Hôm nay,  

Trên Vai, Mùa Xuân…

10/01/201400:00:00(Xem: 17428)
Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số: 4110-14-29510-6011014


Bài viết mới của tác giả cho Tết đang đến. Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh trước 1975, đã có nhiều chuyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * * * *

Nghi phủ miếng giấy plastic lên gói hàng, bao bọc thật kỹ, trao cho người khách cuối cùng trong ngày. Chợ sắp đóng cửa. Nghi sắp đặt mọi thứ gọn gàng đâu vào đó, lau chùi các mặt bàn sạch sẽ, rồi tháo cái “tạp-dề” máng lên móc ngay ngắn. Nghi hơi mỉm cười như hài lòng với công việc của mình. Anh em bạn ai cũng vậy, tất cả đều đã xong việc. Họ chào tạm biệt nhau. Một ngày đã qua.

Nghi ra cổng, chợt thấy một không khí khác hẳn đang ùa đến. Những chậu cây cảnh, những bông hoa màu sắc tươi vui như đón mời. Cái đập vào mắt anh hơn hết là màu vàng tươi của những trái kim quất. Trong lòng đang bình yên bỗng như thấy nhớ nhớ một cái gì.

Một tà áo dài đi lướt qua. Nghi tự nhủ: “Không phải!” Có lẽ một sự hoài niệm bất chợt đã làm cho anh nhập nó vào hiện tại. Anh thấy mình ngây ngô khi nhìn theo tà áo đó. Chưa Tết mà! Tà áo dài chỉ được tìm thấy trong những dịp lễ của người mình. Anh nhìn kỹ. Đúng là áo dài. Một cô gái mặc áo dài. Anh bước theo tà áo một cách không chủ ý. Cô gái đi vào một cửa tiệm. À, một cửa tiệm bán quần áo! Có những người mẫu búp bê mặc áo dài được trưng bày trong tủ kính. Cô gái kia có lẽ là một nhân viên của tiệm. Gần Tết rồi, nhân viên mặc áo dài để quảng cáo cho tiệm cũng là điều dễ hiểu. Anh mỉm cười.

Chuông điện thoại cầm tay của anh reo. Anh bắt máy.

- A-lô! (Anh vẫn thường thích nói “a-lô”)

- Anh, anh ở đâu? Em đến đón anh nè!

- Anh đang lang thang coi mấy cửa tiệm. Em chờ chút, anh ra ngay.

Và Nghi ra phía bãi đậu xe, tới chỗ anh đứng đợi Bích mỗi ngày. Bích đã dừng ở đó. Anh cười:

- Anh xin lỗi. Anh thấy họ bày hàng Tết vui, anh ngắm.

Bích cười theo:

- Rồi anh có ngắm cô nào không?

- Có! Anh ngắm mấy cô “ma-nơ-canh” mặc áo dài đứng trong tủ kiếng.

- Tha cho anh. Thế có gì hay nơi mấy cô đó?

- Có. Các cô mặc áo dài đẹp lắm!

Nghi không nghe Bích nói tiếp. Anh nhìn sang, hỏi:

- Sao? Em nghĩ gì vậy?

- Không.

Bích im lặng. Nghi chợt thấy mình có lỗi. Anh nhớ ra rằng Bích rất ít khi mặc áo dài, trừ một lần trong đám cưới của con trai. Đi đâu Bích cũng thường mặc váy hoặc “đồ tây” cho thoải mái. Công việc hàng ngày cũng làm cho Bích phải cứng cỏi: làm nhân viên bưu điện đi phát thư. Hai vợ chồng dùng chung một chiếc xe nhỏ, Bích cũng muốn làm tài xế cho Nghi luôn. Vóc dáng của Bích không còn thanh mảnh như ngày xưa, nên Bích thường nói “mặc áo dài là một cực hình”.

Nghi nói khẽ:

- Khen vậy thôi, chứ mặc áo dài thấy không thoải mái, khó làm việc há em!

Bích cười:

- Thỉnh thoảng phải mặc chứ anh, quốc hồn quốc túy mà!

- Ừ. Nhưng cái gì tiện lợi hơn thì mình chọn.

- Anh cứ hay nói cho em vừa lòng.

- Ừ thì anh phải làm cho em vừa lòng chứ! Em là vợ của anh mà!

Và thế là quãng đường về nhà như ngắn lại.

* * *

Nghi mở mắt. Tiếng nổ nghe xa xa. Như là âm vang trong ký ức. Mà thật thì giống như tiếng pháo. Phải rồi, tiếng pháo xuân! Tết đang đến thật gần. Những ngày tháng có Tết ở quê nhà thật không thể nào quên. Cậu học trò bị trêu là “sâu gạo” vì chăm học, trong những ngày Tết thường tận dụng thời gian được ở nhà để “gạo bài”, nhưng cũng không quên rủ bạn bè đi xi-nê, đi chúc Tết các thầy cô, hoặc đến các hội chợ để “thưởng thức mỗi thứ một ít”. Hết tuổi học trò, tình nguyện đi lính, cậu trúng tuyển vào trường Võ Bị Đà Lạt…

Nghi mơ màng dỗ giấc ngủ. Chợt có tiếng nổ xé tai vang trong đầu. Nghi ngồi bật dậy. Bích vẫn say ngủ sau một ngày mệt mỏi vì công việc. Đâu có gì! Chỉ là sự hoảng hốt của mình mà thôi! Nghi thấy khó thở. Mùi thuốc súng! Đâu đó có mùi thuốc súng! Nghi rón rén đi ra phòng ngoài, vào bếp uống một ly nước tự trấn an mình. Mình tưởng tượng chuyện gì vậy? Ôi, mình đã nhớ ra. Năm đó, mình đã không về Huế ăn Tết, vì muốn thưởng thức cái Tết ở Đà Lạt cho biết. Và cũng vì Đà Lạt có Bích. Mình muốn ăn Tết Đà Lạt với Bích. Mình xin lỗi ba mẹ, xin được nếm mùi “Xuân tha hương”.

Và, Tết năm đó, Tết Mậu Thân, ba mẹ Nghi đã bị VC giết chết trong một cuộc tàn sát tập thể. Nghi không bao giờ còn có thể gặp lại họ.

Nghi biết rồi! Những tiếng nổ và mùi thuốc súng chính là từ trong tâm tưởng phát ra. Ký ức của một thời kinh hoàng sống lại như những đợt sóng. Chúng xô đẩy làm tâm tư anh nhầu nát. Anh muốn nghẹt thở.

* * *

- Anh nhớ bún bò và mì Quảng của O Năm quá em à!

- Sao tự nhiên anh lại nhớ như vậy?

Nghi nói, như thể đang mở ra một trang hình ảnh trước mắt:

- Thì đó là hai món mà O Năm gánh đi bán mỗi ngày. Anh nhớ hôm thì O bán mì Quảng, hôm khác lại bán bún bò. Người Huế chính gốc, ở Đà Lạt, O Năm nấu ăn ngon “hết xẩy”.

- Dạ phải. Em cũng nhớ O. Em nhớ nhất là lúc nào O cũng mặc áo dài đi bán. Có lẽ bây giờ bọn nhỏ mà nghe vậy thì chúng không tin nổi. Quang gánh trên vai, mấy bà mạ Huế mặc áo dài trông thương quá!

- “Hay” chứ em!

- Dạ phải, trông “hay” lắm!

Hai người cùng im lặng. O Năm là người hàng xóm dễ thương của Bích. Cái gánh của O Năm, coi đơn giản vậy nhưng là cả một gia tài. Một bên sắp xếp tô chén muỗng đũa, rồi nào bún, nào rau, nào thịt thà, nào ớt, chanh, hành, đậu phụng, mắm ruốc… đủ cả. Bên kia là nồi nước xúp để trên bếp than hồng. Ngày nào O bán mì Quảng thì có thêm bánh tráng nướng dòn. Tụi trẻ con ăn mì Quảng cứ hay xin thêm bánh tráng, bẻ nhỏ cho vào tô. O mắng yêu “Cha mi!”, nhưng tay thì bẻ bánh cho thêm. Nghi và Bích không còn là trẻ nhỏ nữa, nên tỏ vẻ đàng hoàng ăn uống nghiêm chỉnh. Cái gánh hàng rong của O không cần bàn ghế hay đòn ngồi. Nhà nào muốn ăn, gọi O gánh gánh hàng vào, tự lấy bàn ghế của mình mà ngồi.

Tết Mậu Thân, O nghỉ bán vì chiến cuộc cũng xảy ra tại Đà Lạt. Khu Số Bốn không yên. O và các con tạm lánh ở phố chợ. Khi về lại Khu Số Bốn, O thấy căn nhà đơn sơ của O đã bị sập nát. O lâm bệnh và yếu hẳn từ đó.

- Nếu có dịp về lại Đà Lạt, ước sao mình được ăn món bún bò và mì Quảng O Năm, em nhỉ!

- Nhưng O đã mất lâu rồi!

- Ừ!.. Phải!.. O đã mất lâu rồi!

Nghi nghe một cảm giác kỳ lạ chạy trong người. Cứ đến thời gian gần Tết, hai vợ chồng hay ôn lại những mẩu vụn vỡ của quá khứ, ráp lại như một chiếc kính vạn hoa. Có những kỷ niệm làm tiếng cười bật ra không ngăn được, và có những kỷ niệm làm nước mắt dạt dào rơi.

Nghi và Bích cưới nhau sau khi anh ra trường. Anh không còn người thân. O Năm ốm yếu nhận làm mẹ nuôi của chú rể. Một đám cưới đơn giản nhưng rất ấm áp. Chàng trai tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt và cô nữ sinh viên đại học Sư Phạm Đà Lạt, họ rất đẹp đôi.

Chồng đi trận, vợ ở nhà đi dạy học và nuôi con. Bị thương đôi ba lần, rồi người lính vẫn tiếp tục ra trận. Đến ngày buông súng, đứa nhỏ chỉ mới học xong trường mẫu giáo. Những năm tháng Nghi ở trong trại tập trung “cải tạo”, Bích vẫn đi dạy học. Rồi không chịu đựng nổi cái khổ ải tinh thần, Bích xin nghỉ việc. Giải nghệ, về nhà buôn gánh bán bưng, làm đủ mọi thứ việc cực nhọc, nhưng tâm trí của Bích đỡ nặng nề hơn.

Thời gian chồng chất trên vai như những gánh nặng đời. Nhưng người ta gánh được hết.

* * *

Nghi vào chợ. Không khí nhộn nhịp. Người đông hơn. Hàng họ nhiều màu sắc hơn. Anh mỉm cười khi nghe một đoạn nhạc quen thuộc phát ra từ chiếc radio treo trên tường. Đến giờ “Tâm tình” rồi đó! Cái chợ này là nơi có người nghĩ ra một sáng kiến độc đáo là treo radio lên để mọi người cùng nghe một đài tiếng Việt mà ai cũng thích. Nghe và bàn tán, vui. Người nào việc nấy. Nghi mặc chiếc “tạp-dề”, mang găng tay vào, nhanh nhẹn đi vào phòng lạnh đem những bao thịt ra bày trong tủ kính. “Đồ hàng” của anh đấy! Công việc của anh không đến nỗi vất vả nhiều. Nhưng phải chịu đựng được cái lạnh. Anh đâu xa lạ gì chuyện này. Đêm ngủ trong rừng sâu muỗi mòng mưa gió, sáng dậy sớm đi hành quân, vẫn không sao. Những ngày quần quật trong trại tù lao động, lưng oằn xuống vì những súc gỗ lớn, còn không chết. Anh đã làm nhiều việc từ lúc đến Mỹ, quê hương thứ hai này. Nay đã đến tuổi về hưu, anh vẫn muốn làm việc. Thằng con trai đã học xong đại học, ra trường, có nghề nghiệp vững chắc, lập gia đình. Vợ chồng Nghi yên tâm lo cho nhau. Bích vẫn đi phát thư. Nghi “làm chợ”. “Làm chợ”, nghe hay hay!

- Cho tôi hai pounds thịt bò, xắt lát ăn phở giùm, cám ơn anh.

Nghe quen thuộc. Tiếng Việt. Anh mỉm cười, cân miếng thịt đã được người khách chọn, đem vào máy thái ra những lát mỏng y như nhau, sắp đều tăm tắp vào vỉ xốp. Rồi Nghi kéo căng miếng plastic phủ lên gói hàng, bao bọc thật kỹ, trao cho người khách đầu tiên trong ngày của mình. Tự nhiên anh nghĩ ra một ý vui vui. Ai đến chợ Việt Nam cũng phải “o bế” khu hàng thịt cá. Chặt chặt, thái thái, gói gói, cân cân, không lúc ngơi tay. Đặc biệt, khu vực này chỉ toàn nam giới. Trong đó, có thầy giáo, có cựu quân nhân. Họ cũng là văn thi sĩ, ca nhạc sĩ của gia đình họ. Họ gánh gánh đời không than van không mệt mỏi. Họ không huênh hoang, nhưng cũng như những người thầm lặng khác, đắc đạo trong chính những công việc của mình.

Nghi lại mỉm cười. Anh nghe mùa xuân về thật ấm.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
11/01/201408:00:00
Khách
Bai viet that hay va y nghia. Xin cam on tac gia. Happy New Year !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,284,024
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến