Tác giả: Nguyễn Hoài Bắc
Bài số 4011-14-29411vb2091713Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Tác giả ghi chú về bài viết
đầu tiên của ông như sau: “Nhân dịp tiễn đưa con vào trường, về nhà
thấy trống vắng nên có chút tâm tình muốn chia xẻ...” Tựa đề được
đặt theo nội dung, nhân mùa học mới vừa khai giảng. Mong tác giả sẽ
tiếp tục viết thêm.* * *
Rồi ngày này đã đến…
Mười bẩy năm từ ngày con sinh ra chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ “bị” xa
con như cảm giác ngày hôm qua!
Những lần con xa nhà theo bạn đi trại họp bạn Hướng Đạo, đi Nicaragua
theo trường đến 3 tuần lễ nhưng khi tiễn con vẫn biết chắc sau đó con
sẽ trở về nhà. Từ tháng tư năm nay khi biết con sẽ đi học xa nhà, tuy
chỉ cách hơn 2 tiếng lái xe, vẫn cảm thấy đó là chuyện bình thường,
chính con cũng vậy và nó rất phấn khởi khi nghĩ đến cuộc sống mới,
tự do hơn với cuộc sống hiện tại cùng ông bố “khó tính”…
Lúc nhỏ con rất ngoan, hiền, dễ thương... nhiều lúc làm cho mình nhức
đầu vì chỉ có một mình nên luôn bám theo bố kể đủ thứ chuyện từ
chuyện chơi, chuyện học đến chuyện bạn bè. Qua tuổi “teen” bắt đầu
hơi ít nói hơn, hỏi gì trả lời cái đó chứ không còn theo bố như xưa.
Càng lớn càng tách xa bố, chuyện gì thích nghe thì nghe, không thích
thì cứ ngồi đó “mơ chuyện trên mây”… nhiều lúc làm cho mình bực mình
vì nói mỏi miệng mà nó chẳng trả lời trả vốn gì cả!
Lớn thêm chút nữa thì “mê” bạn hơn nghe lời bố, bắt đầu có những suy
nghĩ trái ngược và “bắt” bố phải đồng ý với mình, chuyện này chắc
bị di truyền, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình… làm cho cha con
nhiều lúc căng thẳng không nói chuyện với nhau cả tuần. Cuối cùng bố
thua phải “xin lỗi” con cho êm nhà êm cửa.
Cách đây 3 tháng, từ khi có bằng lái xe, bắt đầu đi chơi khuya nhiều
lúc đến 1, 2 giờ sang mới về, hỏi thì nói bố có thể xài iphone để
biết con ở đâu nên con không cần “thông báo” cho bố, nghe xong muốn “đá”
nó vài cái cho đỡ tức cái công mình thức khuya chờ đợi….
Còn một tuần lễ ở nhà, đi chơi về khuya hơn… sáng ngủ dậy trễ để
tránh mặt bố, chiều đi làm về thì con đã ra khỏi nhà… Cha con không
còn gặp nhau nhiều nữa… muốn la cũng chẳng được vì gọi phone không
trả lời, text thì sau 10, 15 phút mới text lại làm mình cũng tắt đài
luôn…
Nhìn con vào UC Merced.
Chiều thứ sáu hai cha con lái xe đi cắm trại lần cuối để con chia tay
với các trưởng và các bạn, con vừa lái xe vừa nói chuyện tào lao
để mình không có dịp xài xể nó vì biết phải ngồi chung xe 2 tiếng
đồng hồ, bố sẽ có dịp “khui” lại chuyện cũ để xài xể nó…
Tối thứ bẩy trên đường rời đất trại về, con nhường tay lái cho bố
và tự nhiên thấy ngồi im lặng, không mở nhạc lớn tiếng hay lăn ra ngủ
như mọi khi. Về đến nhà là lên phòng đóng cửa ngay.
Sáng chủ nhật cả nhà cùng lên UC Merced. Trên đường đi con nói chuyện
nhiều và vui vẻ hơn. Đến nơi, con tự lo lắng mọi việc, từ chuyện ký
giấy tờ nhận phòng, chìa khóa và sắp xếp chỗ ở mới của mình.
Thấy con trưởng thành chững chạc khác hẳn lúc ở nhà, vừa mừng vừa
buồn vì thấy mình bắt đầu phải lùi bước lại cho con tự lo lắng,
mình không còn sát cánh con trong mọi chuyện như trước nữa…
Thời gian trôi qua nhanh, đến giờ chia tay, thấy con bịn rịn cũng buồn!
Lúc ở nhà, bàn trước với con là tuần lễ Labor Day sẽ lên thăm thì
bị “từ chối” thẳng thừng. Nay con nhắc nhở và “cho phép” bố mẹ lên
thăm nên mừng quá, lúc con ôm hôn để bước vào dorm còn quay lại nhắc
bố mẹ về sớm kẻo trời tối! Lần đầu thấy con lo lắng cho bố mẹ nên
cũng thấy nao nao.
Mọi đêm trước khi đi ngủ thường tắt điện thoại cho yên giấc nhưng đêm
qua đã phá lệ: ôm phone ngủ thay vì ôm vợ! Thật may mắn vì con cũng
không ngủ được và 2 cha con đã chat với nhau đến 2 giờ sáng, toàn
những lời lẽ dễ thương chăm sóc lẫn nhau, không một lời trách móc…
Sáng nay vào hang cũng nhận được lời chào hỏi của con…
Ngày này đã đến, và con sẽ tiếp tục tung cánh bay đi theo tương lai
của con, con sẽ có gia đình riêng của con, con sẽ có cuộc sống mới
của con, mình chỉ còn là bóng cây bên đường hy vọng sẽ che chở, giúp
đỡ được cho con những khi con cần đến, sẽ giúp ý kiến cho con chứ không
còn quyền ép buộc con phải theo ý mình nữa… Con đã xa nhà tuy mới 17
tuổi, tuổi mà ngày xưa mình vẫn còn trong sự che chở lo lắng của ông
bà nội, tuổi mà mình vẫn còn ngây thơ hơn con bây giờ…
Nguyễn Hoài Bắc