Hôm nay,  

Nghe Ra Như Tiếng Việt

01/10/201300:00:00(Xem: 57301)
Người viết: Vũ Công Ynh
Bài số 4025-14-29425vb3100113


Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm, vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện làm việc và an cư tại Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Với hai bài viết tiêu biểu: "Puppy và Nàng"; "Rộn Tiếng Cười Mê Say" Vũ Công Ynh đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài mới của tác giả là một chuyện hẹn hò thời sinh viên, kèm theo lời ghi: Xin lỗi tác giả Khôi An vì đã trùng tên nhân vật nữ trong bài “Nàng Huyền Trân Xứ Mỹ” của tác giả Hoa Hậu VVNM 2013.”

* * *

Hắn lấy tay đập đập vào chiếc phone vừa bị rơi xuống bồn rửa mặt. Thôi, vậy là hỏng cái phone mới mua mà hắn rất thích. Thiệt là tiếc công làm tutor cả tháng trời. Ừ, hắn là một tutor, phụ giáo về toán, cho những sinh viên năm đầu của trường đại học này.

Công việc thật nhàn hạ, với mấy bài toán đã rành rẽ từ thời trung học, vậy mà cũng làm được hơn hai chục giờ một tuần, đủ tiền cho hắn chi tiêu tiện tặn của đời sinh viên.

Hắn nhìn hai tờ bài làm trên bàn, vẫn chưa thấy đứa con gái đến lấy. Chắc nàng chẳng biết là hắn đã xin nghỉ sớm chiều nay để học bài thi. Hắn cười một mình, nhớ lại thời gian quen nhau hồi đầu niên học, lúc con bé phóng vào phòng tutor trong khi hắn đang chăm chú…đọc truyện.

- Hi! You’re still here?

Hắn giật mình ngửng đầu lên. Đứa con gái, trong chiếc quần jeans và áo thung giản dị, vai đeo backpack, tóc được cột thành một lọn trên đầu, đang tròn mắt nhìn hắn. Không biết nó người Việt, Mễ, hay Singapore mà coi ngổ ngáo quá. Hắn gật đầu:

- Yes! Ở đây tới 6 giờ chiều.

Đứa con gái nở nụ cười trên môi, đưa tờ giấy ra, vẫn bằng tiếng Mỹ:

- Got it… Thanks! “You” có thể chỉ “me” cái này không?

Nhìn tờ giấy bằng tiếng Spanish, hắn nhận ra cũng tờ giấy được gởi đến hắn hai tuần trước, mà hắn đã thắc mắc gọi lại số phone, để rồi biết đó là một quảng cáo bảo hiểm giá rẻ, từ cộng đồng Hispanic ở thành phố này. Thì ra cô cũng thắc mắc như vậy, nhưng không gọi phone mà nhân tiện qua đây, ghé vào hỏi hắn. Vậy ra hắn có uy tín đấy chứ! Thấy hắn cười cười, đứa con gái ngạc nghiên:

- Tờ giấy nói gì vậy? Hai ngày rồi, ngày nào cũng được cài vào kiếng xe của “me”.

- Nó nói “you” chọn lầm người rồi.

Đứa con gái tròn mắt:

- What? Có quen ai đâu mà lầm người!

Thấy cô hiểu lầm, hắn giải thích:

- À không, tờ giấy nói cô chọn lầm tôi rồi, vì tôi không biết Spanish.

Một lần nữa, đứa con gái lại tròn mắt lên:

- Really? Vậy “you” không phải Mễ à?

- Vietnamese!

Con nhỏ vẫn chưa hết thắc mắc:

- Sao đen vậy?

Thiệt là dễ mất lòng! Hắn nghĩ thầm trong đầu. Hắn không được trắng thôi, chứ đâu đến nỗi như Mễ. Nhưng rồi hắn cười lên một tiếng, vì nhận ra mình, da ngăm ngăm mà râu ria đã hai ngày không cạo, nên được nàng cho ghép chung với mấy chàng amigos, cắt cỏ công viên mà lúc nào cũng hồn nhiên yêu đời, thì đúng và hân hạnh quá. Hắn thấy vui vui với cô gái trước mặt:

- Tôi cũng nhận được tờ giấy này, hỏi ra, đó là quảng cáo bảo hiểm của người Mễ cô ạ.

Nhìn lọn tóc lúc lắc theo cái gật đầu của cô, hắn nói tiếp:

- Mà cô Việt Nam phải không?

- Yep! why?

- Tôi đoán vậy, vì mái tóc đen và ngắn của cô.

- Thanks!

Hắn thấy tự nhiên hơn, nên tò mò:

- Cô tên gì?

- Trisha! Vietnamese name - Huyền Trân!

Huyền Trân ư? Tên nàng làm hắn nhớ đến câu truyện đã đọc tuần trước, Huyền Trân Công Chúa. Hắn muốn phì cười nhưng cố nhịn, vì con bé trước mặt, dù cùng tên nhưng không có nét gì là dịu hiền, yểu điệu, và kiêu sang như nàng công chúa xứ Việt đời nhà Trần.

Trong những truyện mà hắn mượn thư viện để đọc, hắn thích nhất là câu chuyện về nàng công chúa này, vì thương cảm cho mối tình của ông tướng Trần Khắc Chung, chắc là… trẻ tuổi đẹp trai, với nàng công chúa. Ông là thầy dạy của công chúa trong cung. Gần nhau, trai tài gái sắc, mến thương nhau là lẽ tự nhiên. Nhưng mối tình thầm lặng trong vòng lễ giáo sớm bị chia lìa, vì công chúa vâng lệnh vua cha, lấy vua xứ Chiêm để kết nối sự bang giao, và đem về hai châu Ô, Lý muôn vạn dặm cho nước Việt.

Cũng tội cho ông vua Chiêm đa tình, đã có hoàng hậu, và những thê thiếp chung quanh, lại còn đem cả tâm tình cùng mảnh đất cha ông để lại, đi mua trái tim người con gái xứ Việt, rước về làm hoàng hậu mới. Để rồi, hương lửa chưa được bao năm, đã vội rời xa người vợ trẻ đẹp, đi về bên kia thế giới. Hoàng hậu gốc Việt, theo nghiêm lệ, sẽ bị thiêu sống, chết theo ông chồng quân vương mệnh yểu. Chẳng nỡ để công chúa chết, vua nước Việt sai một vị tướng đem quân đi giải cứu, oái oăm thay, vị tướng chính là người đã dạy dỗ công chúa bao năm.

Vì đi dự tang lễ, ông tướng chỉ có thể thống lãnh một đám quân ít ỏi. Bàn tay đang múa bút, giờ tới múa kiếm. Sách không nói ra, nhưng để giải cứu công chúa trên giàn hỏa bên sông, đang được canh gác cẩn mật, hẳn là một khó khăn ghê gớm. Vậy mà vị tướng quân nước Việt, vẫn cứu được công chúa mới là tài tình. Mối tình tưởng như tan vỡ, mà kết cục lại tốt đẹp quá. Nhưng đáng tiếc, cuộc tình chỉ đẹp được đến vậy, vì vị tướng quân, vốn trọng đạo quân thần, không thể ngỏ lời yêu thương, mà chỉ biết nhìn vào đôi mắt nàng công chúa xinh đẹp, đang cùng lênh đênh trên sóng nước, trên đường về cố quốc, kéo dài cả năm trời.

Bất chợt, hắn nhìn vào đôi mắt đứa con gái, để phải công nhận con nhỏ cũng có đôi mắt thật đẹp. Với hàng mi cong, hơi xếch, lại thêm nước da nâu chạy bộ công viên, như làm tăng thêm nét nghịch ngợm sẵn có.

Biết nàng từ đó, nhưng hắn cũng không gặp lại đứa con gái cho tới thứ Hai vừa rồi. Hắn ngạc nghiên khi thấy cô trở lại, mà lần này, ngoan ngoãn chờ tới phiên được hỏi bài. Hắn cười và lên tiếng, khi nhớ đến tờ giấy bằng tiếng Spanish trước đây:

- À! Hôm nay cô cần gì? Nhớ là toán thôi nhé.

Vừa nói, hắn vừa chỉ vào tấm bảng nhỏ “Math Tutor” trên bàn như nhắc nhở. Đứa con gái, khuôn mặt đang nghiêm buồn, bỗng bật lên tiếng cười, chắc là không nói được tiếng Việt, nên vẫn bằng tiếng Mỹ:

- Okay, biết rồi! Đã tưởng “you” là Mễ. Sao không đi học tiếng Mễ đi?

Thiệt, chưa thấy ai vô duyên như đứa con gái đang đứng trước mặt. Nói chuyện kiểu này, có đứa nào thương mới là lạ. Hắn vừa cười vừa xua tay:

- Spanish? Sorry, chịu thua! Chỉ biết về mấy con số thôi. Nhớ đấy, cứ cái gì có số thì hãy đưa tôi.

- Vậy à, may quá, có bài homework đây.

Đứa con gái lấy ra bài toán, nói vội vàng với hắn, trong lúc vừa quay lưng như muốn bước ra khỏi phòng:

- Thứ Tư đến lấy nhé.

Hắn vội lên tiếng:

- Không… không, tôi chỉ giúp để cô hiểu thôi, không giữ bài của cô làm gì.

- Vậy thứ Sáu đến lấy cũng được, còn không, nhờ “you” đưa lại hall, trên lầu, phòng số ba.

Nói xong chẳng để hắn đồng ý hay không, đứa con gái đi như chạy khỏi phòng học.

Thiệt hết biết, hắn chặc lưỡi. Làm như bố, à không, mẹ mình không bằng! Đã giải giùm, lại còn bắt đưa lại phòng trọ của đám học sinh con gái, nơi nổi tiếng có nhiều nhân viên an ninh canh gác để bảo đảm an toàn cho những đứa con gái xa gia đình, hay thích sống gần trường vì sự tiện lợi, mặc dầu nhà cha mẹ cũng chỉ loanh quanh trong thành phố.

Theo thông lệ, hắn chỉ có thể hướng dẫn, nhưng không thể làm toàn bài cho cô được. Hắn ghi ngày giờ, cả số phôn trên miếng note nhỏ, gắn vào tờ bài tập trên bàn, rồi đi vào lớp học. Tí nữa, hay ngày mai cô quay lại, thế nào cũng phải gặp hắn, đúng ngày giờ ấn định, để được hướng dẫn.

Một giờ trong lớp chưa qua mà sao hắn thấy bồn chồn quá. Không biết con cái nhà ai mà học hành chểnh mảng như vậy! Nhưng rồi, nghĩ đến đôi mắt vừa nghịch phá, vừa có nét tội nghiệp của đứa con gái, hắn gượng cười. Chắc là không đành để cô bị mất điểm về bài tập này.

Vậy là sau giờ học, hắn vội trở lại phòng tutor. Miếng note nhỏ thì mất mà tờ bài tập vẫn còn trên bàn. Bên cạnh đó, lại thêm một tờ bài tập khác, cũng với cái tên Trisha, như làm nặng hơn tiếng thở dài của gã con trai.

Bài đưa lại
Sáng thứ Hai
Em đã mong chiều thứ Sáu
Làm chưa xong, đơn đặt đã bài sau…


Hôm nay, thứ Sáu đã đến, mà sao chưa thấy con nhỏ lại. Không thể chờ lâu hơn, hắn ghi địa chỉ của mình vào miếng post-up trên bàn, để đứa con gái biết chỗ mà đến lấy. Vậy là yên tâm, hắn cầm cả hai tờ bài tập cho vào backpack, đi về phòng trọ.

Mở cửa phòng, hắn liệng cái túi đựng sách vào một góc bàn học, rồi đi lại bếp lục đồ ăn. Tới phiên thằng bạn chung phòng nấu cơm hôm nay mà sao nồi niêu trống trơn. Hắn nhìn thấy một miếng giấy gắn trên tủ lạnh. Ủa, thằng bạn phải vào nhà thương rồi sao? Hắn lắc đầu, sáng nay nó vẫn còn giơ tay múa chân tập taekwondo hùynh huỵch mà.

Hắn phóng xe lại một tiệm fast-food, ăn vội vàng, sau đó chạy lại nhà thương coi xem thằng bạn cùng phòng cần gì không? Đến quầy check-in, hắn hỏi tên và đi thang máy lên lầu. Đang dò số phòng, hắn nghe có tiếng một giọng con gái quen quen:

- “Daddy! Open… open mouth”!

Cửa phòng hé mở, hắn dòm vào rồi đứng sựng lại, vì trong đó có đứa con gái với mái tóc được cột một lọn trên đầu. Giọng nói và mái tóc như vậy thì đúng là con nhỏ chứ ai vào đây! Nàng quay lưng ra và chăm chú đút đồ ăn cho một bệnh nhân, mà nàng gọi bằng ba, nên chẳng biết có hắn đang lặng lẽ nhìn vào. Tim hắn đập mạnh hơn, như vừa khám phá ra một điều bí mật, vừa mang mặc cảm theo dõi tò mò.

Thì ra, nàng phải vào nhà thương chăm sóc cha. Hèn gì lúc nào cũng thấy con nhỏ cập rập. Hắn nghĩ là không nên làm rộn thời gian của đứa con gái, nên bước nhẹ qua cửa, đi đến phòng thằng bạn.

Nghe kể chuyện, mà hắn đã không dám cười vì nét mặt nhăn nhó của thằng bạn sắp thi lên đai taekwondo, chỉ vì tránh con dán ở cầu thang mà bị vấp té đến trặc chân. Tội nghiệp thằng con, quí nhất là cặp giò để múa may, và để đá banh, mà chàng đang nuôi mộng, nếu không thành võ sĩ Cung Le, thì cũng trở thành một Landon Donovan thứ hai trên sân cỏ nước Mỹ. Thôi ráng vài ba bữa đi, trặc chân thì cũng không nằm nhà thương lâu đâu, có thể xuất viện ngay sáng mai không chừng.

Lúc về, đi ngang qua phòng ba nàng, cửa đã đóng, hắn ngần ngại không biết có nên gõ cửa vào hỏi thăm không? Thương cảm đứa con gái hiếu thảo, hắn tính là sẽ mang hai tờ bài làm lại tận phòng cho cô, và chiều mai thi xong, hắn muốn được theo cô vào thăm người bệnh.

Buổi chiều, hắn chạy xe đến khu vực phòng trọ con gái. Cũng may là hai khu, con trai, con gái, cách nhau hơn hai blocks đường và một bãi đậu xe nên cũng đỡ tốn xăng. Khu con gái, đặc biệt hơn, là có hàng rào và cổng phía trước, chắc để hạn chế số con trai vào phá phách chăng? Hắn cười thầm, nhà trường chẳng biết được, có những đứa con gái, còn phá hơn cả con trai, như nàng.

Không có mã số vào cổng, nên hắn đi đến sát hàng rào, cầu mong nàng trên lầu nghe được tiếng gọi bên dưới. Hắn đếm cửa sổ. Đây rồi, cửa sổ thứ ba, phòng thứ ba. May quá, cửa sổ đang được hé nâng lên, hắn chụm hai tay làm loa:

- Oh…oh…! Trisha…Trisha!

Không có tiếng trả lời. Chắc con nhỏ đang trong phòng vệ sinh. Thôi, cứ ném vào cửa sổ cho nàng, rồi đi về cũng được. Đứng đây lâu, bạn bè bắt gặp thì thật là ngượng ngùng. Hắn vo tròn hai tờ bài làm, rún chân, phóng cục giấy vào cửa sổ. Rớt xuống, hắn ném lên trở lại. Phóng giấy mà cứ như phóng kiếm lên trời. Hắn chợt tưởng tượng để so sánh mình với người hùng Trần Khắc Chung, vung kiếm chỉ huy chiếm lấy thủy cung giàn hoả, dành lại nàng công chúa thương yêu, đang sẵn sàng, hay đang run rẩy chờ bị thiêu đốt, mà xương tro sẽ được đựng trong những quan quách vô hồn lạnh lẽo, nơi đền tháp bên sông nước.

Mỹ nhân ơi,
Đừng sợ!
Cung điện đã về ta
Tháp gương lóng lánh trên giòng sông dát bạc
Quan quách u buồn trong hoang lạnh phù sa


Bên khung cửa sổ, chợt xuất hiện, không phải mỹ nhân, mà là một gã con trai. Gã nhìn xuống hắn bên dưới, rồi kéo xập cửa xuống. Ủa gì thế kia! Sao lại có thằng Mỹ trong phòng của nàng? Hỏng… Vậy là hỏng to!

Thôi, cửa đã đóng, đâu còn cách gì gởi bài cho nàng? Thiệt tình con nhỏ, mải vui với bạn trai, chẳng thèm ra gặp hắn để nhận bài. Vừa mới đi thăm nuôi cha trên bệnh viện về, là đã có thằng bồ trong phòng chờ đợi. Vậy mà mới hồi trưa, hắn đã tội nghiệp đứa con gái hiếu thảo.

- Good afternoon! Làm gì đây, “Sir”?

Hắn quay lại, một ông cảnh sát to lớn đang từ từ đến bên. Lạ thiệt! Chẳng biết ông đến hồi nào mà hắn không hay, chắc là lúc đang bận phóng kiếm chiến đấu với quân thù trong tưởng tượng. Đúng là cảnh sát Mỹ, trước khi bắn nhau đùng đùng vẫn thưa gởi với nhau “xơ” với “xẩm”. Hắn lịch sự thưa lại:

- “Sir”, tôi muốn đưa tờ giấy bài làm cho người bạn trên phòng này.

Người cảnh sát ngước mắt lên, rồi nhìn hắn:

- Tôi thấy phòng đóng cửa mà.

Hắn gật đầu:

- Đúng rồi… “Sir”! Vừa mới đóng xong.

- Uh huh! Chắc chủ nhân không muốn “you” làm phiền?

Hắn mau mắn:

- Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy – Sorry!

Trả lời xong, hắn giật mình vì sự kém thông minh của mình khi thấy người cảnh sát mở xấp giấy ra. Ấy chết, đang không lại đồng ý là mình làm phiền người ta. Đóng phạt ít ra cũng cả trăm đô vì tội phá phách làm phiền hàng xóm. Coi như mất toi gần hai tuần giảng bài khan cả tiếng.

Nhìn khuôn mặt như thất tình của gã con trai, người cảnh sát chợt nổi cơn từ bi:

- Warning…okay!

Mừng quá, quên cả sự oai phong trong vai trò thượng tướng đời Trần, hắn rối rít cám ơn.

Nhận tờ giấy cảnh báo, chẳng thèm nhìn lại khung cửa sổ trên cao, hắn quay gót trở về chỗ đậu xe. Vậy cũng xong, chẳng nên mất thì giờ thương cảm đứa con gái không là gì của mình. Hắn hít sâu hơi thở, biết vậy, mà sao vẫn nghe trong lòng một nỗi buồn mang mác. Ngồi vào trong xe, hắn vuốt lại tờ bài làm cho thẳng, rồi phóng xe một vòng ra công viên cho tâm hồn thanh thản, trước khi trở về phòng mình. Đóng cửa xe, hắn cúi đầu đi từng bước, nằng nặng suy tư.

Trời đã về chiều, chút nắng vàng yếu ớt đang liếm dần từng bậc cầu thang, mà trên đỉnh của bậc thang, ơ kìa, là bóng dáng đứa con gái mà hắn đang tìm kiếm. Con nhỏ ngồi đó, với áo thung, quần short, như sẵn sàng một cuộc chạy bộ.

Hắn giật mình… Ủa! Sao mà nó đến lẹ vậy. Có phải ma không? Hắn chớp mắt cho tỉnh táo. Đúng rồi, nụ cười, và vẫn lúc lắc trên đầu một lọn tóc.

Con bé hớn hở, cũng vẫn bằng tiếng Mỹ:

- Từ phòng “tutor” đến đây lấy bài. Chờ “you” lâu quá, mà gọi phôn thì không được.

Ơ hay, vậy ra nàng không ở trong phòng lúc hắn đến đưa bài sao? Hắn ngập ngừng:

- Sorry! Cái phôn hư rồi.

Nhìn vẻ mặt trầm ngâm như có nét buồn giận của gã con trai, đứa con gái tò mò:

- Vậy “you” đi đâu về đó?

- Đưa bài lại cho cô, cửa sổ mở, nhưng gọi, không thấy cô đâu!

Con nhỏ, mắt tròn ngạc nhiên:

- Đã đóng cửa sổ lúc đi mà!

- Không, cửa đang mở, cửa sổ thứ 3.

Người con gái lắc đầu:

- Oh, no! Phải là cửa sổ thứ 4… Phòng đầu cho máy bán đồ ăn, “vending machines”.

Hắn như chợt tỉnh ra:

- Vậy à! Hèn chi thấy có anh chàng Mỹ nơi cửa sổ.

Đứa con gái cười cười:

- Con bạn phòng kế, thứ Sáu nào thằng bồ cũng đến…

Cơn hiểu lầm qua đi, hắn mỉm cười, quay qua, nói nhỏ:

- Sorry!

Đứa con gái chợt nghiêm nét mặt:

- No…!

Thôi chết, giờ tới phiên nàng giận trở lại.

Không biết nói gì hơn, hắn đưa tay gãi gãi đầu. Nhìn vẻ mặt bỗng ngờ nghệch của gã con trai, đứa con gái tội nghiệp, bật lên tiếng cười, lại cũng một tờ giấy đưa ra:

- Số đây…, one minute - one line!

Rồi nói tiếp, với sự cố gắng hiện trên vành môi:

- Gi..ú..p “em”… bài toán… này.

Tiếng Việt! Ô kìa, nghe ra như… tiếng Việt trong câu nói lần này, dù chập choạng, lại còn xưng “em” với hắn. Xúc động quá, lần đầu tiên hắn nhận ra tiếng Việt thật là lãng mạn, đáng yêu, hơn hẳn mọi thứ tiếng trên đời. Đúng rồi, kiếm đâu ra một ngôn ngữ, từ đôi môi con gái, có tiếng “em” tuyệt vời như thế?

Hắn nhìn xuống tờ giấy. Một dãy số lạ lùng! Trong đó, cứ mỗi phút nàng lại gạch một gạch, thành hình ô vuông với một gạch chéo. Lẫn lộn trong dãy số dài khó đếm đó, là những hình vẽ sinh động của cả muỗi, dán, kiến, nhện… Ôi, những con vật nhỏ thân quen trên góc lan can trước cửa phòng hắn, cũng hân hạnh được bàn tay nàng vạch vẽ vào đây.

Chưa biết lời giải nào cho một con toán vừa dài, vừa có cả động vật học như thế, hắn đâm ra vụng về, yên lặng nhìn nàng đang mỉm cười. Nụ cười của một sự khuyến khích, cùng với hàng mi cong, lóng lánh, tím ánh chiều tàn, giúp hắn như quên cả tờ giấy warning màu vàng. Hắn muốn thời gian dừng lại bên cầu thang có hàng thông đang vi vu nhấp nhô như sóng nước. Nhìn vào đôi mắt xinh đẹp, lại liên tưởng đến vị tướng quốc đời Trần, trên chiếc thuyền giăng đầy hoa đèn chào đón nàng công chúa trở về cố quốc, hắn thầm thì nho nhỏ:

Huyền Trân
Huyền Trân
Thuyền hoa - sóng mắt ba đào
Ta nghe hồn lạc đường vào thiên thu


Đứa con gái, hiểu loáng thoáng, tưởng hắn rủ ra biển chiều nay để tạ lỗi, nên cảm động… gật gật đầu.

Vũ Công Ynh

Ý kiến bạn đọc
03/07/201822:44:51
Khách
Thời đại @ mà vẫn còn người lãng mạn như thuở nào đó thật xa xưa🌹🎶... Đã đọc tất cả những bài viết của anh từ: “Vụng đường tu 1” ngược lên đến đây. Anh làm tôi liên tưởng đến Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư: “Rằng xưa có gã từ quan lên non tìm động hoa vàng ngủ say...”
Mong anh viết mãi!
06/11/201308:00:00
Khách
Thưa quý độc giả,
Nhận ra lỗi từ vựng trong bài viết:
“…con dán…” đúng ra phải là “…con gián…”,
và “…muỗi, dán, kiến, nhện…”, đúng ra phải là “…muỗi, gián, kiến, nhện…”
Tác giả xin chân thành cáo lỗi.
Vũ Công Ynh
24/10/201307:00:00
Khách
Bài viết gợi nhớ về thời học sinh dễ thương!Văn phong dí dỏm trẻ trung và chen lẫn những câu thơ lãng mạn,làm lôi cuốn người đọc.Cám ơn tác giả.
08/10/201307:00:00
Khách
Xin cám ơn Việt Báo và quý độc giả.
Vũ Công Ynh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,244,839
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến