Hôm nay,  

Ông Nhà Tôi Ấy À... (2)

27/11/201300:00:00(Xem: 166536)
Người viết: Phan
Bài số 4070-14-29470vb4112713


Tác giả là một nhà báo quen biết, từng dự phần chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Với nhiều bài viết giá trị, Phan vừa nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây là bài viết mới nhất của chàng.

* * *

1.
Tại sao sau tựa đề có thêm con số 2 trong ngoặc đơn (2)? Xin thứ lỗi cho tôi không lưu giữ được bài viết cũ vì cứ vài năm thì cái laptop tắc tử do xài (ẩu) quá nhiều. Làm cho bao nhiêu bài báo trong đó cũng đi theo. (Có người mách bảo cho tôi: Hãy đem cái hard drive ra tiệm sửa computer của Mỹ thì họ back-up lại được các files trong đó. Nhưng tôi không thể vì họ tính tiền công quá cao. Và lời tự hứa là mình phải để dành tiền để làm cái việc cần thiết này - vào lúc ấy, thì thường bớt cần thiết về sau...)

Dù sao, tôi cũng nhớ được mình đã có viết một bài viết với tựa đề là: "Ông nhà tôi ấy à!..." Câu chuyện xoay quanh mấy người bạn làm việc chung hãng ngày xưa. Có đôi vợ chồng mà chú Quang rất mờ nhạt để nổi bật lên cô Nhâm (vợ chú Quang). Đó là người phụ nữ di cư từ bắc vào nam năm 1954. Nhưng cô khác cả triều người di cư năm đó là hễ ai nói ra bất cứ điều gì... cũng không sai thì dở. Chỉ có cô Nhâm nói là đúng; là chân lý! Và bao giờ cô cũng đem chồng cô là chú Quang ra làm... bia đỡ đạn.

Giả sử một người đàn ông ta thán là sáng sớm ra xe đi làm, trời thì lạnh mà cái xe đề hoài cũng không chịu nổ máy; hay người khác nói sáng sớm ra xe mới biết một bánh xe đã bị xì hết hơi, thiệt là... khổ.

Cô Nhâm sẽ nhanh nhẩu nói ngay, "...Ông nhà tôi ấy à! Trong garage bao giờ cũng sẵn một cái bình điện để phòng khi xe hết bình - đề không nổ!"; "... Ông nhà tôi ấy à! Chả bao giờ để cho bánh xe xì đến hết hơi. Vì trước khi đi ngủ, ông ấy đã ra garage kiểm tra xe cộ tử tế: đã khoá cửa xe chưa? (Vì đã có người mất xe ngay trong garage nhà mình, bởi lơ đễnh đến mức để cả chìa khoá xe trong xe...)

Ông nhà tôi ấy à! Cho dù xe đậu trong garage cũng phải khoá cửa xe cẩn thận, xem bánh xe có xì xẹp gì không, đâu vào đấy, rồi ông ấy mới lên giường nằm..."

Thằng quỷ con trong hãng lúc ấy, nó như khắc tinh của cô Nhâm, vì cô nói gì thì cũng mỗi nó dám lên tiếng với cô thôi - chứ chả ai tranh luận lại với cô bao giờ. Nó đáp lời cô,

"Nhưng chú Quang lái xe dở lắm phải không cô Nhâm?"

"...Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy lái xe jeep của quân đội từ khi cậu chưa sinh ra đời cơ đấy! Có đã mấy mươi năm rồi nhỉ!" Cô Nhâm đầy tự hào trong ánh mắt xa xăm dõi về quá khứ...

"Vậy sao chú cứ than với tụi cháu là từng tuổi này rồi, mà đêm nào phải trả bài, tao de xe vào garage cũng vẫn cứ kẹt hai cái bánh xe ở ngoài, có cách nào không - chúng mày ạ! Nên cháu tưởng chú Quang lái xe dở ẹt... phải không cô Nhâm?"

"..."

Thế là những cái đầu ma quái được một trận cười, còn thằng nhỏ thì bị cô mắng xối xả với hàng loạt từ ngữ người di cư đã ra đi mang theo... Nhưng dù sao cũng thấy được cô Nhâm kỵ thằng quỷ con này vì "miệng nó bụm còn không kịp thì ai bụm kịp cho nó!" (Cái cụm từ đặc sệt nam bộ là do bà Sáu-cô đơn nói về nó, và được nhiều người cho là đúng nhất!)

Bất cứ chuyện gì của thiên hạ cũng đều thua... "Ông nhà tôi" của cô Nhâm. Đặc biệt là chuyện ăn uống. "...Ông nhà tôi không bia rượu, không thuốc lá, không bài bạc, không trai gái... mỗi ngày, ông ấy ăn đúng một bát cơm gạo lứt với muối mè vào buổi sáng, uống cốc nước lã, rồi đi làm. Cà phê từ Việt nam gởi qua - có gì tốt? Trà thì cũng chỉ toàn màu với hương liệu hoá chất pha chế... chỉ có nước lã đun sôi là tốt cho sức khoẻ."

Tội nghiệp chú Quang mỗi trưa, cũng duy nhất bát cơm gạo lứt với muối mè, không được dòm ngó đến thức ăn của người khác. Thuở ấy, hãng đông người Việt nên anh chị em, cô dì chú... cứ bày phần ăn trưa của mình ra bàn, rồi ăn chung vì ai cũng hiểu như ai là thức ăn giỡ theo đi làm là món ăn chiều hôm qua ở gia đình, - nghĩa là đương sự đã ăn món ấy vào chiều hôm qua nên trưa nay không mặn mòi nữa. Vậy sao không để người khác ăn món của mình rồi mình đi ăn món của người khác - theo nguyên tắc: cũ người mới ta. Cụ thể như chiều hôm qua tôi đã ăn món thịt bò xào đậu cu-que ở nhà; còn bao nhiêu thì vợ giỡ cơm cho đi làm hôm nay. Tôi sẽ để mọi người thưởng thức món đậu xào danh bất hư truyền của hiền thê mình - và tự nhiên xỏ đũa vào các món thịt kho trứng, sường muối sả... của người khác.

Riêng cô Nhâm, một mặt không cho chú Quang được động đến tất cả các món ăn trên bàn vì chú bị cao mỡ máu. Còn cô bị áp huyết cao nên không ăn mặn được! Cô chỉ gắp của mỗi người một tí... cho đỡ nhớ quê hương!

Nói tóm lại là cô chỉ ăn rau cỏ trồng được sau nhà cô, quanh năm rau luộc. Nhưng cũng là rau luộc đặc biệt, vì... "Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy nhặt rau thật kỹ, rửa rau thì không ai kỹ bằng. Rồi ông ấy luộc rau cũng tinh xảo lắm, nên ngọn rau chín mềm nhưng vẫn giữ được màu xanh. Chứ rau luộc xỉn màu thì ngán mắt - làm sao ăn!

Cái điệp khúc "ông nhà tôi ấy à!" được cô Nhâm nhai đi nhai lại cho bò trắng răng nên thằng Bò mà chúng tôi gọi là thằng quỷ con rửng mỡ, một hôm mọi người đã quá chán nghe cái điệp khúc ấy trên bàn ăn, nên nó hỏi cô Nhâm, "...Vậy, năm nay chú Quang bao nhiêu tuổi rồi hả cô Nhâm?"

Cô đáp, "...Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy sáu nhăm (65) rồi đấy! Nhưng mọi người có thấy là ông ấy trông khoẻ mạnh, trẻ hơn tuổi thật đến chừng nào? Ấy! Cứ nhìn ông Tùng, ông Bách... xấp xỉ nhà tôi mà trông ra lão cả rồi đấy!..."

(Ông Tùng thì hiền chứ ông Bách thì chả! Dĩ nhiên là ông cũng chỉ nói sau lưng cô Nhâm, "... cái con mẹ bắc kỳ này! Không nể anh Quang là bạn già thì tao đã rút... thằng nhỏ tao ra, quất vào mặt mẹ ấy một phát đinh tai nhức óc cho khép mỏ bắc kỳ."

Ai nghe thì nấy ôm bụng mà cười với sự táo tợn của ông Bách, nổi tiếng là "già lựu đạn").

Nhưng cũng chẳng ai dại đến ra mặt đối đáp với cô Nhâm, trừ khắc tinh của cô, nó nói, "... Cháu nghĩ chú Quang chết bây giờ, hay mười năm, hai mươi năm nữa, cũng không có gì khác vì ngày nào chú cũng chỉ có 3 chén cơm gạo lứt với 3 cốc nước lã đun sôi - để nguội. Có phải chú là người đã chết mà còn thở... để bấm thẻ mua hột xoàng cho cô Nhâm."

Cái thằng hắt cốc nước ối vào mặt cô Nhâm thì làm sao còn đất sống. Cô nguyền rủa nó đến thằng nhỏ bỏ việc mà đi học lại. Cuối cùng lại hoá ra nhờ cô mà nó lấy được mảnh bằng kỹ sư, một thời nó hái ra bạc khi các hãng điện tử ở Richardson và Plano ăn nên làm ra...

Bọn trẻ chúng tôi thương chú Quang vì khi làm việc thì cánh đàn ông làm riêng - việc nặng; đàn bà làm riêng - việc nhẹ hơn. Những lúc ấy, con người chú Quang không còn là "cục đất" trong phòng ăn - trước mặt cô Nhâm nữa! Chú như con sáo xổ lồng. Có hôm, đang làm việc cực nhọc, chú bảo chúng tôi, "... ngưng tay đi tụi bay ơi! Đi ăn pizza."


Chúng tôi nhìn quanh, nhiều ánh mắt đều dừng lại chung một điểm là cái mông của bà Mỹ đen đang chỏng khu đếm đồ phụ tùng trong cái thùng các-tông. Bà ấy mặc áo đầm màu vàng nghệ, có những hoa văn tròn màu đỏ - y như những lát xúc-xích trên mặt bánh pizza. Cái mông bà Mỹ đen lại tròn vành vạch như cái pizza bốn người ăn... Thật là con cháu ối não no nê một hôm với trí tưởng và óc khôi hài của chú Quang.

Nhiều lúc, chúng tôi không ngờ chú đã hơn sáu mươi tuổi, cũng vì tánh khôi hài của chú. Lại càng khó hiểu vì sao chú như một người khác, khác hẳn trước mặt cô Nhâm. Đến hôm hãng bị cúp điện, cả đám kéo nhau ra cửa lớn của khu vực Shipping & Receiving ngồi đấu láo. Chú cũng tham gia bốc phét với đám trẻ cho vui. Nhưng bị cô Nhâm gọi vào phòng ăn ngồi thiền chứ già không được mất nết... như lão Bách!

Thế là ngoài này thằng quỷ con dựng chuyện! Nó trả lời thắc mắc cho chị em con Sếu, là: "Sao chú Quang đẹp trai, vui vẻ và hiền lành vậy. Mà lại lấy cô Nhâm..." Nói tới cô Nhâm thì Sếu chị bịt miệng Sếu em để tránh phiền phức.

Thằng quỷ nhỏ hăm hở nói, "... tui biết rõ vì chú Quang thường làm chung với tui mà. Ổng kể, hồi đó ổng đi lính, đóng quân gần khu người bắc di cư. Lân la vào xóm dân tán gái, không ngờ gặp cô Nhâm - làm nghề nuôi heo mà trắng da dài tóc quá nên ổng mê, theo đuổi thì chú Quang nghèo hơn nhiều người khác, nên ổng chỉ đi chặt chuối hoang ngoài đồi giùm cô Nhâm để đem về nhà xắt trộn cám cho heo ăn. Hồi hai người ngồi nghỉ mệt trên đồi chuối, gặp hôm, gió đưa bụi chuối sang hè/ giỡn chơi một chút ai dè sanh đôi. Chuyện đổ bể, ổng không cưới thì bả tự tử. Ổng nghĩ chết tới ba mạng người nên ổng hy sinh..."

Nó nói như thiệt, còn hỏi lại hai chị em Sếu khờ, "Nên Sếu chị, Sếu em có thấy hai người con lớn của cô chú là anh em sanh đôi không?"

Chúng tôi được cười, còn các cô gái thì tin như sấm. Cô nào chả thích được giỡn chơi một chút với anh lính chiến đẹp trai, vui vẻ, hiền lành như cô Nhâm nên các cô đi hỏi cô Nhâm!

Thằng quỷ con chuyến ấy biệt xứ... đi Đại học."

2.
Cả một đoạn phim dài thuộc về quá khứ, nhưng tuần tự kể lể trong tôi về thời mới qua Mỹ - đi làm hãng.

Cô Nhâm có lẽ đã về đến nhà. Chỉ mình tôi đứng chơ lơ trong chợ Taget - nơi hàng bán thuốc cảm cúm các loại; nơi tôi gặp cô Nhâm là thật, nhưng hãy còn như mơ...

"... người đàn bà đẹp lão, tóc trắng phau như tuyết sương ngoài kia. Làn da và mái tóc nói lên sức khoẻ của bà còn tốt lắm. Nhưng chính cái dáng đi đã làm nên phong thái quyền quý, mệnh phụ của bà.

Tôi mỏi mắt với những hàng chữ nhỏ li ti trên những chai thuốc nên thả tầm nhìn đi chơi cho đỡ mỏi mắt. Không ngờ hình ảnh bà lão đã thu hút tôi từ xa - đang đi lại phía tôi. Tôi hình dung lại nhiều bà cụ (là mẹ của bạn bè ở địa phương); các cụ tuy có con cái thành đạt nên được chăm sóc tử tế hơn nhiều cụ bà ngủ gục, ngủ gật trong viện dưỡng lão một mình, đến cô đơn, đến động lòng, rồi mủi lòng người thấy những hình ảnh tương lai của mình khi tuổi già đến trên xứ sở này. Những bà cụ được chăm sóc tử tế, được ở nhà với con cháu, thường có sinh khí hơn, nhưng hầu hết cũng chỉ toát lên hình ảnh một "bà mẹ quê". Sự sang cả của bà cụ đang đi đến gần tôi như đòi hỏi một gia phả quyền quý lâu đời mới có được, dù cụ rất đơn giản trong trang phục và một tí son môi phớt hờ cho đỡ tê tái mùa đông.

Nhưng khi cụ mở lời nói với cô con gái đi sau cụ, tôi liền nghĩ đến cô Nhâm - dù đã lâu không gặp. Tôi liền nghĩ đến chuyện của chính cô ngày xưa. Theo cô, người Hà nội có giọng nói như cô mới là người Hà nội. Còn người Hà nội sau này đã lai tạp nhiều từ các tỉnh thành khác, nhưng cứ nói mình là người Hà nội... không biết xấu hổ.

Có lẽ tôi đang bệnh cúm miên man nên làm chuyện hoang đường. Tôi đến chào hỏi cụ, "Xin lỗi cụ... Có phải cụ là cô Nhâm ngày xưa ở hãng Air Blower không?"

Cụ nhìn tôi như quái vật một hồi mới đáp, "Anh là ai... mà biết tôi?"

"Tôi mừng quá, "Thế thì đúng là cô Nhâm rồi! Cô còn nợ cháu một bữa ốc bưu nấu với chuối xanh và rau tía tô hay lá lốt đấy! Nhưng cô chú về Cali nên cháu chưa được ăn. Cô nhớ ra cháu chưa?"

Bà cụ cười thật tươi, "À!... Tôi nhớ ra anh rồi, anh P. Thật là thời gian làm cho người quen kẻ biết cũng chẳng nhận ra nhau. Có đến hai mươi năm rồi anh nhỉ..."

"Dạ vâng. Cháu thật mừng - được gặp lại cô. Chú Quang của bọn cháu có khoẻ không, thưa cô?"

Cô con gái tiến lên đỡ tay mẹ vì cô Nhâm xúc động khi nghe tôi hỏi đến chú Quang. Ngần ấy đã đủ cho tôi hiểu chú tôi đã ra người thiên cổ. Có lẽ không cần nói gì thêm hơn là lời xin lỗi của tôi đã hỏi một câu không nên hỏi, tôi nói: "Cháu xin lỗi... vì đã quá lâu không được gặp cô chú, và cũng chẳng có tin tức gì. Cháu chỉ được biết, sau khi cháu nghỉ hãng thì cô chú cũng nghỉ và dọn về Cali vì anh lớn của cô chú định cư bên ấy..."

"Đúng đấy anh ạ! Chúng tôi dọn về Cali, được mười năm thì ông nhà tôi mất vì cholesterol đã làm đứng tim mà chết. Tôi ân hận mãi là trước đó đã ép ông nhà tôi kiêng ăn. Rồi cũng chỉ được mười năm. Biết thế!..."

"Nhưng nếu cô không kiêng ăn cho chú thì biết đâu ngay khi cô chú còn ở Dallas, chú đã...

Số phần mỗi người thôi cô ạ! Cô cũng đừng đau buồn mãi..."

Bà cụ như già đi thấy rõ trong khoảnh khắc hoài niệm. Hình như cụ có nói lý do xuất hiện ở Dallas là sang thăm cô con gái đã lấy chồng và định cư ở Dallas nhiều năm.

Người đàn bà trẻ không mang dáng dấp quý phái của mẹ mà có vẻ người nghịch ngầm và ngang ngạnh của chú Quang. Cô nói với tôi, "có dịp, mời anh tới chơi với gia đình..." gì gì nữa đó. Rồi họ từ từ xa dần ánh mắt nhìn theo của tôi, sau lời từ giã giữa chợ đời thì đúng hơn chợ thực phẩm và thuốc tây...

Những chén cơm gạo lứt - rắc tí muối mè của chú Quang ngày xưa hiện về trong trí não miên man tôi; cả cái bánh pizza tròn vành vạch của bà Mỹ đen ngày nọ... Không biết chú có chết vì phở tái, (cho xin chén hành trần, nước béo); nào là bê thui, lẩu dê, tiết canh vịt... mà chúng tôi đã "bù lỗ" cho chú trong những dịp cô Nhâm bay về Cali thăm con cháu.

Tôi chỉ thấy đã tan biến những ác cảm không tiện nói ra với cô Nhâm ngày nào khi giọt nước mắt lăn trên má bà cụ Nhâm hôm nay. Câu hỏi để lòng là sao chú Quang lại thế - ngày xưa, như đã giải bày mà không cần hỏi nữa; khi người vợ còn lăn giọt vắn giọt dài sau mười năm chồng mất - ở tuổi đã ngoài tám mươi. Yêu người đàn bà ấy thì ăn đất cũng cam lòng... Nhưng cái hay của chú Quang là vẫn đi "ăn chui" với đám trẻ để thấy cái chết không phải là lớn lao gì đối với chú. Sự sống sao cho hài hoà từ trong nhà ra ngõ mới lớn.

Phan

Ý kiến bạn đọc
02/04/201400:07:50
Khách
Câu chuyện kết thúc hay qua tác giả Phan ơi. Cảm ơn tác giả.
01/12/201308:00:00
Khách
Chú Quang là mẫu người đàn ông lý tưởng với các bà vợ như cô Nhâm, kèm cặp mãi tới khi mất mới tiếc.
Cũng tội. Ai biết được ngày mai?!
Truyện hay, cảm động. Mong bài viết sau. Cám ơn tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến