Hôm nay,  

Chuyện Cổ Tích Ở Bờ Đông

14/03/201400:00:00(Xem: 20825)
Tác giả: Song Lam
Bài số 4161-14-29571vb5031314

Bờ Đông ở đây là thành phố Bridgeport, Connecticut và “nhân vật cổ tích” trong truyện là cô Thơm làng Còi va anh chồng lai Mỹ đen. Tác giả bài viết thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dânCherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tựsơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Bài viết phổ biến từ 16 tháng B 2013, hiện đã có trên 280,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

1. Bé Thơm cời mảng than đỏ ra cửa bếp vì sợ khét nồi cơm, rồi nghiêng đầu thổi phù phù lớp tro than bám trên nắp. Nó dở nắp nồi và xới cơm như hàng bữa. Mái tóc cháy nắng lơ thơ được buộc túm sau ót của nó trông giống như đuôi con gà tre. Nồi cơm nhỏ lại lổn chổn với khoai lang nấu chung lan ra từng mảng vàng khè. Nó vừa xới cơm vừa gọi:

- Ba à, dậy ăn cơm!

Không nghe ông già trả lời, nó bước tới cái ghế bố đen xĩn trên đó ông Lai đang nằm trùm mền rên ư ữ. Chẳng là mấy ngày nay, ba nó bị lên cơn sốt rét không ra đồng được, nó phải nhờ thằng Hùng kế bên nhà cuốc giùm miếng đất non một công cho nó gieo mạ. Con Thơm vỗ vỗ vào chân ông Lai và nói:

- Dậy ăn chút cơm đi Ba. Ăn rồi còn uống thuốc nữa!

Nể con, ônh Lai uễ oải ngồi dậy nhưng nghe đầu cổ còn nặng lắm. Cái thứ sốt rét này thật lạ, lúc nóng hôi hổi đổ mồi hôi hột, lúc lạnh run cầm cập.

Hồi trưa, bà ngoại thằng Hùng có đưa cho con Thơm thuốc trị sốt rét và nói với nó:

- Mầy cho ba mầy ăn cơm rồi đưa cái này cho ổng ăn. Biểu ổng uống trộng thôi chứ đừng có nhai và đừng nói gì hết nghen. Tao bảo đảm ăn hai lần là dứt nọc!

Con Thơm dạ rồi chạy u về nhà để trên nắp lu nước sau khi gói vào lá chuối cẩn thận, định bụng cho Ba Nó “uống thuốc” sau khi ăn cơm. Hôm qua, thằng Hùng có cho nó mớ cá sặc con còn nhảy roi rói, nó kho tiêu để Ba nó chấm với đọt lang luộc hái ở sau hè. Tội nghiệp thằng Hùng, lúc nào cũng giúp đỡ săn sóc nó như anh em ruột. Hai đứa này bằng tuổi nhau, hai nhà chỉ cách con mương nhỏ nên chơi thân với nhau từ lúc 5, 7 tuổi, cứ gọi nhau bằng “mày, tao”. Bây giờ cũng vậy.

Từ khi lớn lên, tụi nó biết quê mình là Bình-Định, vùng đất nổi tiếng về nghề võ; nhưng chưa bao giờ được ra ngoài ra chợ, chỉ quanh quẩn trong cái làng nhỏ nầy. Nói là làng cho nó “xôm” chứ võn vẹn có chừng mươi nóc gia, ở rải rác quanh chân núi và nhà nào cũng… nghèo “rớt mồng tơi”. Làng xóm người ta có cái tên dễ thương như Trị Yên, An Thới… còn làng của nó chỉ võn-vẹn một chữ: Làng Còi. Có thể xóm này ở sát chân núi, cói cọc lưa thưa không có cây cối lá gì nhiều, chỉ có vài miếng ruộng khô cứng, chổ thì trồng lúa được, chổ thì không vì bị lấn phèn. Mọi người cũng tranh thủ trồng khoai, trồng bắp nhưng huê lợi chẳng bao nhiêu. Đi sâu vào trong núi, mấy người già nói rằng đó là hang ổ của “mấy ổng”. Ban đầu, con Thơm tưởng “mấy ổng” đây là “ông ba mươi” mấy con cọp dữ, nhưng không phải. “Mấy ổng” không là “ông ba mươi”, mà là “mấy ông tối trời” nghĩa là đám VC quần xà lõn dép râu thỉnh thoảng ba nó gặp. Về đêm, họ lẻn ra xóm xin gạo, xin tiền “ủng hộ cách mạng ăn no đánh thắng giặc Mỹ”. Nhưng cái xóm này nghèo quá, mấy cha nội đó không “nã” được gì, riết rồi họ cũng chán không bò ra nữa…

Trong bữa ăn, ông Sáu Lai nhai trệu trạo miếng cơm, vừa nói với con gái:

- Ba định bụng dành dụm tiền mua con trâu để cày ruộng mà mấy năm nay lúa thất quá, tiền dư không được bao nhiêu. Năm nào cũng mướn trâu trên xã tốn tiền quá.

Con Thơm không nói gì, chỉ ậm ừ cho qua. Nó nghĩ đến gia cảnh mình mà buồn. Chưa đầy 15 tuổi, con Thơm khôn ngoan hơn thằng Hùng bằng tuổi nó. Nó biết tính toán thu vén và đặc biệt rất có hiếu. Theo lời Ba nó nói, Má nó hồi đó rất đẹp, nhưng sau khi nó được 5 tuổi, Má nó bị bệnh rồi mất. Ba nó vì nghèo không lấy được vợ, mãi đến 45 tuổi mới gặp Má nó nhỏ hơn ông một giáp. Vì thế, bây giờ con Thơm chưa tới 15, ông đã chập choạng tuổi 60. Con Thơm giống Má nó như đúc nên dù nghèo hèn lam lũ vẫn không che lấp được làn da trắng mịn hồng hào, vóc dáng tròn trĩnh như Mẹ nó ngày xưa. Từ hồi Giải Phóng tới giờ, tưởng cuộc đời cha con nó được đổi, nào ngờ đói vẫn đói, khổ vẫn hoàn khổ… Đang miên man dòng suy tưởng con Thơm lại nghe Ba nó nói tiếp, giọng ngập ngừng:

- Thơm nì, hay là mi ưng thằng Hùng đi. Thằng này làm giỏi lắm. Mi ưng nó, Ba khỏi phải lo tiền mua con trâu…

Con Thơm hết hồn, không bao giờ nghĩ rằng Ba nó lại có ý định đó, vã lại, nó còn nhỏ quá mà… nhưng người nông dân ít học như Ba nó, lúc nào cũng thực tế, đơn giản như vậy.

Vài hôm sau, Ba nó khỏe lại, cơn sốt rét vụt biến mất. Nó thầm nghĩ không biết cái thứ thuốc gì mà bà Ngoại thằng Hùng nhét vào trong trái chuối xiêm đưa cho Ba nó ăn; thuốc gì mà hay quá vậy? Con Thơm hỏi, Bà Ba Phổ cười tươi có gì đâu con, đó chỉ là vài con trùn đất hổ đem nướng lên thôi, mà phải kiếm đúng con trùn hổ màu đen xẫm mới hay.

Con thơm nghĩ thứ gì chứ trùn hổ đất ở nhà quê ruộng rẫy thiếu gì… Hèn chi Bà Phổ không cho Ba nó nhai, chỉ trệu-trạo rồi nuốt.

Vậy là con Thơm và thằng Hùng làm đám cưới vào cái Tết tụi nó được 15 tuổi. Nói là làm đám cưới cho “oai” chớ thật ra, chỉ có con gà nấu cháo, thịt gà xé phay, mấy ông già bu lại lai rai với vài xị rượu đế. Hai đứa nó thân nhau từ nhỏ: chơi đùa, tắm sông, leo cây, hái trái, leo núi cùng nhau… nhưng lúc ông Lai biểu con Thơm ưng thằng Hùng, con Thơm cũng do dự, phân vân vì thằng này quá xá là đen. Hai đứa nó, cái gì cũng trái ngược: con Thơm thấp, lùn tròn trĩnh, trắng như bông bưỡi… còn thằng Hùng cao lêu nghêu, ốm nhôm lại còn đen thùi lùi; đen như “cột nhà cháy”. Thằng Hùng lai Mỹ-đen, cả xóm này ai lại không biết. Ông bà Ba Phổ chỉ có cô Nở-má thằng Hùng-là con gái guy nhất. Vì hoàn cảnh nghèo khó, cô Nở theo chị em vô Quảng Ngãi làm ăn. Sau ít lâu, cô Nở có bầu, đẻ ra thằng con lai Mỹ đen thui. Cô Nở không tránh được sự dè bĩu khinh khi của người làng. Từ hơn nửa thế kỷ trước, việc con gái chửa hoang là một điều không thể tha thứ được, huống chi lại có con hoang lai Mỹ đen như má thằng Hùng. Dĩ nhiên, cô Nỡ không thể ở lại được với xóm làng này.

Thằng Hùng sống sót với sự thương yên chăm chút của ông bà ngoại. Nó chỉ biết nó sanh cùng năm với con Thơm, năm Mậu thân 1968; cái năm mà VC tấn công thành phố Huế, giết hàng vạn người trong ngày Tết Nguyên Đán. Từ đó, má nó đi biệt, thỉnh thoảng lẻn về thăm cha mẹ một lát rồi đi; lại lựa lúc chạng vạng tối trời cho hàng xóm không thấy mặt mũi và tránh những lời đàm tiếu, nhiếc móc. Thằng Hùng lớn lên lầm lũi, ai cũng tránh né nó không cho con nít tới gần. Nó khóc rất nhiều lần khi người ta gọi nó là “đồ Mỹ đen”, “đồ con lai Mỹ”. Dần dà, hàng xóm thấy nó cũng dễ thương, chịu cực chịu khổ, nên họ quên cái tướng cao lêu khêu, làn da đen móc và nhất là mái tóc quăng tít thò lò sát da đầu của nó.

Thằng Hùng thích con Thơm nên khi nghe bà ngoại nó nói chuyện cưới vợ nó gật liền. Người ta thường hay mơ ước điều gì đó mình không có. Nó đen thui nên làn da trắng của con Thơm làm cho nó ngất ngây. Nó biết tụi nó mới mười lăm tuổi nhưng cứ “xí phần” trước chứ không thôi mấy thằng trên xã nó cứ chàng ràng. Mà cũng đúng, thằng Hùng lấy đại để đó thật. Cả hai đứa chẳng biết gì ngoài việc hùng hục lao động kiếm miếng ăn hàng ngày. Hai đứa này có đến trường ngày nào đâu, tụi nó hoàn toàn mù chữ.

Ở cái xó xỉnh này, việc cho con đi học là chuyện “xa xỉ”, vì kiếm ăn ngày hai bữa không xong, mơ màng chi đến chuyện học hành. Nói là vợ chồng nhưng thực tế, hai đứa nó chỉ là hai người bạn thân. Sau này, thằng Hùng cười lõn lẽn nói:

- Bữa đó, con đi giao than cho người ta, có ông già hỏi chuyện và… dạy con, chứ con có biết gì đâu nà…

Hai đứa nó chỉ thật sự là vợ chồng năm mười bảy tuổi, và năm sau, 1986 có đứa con đầu lòng đặt tên là thằng Bình, hai năm sau một đứa con trai nữa ra đời tên là Định. Mọi sự tụi nó nhờ mấy người biết chữ trong xóm lên xã làm giấy khai sinh. Vì muốn con dễ nuôi, con Thơm gọi đùa gọi đại hai đứa nhỏ bằng Trọc và Chuột.

Dĩ nhiên, hai đứa nhỏ này giống thằng Hùng nên cũng đen thui, chỉ khác là tóc không quăng tít như cha nó. Khi được năm sáu tuổi thằng Bình có lần hỏi mẹ nó:

- Má ơi, sao má trắng quá mà tụi con đen thui vậy má?

Không biết con Thơm trả lời ra sao, có giải thích gì không, mà sau đó thằng Bình cứ hỏi hoài làm mẹ nó bực mình, nạt nộ.

Từ hồi có thêm hai đứa cháu ngoại, ông Sáu Lai khỏi phải ra đồng, chỉ quanh quẩn trong nhà săn sóc bọn chúng. Căn nhà lá được sửa rộng ra, được tráng xi măng phía trước nhà để làm nơi cả nhà quây quần ăn cơm, hoặc để phơi khoai lang, phơi lúa. Những đêm sáng trăng, ông Lai bày tre lá ra đan rổ rá, đan những cái lờ, cái trúm cho thằng Hùng và ông ngoại nó đi câu, đi bắt cá ngoài ruộng, dọc theo chân núi. Ông Phổ là tay sát cá, nên chỉ cần ông bơi xuồng ra vàm một lát là cá rô, cá lóc, cá sặc nhảy loi choi lóc chóc trong lờ. Người thị thành không hề biết về những dụng cụ bắt cá như cái lợp, cái lờ, cái nơm, cái trúm… để người nông dân đi bắt cá ở sông, ở ruộng, hay ven lạch ven hồ. Chuyện này ông Sáu Lai, ba con Thơm, và ông Ba Phổ, ông ngoại thằng Hùng là hai “thợ chiến” ở xóm Còi này. Những cây tre La Ngà vàng óng chặt ở quanh làng đem về phơi vài nắng, đập dập rồi chẻ ra thành nhiều miếng kích cỡ khác nhau. Sau đó, với những bàn tay chai sạm thiện nghệ, hai “nghệ nhân” này vót bằng con dao phay bén ngót và đan thành những món đồ tiện dụng trong nhà như rổ rá thúng mủng và đặc biệt những món nêu trên. Đặc biệt cái lờ là “cạm bẩy” nguy hiểm nhất của mọi loài cá và khi lỡ chui vào là hết đường ra vì những thanh tre bên trong tua tủa nhọn hoắt như dao lá liễu, bén ngót. Vì thế, người đời thường hay nói:

“Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt

Con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô” để nói về những gian khổ, khó khăn trong trong hôn nhân, trong đời sống vợ chồng… Biết là khổ lắm đó nhưng ai cũng muốn nhào vô.

Hai vợ chồng trẻ con này bây giờ lại tất bật thêm với năm miệng ăn. Và Thơm Hùng còn phải lo cho ông bà ngoại bên nhà nữa là bảy. Vừa xong cấy gặt, hai đứa nó còn làm công cho một lò than trên núi. Cứ 3, 4 giờ sáng hai đứa lụi đụi khăn áo cơm nắm bỏ lưng đi bộ lên núi đốt lò quạt than cho củi. Về đêm, núi rừng miền Trung cũng khá lạnh. Hai đứa co ro ngồi thu lu bên miệng hầm liền tay chất củi, cào lửa cho đều… để sáng hôm sau gánh than xuống núi. Tuy cực nhọc nhưng hai vợ chồng trẻ con này đều lấy đó làm vui, kiếm được chút tiền nuôi con dù bữa rau, bữa cháo.


Sáng nào cũng vậy, con Thơm hì hục gánh than mặt mày lấm lem. Thằng chồng nhìn và buột miệng nói:

- Thơm ơi, da mày trắng quá, vậy mà than làm cho mày thành con lọ lem rồi…

Thơm cười trả lời chồng:

- Còn mày đen thui nên than quệt vô không thấy gì hết, Hùng hử?

Hai đứa cứ mày tao như hồi nhỏ, dù đã có hai mặt con. Hồi đó, ở Sàigon có phim truyện “Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem” ăn khách lắm, không biết con Thơm có mơ ước cho riêng mình hạt dẻ nào không?

2. Một buổi trưa, theo chân bà Nở, mẹ thằng Hùng, về xóm Còi, là một bà có dáng dấp sang trọng. Bây giờ Nở không còn trốn lánh xóm giềng vì tủi hổ như ngày xưa mà ung dung tự tin về thằng con lai Mỹ của mình sẽ làm thay đổi cuộc đời của gia đình. Bà khách này tên là Kim Xuyến, một thương gia giàu có ở Quảng Ngãi muốn tìm một trẻ lai làm con nuôi, hay đúng hơn, là muốn mua con lai để đi Mỹ. Ở Sàigon và các tỉnh miền Trung lúc đó, khoảng 1990 ì ầm tin đồn Mỹ sẽ lãnh sĩ quan cải tạo và con lai sang định cư. Mấy ông “tướng trời” được thả lai rai từ các trại cải tạo sáng nào cũng tập trung nghe ngóng tin tức trước cửa sở ngoại vụ. Rồi bàn tán. Rồi hy vọng. Rồi mong chờ. Những đứa con lai dù trắng hay đen trước đây bị khinh miệt, rẻ rúng bây giờ được “lên giá” bất chợt. Qua rồi giai đoạn “đổng, đài, độp - tức là đồng hồ, radio, xe đạp”, những thứ mơ ước của bất kỳ anh cán ngố nào; bây giờ mơ ước của họ vươn xa hơn; họ đang tìm tới vàng ròng và đô-la. Những người giàu có tiền của thời đó tổ chức vượt biên hà rầm, hay cẩn thận hơn nộp vàng cho chúng để “ra đi có trật tự”, hoặc mua con lai đi Mỹ. Bà Kim Xuyến đang tìm tới người khách quí là thằng Hùng ở xóm Còi này.

Con Thơm nghe nói dẫy nẩy, khóc bù lu bù loa, nó nói rằng không thể bỏ Ba nó ở lại Việt Nam một mình. Bà Nở la:

- Chuyện chưa tới đâu hết mà mày đã làm rầm lên. Nếu công chuyện êm xui, cả năm nữa mới đi. Mày biết là xóm này đang trong vòng qui hoạch của nhà nước không. Chừng đó, tao đưa ông bà ngoại, cả ba mày nữa, về Quảng Ngãi.

Con Thơm nín khóc và trong sự suy nghĩ đơn sơ của nó, nó nghĩ rằng bà Nở đang làm chuyện “ruồi bu”.

Gia đình thằng Hùng được đi Mỹ đã đành rồi, không biết bà Xuyến lo cách gì mà gia đình bả gồm ba người nữa cũng được phỏng vấn chung với vợ chồng Hùng Thơm.

Vợ chồng Hùng Thơm theo gia đình bà mẹ nuôi Kim Xuyến đặt chân xuống nước Mỹ vào đầu năm 1993.

Bây giờ con Thơm lại lo chuyện khác. Trời ơi, tiếng Việt không biết chữ nào làm sao học tiếng Mỹ đi làm nuôi con đây?

Sau vài tháng bảo bọc gia đình thằng con nuôi ngang hông để chờ cho xong cái thẻ xanh, Bà Xuyến cho chút tiền để tụi nó ra riêng. Gia đình nó được Hội bảo trợ ở đây mướn dùm căn nhà giá 400 đô một tháng. Chổ này là thành phố Bridgeport, Connecticut. Chữ này con Thơm học hoài, không nói được, chữ gì mà đọc trẹo bản họng, kỳ cục quá! Thời đó, mỗi địa phương có người di dân đều có Hội Thiện Nguyện để giúp họ bước đầu, dạy Anh văn, tìm việc… Con Thơm, thằng Hùng mù chữ làm sao học Anh văn. Vì thế, Hội giới thiệu cho hai đứa nó đi làm, tìm chổ nào có người Việt để chúng nó dựa dẫm.

Ban đầu, con Thơm được đưa vào làm ở tiệm giặt ủi, có vài người Mễ, Mỹ trắng, Mỹ đen, tuyệt đối không có người Việt. Người chủ dạy nó làm phải ra dấu vì không ai thông dịch. Con Thơm rất thông minh, sau đó làm rất giỏi.

Hai đứa này có con nhỏ nên được chính phủ Mỹ trợ cấp theo chương trình “oco-phi” nên sống cũng tạm đủ. Thằng Bình, thằng Định được xin vô học trường tiểu học gần nhà, được cho ăn sáng ăn trưa nên cũng đỡ khổ.

Thằng Hùng chưa tìm được việc vì cái tội “không thèm biết chữ”. Người chủ trắc nghiệm khả năng toán cộng trừ nhân chia, nó biết mô tê gì đâu, nên không được nhận vô làm. Về nhà, nó cằn nhằn:

- Tón, tón gì… cho tao vô làm đi, tao làm cho mà coi…

Cuối cùng nhờ người Việt làm supervisor giúp nó được nhận vô hãng làm bộ phận chuyển hàng từ xe truck vô warehouse. Tưởng gì chứ cái thứ này thì thằng Hùng xếp sòng. Ông Lai ba con Thơm nói có thằng Hùng là khỏi tốn tiền mua con trâu đó sao?

Rất may mắn cho Thơm và Hùng, vì cách nhà nó vài căn, là gia đình người Việt Nam cư trú đã lâu ở thành phố này, gia đình ông bà Năm Thanh. Ông này làm địa ốc, mua bán nhà đất, bà làm thợ may cho hãng nay mặc lớn của Mỹ. Dần dà, ông Thanh dẫn dắt thằng Hùng đi sửa nhà, cắt cỏ, hốt lá, xúc tuyết cho những gia đình giàu có ở Trumbull, Fairfield… ngày cuối tuần nên thu nhập cũng khá dần.

Khi đến Mỹ, thằng Bình 7 tuổi, thằng Định 5 tuổi; vì chưa bao giờ được đến trường như cha mẹ nó ngày xưa, ngày đầu đi học, hai thằng nhỏ khóc ré. Dần dà, được ông bà Thanh dắt đi nhà thờ, được làm quen với các bạn Việt Nam trong sinh hoạt thiếu nhi thánh thể, hai chú nhóc này dạn dĩ lần lần.

Vợ chồng ông Thanh là người Công giáo, các con thành đạt ở xa nên coi vợ chồng Thơm Hùng như con cháu của mình. Điều này làm cho hai đứa nó mừng rơn. Rồi gia đình Thơm cũng được học đạo, được vô đạo Công giáo, được đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật… như ông bà Năm Thanh. Và, sau khi tan lễ, Thơm Hùng học tiếng Việt chung với trẻ nhỏ trong cộng đoàn công giáo. Ban đầu, tụi nó mắc cỡ không chịu, nhưng nhờ lời giải thích thiệt hơn của các cô bác lớn tuổi, hai vợ chồng nó cố gắng. Chẳng bao lâu, họ ráp được vần, đọc được, viết được. Lần đó, mọi người thấy con Thơm khóc vì mừng quá. Năm đó, hai đức nhỏ đó vừa đúng 27 tuổi.

Bằng tuổi nhau nhưng con Thơm khôn ngoan hơn chồng nhiều. Thằng Hùng cái gì cũng thiệt thà, huỵch toẹt. Chồng đi làm ca hai, vợ ca một. Vậy mà khi thằng Hùng tan sở 2, 3 giờ sáng gặp những đêm mùa Đông lạnh cắt da cắt thịt, con Thơm phải trùm mền ra phòng bếp ngồi đó cho Hùng ăn cơm. Ngày nào cũng vậy vì thằng Hùng nói rằng:

- Tao phải thấy mặt mày tao ăn cơm mới được…

Hai đứa này có những “sự vụ” ngộ nghĩnh như vậy nhưng tựu trung, chúng nó rất dễ thương, giỏi giang. Trong cộng đồng, ai cần gì, chúng nó sẵn sàng giúp vì nó nói, ở Mỹ này ai cũng thương tụi nó: Từ ông Jim, cô Hoa trên Hội, bác Năm Thanh, cô Tín, Chị Hòa… đã giúp đỡ chúng nó tận tình, tận lực. Bây giờ, vợ chồng nó lại biết lái xe nữa mới “le” chứ! Trời ơi, gần ba mươi tuổi đầu mới biết đọc, biết viết, nếu con còn ở Việt Nam, chắc chẳng bao giờ biết lái xe, chẳng bao giờ biết chữ, cầm tờ báo lên nhìn vô như đám rừng… Con Thơm từng tâm sự với nhiều người như vậy.

Bridgeport là một thành phố cổ, xuống cấp nhiều năm. Những gia đình giàu có, học thức, có địa vị xã hội dần dà chuyển đi nơi khác sang hơn như Trumbull, Fairfield, Hartford… Ở đây, nhà rẻ, sinh hoạt thấp chỉ dành cho dân mới “nhập cư” từ Việt Nam, Africa, Mexico… nói chung Bridgeport là thành phố nghèo, đời sống dân trí còn thấp. Cộng đồng người Việt lúc bấy giờ còn ít, bao gồm những gia đình H.O., những gia đình vượt biên và đông đảo gia đình con lai. Những mãnh đời rách nát đó gặp nhau tình cờ ở đây, ngậm ngùi thương nhau không hết. Phố xá hàng quán còn thưa thớt, lèo tèo nhưng đặc biệt ở đây có chợ Việt Nam mà những thành phố chung quanh không có. Một buổi tối, thằng Hùng đến tiệm này gỏ cửa mua chai dầu xanh, bà chủ không mở cửa vì thấy thằng Mỹ đen bên ngoài. Bà chủ lắc tay, ra dấu không có. Thằng Hùng la lớn qua cửa sổ:

- Con là người Việt Nam bác ơi…

Khi Hùng bước vào tiệm, bà chủ nói:

- Mày làm tao hết cả hồn vía, lần sau tới phải lên tiếng nghe. 6 giờ là tao đóng cửa tiệm.

- Dạ, con mới qua được vài bữa nay thôi, nên bác chưa biết con…

Con Thơm bây giờ hoàn toàn khác với những ngày đầu qua Mỹ. ThằngHùng cũng vậy. Cái chất nhà quê nó đã làm rớt ở đâu rồi. Bây giờ, mỗi sáng Chúa Nhật, vợ chồng con cái đi nhà thờ tươm tất ra phết. Chồng diện sơ-mi cà-vạt, quần tây thẳng nếp, vợ cũng áo kiểu váy đầm, mặt mày tươi rói dù cả tuần đi làm cực nhọc. Con Thơm mừng ra mặt. Nó được ơn phước nhiều lắm, được sống ở Mỹ, dù cực khổ bao nhiêu cũng mặc.

Sau bảy năm ở Mỹ, nhờ tằng tiện chắt chiu, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhất là vợ chồng ông bà Năm Thanh, tụi nó mua được căn nhà, khỏi phải ở nhà thuê, nhà mướn. Nhà cửa ở đây cất theo lối cũ, mọi cái gần như giống nhau. Mỗi căn thường có ba units, tầng trệt, tầng lầu và trên cùng là Artic. Giá nhà lúc đó còn rẻ bèo, chừng vài chục ngàn, đặt xuống chừng 5, 10 ngàn là xong. Sau khi sửa sang đôi chút, con Thơm cho thuê tầng dưới và Artic, gia đình nó ở lầu 2. Tiền cho thuê đủ trả tiền nhà băng mỗi tháng, tụi nó ở free.

Bây giờ con Thơm lọ lem ngày xưa thành “bà chủ nhà” ăn trắng mặc trơn, tiền đô rủng rỉnh. Làn da trắng của nó bây giờ càng trắng, trắng hồng, thỉnh thoảng còn chưng diện son phấn khi có ai mời đi đám cưới, sinh nhật. Nhiều lúc soi gương, con Thơm không thể tưởng tượng đó là mình nữa.

Lúc còn trong tuổi ấu thơ, ai cũng thích nghe chuyện cổ tích và ai cũng có một bà tiên mơ ước trong cuộc đời mình. Bà tiên gõ chiếc đủa thần cô bé lọ lem thành công chúa, kẻ chăn trâu thành hoàng tử đẹp trai tài ba phi ngựa giỏi như thần. Chiếc đủa thần gõ xuống, nhà tranh vách đất xieu vẹo, bổng dưng trở thành lâu đài tráng lệ, nguy nga. Bà Tiên ở Mỹ đã gõ chiếc đủa thần cho gia đình Hùng Thơm rồi đó.

Bây giờ, đời sống của gia đình nó sung sướng gấp trăm ngàn lần hồi còn ở Việt Nam, nhưng lúc nào con Thơm cũng nhớ quãng đời cơ cực của mình lúc nhỏ, sống lủi thủi với cha, lúc nào cũng mơ ước có được chiếc áo tay cúp, bông hường.

Người đời thường chúc tụng nhau năm mới bằng câu: “Cá vượt vũ môn-cá hoá thành rồng” điều này thật đúng với trường hợp của Hùng và Thơm. Không ai có thể biết được hai đứa này gặp bà Tiên ở đâu lúc rời Việt Nam sang Mỹ: ở phi trường J.F.K NY hay phi trường Logan Massachussetts?

Trường hợp của bé Thơm, bây giờ ngoài 40 rồi, chắc nó sẽ không quên trong đời nó, nó có hai lần khóc dữ dội. Lần thứ nhất khi vô nhà thờ lần đầu tiên, nó khóc ngon lành vì nó nói rằng sao Đức Mẹ Maria giống mẹ nó quá, và lần thứ nhì, nó khóc vì mừng quá đổi về thằng con lớn, thằng Bình, năm rồi ra trường ngành kỹ sư điện tử-ở Fairfield University Connecticut.

Trong sự suy nghĩ đơn giản và chừng mực, con Thơm thấy rằng hình ảnh Đức Mẹ Maria, hình ảnh bà Tiên trong tuổi ấu thơ hay hình ảnh Phật Bà Quán Thế Âm đều giống nhau ở chổ đem tình thương, may mắn đến cho mọi người. Một chuyện khác, rất ngộ nghỉnh (mà cũng chẳng giống ai hết) con Thơm thấy họ đều rất đẹp, rất hiền, như má nó.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
27/03/201400:34:12
Khách
Có tính cách nhân bản rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.