Hôm nay,  

Ngày Vui Qua Mau...

20/08/201300:00:00(Xem: 490322)
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007 và liên tục góp nhiều bài viết đặc biệt. Sang năm thứ XIII-XIV, với “Hụt Hẫng Bài Học Mỹ” và “Con Rơi Con Rớt”, ông nhận giải Vinh Danh Tác Giả. Bài viết mới của Phan là chuyện nhà báo đi lạc từ nơi chàng gọi là “xứ nóng tình hờ” đến “Quận Chanh”, thay vì quận Cam.
phan-kc_resized
Phan nhận giải Vinh Danh do nữ nghệ sĩ Kiều Chinh trao tặng.
1.
Trong đời sống bây giờ, một niềm vui nhỏ như viên kim cương chỉ bằng nửa hạt đậu xanh. Nhưng người chồng có nhã ý tặng người vợ từ năm trước, thì năm tới anh ta cũng chưa mua được. Bởi check tiền lương của anh ta chưa về thì xấp bill chờ thanh toán trên bàn viết (kệ bếp) đã dầy hơn tấm check tiền lương gấp bội; (nếu là anh đang trong hoàn cảnh thất nghiệp thì không còn gì để nói nữa!) Hay một khoảnh khắc được vui trong đời sống bây giờ cũng thế! Giả sử như bất chợt thấy một thanh niên cầm tay, dắt bà cụ không quen qua đường; hay một người lớn móc túi mấy đồng bạc cắc để tặng không cho đứa bé không quen khi thấy mắt nó dán mắt vào những viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ trong tủ kẹo ở cửa chợ... Chính những khó khăn của đời sống bây giờ đã làm cho cuộc sống bớt đi nhiều hình ảnh đẹp, sự thi vị vốn có của cuộc sống muôn màu, khi mười người thì chín người đã lâm hoàn cảnh lực bất tòng tâm, cái khó bó cái khôn.

Niềm vui mong manh trong đời sống bây giờ mà nói đến cả ngày vui thì hơi nói quá! Lại còn tiếc rẻ là sao ngày vui qua mau thì thật là tham lam. Nhưng kỳ thực tôi đã có được những ngày vui (hiếm hoi) trong suốt những năm dài làm con ma đêm với chữ nghĩa. Đó là những ngày vui hội ngộ của giải Viết Về Nước Mỹ năm 2013.

Trong không khí hội ngộ của người Việt hải ngoại ở bất cứ thành phố nào trên nước Mỹ, (thế giới) thì cũng hoan hỉ người về từ những thành phố khác, đất nước khác; hân hoan đón chào của bạn hữu địa phương. Hình ảnh từng nhóm người vui, nói, cười trên đường phố, trong quán ăn, nơi chợ... rất dễ dàng nhận ra là người điạ phương đang hướng dẫn bạn bè từ xa về. Khác với bạn bè chung thành phố, họ thường yên lặng đi bên nhau, dường như chỉ để chia sẻ cái nhọc nhằn viễn xứ...

Nhưng tôi đến Quận Cam mà cứ tưởng quận chanh vì chua thật. Cái ông Hãng máy bay AA bán vé "none stop" từ Dallas-Fort Worth Airport đến John Wayne Airport. Thế mà đổ tôi xuống Los Angeles. Rồi bỏ con giữa chợ đời - đầy Mỹ đen lãnh cảm. Họ mặc đồng phục nhân viên AA trong phi trường Los, đi tới đi lui khệnh khạng. Nhưng chỉ để lãnh lương vì tôi hỏi ai thì họ cũng bảo là chờ họ một phút... rồi họ lặn mất tiêu!

Tôi hỏi người phụ nữ Mễ, hành nghề quét dọn trong phi trường. Cô ta là người tử tế nhất ở Los. Cô ta nói: "Ông đã ra khỏi phi trường. Bây giờ muốn trở vô thì phải qua thủ tục khám xét. Chắc chắn là trễ chuyến bay chuyển tiếp ông về John Wayne. Và ông sẽ phải mua vé, chừng $150. (Còn chuyện ông đi none stop đến John Wayne - sao lại bỏ ông xuống Los thì tôi không biết!) Nếu bây giờ ông đi taxi về phi trường John Wayne, thì chừng $120. Tiết kiệm nhất là ông ra đón Super Shuttle để về Bolsa, chỉ khoảng $40..."

Tôi cảm ơn Phật bà dưới thế vì Phật bà trên trời trắng hơn cô ta nhiều. Sau đó, gọi cho bà Phật Huyền Thoại đang trên đường từ San Jose về Quận Cam bằng xe, "Chị ơi! AA bỏ em xuống phi trường Los mất rồi. Chị đã tới đâu? Ghé đón em được không?"

"Chị bị ngược đường rồi Hai Lúa! Hì hì... Bây giờ em ra ngoài, đón Super Shuttle về Bolsa, là rẻ nhất..."

Song. Điện thoại reo liên miên, nhà văn Huy Phương gọi tôi ơi ới, "Phan đứng đâu, sao tôi không thấy..."

Thấy thế nào được, anh lái đã ba vòng ở phi trường John Wayne, trong khi tôi đứng bơ vơ bên đời hờ hững ở phi trường Los thì sao gặp được... Thật thương người bạn lớn tuổi trong làng báo chí hải ngoại là lúc nào anh cũng hăng hái, nhiệt tình với đồng nghiệp và đồng hương; nhưng dở về mặt đồng bọn nên tuổi đời của anh đã thất thập cổ lai hy mà sự nghiệp còn bơi trên dòng nước ngược hoài.

Cuộc hội ngộ chưa chi đã vui ngay trên xe van mang dòng chữ Super Shuttle. (Tôi vốn hay đi lạc nên chuyện đi lạc không hề hấn tim tôi. Bình an có sẵn trong giày người hay đi lạc. Bởi không đi lạc thì người ta chỉ đến được những nơi biết trước; gặp gỡ người quen. Không hào hứng bằng những bất ngờ thú vị trên đường đi lạc.) Chuyện rằng: Ngay trên xe Super Shuttle, người tài xế với ông già hành khách, ngồi hàng đầu. Ông già hỏi anh tài xế, "cho tôi mượn cái kính mát của anh được không? Cái kính của tôi chói quá!"

Anh lái xe miễn cưỡng lột kính mát đưa cho ông già. Và chuyện cười bất ngờ thú vị là ông đưa cái kính lão của ông cho anh tài xế...!"

Cả xe cười rần vì gương mặt anh tài xế (trẻ măng) đực ra với ông già hồn nhiên như trẻ nhỏ. Ông cần cái kính của anh để mát mắt, nhưng anh đâu có cần cái kính "mù loà" của ông để không thấy đường lái xe. Sự vô tình nào cũng dở khóc dở cười và có cái duyên riêng của nó. Đặc biệt là hồn nhiên của tuổi già làm hồn siêu phách lạc người khác rất hồn nhiên...

Hàng ghế thứ nhì là hai ông bà Mỹ trắng. Hàng thứ ba - mỗi mình cô Mỹ đen; tôi ngồi một mình ở hàng ghế cuối.

Xe chạy bon bon trên xa lộ 405, may là giờ trưa nên không bị kẹt xe. Tôi quan sát cảnh trí hai bên đường, chỉ dăm phút đã chán vì cây lá xác xơ, nhà cửa cũ kỹ... Nhưng lòng riêng thắc mắc mà không dám hỏi chuyện gì, sao cô Mỹ đen (ngồi hàng ghế trước tôi, cứ khúc khích mà không dám cười ra tiếng?)

Thì ra, tôi đã thấy ông già Mỹ trắng đang kẻ chân mày cho bà vợ. Trời đất! Xứ Mỹ cũng có Chung Vô Kỵ nữa sao trời! Nhưng nhìn kỹ thì đoán được thời trẻ, bà cụ này đẹp lắm! Và ông cụ, tuy đã già rồi, nhưng vóc dáng xa xưa của ông cũng là một đấng mày râu lịch lãm, phong độ ung dung, tự tại của ông thật khả kính... Họ thật xứng đôi vừa lứa. Tôi ước gì không riêng vợ chồng mình, mà cả, (hết) những đôi vợ chồng người Việt - khi ra đường cũng đối xử với nhau như thế, tự nhiên như Mỹ.

Ông cụ kiên nhẫn nghe những lời cằn nhằn - sau khi bà cụ soi gương. Ông kiên nhẫn vẽ lại với nụ cười thật tươi trên môi ông, và những lời thì thầm mùa hạ của bà cụ... chắc là giận thì giận mà thương thì thương...

Xe bỗng rẽ vào một exit, loanh quanh vài con đường nhỏ và đậu trước một tư gia. Thật không ngờ bà cụ chỉ xuống xe một mình! Ông già lại còn chúc bà một ngày vui, hạnh phúc...

Tôi thật chả hiểu nổi họ trên suốt đoạn đường xe trở ra xa lộ và tiếp tục xuôi nam. Nhưng đến khi ông già xuống xe - cũng như bà cụ, là xe vô exit, loanh quanh vài con đường nhỏ. Cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà. Chỉ khác bà cụ là không ai chúc ông cụ một ngày vui, hạnh phúc... Có lẽ những người có mặt trên xe đều còn trẻ nên ham hố niềm vui và hạnh phúc hơn tuổi già nên họ (cả tôi) chẳng sẵn lòng chúc người khác một ngày vui, hạnh phúc... Dường như tuổi già là tuổi cho đi; còn tuổi trẻ là tuổi tìm kiếm và giữ lấy. Như tôi đang đi về phía niềm vui hội ngộ chờ đợi và sẽ giữ lấy làm kỷ niệm cho riêng mình. Dù chỉ là những ý nghĩ thoáng qua trên đường gió bụi, nhưng hạt bụi đọng lại bao giờ cũng vẽ nên chân dung của lòng ích kỷ và sự tham lam...

Khi xe lăn bánh trở lại, cô Mỹ đen ngồi trước tôi - phá ra cười với anh tài xế! Thì ra bà cụ với ông cụ không phải vợ chồng. Hai người chỉ là hành khách chung chuyến xe xuôi nam. Nhưng cụ ông thấy cụ bà vất vả kẻ chân mày, bởi tháo kính ra thì không thấy đường vẽ; nhưng mặc kính vào thì làm sao vẽ?

Cụ ông ra tay giúp đỡ, nhưng gặp phải cụ bà khó tính đến buồn cười cho người xung quanh. Đó là lý do vì sao cô Mỹ đen cứ khúc khích cười nhưng ráng không cho thành tiếng! Thật là một đôi trai tài gái sắc của thế kỷ trước còn sót lại sau năm 2000!

Anh tài xế thì có gì qua mắt anh được! Anh cười đồng tình với cô Mỹ đen. Gặp ông già ngồi đằng trước, chắc mượn được cái kính mát của anh tài xế, quá mát nên ông ngủ gục... lại còn nói mớ mới vui nhộn một chuyến xuôi nam. Vì khi anh tài xế đánh thức ông dậy để xuống xe. Ông lại cằn nhằn là cái kính sao chẳng thấy gì cả! Một ông già chẳng biết gì hơn là cằn nhằn và đòi hỏi. Ông giống nhiều người đến chẳng có gì ấn tượng về ông để nhớ.

Thế đó, đi đúng thì anh Huy Phương đã đón được mình. Và quen mặt nhau từ lâu lắm rồi nên có gì vui hơn lẽ thường hội ngộ. Phải đi lạc mới biết tuổi già và lòng bao dung của người Mỹ lớn tuổi. Nhưng tôi cũng nhủ lòng là về đến Quận Cam, đừng bắt chước ông già vẽ chân mày mà ăn bạt tai. Vì vợ dặn, bên Cali có nhiều con gấu mẹ vĩ đại lắm đó nghe anh...

2.
Hội ngộ đầu tiên của tôi ở phòng làm việc của anh Trần Dạ Từ, trong toà soạn Việt Báo. Có anh Nguyễn Khắc Nhân (mới từ San Diego lái về), Anh Huy Phương (đợi tôi ở đó). Ly cà phê "tốc hành" của bác Từ đãi anh em ngon lạ. Uống như uống nước Cam Tuyền/ từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau... vì bác Từ tặng sách không đều, ưu tiên cho thằng út từ Dallas xa xôi mới về, làm hai ông bạn già của bác sanh nạnh... Nghe mấy ông tóc bạc mày-tau với nhau thật sướng tai vì hình dung ra thời trẻ của mấy ông con giời!

Anh Huy Phương chở tôi đi ăn tô phở gà - không tệ. Nhưng có lẽ do mất thiện cảm với chén nước mắm chua ngọt bưng kèm ra với tô phở, làm mất hứng. Ẩm thực Cali phá cách không sách vở cầm tay mất rồi...

Đến chiều đi ăn bao bụng với gia đình anh Huy Phương lại thêm một so sánh khập khiễng là Cali tính tiền thì mắc (đắt) nhưng thực đơn không phong phú và thực phẩm không tươi như bên Dallas. Và có lẽ nhà hàng Tàu nên những gương mặt nhân viên thiếu vắng nụ cười...


Đêm về nhà ái nữ của anh Từ để hội ngộ cùng nhiều bạn viết khác từ xa về.

Bên ly rược đỏ - không say. Nhưng say bạn. Trò chuyện, hàn huyên với nhau đến quá nửa đêm. Không thể không nhắc đến nồi bún riêu của tác giả Phương Dung. Nhìn cô trẻ đẹp và hiện đại - không ngờ cô biết nấu bún riêu: độc đáo, sâu sắc và thâm thúy như những trang viết của cô. Làm cho căn nhà lộng lẫy mùi mắm tôm và giọng bắc, rau ráu theo tiếng nhai rau muống bào; tiếng nói cười làm nhớ nhà vô kể. Nhớ một thời dĩ vãng đã xa. Khi anh em tôi còn nhỏ, hiếm hoi đôi lần mẹ tôi nấu nồi bún riêu. Cả đám con bu vô xì xụp húp, vừa thổi vừa ăn; căn nhà cũng dậy lên mùi mắm tôm và giọng bắc tranh ăn, giành nhau những miến đậu hũ bằng lóng tay của một thời đói nghèo cả nước... Bây giờ, thức ăn (đậu hủ chiên trong nồi bún riêu) thừa mứa, thì mẹ tôi không còn nữa; không phải nhường phần mẹ cho những đứa con nữa. Nhìn những miếng đậu hủ thơm ngon, óng vàng mà nhớ nhà, nhớ mẹ đã ra người thiên cổ, còn để lại trần gian những miếng đậu chiên giòn giấc mơ con trẻ...

Sáng ra, tôi hân hạnh được cô bé Thụy Nhã (cũng là một tác giả tên tuổi của Viết Về Nước Mỹ - VVNM) đến đón chú Phan và đưa chú đi...lạc. Đó là một cô bé con nhà người bắc; gia phong chắc còn giữ lấy lề ở hải ngoại dữ lắm nên cô thưa gởi trong mỗi câu trò chuyện. Nói tiếng Việt một trăm phần trăm với tôi; không có kiểu tiếng Anh tiếng Việt pha trộn ba rọi như lũ con tôi ở nhà.

Tôi thích cô bé "truyền nhân" ngẫu nhiên của mình vì hai chú cháu đi lạc không thua gì nhau; tìm nơi anh chị em VVNM hội ngộ ở khu Bolsa Mall đã đời luôn; Thụy Nhã hỏi tôi: Sao kỳ vậy chú, con đi đúng rồi mà sao không đến...? Tôi ngước hỏi mặt trời Bolsa, có cách nào giúp cho cô bé này làm con dâu của tôi không? Vì trong nhà tôi có bốn người thì hai đứa con đã đứng về phía mẹ chúng. Nếu có cô bé này làm con dâu thì tôi bớt lẻ loi với "thế lực thù địch" của tôi trong nhà; Người đồng minh đi lạc của tôi thật dễ thương là không nổi quạu. Chắc cháu đã đi lạc từ tiền kiếp nên mới thành người Việt lưu vong...

Cảm ơn Thụy Nhã là một minh chứng hùng hồn từ Cali mà tôi có thể đem về nhà để kể lại cho má xấp nhỏ nghe là trên đời cũng có người hay đi đậu phộng (lạc) như anh!

Dù sao hai chú cháu cũng tìm ra "lò karaoke" của anh Chương. Một người anh dễ mến từ lúc gặp gỡ, càng về sau càng qúy anh với những đóng góp âm thầm cho cuộc hội ngộ VVNM năm nay. Chắc anh cũng âm thầm như thế trong những sinh hoạt thực sự mang ý nghĩa bảo tồn văn hoá Việt ở hải ngoại).

Nơi đó, (văn phòng bán bảo hiểm của anh Chương), tôi không gặp người nào đã từng gặp. Nhưng hầu như quen biết mọi người vì ít nhiều đã liên lạc qua điện thư, điện thoại. Cụm từ "gia đình Việt báo" thực sự mang ý nghĩa đích thực của từ ngữ. Mọi người không quen nhưng cứ như một gia đình, cùng về, vì tiếng gọi chung của cội nguồn nơi xa xứ. Sự ngỡ ngàng của lần đầu tiên nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt; ngoài niềm vui quấn quýt, có chút ngậm ngùi, thương cảm gì đó! Dường như ai cũng thấy ai phong sương hơn trong hình, phì nhiêu hay nhỏ thó hơn khi không photoshop... Nhưng cố quên đi cơm áo gạo tiền phủ che bề ngoài, trên nét mặt già háp bởi bảo hiểm sức khoẻ, việc làm..., quên đi những gương mặt mang đầy hoàn cảnh đi phó hội, để tình thương mến thương chan hoà trong không khí ấm cúng của tiếng hát lời ca; mấy món ăn nhẹ mang hương vị quê xa, dân dã mà dậy tình hoài hương trong lòng viễn xứ như bánh cuốn chả lụa, bám nậm gì đó, xôi, chè và mấy món tẳn mẳn ăn vặt... Tôi thấy từng người mà nhớ ra những trang viết của họ là những đêm trăn trở của loài người bị bứn ra khỏi quên hương...

3.
uổi lễ chính thức phát giải "Viết về Nước Mỹ năm 2013" được tổ chức tại Nhà hàng Trăng suông (Moonlight). Không khí tưng bừng. Ngựa xe như nước áo quần như nêm... Những nụ cười tươi rói, những ánh mắt mãn nguyện khi đã gặp được người muốn gặp... để rồi ngậm ngùi chia tay! Hội ngộ là thế, họp mặt là thế! "Uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời..."* Không biết có bao nhiêu độc giả, bạn viết đã tặng tôi giải thưởng cao quý nhất cho người cầm viết là: "Em đó hả. Trời ơi! Hôm nay mới gặp..."

Còn lời nào hơn hai tiếng "cảm ơn". Cảm ơn người và cảm ơn đời. Cảm ơn người sáng lập ra cuộc "họp viết" chứ không phải "thi viết" về nước Mỹ. Vì triệu người viết không chuyên đã cùng nhau ghi lại những trang sử sống của người Việt tỵ nạn. Cảm ơn đời xuôi ngược, đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng... nhưng vẫn có người mong gặp nhau để thoả mãn những đồng cảm qua con chữ - từ những đêm chong đèn ngồi viết lại...; chia sẻ những ngậm ngùi qua cái xiết tay nhau một lần trong đời để lẻ loi không còn là của riêng của người tỵ nạn.

Cảm xúc trong tôi dạt dào theo tiếng hỏi câu chào của nhiều người không quen nhưng thật gần vì cùng ngôn ngữ Việt nam. Có nhà báo nọ chào tôi - một cách chuyên nghiệp lắm,

"Chào Phan. Không ngờ gặp Phan nơi đây!"

"Chào anh. Xin hỏi..."

"Tôi là Tuấn - LA Times. Đã từng phỏng vấn Phan trước đây! Nhớ không?"

"Xin chào anh Tuấn. Anh vẫn khoẻ chứ?"

"Khỏe re. Phan ơi! Kiếm một chỗ ngồi. Cho tôi hỏi bạn vài câu - ngắn gọn thôi! Được không?"

"Dĩ nhiên là anh Tuấn đừng từ chối tôi - khi anh qua Dallas. Thì bây giờ được chắc!"

Chúng tôi ngồi trộm xuống hai chiếc ghế của ai đó chưa đến, hay đã đến, nhưng còn đi chào hỏi bạn bè... Anh Tuấn hỏi tôi,

"Anh là một nhà văn, nhà báo, nói chung là người cầm viết ở hải ngoại... Xin anh cho biết những thuận lợi và khó khăn của người cầm viết?"

"Thưa anh. Thứ nhất là ở hải ngoại, không có ai cầm viết cả! Mọi người đều gõ trên keyboard. Và tôi cũng không ngoại lệ..."

"Đừng đùa nữa Phan. Xin bạn cho biết khó khăn và thuận lợi của người sinh hoạt báo chí, viết lách ở hải ngoại?"

"Thưa anh. Khó khăn. Là hầu hết những người (gõ keyboard) ở hải ngoại đều không đủ sống với thu nhập khiêm tốn (của thợ gõ). Hầu hết đều phải sống bằng một ngành nghề khác. Nên thời gian và sức lực bị chia, không dồn hết được cho những trang viết. Để có kho tàng văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại đồ sộ, phong phú hơn...

"Còn thuận lợi?"

"Thưa anh. Nhờ tâm huyết của những người tạo ra diễn đàn, là những vị chủ báo, chủ đài...; tâm huyết của nhiều thiện nguyện từ chuyên nghiệp tới không chuyên nghiệp - sau một ngày bấm thẻ trong hãng xưởng; sau bổn phận với gia đình, con cái trong nhà hàng ngày... họ đã kiên nhẫn và nhiệt thành với chữ nghĩa trên từng bàn viết gia đình để hình thành nên những trang báo, trang truyện... về mọi mặt đời sống của người Việt hải ngoại. Nhờ thế, chúng ta có được kho tàng quý báu về hành trình tìm tự do và lịch sử sống của người Việt hải ngoại. Mà mục "Viết Về Nước Mỹ" do Việt báo khởi xướng là một ví dụ cụ thể.

Nói một cách khác, cái thuận lợi của những người còn ham thích gõ keyboard là trong cộng đồng người Việt hải ngoại toàn cầu, vẫn còn nhiều người còn nhiệt huyết vác ngà voi, vác thập tự... là mở ra những diễn đàn cho đồng đạo có đất dụng tâm..."

"Cảm ơn Phan đã cho biết những suy nghĩ riêng về người cầm viết ở hải ngoại. Chúc anh, không chỉ về Quận Cam lần này để dự giải: Viết Về Nước Mỹ - năm thứ 13. Chúc Phan lọt vào mắt... kính của Ban gián khảo với giải thưởng thật lớn."

"Cảm ơn anh Tuấn."

"..."

4.
Cuộc vui nào cũng phải tàn để mọi người còn ra về. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của cuộc sống; hội ngộ nào cũng tay bắt mặt mừng để ngậm ngùi chia xa. Tôi đã quay lưng với những ngày vui qua mau để trở về xứ nóng tình hờ.

Nơi đây, phi trường DFW quen thuộc. Chiếc Boeing 737 của hãng hàng không AA đã hạ cánh. Lẽ ra quên đi những cảm xúc bồi hồi trước độc giả, bạn viết; quên đi những tiền bối chỉ còn đứng một chân trên văn đàn, chân kia đã lên đường vạn dặm; quên đi những tiếng cười giòn tan, tiếng xuýt xoa nồng ớt trên bàn bún riêu nhà Hoà Bình; quên đi cái thang màu xanh dương ở nhà anh Tân cáo (ngố đâu mà ngố) đã chỉ rõ ra tính tham ăn của tác giả Thụy Nhã: tay hái, tay ăn, nách còn kẹp mang về chùm mận, nải chuối, mấy trái lê... tuổi hồn nhiên chưa qua đã lâm vòng tục lụy với đêm chong đèn ngồi chép lại mảnh đời xa xứ; quên đi chú Sáu - Thủy quân lục chiến Mỹ có vợ Việt nam nên biết hát vọng cổ, biết viết văn có dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng...); quên đi mấy chai vang không đủ say để người say không biết buồn. Hoá ra tôi đã uống xong ly rượu cùng nhau; đã hẹn mãi mãi quên nhau muôn đời với những người không cùng cha, không cùng mẹ; những người khôn cùng đã cho tôi một chỗ về trong lòng họ là tình thương mến thương.

Ai cũng cần một nơi để về. Tôi đã về đến xứ nóng tình hờ... hững, như mảnh giấy ghi note trên bàn ăn: "Em làm sẵn dĩa cơm sườn, bì, chả trong tủ lạnh. Anh nuốt không nổi thì hâm nước dùng, ăn miến gà. Em lên nhà tụi nhỏ, chắc tối không về..."

Tôi như người đi trên mây, đôi chân vô định lang thang đến bàn viết của mình trong hơi thở còn nồng hương vị bạn đọc, bạn viết..., họ đang nhảy múa trên keyboard. Trên màn hình, những con chữ không còn khô khan, vô nghĩa như bản chất của nó; những con chữ mang niềm xúc cảm của tình thân và lòng tận tụy của mỗi người với văn hoá Việt ở hải ngoại.

Cảm ơn Việt báo. Đã mở ra sân chơi chữ nghĩa "Viết Về Nước Mỹ" để mọi người thấy mình trong mỗi người.

Viết từ Dallas, Aug 12/2013
Phan

Ý kiến bạn đọc
21/08/201321:04:11
Khách
Cám ơn tác giả Phan về một bài viết thật hay.
20/08/201315:50:06
Khách
Cám ơn tác giả. Hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến