Hôm nay,  

Từ Một Tấm Hình

02/01/201400:00:00(Xem: 15966)
Bài số 4102-14-29502vb5010214

Tác giả là một bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, Hưng Cao còn là người soạn nhạc và là chủ tịch câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ. Bài mới của ông là một hồi ký về trãi tyị nạn Bataan và về sinh hoạt của nhóm bạn Tình Nghệ Sĩ hướng về những nạn nhân trận bão Hải Yến tại Phi.

* * *

image001

Tấm hình chụp trại tị nạn Bataan do ai đó gửi lên trên các diễn đàn kèm theo các bức ảnh về hậu quả tàn khốc của cơn bão Hải Yến xảy đến trên đất nước Phi Luật Tân đã làm tôi xúc động. Tấm hình trại tị nạn Bataan làm sống lại trong tôi những ký ức của hơn 25 năm về trước. Trong thời gian qua, tôi có dịp đến thăm nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng có lẽ ngoài Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, và Hoa Kỳ, quê hương thứ hai mà tôi đã sống hơn nửa cuộc đời mình, Phi Luật Tân là đất nước đã để lại trong lòng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Đây là mảnh đất Tự Do mà tôi được đặt chân lên sau khi thoát khỏi Việt Nam. So với nhiều đồng hương Việt Nam, tôi có may mắn là không phải trải qua những ngày lênh đênh trên biển cả, chạm mặt với tử thần trong những cuộc vượt biển hãi hùng mà chúng ta đã được nghe kể lại như những trang bi hùng sử của người Việt Tị Nạn. Tôi còn nhớ như in ngày gia đình tôi đến trại tị nạn Bataan. Những gương mặt xa lạ tò mò nhìn chúng tôi khi mới bước chân vào trại. Những dãy nhà thật lạ mắt dựng tạm với nóc tôn nóng hừng hực vào những buổi trưa hè. Sau này khi có dịp đọc thêm tài liệu, tôi mới biết trại tị nạn Bataan cách vịnh Subic không bao xa, khoảng chừng 10 cây số. Trong thời gian ở trại, tôi chẳng biết gì hơn ngoài phạm vi của khu trại và con đường từ trại đến phi trường Manila trên chuyến xe bus trên đường ra phi trường đi định cư ở Mỹ.

Trại tị nạn Bataan còn được gọi là trại PRPC, viết tắt của bốn chữ "Philippines Refugees Processing Center". Trại được lập ra từ năm 1980 và trong những thời điểm khi làn sóng người tị nạn lên cao, có những lúc trại Bataan là nơi trú ngụ của hơn chục ngàn người Việt Nam cũng như một số dân tị nạn người Đông Nam Á khác. Trại tị nạn bị đóng cửa vào năm 1994 khi ngân quỹ của Cao Quỹ Tị Nạn không còn và làn sóng người vượt biển đã giảm đi. Trại tị nạn Bataan là trại chuyển tiếp, nên đời sống tinh thần của những người trong trại được xem là khá hơn những trại tị nạn khác vì những người trong trại không còn phải hồi hộp chờ đợi số phận của mình qua quá trình thanh lọc nữa.

Tôi tới trại Bataan vào cuối tháng 5, khi trời bắt đầu vào Hè với cái nắng thiêu đốt của xứ sở vùng nhiệt đới. Tuy chỉ tạm ở trại khoảng 4 tháng, tôi đã có dịp tiếp xúc và yêu mến đất nước cũng như người dân Phi Luật Tân. Trước hết, phải nói đến các Thầy Cô giáo người Phi Luật Tân. Họ giảng dạy rất nhiệt tình và dành rất nhiều tình cảm cho các học trò người Việt Nam. Tôi còn nhớ lớp học của Thầy Rene trong khoá học (hay còn gọi là Cycle) 105 mà tôi theo học lúc đó. Thầy rất kiên nhẫn và tận tình chuẩn bị cho từng bài giảng. Ví dụ như khi học về quần áo, Thầy khệ nệ mang vào lớp rất nhiều đồ để chúng tôi được dịp làm quen với tên gọi của từng loại quần áo. Bọn học trò chúng tôi có dịp nhìn thấy tận mắt các kiểu quần áo thời trang rất lạ lẫm đối với chúng tôi, những người vừa thoát khỏi xứ sở "thiên đường cộng sản" lúc bấy giờ. Dù mỗi khoá học chỉ kéo dài có vài tháng, nhưng mỗi khi mãn khoá, buổi lễ chia tay nào của thầy trò cũng đầy những giọt nước mắt lưu luyến, bịn rịn...

Lúc làm phụ giảng (Teacher Aid) cho cô giáo ở lớp Hướng Dẫn Văn Hoá trong trại, đôi khi tôi thấy rất tội nghiệp cho cô vì một vài học trò Việt Nam rất nghịch ngợm, đúng với câu "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" hay một câu khác trong trại thường nghe lúc đó là "yes yes no no six months to go" (ý nói học giỏi hay dở gì thì đủ thời gian 6 tháng cũng sẽ được đi định cư mà thôi). Có học sinh đặt câu hỏi tiếng Việt chọc phá cô giáo và tôi phải có bổn phận dịch lại. Tất nhiên là tôi không dám dịch những câu này mà phải dịch "chế" ra những câu khác. Nhìn ánh mắt của cô giáo, tôi đoán biết là cô giáo người Phi biết là các học sinh này chọc phá mình, nhưng cô vẫn hiền từ kiên nhẫn giảng dạy cho các em học sinh những nếp sống trên quê hương mới để mong học trò của mình dễ dàng hội nhập hơn.

Ngoài những Thầy Cô giáo mà chúng tôi có dịp theo học, những người dân Phi Luật Tân bình thường khác mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong trại cũng hiền hoà không kém. Là một đất nước nông nghiệp, nên phần lớn người dân Phi cũng có đời sống vất vả như người dân Việt Nam. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những người dân Phi hiền lành, chất phác. Họ chỉ vào trại để mua bán, sinh sống như mua lại gạo của Cao Uỷ phát cho những gia đình người Việt còn thừa để đổi lấy những vật dụng cần thiết, v.v. Những buổi trưa hè, tiếng rao bán "balut" (hột vịt lộn) kéo dài ngân nga của những người bán hàng rong người Phi nghe không khác chi tiếng rao hàng của chị bán chè trong khu xóm tôi ở quê nhà.

Một điểm mà tôi rất ngưỡng mộ người dân Phi Luật Tân là tinh thần chống cộng rất cao. Mặc dầu liên tục bị sự chống phá, nổi loạn của đám Phi cộng, nhưng chính phủ Phi Luật Tân từ nhiều thập niên nay vẫn cứng rắn chống lại bọn chúng một cách không nhân nhượng. Tôi tình cờ đọc được một câu chuyện của một người Việt khi anh có dịp trở về thăm lại trại tị nạn Bataan. Một trong những di tích anh muốn đến thăm là Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam vì anh nghe đồn Tượng Đài đã bị bọn cộng sản ở Việt Nam mua chuộc giới cầm quyền để đập phá, như chúng đã đê hèn làm việc này ở Mã Lai và Indonesia. Những ai đã từng ở trại tị nạn Bataan, chắc còn nhớ Tượng Đài Thuyền Nhân ở vùng 8 được những người Việt tị nạn trong trại, với sự đóng góp của những người may mắn đi định cư trước đã xây lên Tượng Đài này.

Theo như anh kể lại trong câu chuyện, anh thật vui mừng khi tận mắt chứng kiến Tượng Đài vẫn còn nguyên vẹn, dù có nhiều nét hoang tàn vì thiếu người chăm sóc. Câu nói của vị sĩ quan phụ trách an ninh của khu kỹ nghệ Bataan hiện nay có lẽ là bằng chứng hùng hồn về tấm lòng và thái độ của người dân Phi Luật Tân khi ông ta trả lời mối quan tâm của anh về ý đồ phá hoại Tượng Đài của cộng sản Việt Nam: "Không, chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra ở đây."

Việc hoàn trả lại món tiền viện trợ của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng nói lên tinh thần của người dân Phi Luật Tân: Một dân tộc hiền hoà, có trái tim nhân ái khi mở rộng cửa đón người Việt tị nạn trên bước đường đi tìm Tự Do và có thái độ rất dứt khoát với cộng sản.

Vậy mà bỗng chốc, tai ương lại ập đến đất nước nơi có người dân rất hiền hoà này khi cơn bão Hải Yến kéo đến. Cha mất con, vợ mất chồng, đứa anh trai bồng em thơ đi tìm xác mẹ, v.v.... Nước mắt rơi quanh những đổ nát, hoang tàn...

Đứng trước thảm cảnh này, đồng hương Việt Nam ở khắp nơi đã tổ chức nhiều cuộc gây quỹ quyên góp trong tinh thần lá lành đùm lá rách và nhất là để có dịp đền đáp lại ơn nghĩa của một dân tộc đã từng cưu mang mình. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin phép viết về một chương trình gây quỹ mà tôi hân hạnh tham gia.

Hàng năm, các anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLB TNS) thường tổ chức một buổi họp mặt cuối năm. Đây là dịp để các anh chị em trong CLB TNS ở miền Nam Cali, nhất là các thành viên trong Ban Hợp Ca, có dịp ngồi xuống "nghỉ xả hơi" sau một năm sinh hoạt, ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong suốt một năm qua.

Buổi họp mặt năm nay đặc biệt hơn các năm trước vì khi chương trình được dự thảo, thì lúc cơn bão Hải Yến bắt đầu tràn vào quốc gia Phi Luật Tân. Những hình ảnh, những câu chuyện thương tâm được các đài TV và báo chí đưa tin làm ai cũng đau lòng trước thảm hoạ mà người dân Phi Luật Tân phải gánh chịu. Chứng kiến những thảm cảnh này, thay vì tổ chức một buổi họp mặt vui chơi như thông lệ cuối năm, CLB TNS quyết định thêm vào chương trình gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt. Tưởng cũng xin nhắc lại là trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Tổ Chức (BTC) buổi đi bộ gây quỹ ở Mile Square Park, CLB TNS ở tại quận Cam cùng các chi nhánh khắp nơi như Úc, Đức, Thuỵ Sĩ, Texas, San Jose, ...cũng đã kêu gọi các thành viên yểm trợ được số tiền trên 2 nghìn đô la trao cho BTC.

Thời gian để chuẩn bị thật gấp rút vì "cứu người như cứu lửa". BTC đã chọn nhà hàng Seafood Place làm nơi tổ chức vào buổi chiều Thứ Sáu ngày 6 tháng 12. Chỉ trong vòng một ngày, cô Ngọc Điêp đã làm xong tấm thiệp mời. Tấm thiệp tuy đơn sơ, không cầu kỳ như những tờ poster của các chương trình khác, nhưng đã nêu lên đầy đủ mục đích mà BTC muốn kêu gọi quý thân hào và bạn bè thân hữu đến tham dự.

Mới đầu tháng Mười Hai mà thời tiết đã khá lạnh. Tuy nhiên, so với nhiều tiểu bang khác trên nước Mỹ, miền Nam Cali vẫn còn may mắn vì mọi người không đến nỗi phải lái xe dưới trời mưa tuyết để đi đến tham dự. Bước vào nhà hàng, không gian dường như ấm cúng hẳn ra với những nụ cười, những câu chào hỏi, những cái bắt tay ấm áp tình thân. Sân khấu của nhà hàng hôm nay đầy màu sắc rực rỡ với cây thông giăng đầy những ngọn đèn màu và tất nhiên không thể thiếu hình ảnh ông già Noel bên những món quà Giáng Sinh. Ngoài những khuôn mặt thân quen trong CLB TNS, ngày hôm nay tôi còn thấy có sự hiện diện của nhiều bạn bè thân hữu và một vài hội đoàn khác đến tham dự. Có được sự tham gia của số quan khách ngày hôm nay phần lớn nhờ vào sự nhiệt tình của Trưởng BTC là cô Ngọc Điệp. Cô đã bỏ thời gian gần như mỗi ngày để kêu gọi, khuyến khích bạn bè đến tham dự thật đông, cũng như liên tục cập nhật danh sách đóng góp gây quỹ để mọi người được lên tinh thần.

Chương trình văn nghệ bắt đầu từ lúc 6:30 pm với những tiết mục trình diễn của các ca sĩ trong CLB TNS và các bạn bè thân hữu. Ca nhạc sĩ Hạnh Cư đã rất bận rộn để sắp xếp và điều khiển chương trình văn nghệ mở màn này. Sau phần văn nghệ mở màn là phần phát biểu của chị Hội Trưởng Quỳnh Giao, thay mặt CLB TNS gửi lời chào mừng quan khách và các anh chị em tham dự. Chị cũng không quên gửi lời mời mọi người tham gia chương trình Đệ Tứ Chu Niên của CLB TNS vào tháng Ba năm 2014. Tiếp theo phần phát biểu của chị Quỳnh Giao, người viết bài này cũng được dịp trình bày với quan khách tham dự về mục đích của buổi họp mặt và gây quỹ cho nạn nhân của cơn bão lụt Hải Yến ở Phi Luật Tân vừa qua. Khi nói đến mục đích gây quỹ để đền đáp tấm lòng của người dân Phi Luật Tân, tấm hình của trại tị nạn Bataan dường như cứ chập chờn hiện ra trước mắt tôi.

Sau một vài tiết mục văn nghệ, chị Nghiêm Tú Lan trong vai trò MC đã mời cô Ngọc Điệp ngỏ lời cám ơn và kêu gọi mọi người tham gia vào công việc gây quỹ. Cô Ngọc Điệp cũng đã thay mặt BTC công bố tên của các vị mạnh thường quân đã gửi check tới để ủng hộ trước. Trong khi đó, các cô trong ban tiếp tân mang những chiếc thùng đi đến từng bàn để mọi người có thể tham gia vào công tác gây quỹ. Cô Ngọc Điệp cũng chia sẻ một câu chuyện cảm động về một vị khách đã đưa cho cô một phong bì để đóng góp vào việc gây quỹ với số tiền phần lớn là những tờ 1 đồng từ những đồng tiền mà ông đã đích thân đi kêu gọi những người hàng xóm của ông đóng góp. Một nghĩa cử thật cảm động và một tấm lòng rất đáng quý.

Chương trình văn nghệ được tiếp nối sau đó với những bản nhạc phần lớn về chủ đề Giáng Sinh. Trong giờ nghỉ giải lao của ban nhạc, các chị trong Ban Tiếp Tân như chị Phi Loan, chị Nghiêm Tú Lan và anh Thủ Quỹ Phạm Hoàng đã giúp cô Ngọc Điệp tổng kết số tiền lời thâu được. Sau đó, cô Ngọc Điệp đã đại diện BTC công bố số tiền $2,377.00 quyên góp được sau khi trừ chi phí ẩm thực của nhà hàng để trao cho Hội Hồng Thập Tự trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Trời càng về khuya càng lạnh, nhưng có lẽ các anh chị trong CLB TNS cảm thấy lòng mình thật ấm áp khi đã cùng nhau góp tay thực hiện công việc gây quỹ trong tinh thần lá lành đùm lá rách để mong đền đáp phần nào những ân tình mà người dân Phi Luật Tân đã dành cho người Việt tị nạn trước đây. Vừa mới xong chương trình này, các anh chị em trong CLB TNS lại chuẩn bị tham gia "Đêm Nhân Quyền cho Việt Nam" vào ngày hôm sau, và sau đó là chương trình "Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam - Cây Mùa Xuân Dân Chủ" vào ngày Chủ Nhật sau đó.

Có lẽ đến khi nào quê hương Việt Nam thật sư có dân chủ, nhân quyền, không còn bóng thù cộng sản, lúc đó các anh chị em trong CLB TNS mới thật sự được "nghỉ xả hơi" trong "ngày thanh bình muôn nơi hân hoan, người Việt Nam hát khúc khải hoàn..." như một câu hát trong bài "Vùng Lên Cứu Nước". Ngày đó chắc chắn không còn xa.

Số tiền gây quỹ được tuy không phải là một con số lớn, nhưng tôi hình dung những nụ cười vui của các trẻ em khi nhận được những món hàng cứu trợ gửi tới. Chắc chắn sẽ có những giọt nước mắt của những người Phi Luật Tân cảm động trước sự đóng góp của người dân Việt tị nạn năm nào. Người dân Phi Luật Tân biết rằng chúng ta không quên ơn của họ. Biết đâu trong số những người này, có những Thầy Cô đã từng dạy học trong những cycle của trại tị nạn Bataan năm nào. Và điều quan trọng hơn, đây là dịp để chúng ta nhắc nhở các con em của chúng ta, thế hệ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, những gì mà thế hệ đi trước đã trải qua và ghi dấu lại trên bước đường đi tìm Tự Do. Cầu mong cho sự bình an sớm trở lại trên đất nước hiền hoà Phi Luật Tân.

Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến