Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Mẹ Tôi 104 Tuổi

24/08/201300:00:00(Xem: 77578)
Tác giả là một thuyền nhân, đến Mỹ từ 1982. Tại Việt Nam trước 1975, bà là một dược sĩ. Định cư tại Virginia bà làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết “Lời Cám Ơn Của Mẹ Tôi”, kể chuyện bà Mẹ 90 tuổi thi đậu Quốc Tịch Mỹ, Nguyên Phương đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007. Nhân vật Bà Mẹ tức thân mẫu của tác giả cũng là vị độc giả lão thành của bộ sách Viết Về Nước Mỹ. Cụ bà nay đã từ trần, hưởng đại thọ 104 tuổi. Tang lễ Cụ, có các tác giả VVNM tại vùng Vịnh đến thắp nhang, đưa tiễn. Sau đây là bài viết của Nguyên Phương cho mùa Vu Lan năm nay.

Mẹ tôi đã ra đi nhẹ nhàng năm bà tròn 104 tuổi thọ. Như trong một giấc mơ, Mẹ nằm đó, nét mặt bình thản như đang ngủ, giấc ngủ thiên thu.

Mẹ tôi mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, ông ngọai tôi có vợ khác. Học sắp xong để thành cô giáo thì Mẹ tôi bị buộc phải bỏ ngang việc học, để được gả chồng. Tôi nghe kể, trước ngày vu qui, mẹ và bố tôi chỉ thấy nhau duy nhất một lần, khi bố tới nhà và mẹ được phép bưng tách nước ra mời.

Gia đình bố tôi có mười anh em, khi mẹ về làm dâu, nhà đông, nhiều việc, mẹ tôi tính vốn ít nói, nên đành “tay chân đỡ mồm miệng.” Ngày tháng dần trôi, bố tôi đổi đi xa làm việc, Mẹ đi theo, thóat được cảnh nhà chồng khó khăn, nhưng rồi việc làm của Bố tôi cứ di chuyển hòai, nay đây mai đó. Khi các anh tôi đến tuổi đi học, Mẹ vì các con không đi theo Bố nữa, mở một cửa hàng nhỏ buôn tần, bán tảo.

Bố tôi cố thu xếp công việc để không phải xa nhà, đó là thời gian hạnh phúc nhất của Mẹ. Nhưng chỉ được vài năm, khi Mẹ sanh cô em út của tôi thì bố tôi ngã bệnh và qua đời khi em chưa tròn một tuổi.

Một mình, vừa làm cha vừa làm Mẹ để nuôi một đàn con, Mẹ tôi có những nghiêm khắc của người cha, nhưng vẫn đầy tình yêu thương mềm mại của người Mẹ. Nỗi cực nhọc của Mẹ thật vô bờ. Một mình Mẹ buôn bán, nhà không người làm nên sau một ngày dài bán buôn Mẹ còn phải lo cơm nước, giặt giũ, chăm sóc lũ nhỏ, chị lớn tôi lúc ấy chỉ mới mười hai tuổi.

Tôi vẫn luôn nhớ lời Mẹ nhắc nhở chúng tôi “Mẹ không có tài sản gì để lại cho các con, ngòai lời nhắc là phải lo mà học. Cuộc đời Mẹ, Mẹ đã không được học cho trọn nên niềm ao ứơc của Mẹ chỉ là được nhìn thấy các con thành danh. Vì vậy các con nên cố gắng học hành để mai sau có tương lai tốt đẹp.”

Khi tôi thi đậu vào trường Trưng Vương, Mẹ đã bỏ căn nhà đang ở trên đường Ngô Tùng Châu, thuê một căn khác, dọn nhà để tôi đi học cho gần trường. Sau này, theo gương Mẹ tôi luôn luôn tìm nhà ở nơi gần trường học tốt, gần thư viện để cho con tôi thuận tiện trong việc học hành.

Dưới con mắt chúng tôi, Mẹ là một vị Bồ Tát. Mẹ không thường đọc kinh sách nhưng Mẹ có một niềm tin nơi Đức Phật, luôn chỉ dậy chúng tôi những điều hay lẽ phải ở đời. Mẹ tôi sống theo đức tin giản dị là ăn hiền ở lành, thờ Phật và ông bà. Ngày còn bé tôi không có một ý niệm gì về Phật pháp chỉ theo Mẹ đi lễ chùa trong những ngày lễ lớn.

Năm 1954, khi đất nước chia đôi, Mẹ tôi đã một mình mang các con vào Nam, bỏ lại sau lưng tất cả những gì Mẹ đã tạo dựng được. Mẹ sẵn sàng làm lại từ đầu, không ngần ngại. Những ngày đầu di cư, gia đình vất vả, chúng tôi được một ông bác họ cho ở nhờ trên căn gác xép của một căn nhà sàn bên sông. Tôi và em tôi còn bé, Mẹ tôi luôn luôn nhắc nhở không được bén mảng tới khu sau nhà sợ chúng tôi ngã xuống sông.

Nhớ Sàigòn thuở ấy, khi còn nhỏ chúng tôi không hiểu được nỗi buồn và nỗi lo của Mẹ nơi xứ la, chỉ thấy vui thích khi được cầm tờ giấy một đồng xé làm đôi để trả $0.50 cho ly đá nhận mát rượi trong những buổi trưa hè.

Dần dà, anh lớn của tôi cũng học xong, về ở chung với gia đình, Anh đã có việc làm nên những ngày sau thời mới di cư, gia đình chúng tôi cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Bắt đầu từ đây anh đã áp dụng đúng câu “quyền huynh thế phụ” anh phụ Mẹ nuôi nấng dậy dỗ các em, giống như một người cha của chúng tôi. Ngoài giờ đi làm anh vẫn tiếp tục học, với anh việc học không bao giờ ngừng. Buổi tối anh thừơng kèm chị em tôi học thêm những khi cần luyện thi.

Hồi mới di cư vào Nam, không có trường học nên phải học sinh di cư phải học nhờ trường Tôn Thọ Tường vào những giờ trường nghỉ bình thường. Chúng tôi phải học hai buổi, một buổi hai tiếng vào giờ trưa sau giờ học của lớp sáng, hai tiếng còn lại vào buổi tối sau giờ tan học của lớp chiều. Mỗi trưa, từ Khánh Hội, Mẹ phải đưa tôi đi học bằng đò, rồi ngồi chờ cho đến khi tôi tan học. Xuất học buổi tối thì có anh tôi đưa đón.

Tuy cảm nhận được nỗi cực khổ của Mẹ nhưng tôi cũng rất thich thú được ngồi trên con đò, thò tay xuống nước để cảm nhận được con đò đang lướt trôi.

Rồi thời gian qua, nhờ công của Mẹ và anh, chúng tôi cùng tốt nghiệp đại học, đi làm, hai anh đã lập gia đình và ở riêng. Mẹ tôi đã đỡ vất vả chỉ có việc ở nhà lo cơm nước cho chị em chúng tôi. Nhưng yên chẳng bao lâu rồi chiến tranh lan rộng và Sài Gòn xụp đổ.

Với tôi, những quyết định của Mẹ bao giờ cũng đúng và sáng suốt. Bản tình thụ động, tôi thường theo ý của Mẹ tôi cho đến khi tôi lập gia đình. Chuyến vượt biên của tôi cũng do Mẹ sắp xếp và cuối cùng Mẹ chỉ nói ngắn gọn “Con lo sửa soạn, tuần sau thì lên đường”. Tôi bàng hòang không muốn rời xa Mẹ. Ngày tôi lên đường Mẹ không khóc mà chỉ nói “Con đi bình an, Phật Bà sẽ phu hộ cho con”. Tôi bước đi không dám nhìn lại vì chỉ một cái quay đầu lại nhìn Mẹ là tôi sẽ không đi nổi nữa. Tôi không biết rằng Mẹ đã cố cầm những giọt nước mắt để tôi được an tâm ra đi. Chỉ sau khi tôi đã đến nơi bình an, chị tôi mới cho biết rằng ngay sau khi tôi đi, Mẹ đã ngã bệnh và anh tôi phải đưa Mẹ vào bệnh viện săn sóc.

Những ngày đầu nơi nước Mỹ, những khi đi chùa tôi thường tìm các bà cụ vấn khăn nhung để lại gần và để tưởng tượng là mình đang gần Mẹ. Những thư đi thư về thời đó mất cả tháng trời, nhưng Mẹ vẫn viết thường xuyên cho tôi.

Chín năm sau khi tôi rời quê hương thì Mẹ tôi cũng đến được nước Mỹ do ông anh lớn của tôi bảo lãnh. Tai Mẹ điếc hơn xưa, tóc Mẹ bạc hơn xưa, tính cương quyết của Mẹ tôi vẫn còn nhưng cộng thêm tật hay tủi thân. Mẹ thường than thở, ở nhà một mình, tôi đi về là Mẹ con tôi vào phòng “đóng cửa dậy nhau” vì các con tôi phải làm homework và tôi phải lo học hành.

Vì công việc của chồng, tôi phải dọn nhà qua miền đông, khí hậu lạnh nên Mẹ tôi ở lại Cali cùng với cô em tôi, con gái út của Mẹ.

Năm năm sau Mẹ thi quốc tịch, Mẹ vẫn còn minh mẫn vô cùng, có lẽ vốn liếng tiếng Pháp của Mẹ khi còn đi học đã tương đối giúp Mẹ dễ dàng trong việc học thi. Để cám ơn nước Mỹ, Mẹ đã trở thành công dân Mỹ khi Mẹ 90 tuổi, chúng tôi rất hãnh diện về Mẹ.


Ngày tôi được lãnh giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ của Việt Báo, Mẹ tôi rất tiếc vì đường xá xa xôi không tham dự được. Mẹ rất cảm động khi tôi mang về tặng Mẹ quyển “Viết Về Nước Mỹ” trong đó có bài của tôi viết về Mẹ. Quyển sách dầy với những mẩu chuyện được viết từ chính những người Việt tỵ nạn kể về cuộc sống mới nơi quê hương thứ hai của mình. Mẹ tôi rất thích bộ sách lịch sử ngàn người viết này nên từ đó mỗi năm tôi phải tìm mua cho được một cuốn để làm quà tặng Mẹ. Ngoài ra Mẹ tôi vẫn thường đọc sách, báo, truyện… theo rõi tình hình kinh tế và chính trị. Ngày bầu cử của năm 2008, Mẹ nhất định phải cho Mẹ đi bầu và phải vào phòng phiếu chứ không chịu ở nhà gửi phiếu đi. Mẹ nói:

- Mẹ cũng là công dân Mỹ. Mẹ muốn đi bầu.

Mẹ sống một cách bình an, tự tại. Sáng dậy Mẹ phải ngồi trước bàn thờ tụng kinh, lần tràng hạt rồi mới ăn sáng.

Điều làm tôi phục Mẹ nhất là ngay cả khi đã 100 tuổi, Mẹ vẫn không ngừng tay đan len. Mỗi lần đi chợ Mẹ hay la cà vào khu bán len ngắm nghía rồi mua. Gần như quanh năm suốt tháng, Mẹ ngồi cặm cụi bên những sợi len để hòan thành những chiếc áo len đủ cỡ. Những chiếc áo len xinh sắn đó sẽ được Mẹ gói ghém cẩn thận đưa chị tôi mang gửi về Việt Nam, tặng các em trẻ mồ côi hoặc khuyết tật. Thỉnh thỏang Mẹ cũng gửi tiền về giúp đỡ những chị người làm cũ của gia đình tôi. Tấm lòng của Mẹ luôn nghĩ đến những người kém may mắn. Từ thuở Mẹ còn trẻ tôi vẫn nhớ thỉnh thoảng Mẹ lại mang bà cô họ, cháu họ … về nhà trông nom săn sóc.

Lâu lâu Mẹ lại than “hồi này Mẹ lẫn rồi, thỉnh thoảng cũng phải tháo ra đan lại” chúng tôi cười và an ủi Mẹ “Mẹ đã trên một trăm tuổi rồi Mẹ mới lẫn, chúng con bây giờ cũng đã hay quên rồi Mẹ ạ”.

Lần tôi về thăm Mẹ tháng bẩy năm 2010, không hiểu sao nguyên một tuần nghỉ phép đó tôi chỉ ngồi bên cạnh Mẹ, nói chuyện với Mẹ. Lúc này Mẹ đã điếc nặng, tôi phải viết ra giấy để Mẹ đọc và Mẹ trả lời. Có một buổi chiều hai mẹ con toàn nói chuyện về Phật pháp, tôi đã giải thích cho Mẹ về bàn tay của đức Phật A Di Đà, ngài đưa tay ra để cứu vớt, tiếp dẫn chúng sinh, Mẹ nói đây là lần đầu tiên Mẹ được nghe như vậy.

Hai tháng sau Mẹ ngã, không nặng lắm nhưng Mẹ yếu dần và không chịu ăn, các con đưa Mẹ vào nhà thương tôi bay về thăm Mẹ. Nhìn Mẹ gầy yếu trên giường bệnh, tôi nhắc lại về bàn tay của đức Phật Di Đà, hỏi Mẹ còn nhớ không, Mẹ cười và rút tay ra khỏi chăn và làm giống như tay phải của đức Phật đang tiếp dẫn chúng sinh. Hai Mẹ con ngồi bên nhau và tôi giúp Mẹ niệm Phật A Di Đà. Theo như chương trình của tôi và vé máy bay đã mua, tôi phải trở về một tuần sau đó, thấy Mẹ có vẻ không được khỏe, tôi hoãn lại ngày về. Các con của tôi thấy tôi ở lại, đều tức tốc bay sang thăm bà. Gặp các cháu Mẹ tôi vẫn cười, tỉnh táo hỏi thăm từng cháu một về công việc làm, về tình trạng gia đình.

Sau hai tuần dù nán lại tôi cũng không ở thêm được nữa, thấy Mẹ cũng đã tươi tỉnh và ăn được tàm tạm chúng tôi trở về và theo rõi tình trạng sức khỏe của Mẹ qua sự thông báo của chị tôi.

Trước đó Mẹ tôi không hề có bệnh gì nặng, thỉnh thoảng Mẹ chỉ cần vài viên Tylenol cho những cảm cúm sơ sơ, hay thỉnh thoảng cho những cơn nhức mỏi. Mẹ tôi hay cằn nhằn mỗi khi đi bác sĩ “bà bác sĩ này dở, cứ bảo Mẹ không có bệnh gì”.

Vì Mẹ tôi bị điếc nặng, chúng tôi ở xa không thể nói chuyện với Mẹ qua điện thoại được, thường chỉ email hoặc đưa Mẹ cái phone để nghe Mẹ nói mà thôi, thỉnh thoảng cũng vào webcam để Mẹ con được nhìn nhau. Chúng tôi thường bảo nhau có lẽ tại Mẹ điếc nên Mẹ sống lâu vì trời gọi mà Mẹ không nghe để dạ (các cụ ta thường có câu “trời gọi ai người nấy dạ”).

Tôi luôn luôn sống hồi hộp trong sự báo động, cho đến một buổi tối chị tôi gọi giọng nghẹn ngào... Mẹ đã đi rồi.

Tôi lặng người không hỏi được câu nào, chỉ thầm niệm Phật để Mẹ đi được bình an.

Chị tôi kể chiều hôm đó, chị xin phép Mẹ đẩy xe lăn cho Mẹ ra vườn chơi như mọi ngày, Mẹ từ chối “hôm nay Mẹ mệt, thôi cho Mẹ vào nằm nghỉ”. Chị tôi đỡ Mẹ lên giường ngồi chơi nói chuyện với Mẹ một lúc rồi đi về. Hai tiếng sau thì nhà thương gọi tới báo tin Mẹ sắp mất, chị tôi vào Mẹ còn mở mắt, mắt hơi lạc thần rồi đi luôn. Mẹ đi một cách nhẹ nhàng bình an ở tuổi 104,

Vẫn biết tôi có bay qua thì cũng muộn rồi nhưng ngay tối hôm đó tôi đã book vé máy bay để hôm sau đi liền. Tôi không thể ở lại thêm một giờ nào nữa, cho dù tôi không được nhìn thấy Mẹ cho đến ngày người ta mang Mẹ ra nhà quàn, tôi cũng cứ đi.

Qua đến nơi, cùng anh, chị, em tôi lo làm những thủ tục mà Mẹ tôi đã dặn sẵn, Mẹ tôi thích các con phải mặc áo sô, chúng tôi đi đặt may áo sô, tờ cáo phó Mẹ tôi đã viết sẵn từ vài năm trước mà thỉnh thoảng Mẹ tôi vẫn coi lại và thay đổi, chúng tôi lấy bản mới nhất của Mẹ đem đi đăng báo. Đủ loại công việc gấp gáp tới mức không có cả giờ mà buồn nữa. Việc hậu sự làm đúng như lời Mẹ tôi dặn là miễn phúng điếu. Mẹ tôi luôn luôn không muốn làm phiền đến các con, Mẹ đã dành dụm tiền từ lúc nào để làm ma cho Mẹ, số tiền còn dư thì để đóng góp thêm cho việc in kinh sách.

Ngày làm lễ phát tang, chúng tôi đến từ sớm chờ sẵn ngoài cửa. Khi thầy đến làm lễ, người ta đẩy Mẹ ra, chúng tôi cố giữ trang nghiêm tiếp tục tụng kinh. Theo lời dậy của thầy, chúng tôi cố không khóc, không tỏ vẻ bi ai để Mẹ tôi khỏi lưu luyến khi chia tay. Sau khi thầy ra về chúng tôi ở lại nhắc lại những điều hay những điều dí dỏm mà Mẹ tôi thường làm, nói lại cho nhau nghe, dần dần chúng tôi cũng quên buồn và nghĩ mừng cho Mẹ đã cởi bỏ chiếc áo cũ mà ra đi một cách nhẹ nhàng.

Nếu Mẹ nhìn thấy chắc Mẹ sẽ mỉm cười khi thấy những cây bút quen biết của bộ sách Viết Về Nước Mỹ mà Mẹ yêu thích như các chị Iris, Khôi An, Mão Nguyễn... đều đến thắp nhang tiễn đưa mẹ.

Anh em chúng tôi nghẹn ngào nói lời chia tay và cầu chúc Mẹ được siêu sinh tịnh độ. Tôi đã nức nở, thì thầm đọc cho Mẹ nghe:

Hôm nay chúng con cùng về đây
Một lần cuối bên Mẹ sum vầy
Chúng con xin cùng nhau cầu nguyện
Mẹ mau về cực lạc phương tây
...
Mẹ ơi!
Con nhớ lần trước con về thăm
Mẹ nhìn con ánh mắt băn khoăn
Nhưng Mẹ cười khi nghe con nhắc
Bàn tay Đức Phật Di Đà ân cần

Mẹ nhẹ rút tay ra khỏi chăn
Đưa tay như Đức Phật Di Đà tiếp dẫn
Mẹ cười tươi đẹp như thiên thần
...


Năm đầu tiên đi dự lễ Vu Lan tôi ngậm ngùi nhận bông hồng trắng, tình cờ nhìn lên hàng ghế trên thấy một bà một tay nhận bông hồng trắng một tay chùi nước mắt.

Năm nay, mùa lễ Vu Lan thứ ba tôi nhận bông hồng trắng.

Nguyên Phương

Ý kiến bạn đọc
29/08/201320:57:30
Khách
Chuyện đọc rất cảm động làm cho tôi nhớ đến Mẹ tôi. Một người đã tần tảo nuôi mười hai đứa con.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,621,359
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.