm, mấy cái website ông chỉ toàn tiếng Anh không à nên người mình cũng khổ. Tui đọc website cuả chị Duyên thì biết dễ hơn. Cám ơn ông Hoài Niệm cất công viết nhiều ý kiến bổ ích cho bà con mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến