Hôm nay,  

Bản Tình Ca Của Một Người Làm Thơ

01/01/201400:00:00(Xem: 12138)
Tác giả: Phạm Hồng Ân
Bài số 4101-14-29501vb4010114


Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.

* * *

Tôi trở lại làm việc cho GA-esi, sau một năm dài ngồi thở dài than vắn. GA-esi sắp tan. Hãng chuẩn bị dọn qua Mississippi, bám víu vô một đơn vị khác để ngáp ngáp. Giống như ngọn đèn leo lét, trước khi tàn lụi, chợt rực lên. Tôi đang gặp giai đoạn này. Trở lại, vì nó rực lên, mặc dù ngắn ngủi.

Công việc không nặng nhọc, nhưng nhem nhuốc quanh năm. CAP (capacitor) được hệ thống arc-spray phun chì ở hai đầu. Muốn test CAP, tôi phải cơi bỏ mảng bột chì dơ bên ngoài lớp plastic. Đó là lý do tại sao thân thể bị dị ứng và ngứa ngáy khó chịu.

Người bạn đồng nghiệp Việt Nam duy nhất bên cạnh tôi, là Vĩnh. Anh cũng nắng dãi mưa dầu, hàng ngày bó mình trong lò chì cực nóng. Tai và đầu lúc nào cũng bị tra tấn bởi hàng tỷ tiếng động quái dị, phát ra từ các cỗ máy Impregnation đua nhau xả hết tốc lực.

Thật ra, nếu chẳng vì Jessica, có thể tôi sẽ không muốn trở lại công việc. Tôi không muốn trở lại nơi chốn người ta đã mạnh dạn từ bỏ tôi, kể cả trong tình yêu, kể cả gia đình. Jessica thu hút mãnh liệt. Nàng như bóng như hình, lượn qua chao lại giữa đời tôi giống cánh hải âu chưa bao giờ rời biển. Đúng 8 giờ sáng, mỗi ngày, khi tôi vừa cầm ly cà phê ngậm ngùi ra tới parking lot, thì chiếc Jeep màu đỏ trờ tới, Jessica khoan thai bước ra, khép nhẹ cửa xe, vuốt mái tóc dài sang một bên, rồi uyển chuyển lướt vào hãng. Ngày, tuần, tháng, năm nào...cũng vậy. Cũng cái jupe ngắn khỏi gối. Cũng cặp đùi trắng muốt. Cũng mái tóc bồng bềnh xõa nhẹ bờ vai. Cũng nụ cười nửa miệng, nhếch môi khinh khỉnh. Bốn mùa trôi qua đều đặn. Xuân mát rượi. Hạ bứt rứt. Thu se sắt. Đông run rẩy. Dù nóng rát thịt hay lạnh thấu xương, nàng vẫn đằm thắm bó mình trong chiếc jupe dễ thương. Chỉ có mỗi ngày mỗi một sắc màu. Nay đỏ. Mai vàng. Mốt tím. Bữa kia xanh..v..v...

Chuyện tôi si Jessica bắt đầu thấu tai Vĩnh. Cái nhìn đắm đuối mỗi sáng cộng với sự thẩn thờ trong lúc làm việc đã tự tố cáo tôi một cách hiển nhiên. Vĩnh nhất định phản đối tình yêu cuồng dại này.

- Ông già rồi. Còn xí quách bao nhiêu mà đi yêu một cô gái khêu gợi như vậy?

Bôi đen hay xúc phạm thần tượng là điều không thể tha thứ. Tôi nhào tới Vĩnh.

- Tôi khoái ai, yêu ai...là quyền của tôi. Chẳng mắc mớ chi tới cậu?

Tôi xắn tay áo, bồi thêm.

- Cái hãng này sẽ như cái đám ma, nếu không có những cô gái "cởi mở" như Jessica.

*

Tôi thích nhìn Jessica, chẳng phải vì yêu nàng. Cũng chẳng phải vì tấm thân bốc lửa sẵn sàng phực lên thiêu cháy trái tim tôi. Tôi thích nàng vì nàng giống Lụa. Lụa của 40 năm về trước, lúc tôi còn là cậu học sinh chưa nếm mùi đời. Thượng Đế quả trớ trêu. Ngài đã tạo nên Lụa. Ngài còn đem phó bản rải khắp nơi trên trái đất. Rốt cuộc, xa Lụa một thời gian dằng dặc, qua Jessica, kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về như dòng lũ ngược. Nếu cởi bỏ chiếc jupe cũn cỡn trên thân thể nuột nà của Jessica, thay vào đó tà áo dài trắng tha thướt học trò... thì chắc chắn phó bản sẽ trở thành chính bản. Jessica sẽ trở thành Lụa. Y hệt. Trăm phần trăm.

Nhắc Lụa, khung trời Cà Mau như ngả nghiêng trong ký ức tôi. Những con đường chụm lại. Dòng sông trôi giạt đôi bờ. Thành phố khóc mưa chiều. Mái trường trung học vắng bặt tiếng guốc nữ sinh. Chiến tranh bắt đầu tấn công tỉnh lỵ. Tuổi trẻ lội trong khói lửa như cá mắc cạn trong vũng lầy. Trước biến cố thời cuộc, Lụa vẫn vươn lên như mầm cây, mướt xanh và thắm sắc. Những bài thơ của tôi ra đời. Sầu, thương, than, khóc...cộng với khói thuốc và hơi rượu... đã làm đảo điên trái tim mềm yếu của nàng. Bài thơ đầu tiên tặng Lụa được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Cả xóm le lưỡi thán phục. Cả trường trung học An Xuyên đi tìm tôi, nhìn mặt. Lúc đầu Lụa mắc cỡ, lên tiếng trách móc, phàn nàn. Sau đó, nàng lén nhìn tôi bằng ánh mắt thiết tha. Và thay vào cái nhếch môi khinh khỉnh năm xưa là nụ cười thầm kín, dường như có chất chứa một hứa hẹn nào đó cho mai sau.

Thời gian êm đềm trôi qua, những bài thơ tôi tiếp tục cho Lụa, đăng khắp nơi trên các báo Sài Gòn. Đến một lúc, tình yêu dâng trào, Lụa không thể giấu kín nỗi niềm nữa, nàng bộc lộ bằng cách âu yếm dắt tay tôi về giới thiệu với ông già. Nhà Lụa kín đáo, nằm bên hông rạp chiếu bóng Huỳnh Long, dưới hàng gòn vây quanh sân, che mát mái tôle. Mùa này, cuối năm, trái nứt bụng, lòi bông trắng xóa. Bông gòn theo gió, bay tung tăng trước sân, bay dính vào tóc Lụa, bay xà xuống đôi chân vạn dặm của tôi, và trải dài như hoa tuyết khắp lối đi. Chưa kịp vào nhà, tôi đã thấy một người đàn ông lom khom nhóm lửa trong cái bếp đặt dưới lườn chiếc xe bán mì lưu động. Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, Lụa nhỏ nhẹ.

- Ba em đó! Ba em đang chuẩn bị đi bán đêm.

- Ba em bán mì gõ? Hèn chi tối nào anh cũng nghe tiếng gõ lóc cóc khắp các con đường. Nhiều khi thức khuya học thi, đói bụng, anh cũng kêu mì của ba em. Vậy mà... không biết?

Lần gặp đó, tôi thất vọng. Ba Lụa cố ý muốn cắt đứt tình cảm của tôi với Lụa, khi biết tôi làm thơ, phung phí tâm hồn.

- Con kết bạn với thằng này, lâu dần...có nước xách túi đi ăn mày. Thơ với thẩn làm sao kiếm được tiền? Ba thức khuya dậy sớm bán mì nuôi con ăn học, để rồi...ngó con ôm nhau chết đói hay sao?

Tôi buồn tình, lủi thủi ra về. Bông gòn vẫn rơi trên lối đi, trắng xóa như tuyết. Tôi tưởng chừng đấy là những đám bông tang, khâm liệm mối tình tôi vào đáy sâu kỷ niệm.

*

40 năm trôi qua như giấc mơ. Kể từ lúc chia tay với Lụa, tôi không có cách nào để gặp lại nàng. Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, tôi bị cuốn hút vào vòng binh lửa như một định mệnh an bài. Chiến tranh còn làm thất lạc tất cả. Thất lạc ngay chính tôi. Một người lính làm thơ ngơ ngáo trước trận tiền. Rồi, chiến tranh kết thúc. Kết thúc một cách vội vã, hối hả. Tôi lại thất lạc thêm lần nữa. Một tù binh làm thơ bơ vơ trong ngục tù.

Tôi nướng rụi tuổi trẻ trong khói lửa và lao lung, cho đến khi tuổi già sắp bộc phát thì mới qua được Mỹ, theo chương trình HO. Chưa kịp định cư yên ổn, tôi đã liên lạc với các đồng hương để tìm tung tích Lụa. Vài ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Hiền, một thằng bạn chung lớp thời trung học đệ nhị cấp.

- Tau tìm ra tung tích của chú Sáu rồi.

Tôi áp ống nghe vào sát tai. Nhăn mày, ngạc nhiên:

- Chú Sáu nào?

Tiếng chửi thề vang lên, nhừa nhựa kéo dài.

- Đù má. Chú Sáu bán mì gõ ở xóm Huỳnh Long đó!

- Ô! Ông già của Lụa. Mày gặp Lụa rồi ư?

- Chưa. Chỉ mới nghe tin. Tau ở Virginia qua Little Saigon có một tuần thôi! Mày muốn gặp chú Sáu, ngày mai lên đây. Tau và mày sẽ đến tiệm mì của ông ta.

- Hả? Ổng có tiệm mì ở Little Saigon sao?

- Nghe nói ổng mang cả xe mì gõ qua, lập nên tiệm mì. Làm ăn phát đạt lắm!

Mặt tôi bỗng nóng phừng lên, hừng hực. Hình như trái tim đang đập mạnh, phình phịch trong ngực.


- Còn Lụa. Lụa thì sao?

- Tau chỉ biết tới đó thôi!. Muốn biết thêm, ngày mai lên đây sẽ biết.

*

Buổi sáng, mặt trời vừa hực nắng, tôi đã khăn gói ra xe, trực chỉ hướng Little Saigon. Hôm qua, suốt đêm, tôi không ngủ được. Lâu lâu, cứ ngóc đầu dậy nhìn đồng hồ, rồi nằm xuống lăn qua lộn lại. Tôi trông đêm qua mau, ngày tới lẹ để nhào xuống xe, phóng một mạch rước Hiền, rồi chạy thẳng đến tiệm mì.

Hôm qua, hình ảnh Lụa cứ đập vào trí tôi như khúc phim quay ngược. Tà áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài lay bay, và đôi chân thon thả vào đời...cứ trăn trở, cứ ray rứt, cứ sống lại trong tôi thời lãng mạn học trò. San Diego cách Santa Ana không xa, khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi có mặt ở Phước Lộc Thọ. Hiền chọn chỗ ngồi ngay cửa trước, nơi quầy cà phê đầu tiên, với cuốn đặc san Cà Mau trước mặt, chờ tôi.

Nhận diện Hiền dễ dàng, vì có những dấu hiệu báo trước. Nhưng tôi phải lưỡng lự vài giây, mới định thần nhào tới ôm nó reo mừng. Thằng bạn trẻ trung lém lỉnh ngày xưa, giờ là lão già xuội lơ, lờ rờ như rùa mắc cạn.

- Lên xe, chạy theo tau. Cứ nhắm Garden Grove tiến tới.

*

Cánh cổng to lớn tự động mở toang, trước mũi xe chú Sáu. Sân thênh thang. Chúng tôi lần lượt đậu xe vào, vẫn còn khoảng trống dọc ngang chạy mút tới bờ tường. Những tầng lầu chồng lên nhau, tạo nên một biệt thự uy nghi, bề thế. Hàng palm vươn lên, chung quanh. Thân thẳng đứng, biểu hiện cho sự hiên ngang, bất khuất. Tôi chợt nhớ hàng gòn nhà Lụa 40 năm về trước. Trái gòn, cuối năm nứt bụng, rắc bông trắng xóa xuống lối đi. Bông gòn từng được tôi ví như bông tang, khâm liệm mối tình học trò của tôi và Lụa xuống đáy sâu kỷ niệm.

Chú Sáu mời chúng tôi vào phòng khách. Chú vừa pha cà phê vừa huyên thiên.

- Ở tiệm mì, nói chuyện với nhau không tiện. Chú muốn mời mấy cháu về nhà, nói chuyện thoải mái hơn.

Hiền ngó nét tráng lệ xung quanh căn phòng, rồi ngó chú Sáu thán phục.

- Chú chỉ đem có gánh mì sang Mỹ mà làm ăn phát đạt. Chắc chú có bí quyết chi đó? Truyền lại cho con cháu đi chú!

- Làm ăn ngon lành, đâu phải chỉ có mình chú? Người ta đã đem món ăn Hà Nội, Huế, Sài Gòn qua cả bên này. Thậm chí họ còn muốn đem cả thành phố Sài Gòn qua luôn. Không tin, mấy cháu chạy tà tà đến phố Bolsa đi! Y hệt như Sài Gòn ngày xưa. Một Sài Gòn trên đất Mỹ.

Tôi nóng lòng, đứng lên ngồi xuống. Mắt ngó dáo dác, tứ tung. Lúc ngóng lên cầu thang. Lúc nghiêng xuống lối đi. Lúc dò xét các căn phòng. Tôi thất vọng hoàn toàn. Tất cả đều chìm trong im lìm, vắng lặng. Không dấu hiệu nào báo có sự hiện diện của Lụa ở đây.

Chú Sáu chợt xoay lưng, vỗ nhẹ vào vai tôi.

- Cháu này ở hẻm Huỳnh Long phải không? Ba cháu tên gì? Coi chú có nhớ ra không?

Hiền la lên.

- Cái thằng chuyên làm thơ tán gái. Nổi tiếng khắp xóm Huỳnh Long. Bộ chú không biết sao?

Chú Sáu buông tách cà phê xuống bàn, kêu "Trời ơi!", rồi choàng tay ôm tôi vào lòng. Nước mắt chú rưng rưng, làm nước mắt tôi cũng rưng rưng.

- Chú xin lỗi cháu. Ngày xưa, dại quá, chú nói những lời xúc phạm đến cháu. Bây giờ, hối hận lắm!

Tôi lắc đầu, thân mật nắm chặt tay chú Sáu.

- Lụa. Lụa vẫn khỏe hả chú?

Chú Sáu ôm mặt, khóc rống lên.

- Chú đã mất con Lụa rồi. Mất rồi.

Mắt tôi bỗng mờ dần. Trần nhà dường như nghiêng ngửa. Tôi nghe rõ từng nhịp tim tôi đập yếu ớt trong lồng ngực.

- Lụa mất rồi? Mất hồi nào? Trong trường hợp nào vậy chú?

Chú Sáu dìu tôi ngồi xuống sofa.

- Nó vẫn còn. Cái xác vẫn còn, Nhưng cái hồn thì thất lạc ở phương nào?

*

- Lụa đấy! Cháu cứ vào, nhỏ nhẹ khơi lại kỷ niệm với nó. Coi nó có nhớ cháu không?

Tôi sửng sốt ngó người đàn bà mặc áo nâu sòng đang khiếp sợ thét lên, khi tôi tiến đến gần bà. Bà chắp hai tay trước ngực, rạp người xuống, lạy lia lịa.

- Xin ông tha cho tôi. Tội nghiệp tôi, ông ơi!

Chú Sáu lẹ làng bước tới.

- Lụa. Đây là bạn thân của con. Bạn học với con hồi thời trung học. Nhớ không?

Người đàn bà ngưng lạy, ngước mặt lên, ngó tôi đăm đăm. Một thoáng trôi qua, bà lắc đầu quầy quậy.

- Bạn hả? Nói dóc. Bạn tui còn ở dưới biển kìa. Bạn tui không về. Bạn tui làm quen với nàng tiên cá.

Trời ơi! Lụa của tôi đây sao? Lụa dấu yêu ngày nào của tôi đây sao? Một người đàn bà bạc trắng mái đầu, tóc ngắn cũn cỡn, thân xác già nua tiều tụy trong bộ nâu sòng thùng thình thúng thính... mà là Lụa của tôi đây sao? Đâu rồi mái tóc thướt tha xõa xuống bờ vai? Đâu rồi nụ cười nửa miệng, ánh mắt thiết tha gợi tình? Đâu rồi tấm thân kiều diễm, với từng bước chân thon thả đi nhẹ vào đời? Dường như tôi bật khóc. Dường như tôi đang mất đi một điều gì quý báu nhất trên đời?

Chú Sáu ở sau lưng cứ thúc tôi tiến tới.

- Cháu đến với nó đi! Dùng tình cảm, nhắc lại mối tình năm xưa của hai đứa, coi nó có hồi phục tâm trí không?

Tôi dịu dàng nắm nhẹ tay Lụa. Lụa giựt tay lại, lùi mạnh vào vách tường.

- Lụa còn nhớ bài thơ đầu tiên anh tặng cho em không? Bài thơ đăng trên tuần san Phụ Nữ Diễn Đàn. Chính em đã dẫn một bầy con gái tìm anh, đưa guốc lên xin chữ ký?

- Thơ? Thơ hả? Thơ Vân Tiên chứ gì? Thơ đó, làm sao có chữ ký. Nói dóc.

Tôi kiên nhẫn.

- Bài thơ đó, ngày xưa em thuộc nằm lòng. Bây giờ, anh đọc lại cho em nghe:

Em từ tiền kiếp về đây
Bắn anh một mũi tên ngay huyệt tình
Dù ôm thương tích vô hình
Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình trăm năm
Phải chăng em ngọn dao gâm
Đâm anh những nhát vô tâm trong đời...


Lụa bỗng ngã lăn ra, cười rũ rượi.

- Tui ghét vọng cổ lắm. Ông ca dở ẹt. Về nhà ca cho má ông nghe đi!

Tôi hoàn toàn thất vọng. Ký ức của Lụa, giờ đây, trống rỗng. Thần trí của nàng thất lạc phương nào? Lụa quên mất tất cả những gì trong quá khứ, kể cả mối tình đầu nồng nàn và sâu đậm nhất của chúng tôi.

Chú Sáu đưa hai tay lên cao, kêu "Trời". Và kéo tôi ra hành lang.

- Mấy chục năm nay, chú đã đưa nó đi khắp nơi trị bệnh. Từ chùa chiền, nhà thờ, bệnh viện... cho tới bùa, chú, trấn, ếm... đủ kiểu. Hết thuốc tây tới thuốc bắc, thuốc nam... kể cả thần dược, nan dược. Ai bày chi dùng nấy. Ai chỉ thầy hay... cũng tìm đến. Rốt cuộc, bệnh vẫn hoàn bệnh. Tiền mất tật mang cháu ạ!

Tôi xót xa, nắm chặt tay chú Sáu.

- Chú có biết nguyên do nào làm Lụa điên cuồng như vậy?

- Năm chú vượt biên. Tàu chú chẳng may gặp hải tặc hung dữ. Chúng cưỡng bách và hãm hiếp phụ nữ vô cùng dã man. Lụa, là đứa con gái mới lớn, nên không thể tránh khỏi cảnh thương tâm đó. Nó đau đớn ngất xỉu, và khi tỉnh dậy - nó chợt hóa điên cuồng.

*

Tôi trở về San Diego giống một cái xác không hồn. Hy vọng tìm tung tích Lụa, từ 40 năm nay, thoáng chốc tan thành mây khói. Lụa còn đó như không có. Lụa còn đó, nhưng biến dạng biến hình, chết luôn cả tâm hồn thanh cao mà suốt tháng năm tôi nâng niu, trìu mến.

Chính bản mất, tôi chỉ còn cơ hội bấu víu vào phó bản. Thượng đế quả tuyệt vời. Chính Ngài đã đem phó bản rải khắp nơi để con người không có quyền tuyệt vọng. Tôi sẽ theo chân Jessica, sẽ làm những vần thơ mượt mà cho nàng. Tôi sẽ dựng lại tình yêu, dựng lại cái đẹp trên cuộc đời đầy thương đau này. Giống như Sài Gòn mất, người ta dựng lại Saigon trên đất Mỹ.

Ngày mai, tôi vào GA-esi làm việc, tôi sẽ nói với Vĩnh đôi lời. Nếu không có những người làm thơ ca tụng vẻ đẹp trên đời... thì cái hãng này sẽ buồn như đám ma và trần gian này sẽ ảm đạm như cái bãi tha ma khổng lồ.

Phạm Hồng Ân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,247,186
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến