Hôm nay,  

Giữa Hai Bờ Sinh Tử

15/09/201300:00:00(Xem: 107878)
Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 4010-14-29410vb8091513


resized_vb8_vvnm_ngo_van_dinh
Hình, từ trái: 1. Đại Tá Ngô Văn Định. 21 năm quân ngũ, gắn bó với Thuỷ Quân Lục Chiến, 22 Anh dũng Bội tinh với Nhành Dương liễu. 2. Ông Bà Ngô Văn Định - Nguyễn Mậu Nhung định cư tại San Jose. Sau hơn 10 năm bị bệnh Alzheimer, Bà từ trần năm 2007. Hình từ trái, Ông Ngô Văn Định cùng tác giả - hàng thứ ba - và các bạn viếng tang.

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80’ khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết “Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi,” kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Ông là một cấp chỉ huy chiến trận của quân lực VNCH. Bà là người vợ một đời vì chồng con. Sau biến cố Tháng Tư 1975, Ông bà định cư tại San Jose. Hơn 10 năm cuối đời, Bà bị bệnh Alzheimer và Ông ngày đêm ở bên Bà chăm sóc. Sau khi Bà từ trần năm 2007, cây hồng Bà từng tự tay trồng trong vườn nhà tiếp tục được Ông vun quén, mỗi mùa vẫn đơm trái ngon tặng cho người quen biết. Bài mới của Nguyễn Trần Diệu Hương kể tiếp câu chuyện cũ, với lời ghi “Viết thêm đầu mùa hồng 2013. Như một lời cầu an cho những người đang đứng giữa hai bờ sinh tử.” Việt Báo Viết Về Nước Mỹ được phép ghi chú: Nhân vật Ông (viết hoa) là Đại Tá Ngô Văn Định, một lữ đoàn trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, cấp chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972. Có thể đọc đầy đủ về Ông trên trang mạng Tổng Hội Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam, tại:http://www.tqlcvn.org/tqlc/hk-motdoimuxanh1.htm

* * *

Lâu lâu nhận được những cái E mail của Ông, nhìn giờ gởi là hai hay ba giờ sáng, không nói ra nhưng chúng tôi đều hiểu Ông vẫn còn giữ thói quen thức dậy mỗi hai tiếng một lần, mỗi đêm để check up tình hình sức khỏe của Bà.

Chỉ cần khoảng ba tháng liên tục làm một hoạt động nào đó, đúng giờ, đồng hồ sinh học trong cơ thể con người quen với một thời khóa biểu cố định, Trong trường hợp này, Ông đã chăm sóc Bà, triền miên trong bệnh Alzheimer từ cả thập niên thì chắc hẳn là giấc ngủ của ông tự động chỉ kéo dài mỗi hai tiếng, ông bật dậy, tỉnh táo đi quanh trong nhà, dù là không còn có Bà để được chăm sóc nhau ở đoạn cuối cuộc đời.

Ông đã dốc hết tâm trí vào việc chăm sóc Bà, từ việc đọc những tài liệu về bệnh Alzheimer (đến bây giờ Y học vẫn thua cuộc trước căn bệnh mất trí nhớ này) đến việc dành hết thì giờ ở cạnh Bà, lo từng muỗng cháo đến từng hớp nước. Mỗi năm vài lần, ghé qua thăm Ông, nhìn cảnh Ông vào ra trong căn nhà tĩnh lặng, không có tiếng nói, không có tiếng cười, dù vẫn thường xuyên có hai vợ chồng, nhìn Bà gầy như chiếc lá trên giường bệnh, rồi nhìn những hình ảnh của Ông trong quân phục thời còn nổi trôi trên các chiến trận từ Cà Mau đến Bến Hải, tôi vẫn tự hỏi ông đã lo cho hàng ngàn binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến ngày trước và lo cho Bà bây giờ, nỗi lo nào lấy đi nhiều tâm lực của ông hơn?

Chỉ ở cách nhà ông khoảng 30 miles nhưng tôi được tin Bà vào bệnh viện (và mãi mãi khờng bao giờ về) qua đường dây điện thoại viễn liên từ Đông sang Tây của nước Mỹ từ một đồng đội của Ông ngày xưa (và là một người bạn tù của Ba từ thời gian khổ ở trại tù Nam Hà ngoài Bắc cuối thập niên 70).

Chúng tôi vào bệnh viện thăm Bà và để hỗ trợ tinh thần cho Ông trong những ngày Bà đứng giữa hai bờ sinh tử. Tôi vốn sợ không khí thoang thoảng mùi Ethanol của bệnh viện, sợ nhìn nỗi đau đớn thể xác của giai đoạn thứ ba trong chu kỳ “sinh lão bệnh tử” của loài người, nên bao giờ vào bệnh viện, dù là đi thăm ai, tôi cũng thường nhờ người “escort” để có thề bỏ ngoài tai mắt những đau đớn rất thật của "đời là bể khổ”. Lần vào bệnh viện thăm Bà mùa Đông 2007, có hai người bạn đi cùng. Cả hai đều qúy Ông như tôi, và đều là “chuyên gia bệnh viện” nên tôi thấy “ấm lòng chiến sĩ” hơn, mùi Ethanol dường như bớt nồng nặc hơn. Còn hơn thế, tôi không phải đi lòng vòng tìm chỗ đậu xe như những lần đi thăm người bệnh khác vì một trong hai người bạn có thời làm ở bệnh viện nơi Bà đang điều trị, biết rất rõ “sweet spot”, để đậu xe, và đi tắt vào bệnh viện qua cửa phòng cấp cứu để tôi đỡ bị thấy những nơi đau đớn thể xác rất thật của con người.

Vì vậy, nên đến lúc đứng cạnh giường bệnh của Bà, tôi vẫn còn “bình tĩnh”, đầy đủ tinh thần để quan sát, và thấy rõ tình nghiã phu thê của Ông đối với Bà cảm động, và sâu xa hơn tình nghiã “một duyên hai nợ âu đành phận” nhiều. Ở cái bảng nhỏ cuối giường có tên người bệnh, có tên Bác sĩ, Y tá trực trong ngày, Ông viết thêm tên của Ông và số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Ở tuổi ngoài 70, Ông vẫn túc trực ở Bệnh viện bên cạnh Bà từ sáng đến tối, thường là chỉ được ngồi nghỉ chân trên cái ghế nhỏ ở cuối phòng. Ông chỉ chạy về nhà để ăn uống qua loa và làm vệ sinh cá nhân, chợp mắt vài tiếng rồi, lại chạy vào bệnh viện, dù là chỉ để được nhìn bà đã chìm vào hôn mê, mắt luôn nhắm nghiền, đang mỏi mòn thoi thóp giửa hai bờ sinh tử Cô Y tá trực người Phi Luật Tân vào check up Bà vài lần trong ca trực, luôn thấy Ông quanh quẩn bên giường bệnh, thỉnh thoảng lại nhìn cái máy chuyển chất dinh dưỡng lỏng vào cơ thể Bà ở đầu giường, cũng cảm kích trước tinh nghiã vợ chồng của Ông đối với người bệnh nên chăm sóc Bà chu đáo hơn bệnh nhân ở giường bên kia, cùng phòng với Bà. Người y tá cũng để cho Bà mặc quần áo như ở nhà ( bộ đồ lụa màu hồng) thay vì yêu cầu Ông đổi quần áo bệnh viện cho Bà. Nguyên tắc của Bệnh viện sau chín giờ tối, thân nhân phải ra về, cần gì thì người bệnh bấm chuông gọi y tá, nhưng vì bà là bệnh nhân Alzheimer nên y tá trực cho các cô con gái của Ông Bà thay phiên nhau ở lại bệnh viện với Mẹ. Ban ngày khi các chị đi làm thì Ông và cô điều dưỡng, người vẫn đến giúp Ông chăm lo cho Bà từ nhiều năm nay ở nhà, vẫn túc trực bên Bà. Suốt hai tuần Bà nằm bệnh viện, nhân viên trực đêm ở đó quen mắt với hình ảnh ông cụ Việt Nam người tầm thước -đi đứng dù có chậm vì tuổi tác nhưng vẫn đàng hoàng đĩnh đạc như năm xưa cầm quân ngoài mặt trận- rời bệnh viện trễ nhất và có mặt từ lúc trời còn mờ sương ngay khi bệnh viện cho người thăm nuôi vào.

Chúng tôi đến thăm Ông Bà, lần này ở Bệnh viện thay vì ở nhà như lần trước, vừa quý Ông về những đóng góp của Ông cho cuộc chiến tranh bảo vệ tự do mà cuối cùng “kẻ xấu đã thắng” như ý kiến của Thượng Nghị sĩ John McCain, vừa cảm kích tình nghiã vợ chồng của Ông Bà, nên đã mang vài thứ thức ăn nhẹ cho Ông, nhưng xem chừng trên giường người bệnh không ăn uống được vì yếu sức, ở góc chân giường, người trông bệnh cũng chẳng nuốt trôi được chút thức ăn nào vì lo lắng.

Trong lúc chúng tôi nghe ông kể lại thời khóa biểu thường nhật của ông đảo lộn kể từ ngày Bà vào Bệnh viện, người bạn là Bác sĩ lặng lẽ đến đầu giường, cạnh bên những dây nhợ chằng chịt, và những biểu đồ bệnh lý để đọc những con số chi chít trên đó, thỉnh thoảng lại nâng tấm mền mỏng của Bệnh viện quan sát những mạch máu trên tay Bà. Anh không nói gi, nhưng nhìn nét mặt ưu tư cùa anh, chúng tôi có linh cảm những ngày cuối đời của Bà đang được đếm trên những đầu ngón tay.

Còn nhớ hôm đó, giữa mùa Đông, trời mưa tầm tã, tôi phải tập trung tinh thần lái xe, không dám nói chuyện, không dám nghe soft-rock music trên băng tần FM96.5 quen thuộc. Lúc rời bệnh viện, trời đã sụp tối, mặc dù chỉ mới gần sáu giờ chiều. Không phải là dân địa phương, vừa không quen đường, trời vừa tối, lại mưa như trút nước, trời xui đất khiến làm sao thay vì quẹo vào freeway, xe của tôi lại chạy vào ……. một cái nghiã trang ở ven xa lộ 101, mà tôi cũng không biết cho đến lúc thấy cái bệ đá nổi, nơi người ta vẫn để quan tài làm lễ trước khi đưa người qúa cố về với lòng đất. Cả ba chúng tôi đều thấy đó là “điềm gở” nhưng không dám kể lại cho Ông.

Y như rằng sau đó vài ngày, chúng tôi được tin Bà không còn bị dằng co giữa hai bờ sinh tử mà về hẳn với cõi vĩnh hằng. Tối hôm đó, có dịp nói chuyện với một người bạn rất thân của Ba từ Dallas, TX, cũng là một cựu Sĩ Quan QLVNCH cùng thời với ông, tôi kể cho Bác nghe về chuyện chăm sóc Bà rất tình nghiã, rất thủy chung của Ông từ cả thập niên qua. Mặc dù không quen Ông, Bác cũng xin số điện thoại của Ông để gọi đến chia sẻ nỗi mất mát không cùng với một người cùng thời, cùng mặc áo lính, cùng một bên chiến tuyến ngày xưa. Mới thấy tình “huynh đệ chi binh” vẫn còn mặc dù hàng ngũ oai hùng của QLVNCH ngày xưa đã bị “xẩy đàn tan nghé” từ một ngày cuối tháng 4 rất buồn của đất nước.

Chúng tôi đặt một vòng hoa tulip tím là màu Bà thích, có điểm thêm mấy đóa cúc đại đóa màu vàng, và vài nụ hồng đỏ gởi đến phúng điếu, mong mầu sắc tươi thắm của những bông hoa sẽ giúp Ông và con cháu thấy cuộc đời đỡ ảm đạm trước đại tang trong đời. Lúc đến viếng Bà lần cuối ờ nhà quàn, chúng tôi mới thấy cả một rừng hoa đến từ những đồng đội ngày xưa, nhất là những người cùng sát cánh bên ông giữa bom đạn năm nào. Có cả những người đích thân bay đến thăm ông từ rất nhiều tiểu bang khác nhau của nước Mỹ rộng lớn. Họ là bạn vong niên, là đồng đội, cùng đơn vị với ông. Có những người không biết nhiều về Ông, nhưng biết đến tiếng tăm của Ông qua chiến thắng hào hùng của QLVNCH nói chung và Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến nói riêng ở Cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị năm xưa, cũng đến thăm Ông và tiễn Bà lần cuối đúng với câu “nghiã tử là nghiã tận”. Dĩ nhiên, cũng như Ông, đa số họ đều đã bước vào hoàng hôn của đời người, nhưng vẫn không quản ngại thời tiết mùa Đông đang làm băng giá hơn một nửa nước Mỹ, không ngần ngại bỏ ra một số tiền không nhỏ, đối với thu nhập của một “senior citizen”, cho một cái vé máy bay round trip chỉ mua trước giờ bay không đến một ngày. Tất cả những điều đó hẳn đã an ủi Ông rất nhiều, đã đền bù cho Ông về những gian khổ, những hiểm nguy ông đã chịu đựng ở chiến trường năm xưa.

Giữa những tràng hoa phúng điếu tươi thắm, Bà nằm an nghỉ trong chiếc áo dài nhung màu tím đỏ, mà Bà rất thích thủa còn khỏe mạnh, mặt cũng tươi thắm hồng hào như vẫn nằm thiêm thiếp ở nhà từ bao năm qua.

Ngày đưa Bà về lòng đất, chúng tôi phải đậu xe rất xa, và đi bộ giữa trời lấm tấm mưa phùn mùa đông vì đồng đội Ông, những cựu chiến sĩ TQLC mắt sáng, môi tươi ngày xưa, bây giờ gối đã mỏi, chân đã mòn, tóc đã điểm mầu sương khói, vẫn tụ tập về rất đông đủ, như họ vẫn sát cánh bên Ông giữa bom đạn năm xưa. Tôi tự nghĩ nếu tất cả họ đều mặc quân phục, chắc là rất giống cảnh đám tang ở Nghiã Trang Quân đội Biên Hòa thời trước tháng 4 năm 1975. Nhưng điều làm chúng tôi cảm động nhất là Ông, người Sĩ quan QLVNCH năm xưa trong mầu áo hoa rừng, bây giờ trong mầu áo đen của tang phục, đã nghẹn ngào nấc lên nhiều lần khi đọc điếu văn tiễn người bạn đời về bên kia thế giới.

Chúng tôi vẫn tự hỏi, phải chăng ngoài nước mắt khóc thương Bà vĩnh viễn ra đi, còn có nước mắt Ông đã nén vào lòng năm xưa khi thấy đồng đội của mình bị dằng co giữa hai bờ sinh tử, giữa súng đạn vô tình ở chiến trường dạo trước? Dù là nước mắt nào đi nữa, bên cạnh mất mát không thể nào bù đắp được của ông, tình đồng đội là một niềm an ủi rất lớn giúp Ông đứng vững được trong quảng đời còn lại một mình, vĩnh viễn không còn có Bà bên cạnh.

*

"Hàng năm cứ vào mỗi độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều" (như Thanh Tịnh đã viết), chúng tôi lại được ông mời đến nhả để hái những quả hồng giòn màu vàng cam, chín tới. Ở tuổi gần 80, răng không còn khỏe như trước, ông không ăn một trái hồng nào, nhưng vẫn chăm bón cây hồng bên hông nhà rất cẩn thận, chỉ để biếu hàng xóm và gọi chúng tôi đến hái về ăn. Dù ông không nói ra nhưng chúng tôi đều biết ông chăm cây hồng rất kỹ vì cây hồng đó do chính tay bà trồng đã mấy mươi năm trước. Từ một cây con yếu ớt, nhỏ xíu ở Home Depot bà mua về, lặng lẽ tưới bón, chăm non mỗi ngày. Cây lớn lên theo ngày tháng, người già đi theo năm tháng. Buồn thay khi cây hồng thành một cây cổ thụ, sum sê bóng mát, cho cả ngàn trái hồng mỗi độ cuối thu đầu đông, bà không cón tri nhớ, rồi không còn hiện diện trên đời.

Mỗi mùa hồng ở Mỹ, chúng tôi được ăn hồng tươi hàng ngày từ cây hồng bên hông ngôi nhà của ông bà, gần một trường Tiểu học ở San Jose. Và mỗi lần nhai những miếng hồng tươi trong miệng, chúng tôi vẫn nghĩ đến chuyện cồ tích Việt Nam ngày xưa "ăn một quả trả ngàn vàng may túi ba gang đem mà đựng", mà tự hỏi không biết mình đã nợ ông bà bao nhiêu ân tình.

Có lần tôi còn nói ra bằng lời:

- Coi vậy mà nhiều khi mình là con người mà còn thua con chim trong chuyện cổ tích.

Độ giòn và vị ngọt thanh của những trái hồng to lớn vừa chín tới hái từ sân nhà ông ngon hơn hẳn những trái hồng mua ở chợ. Ông còn chu đáo mua một cây sào cao khoảng bốn mét, có một cái lồng bằng inox ở phía đầu để giúp chúng tôi không phải leo lên cây, chỉ cần đứng dưới đất để hái được những trái hồng vàng cam to gần bằng trái banh tennis. Đôi lúc chúng tôi bận quá không đến hái hồng được, ông hái hồng đóng thùng gởi qua đường bưu điện cho một vài người bạn thân ở tận miền Đông hay miền Trung Tây của Mỹ gọi là chia sẻ ngọt bùi như những ngày còn là còn là đồng đội trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam.

Một lần mở cốp xe ở bãi đậu xe của thư viên, nhìn những thùng hồng to tròn chín tới rất hấp dẫn trong xe chúng tôi, có vài người Mỹ đến hỏi:

- Where do your guys buy those delicious persimmons? We love persimmon.

- No we just picked from a tree at a friend’s house. Feel free take some.


Lúc đó là mùa Thanksgiving ở Mỹ, chúng tôi vui vẻ biếu họ một túi hồng, như một lời cảm ơn từ những di dân tỵ nạn, sống bình yên ở một nơi ở không phải là nhà, và đành gởi thân trên quê người như người trồng cây hồng.

Những người nhận hồng cảm ơn rối rít. Lời cảm ơn trở nên chân thành hơn trong mùa lễ Tạ ơn.

Chúng tôi đã chuyển lời cảm ơn đó đến Ông ở phòng khách nhà Ông, và đến Bà trên bàn thờ trong family room.

Người trồng cây đã về ở hẳn bên kia thế giới, phía bờ tử, nhưng cây hồng nhờ được người ở bờ sinh chăm bón rất cẩn thận nên vẫn sừng sững, sum sê, sai trái mỗi độ cuối thu đầu đông. Không chỉ cho trái ngọt mà cây hồng còn cho ân tình giữa hàng xóm với nhau, giữa những ngưòi lính già phải nhận quê người làm quê nhà, và giữa thế hệ sau với thế hệ trước. Ước mong ân tình giữa người với người luôn luôn ngọt ngào như những trái hồng chín tới vào mùa thu ở Mỹ.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Ý kiến bạn đọc
31/10/201307:00:00
Khách
huyện rất cảm động . Sĩ quan QLVNCH nhiều người rất tốt.
31/10/201307:00:00
Khách
Ôi đẹp làm sao tình nghiã vợ chồng trải qua bao cuộc bể dâu!Và tình đồng đội vẫn không phai lạt theo thời gian.Cám ơn bài viết có ý nghiã.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Nhạc sĩ Cung Tiến