Hôm nay,  

Chuông Vọng Tình Xưa

22/10/201300:00:00(Xem: 32689)
Tác giả: Giang Thiên Tường
Bài số 4041-14-29441vb3102213


Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân Sacramento, Cali, tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011 và đã nhận Giải Đặc Biệt 2013 với bài viết “Chung Một Mảnh Vườn.”. Bài viết mới, với nhiều chi tiết sống thực, cho thấy thêm cách viết linh hoạt của tác giả.

* * *

Bác sĩ Anderson dùng đèn soi nhỏ, lần lượt chiếu vào hai lỗ tai đang bị ù của Lâm, quan sát một lúc, rồi bất ngờ tuyên bố:

- Màng nhĩ của cả hai tai anh đã hư rồi!

Lâm lo sợ và ngạc nhiên hỏi:

- Tôi cứ tưởng vì ráy tai ra quá nhiều nên tôi không nghe được rõ thôi!

- Không, màng nhĩ của hai tai anh đã hỏng, bác sĩ lập lại lần nữa. Tôi phải giới thiệu anh đi chuyên khoa ENT, “Tai, Mũi, Họng” ngay hôm nay.

Lâm giật mình và lo lắng về tin rất xấu này.

Lâm chọn bác sĩ Anderson làm bác sĩ gia đình vì văn phòng ông chỉ cách nơi làm việc có một block. Hơn nữa, bác sĩ rất tận tâm với bệnh nhân nên Lâm đặt hết tin tưởng vào ông. Mà càng tin thì càng lo.

Khi xuống downtown để đến văn phòng ENT, chuyên khoa “Tai,Mũi,Họng”, Lâm chọn đường trong, để tránh lái xe trên freeway, rất nguy hiểm một khi tâm trí có chuyện lo nghĩ, nhất là khi thính giác mình không còn tinh tế để nhận ra những tiếng động cảnh báo như tiếng kèn xe. Đi đường trong tuy chậm nhưng an toàn hơn và còn có thì giờ để tính toán này nọ.

Căn bệnh về tai này tuy không có gì ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, nhưng nó làm phiền Lâm không ít từ rất lâu, thuở xưa ở quê nhà. Lúc đó, Lâm được bác sĩ giới thiệu đến một bệnh viện công và đã nhận được một cách lấy ráy tai rất "cổ điển" là bắt bệnh nhân nằm nghiêng, đổ nước vào lỗ tai để làm mềm ráy tai. Kết quả không thấy đâu mà bù lại bị ướt át và thêm chứng chóng mặt do nước tác dụng vào thần kinh giữ thăng bằng trong tai. Do đó Lâm rất ngại phải khai chứng ù tai với bác sĩ, dù ở Mỹ, phương tiện y khoa tiến bộ hơn nhiều.

Cách đây vài tuần, tai phải của Lâm bắt đầu nghe lùng bùng, càng ngày càng nhiều khiến Lâm phải đổi qua tai trái để nghe điện thoại. Nhưng rồi cả hai tai đều trở chứng, không còn nghe được gì rõ nữa nên Lâm mới chạy đến bác sĩ để cầu cứu. Mà đợi "nước tới trôn mới nhảy" thì thật ân hận quá, Lâm tự trách mình. Nếu quả thật mình sẽ bị mất cả thính giác thì tương lai mình sẽ ra sao? Lâm chợt nhớ đến một ông bạn già của mình, là nhạc sĩ. Có lần ông ấy tâm sự với Lâm: "Tôi có chuyện buồn, thật buồn vì tai tôi càng ngày càng bị điếc, đeo máy trợ thính cũng không giúp gì được nhiều, tôi bị mất đi cái thú lớn nhất trong đời là soạn nhạc và mất đi nhiều bạn bè nữa. Lâm không phải là nhạc sĩ, nhưng giả dụ bị điếc như ông bạn mình thì vẫn phải mất bạn bè, mất việc làm, mất cả thế giới âm thanh huyền diệu bên ngoài.

Tư tưởng bi quan đang tới lúc bi đát nhất thì xe Lâm đã tới nơi. Trung tâm ENT là chữ tắt của "Ear, Nose & Throat" chuyên trị "Tai, Mũi, Họng" tọa lạc tại dowtown, cũng như một số các trung tâm chuyên khoa khác.

Lâm được bác sĩ chuyên khoa khám ngay vì được giới thiệu là trường hợp khẩn cấp.

- Màng nhĩ tai tôi có sao không? Lâm lo lắng hỏi ngay bác sĩ.

- Tôi nghĩ nó OK, nhưng ráy tai quá nhiều. Sau khi hút xong mới biết rõ thế nào. Bác sĩ cẩn thận trả lời.

Lâm thở phào, mừng không phải vì có tin tốt mà mừng vì biết khỏi phải qua khổ hình như ngày xưa, bị đổ nước vào lỗ tai.

Quả nhiên, dụng cụ tân tiến của trung tâm chuyên khoa ENT làm việc rất tốt và hữu hiệu. Lâm chỉ nghe tiếng rè rè, rung nhè nhẹ của động cơ máy hút, không hề gây đau đớn hay khó chịu. Giây phút làm việc cuối cùng của bác sĩ chuyên khoa vừa xong.

- Bùm bùm, lắc cắc, leng keng... Bao nhiêu âm thanh ngoại giới, tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng dụng cụ y khoa bằng kim loại va chạm nhau, tiếng nước chảy trong bồn nước rửa tay, tiếng người nói chuyện hòa nhau, vang dội vào thính giác của Lâm, nghe lớn gấp nhiều lần trước đây và rất rõ, rất sắc giống như một bản nhạc hòa tấu mà các nhạc khí, kèn trống đều vang lên rõ ràng theo đúng âm sắc của chúng.

- Chỉ vì ráy tai nhiều quá làm tắc nghẽn lỗ tai khiến anh nghe không được, chớ màng nhĩ thì không có sao cả.

Lâm nghe lòng rộn vui sau khi được bác sĩ chuyên khoa xác nhận tin thật tốt này. Lâm không trách bác sĩ gia đình Anderson đã làm mình lo sợ mà trái lại thầm cám ơn ông đã mau lẹ giới thiệu mình đi chuyên khoa để được trị liệu dứt khoát.

Nhưng một niềm vui lớn hơn, mênh mông hơn là niềm vui bắt lại được liên lạc với thế giới thân yêu bên ngoài qua âm thanh. Chắc người mù cũng vậy, nếu có phép lạ hay phẫu thuật nào giúp họ sáng mắt trở lại, họ sẽ còn vui và hạnh phúc hơn gấp bội.

Trước khi Lâm ra về, bác sĩ dặn dò cẩn thận:

- Chứng ráy tai này hay tái phát. Anh cầm toa thuốc này lại tiệm thuốc kế bên gọi là Bell Pharmacy. Tiệm này chuyên bán thuốc đặc chế "compounded prescription", nhưng loại thuốc tôi kê cho anh là thuốc thông thường, cũng có bán tại đó. Anh mua ngay về nhỏ vào tai ngày hai lần, nếu không vài tháng nữa anh lại phải trở lại đây!

Lâm vừa bước ra ngoài đường thì hít ngay một luồng không khí mát dịu của mùa thu thật sâu, thật khoan khoái.

Bell Pharmacy cách đây không xa. Lâm nhìn bảng hiệu của tiệm thì thấy có thể đi bộ đến đó chừng vài phút thôi, nhưng Lâm cố ý đi đủng đỉnh, chầm chậm để kéo dài giây phút sung sướng của kẻ vừa thoát được một tai họa lớn, giây phút của kẻ đang được hưởng điệu nhạc kỳ diệu của trời đất mà trước đây tưởng đã bị mất hẳn.

Con đường H của Sacramento, thủ phủ Cali mà hiện Lâm đang đi tản bộ chầm chậm đến Bell Pharmacy là một con đường nhỏ, nhưng rất yên tĩnh và nên thơ. Hai hàng cây bên đường có tàng lá rậm, ở vài khúc đường chúng mọc vươn lên cao và giao nhau tạo những bóng mát thật êm dịu.

Lâm ghé ngồi tạt tại một ghế đá bên đường, thẩn thờ nhìn mùa thu đến bất ngờ mà trong những lúc khác phải bận rộn cho việc làm, mưu sinh, Lâm không bao giờ được hưởng. Khí trời ở vùng Bắc Cali này vào mùa thu là dễ chịu nhất, vừa khô vừa mát dịu. Chỉ trừ các cây thông vẫn giữ được màu xanh tươi qua các mùa, hầu hết các cây khác đã bắt đầu trổ ra màu vàng và đỏ tạo ra một bức tranh kỳ diệu của thiên nhiên.

Thính giác của Lâm sau khi được điều trị hôm nay sao mà tinh tế, bén nhạy quá: lúc trong nhà, cái gì rớt hay va chạm đều nghe sắc bén, chát chúa hơn trước nhiều, còn bây giờ ngoài thiên nhiên, một cơn gió thổi qua tàng cây cũng nghe rào rào rõ rệt, đến nỗi những chiếc lá vàng mà gió mùa thu thổi rơi cũng nghe xào xạc mà trước đây Lâm cũng nghĩ là chỉ có trong thi ca mà thôi.

- Keng! Keng! Keng!

Bất ngờ tiếng chuông nào ngân vang trong không gian. Lâm ngạc nhiên nhìn quanh quẩn không hề có bóng dáng nhà thờ nào quanh đây. Lâm ở tại thành phố này đã hơn ba mươi năm mà rất hiếm thấy nhà thờ nào có tháp chuông nên đã từ lâu Lâm rất thèm được nghe tiếng chuông.

- Keng! Keng! Keng! Tiếng chuông tiếp tục ngân nga, vang rền, làm rộn ràng tâm hồn, qua lỗ tai rất tinh, rất thính vào lúc này của Lâm. Tiếng chuông như đưa tâm hồn Lâm ra khỏi thế giới xô bồ, náo nhiệt về nơi hoang vắng, an bình.

Lâm ngẩng mặt nhìn thẳng trước mặt, định được hướng của tiếng chuông.

“À! Thì ra! Đó chẳng qua là tiếng chuông của Bell Pharmacy. Đúng theo tên tiệm, "Tiệm Thuốc Có Chuông" thì phải rung chuông để người ta biết vẻ độc đáo của thương hiệu này, Lâm nghĩ, dù chuông này thuộc loại gì, nằm ở đâu trong tiệm cũng không quan trọng”.

Keng! Keng! Keng!

Hồi chuông tiếp theo một khúc nhạc chuông dạo sao mà thiết tha, dịu dàng, ngân nga đưa hồn người lữ thứ rời khỏi quê hương thứ hai hiện tại để về nơi xa vắng, mơ hồ nào của không gian, vào một lúc nào đó, xa thẳm của thời gian...

Nhà thờ Thị Nghè chiều thu ấy, tiếng chuông giáo đường cũng êm đềm, thiết tha nhưng sao buồn ơi là buồn.

Sau buổi dâng lễ, đọc kinh Lạy Cha, tới lúc mọi người chúc bình an nhau, theo thói quen trước nay Lâm chỉ chào các người ở trước và kế bên. Nhưng chiều nay, một động lực nào khiến Lâm quay ra hàng ghế sau, định chào mọi người một cái thật nhanh. Chỉ trong khoảnh khắc, Lâm nghe tim mình như se thắt lại và cảm thấy thật bối rối: Nguyệt, người yêu chàng, mà Lâm muốn tránh gặp hôm nay, đã ở hàng ghế sau hồi nào; nàng mặc chiếc áo dài thiên thanh, nhoẻn nụ cười duyên, gật nhẹ đầu chào Lâm.

Sau thánh lễ, khi cả hai đi dạo trên sân nhà thờ, Lâm rất lật đật nhưng Nguyệt thủng thẳng, vô tư, âu yếm nắm lấy tay Lâm khẻ hỏi:

- Anh! "Màu áo xanh là màu anh trót yêu" phải không anh?

- Đúng, đúng vậy, Lâm trả lời mà trong lòng lo nghĩ trăm muôn ngàn nỗi.

- Áo dài xanh này đúng ra em cũng định mặc cho giống đồng phục với các chị trong ca đoàn, Nguyệt chậm rãi giải thích, nhưng vì em tới trễ nên không tập ca được, mới đến ngồi gần anh đó.

Lâm mỉm cười gượng:

- Nhờ vậy mà anh mới được bên em trong thánh lễ trưa nay. Nhưng hôm nay anh nhiều việc bận nên không cùng em ngồi ghế đá ngắm lá vàng rơi được.

- Không sao đâu anh, Nguyệt vẫn vui vẻ và hồn nhiên. Chiều nay thế nào em cũng sẽ lại nhà anh nữa mà.

- Ủa? Sao…? Lâm ngạc nhiên và bồn chồn hỏi.

- Đổ bánh xèo! Nguyệt cười giòn giã. Em biết anh và cả nhà đều thích món này, em sẽ đem đủ thứ cần thiết tới để làm tại bếp nhà anh nha.

- Thôi! Thôi mà. Lâm ứa nước mắt nói câu từ chối, mà không thêm được lý do nào.

Tiếng chuông giáo đường lại đổ liên hồi, vang rền như một khúc nhạc buồn của biệt ly.

Lâm rùng mình, liếc nhìn Nguyệt đang tung tăng bên mình mà lòng nghẹn ngào.

Chiều hôm đó, Nguyệt vui vẻ đến nhà Lâm đúng như dự định, nhưng Lâm phải để trọn thì giờ cận kề người mẹ già tàn phế. Mẹ Lâm bị trợt té, gãy cổ xương đùi là nơi không băng bột được, chỉ có phẫu thuật thay khớp mới mong trị được, nhưng vì tuổi già yếu lại đau tim nên bác sĩ đành bó tay và bà phải dùng xe lăn di chuyển. Tuy ở chung nhà với chị, nhưng chị Lâm đã có gia đình, phải tất bật lo cho chồng con và sinh kế, nên Lâm trở thành người săn sóc chính cho mẹ vì Lâm còn độc thân. Lâm ở chung phòng với mẹ, lo đỡ mẹ lên xuống xe lăn mỗi khi mẹ muốn đi đâu, đo áp huyết và cho mẹ uống thuốc hằng ngày...

Lâm hôn mẹ, ngập ngừng nói vu vơ:

- Mẹ ơi! Hôm nay con ở với mẹ lâu thiệt lâu nha mẹ!

Mẹ Lâm cười:

- Thì con đã ở với mẹ, cận kề mẹ từ nhỏ đến giờ mà! Nhưng hôm nay có Nguyệt đến chơi, con ra nói chuyện để nó buồn.

- Mẹ, con có mua ngăn đựng thuốc cho mẹ đây, nói xong Lâm lấy trong gói một hộp nhựa dài có nhiều ngăn. Mẹ nhớ mỗi ngăn con đựng một loại thuốc khác nhau, khi không có con mẹ có thể tự lấy uống.

- Con khéo lo, bao giờ cũng có con và chị con.

- Nhưng hộp thuốc này rất cần vì mẹ phải uống nhiều loại thuốc khác nhau trong ngày, Lâm giải thích cho mẹ. Mẹ ơi! Con còn có món này rất hay cho mẹ, Lâm mở gói lớn đựng một chậu cây nhỏ.

- Trầu bà hả con? Mẹ Lâm mừng rỡ. Con lấy ra rồi treo trên cái móc trên trần nhà cho mẹ. Xong đỡ mẹ xuống xem.

Lâm làm theo ý mẹ, đưa mẹ xuống xe lăn để ngắm cây trầu bà mà mẹ mình rất ưa thích. Nhìn thấy niềm vui của mẹ, một niềm vui cuối đời và cũng là cuối cùng với Lâm trong lúc này, Lâm bất giác mắt lệ mờ, nắm nhẹ tay mẹ, khẻ nói:

- Mẹ ơi! Con thương mẹ quá mẹ ơi!

Không biết mẹ Lâm có nghe câu nói thân yêu lần chót này không thì chị Lâm đã rón rén vào phòng hồi nào, khều nhẹ Lâm ra.

Chị Lâm kéo Lâm vào phòng sau cùng, kín đáo nhất, gương mặt chị có vẻ lo lắng nhưng đầy cương quyết, chị nói nhanh và nhỏ đủ nghe:

- Này Lâm, tối nay em phải đi ngủ sớm. Người tổ chức cho biết kế hoạch không có gì thay đổi. Sáng sớm mai, em qua nhà chị Bảy, không gây động ồn ào sợ chó sủa, xong cùng đi với chị ấy xuống Sóc Trăng và cả hai sẽ được đưa ra bến Đại Ngãi. Nhớ nghe chị dặn, hành trang phải thật gọn nhẹ, dưới đó người ta đã chuẩn bị lương thực đủ ăn cho cả tàu rất nhiều ngày. Em phải đi, vì tương lai của chính em và cả gia đình nữa.

Dù cho chị có căn dặn thật nhiều và cũng đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng lúc này Lâm cảm thấy bối rối, lo sợ, lấp bấp hỏi chị:

- Còn mẹ...

Chị liền nắm lấy tay Lâm, trấn an:

- Thì như chị đã nói với em nhiều lần trước đây, mẹ đã có chị lo chu đáo.

- Nhưng lại sợ mẹ bị bất ngờ, làm mệt tim? Lâm hỏi.

- Chị nhắc lại kế hoạch mình đã bàn tính trước: sau khi em đi, chị sẽ nói với mẹ và Nguyệt là em phải đi công tác xa vài tuần. Khi em tới đảo, sẽ gởi tin và hình về thì chắc chắn mọi người sẽ rất vui. Mẹ dù có xúc động lúc đầu, nhưng sẽ rất toại nguyện khi biết em đi tới nơi tới chốn an bình.

Thôi chị em mình ra ngoài, cùng ăn bánh xèo Nguyệt đã đổ xong. Em tránh có cử chỉ gì để Nguyệt nghi ngờ. Tụi em mới quen nhau nên gia đình mình chưa kịp sắp xếp gì, thôi thì qua bên ấy em sẽ lo giấy tờ sau vậy.

Keng! Keng! Keng!

Lâm giật mình.

Tiếng chuông của Bell pharmacy từ trước mặt vang lên lần nữa làm Lâm phải rời bỏ những giây phút quý giá cuối cùng với các người thân tại quê nhà.

Tiếng chuông êm êm, vang rền này đã thân ái đưa Lâm vào một dĩ vảng đầy luyến lưu, bây giờ lại cay đắng đưa chàng trở lại hiện tại của một mùa thu tha hương.

Khi vừa đến Mỹ định cư chỉ vài tháng thì Lâm được chị cho hay tin buồn mẹ chàng qua đời vì cơn đau tim nặng. Rồi sau không đầy một năm, thời gian Lâm phải gian nan, khổ cực học hành, tìm việc, lo hội nhập với đời sống mới, Lâm xao lãng với tình xưa thì chợt bàng hoàng nhận được tin “Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng” khiến Lâm thành kẻ lữ thứ cô đơn.

Cho nên, mỗi lần nghe thu về, Lâm cố tìm chút thì giờ rảnh rổi, trở lại downtown, đến gần Bell Pharmacy để ngồi nghe tiếng chuông hiếm có của thành phố, mong tâm hồn được thảnh thơi sau những giờ phút vật lộn với cuộc sống, nhất là để theo tiếng chuông ngân nga, đưa hồn về ngang qua nhà thờ Thị Nghè, để thoáng thấy dáng người yêu lẩn quẩn đâu đây, rồi chập chờn quay về cố phòng, tưởng như còn thấy trong mơ hồ gương mặt thân yêu của mẹ hiền cùng chiếc xe lăn của mẹ và giàn trầu bà treo lủng lẳng trên trần.

Nhưng có một mùa thu, Lâm đến downtown Sacramento như mọi năm để tìm lại thời gian đã mất của quê hương, thì lần này bỗng ngạc nhiên không còn thấy Bell Pharmacy đâu nữa. Người lân cận cho biết tiệm thuốc chuyên làm thuốc hổn hợp này đã không còn đủ khách hàng nữa để tồn tại, nên phải đóng cửa và hiện giờ chỉ còn một Bell Pharmacy ở đâu xa lắc tận miền đông Hoa Kỳ. Lâm ngậm ngùi như bị mất một cái gì thật quý giá.

Lâm vẫn tiếp tục đếm bước trên đường H hoang vắng, nhìn lá vàng rơi và mặc dù không còn tiếng chuông trên không trung, Lâm vẫn nghe văng vẳng tiếng chuông đâu đây của nhà thờ Thị Nghè, của âm điệu quê xưa vì nó đã lỡ in sâu vào tâm hồn cho một thời gian vĩnh cửu.

Giang Thiên Tường

Ý kiến bạn đọc
10/11/201308:00:00
Khách
Bài viết nhẹ nhàng làm người đọc thoáng nhớ về kỹ niệm hay tình yêu xa xưa nào đó.
Cám ơn tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,930,984
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.