Hôm nay,  

Bà Mẹ Chồng Mỹ: Cám ơn MẸ!

16/02/201400:00:00(Xem: 15929)
Tác giả: Kim Phượng Newman
Bài số 4142-14-29552vb8021614


Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bài được chuyển tới bằng điện thư. Tựa đề chính chỉ là ba tiếng “Cám ơn MẸ”. Bài viết về bà mẹ chồng người Mỹ thể hiện sự yêu thương, trân trọng, đúng tinh thần chữ MẸ viết hoa. Mong tác giả sẽ có thêm bài mới và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

* * *

Mẹ chồng tôi mất đúng một tuần trước ngày sinh nhật bà 95 tuổi. Bà đã không chờ được lâu hơn. Tôi nhớ khi cả nhà cùng ngồi ăn buổi chiều, tôi nói với bà: “Mẹ ơi, đến ngày Mẹ 100 tuổi, chúng con sẽ làm lễ chúc thọ thật lớn, sẽ gởi tên Mẹ lên đài truyền hình để họ chúc mừng. Con biết có một chương trình như thế.” Bà cười rất hiền: Ôi, Mẹ không muốn các con phải muốn chờ lâu vậy đâu.”

Rồi mọi việc xảy ra quá nhanh – Nhanh như khi ta nói chỉ một cái chớp mắt … Chỉ một cái chớp mắt rồi tất cả thay đổi. Khi ấy, chỉ còn tôi và bà ngồi nán lại để ăn xong phần bánh kem, chợt dưng tôi thấy bà cúi người xuống, tôi nghĩ bà đánh rới cái gì đó nên nói: “Mẹ để con lấy cho.” Không nghe tiếng bà trả lời, không thấy bà ngẩng lên, tôi ngạc nhiên gọi to mẹ, mẹ liên tiếp. Tiếng gọi thất thanh của tôi khiến mọi người cùng chạy lại. Khi chồng tôi ôm bà trong tay, nhìn một bên mặt bị biến dạng của bà, Karen, chị chồng tôi nói: Mẹ bị stroke rồi.

Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe từ Hospice.” Tôi cũng chưa từng nghĩ một người nào đó trong gia đình của mình sẽ phải trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trong một căn phòng xa lạ, lạnh lẽo kia. Tôi không biết họ sẽ nằm đó chờ đợi bao giờ cho đến khi thật sự ra đi… Vài ngày, vài tuần hay vài ba tháng?

Tôi không biết tại sao những điều đó lại xảy ra cho người mẹ chồng thân yêu của mình khi con cháu vẫn có thể mang bà về căn phòng ấm cúng của bà hay “đem mẹ về nhà mình cũng được”. Tôi đề nghị rồi rất buồn và giận chồng tôi về chuyện này nhưng tôi biết đó gần như là mình vô lý. Đó gần như là tục lệ của người Mỹ- Hơn nữa chị chồng tôi mới là người quyết định mọi thứ trong việc chăm sóc mẹ kể cả khi bà còn sống.

Bà không muốn dây dưa với cuộc đời này lâu hơn nữa – Một vài tháng trước khi bị strock, bà thường hay bệnh, tai không còn nghe rõ, dù trí óc vẫn còn sáng suốt nhưng bà ngủ nhiều hơn và thường không muốn thức dậy. Bà nói với tôi “Mẹ muốn gặp lại cha mẹ và các anh chị của mẹ, đến lúc rồi. Mẹ mệt mỏi lắm, mẹ muốn ngủ và đừng thức dậy nữa.”

Ba ngày sau khi được chuyển vào Hospice, bà thật sự ra đi. Chuông điện thoại reo vang lúc 3 giờ sáng khi chúng tôi đã thức dậy. Thật ra tôi không ngủ được cả đêm, có một linh tính nào đó bảo tôi nên vào với bà ngay. Tôi đánh thức chồng tôi lúc nửa khuya, bảo rằng nên đến đó sớm và ở lại cho đến khi bà mất. Chúng ta chỉ ở lại ban ngày… nhỡ mẹ sẽ đi vào đêm khuya? Nhỡ mẹ sẽ tỉnh táo lại trước lúc lâm chung? Mẹ sẽ không nhìn thấy người thân nào cả, mẹ sẽ không có ai nắm tay nói lời chia tay cuối cùng. Nhỡ mẹ có điều gì muốn nói với chúng ta? …Bao nhiêu cái nhỡ tôi đặt ra với chồng, bây giờ tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi ân hận ấy…

Tôi một mình ngồi, cạnh giường bà. Gia đình anh chị chồng và các con của họ đến sau khi nghe tin – người ra, người vô lặng lẽ đặt lên trán bà những chiếc hôn vĩnh việt. Tôi vẫn cứ ngồi đó hàng giờ và niệm Phật. Nếu bà vẫn còn quanh quẩn nơi ấy, chắc bà sẽ chỉ mỉm cười thôi. Phật hay Chúa, ai cũng sẽ dang tay đón chào bà cả, tôi tin là như thế nếu có một cõi vĩnh hằng trên kia.

Năm đầu tiên đón lễ Tạ Ơn không có Mẹ thật buồn. Rồi sau đó là những lễ Giáng Sinh – Rồi những ngày Lễ Mẹ - Những ngày sinh nhật – Kỷ niệm ngày cưới … Vào những ngày đặc biệt ấy, tôi luôn có cảm giác thật thiếu vắng, và nỗi nhớ thương bà đôi khi vẫn làm tôi chảy nước mắt vì tôi đã gần gũi với bà biết bao!

Khi bắt đầu ý thức được chuyện tình yêu, chuyện lập gia đình, tôi vẫn luôn ước ao mình sẽ gặp một mẹ chồng tốt. Tôi muốn tôi sẽ yêu thương và đối xử có hiếu với mẹ chồng như với người mẹ đã sinh ra tôi. Và tôi biết những năm qua, nhờ bà, tôi đã làm được điều ấy một cách thật dễ dàng vì bà đã mở rộng đôi tay đón tôi vào gia đình của bà một cách thật chân thành và ăm ắp thương yêu.

Nhớ ngày đầu tiên khi về gặp bà, mẹ chồng tôi hỏi tôi muốn uống gì? Pepsi? Cà phê? Nước cam? Hay trà? Loại trà gì con thích? Tôi đã rất ngại ngần và lo lắng cho buổi gặp mặt ngày hôm ấy, nên gần như không nghe được bà hỏi gì ngoại trừ hai chữ Lipton. Thế là từ đó mỗi khi về thăm bà, tôi được bà chuẩn bị một tách trà Lipton thật nóng- mà thật ra trước đó, tôi không phải là một tín đồ của loại này, hầu như chưa bao giờ uống cả

Bà ở một mình trong căn nhà thật rộng, tự mình chăm sóc cây cỏ, hoa lá, tự mình nấu ăn, làm bánh trái, đi chơi golf, chơi bowling khi đã gần 90 tuổi. Chỉ khi bà bị vấp ngã khi đi mua sắm ở Fred Meyer, cả người bầm tím, phải nằm tại chỗ suốt tuần lễ, chúng tôi biết là không thể để bà sống một mình như thế nữa.

Phải mất cả gần mấy tháng trời chúng tôi mới thuyết phục bà bằng lòng về sống với Karen, chị chồng của tôi đang sống ở Longview. Chia tay ngôi nhà thân yêu với bao kỷ niệm chất chứa, giã từ không gian riêng tư gần như đã gắn bó cả đời với mình, thật sự là điều rất khó khăn với mẹ chồng tôi. Và cả tôi nữa.

Từ ngày qua Mỹ, ngoại trừ ngôi nhà của hai vợ chồng, thì nhà mẹ chồng tôi là nơi tôi thích đến nhất. Phòng của Karen và phòng của Bob, chồng tôi, trước khi dọn ra riêng, mấy chục năm nay vẫn được bà giữ y như cũ. Từ chăn gường, đồ chơi, sách vở ngay cả học bạ những năm tiểu học bà vẫn còn giữ ngăn nắp trong từng ngăn kệ. Những năm đầu về thăm bà - thông lệ cứ một tháng hai lần - tôi thường bắt gặp mình háo hức chạy ngay vào phòng ngủ, để tìm hiểu thế giới riêng của chồng tôi từ khi còn là đứa trẻ đến khi trưởng thành. Tôi đọc được những trang giấy ngã màu với các chữ tập viết nguệch ngoạc “ Con yêu mẹ”, những lời viết trong cuốn lưu bút của bạn bè gọi Bob là “người lặng lẽ nhất hành tinh”, những đồ chơi thật cũ kỹ mà tôi thường trêu mẹ chồng “Mình đem đấu giá mấy đồ này chắc là giàu to. Toàn là đồ cổ hiếm không à.” Những trang thư nhạt thếch màu mực của Bob gởi từ Việt Nam hay cả tập thư của mấy cô bạn gái thuở tóc chỏm của Bob cũng còn đó… Tôi nhớ được tên vài cô, biết được vài thông tin qua mẹ chồng (thật kinh ngạc là vài người bà vẫn còn nhớ).Tôi thường giả vờ ghen bóng gió với chồng tôi, có thêm sự phụ họa của bà làm những buổi về thăm cứ ngập tràn tiếng cười và thật xót xa khi xe lăn bánh đi, ngoái nhìn lại thấy bà đứng đó một mình vẫy tay, vẫy tay trông thật đơn côi… nửa trái tim của tôi như muốn ở lại. Những khi ấy, tôi thấy yên lòng là ở Việt Nam, mẹ tôi sống chung với gia đình em gái tôi và tất cả anh chị em đều ở quanh đó, vẫn chạy về với mẹ mỗi ngày.

Mẹ chồng tôi đã bồi đắp nỗi vắng mẹ trong tôi bằng những chăm sóc thật ân cần và bà đã làm điều ấy tự trái tim yêu thương ấm áp của bà. Mỗi lần về thăm bà, tôi luôn thấy những món quà nho nhỏ như áo quần Made inVietnam, hay bài báo có liên quan đến Việt Nam mà bà vô tình nhìn thấy, được đặt sẵn trong phòng ngủ chúng tôi. Bà chuẩn bị quà cho mẹ tôi mỗi khi chúng tôi về Việt Nam, cả việc gởi thiệp chúc mừng năm mới. Một lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi đưa cho tôi tấm thiệp của mẹ chồng tôi gởi. Bà viết cho mẹ tôi rằng: Bà rất cám ơn vì mẹ tôi đã sinh ra và nuôi dưỡng một đứa con gái tốt để về làm con gái của bà. Bà không dùng chữ “con dâu”. Bà thường gọi tôi là “My Sweetie,” ngay cả khi giới thiệu tôi với bạn bè, hàng xóm. Bà nhớ rất kỹ ngày sinh nhật và ngày cưới của các con –không bao giờ quên gởi quà và thiệp. Khi bà không thể lái xe để tự mình mua sắm, vào những ngày ấy, bà thường cho chúng tôi phong bì với tờ giấy 100 trông thật ngon lành. Vào dịp Giáng sinh, tôi thường hay bội thu vì tôi kiêm luôn phong bì của Bob. Tôi thường làm điều ấy ngay khi mở quà – Bà cười ha hả rồi bảo: Smart Kid!

Đã ba năm rồi, niềm vui ấy không còn nữa. Bà đã không còn để cho tôi cảm giác thật bé bỏng như một đứa trẻ thích quanh quẩn bên bà, bà không còn để tỉ mỉ dạy cho tôi đan từng đôi vớ hay cặm cụi chép cho tôi những công thức làm bánh trái, bà không còn để cùng ngồi chơi Domino và đòi ghi điểm cho cả nhà, đôi khi còn muốn kiểm tra lại vì sợ ai đó tính sai…

Có người cho rằng thỉnh thoảng người chết sẽ về thăm viếng người thân, tôi nghe nhưng chưa bao giờ thực sự tin là có - Mẹ tôi thường hay bảo tôi là đứa con gái cứng đầu vì tôi thường bác bỏ các chuyện bói toán, hồn ma. Ngay cả ngày cưới, tôi cũng không chịu nghe lời mẹ tôi để đi coi thầy chọn ngày tốt, mà chọn ngày theo ý của mình. Đi theo bạn coi bói, chỉ đứng chờ thôi cũng bị đuổi về vì thầy bảo mạng cứng quá, bài không lên (!). Vì vậy, một chuyện xảy đúng vào ngày mất của mẹ chồng tôi một năm sau, làm tôi băn khoăn không biết cách nào giải thích.

Buổi chiều hôm ấy, tôi đang chuẩn bị các thức ăn để mang theo cho camping ngày mai. Chồng tôi đang ngồi coi TV, thỉnh thoảng đi lại bếp để coi nồi soup mình chịu trách nhiệm.Tôi đang đứng cạnh nhà bếp kiểm tra lại các vật dụng cần mang theo. Chợt dưng nghe tiếng gọi “Kim” tôi giựt mình, Bob chưa bao giờ gọi tôi như vậy cả. Tôi nhìn về phía Bob thì nghe một luồng hơi lạnh chạy suốt người. Tôi thấy chồng tôi vẫn ngồi đó, nơi chiếc ghế quen thuộc hàng ngày, nhưng sao dáng ngồi và khuôn mặt già đi như hàng chục tuổi. Đầu Bob cúi xuống, tay cầm ly nước đang nghiêng đổ mà dường như không hay biết gì cả. Tôi chạy tới hỏi nhanh: Bob,chuyện gì vậy? Anh có sao không? Bob nhìn lên không có vẻ gì là thấy tôi, chỉ thì thào “Mệt quá, chỉ muốn đi ngủ thôi” Không hiểu sao, lúc ấy tôi như nhìn thấy rõ ràng hình ảnh của mẹ chồng tôi vào những ngày tháng cuối cùng. Bà thường có dáng ngồi như vậy đầu cúi xuống, mệt mỏi già nua và cũng những lời nói như thế với tôi: “Mẹ mệt quá,chỉ muốn đi ngủ thôi”.Tôi bảo chồng: “Thôi anh lên gác nghỉ đi” nhưng Bob không có vẻ biết đâu là lối đi lên gác,cứ dựa vào tay tôi hỏi “Ở đâu?”. Tâm trí tôi thật sự hoảng loạn vì không biết chuyện gì đã xảy ra ….Mới cách đây chừng 10 phút, Bob vẫn bình thường, vẫn hào hứng với nồi soup do mình đạo diễn. Tôi cố đỡ chồng tôi lên gác, cho vào giường rồi ngồi bên cạnh tâm trí bấn loạn. Tôi muốn gọi 911 nhưng không biết sẽ giải thích ra sao về tình trạng của chồng mình. Để tìm chút yên tâm, tôi gọi điện cho cô bạn thân, người cùng đi cắm trại vào ngày mai. Có lẽ cách nói của tôi lúc đó lung tung, lộn xộn lắm nên cô bạn sau đó nói với tôi rằng cả đêm cô cũng không ngủ được. Tôi đã có đúng một đêm thức trắng, ngồi canh bên cạnh chồng. Tôi không dám nằm xuống vì sợ có chuyện xảy ra khi mình ngủ quên.

Chồng tôi thức giấc vào sáng sớm, câu nói đầu tiên là: “Nồi soup ra sao rồi?” Nghe vậy, tôi biết mọi chuyện sẽ bình yên. Chuyện hôm ấy vẫn là chuyện kể không có lời giải vì chồng tôi không hề nhớ chuyện gì xảy ra.

Tôi tự hỏi như ai đó nói người chết về thăm – Có thật mẹ chồng đã về thăm chúng tôi không? Nếu vậy, chắc bà nhớ chúng tôi lắm như chúng tôi vẫn nhớ tới bà hằng ngày đây. Tôi ước gì tôi có thể gặp bà lại trong giấc mơ của mình- Tôi muốn đọc lời viết của tôi cho bà trong tấm thiệp lễ ThanksGiving vừa rồi. Tôi viết: “Cám ơn mẹ đã sinh ra người con trai của mẹ – Người đã mang con về gia đình của Mẹ để con được yêu thương và để con yêu thương với cả cuộc đời mình”. Nhưng chưa bao giờ tôi mơ thấy mẹ chồng tôi cả.

Mà, thưa Mẹ thân yêu, cho dù con không có dịp đọc, con tin rằng Mẹ có thể cảm nhận điều con muốn nói lâu rồi, phải không MẸ?

Kim Phượng Newman

Ý kiến bạn đọc
24/07/201821:24:13
Khách
Cảm động và rất tuyệt vời , chúc nhiều may mắn
28/08/201503:14:04
Khách
Chào Kim Phượng
-Em khỏe không?
-Mình đã gặp nhau rồi cũng như chị đã đọc bài này lậu rồi.
-Sau buổi gặp mặt của VB tại nhà chị, chị tìm đọc lại bài này để nhớ lại em và chị Châu Hà cùng với món mì xào. Cho đến sáng hôm sau các chi còn ghé ăn món này màn chót.
-Em viết thêm nữa nhé. Bài viết dễ thương và cảm động.
Chị Annie (nhớ chưa ?)
26/02/201408:00:00
Khách
Lời văn của cô rất bình dị nhưng thu hút và đầy cảm xúc. Cô viết hay lắm! Cô that may mắn có được 1 người mẹ chồng tốt, và cô cũng là 1 người con dâu tốt đã yêu thương mẹ chồng hết mực. Mong cô tiếp tục viết nữa.
23/02/201408:00:00
Khách
Chào cô Kim Phượng.
Cô viết rất hay,lời văn giản dị dễ hiểu,tôi kiếm thêm bài của cô để đọc mà không thấy,mong cô viết thêm.Many thanks.

Ngọc
16/02/201408:00:00
Khách
Chào Kim,
Bài viết rất hay và cảm động. Cứ viết thên đi.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,509
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.