Hôm nay,  

OK! Quyết Định Vậy Đi

09/10/201300:00:00(Xem: 44884)
Người viết: Tom Tom
Bài số 4031-14-29431vb4100913


Tác giả cho biết ông đến Mỹ đã 20 năm, nghề nghiệp: chủ tiệm Nail tại Culver City, California. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ Tháng Tư 2012. Hai bài đầu của Tom Tom đều viết về công việc ông làm: “Nghề Nail đâu Có... Bèo”; Và “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt.” Bài thứ ba mới nhất, TomTom kể về chuyện thuyền nhân vượt biển.

* * *

Một buổi sáng hè, Dũng và Minh cùng hai chàng Mễ phụ việc cùng đào cái gốc cây cho nhà một bà Mỹ. Cái sân cỏ sau nhà thật dốc, mấy ngày nay gió mạnh quá, bà cần đốn nó đi, sợ mấy cành cây, thân cây ngả đổ sập vào nhà. Hai thằng lui cui tìm cách đào cái rể cây ăn sâu dưới đất. Dưới cơn nắng, Santa Ana wind gần 90 độ F, bà Mỹ lớn tuổi ngồi trong nhà trông ra theo dõi. Cái gốc cây chàm vàm nằm đó, thân cây mới hạ xuống hôm qua. Hôm nay thì dễ rồi, chỉ còn xới đất rồi dùng cưa máy cắt rễ là coi như xong…

Trưa nắng nóng, chàng Mể tên Jose, to con, làm nghề cắt cỏ chung với Dũng đã từ hai năm qua, có vẻ nó an phận, vô tư và happy với cái nghề cắt cỏ này. Minh thì mặt mày lem luốc, mồ hôi nhểu nhảo ngồi dưới gốc cây trốn nắng, chờ Dũng và Raul mang đồ ăn trưa đến.

Minh đang học Orange Coast College, thường đi làm phụ dọn hàng, bán hàng ngoài chợ trời đường Fair, Costa Mesa gần trường OCC. Những buổi chiều rành rỗi, Minh thường tản bộ chung quanh nhà, cùng đúng lúc Dũng lái chiếc xe truck cắt cỏ về. Dũng ở share phòng kế bên nhà Minh, lâu dần hai người trở nên bạn lối xóm. Mỗi chiều về gặp Minh, Dũng hay cầm xâu bia giơ lên ý ra hiệu qua đây nhậu lai rai. Lúc chưa thân nhau, Minh còn ngần ngại, vì Minh vừa làm, vừa đi học ở share phòng người cậu họ cùng quê Bạc-Liêu, đâu có dư giả để lai-rai đều đều mỗi ngày…

Thằng Dũng hiểu ý, nó không màng cái chuyện phải có qua có lại. Người nào mới qua Mỹ củng có khó khăn, đời sống chật vật, Dũng có cảm tình với học trò nghèo… Dũng và Minh coi như đồng hương, và dần dà thân nhau từ đó.

Dũng qua Mỹ đã được bốn năm, quê nó ở huyện Vỉnh -Châu, một làng ven biển, cách Bạc-Liêu khoảng hai mươi cây số, chuyên đánh cá, làm muối, cá khô, tôm khô nổi tiếng… Dũng chữ nghĩa chỉ biết đọc, biết viết bậc tiểu học, lớn lên thì đi làm công, làm khô, cào muối, rồi đến nghề đi biển, được chủ tàu thương dạy thêm cho làm tài công lái tàu, cho đến ngày vượt biên, chủ và Dũng lái tàu sang đến Malaysia.

Vốn dĩ Dũng đâu có dự định vượt biên, xuất ngoại… nó đâu có biết mấy nước Úc, Mỹ, Phi là nước gì. Sống tại vùng biển, Dũng đã từng thấy thiên hạ vượt biên bị công an biên phòng bắt, nó thấy nhiều người xa lạ không biết từ đâu đến. Trong huyện nó cũng có nhiều gia đình vượt biên, nhà giàu vượt biên, nhà nghèo vượt biên. Công an bắt đủ thứ người, nhà tù huyện không còn chỗ chứa. Đàn bà, con gái, con nít bị bắt vài ngày rồi thả cho về, phần đông đàn ông, thanh niên thì bị tù hơi lâu.

Hai năm nay, được anh Tâm chủ tàu dạy cho lái tàu, nó rất là khoái chí. Nó nghĩ kể từ đây đời nó lên hương, không dễ gì người ngoài mà người ta chịu cho mình cầm tàu, người ta chịu mướn mình là phước đức lắm rồi, nó tự thấy hãnh diện và có vẻ quan trọng hơn… nó mừng quá chừng vì từ nào đến giờ chiếc xe Honda nó còn chưa biêt lái, nó toàn đi ghe, đi tàu, xe tải, chỉ có công việc dưới đồng, dưới ruộng, sình lầy, thì có dịp đâu mà được tập chạy xe Honda, bây giờ tự nhiên nhảy lên được cầm lái tàu, hy vọng tương lai sáng lạng hơn, kiếm tiền nhiều hơn…

Anh Tâm dặn nó là không được cho ai biết, anh thương Dũng lắm mới chỉ cho học làm tài công, nếu nói ra ngoài sợ nhiều người ganh ghét. Dũng yên chí nghe theo anh Tâm, không hé răng một lời. Gần Tết Trung Thu năm ấy mà trời không có vẻ gì khô ráo, trời cứ xám xịt ở cuối chân trời, vài cơn mưa rào lác đác kéo dài cả tuần, anh Tâm chủ tàu nói với Dũng rằng trời đang có bão ngoài khơi. Biển động cấp 3, cấp 4 là bình thường, mấy bữa nay có lúc lên đến cấp 6. Dũng tới lui nhà anh Tâm mấy ngày liền nhưng tàu không ra khơi được, hôm ấy trời vừa có chút nắng, anh Tâm nói:

- Tàu đậu hổm rày chắc mày không có tiền ăn Tết phải không?

Dũng chưa kịp trả lời… anh Tâm đã móc túi dí vào tay Dũng một xấp tiền không biết bao nhiêu, nói:

- Cho mày và gia đình ăn Tết. Thấy mày tốt, trung hậu tao thương, hồi chiều tao có kêu anh Tư bán gạo chở cho ba má mày một bao gạo ăn Tết.

Dũng thật thà cảm động, cám ơn anh Tâm có lòng hảo tâm giúp đỡ, Dũng hứa trung thành làm việc với anh, không nệ khó khăn…..Anh Tâm gật đầu hài lòng.

- Thôi mày đi mua chút bánh trái về cúng ăn Tết đi, rối mai nếu tao kêu đi tàu thì đi liền, không được chậm trễ, tàu nằm bờ đói lắm rồi…

Dũng vui mừng cám ơn anh Tâm lần nữa rồi đạp xe đạp chạy ra chợ. Trên đường đi nó chạy ngang đồn công an huyện, nó nhìn thấy dân chúng tụ tập đông thật đông trước hàng rào đồn. Họ đứng nhốn nháo ngó vào trong, không biết chuyện gì, Dũng thấy chú Ba đứng trong đám đông đàng xa nên ngừng xe.

- Chuyện gì vậy chú Ba.., chú Ba chạy lại chỗ nó đứng nói nhỏ: - Vượt biên…

Dũng ngắt ngang:

- Tưởng gì chớ, chuyện bị bắt vượt biên ở vùng này là “chuyện thường ngày ở huyện”.

- Chú Ba nói... đành rằng là vậy, nhưng hôm nay khác hơn…

- Bộ đông hơn hả chú Ba.

- Chú Ba lắc đầu, đông hay ít gì cũng vậy, mày nhốm cái đầu mày lên coi coi thấy cái gì bên trong đó không!

Thằng Dũng để xe đạp nằm xuống đất rồi vịn vai ông Ba nhún nhảy lên cao nhìn vào trong, nó củng thấy như mọi hôm có người vượt biên bị bắt, họ bị bắt tụ tập ngoài sân, vì nhà tù đầy quá rồi, chưa có chỗ chứa. Họ ngồi phơi nắng làm giấy tờ kê khai lý lịch trước khi vào trại giam, cũng chẳng có trại, họ được giam tại dãy nhà vừa lá vừa tôn, bị bao bọc chung quanh vòng dây kẽm gai…. Nhưng kìa, khác với mọi bữa. Hình như họ đứng láo nháo ngoài sân xì xầm cái gì đó, công an thì cầm súng đi qua, đi lại… Nó chỉ thấy có vậy, không biết chuyện gì mà công an súng ống coi bộ căng thẳng hơn mọi khi.

- Bộ có trốn trại hả chú Ba…..!?

Chú Ba nóng ruột:

- Bộ mày không thấy một đống mạng nằm dưới đất à!

Thằng Dũng rán nhốm người nhảy cao hơn, lúc này nó mới thấy.

- Ý trời! Có tàu chìm hả chú Ba? Vớt xác hồi nào vậy?

Chú Ba đốt điếu thuốc thả khói lắc đầu, kéo nó ngồi chồm hổm xuống.

- Tội nghiệp quá, đi làm chi để cho chết oan như vầy. Mấy bữa rầy sóng gió quá mà, dân biển còn không dám đi, sao không đợi hôm nào bớt sóng gió hảy đi, một là thoát, hai bị bắt, chứ sóng gió kiểu này có thoát củng khó sống.

- Họ thấy xác ở bãi nào vậy chú Ba.

- Bãi nào củng đầy xác. Sáng nay dân đi báo cáo, công an liền cho dẫn một số thanh niên vượt biên bị bắt trong trại giam đi dọc theo bãi mang về nghe nói gần hai chục xác..

Bỗng dưng Dũng giật mình hồi hộp, hai tay chụp túi quần, bóp chặt… Xấp tiền còn nguyên đó, không biết sao Dũng cảm thấy lo âu vu vơ hơi khó thở, mệt mỏi… uể oải đứng lên chào chú Ba rồi tiếp tục đạp xe về hướng chợ.

Dũng vừa đạp xe vừa suy nghỉ về số tiền anh Tâm đưa. Nó nghĩ hơi nhiều hơn mọi khi. Đã xấp tiền rồi, còn có cho thêm ba má nó bao gạo ăn Tết Trung Thu nữa. Có ý gì khác không... nó linh tính có cái gì lạ lạ khó hiểu…

Chợt Dũng nhớ đến Út Lan, em gái út mới mười tuổi của no cùng bé Trang đồng tuổi chơi chung ở kế bên nhà. Dũng đến chợ liền tìm sạp quần áo mua cho mỗi đứa một bộ đồ bà ba. Còn Cúc em kế Dũng thì cho tiền nó, nó muốn mua gì đó tùy ý, mua hai hộp bánh để cúng rằm Trung Thu, số tiền còn lại nó đưa cho ba má nó. Nghĩ xong việc phải chi, phải làm, Dũng cảm thấy khỏe trở lại, hăng hái đạp xe vù vù về nhà.

*

Gần cả năm nay, thằng Sáu Út trưởng đồn công an biên phòng thường hay đến nhà anh Tâm chủ tàu nhậu nhẹt mỗi khi tàu về bến. Thường khi đánh bắt được con cá hay hải sản nào lạ, anh Tâm lấy ướp đá để giành riêng cho Sáu Út. Tàu về bến là anh Tâm kêu Dũng trên đường về nhà mang cho nó. Lâu lâu Sáu Út cũng có cho “lính” xuống mời anh Tâm về nhà nó, hoặc tới đồn nhậu lai rai. Dần dà Sáu Út đến nhà anh Tâm lai rai thường xuyên hơn.

Lúc đầu anh Tâm chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn, giao hảo qua lại bình thường. Thình lình, một hôm, bà vợ anh Tâm nhắc khéo chồng, rằng Mỹ Linh con gái lớn mười tám tuổi vừa cho chỉ hay là Sáu Út đang để ý nó. Hay tin trán anh Tâm mồ hôi nhỏ giọt. Sau Mỹ Linh, anh chị Tâm còn có Mỹ Ngoc mười sáu tuổi, hai chị em cùng trổ mã ngang ngang nhau. Như vậy thằng Sáu Út đến nhà mình hổm rầy đúng là điềm chẳng lành.

Tháng rồi anh Tâm có dịp ra chợ Bac Liêu, anh dến nhà thăm chị Hai của ảnh, chị Hai có đưa hình và thư của anh Ba từ Mỹ gửi về, trong thư nói bóng gió…bảo anh Tâm đi liền, trại tị nạn sắp đóng cửa, quá đông người vượt biên tị nạn, tương lai sẽ không có còn nước nào nhận, mình đến họ sẻ đuổi mình ra… Liên hiệp quốc đang bàn… Nếu tính đi, phải tính ngay bây giờ còn kịp.

Chuyện Sáu Út ngấp nghé con Mỹ Linh khiến anh Tâm như vừa bị một cú đẩy quyết liệt. Không thể để chuyện này xẩy ra. Nhưng nếu thằng Sáu Út trưởng đồn công an biên phòng, nó không chiếm được con Mỹ Linh của anh chị thì cái giấy phép ra khơi của anh củng chẳng còn, tàu thuyền gì chắc chắn sẽ bị sung công vào đội tàu hải sản quốc doanh, rồi... rồi cái mạng anh nữa, chắc gì sẽ yên.

Sáng sớm, vừa thấy thằng Dũng tàng tàng đến, anh Tâm vẫy nó lại.

- Tao vừa tính kêu thằng Hùng chạy đi kêu mày. Mày ở đây chờ tao đi ký giấy phép, đừng có đi đâu nhé, ký giấy xong thì mày cho tàu đi lấy thêm dầu, rồi lên nước đá.

- Yên chí, để em và thằng Hùng xem xét máy móc, thực phẩm coi còn cần thêm gì không….

Dũng chưa nói dứt câu, anh Tâm đã chạy xe Honda đi mất. Dũng đi bộ xuống bãi đậu tàu thì đã thấy thằng Hùng thợ máy đang nổ máy tàu thử xăng, thử nhớt…

- Ê ! Hùng, tối nay đi hả?

Hùng trả lời:

Tao không biết chắc, nhưng đây là công việc hằng ngày phải kiểm tra máy móc, xăng nhớt có gì trục trặc không.

Dũng thấy mấy phi dầu trên tàu hổm rày tàu đậu vẫn còn dư xài, mà sao anh Tâm hồi nãy bảo nó đi lấy thêm. Dũng vào cabin lấy café, ấm nước nấu sôi, hai đứa ngồi café tán dóc chờ lệnh…

Chờ hoài. Mãi gần 3 giờ chiều mới thấy anh Tâm chạy Honda về.

- Phải chờ Sáu Út họp xong thì tới trưa rồi, vừa thấy mặt tao nó lại rủ cả đám ra nhà lồng chợ ăn trưa, ăn trưa chút xíu củng hết một kết bia, rồi nó mới tà tà về đồn ký giấy phép. Nó còn cà rỡn nói tưởng tao tới kiếm nó đi nhậu…. ĐM… Bận chết mẹ, ở đó mà nhậu. Xong rồi đó. Mày với thằng Hùng đi lo cho tao thêm xăng, thêm nhớt, rồi lấy nước đá… cứ việc đi làm, tao có ghé trạm xăng dầu cho tụi nó ký giấy xong rồi.

Nói xong, anh Tâm lại chạy đi cái vù. Dũng, Hùng hai thằng ngó nhau cười nói:

- Đi nhậu cho đã về đổ thừa cho thằng Sáu Út.

Một giờ sáng, trăng thượng tuần bị mây che, trời tối đen như mực, tiếng sóng dồn từ xa theo gió đưa vào, con thủy triều đang dâng cao, chảy xiết… Giờ giấc đi đánh cá thường là quá nửa đêm. Giờ này tương đối con hơi sớm, không gian yên tịnh. Dũng, Hùng đã được lệnh ngủ dưới tàu từ đầu hôm, bọn nó cũng không có gì thắc mắc sớm hay muộn …, Máy tàu đả nổ, đang cho chạy “rô-đai.” tiếng máy nổ nhè nhẹ..bù..u.m…bù..um.như tiếng báo hiệu giờ ra khơi sắp đến, hai thằng thủy thủ củng vừa đến,…

- Ủa, tụi mày cho anh Tâm hay chưa ? Dũng hỏi.

- Có, ảnh đưa tụi tao mỗi đứa thêm vài thùng mì gói, chuyến này ăn mì gói thay cơm…

Anh Tâm từ xa đang đi dần đến, tay cầm cuốn sổ kèm theo cái hộp đựng hải bàn. Cái hải bàn này chỉ có mình anh giữ, không bao giở để lại trên tàu khi tàu về bãi. Cũng chỉ mình anh Tâm biết rành các tọa độ, hướng đi biển các vùng nào để đánh cá, còn Dũng thì chỉ biết anh Tâm chấm hướng, tọa độ nào thì cầm lái hướng nấy để cho anh nghỉ ngơi.. nhửng lúc trời yên, bể lặng thì Dũng cầm lái, lúc mưa cuồng, sóng to gió lớn thì anh Tâm lèo lái.

Anh Tâm lên tàu vui vẻ hỏi:

- Tất cả sẵn sàng chưa, ra khơi sớm chuyến này nhé…

Dũng cầm lái cho chân ga mạnh hơn một tí, tiếng máy nổ lớn, tàu bắt đấu lùi bãi, cho mũi tàu hướng cửa biển, anh Tâm yên lặng đứng vịn cột tàu nhìn về hướng xóm nhà... Dũng cho tàu chạy tà tà như mọi khi, ánh đèn trạm công an biên phòng đang chiếu sáng xuống dòng sông, Dũng cho tàu cập vào đầu cầu, anh Tâm mang sổ lên trạm đóng dấu, ký tên…

Anh Tâm vừa thoáng vô không lâu thì ra liền, Dũng nghe tiếng nói với theo.

- Chà, chuyến này anh đi năm ngày, chúc anh đánh được nhiều cá, về sớm nhé…

Anh Tâm quay lại cười nói,….về sớm còn nhậu nhẹt chứ, cực quá mà..

Không có ai xuống kiểm tra tàu, anh Tâm thở phào ra hiệu Dũng cho tàu ra khơi.

Tàu nhấn mạnh ga ra cửa biển, gặp nhiều sóng dồn gần bờ, tàu bấp bênh nhảy lên, nhảy xuống, lắc lư lướt sóng… Mây đã tan, ánh trăng rải ánh vàng, nhửng cơn sóng bạc nhấp nhô màu nước đục ngầu... anh Tâm vẫn còn đứng nhìn về phía bờ đang xa dần, xa dần. Bất chợt anh Tâm nói Dũng để anh cầm lái và nói nhỏ đủ Dũng nghe…

- Kêu thằng Hùng và hai thằng thủy thủ ra sau lái bỏ lưới xuống…

Dũng kinh ngạc…

- Hả… cái gì anh Tâm?

Nó hỏi rồi chợt hiểu. Thì ra đó là lời giải cho nỗi lo âu hồi hộp bất chợt về số tiền lớn anh Tâm đưa cho nó.

Anh Tâm vỗ vai Dũng.

- Yên tâm đi với anh, anh không bỏ em đâu, anh em mình từ nay sống chết có nhau.

Dũng nước mắt tuôn trào, nhìn anh Tâm.

- Em còn ba má, mấy đứa em không ai lo.

- Anh có người ở lại nhà, họ sẽ đưa cho ba má em hai cây vàng, sau khi mình đi được một tháng.

Từ nhỏ đến lớn Dũng chưa hề thấy “cây vàng” ra làm sao, trị giá bao nhiêu tiền, cuộc đời của nó gắn liền với ruộng đồng, mò cua bắt ốc, một phân vàng cũng không biết, nói chi đến vàng cả cây.

Thấy Dũng tần ngần, Anh Tâm bảo nó.

- Đừng ngại. Em đi bỏ lưới xuống sau lái với tụi nó gấp, gấp. Coi chừng tụi tàu công an phát giác cho tàu rượt theo, để anh lái về hướng tàu taxi đang chờ mình.

Anh Tâm cho tàu chạy hết ga, bật đèn báo hiệu, taxi đèn báo đáp lại…. anh cho tàu giảm ga. Các xuồng câu nhỏ, không mui mà dân vượt biển quen gọi là taxi, từ từ hiện ra. Từng chiếc chạy song song cập vào. Mỗi taxi thường chỉ có 3 hay 4 người. Dũng và hai thằng thủy thủ lần lượt kéo người lên. Chị Tâm và mấy đứa con anh vừa leo lên, chị Tâm lại nói nhỏ với anh Tâm.

- Có vợ chồng anh Bình “canh me”, không cho đi không được…

Dân taxi chở mướn giao khách xong có chiếc vẫy tay chào trở vào bờ… Mấy cái taxi không còn người lái bị bỏ lại thả trôi bồng bềnh trên sóng biển. Anh Tâm vừa lái tàu, vừa đếm coi có thất lạc chiếc taxi nào không, anh cũng đếm số người.

Anh Tâm đã thấy vợ anh Bình và đứa con gái duy nhất... anh đang ngạc nhiên thì taxi anh Bình cập tới. Tất cả các taxi làm việc rất ăn khớp, theo dự định số người gia đình, con, cháu cùng một số “khách “ khoảng ba mươi người, bây giờ chỉ dư ba người gia đình anh Bình. Chiếc tàu cá mười hai thước dư sức chuyên chở số hành khách này. Anh Tâm đưa Dũng cầm lái, bắt tọa độ Côn Đảo. Anh điều động đám đàn bà, con gái, con nít vào trong cabin, còn các thanh niên thì ra trước cabin, ngồi trên hai nắp hầm tàu, khi nào có sóng gió thì xuống hầm đậy nắp lại. Tàu có ba hầm, hai hầm cá trống, một hầm chứa nước đá…

Từ lúc lên tàu đến giờ, anh Bình cố tránh tia mắt nhìn của anh Tâm,anh vừa định đi về trước hai hầm cá thì bị anh Tâm kêu lại.

- Bình, sao tôi rủ anh không đi, giờ anh có mặt ở đây?

Nhà anh Bình cùng xóm, gần cạnh nhà anh Tâm. Vợ chồng anh Bình có cửa hàng nhỏ bán tạp hóa ngay tại nhà, anh vốn liếng không có nhiều, còn ngần ngại không dám đi, nhưng kể từ đó hai vợ chồng anh để tâm theo dõi sinh hoạt gia đình anh Tâm cho đến đêm hôm ấy.

Nghe kêu, anh Bình vội đi lại choàng vai anh Tâm chưa kịp nói gì. Anh Tâm tưởng anh Bình định xiết cổ anh nên anh xô anh Bình ra, anh móc cây súng colt lận phía sau lưng quần ra thủ sẵn. Anh Bình hết hồn đưa hai tay ra trước vẫy- vẫy cản sợ anh Tâm nóng máu bắn oan mạng…

- Đừng... đừng Tâm, cho tao nói….

Hai thanh niên (cháu anh Tâm, độ tuổi trên dưới ba mươi, con chị Hai ỏ Bạc Liêu) có nhiệm vụ an ninh phần mấy người đi chung nơi hầm cá, nghe có tiếng lộn xộn nên đi trở lại đằng sau lái, trong tay mỗi người đều lăm lăm cây súng colt sẵn sàng… Anh Tâm hất đầu ra hiệu cho hai anh trở lại phía trước. Thấy anh Bình sợ quá, chị Bình khóc năn nỉ chị Tâm bên trong cabin… Một hơi thở mạnh dài ra như trút hết cơn thịnh nộ xuống, anh Tâm nghĩ thầm…thằng Bình có mặt ở đây là mình hên, chứ nó không đi mà báo ngầm thằng Sáu Út thì thấy mẹ đêm nay rồi. Thấy anh Tâm đứng yên, anh Bình đi lại gần anh Tâm ghé sát tai nói nhỏ:

- Vợ tôi có đưa cho vợ anh hai cây… anh Bình ấn ấn nhẹ vai anh Tâm. Anh coi như làm phước đi, bằng không khi nào định cư được tôi trả tiếp cho anh, tôi nhớ ơn anh suốt đời…

Nước mắt anh Bình làm anh Tâm nguôi cơn giận…. Con đường trước mặt còn dài lắm, chưa biết đi về đâu, bây giờ mình cần đoàn kết hơn là xâu xé nhau, dẩu sao gia đình anh Bình củng là bạn qua lại lối xóm… anh Tâm giắt súng vào lưng quần, anh Bình nói tiếng cám ơn rồi đi về phíahầm cá… Anh Tâm đi về phía thằng Dũn, nó đang khóc. Anh ôm thằng Dũng, tính dỗ dành nó, nhựng rồi bỗng anh cũng nghẹn ngào. Vậy là cả hai thầy trò cùng khóc nghẹn bên nhau, mỗi người có một nổi lòng riêng.

*

Sáu giờ sáng, bình minh ló dạng. Nước biển vào giờ này trong xanh, khí trời mát mẻ gió nhẹ hi6u hiu. Đàng xa chóp đỉnh đảo Côn Sơn đã ló lên, càng lúc càng lớn dần …

Đến tám giờ sáng, anh Tâm cho đổi hướng tàu, chạy lệch ngang ngang, Côn Đảo bây giờ nằm phía bên trái mạn tàu, hai thủy thủ cùng mấy bà, mấy cô phụ nấu một buổi cơm đầu tiên… Trời yên, biển lặng, tàu đang tiến vào hải phận quốc tế làm mọi người phấn khởi, không ai say sóng.

Bốn giờ chiều, tàu bắt đầu bỏ Côn Đảo lại đằng sau, từ từ mất hút… Mưa rơi nhè nhẹ rồi sóng nhồi mạnh hơn, gió thổi, có sấm chớp ở cuối chân trời. Tàu đang đi vào cơn bảo. Tất cả mọi người được lệnh xuống hầm cá, vào cabin…

Tàu lắc lư nhảy sóng, sóng vỗ ầm ầm. Chỉ còn anh Tâm cầm lái, Dũng ngủ dưỡng sức kế bên, hai thằng thủy thủ giờ là “ lính “ của thằng Hùng thợ máy, ba thằng thay phiên nhau canh xăng, canh nhớt, máy bơm nước, hai anh cháu anh Tâm đang bị vật vả say sóng đằng sau lái. Sau một đêm không còn biết dài hay ngắn, giông gió qua dần, trời hửng sáng nhưng không có ánh mặt trời. Bầu trời xám ngắt, đàng xa chân trời những đám mây đen đang rút chân, báo hiệu sắp tạnh mưa. Mọi người bị cơn giông đêm qua làm say sóng, hai hầm cá chưa có ai ngóc đầu dậy.

Anh Tâm và Dũng thay phiên nhau lái qua ngày thứ hai. Sang ngày thứ ba, lúc 2 giờ sáng, anh Tâm thấy những dãy đèn ở cuối xa chân trời, anh cho Dũng, hai người cháu hay để đoán xem đó là gì, anh củng chưa từng thấy. Mọi người đều đồng ý đổi hướng tàu về phía dãy đèn bao cả một vùng biển, khi đến gần thì mới đoán ra được đó là giàn khoan dầu, nhưng không biết của nước nào.

Anh Tâm cho tàu tiến đại đến phía giàn khoan… Có tiếng còi báo động, có đèn chiếu xuống tàu. Chiếc tàu nhỏ xíu so với giàn khoan to lớn và cao cả năm, sáu chục thước cách mặt biển. Trên giàn khoan, những người làm việc mặc uniform màu cam, họ cầm một lá cờ và chỉ về một hướng. Hai người cháu anh Tâm cố gắng “gào thét” bằng tiếng Anh, họ cũng “ gào thét “ lại, nhưng chẳng ai biết ai nói gì, chỉ đoán ý họ đó là hướng bờ, không biết họ có kêu mình chờ đợi gì không. Cũng không thấy quốc kỳ của nước nào. Tàu bập bềnh gần hai giờ bên giàn khoan, không kết quả. Không còn ai hỏi, không ai giúp, anh Tâm đành cho tầu rời giàn khoan dầu trong sự nuối tiếc, tiếp tục lên đường trong đêm tối đen như mực.

Trời mờ sáng, sương mù dày đặc, hoàn toàn không thấy gì phía trước, mặt trời mọc chỉ là một khối màu đỏ cam thật to, thật kỳ ảo trong trời sáng mờ sương mù… Con tàu đã đánh một đường vòng cung khá xa để tránh vùng biển đánh cá của tàu Thai lan. Suốt ngày thứ ba anh Tâm chấm tọa dộ cho Dũng hướng vào bờ, đến chiều thì đã thấy chim hải âu bay, những bầy cá phóng mình lên không đuổi rượt theo tàu. Mọi người vẫn tỉnh táo, không có vẻ gì mệt mỏi dù đã ba ngày đa số chỉ uống nước…

Rồi những chấm đỉnh núi đả ló dạng, anh Tâm báo cho mọi người biết sắp đến bờ, theo tọa độ đây là Mã Lai, nhưng không xác định được vùng nào. Anh cho tàu chạy “rô-đai” chờ sáng mai mới tiến vào, ban đêm sợ nước rút tàu mắc cạn hay đụng đá ngầm. Nghe anh Tâm nói, mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm.

Sáng ngày thứ tư, bình minh ló dạng, một ngày mới đầy hy vọng… Đây là ngày đầu tiên mọi người được thưởng thức ca café chuyền tay nhau uống, phì phèo thuốc lá… Đã thấy bờ nhấp nhô, đàng xa có một chiếc tàu sắt to lớn sơn trắng, có trương cờ quốc gia Malaysia đang tiến dần về hướng tàu. Đó là một chiếc tàu tuần duyên, họ ra hiệu cho tàu chạy theo họ, hướng tàu lại quay ra khơi chứ không hướng vào bờ. Chạy khoảng một giờ, tàu họ chạy chậm lại để cho tàu anh Tâm vượt qua rồi họ đuổi tiếp phía sau. Anh Tâm nói:

- Có lẽ họ không cho mình vào, họ cố ý chạy đàng sau để đuổi minh ra.

Bỗng nhiên tàu tuần duyên bắn đùng đùng phia sau, làm mọi người hoảng hốt. Nhìn lên, thấy họ không bắn tàu mình mà là bắn nhiều trái sáng, tất cả đều cùng về một hướng khác. Anh Tâm nói chắc họ muốn mình đi về hướng đó. Theo hải bàn, hải đồ đó là hướng đi tiếp về phía Nam Malaysia. Tàu tuần duyên Malaysia đậu lại chờ cho đến khì tàu anh Tâm đổi đi theo hướng trái sáng mất hút. Anh Tâm hơi giao động tinh thần vì đã đi bốn ngày trời, vào bờ không được, tàu bị chận, rồi bị đuổi ra, bây giờ đi đâu? Nhiều câu hỏi trong đầu, anh bàn với Dũng cùng hai người cháu, đêm nay mình quay trở vô bờ một lần nữa, chờ nước lớn mình cho tàu xả hết ga, cắm đầu ủi vô bãi…Mọi người phân vân, chưa có câu trả lời, tàu vẫn tiếp tục xuôi theo chiều dòng hải lưu về hướng nam. Thằng Dũng la lớn.

- Có đoàn tàu đang chạy tít đàng xa.

Anh Tâm lấy óng nhòm quan sát, anh nói.

- Đó là tàu buôn, không biết nó đi đâu…

- Dũng cho tàu chạy về hướng đoàn tàu buôn đó coi ra sao.

Tàu vừa chạy, vừa báo hiệu đèn… không tàu buôn nào báo đèn lại, trời bắt đầu sụp tối.

Nhửng đóm sáng của đoàn tàu buôn qua lại lộ rõ phía chân trời. Tàu tiếp tục làm ánh đèn cấp cứu hy vọng họ thấy mình mà vớt, nhưng vô vọng. Anh Tâm cùng hai người cháu leo lên mui cabin hút thuốc, bàn tính. Người cháu anh Tâm nói:

- Chắc gần bến cảng nào rồi nên mới có nhiều tàu buôn như vậy… nếu mình đi theo đường xuôi hướng Nam Malaysia thì thế nào mình cũng đến Singapore. Anh Tâm bỗng nhảy nhỏm:

- Thiệt sao, như vậy dám mình đang ở gần hải phận Singapore rồi, bởi vậy bọn tàu MảLai nó đuổi mình đi về hướng này… chiều đến giờ thấy có nhiếu tàu buôn quá đó không?

Anh Tâm đang nói ngon trớn thì cháu anh chận lại.

- Nước nào củng được, điều quan trọng là họ có cho mình vô hay không…?

- Ố..ồ…! ?

Bầu trời trăng thanh gió mát, sao trời lấp lánh, sóng biển lăn tăn, một chiếc thuyền trôi, không bờ, không bến, chỉ ước mong sao có một cuộc đời êm ả như tiếng sóng rì-rào dêm nay. Bỗng thấy một đóm đèn pha nhấp nhô. Ánh đèn nhấp nháy đang đi về hướng tàu. Tiếng máy tàu, tiếng sóng vổ ầm ầm. Từ xa, anh Tâm la lớn:

- Có tàu đang tiến về phía mình.

Trời tối đen, anh lấy ống nhòm nhìn, mọi người nín thở chờ nghe.

- Hình như không phải tàu buôn….

- Chết mẹ rồi... hình như tàu tuần duyên nữa.

- Ủa, tàu nó không có sơn trắng, màu xám thì phải.

- Trời ơi! Tàu có súng lớn..

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, chiếc tàu sắt càng đến gần, thì đèn trên tàu mở thêm sáng rồi từ từ chuyển hướng nằm ngang đậu lại. Con tàu to lớn quá, đèn mở sáng trưng, còi tàu hú lên, đèn trên tàu rọi thẳng vào tàu anh Tâm, mọi người bị chói mắt, lấy tay che rồi tất cả cùng như đứng chết chân. Anh Tâm trong cabin chuyền ba cây súng colt cho thằng Hùng đem giấu dưới hầm tàu.

Bốn chiếc xuồng ca nô đang chạy lại bao vây tàu anh Tâm, họ có súng ống, áo phao đầy đủ. Sau khi chạy vài vòng quan sát, hai chiếc ca-nô cập vào tàu, họ chĩa súng bắt mọi người ngồi xuống, họ chia nhau khám xét tàu… Khi biết đây là tàu người Việt Nam vượt biển, họ đếm người, bao nhiêu nam, bao nhiêu nử rồi họ ra hiệu cho thêm ca nô cập vào tàu, họ cho mổi người mặc áo phao, lần lượt chuyển sang ca nô rồi chở về tàu lớn cho đến người cuối cùng. Mọi người được đem theo tất cả vật dụng cá nhân. Vài người lính còn lại lo vận chuyển số phi dầu còn sót lại xuống phao nổi kéo theo ca nô, họ chỉ cầm theo hộp hải bàn và hải đồ… Người lính và anh Tâm cuối cùng rời tàu. Chiếc tàu của anh Tâm bây giờ vô chủ, nhồi sóng trôi bồng bềnh. Một lần nữa anh Tâm nhìn lại con tàu đã cùng anh bao nhiêu năm vượt sóng, giờ đành chia tay, nước mắt anh chảy dòng theo con tàu trôi xa, sau đó bị đánh đắm chìm.

Chờ mọi người tập trung đầy đủ trên bong tàu, một người cháu anh Tâm được chọn ra, lên đứng phía trước. Trong không khí yên lặng, một vị sĩ quan bước tới, đứng nghiêm giơ tay chào tất cả mọi người, rồi giới thiệu vị hạm trưởng có đôi lời… cháu anh Tâm làm thông dịch, từng câu ngắn:

- Tôi Trung Tá Hải Quân Hoa-Kỳ John… hạm trưởng tàu US… Chúng tôi nhận được tín hiệu báo cấp cứu của các bạn từ các tàu buôn. Rất may các bạn vẫn còn trong tình trạng an toàn… Các bạn sẻ được đưa vào trại tiếp cư Singapore ngày mai. Từ đó, các bạn làm thụ tục giấy tờ xin tị nạn và tái định cư ở một quốc gia mới. Kính chúc các bạn có được đời sống mới, tốt đẹp hơn.

Và sau cùng:

- Kính chúc các bạn sớm phục hồi sức khỏe và có một đêm ngủ ngon…

Mọi người đồng loạt vỗ tay, cháu anh Tâm đại diện tàu nói lời cám ơn sự giúp đỡ của Trung Tá hạm trưởng, và tỏ lời tri ân đến chính phủ Hoa-Kỳ.

Ba tháng sau… riêng gia đình anh Tâm, Dũng, Hùng, hai thủy thủ, và hai gia đình cháu anh Tâm đã có danh sách đi định cư tại Mỹ, các người còn lại tùy theo hoàn cảnh riêng có thể xin được định cư tại Mỹ hay các nước khác.

Ngày mới đến Mỷ, hội bảo trợ giúp tiền tháng đầu mướn cho gia đình anh Tâm căn apartment 3 phòng. Dũng, Hùng và hai thủy thủ ở chung một apartment 2 phòng, hai gia đình cháu anh Tâm tách ra ở riêng…

Sau một năm đầu sống tại miền Nam California, gia đình anh Tâm cùng Hùng và hai thủy thủ dọn về Texas, xuống lập nghiệp ở cảng Port Arthur, nơi có vủng biển nhiều người VN tiếp tục làm nghề đánh cá... Thằng Dũng đành chia tay với anh Tâm và các bạn cùng tàu để ở lại Cali.

Trong trường học tiếng Anh ESL, Dũng quen bạn Việt Nam chỉ dẩn kiếm tiền bằng nghề cắt cỏ. Sau một năm vừa học vừa làm nó cảm thấy thích nghề cắt cỏ, nó thích sống tự lập, hy vọng có thể ra tự túc lập gánh cỏ riêng trong một ngày gần.

Sau đó, Cúc em kế Dũng cũng đã vượt biên cùng chồng, anh tài công trên chuyến tàu sau Dũng vài tháng sau đó. Anh tài công này lái tàu cho một chủ tàu trong xóm anh Tâm theo chân anh Tâm vượt biên đến được đất liền Mã Lai, rồi sau đó chuyển đến đảo Pulau Bidong, hai vợ chồng Cúc may mắn được định cư tại Australia ….

*

Đầu xuân năm 1990.

Ba má Dũng cùng cô em Út Lan được Dũng bảo lảnh đoàn tụ gia đình đến định cư tại Nam California. Sẵn dịp vợ chồng anh Tâm từ Texas về Nam Cali thăm cháu ngoại đầu lòng, Dũng làm một party nhỏ tại nhà ăn mừng ngày gia đình đoàn tụ, mời vợ chồng anh Tâm, vợ chồng Minh, và một vài bạn chung vui..

Dũng giới thiệu với ba má vợ chồng anh Tâm chủ tàu năm xưa, bây giờ là ông chủ vựa thu mua hải sản ở cảng Port Arthur, Texas. Ba Dũng vui mừng rơi nước mắt, nắm tay cám ơn “Ông Chủ Tâm” đả bảo bọc Dũng bấy lâu nay. Bây giờ trong lòng anh Tâm không còn cắn rứt việc ngày xưa khi ra đi vì lý do bảo mật nên không thể cho ai biết. Thêm một lần, anh Tâm và Dũng lại nhìn nhau cười rơi nước mắt nhưng là giọt nước mắt thỏa mãn, toại nguyện…

Dũng xoay qua giới thiệu Minh, một người anh tinh thần, một người bạn thân cắt cỏ, bây giờ là một kỹ sư computer programmer… Vợ chồng Minh cúi đầu chào Ba Má Dũng. Minh nói:

- Dũng là ông chủ cắt cỏ của con ngày xưa đó bác…

Ba Dũng nói:

- Thằng Dũng từ nhỏ đến lớn bắt ốc mò cua mà mướn nổi “Ông Kỹ Sư “ à?

- Chuyện đời khó nói, bác. Minh cười trả lời.

Mọi người đang ăn uống, nói cười vui vẻ, Út Lan lại gần khoe với Dũng tấm hình một cô gái, làm mọi người chú ý.

- Anh biết ai trong hình không?

Dũng chăm chú nhìn, không đoán được là ai, hỏi ghẹo lại:

- Nàng là tiên hay ác quỷ vậy?

- Tiên chứ không phải ác quỷ đâu. Bé Trang ngày xưa đó. Anh còn nhớ không?

Dũng trợn mắt nhìn tấm hình không chớp mắt.

- Bộ áo bà ba anh cho nó một ngày trước khi đi vượt biên, nó còn giữ kỹ đến bây giờ. Trước khi em đi Mỹ, Trang còn nhắn gửi lời thăm anh…

Bức hình cô gái làm cả bàn tiệc vui xôn xao.

- Thích nó không? Về VN cưới nó đi…

- Lẹ lên. Coi chừng người ta bợ dỉa mứt gừng của anh đó.

Giữa nhiều tiếng cười đùa vui vẻ, Dũng mơ hồ hồi tưởng lạ, hình ảnh cô bé buổi chiều năm nào, khi anh mang về cho Út Lan và nhỏ Trâm mỗi đứa một bộ đồ bà ba. Lúc đó Trâm chỉ mới mười tuổi. Vậy mà... Thật bé Trâm đây sao? Tấm hình trong tay Dũng cái mặt thật tươi, như vừa thoáng nét cười. Bổng dưng Dũng cao hứng bật người lên, hát lớn “Ai biểu ngày xưa em yêu mà không chịu nói…”

Út Lan dậm chân nhảy tưng tưng nói:

- Ngày xưa mới mười tuổi mà yêu cái gì… Bây giờ đây nè. Quyết định đi. Lẹ lên.

- Vậy thì ngày mai anh sẽ bay về Việt Nam.

Mọi người vỗ tay hoan hô chúc mừng.

- Nào nâng ly. Dzô dzô.

- OK! Quyết định vậy đi…

Dũng nâng ly, thấy lòng rộn rã, mà trái tim bỗng như muốn thổn thức.

Tom Tom

Ý kiến bạn đọc
26/10/201307:00:00
Khách
Bài viết dí dỏm sống động,chân chất của người miền tây Nam Bộ.Chúc tác giả có nhiều bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,575
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.