Hôm nay,  

Những Ngày Giờ Cuối& Đưa Bà Ra Biển

31/07/201300:00:00(Xem: 54601)

Bài số 3968-14-2938v4073113

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose người được cử chăm sóc Bà Trùng Quang liên tục hơn 6 năm cuối đời. Bà Trùng Quang sinh ngày 1 tháng Một 1912, từ trần ngày 6 Tháng Chín 2012, hưởng đại thọ 101 tuổi. Deborah Tường Vân viết về Bà với lời ghi “Để tưởng nhớ Cụ, vị nữ lưu kính mến mà tôi được vinh dự chăm sócï.” Bài được viết ngay sau hôm “Đưa Bà Ra Biển” mùa thu 1012, nhưng theo sự dặn bảo của Cố nữ sĩ Trùng Quang, tới nay mới được phép phổ biến.

ba_trung_quang_2010-large-contentBà Trùng Quang 2011, sau ngày mừng sinh nhật trăm tuổi.

***
Thế là Cụ ở trong Viện dưỡng lão này đã một năm rưỡi. Cụ có thể tự mình xử dụng xe lăn tay một cách thành thạo để đi chung quanh, thăm lại những người hàng xóm cũ ở bên trại 1. Cụ ăn nhiều hơn nên hai má thấy phinh phính ra, con cháu con đều mừngï. Nhưng chỉ ba tháng sau, Cụ bỗng không chịu ăn, bảo đồ ăn chán lắm.
Cuối tháng, như định kỳ, có hai y tá kéo máy cân đến để theo dõi bệnh nhân tăng hay giảm cân, Cụ được bỏ vào cái giỏ lưới luồn vào dưới thân cách khéo léo rồi kéo lên cao. Nét mặt Cụ bỗng tỏ ra hốt hoảng theo tốc độ lên cao của máy cân. Số cân hiện lên rất rõ trên bảng của máy cân. Tháng này Cụ sụt thêm 5 pound.
Đến chiều cô Tuyết vào thăm, hỏi:
- Bà có biết bà được mấy chục cân không?
Cụ không trả lời, nói lảng sang chuyện khác. Sau khi cô cháu ra về, Cụ bảo tôi:
- Cô Vân này, tôi buồn cái Tuyết lắm... tại sao lại hỏi tôi nặng mấy tấn? Chắc nó quên một tấn là 100 ký lô. Tôi nhìn trên bảng thấy số 78. Thế thì phải chia đôi ra, như vậy tôi nặng khoảng hơn 30 kí lô mà thôi!
Dễ nể Cụ mình chưa?
Làm ngay một bài toán có đáp số hẳn hoi! Chỉ có điều Cụ không hề nhớ là mình nặng tai. Cô Tuyết nói mấy chục “cân”, Cụ nghe ra là “tấn” nên thản nhiên giận. Sáng hôm sau bác Thơm vào thăm cắt lê mời Cụ xơi và nhắc:
- Bà nên ngồi xe tự lăn loanh quanh cho vui lúc nào cô Vân vào thì Bà khỏi phải làm.
Cụ lý luận ngay:
- Không có cô ấy thì tôi tự đi, bây giờ có cô ấy ở đây thì tôi “nhờ”. Có xe hơi thì phải đi xe hơi, khi không có xe thì đành đi bộ vậy!
Chắc như đinh đóng cột, đó là lúc Cụ “tự ái dồn dập” vì tự cho là mình bị con cháu xem thường!
Dạo này Cụ thường nhớ lại thời còn ở nhà, một mình một cõi. Khi nhắc đến những việc trong nhà ngày trước, nét mặt Cụ linh hoạt hơn:
- Cô Vân mở tủ lạnh còn trái cây không mà mua thêm...
- Vịt mà luộc mềm ăn với nước mắm gừng ngon lắm đấy!
- Lấy riêu cá bông lau ra ăn hết rồi mua con cá chim vàng chiên dòn...
Có lẽ Cụ nhớ lại những bữa ăn trưa của hai bà cháu, trước khi bị té ngã. Thời ấy Cụ ăn ngon lành, chân còn đánh nhịp dưới gầm bàn ra chiều thích thú. Còn bây giờ... Tôi an ủi Cụ:
- Bà cố gắng ăn nhiều cho khỏe, ngừng một chút rồi lại ăn tiếp nhé!
- Cô ăn thử đi, ngày nào cũng giống nhau... Toàn là thức ăn xay nhuyễn.
Cuối mùa Hè thì Cụ yếu đi thấy rõ, di chuyển phải có hai người nâng đỡ. Điều này làm Cụ khốn khổ hơn.

Buổi chiều cuối cùng

Chiều nay tôi vào sớm hơn. Cụ nằm mở mắt tỉnh táo, đưa tay ra vẫy tôi.
- Cô Vân này, tôi sợ qua. Tỉnh rồi vẫn còn sợ...
- Bà lại mơ chứ gì? Có gì mà sợ.
Cụ nhướng mắt lên nhìn, có vẻ hoảng.
- Tôi thấy “đường kinh của mình” đang loạn.
Tôi cố làm tỉnh, nhưng lo. Không biết Cụ hoảng loạn gì đây. Cụ nói tiếp một hơi:
- Xe cộ đi lại nhiều lắm. Việt cộng đầy đường...
Tôi thở phào hiểu ra. Nhà cũ của Cụ ở đường King Road. Chỉ vì cụ nói “đường kinh của mình đang loạn” đã làm tôi rối trí. Còn chuyện ác mộng thấy... việt cộng thì chính tôi cũng đã từng nằm mơ. 
Dỗ dành một lát, cụ dịu lại hơn. Bỗng nghe cụ gọi nhỏ rồi nói:
- Sống thế này chán lắm. Tôi không muốn sống nữa. Cô Vân cầu nguyện cho tôi đi.
Cụ tin theo Phật, biết tôi cầu nguyện là cầu Chúa. Trong lúc tôi cầu nguyện, Cụ nắm tay tôi vuốt nhè nhe.ï Lát sau, Cụ rơi vào giấc ngủ.
Nắng chiều đã gần tàn. Tôi đứng nán lại thật lâu nhìn người phụ nữ đã sống tròn một thế kỷ với cá tính độc lập, vững chãi. Tôi nhớ ra tập ảnh của Cụ khi còn ở bên Pháp. Lúc đó Cụ đã 80 tuổi. Coi vẻ ngoài cụ cứng rắn; nhưng đọc mấy câu Cụ viết thời ấy mới thấu hiểu nỗi cô đơn của Cụ: “Quanh đây rừng cây xanh ngắt, rực rỡ nắng. Dưới hồ ngỗng bơi cúi đầu tìm sự sống và ta đứng trên bờ ngẫm nghĩ chuyện đời, đưa mắt nhìn để tìm con đường tồn tại. Ta với ngỗng cùng đơn độc như nhau nhưng quan niệm riêng tư hẳn là khác biệt! Nhưng thôi, nơi đây chỉ có Ta và ngỗng, con vật cô đơn giữa trời đông giá lạnh...”
Tôi cúi xuống thì thầm bên tai Cụ:
- Bà ơi. Con về nhé! Mai gặp lại...
Chỉ chừng vài giờ sau, điện thoại bỗng reo vang:


- Cô Vân đấy à?
- Dạ, tôi nghe...
- Cụ mất rôi, tôi sẽ vào viện dưỡng lão ngay!
- ...Ôi chao... Mới đây mà. Cụ mất lúc nào... Tôi ra ngay.
Chú Quế đã ở sẵn bên giường cụ. Tôi nhìn Cụ vẫn như đang ngủ như lúc chiều, mắt chưa nhắm hẳn. Chú Quế đưa tay vuốt khắp mặt Cụ. Chú thì thầm “Bà ngủ ngon nhé...” Tôi nhìn, mà cứ nghĩ trong lòng, rồi Cụ sẽ thức dậy sẽ hỏi như mọi khi: Cô Vân đấy à? Nhưng không, Cụ đã đi vào cõi vĩnh hằng...
Tôi nhớ Cụ mới nói không muốn sống và bảo tôi cầu nguyện ï. Cụ đã lao nhọc quá đáng với thân xác của người hơn trăm tuổi.
Cụ ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ mà chính tôi cầu nguyện. Cụ an bình rồi. Mà sao lòng xốn xang. Mai này, đâu còn thấy Cụ nữa...

Đưa Bà Ra biển

Chín tuần sau tang lễ đơn giản riêng tư trong vòng thân thuộc, theo di chúc của Cụ, hôm nay, chuíng tôi có 8 người, gia đình chú Quế, một ni cô và tôi, cùng đưa Bà ra biển.
Mùa Thu Đông đang tới, sóng to gió mạnh hơn nên đây là chuyến tầu rải tro cốt cuối cùng của năm. Nhờ phúc đức của Cụ, thời tiết hôm nay đẹp tuyệt. Từø San Jose chiếc xe bon bon chạy lên San Francisco để tới ngôi chùa Nhật là nơi gửi gấm tro cốt Cu.ï Tài xế là cô cháu gái của Cụ tên Hoài Nam, có chồng là người Nhật. Hai người vào chùa ôm Cụ ra để bên cạnh tôi. Bây giờ thì Cụ “nhẹ hều “ gọn gàng xinh xắn trong cái hộp bằng giấy bồi kiểu Nhật có hình trái tim màu trắng điểm hoa hồng nhỏ. Loại hộp giấy bồi này khi xuống nước sẽ thấm và tan ra – đúng theo sở thích của Cụ.
Tôi vui vẻ nói:
- Bà ngồi gần con một lần cuối nầy nhé 
Tài xế Hoài Nam là con gái chú Quế. Cô kể hôm trước rước Bà từ chapel về Chùa, cô để Bà ngồi ghế trước bên cạnh cô rồi nói, Bà ngồi đây để con seatbelt cho Bà nhé! Trên đường đi chúng tôi thay nhau nhắc những chuyện vui về Cụ. Chú Quế bảo ngày nào cũng vậy cứ tới 12 giờ trưa và 6 giờ chiều là nhớ Cụ ray rứt. Đây là giờ ăn của viện dưỡng lão, nơi chú vào thăm Cụ mỗi ngày. Chú nhắc lại lúc hai vợ chồng cùng đứa con trai và Cụ vượt biển đi tìm tự do, được tầu Pháp cứu, ở bên Tây ngắm tháp Eiffel thỏa thích rồi mớiø chuyển qua Mỹ.
Con tàu đưa chúng tôi ra biển là loại tàu chuyên chở khách rải tro. Chuyến đi này có ba gia đình hơn 30 người đã ghi danh trước với lệ phí mỗi người 140 đôla. Trước khi lên tàu, mọi người được hướng dẫn chi tiết về cách thức rải tro. Chúng tôi được ưu tiên ngồi boong tàu phía trước, mỗi người được phát cho một cành hoa cẩm chướng màu hồng tươi. Tàu ra xa, thấy cây cầu màu đỏ của San Francisco như gần hơn. Người hướng dẫn cho biết nếu đi vào mùa hè sóng êm, tàu sẽ chạy qua dưới cầu. 
Giữa cảnh cầu Bay Bridge thấp thoáng nhiều cánh buồm trắng, cả nhà im lặng cùng nghe cô em gái dùng cell phone tường thuật cho người anh Ti đang đi học xa không thể về đưa bà ra biển. Tôi biết cậu cháu này thương Bà. Tôi nhớ cả hai lần vào bệnh viện thăm Bà cậu đều vừa khóc vừa hôn lia lịa lên má Bà rồi nói “Cám ơn trời đất, cám ơn trời đất. Bà giỏi quá, bà đi lại được rồi.”
Vào thăm Bà trước ngày đi học xa, cu cậu vẫn không ngừng cúi hôn lên má Bà, nói “Bà ơi Ti phải đi học mãi miền Đông. Bà ở nhà bình an.” Rồi cố cầm nước mắt, cậu dỗ dành “Bà ơi Chúa yêu Bà. Ti cũng yêu Bà. Bà về thiên đàng trước, Ti cũng sẽ về thiên đàng gặp Bà.”
Lời chân tình đứa cháu từ biệt Bà từng làm tôi rung động tâm can. Hôm nay, nghe cô em tường thuật cảnh đưa Bà ra biển, chắc cậu ta lại khóc hết nước mắt.
Đến địa điểm rải tro giữa hai cây cầu Golden Gate và Bay Bridge, tàu ngừng lại. Chúng tôi được ưu tiên ra trước. Cô hướng dẫn bưng hộp tro hình trái tim ra, nhắn gởi với gia đình vài câu rồi bảo mọi người cùng đạt tay lên hộp trong khi ni cô cầu kinh ngắn gọn. Sau đó, chúng tôi thả hộp tro cốt của Bà cùng 8 cành hoa xuống biển. Chiếc hộp nhẹ nhàng trôi chầm chậm, bồng bềnh trên mặtbiển thật lâu. Tám cành hoa vẫn vây quanh chiếc hộp. Chú Quê nói nhìn thật giống như những lúc cả nhà, con cháu ngồi quanh Bà để nghe Bà kể chuyện thời con gái của mình. Nhiều máy hình lóe lên ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời đặc biệt này.
Khi trôi đã khá xa, chiếc hộp thấm nước mới từ từ chùng xuống rồi tan ra. Trong làn nước xanh thẳm, thấy nổi bật một khối tàn tro màu ngà hình trái tim tỏa ra, lung linh giữa 8 cành hoa hồng, cho đến khi tất cả cùng tan mất giữa những ngọn sóng bạc đầu...
Chúng tôi nói những lời cuối cùng gửi tới Bà:
Bà đi chơi vui nhé !
Bà nhớ ghé về thăm quê hương mình...
Sayonara Bà
Chắc Bà đi nhiều nơi “đã” lắm.
Bà nhớ quay lại Mỹ nha Bà!
Vĩnh biệt Cụ Trùng-Quang thân yêu...

Deborah Tường Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Nhạc sĩ Cung Tiến