Hôm nay,  

Quán Bên Đường 2 Tại Nam Hàn

28/03/201400:00:00(Xem: 16024)
Tác giả: Ngô Văn Thu
Bài số 4172-14-29582vb5032714

Bài viết là một du ký độc đáo về cuộc hành hương chùa cổ tại Nam Hàn. “Quán Bên Đường” là tựa đề một trong những bài Viết Về Nước Mỹ của tác giả từ 2012. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas.

* * *

Tôi có cơ duyên theo đoàn hành hương cuả chùa ở Houston Texas đến Nam Hàn và Nhật Bản hai tuần lễ, nhân “mùa thu lá bay”cây cảnh chuyển màu xinh đẹp.

Được biết thầy Thích. N. Đ. phối hợp cùng cô M. L. tổ chức chuyến hành hương nầy, hai vị trên đã có kinh nghiệm vì đã từng gắn bó với đất nước “Thái Dương Thần Nữ” cũng như xứ sở ”Kim Chi” từ lâu, do đó Thầy Thích N. Đ kiêm luôn trưỏng đoàn. Ngoài ra còn có sư cô Thích tâm T trụ trì ở chùa Nisshinkusu – Tokyo đồng làm tours guider tại Nhật.

Theo chương trình đoàn sẽ đến chiêm bái các chùa ở Nam Hàn (Toàn bộ đất nước nầy trước đây gọi là: Tiều Tiên rồi Cao Ly, rồi Đại Hàn. Nay chỉ còn một nữa phía Nam gọi là Nam Hàn, hay Hàn Quốc, phía Bắc gọi là Bắc Hàn hay Bắc Triều Tiên) bảy ngày, Nhật Bản bảy ngày từ 24/10/2013 đến 07/11/2013 rồi trở lại Mỹ.

Đoàn khởi đi lúc 7:00PM từ chùa ở Houston Taxas. Sau khi lễ Phật cầu gia hộ, đoàn lên xe bus ra phi trường quốc tế Goerge Bush (IAH). Check in lúc 9:00PM.

Mặc dù đoàn 47 người nhưng qua thủ tục an ninh ở phi trừơng không gặp trở ngại vì mọi người gọn gàng, đơn giản theo lời hướng dẫn trước của Thượng toạ trưởng Đoàn.

Sau một ngày đêm bay vùi trong mưa lạnh, với hai bữa cơm tầu bay tối và sáng nhạt nhẽo, phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Bắc Kinh lúc 4:30 sáng (múi giờ Á Châu). Đây chỉ là trạm trung chuyển, để đổi chuyến bay, mà sao đã thấy không khí trầm uất, nhân viên phi cảng nghiêm và buồn giống như tượng đất.

Sau hơn hai giờ bay, máy bay đã đáp xuống phi trường quốc tế Incheon Seoul. Một phi trường tân tiến bậc nhất của Nam Hàn không thua các nước Âu-Mỹ. Quang cảnh rộn rịp, tấp nập nơi đây cho thấy một đất nước đang bừng sống từng phút từng giây trong cảnh tự do, thanh bình.

Khác với vài giờ trước đây tại Bắc Kinh không khí người ngợm thấy khó chịu. Hai chiếc xe bus rời phi trường chở đoàn chạy dọc theo bờ sông Hàn để đến chiêm bái chùa Beopheungsa, nơi có vị Phật lớn đứng đội kinh ngoài trời. Theo chữ Tàu: Hàn có nghĩa là lạnh, là băng giá, nhưngqua hình ảnh tả hửu của sông Hàn. Phía Bắc thành phố củ. Phía Nam thành phố mới xây, cảnh sinh hoạt thật rộn ràng náo nhiệt. Xa xa hình ảnh cầu sắt vắt mình qua sông Hàn trông thật nghệ thuật và nên thơ. Đó là nét đẹp tiêu biểu đập vào mắt của du khách khi viếng thăm đất nước nầy.

Người Nam Hàn tin vào Đức Phật Văn Thù Sư là vị Phật mang lại sự sáng suốt thông minh đĩnh đạc cho họ, nên từ cổng vào chùa Beopheungsa, từng bồn hoa tươi được trồng tỉa tỉ mỉ, công phu rất nghệ thuật trông rất đẹp mắt. Lác đác trong bồn hoa còn có những thẻ bằng giấy kẹp tên tuổi người viếng chùa với lòng tri ơn dâng lên chư Phật đã độ trì cho con cháu họ đạt được sở nguyện.

Rời chùa, xe đưa đoàn đến phố Dongdaemun, vì chiều thứ bảy cuối tuần nên giao thông bị trì trệ, phố xá đông nghẹt người. Phố nơi đây được bày bán công khai ngoài mặt lộ, từ áo quần, giày dép, bánh kẹo làm ngay tại chổ. Mùi thơm của gia vị, của bột đường quyện lẩn vào nhau nóng bỏng bốc hương vị ngạt ngào, khiến khách phải móc ví chi tiền.

Điểm thú vị tại đây: nhiều“quán bên đường” được dựng lên bằng chòi vải sát bờ tường. Quán không bày bán gì ngoài chiếc bàn nhỏ, trên có vài cuốn sách. Hỏi ra được biết: “quán bên đường” nầy dựng lên để “‘chuyển tải chữ nghĩa thánh hiền”! Nơi các “bốc sư”trổ tài thuyết phục khách qua đường xem xăm bói tướng cho những người hiếu kỳ muốn biết chuyện tình duyên gia đạo, chuyện “nóng, lạnh” âm dương” của nam nữ thế nào. Mỗi quẻ 100yên=85cents.

Nam Hàn, nay là một đất nước có nền văn minh khá chói lọi trên thế giới, thế mà vẫn cho duy trì tập tục bói toán siêu hình kiểu dân gian nầy. Quả là đất nước có nền dân chủ, tự do, nên mọi người được quyền bày tỏ niềm tin riêng của mình.

Vì phố xá đông nghẹt khiến người hướng dẩn đoàn phải vất vã ngược xuôi để đôn đốc kiểm soát. Cuối cùng đoàn đến được một tiệm ăn chay dưới hầm nhà (basement) trong hẻm nhỏ để ăn tối.

Bữa cơm chay buffet đầu tiên trên xứ”Kim Chi”thật đáng nhớ. (Ăn chay suốt 2 tuần trong chuyến đi) Mọi người hăm hở sắp hàng lấy thức ăn. Quầy đặt thức ăn chật hẹp trưng bày mấy món ăn trông xa lạ nên chả biết chọn món nào, tất cả đều khác lạ với Việt nam ta. Những món ăn chay thuần túy của ta như tàu hủ kho, rau muống luộc, tương chao xì dầu, đã biến mất nơi đây, chỉ còn lại những món ăn không biết tên gọi, món nào cũng phảng phất mùi “kim chi” nên không cảm nhận được hương vị mà nhà hàng đã cố công cống hiến cho khách du lịch thưởng thức. Sự khác biệt văn hoá ẩm thực của hai nước khiến chưa đồng cảm với nhau trong mâm ăn. Đó là dấu ấn ngày đầu trên xứ “Kim Chi” Hàn Quốc.

*

Chủ nhật ngày 27/10/. 13--. 6:AM đánh thức theo chương trình. Mọi thủ tục vệ sinh cá nhân xong, điểm tâm tại nhà hàng của khách sạn. Bửa ăn sáng có ý nghĩa với các món ăn quen thuộc ở Mỹ. Mọi người hã hê vì đã được bù đắp lại bửa ăn đêm qua.

Xe đưa đoàn đến ngôi chùa cổ Bongeunsa ngay tại thủ đô Hán Thành(Seoul). Tuy chùa có khoảng không gian nhỏ hẹp nhưng mang tính cổ truyền nên còn lưu giử đến ngày nay. Chùa vẩn thờ ba vị Phật:Bổn Sư Thích Ca, A Di Đà Phật, Địa Tạng Vương. Đặc biệt chùa có ngoại cảnh rất đẹp. Từng chùm hoa tươi kết thành nụ rất tỉ mỹ, công phu, khoe muôn màu muôn sắc trông thật mỹ thuật, khiến khách thưởng ngoạn khó ai không bấm máy ghi hình các tác phẩm nghệ thuật nầy để lưu niệm.

Rời chùa, đoàn viếng thăm khu lăng tẩm (Bleu House)của các triều đại vua chúa Hán Thành được xây từ năm 1349. Toàn cảnh cũng thành quách cổ xưa như bao vua chúa khác trên thế giới. Nhưng tiếc thay! tại đây, nay đã bị hưng phế theo quy luật của thời gian và thời đại nên chỉ còn lại cảnh u-tịch và chuyện buồn mà thôi.

Ngày ấy, có vị con vua sau cùng 1910. Thời Nhật đô hộ Hàn Quốc, vị vua nầy bị đưa về Nhật sinh sống (một cách lưu đày), lớn lên lấy vợ Nhật, sinh được người con. Năm 1946 chiến tranh thứ hai bùng nổ. Mỹ chiến thắng Nhật, đưa người con đó về Mỹ sinh sống và, nếp sống sinh động của Mỹ đã cuốn hút vị “hoàng tử”sau cùng nầy đi biền biệt…thế là từ đó xứ Hàn Quốc, chế độ quân chủ bị phế đế cho đến ngày nay…

Qua các cơn binh lửa, một đất nước nhỏ bé như Hàn Quốc bị hai gọng kềm hết Tàu rồi Nhật thay nhau đô hộ cả ngàn năm. Khiến nay khi nhắc đến chuyện xưa, giọng ho (người hướng dẫn) bỗng chùng xuống không dấu được nỗi oán hờn kẻ đã gây tang thương đổ nát cho dân tộc và đất nước họ!

Thế rồi…sau cơn bỉ cực đến hồi thới lai. Nam Hàn ngày nay đang ngẩng cao đầu cùng với thế giới khiến mọi người phải bái phục. Họ đã chế tạo được hàng điện tử cao cấp cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới, sản xuất xe hơi, máy bay chiến đấu, chiến hạm để xuất cảng qua các nước Đông Nam Á v. v…

Riêng phần phim ảnh của họ, nay đã luồn sâu vào mọi gia đình khắp cả thế giới. Đến xem phim trường Holywood Korea của họ mới thấy nể phục. Dấu tay của các tài tử còn in xuống mặt đường nhựa khi họ về dự Festival-day tại đây.

Ngẫm người rồi nghĩ đến ta. Ngày trước 1975, Nam Hàn đứng nhìn Việt Nam Cộng Hoà trong e-dè trọng nể. Thế mà nay, cái nhìn ấy ra sao?

Chiều cùng ngày, đoàn được tự do đi shopping tại Dongdaemun và tối về ngủ tại Maremons hotel. Rất cám ơn ban tổ chức đã tìm được chổ ngả lưng yên ấm, lịch sự, tiện nghi, không dễ có tại xứ vật giá đắc đỏ như Hàn Quốc.

Hôm nay thứ hai ngày 28/10/2013, đoàn sẽ đi thăm chùa Sinheunsa(Tây hưng tự)nơi có tượng đức Phật Thích Ca to lớn ngoài trời, nặng 48 tấn có niên đại trên 800 năm. Đoàn phải rời khách sạn trước 7 giờ sáng để tránh kẹt xe. Qủa vậy, sau hai giờ di chuyển, đoàn đã có mặt tại chân núi của chùa, nhưng nơi đây đã thấy xe cộ tấp nập, khách hành hương lũ lược lên dốc núi. Quang cảnh ban mai giữa chốn núi rừng trông nhẹ nhàng thanh thoát, các loại lá rừng đều chuyển màu khoe sắc, tạo thành bức tranh với nhiều nét chấm phá lung linh huyền diệu tuyệt đẹp.

Khi đoàn đến được nơi tôn tượng Thích Ca thì đã thấy hương khói nghi ngút phủ quanh lư đồng đặt thờ trước tượng. Phật tử hành hương đều qùy lạy tõ lòng cung kính khấn nguyện. Riêng đoàn được thầy trưởng đoàn chủ trì tụng kinh yết bái với Phật có chúng con từ phương xa đến đảnh lễ Ngài.

Đoàn rời tôn tượng tiếp tục hành trình lên dốc viếng chùa. Chùa mẹ ở độ cao 550 mét, quanh chùa mẹ còn có chín chùa con trong mấy ngọn núi nầy. Phải xếp hàng đi cáp treo lên chùa cao, khách thập phương đã rồng rắn chờ đợi. Ước tính phải mất từ 1 đến hai giờ mới thăm được, nên chương trình phải đổi hướng qua chùa con lưng chừng núi.

Trước cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, trước vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, lòng người như được an tịnh theo từng bước đi, theo từng hơi thỡ. Chả bao lâu đoàn đến được sân chùa. Thật bất ngờ thấy được một bức tranh khác cũng rực rỡ trong nắng sớm được tạo bởi các vị tăng khoác y vàng đứng ngồi phơi nắng trước chánh điện chờ giờ hành lễ, trên bầu trời cao từng cụm mây trắng như ngừng trôi đang “‘tịnh thiền”t rên đó, tạo một thoáng nhẹ nhàng thanh khiết len vào tâm tư của người hành hương đến chốn thiền môn nầy.

Lễ Phật xong, rời chùa xuống núi, đi ngược dòng người đi lên, phải lách mình xen kẽ nhau trong rộn ràng náo nhiệt của ngay hội lớn. Sau đó đòan dừng lại một “quán bên đường” của chùa lập nên để gây quỹ Độc đáo quán chỉ bán toàn ngói lợp chùa có màu xanh đen. Mỗi viên 10.000yên = 10dollars. Đa số Phật tử đều phát tâm cúng dường. Khi tiền đã trao cho người phụ trách bỏ vào thùng phước sương, thí chủ được phát một cây viết highlight màu trắng để tùy thí chủ viết lời nguyện cầu của mình vào miếng ngói đó.

Ngày mai đây chùa được xây thêm, miếng ngói của mình cúng dường sẽ nằm trên mái chùa đâu đó quanh vùng rừng núi của Vương Quốc Phật Giáo nầy. Chắc chắn tâm bồ đề của mình sẽ được chói sáng dưới ánh mặt trời, và ánh đạo vàng, âu đó cũng là niềm hạnh phúc của thí chủ. Vì vậy không ai bỏ qua cơ hội thi ân hiếm có nầy.

Tiếp tục xuống núi, trời đã tỏ rạng hơn, sương mù đã tan, nơi đây có hằng hà “quán bên đường”bày bán các loại sản phẩm địa phương cũng như các qùa kỷ niệm cho khách qua đường (luá thóc đi đâu bồ câu theo đó). Trong đó có món hàng bắp luộc(nấu), sản phẩm cây nhà lá vườn chính hiệu. Mọi người đua nhau mua sạch trong nháy mắt khiến người bán ngẩn ngơ, vì đã mấy ngày qua không ăn được món ăn nào đúng khẩu vị của Việt nam nên bắp bây giờ là “cứu cánh”.

Thế mới hay, đừng xem thường mọi vật quanh ta dù bé nhỏ như bắp. Bắp đã cứu đói bao người trong lao tù sộng sản ở Việt nam năm nào…bắp lúc đó như sơn hào hãi vị chứ chẳng vừa.

Thứ ba ngày 29/10/2013, đoàn đi thăm chùa Bulgapsa (Bul=Buđa–gap=First– Sa=Temple). Có nghĩa: Ngôi chùa đầu tiên trên đất nước Đại-Hàn. Được xây dựng từ năm đầu của niên đại vua Chimryu Baekje (384 trước công nguyên), do vị thiền sư nỗi tiếng Malananda từ xứ Gandara Ấn-độ sáng lập. Ngài từ phương Nam của Ấn Độ đến trụ tại phương Đông của Trung Hoa trong suốt triều đại của vua Koryo 1349.

Cũng theo nhật ký của đại sư Seosan. Chùa được xây huy hoàng tráng lệ là vậy, nhưng đã bị phá huỷ hoàn toàn vì tay quân Nhật qua xâm lược và đô hộ đất nước Đại Hàn năn 1592. Sau đó chùa được tái thiết xây dựng lại bởi các đại sư Byukam, soyo, Ingye, BackamBeobhon và Youngdam, và cứ thế tái cấu trúc với đại sư Gogan từ 1975 và lần hồi hoàn thành suốt từ đó cho đến nay. Đã có hơn 1000 sư sải đến tu học thiền ở trong 500 phòng của ngôi chùa nầy. (theo bia đá ghi tại chùa).

Ngày nay khi du khách viếng chùa đều thấy những kiến trúc đồ sộ quanh mấy ngọn núi. Theo sơ đồ chỉ dẫn: muốn đi thăm thú hết toàn cảnh Phật Quốc nầy phải mất mấy ngày. Càng lên dốc cao cảnh trí càng đẹp đẽ rực rỡ với muôn màu sắc của cây lá chuyển màu óng ánh. Đặc biệt chùa còn có một quảng trường rộng lớn, nơi diển ra các cuộc lễ hội của Phật tử hằng năm.

Đoàn xuống núi đúng ngọ nên được dùng cơm chay tại một ‘”quán bên đường”cạnh chân núi. Cũng mấy món ăn xa lạ với khẩu vị Việt nam, chỉ ngon miệng nhờ món kem khoai môn tím độc đáo và ly sữa đậu nành thơm đặc sản của vùng núi cao khí lạnh nầy. Chưa thấy hương vị nào ở Mỹ, ỏ Việt nam ngon bằng.

Trong suốt chiều dài của đất nước Hàn Quốc đoàn có dịp đi qua, đây là ngôi chùa mang âm hưởng “Thiền” đậm nét nhất, vì cảnh trí trong cũng như ngoài chùa đều thanh tịnh, êm ả, thoát tục, có sức thu hút bước chân “giang hồ” của khách dừng lại, rũ bỏ “nợ đời” khi viếng cảnh.

Cùng ngày, sau hai giờ đong đưa trên xe băng rừng, đoàn đến viếng chùa Songgwangga temple, đây là tu viện mà ngày trước đã có 16 vị đại sư, tầm cỡ Quốc Sư thay nhau trụ trì. Chùa nổi bật sừng sững trên ngọn núi có cây lá vàng, đỏ làm phông trông như bức tranh vẽ thật đẹp.

Đoàn rời chùa, núi lặng mình nhìn theo!

Tối về đoàn được đưa tới một con tầu kgổng lồ gần bờ biển và được giới thiệu đây là con tàu du lịch “Freedom” lớn nhất của Mỹ, cao 105m, dài 350m, ngang 225m, vận hành bằng năng lượng mặt trời và sóng biển, trên tàu có sân bay, nhiều khu mua sắm, triển lãm. Xem ra tàu nầy lớn gấp ba lần tàu Qeen Mary II cuả Anh. Sau khi tàu ghé bến Hanwha Resort để đón đoàn du lịch người Mỹ gốc Việt qua Nam Hàn hành hương, tàu sẽ đi qua vùng biển Australia, đến Đông Nam Á, đến Thái bình Dương rồi kết thúc cuộc hành trình trên bờ biển Bắc Mỹ và “ai về nhà nấy”.

Tối đó ai cũng có cảm giác mình đang lắc lư trên ngọn sóng của biển cả ngoài đại dương. Bất chợt điện thoại báo thức, mới sực tỉnh và rồi biết mình đang nằm mơ (giấc mơ tuyệt đẹp, vì nơi mình ngủ đêm qua chỉ là một khách sạn trên núi. Các nhà thiết kế đã gọt đẽo biến ngọn núi nằm cạnh bờ biển thành dáng con tàu đang neo tại bến. Từ xa nhìn vào mấy ai biết được đây là ngọn núi. Trông thật tài tình và nghệ thuật. Khen các nghệ nhân đã khéo léo ”đánh lừa” được hàng vạn du khách qua đây với tác phẩm độc đáo nầy.

Mọi người ngẩn tò te mang hành lý xuống núi, tiếp tục hành trình. Thú vị của du lịch là sự bất ngờ!

Thứ tư 30/10/2013, đoàn viếng thăm chùa Haeinsa temple, nơi tôn thờ và gìn giữ tam tạng kinh điển của đức Phật, được khắc trên gỗ qúy. Chùa xây trên núi cao, phải lên từng bậc cấp dốc đứng khiến người yếu sức phải có người trợ lực mới theo kịp. Được biết kho tàng của chùa đang lưu trữ 81.258 miếng gỗ qúy, mỗi miếng dài 70cm ngang 24cm và nặng 3.25kg. Được khắc chữ bằng tay trên hai mặt gỗ. Đây là công trình gía trị có một không hai ở Hàn Quốc, đã được UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận tháng 12 năm 1955 là di sản văn hoá của thế giới.

Toàn bộ kinh điển được lưu trữ trong ngôi nhà gỗ xây đặc biệt, có hệ thống cách nhiệt, cách ẩm và cách ly với người (du khách) vì sợ khi người vào thăm mang theo thân nhiệt, mang theo sinh vật bám vào quần áo cùng với thán khí, lâu ngày sẽ tác động khiến gỗ bị hư hại, vì vậy khách chỉ được nhìn từ ngoài vào và nhìn qua phóng ảnh to treo trên tường mà thôi.

Qủa thật không tận mắt nhìn thấy làm sao biết được nơi đây, giữa chốn rừng núi thâm u cùng cốc nầy laị có một báu vật được bảo tồn công phu và cẩn trọng đến thế.

Đoàn xuống núi, núi lại ngẩn ngơ nhìn theo!

blank
Tác giả trước tượng Phật.

Thứ năm ngày 31/10/2013, đoàn đi chiêm bái chùa Bulgulsa (Phật quốc Tự); Thăm thánh địa Seokkuram Grotto nỗi tiếng có tượng Phật khắc trong động đá độc nhất tại Hàn Quốc vào thế kỷ thứ 6.

Đường lên chùa rộng rãi, dốc cao thoai thoải, đi mãi đi mãi xen lẫn tiếng suối reo bên tai, tiếng gió lùa qua khe lá xào xạc, tiếng cười đùa râm rang của các học sinh mọi cấp của Hàn Quốc cùng lên. Tìm hiểu được biết: nền giáo dục của đất nước nầy lấy tâm linh làm nền tảng cho việc đào tạo con nguời. Do đó hàng tuần các trường trung tiểu học của họ đều có lịch trình đưa nhau đến chùa chiền, miếu mạo học lịch sử, học văn hoá nước mình tại mỗi địa danh sống thực để từ đó gieo vào lòng các em hạt giống bồ đề tâm, cùng niềm tự hào về dân tộc để khi vào đời họ tận tâm phục vụ đất nước, đưa đất nước đi lên như ngày nay.

Khi đòan đã tiếp cận được tôn tượng trong hang, mà luật ở đây chỉ cho phép khách hành hương vừa nhìn vừa di chuyển để tránh đoàn người phía sau ùn ùn tiến lên.

Thật khó nói hết lòng khâm phục các nghệ nhân ngàn năm trước, làm cách nào họ có thể tạc được tượng trong điều kiện chật hẹp, tối tăm thiếu thốn mọi phương tiện không như ngày nay.

Chiều ve, đoàn đi thăm bảo tàng viện Gyeonju National Meseum của đất nước Nam Hàn. Khi đoàn tiến vào bên trong, đã thấy rất đông học sinh các trường đổ các em xuống đây thăm viếng. Gặp một tốp học sinh tiểu học thấy các em ai nấy đều cầm máy Iphone xin quay phim chụp hình làm kỷ niệm. Các em như những con chim nhỏ, líu lo vô tư như các cháu nhà mình. Khi được biết đoàn từ Mỹ qua, chúng mong sẽ có ngày qua Mỹ học. Cầu mong sao các em đạt được ước nguyện trong đời!.

Giã từ các em lên xe đến thăm khu lăng tẩm các vị vua Đại Hàn gần đó. Tại đây đoàn cũng phải len lỏi theo rừng người vào thăm lăng tẩm CHEƠNMACHONG (Heavenly horse Tomb). Điều dễ đập vào mắt là thấy được dể dàng từng ngôi mộ của các vị vua cùng một khu rộng lớn. Không như các lăng tẩm kiểu cọ, chạm khắc rồng bay phượng mùa của vua chúa nhà Nguyễn tại Huế. Mộ của các vua Đại Hàn thật đơn sơ, chỉ là những nấm mồ cao 12. 7m, vòng mộ 157m, trên trồng cỏ như bao ngôi mộ khác của dân gian trông bình dị, dễ gây sự gần gủi, kính trọng đối với quần chúng. Mộ được xây vào thế kỷ thứ 5, 6. Có khoảng 11. 500 vật khảo cổ được khai quật. Chúng gồm có: Vương miện, cành vàng, yên ngựa và vô số vòng vàng mã não, cung kiếm, ly chén, bình đựng rượu, cùng nhiều vật nhu cầu khác trong đời sống thường nhật của vua, đều được trưng bày thật mỹ thuật và trang trọng cho người xem.

blank
Đoàn hành hương tới chùa cổ Nam Hàn.

Khách viếng mộ sắp hàng lần lượt vào bên trong, vừa di chuyển vừa nhìn (cưỡi ngựa xem hoa) mà thôi, sau lưng đoàn người rồng rắn theo sát, đa số là học sinh các trường.

“Quán bên đường” tại đây chỉ bán hàng lưu niệm và hoa tươi để khách viếng mộ mua dâng lên bệ thờ tõ bày lóng kính cẩn với tiền nhân.

Tối về đoàn ngủ tại khách sạn Gyeongju Daemyung Resort Hotel. Thật cám ơn ban tổ chức đã tinh ý chọn được những nơi ngả lưng êm ã cho đoàn sau một ngày leo núi, băng rừng mệt nhọc để còn sức ngày mai ra đi…

Sáng hôm sau thứ sáu ngày 1/11/2013 đoàn chuyển đến thành phố Busa phía cực nam của Nam Hàn. Từ thủ đô Seoul về đây đã trải qua sáu ngày. Busa có diện tích rộng lớn đứng hàng thứ hai sau thủ đô Seoul và là hải cảng chính của Nam Hàn. Theo lịch trình đoàn sẽ thăm chùa Beomosa Temple có niên đại 1300 lịch sử, nhưng thời gian không cho phép vì di chuyển qúa xa nên thì giờ còn lại chỉ đủ viếng chợ đồ biển Lagalchi của thành phố nầy

Chợ bày bán tất cả các loại hãi sản như chợ Việt nam. Chỉ khác xa bên ta, vì được tổ chức nề nếp, sạch sẽ, văn minh hơn. Không nghe mùi tanh của cá vì tự chủ quầy hàng luôn xịt nước tẩy rữa thường xuyên. Đặc biệt họ trình bày hàng trên sạp trông đẹp mắt, rất hấp dẫn người mua. Có những loại hãi sản rất xa lạ với ta chưa thấy lần nào. Xem người để biết mình. Ngay tại chợ Bến Thành Sài Gòn cũng chưa có phong cách, vóc dáng một ngôi chợ cá lịch sự như chợ cá Lagalchi của thành phố Busa nầy.

Ngoài chợ, các “quán bên đường” bày bán đủ thứ linh tinh, cá cơm khô, cá hố khô, mực khô, tôm khô v. v.. thấy không phong phú bằng Việt-nam. Tối đoàn về khách sạn Busan Paradise Hotel nghỉ. Kết thúc ngày cuối tại Nam Hàn.

Dọc theo hành trình từ Bắc chí Nam của Nam Hàn để luồn sâu vào các chùa trên núi, nên có dịp thấy được đất nước nầy đang tiến bộ. Thán phục hệ thống hạ tầng cơ sở của họ. Từ thôn quê đến thành thị nơi đâu đường sá cũng tráng nhựa phẳng phiu đẹp mắt, chưa hề gặp “ổ gà” nào khi xe đi qua. Người nông dân cày ruộng bằng máy cày công nghiệp. Họ đậu xe riêng bên bờ ruộng, cày ruộng xong lái về nhà. Được biết đời sống người nông thôn được nâng lên gấp ba lần kể từ 1968 đến nay và sẽ còn lên cao hơn nữa với kế hoạch mới của vị nữ tổng thống bây giờ. Không còn cảnh nhà tranh hoặc tôn vách ván lụp xụp nghèo nàn, tất cả đều là nhà xây tường mái ngói khang trang.

Trên đường qua vùng nông thôn trù phú này, mừng cho người dân quê Nam Hàn nhưng lại không tránh khỏi thương tủi cho thân phận người phụ nữ Việt phải đành đọan “lấy chồng xa” tồi lưu lạc như trường hợp cô gái Việt nam sau đây.

Đoàn dừng chân ở quán bên đườngcủa một bà mẹ trẻ. Nếu không có tiếng “quát” bé trai 5 tuổi vì quậy phá quán hàng của mẹ bằng tiếng Việt, thì khó ai nhận ra người đàn bà nầy là người Việt nam. Do trời lạnh mọi người đều trùm kín thân mình, đầu cổ bằng áo quần chống lạnh. Tôi tìm đến vờ mua hàng và hỏi chuyện.

Được biết cô tên Hân, quê ở Tiền Giang Mỹ Tho, vì cuộc sống quá khó khăn, cha mẹ già đau ốm, đàn em năm đứa còn nhỏ, không kế sinh nhai đành ngã theo tiếng gạ gẫm của người môi giới “đi lấy chồng xa” hầu cứu vãn gia đình. Hân kết hôn (kết hôn chứ không kết duyên, đâu có tình yêu trước mà duyên nợ) với người chồng già người Hàn, theo thoả thuận một ngàn Mỹ kim để về làm vợ ở xứ người. Ngày ra đi theo tính toán đủ mọi chi phí của người môi giới. Chúng cướp mất của Hân 700 đô. Gia đình Hân chỉ còn nhận được ba trăm đô mà thôi. Cái giá của người con gái phải đánh đổi đời mình quá bọt bèo!

Thế rồi Hân trôi nổi trên xứ người. Hân có được đứa con trai 4 tuổi, sau đó người chồng bệnh chết, hết chỗ nương tựa, gia đình chồng trở mặt bắt Hân làm thân gái phục vụ tình dục cho họ hàng nhà chồng nếu không bị đánh đập tàn nhẫn. Chịu đựng cảnh đắng cay ê chề trên một năm, cuối cùng tự mình phải giải thoát cho mình.

Hân trốn nhà ôm con ra đi, lang thang đến khu Munmak Service Area Center quá xa nơi cô cư ngụ, cải trang để che dấu tông tích vì sợ bị bắt lại. Tại đây những ngày đầu tiên quả là gian nan. Phải nhận việc làm thấp nhất trong nấc thang xã hội, lau chùi cầu tiêu công cộng, lau chùi cống rảnh các trại gia cầm để kiếm sống nuôi con. Dành dụm, tiến dần lên một”quán bên đường” bán đồ lưu niệm cho khách qua đường vào trạm nghỉ ngơi rồi đi…

Hỏi sao Hân không về Việt nam cùng với cha mẹ. Hân nói trong ngấn lệ. Hân rất nhớ Việt nam, nhớ quê hương nhưng không dám về vì sợ nhìn thấy cảnh đói nghèo ngày trước, thà ở đây thui thủi làm ăn giúp gia đình còn hơn về để chết chùm với nhau. Một thoáng xúc động dậy lên trong tâm khiến tôi bùi ngùi thương cảm cho đời người con gái bất hạnh nầy. Mua món hàng nhỏ tượng trưng, kèm chút tiền làm quà như phía “bên ngoại” của Việt nam cho cháu bé thơ ngây, chơ vơ giữa dòng đời vô định của ngày mai…

blank
Đoàn hành hương tới chùa cổ Nam Hàn.

Chắc rằng sẽ còn biết bao mảnh đời con gái khác đang rơi rụng khắp đó đây trong vùng Đông nam Á nầy như trường hợp của Hân, nào ai hay biết!

Nhân nói đến thân phận những người Việt nam, vì bạo quyền đàn áp phải bỏ nước ra đi, trôi dạt đó đây để lánh nạn, xin nhắc lại chuyện người Việt cũng trôi dạt vào đất nước Hàn Quốc nầy 788 năm trước, nhưng khác với nghịch cảnh trớ trêu của các cô gái “lấy chồng xa” khốn khổ ngày nay. Ông ta được vua Đại Hàn đón tiếp rất trọng thể, được hưởng mọi ưu đãi dành cho ông và gia tộc.

Người Việt đó chính là Thái Tử Lý Long Tường. Ông sinh năm 1174, là người con thứ 7 của Hoàng Đế Lý Anh Tông và Hiền Phi là Lê Mỹ Nga. Ông đã được vua Trần Thái Tông phong chức:Thái sư Thượng trụ Quốc

Năn 1225, Trần Thủ Độ lật đổ triều đại nhà Lý, đưa cháu trai Trần Cảnh lên nhiếp chánh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và buộc Lý Chiêu Hoàng phải thoái vị, nhường ngôi để lập ra triều đại nhà Trần. Sau đó Trần thủ Độ tiến hành cuộc tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý phải đổi qua họ Nguyễn, rồi đày con cháu nhà Lý lên vùng núi non, rừng thiêng nước độc hiểm trở phía Bắc để sinh sống.

(Cộng sản Việt nam học thuộc bài học nầy, nên khi tiếp thu miền Bắc năm 1954 cũng như khi chiếm được miền Nam sau 1975 họ cũng đày ải người dân Hà Nội rồi Sài gòn lên các vùng rừng núi làm kinh tế mới.)

Năm 1226, để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, Vương Miện, áo Long Bào và Thanh Thượng Phương Bảo Kiếm, truyền từ đời Vua Lý Thái Tổ cùng 6000 gia thuộc thoát ra cửa Thần Phù, nay là tỉnh Thanh Hoá chạy ra biển bằng ba chiến thuyền lớn. Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão phải ghé vào Đài Loan (Taiwan). Khi Lý Long Tường quyết định đi tiếp thì con trai là Lý Long Hiển ốm nặng nên phải để lại 200 gia thuộc để chăm sóc cho con và ông đi tiếp. Đoàn thuyền lại bị bão đánh dạt vào Trấn Sơn, trên bờ biển Cao Ly.

Tương truyền rằng:trước đó vua Cao Ly nằm mộng thấy một con Phương Hoàng cực lớn bay từ phương Nam đến, vì vậy ông truyền lệnh cho chính quyền điạ phương trải thảm đỏ tiếp đón theo nghi lễ trang trọng, ân cần và đồng ý cho Lỳ Long Tường ở lại dung thân luôn trên đất nước Đại Hàn từ Đó.

Tại đây. Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt. đánh cá, chăn nuôi. Ông còn cho mở Độc Thủ Đường dạy văn (thi phú lễ nhạc, tế tự) và Giảng vỏ Đường dạy binh pháp, vỏ thuật. Học trò học rất đông.

Lý Long Tường là ông tổ họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc và Triều Tiên. Hiện nay hậu duệ họ Lý dòng dỏi Lý Long Tường có khoảng 600 người. (Ông cũng chính là ông tổ của thuyền nhân vượt biển - Boat people.. của người Việt nam chúng ta ngày nay- lời ngưới viết).

Khi mất, ông đươc chôn cất tại chân núi Di-Ất, gần Bàn Môn Điếm (vùng phi quân sự giữa hai miền Nam-Bắc)..

Năm1232. Đại Hán Oa Khoát Đài, đem quân tiến đánh Cao Ly, nhưng đã bị Lý Long Tường lảnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân điạ phương đánh bại.

Năm 1253. Đại Hán Mông Ca tiến đánh Cao Ly lần thứ hai, sau 5 tháng chiến đấu cũng bị Lý Long Tường đánh bại.

Sau các chiến công hiển hách trên, vua Cao ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn. Phong Lý Long Tường là Hoa Sơn tướng quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là: Thụ hàng môn và vua Cao ly lập bia tại đây ghi công (di tích nầy hiện nay vẫn còn, theo Wikipedia).

Thời gian ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc vì nhớ về cố Quốc. Nơi ấy gọi là Vọng Quốc Đàn.

Có bài viết đâu đó kể rằng ngày 06 tháng 01 năm 1958. Tổng thống Đại Hàn Lý Thừa Vản thời đó viếng thăm nước Việt Nam Cộng Hoà, tuyên bố với Tổng Thống Ngô đình Diệm rằng: Tổ tiên ông là người Việt Nam. Ông là cháu hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.

Chuyện họ Lý Việt Nam tại đất Hàn từ thời phong kiến cách đây 788 năm (2014 – 1226 = 788), dù là cảnh thuyền nhân, lưu vong, nhưng vẫn cho thấy niềm tự hào lịch sử. Ngược lại, trường hợp cô gái Mỹ Tho lưu lạc trên đất Hàn, không khỏi làm người viết ngậm ngùi khi nghĩ tới hoàn cảnh của hàng chục ngàn, trăm ngàn cô gái Việt thời xã hội chủ nghĩa, bị đẩy vào cảnh phải đi “lấy chồng xa.”

*

Nam Hàn ngày nay đã trở thành một đất nước văn minh, tân tiến, nhưng mọi di tích lịch sử tôn giáo, dù trong rừng sâu núi thẳm vẫn được bảo trì trân trọng. Những ngôi chùa cổ ở đây vẫn dựa lưng vào núi đứng sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Đạo nhiệm mầu vẫn lan truyền như dòng suối mát, là chổ dựa tâm linh cho quần sanh khi vào đời.

Sau bẩy ngày hành hương chùa cổ tại Nam Hàn, sáng 02/11/13 đoàn rời Busan bay qua Nhật.

Xin hẹn gặp lại bạn đọc ở “quán bên đường 3 khi hành hương tại Nhật Bản.

Ngô Văn Thu

Ý kiến bạn đọc
23/12/202002:17:37
Khách
Bài khá dài, mô tả tỉ mỉ chuyến đi cùng với cảm nhận của tác giả thật đáng trân trọng. Tôi cũng thích câu "Đoàn rời chùa, núi lặng mình nhìn theo!". Hôm nay tình cờ đọc bài này, có lẽ phải trở lại đọc lần 2 & đọc tiếp phần 2. Cám ơn tác giả rất nhiều. Kính chúc ông luôn bình an!
27/06/201713:04:07
Khách
xin thưa chú Thu. Lý Long Tường chỉ là Hoàng tử chứ không phải là Thái tử. Thái tử lúc đó là Long Cán. Sau này là vua Lý Cao Tông. Long Cán lên ngôi lúc 3 tuổi thì Long Tường mới 1 tuổi. Là người tài giỏi, cũng được nằm quyền nhưng vận nhà Lý đã hết nên ông kg thay đổi được thời cuộc
31/03/201417:48:23
Khách
xin sua lai dong tien Han quoc la Won chu khong phai la Yen nhu tac gia viet a...xin cam on
31/03/201401:49:43
Khách
Một bài ký sự rất hay và ý nghĩa. Lối hành văn khúc-chiết: rành rẽ, gãy gọn mà tỉ mỉ. Tôi mê nhất hình ảnh: "Đoàn rời chùa, núi lặng mình nhìn theo!", mà tác giả đã lập lại nhiều lần; có lẽ đây cũng là tấm lòng của chính tác giả nữa!
30/03/201417:21:28
Khách
Bài du ký thật hay nhưng sao không thấy hình ảnh, tiếc qúa !
30/03/201416:27:39
Khách
Bai viet rat hay,tac gia co the nao cho biet vi Thay nao da huong dan doan di hay khong?Thay hien o chua nao de co the lien lac,toi nghi qua bai viet cua tac gia chac se co nhieu ban doc,muon di tham vieng,nhung noi ma tac gia da tung di qua,cam on bai viet cua tac gia
29/03/201423:46:39
Khách
Bài quán bên đường sai nhiều lỗi chính tả nhất là hỏi ngã.
Trang 4 nói về chùa Bulgapsa, khởi công năm 384 AC và do vị sư trụ trì đời vua Koryo năm 1349 thời gian cách nhau quá xa, đề nghị xem lại.
LVN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.
Nhạc sĩ Cung Tiến