Hôm nay,  

Đi Tìm Tự Do

28/08/201300:00:00(Xem: 85088)
Tác giả hiện là cư dân tiểu bang Oregon, làm nghề giữ người già và tàn tật của Washington County ở Salem, Oregon. Với bài viết về nước Mỹ đầu tiên, "Ông Ngoại Của Thu Đi Lấy Vợ," Châu Hà đã nhận giải thưởng đặc biệt năm 1010. Sau đây, bài mới nhất của Châu Hà kể về một cuộc hành trình 53 ngày vượt ngục tù cộng sản rồi vượt biên đường bộ của anh Út, để đến được nước Mỹ.

Chị Út, người chị, người bạn xa xưa ấy, chị và tôi cùng dạy chung ngôi trường làng ở Củ Chi, địa danh của "đất thép thành đồng" mà "bên thắng cuộc" của việt cộng đã tự hào là thép thép với đồng...đồng.

Sau 1975, cái nghề đi dạy học là để tự "cứu mình vì miếng ăn" còn vui thú gì nữa khi cả nước đều đói, vui gì nữa khi cột đèn cũng muốn bỏ nước đi cho rồi...Vậy đó, vậy mà tui cũng theo các bạn đang học Văn Khoa chui vào nghề gõ đầu trẻ của cái thời lênh đênh số phận chẳng biết về đâu?

Khi gặp chị Út trong ngôi trường làng, chị đã là giáo viên của VNCH thời trước 1975, chị và tôi cùng cảnh ngộ thăm nuôi tù, người tù là chiến sĩ trong quân lực của VNCH. Đầu năm 1975, chị sinh thằng con đầu lòng, vài tháng sau là nước mất, nhà tan. Anh Út cùng bao sĩ quan khác của miền Nam "bên thua cuộc" chung cảnh tù. Anh chị hẹn nhau sau mười ngày "học tập cải tạo", về quê nhà của anh, cùng nhau dựng cái chòi lá bên quê anh, nuôi con. Hết chiến tranh rồi, bao nhiêu dự tính tương lai cho con, cho vợ. Mười ngày của anh thành mười lăm năm đi biệt chưa về.

Trong "căn nhà tập thể" của tụi tôi có tám đứa giáo trẻ từ Sài Gòn bị đổi về ngôi trường này, lúc nào cũng lăm le kể chuyện tìm đường vượt biển, đi tìm tự do. Chị Út hiểu tụi tôi, nên hay ra vào "khu nhà lăm le" này, để tâm sự. Chị cho tụi tui đọc lá thư của anh Út, anh kể chuyện trốn tù của cộng sản và thoát được ngục tối, đến đuợc Thái Lan và xin tỵ nạn ở Mỹ... với gói quà đầu tiên của anh gửi tặng vợ từ nước Mỹ xa xôi với muôn ngàn nhớ thương, chị nhận được ôm cái áo đẹp và khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Lúc đó, tụi tôi khoảng hai mươi tuổi, chưa chồng, chưa con, chưa hiểu cảnh vợ xa chồng, chồng xa vợ... có vài đứa khúc khích cười trên sự đau khổ của chị. Riêng vài đứa thì khóc theo chị, khóc theo câu chuyện mà anh Út đã kể trong thư.

Riêng tôi hiểu chị nhiều, vì lúc đó tôi cũng đang đợi chờ người tôi thương, anh ấy trong binh chủng TQLC (Thủy Quân Lục Chiến), cũng chung số phận tù, chưa được như anh Út đã can đảm trốn tù vượt thoát, đến được vùng trời tự do bằng đường bộ, dọc theo con sông MeKông...

Tháng Bảy vừa qua, với dịp Đại hôi TQLC, 2013 ở Nam California, tôi được ở nhà của anh chị, vì Hotel đã hủy bỏ căn phòng vợ chồng tôi đã đặt trước 3 tháng qua, với lý do đường ống nước trong phòng bị hư sao đó. Gần ngày đi rồi, tìm Hotel trong dịp tháng Bảy lúc này với nhiều người cũng đi nghỉ vacation, khó tìm nơi khác ưng ý hơn, nên tôi gọi phôn xin anh chị Út cho ở cùng nhà của anh chị trong 3 ngày về Cali, anh chị vui vẻ nhận lời ngay.

Đây cũng là một dịp may gặp lại anh chị Út, để tôi được biết thêm chi tiết cảnh trốn tù của anh. Tôi khuyến khích anh viết, viết để gợi nhớ những ngày tháng đi tìm tư do, cho bạn đọc được biết và anh được dịp tâm sự khi tuổi đã về hưu. Anh kể, ngày xưa khi còn ở Thái Lan anh có viết, nhưng không có tiền mua tem để gửi đi. Bây giờ anh nhờ tôi viết dùm.

Anh kể câu chuyện của anh qua tờ giấy viết tay vội vàng chữ nghĩa của tuổi, anh khó ngồi lâu để nhớ lại cảnh trốn tù, vì anh đã già yếu, mệt mỏi rồi. Nên nhờ tôi ngồi gõ lọc cọc trên computer giúp anh kể lại câu chuyện này. Sau đây là câu chuyện anh kể:

Tôi "trình diện vào tù" ngày 27 tháng sáu, 1975; Việt cộng chở lên Trảng Lớn (Tây Ninh), ở đó khoảng 5 tháng, chúng chuyển trại ra Phú Quốc (PQ) với chiếc tàu 502 của VNCH.

Ở Phú Quốc sáu tháng, chúng chuyển trại, tôi về Long Giao, Long Khánh. Ở Long Giao hai năm, chúng chuyển tôi về Thành Ông Năm (Trại công binh cũ của VNCH). Ở đó một năm, chúng chuyển tôi lên Bù Gia Mập, Phước Long, vào trại lúc đêm.

Sáng hôm sau, gặp lại bạn bè cũ cùng tù. Khi đi lao động khổ sai tụi tôi đã định được hướng, định được điểm đứng đúng là cái đồn cũ ở ngã ba, nơi khi xưa đơn vị của tôi đã ở đó. Đồn cũ còn đó, còn đó dấu vết kẽm gai... hình ảnh cũ còn đó. Lên trên khoảng một cây số là Bù Gia Phúc, ngày xưa, đó là Trại của cấp tá của VNCH, nay đã hoang tàn...

Chúng tôi như những con cọp được dịp đứng ở bìa rừng, gặp lại các bạn xưa cùng đơn vị, bèn cùng nhau mưu tính việc đi tìm tự do. Sau khi tụ tập được những anh em từ đơn vị cũ, ban đêm sáu anh em ra đi theo đường hướng cũ, mang theo ít thức ăn bobo đã xay nát.

Khoảng một giờ đêm ngày 27 tháng 4 năm 1979, chúng tôi trốn trại tù bằng cách đi ra hướng phía sau nhà vệ binh (nhà vệ binh là nơi ở của tụi vẹm canh gác tù), chun ra hàng rào cách cổng chính của Trại chừng 20 thước, sau đó đóng hàng rào lại như cũ, xóa dấu vết.

Dọc theo đường lộ về hướng quận Bố Đức (Bù Đốp) bắt đầu lủi sâu vào rừng. Khoảng 10 giờ sáng, nghe một tiếng súng duy nhất ngoài lộ, nghe ngóng không thấy gì nguy hiểm, an tâm cùng nhau ngồi ăn uống, nửa tiếng sau đi tiếp bắt được con suối, biết chắc suối này sẽ chảy ra Sông Bé.

Theo định hướng hành quân khi xưa, vùng này nếu bắt gặp Sông Bé ở đây là điểm đến biên giới Việt Miên, chúng tôi bắt theo con suối này đi mãi, khoảng gần ba ngày sau là đã đụng Sông Bé, qua sông trong sự vui mừng, vì lúc này đi đã quá xa trại tù rồi. Vào sâu bên trong rừng, dừng chân nghỉ ngơi ngủ đêm.

Từ sau Tháng tư năm 1975, đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy mình tự do. Vẫn biết đoạn đường còn dài và rất nhiều chông gai, nhưng trong rừng sâu, lần đầu chúng tôi đã có được giấc ngủ không mộng mị.

Sáng hôm sau đi tiếp, lúc này tụi tôi đã đi được 3 ngày rồi từ khi rời khỏi trại tù. Sau đó, chúng tôi phải vượt qua đám rừng mây (loại mây này là loại mây có gai nhọn). Rừng mây chập chùng ở Sông Bé khó cách nào tránh khỏi, một ngày đi chỉ được 4 cây số là cùng, vừa đi vừa dùng cái rựa để mở đường. Đi hai ngày liên tục mới thoát khỏi rừng mây. Vùng này, không phải như ở Bù Gia Mập, đồi núi chập trùng chỉ có rừng không thôi.

Sang ngày thứ mười ba cả bọn không còn nước uống, phải tìm “điểm nước” chứ không tài nào đi tiếp được. May mắn thay đến một cái bào (chỗ trũng giữa rừng, có chứa nước trong đó). Vào lúc xế chiều, tưởng đâu bào nước hoang vắng, chuẩn bị dây nhợ tươm tất ra xem cái bào tìm nước, vừa dợm đi, nhìn về phía trước bên kia bào, một cột khói bốc lên. May mà thấy kịp, không thì tiêu mạng rồi, có đám việt cộng ở đó, chung quanh bào có “điểm kích” (điểm chốt), đó là đơn vị lớn của việt cộng rồi. Kìa, một toán 3 chú việt cộng đi thẳng ra bào, về hướng chúng tôi. Chúng tôi dợm thối lui. May quá, chúng tẽ ra nơi khác để đổi chốt (đổi phiên gác).

Sau khi đổi phiên gác, ba chú VC này ra cái bào tắm. Tụi tôi nhìn thấy nước văng tung toé từ nơi 3 chú vẹm đang tắm, nhìn nước mà thèm quá, tụi tôi bèn ở lại mí bào, chờ đêm tối ra ngoài bào để lấy nước. Đây là nơi một đơn vị lớn của việt cộng đóng chốt. Chúng tôi phải nằm yên chịu trận, không tài nào đi được. Lúc đó trời mưa lâm râm, nghe mấy chú vẹm ho hen, nói chuyện lào xào trong đêm. Mãi gần sáng, thấy yên, mới ngậm tăm rời khỏi nơi đó lúc tờ mờ…trước khi trời sáng.

Đi đến chiều, gặp quốc lộ 7, tiếp tục đi ngoài lộ hơn 15 cây số. Trên đường đi, gặp những vũng nước mưa đêm vừa qua đọng lại tụi tôi có dịp đổ nước đục trong bình tong, lấy lại nước khác trong vắt hơn.

Đi mải miết, đến ngày thứ 15 dừng lại, thấy một vườn chuối sứ cạnh quốc lộ. Vượt qua vườn chuối, phía sau có một cái bào có nước, rất cẩn thận, chúng tôi rón rén ra bào cắm câu. Sáng sớm bắt được 2 con cá nho nhỏ thôi, thằng bạn lội xuống ao bắt được 3 con cá lớn, nước ở dưới bào nghe tanh mùi cá, hồ cá đọng lại vì bào ít nước, quanh bào có một ít rau muống. Riêng tôi, tìm được chuối chín, về chia mỗi thằng một nải, chuối chín cây ngọt lịm như chưa bao giờ được ăn.

Trong khi đó, một bạn tù ở lại chỗ ngủ, coi chừng đồ đạc, nghe một tiếng súng báo hiệu ở ven rừng, ý nói “ở đây có tao “… Chúng tôi đoán chắc là tụi Pôn Pốt. Thôi, thì đành thu dọn về chỗ “đóng quân”. Chúng tôi lủi vào rừng ngay, không kịp làm cá chín, đập chết cá mang theo. Đi mãi, men theo hướng trực chỉ, đến chiều “dừng quân” với nồi niêu xoong chảo với 5 con cá lớn nhỏ cho sáu thằng ăn ngon ngọt chưa từng thấy trên cõi đời.

Từ giã quốc lộ 7, khoảng giữa Kem Pung Chàm và Snoul, sau đó tiếp tục đi về hướng sông Mê Kông. Trên đường di, chúng tôi băng ngang con đường lớn có xe chạy. Con đường này chạy thẳng lên là tới Tung Teng của Lào, khúc này có sông MeKông chảy qua, bên này là Lào, bên kia là Thái Lan, nếu đi được theo đường sông là ngắn lắm.

Chúng tôi bèn liều lĩnh làm nút chặn, đón xe xem xe gì, loại nào, vì chiều hôm trước đã nghe tiếng xe chạy trên đường này. Chuẩn bị nút chặn xong, chờ mãi đến khoảng 9 giờ 30 sáng, không thấy xe chạy nữa, nhưng thấy lính Campuchia mở đường xa xa, có một thằng qua khúc đường cong… rồi hai…rồi ba …thằng, chúng tôi bỏ chạy vào rừng theo hướng định trước, vào được bên trong, khoảng hai tiếng sau, nghe tiếng súng nổ ở “nút chặn” mà chúng tôi đã đặt.

Tiếp tục đi, đi mãi tới ngày thứ 22 mới đến sông Mê Kông. Nơi nhánh sông ở tỉnh KàChé, nước chảy xiết không qua được, một thằng lội qua trước, “mượn ghe”. Ghe này của một bà già người Việt Nam, bà có chồng người Miên, bà ở đây lâu đời rồi. Mượn được ghe, một thằng chèo ghe về rước 5 thằng còn lại qua sông. Qua được sông rồi, trả ghe lại, gặp bà chủ ghe đang ngồi trên võng (võng trên cái giường ngoài sân nhà ), và bà nói tiếng Việt không một chút trọ trẹ “Thôi, chúc các con thượng lộ bình an …”, tụi tôi rất cảm động vì câu nói đó (cám ơn bà, lúc đó hình như bà đã biết tụi tôi là người tù trốn trại đêm hôm ấy ?

Đêm hôm đó trời mưa, đi tới đâu cũng thấy cá rô trên nhánh sông nhảy lên bờ, mỗi đứa lượm được năm bảy con còn sống, đập chết bỏ vào balô. Đi lần lần đến gần bờ nhánh sông, thấy nhà bên kia sông tưởng là căn nhà đó ở bờ sông bên này, mừng quá, gọi to bằng tiếng Miên học lóm lỏm bỏm lúc còn ở trong tù “Oi xà nhâm, nhâm xà lon…” có nghĩa là cho tôi qua bên kia sông.

Có tiếng người đàn ông đáp lại bằng tiếng Việt “Ờ, chờ một chút…” Sáu đứa tụi tôi muốn đứng tim, lỡ rồi, cũng phải liều mạng theo ổng cứu mình qua sông. Lúc đó mới biết ông ta là người Trà Vinh, về ở đây được 4 năm, ông ta nấu bobo cho ăn, ăn bữa với cà tím nâu dằm cá trê, thằng nào cũng được một bụng, và còn được một ít bobo nữa chứ, thật may mắn.

Ông ta hỏi chúng tôi là ai, từ đâu đến. Đã bàn sẵn cách nói dối, chúng tôi nói “Tụi tôi là toán địa chất, khảo sát đất đai, xem chừng coi trồng trọt được gì …cho nên tụi tôi đi sau toán bộ đội…là vậy. Vùng này xa xôi quá, ai mà nghĩ tù có thể đi đuợc đến đây, ông ta phải tin thôi. Sau khi có bụng cơm no nê rồi, cả bọn lại được ông ta giúp đưa qua sông.

Tụi tôi tiếp tục đi bộ băng qua con đường đi vào KàChé, dân chúng ở đây nhìn chúng tôi quá chừng. Tụi tôi phải tỉnh bơ mà đi, đến được một cái ấp khác lại chui vào dự định xin ít gạo, gặp ngay chú lính HengxomRing hỏi “Sao không lên Xã ?" Tụi tôi trả lời bằng động từ “tu qươ” qươ tay, qươ chân một hồi, nó sinh nghi theo dõi.

Biết bị bể rồi, cả bọn vội lỉnh ra ngoài đồng ruộng đi tiếp. Đi miết, bấm tay, tính từ lúc rời trại tù, đã là ngày thứ 23 rồi, yên chí lớn vì đã gần đến chòm rừng chòi nghỉ chân. Vừa căng võng xong, thì ôi thôi…súng nổ liên hồi, Aka 47 và cả súng cối nữa chứ, nghe tiếng súng biết là tụi tôi bị bao vây hình chữ L rồi, đó là bọn lính Miên HengXomring.

Tụi tôi gỡ tháo võng, … chạy, may mà không thấy bị rượt đuổi. Có lẽ lẽ nhìn từ xa chúng tưởng cái rựa tụi tôi đeo trên lưng là cây súng nên tụi nó e dè không muốn vào sâu để tiếp cận. Nếu tụi Miên dám xung phong dí tụi tôi, chắc chắn lúc đó tụi tôi bỏ xác bên đám ruộng trống trơn này rồi. Sau khi chạy thục mạng qua hai đám ruộng khoảng hai trăm mét, chúng tôi qua cụm rừng chòi khác.

Trời xập tối, cả bọn tiếp tục mày mò mà đi. Bên ngoài là quốc lộ 13, sông Mê Kông chạy dọc theo quốc lộ, thỉnh thoảng nghe tiếng súng vang lên. Chúng tôi vào được một cái đồi gần quốc lộ, trên đồi này có một cái chùa bị bỏ hoang, dừng chân nơi đây.

Tropng chùa, có vẻ đã xảy ra một cuộc chiến, dấu đạn văng tung toé, tượng Phật bị gãy chân, sứt tay… Chúng tôi Nam Mô A Di Đà Phật, xin Phật cho chúng con tá túc. Sáng hôm sau, có mấy tụi trẻ con lò mò, tò mò đến chùa, thấy tụi tôi chúng sợ, bỏ chạy. Sau đó tụi nhỏ dẫn vài người lớn đến…không thấy tụi tôi, dĩ nhiên là sáu anh tù đã núp đâu đó rồi. Tụi tôi nghe lõm bõm tiếng người lớn chửi la tụi nhỏ bằng tiếng Miên trước khi bỏ đi.


Tụi tôi tiếp tục mầy mò tìm nước uống. Trong bọn, có ông bạn tên Hòa đã lên đến đỉnh chùa, hắn đếm được 125 bậc tam cấp, trên đỉnh ấy có một cái hồ nước trong thật trong.

Chúng tôi tìm mấy cây dằm để liệu làm mái chèo, chèo thuyền qua sông. Tối đến cả đám bò xuống mé sông, mượn đỡ của dân -có nghĩa muợn mà không hỏi ý chủ- một chiếc ghe nhỏ, dùng sáu cây dằm đã đóng ở Chùa, bơi ra khỏi bờ. Từ bờ ra sông khoảng độ mười lăm mét thì dễ dàng, nhưng khi đến dòng nước chính, nước chảy quá mạnh, ghe trôi theo dòng nước, sáu tay bơi với sáu cây dằm thô sơ không làm gì được, đành nhảy xuống sông, nương theo dòng nước đẩy ngược đưa ghe vào lại bờ, cột lại để trả cho chủ của nó.

Sáu anh em tiếp tục lủi đi dọc theo quốc lộ 13, thêm một đêm, mãi đến tờ mờ sáng, chắc cũng được khoảng mười cây số hơn. Ở đây, tụi tôi thấy một cây cầu sắt kiểu của Pháp ngày xưa, có một chú lính Miên ló đầu từ gầm cầu lên hỏi “tâu na bồn”, Tụi tui ú ớ…trả lời bằng ngón tay chỉ trỏ…và vội đi luôn. Đi được khoảng một trăm mét là vào quốc lộ 13, bên đường có căn nhà nhỏ trúng ngay nhà của nguời Việt, ngày xưa chị ở Trà Vinh về nơi này sinh sống, chị cho ăn một bữa cơm.

Đi tiếp, băng qua lộ xuống sông MeKong, giặt áo quần bùn xình và tắm, nhìn năm anh bạn tù gầy giơ xương mà sợ cho chính tôi cũng xương xẩu gầy còm thiếu ăn, mệt mỏi. Và giục bỏ lại những thứ không cần thiết xuống dòng sông.

Nhớ lời chị Miên cho biết là phải lên trình diện ông Trưởng Ấp, vợ của ông ta bị PônPốt giết chết. Nhóm bạn tụi tôi đề nghị anh Tuấn lên gặp ông ta. Ông không có nhà, ra ruộng rồi. Người nhà của ông ta báo lại điều gì? Ông ta đi khai báo với tụi bộ đội việt cộng ở gần đó. Sau đó, bốn đồng chí bộ đội với súng ống…đến gặp chúng tôi hỏi han và đề nghị cho một người trong bọn tôi lên gặp “chính trị viên” của Tiểu đoàn của chúng. Tuấn là người đứng đầu trong nhóm tụi tôi, anh nói giọng miền Bắc di cư năm 1954, hợp lý quá trong tình huống này. Chúng tôi bèn phịa mình là công nhân khuân vác của đoàn xe vận tải số 4, thành phố Hồ Chí Minh, chở gạo lên KàChé, dọc đường có một đứa trong nhóm bỏ đi nhậu ở nhà người quen nào đó… nên tụi tôi phải đi bộ tìm nó về… nên bị lạc mất đoàn xe chở gạo rồi…Tụi vẹm nói “không có đoàn xe nào lên đây…”

Tuấn về, sau buổi “trình diện” đó, chúng tôi về lại nhà Ấp trưởng ngủ, trời chạng vạng tối rồi, tụi tôi ngủ ngồi và lo thu xếp chuẩn bị dzọt… Bất thình lình, một tên bộ đội xưng là chính trị viên muốn “tiếp chuyện” với chúng tôi. Tên chính trị viên này nói “Bây giờ tôi bắt đầu làm việc. Các anh cho xem chứng minh thư nhân dân. Tuấn trả lời tỉnh bơ, “Đồng chí trưởng đoàn xe khi đến KàChé đã giữ hết giấy tờ của chúng tôi rồi. Hắn yên lặng một chút. Lúc đó, bên ngoài trời tối om, tụi tôi nghe được một giọng bắc từ bên ngoài nói vọng vào, giọng bắc của năm 1975 “Thế thì bắt được rồi đấy…”, tên chính trị viên vẹm im lặng không đáp lại. Sau đó hắn nói, “Bây giờ tiếp tục kiểm tra quân tư trang các anh.”

Mỗi người chúng tôi tự banh balô cho hắn xem. Nhờ một sự may mắn hiếm có, đèn pin của hắn gần như hết pin, nên tụi tôi che lấp được bộ đồ tù dấu dưới đáy balô. Hắn không phát giác được gì. Sau này nghĩ lại chắc mục đích của hắn tìm xem tụi tôi có súng đạn gì hay không? Tuấn đang giữ một địa bàn của bộ binh thường dùng khi xưa, may quá tụi tôi khỏa lấp được. Tên chính trị viên bèn giảng một mạch đại khái ý nói tụi PônPốt thường qua sông quậy phá, phải cẩn thận, các anh nên đi vào 7 giờ sáng mai…

Qua thêm một đêm được bộ đội VC gác canh chừng cho tụi tôi ngu, sang ngày thứ 25, chúng tôi đi thẳng đến Săng Đăng Săng độ chừng 500 mét. Ở ngã ba này, chúng tôi vào một con rạch nhỏ để nhận chìm giục bỏ bộ đồ tù xuống bùn xình. Một bạn tù đồng hành, anh là bà con chú bác với tôi, tiếng vào con lạch nhỏ phía sau để nhận giục bỏ đồ tù và rồi không thấy anh trở ra. chẳng bao giờ thấy ra điểm hẹn. Ngủ một đêm ở bờ sông MeKong tại ngã ba, chẳng biết chuyện gì xẩy ra mà chờ mãi không thấy anh bạn trở lại, chúng tôi đi ngược trở lại khoảng bốn cây số để tìm bạn, gặp một chú lính HengSomring hỏi bằng tay quơ, chú lính này chỉ chỏ bằng tay về phía vẹm đóng quân.

Năm tên còn lại không thể làm gì hơn, đành bỏ lại người bạn mất tích, không biết số phận anh ra sao. Đến bây giờ cũng không ai trả lời được.

Bọn chúng tôi còn lại 5 người, đi ngược trở lại, dọc theo bờ sông để tìm cách qua sông, một vài dân chúng biết tiếng Việt chạy ra hỏi “Tôm khô đổi vàng?” Một ký lô tôm khô thời đó (1979), đổi được một chỉ vàng. Họ tưởng chúng tôi là bộ đội đi phép qua đây… Thôi thì, vô tình trở thành bộ đội cộng sản cũng được.

Họ chỉ nhà trưởng Ấp, ông trưởng Ấp này biết nói một chút tiếng Việt, chúng tôi hỏi han tìm cách qua sông.

Tình cờ thằng Miên Xã trưởng đến thăm nhà trưởng Ấp và gặp chúng tôi ở đó, Ấp trưởng thông dịch cho Xã trưởng …Và chúng tôi cố giữ thằng xã trưởng này càng lâu càng tốt, để nó không về kịp lại xã, sẽ bị tụi bộ đội hỏi han dễ bị bể mánh... Ấp trưởng nấu cơm đãi ăn tối, tối ngủ có mấy anh lính Miên gác cho ngủ nữa chứ, tụi nó có súng AK 47. trong nhóm lính Miên này có một thằng du kích biết nói tiếng Việt muốn xin cái võng của tôi. Tôi trả lời nó “Gia tài của bộ đội (là tôi đây), chỉ có cái võng duy nhất không thể cho chú được.” Đây là cái võng do một người bạn trong tù (Thiếu úy Hóa) đã đổi cho tôi.

Sáng sớm hôm sau, Trưởng ấp và một người lính già với hai khẩu súng AK 47, một cây chèo, một cây bơi, chèo ở phía sau ghe, người bơi cầm cây dằm bơi phụ và bẻ lái, khoảng chừng 45 phút mới tới bờ bên kia. Nhìn AK 47 để trong thân ghe, chúng tôi nói nhỏ với nhau không nên cướp súng, vì người ta giúp mình qua sông, không nên làm chuyện ác đức như thế, năm đứa tôi đều đồng ý “không lấy súng “. Nếu lấy súng sẽ khó đi hơn nữa… dễ bị lộ.

Qua được sông, chúng tôi hiểu mình đã vào một vùng xôi đậu, bộ vó giả bộ đội VC ở đây không còn an toàn nữa, phải lo cẩn thận với mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày hôm sau, chúng tôi theo hướng bắc qua suối an toàn. Khi qua suối khoảng chừng 2 km, lại đụng ngay ba tên lính Pôn Pốt với 3 khẩu AK 47 trên vai, chúng đi từ bắc về nam, chúng tôi đi từ đông sang tây, lúc bấy giờ tôi đi đầu toán, tôi chỉ biết ngồi tại chỗ làm dấu cho các bạn phía sau. Kỳ diệu và may mắn thay, ba thằng lình PônPốt cứ phoong phoong đi trên con đường mòn, không thèm ngó hai bên, chắc có đấng thiêng liêng nào đó che mắt chúng, không cho chúng nhìn về phía bên phải.

Đi thêm hai ngày chúng tôi đến một Ấp nhỏ ven rừng. Có một toán thanh niên xung phong của Miên đi canh tác, họ sống trong một cái chòi, có nam và nữ. Họ nấu cơm ăn với mắm bò hóc, họ cho chúng tôi phân nửa nồi cơm, thật sự mà nói mắm bò hóc của họ có nhiều con dòi bò lểnh ngểnh không thể ăn được, dù lúc đó là tù thiếu ăn, thôi, có cơm là tốt rồi. Vào ấp, định là xin ít gạo ở căn nhà gần mé rừng, xui xẻo làm sao có một thằng Miên con, khoảng chừng 25 tuổi, luôn kể “ông lớn Võ văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… sắp tới Nam Vang…” Gần sáng, Tuấn trưởng nhóm phải cho nó cái đồng hồ để bịt miệng nó lại và tụi tôi dông vào rừng luôn, đi thẳng, gần tới ngã ba biên giới Miên Thái Lào.

Chính tại vùng Ba Biên Giới này, tôi bị một cơn sốt rét hành hạ đi không nổi, nằm lại ở rừng Cỏ Đế giữa trưa nắng, hai người bạn phải dìu tôi vào, Tuấn chích cho tôi một mũi B12 và cho 3 viên ký ninh mac. Sau đó, bạn Châu cho tiếp một viên Fansidar (thuốc trị sốt rét), nhờ vậy mà hôm sau tỉnh lại.

Cả bọn lại tiếp tục đi. Lúc này là buổi sáng ngày thứ 45, dùng bản đồ tiến quân của vẹm, mà tôi đã sao y bản chánh vẽ lại qua báo Tin Sáng lúc tôi còn trong tù ở Hốc Môn, gặp đường mòn có dấu vết của xe Molotova, đi thêm một đoạn thì đụng nơi đóng quân của việt cộng, chúng xả đủ loại súng vào chúng tôi, kể cả súng cối, nhưng may thay không đâu vào đâu. Cả nhóm bạn chạy tứ tán vào rừng trong khi chỉ một mình tôi đi tiếp, tôi đã lạc bốn người bạn rồi. Từ đây, tôi một mình đi tiếp, đi cho đến khi không còn đi được nữa, căng võng ngu.

Sáng hôm sau đi tiếp, tôi lại lọt vào một cái ấp của dân, ở đây họ biết tiếng Miên, Lào và Thái. Tôi vào một căn nhà mà họ vừa bắt được con cá to bằng cái lu, bốn người khệnh khạng khiêng về, họ làm muối cá, cho tôi hai sâu (khoảng bảy cục thịt cá lớn), no nê đêm hôm ấy, và kể từ đây, tôi đi một mình qua một cái ấp khác.

Trên đường đi, tôi gặp ba em chăn trâu, để xin đổi hộp quẹt, tôi đưa ra một cây viết bích bấm, một cái áo sơmi và một cái khăn choàng cổ, cả ba em chăn trâu đồng ý đổi.

Tôi đi tiếp, vượt dãy Trường Sơn, đồi này qua đồi nọ, Sau 52 ngày vượt ngục, thứ 8 kể từ khi bị lạc đàn, một mình xuống dãy Trường Sơn, tôi đến được Thái Lan. Ở Thái Lan họ làm giấy tờ lý lịch… chuyển tôi qua trại tù ở BangKok. Sau mười ngày ở BangKok, họ đưa tôi ra trại tỵ nạn, và ở tù tiếp, bốn người bạn sau này cũng đến Thái và vào trại tỵ nạn ở tù chung, với tội danh xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp.

Tù ở Thái Lan, chúng tôi cũng hưởng đủ cả khám tối, còng chân… Sau gần hai năm và sáu tháng ở Thái Lan, năm người tù đi tìm tự do, mới được đặt chân đến đất Mỹ vào tháng 12 năm 1981.

Trên đây là chuyện anh Út kể. Còn chuyện của chị Út?

Những tháng năm đợi chờ, thư của anh gửi về luôn bị thất lạc, cái xã nhỏ bé "bưu điện xã" luôn là sự tò mò nếu ai có thư gửi từ Mỹ trong thời gian năm 1980, họ xé thư để tìm tiền đôla Mỹ nếu có, họ xé thư để tò mò dưới nhiều hình thức khác nhau, chị Út là một nạn nhân, chị không nhận được thư nào của anh trong nhiều năm.

Một ngày thằng bé học trò của chị, làm việc đưa thư ở Xã, thấy thư người nhận là tên cô giáo cũ, nó vui, có lẽ nó vui hơn cả chị Út, chị nghĩ thế, vì chị kể khi chị nghe được tiếng "la làng" tiếng la lớn lắm từ ngoài ngõ, ngoài làng... cô ơi có thư, có thư của thầy...

Dầu sao chị cũng còn có một người học trò tử tế nhất ở cái xã này. Từ đó thư từ đều đặn hơn, chị nhận được giấy tờ anh bảo lãnh mẹ con chị qua Mỹ. Phòng Giáo dục của Huyện bắt chị "làm đơn xin thôi việc". Có ai muốn xin thôi việc đâu nà, chị nói vậy đó, khổ quá mà, thôi việc thì mẹ con chị làm gì để sinh sống đây? Nhiều câu hỏi mà không có ai trả lời giúp chị lúc đó.

Chị đem con về quê ngoại, dựng cái chòi lá ngoài ruộng, làm nghề quăng mạ, cấy mướn. Từ trên bờ ruộng, chị quăng mạ cho hàng người dưới ruộng cấy lúa, chị đạp phải cái gai của cây dứa gai, gai nhọn cắt chân chị, nhưng chị vẫn kiên nhẫn theo hàng người cấy lúa, sao cho đám mạ được quăng đúng nơi người cấy cho nhanh, sao cho lúa cấy được ngay hàng.

Đêm về, đôi chân chị đau nhức, tủi thân chị khóc, nhìn hình Ba Má chồng trên ban thờ chị khóc. Những lúc một mình ngoài đồng vắng chị khóc, khóc to hơn nữa cho tan ra những cơ cực hòa với đất trời bao la. Một con chim lẻ loi nghe tiếng khóc quá to của chị chợt vụt cánh bay tung lên, chị giật mình men theo đường đất nhỏ đi tìm nó, chị kể, đi tìm nó miết mà không thấy, giờ chị nhớ lại hình ảnh con chim đó, nó đẹp lắm em à.

Chờ mãi gần tám năm, hồ sơ bảo lãnh của chị bị tụi văn phòng bảo lãnh của việt cộng giục mất hết. Chị kể tiếp, may mắn sao có thằng cháu họ xa xa... làm công an than thở về vụ bảo lãnh với thằng bạn công an của nó, thằng này chuyên làm việc cho phòng di trú ở SàiGòn. Thằng "công an di trú" bàn với thằng cháu muốn xem lại hồ sơ của chị, may quá chị còn giữ và photocopy, làm lại hồ sơ mới, với điều kiện thời đó là một cây vàng năm 1990, em hỏi tiền ở đâu chị có hả? Chị giành dụm chắt chiu từ quà và tiền anh Út gửi từ Mỹ về, từ tám năm qua; tiền từ đủ thứ nghề của anh ở nước Mỹ; tiền công lao mồ hôi đầy đồng của chị nữa; chị thí cô hồn cho tụi nó hết để cùng con qua gặp anh Út.

Bọn "cô hồn các đảng việt cộng" đã “no nê” sau khi cầm tiền của chị, và 3 tháng sau chị và con trai có đủ giấy tờ để leo lên máy bay qua Mỹ đoàn tụ cùng anh Út năm 1990.

Qua Mỹ, anh chị cũng đủ thứ nghề, chắt chiu từ những cơ cực, ba năm sau, năm 1993 anh chị tậu được căn nhà. Mái ấm của anh chị cùng con cháu trụ vững đến hôm nay, năm 2013.

Hiện giờ, sân vườn nhà chị nhiều cây trái, đủ loại cây trái quê hương và hạnh phúc ngập tràn của anh chị cùng con cháu, cùng bạn hữu gần xa...khi nhớ về kỷ niệm vui, buồn, khổ, đau...mà anh chị đã trả đủ trong cuộc đời.

Tôi nghi lại chuyện này kính tặng anh chị Út Luông.

Châu Hà

Ý kiến bạn đọc
07/09/201303:23:22
Khách
Cám ơn Châu Hà đã viết câu chuyện Đi tìm tự do của tôi . Tôi rất xúc động ,bùi ngùi nhớ lại một thời gian khổ đã qua . Cái chết trong gan tấc. Thành thật cám ơn.......cám ơn.
Út Luông.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến