Hôm nay,  

Con Ngựa Già Trên Đất Mỹ

29/01/201400:00:00(Xem: 19499)
Tác giả: Phạm Ngọc
Bài số 4127-14-29537vb4012914


Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2006, với bút hiệu PNT, PnT và từng nhận một giải thưởng đặc biệt. Sau mấy năm bặt tin, ông viết lại với bút hiệu mới là Phạm Ngọc. Bài gần đây là “Cái Giá Của Tự Do.” Bài mới trước thềm Tết Giáp Ngọ là tự sự của tác giả, người tuổi Nhâm Ngọ, sinh năm 1942.

*

Tết năm nay là Tết năm Giáp Ngọ, năm con Ngựa. Tôi cũng cố gắng “ học đòi” bắt chước mấy nhà văn, nhà báo, cứ năm con gì thì viết một bài “tán” về con đó để đăng báo (báo Tết hay báo số đầu năm). Dĩ nhiên vì “văn người, vợ mình” nên cách viết của mỗi người, và cái nhìn của mỗi người cũng có khác nhau.

Đến Tết năm nay tôi có mặt trên cõi đời phiền muộn nầy đúng sáu con giáp. Sáu lần mười hai là bảy mươi hai. Nhưng tính tuổi ta là bảy mươi ba. Tại sao tuổi ta lại cứ phải cộng thêm một nhỉ? Tính theo tuổi Tây thì còn phải mấy tháng nữa tôi mới đúng bảy mươi hai cái xuân già cơ mà!

Nghe mà giật cả mình, vì thời gian trôi nhanh quá!

Thời tôi còn nhỏ, cứ đến dịp Tết, ghé nhà ông bà, cô bác để mừng tuổi, thấy mấy cụ áo dài khăn đóng đạo mạo ngồi salon hay ghế tràng kỷ râu tóc bạc phơ uống nước trà nhâm nhi bánh mứt là tôi thấy vừa sợ vừa kính nể vì thấy họ oai phong quá! Họ cũng ở lưá tuổi “thất thập” hay nhỉnh hơn chút xíu như tôi bây giờ đó thôi !

Còn bây giờ, các sách báo y khoa nói là tuổi thọ kéo dài hơn, con người trẻ lâu hơn vì quá trình lão hóa chậm lại. Tôi không biết là có thật vậy không, nhưng thấy bạn bè và những người cùng lứa tuổi với tôi ai nấy vẫn lái xe chạy bon bon trên đường local hay trên freeway lo công việc trông còn ngon lành chán!

Tóc thì có người bạc phơ thật đẹp lão, có người còn muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu, nhưng cũng có nhiều người tóc đen tuyền! Thuốc nhuộm tóc, các loại thuốc làm căng da mặt và những người thợ uốn tóc, cắt tóc, những trung tâm sửa sắc đẹp bên Mỹ nầy đã kéo dài thêm sự trẻ trung của rất nhiều người!

Tôi đi lạc đề xa quá rồi, giờ hãy quay về chuyện con ngựa già đây!

Tôi và gia đình đặt chân xuống phi trường Los Angeles đúng 12 giờ rưỡi trưa một ngày của tháng 5 cách đây 23 năm. Nhìn cái gì của nước Mỹ cũng thấy to đùng và huy hoàng tráng lệ. Trên đường từ phi trường được người thân ra đón về nhà, cả đám vợ chồng con cái chúng tôi cứ nhìn ra cửa kính xe hơi mà trố mắt ra với đường xá xe cộ chạy xuôi ngược.

Những ngày tháng đầu tiên chúng tôi ở tạm nhà người chị ruột trên vùng Corona, Riverside. Qua Mỹ ở thời điểm già thì cũng chưa đủ già để xin tiền trợ cấp, trẻ thì không còn trẻ để xin đi làm những nơi có thu nhập kha khá một chút, nên con ngựa già phải đi khắp nơi để apply công việc. Cuốc bộ hay đi xe bus thôi vì chưa biết lái xe và cũng chưa có xe để lái nữa!

Sau vài tuần ăn không ngồi rồi, tôi đã “liều mạng” lấy application xin vào làm Teachers Aide ở trường John Adams gần nhà. Hay không bằng hên: bà hiệu trưởng đã nhận tôi vào làm việc. Tôi chỉ đứng lớp chung với giáo viên chính, và khi học sinh làm bài có gì không hiểu thì giáo viên kia nhờ tôi phụ giúp. Nhàn nhã lắm, nhưng mỗi tuần chỉ làm khoảng vài giờ! Vậy là lại phải “lăm le” tìm đường “xuống núi” để tìm một công ăn việc làm khác có thu nhập khá hơn.

Không thể tìm được một công ăn việc làm thích hợp trên vùng đồi núi Riverside đó, gia đình ngựa già đành phải “dời đô” xuống Quận Cam. Tại đây tôi gặp lại được người bạn cũ thời Trung Học, đang có một phòng mạch trên đường Beach, và bạn tôi đã cho tôi vào làm thư ký phòng mạch. Hầu hết các bệnh nhân là người Mỹ, nên cũng nhờ đó mà khả năng nghe và nói tiếng Anh của tôi ngày càng tiến bộ.

Về nhà chúng tôi cố gắng nghe tin tức trên các băng tần TV Mỹ để tập phát âm cho chuẩn và cũng để luyện giọng.

Sau ba năm làm việc tại phòng mạch, thấy business của người bạn có vẻ chậm lại nên tôi xin rút lui để tìm công việc khác. Kinh tế Mỹ những năm 1992, 1993 cũng xuống dốc thê thảm như bây giờ nên tìm được một công ăn việc làm thật khó khăn. Kỹ sư, chuyên viên mà vẫn thấy thất nghiệp dài dài!

Cái lận đận của tuổi Ngọ đã bắt đầu rồi đây! Chạy hoài, chạy mãi, chạy cho đến mỏi gối chồn chân mới thôi !

Rất khó tìm được một công ăn việc làm vừa ý nên tôi đã tự nhủ lòng là sẽ làm bất cứ công việc gì để bảo bọc gia đình và lo cho hai đứa con ăn học. Công việc thứ ba của tôi kéo dài hơn 5 năm và chẳng có liên quan gì đến học hành và chữ nghĩa cả!

Tôi xin vào làm Machine Operator cho một hãng chuyên sản xuất các khung và kính chống mờ để treo trong phòng tắm (fogless mirror).

Lúc vào xin việc, ông chủ hảng hỏi tôi: “Trước đây ông đã từng làm công việc tay chân nào chưa? Vì tôi thấy trong Application ông xưa nay chỉ đi dạy và làm việc văn phòng thôi! Ông nhắm có làm nổi không?” Sau đó ông đưa tôi đi xem toàn cảnh của khu sản xuất.

Tôi cũng thấy khớp trước những cỗ máy khổng lồ cùng những anh chàng, cô nàng công nhân Mễ, người nào cũng to lớn và mập mạp hơn tôi nhiều. Nhưng tôi đã sẵn sàng, nên nhận lời làm machine operator. Và tôi đã gắn liền với Zadro Products Inc. trong năm năm, bắt đầu như thế đấy. Làm những công việc chân tay tuy nặng nề và cực nhọc thật nhưng cũng có những niềm vui riêng của nó.

Ông chủ và các nhân viên văn phòng đều rất quý trọng tôi, các công nhân đồng nghiệp trong hãng cũng vậy. Họ dễ thương và hòa đồng nhanh chóng và tính cách bảo bọc thương yêu gia đình cũng rất giống người Việt Nam chúng ta. Cứ mỗi lần lãnh lương xong là họ trích ra gửi về hơn một nửa cho gia đình bên Mexico. Tôi đã tích lũy thêm được một bài học ở đất nước nầy là cứ làm bất cứ công việc lương thiện gì để sinh sống. Không có một công việc nào gọi là hèn mọn cả.

Công việc đang suông sẻ thì vợ tôi ngã bênh nặng và phải vào bệnh viện liên tục hằng tuần. Lúc đó tôi chỉ còn biết xin nghỉ dài hạn family leave để ở nhà chăm sóc cho vợ. Giữ công việc cuả tôi được sáu tháng thì Zadro cho tôi nghỉ việc. Lần nầy tôi bị thất nghiệp lâu hơn, gần ba năm! Tôi bị sốc thật sự.

Vừa bị khủng hoảng tinh thần sau cái chết của người vợ, vừa hết tiền EDD, tôi tưởng đã gục ngã vì không còn sức để chịu đựng. Nhưng vì tôi thuộc loại ngựa cứng đầu không chịu khuất phục đầu hàng trước hoàn cảnh nên đã ghi danh đi học lại Golden West College sau hơn ba mươi năm rời xa trường lớp, chữ nghĩa. Lúc đầu tôi cũng không hiểu mình học lại để làm gì nữa, nhưng tự nhủ hãy cứ học đi để khỏa lấp bớt khoảng thời gian trống trải. Và học để xin tiền Financial Aid, có thêm chút thu nhập.

Tôi hòa đồng khá nhanh vào cuộc sống sinh viên, mỗi ngày chạy từ giảng đường nầy sang giảng đường khác kiếm lớp, trưa cũng ghé cafeteria ăn vội miếng sandwich rồi chạy đi học tiếp.

Cũng nhờ các giáo sư tận tình chỉ dạy nên tôi đã học xong chương trình AA, và sau đó đã được thâu nhận vào làm việc ở Accessment Center của trường cho đến ngày về nghỉ hưu.

Đám bạn bè cùng tuổi thường hỏi tôi là về hưu rồi ở nhà làm gì ?

Những ngày đầu tiên nghỉ hưu, tôi chẳng biết làm gì cho hết giờ. Cứ đi ra rồi lại đi vào, đi vào rồi lại đi ra giống như hoàn cảnh Lục vân Tiên trong mấy câu thơ của cụ Nguyễn đình Chiểu đã được cải biên:

“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra
Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô…”

Tôi cũng thấy nản lắm, vì đã quen giờ giấc đi làm rồi về nhà. Nay thời gian dư nhiều quá, làm cái gì đây? Hút bụi, lau bàn ghế, đọc sách báo xong cũng vẫn thấy còn quá nhiều thì giờ dư thừa. Xem TV mãi cũng chán, và lại thêm nhức đầu, đau mắt nữa! Tôi nghĩ ra chuyện nên làm vườn, trồng cây ăn trái, chăm sóc vài bụi rau, vài khóm ớt cho vui.

Thế là ngựa già chạy ra Home Depot mua vài bao đất, vài bao compost, vài dụng cụ làm vườn về bắt đầu “cày, xới, vun, bón” khu vườn nhỏ xíu, khu vườn mà tôi thường hay hát để “ca tụng” nó “đi dăm phút đã về chốn cũ”.

Kết quả của những ngày tháng cày, xới đó là khu vườn nhỏ phía sau và cái sân (cũng nhỏ xíu) phía trước nhà xanh dờn màu lá các loại cây cảnh, cây ăn trái và hoa. Và mới năm ngoái đây thôi, bụi chuối sau hè đã ra quầy, có trái và đã được ngựa già leo lên, hái xuống đãi cả nhà, cho con cái mỗi đưa hai nải như là một kết quả công việc tay chân của ngựa già bố!

Cách đây mấy năm, lúc mới nghỉ hưu, tôi cũng đã viết vài bài gửi đăng trên Việt Báo, và cũng đã nhận được giải đặc biệt, đã đến dự lễ phát giải và đã được gặp mặt những tác giả mà tôi đã được đọc các tác phẩm của họ khi còn đi học bên quê nhà. Lúc đó vừa học xong hai lớp tiếng Việt 180 và 182 của Giáo Sư BVP tại Golden West, được GS khen là viết khá lắm, nên tiếp tục viết để giữ làm kỷ niệm cho con cháu! Không biết con cháu tôi có chịu đọc hay không, nên tôi viết gửi Việt Báo để đôc giả đọc cho vui.

Và bây giờ tôi tiếp tục viết lại sau mấy năm “treo bút” vì quá luời.

Những lúc ngồi uống café với bạn bè, tôi vẫn thường hay than thở: “Không hiểu tại sao cùng tuổi Ngọ với tau, bạn bè có đứa làm quan đến chức Tổng Trường Tài Chánh, có đứa dạy Lý Luận Văn Học ở các Đại Học bên Tây, có đứa buôn bán đất đai, nhà cửa gì đó bên Việt Nam, tiền của tụi nó đốt mình cũng chết nữa, có đứa qua bên nầy từ 75, bây giờ là Bác Sĩ, Dược Sĩ, là Giáo Sư Đại Học. Còn tau thì “tột đỉnh danh vọng” là thầy giá, rồi đường biểu đồ cuộc đời cứ tiếp tục đi xuống đến tận cùng làm cu li trên xứ người, rồi lại ngoi lên được chút xíu làm thư ký, hết lận đận nầy đến lận đận khác, hết sự xui rủi nầy đến sự xui rủi khác đeo đuổi. Tử Vi của tau chỉ thấy tốt được có Cung Thiên Di! Vì vậy mới qua được đến xứ Mỹ nầy.

Một cô bạn khá thân thời Trung Học trả lời: “ Cũng may là anh có chữ Nhâm đỡ cho đấy, không thôi anh còn xệ hơn thế nữa!” Chị còn đưa ra thuyết nầy của Tử Vi: “Nhâm thân chi Vương” anh không biết sao? Anh nên cám ơn Ba Me anh đã sinh anh đúng vào năm Nhâm Ngọ đấy! Ở đó mà còn than với thở !”

À thì ra vì tôi tuổi con Ngựa nên phải lận đận như thế nầy đây. Và vì “Nhâm thân chi Vương”, Nhâm Ngọ trước sau gì cũng làm Vua (chắc là vua cỏ, là….. vỏ cua!) nên Ngựa quý là ngựa phải chạy đường xa, phải là loại Thiên Lý Mã mới ngon! Cứ chạy đến đích đi đã rồi mới biết hay, dỡ!

Thôi thì cứ tạm cho là như thế để sống vui, sống khoẻ, để khỏi còn lo nghĩ. Miễn sao cái Tâm của mình nhàn và vui là được.

Bây giờ tôi mới thấy câu chúc “Thân Tâm thường An Lạc” là rất đúng.

Và để thay cho lời kết, Ngựa già nầy xin kính chúc quý vị độc giả Việt Báo một Năm Giáp Ngọ Thân Tâm Thường An Lạc.

Những ngày cận Tết

Phạm Ngọc

Ý kiến bạn đọc
29/01/201408:00:00
Khách
Chúc tác giả nhiều niềm vui, sức khoẻ và bình an.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,221,345
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến