Hôm nay,  

Người Già Là Kho Báu

25/07/201300:00:00(Xem: 271463)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả góp cho giải thưởng năm 2013 là “Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi.” Sau đây là bài viết thứ ba của Bà.

Tôi về hưu sớm ở tuổi 63.Tuổi này nhiều người còn làm việc sung sức, chưa già lắm, chưa lên chức “cụ” chỉ mới được lên chức “bà” nhưng không còn trẻ nữa. Vì lý do sức khỏe, thấy mình càng ngày càng lười biếng, thấm nhiều triết lý sống “tri túc” và “hà thời nhàn” của cụ Nguyễn Công Trứ: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn…”

“Biết đủ, cho là đủ, chờ cho đủ bao giờ mới đủ.” “Biết nhàn, cho là nhàn, chờ được nhàn bao giờ mới nhàn” nên sau khi trả nợ xong cái nhà, tôi quyết định về hưu non để có nhiều thì giờ sống cho mình sau gần 20 năm làm việc cật lực ở xứ Mỹ.

Không biết những người khác có cảm giác thế nào khi về hưu. Riêng tôi, sự sung sướng nhất là những buổi sáng thứ hai không còn là “black monday” phải dậy sớm đi làm. Trời đã sáng rồi mà vẫn còn nằm yên trong chăn ấm, nhìn lên trần nhà thấy vài tấm màng nhện giăng mắc ở góc tường, nhớ mấy câu trong bài “Ngậm ngùi” thơ Huy Cận, Phạm Duy phổ nhạc, trong lòng phơi phới, cảm hứng hát thầm trong miệng “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. Sợi buồn con nhện giăng mau. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây…”. Từ nay trở đi, mình sẽ được tự do thức khuya, dậy muộn, ngủ nướng, không còn bị ràng buộc vào thời gian, công việc và những thứ hệ lụy như cơm, áo, gạo, tiền…, nếm được cảm giác hạnh phúc, nhẹ nhàng của một người vừa buông xuống cục đá ôm nặng trong tay hay cái gánh nặng trên vai suốt bao nhiêu năm. Nhìn chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ trên đầu giường làm bạn với mình bấy lâu, giờ đây không còn cần đến nữa, thôi đành cất bạn vào ngăn kéo, chấm dứt giai đoạn chạy đua với công việc và thời gian. Bước ra khu vườn nhỏ, ánh nắng hôm nay tươi và có chút vàng hơn, vài tiếng chim hót lảnh lót trên cành đâu đây nghe thật vui tai, những bông hoa tú cầu to như cái tô màu hồng nở rực rỡ như cười với mình, gió sớm mai man mát, lành lạnh, chân bước trên sân vườn thật nhẹ và thật chậm, đối với người về hưu, thời gian thật là bao dung.

Triệu phú đô la cất tiền trong ngân hàng, đầu tư hay kinh doanh còn triệu phú… thời gian của những người về hưu cất… thời gian của mình ở đâu? Những người có niềm tin tôn giáo thì làm việc thiện nguyện ở các nhà thờ hay công quả ở các chùa hoặc tham gia các sinh hoạt cộng đồng đa dạng và phong phú được quảng cáo mỗi ngày trên các báo, đài. Người có tiền và thích khám phá những nơi mới lạ thì đi du lịch. Người có máu đỏ đen thì tìm tới các sòng bài giải trí. Người thích học hỏi thì tìm các lớp dạy computer, vẽ , nhạc, ca hát, học võ, nhảy đầm, trồng lan…. Người thích hoạt động thì tìm tới các câu lạc bộ thẩm mỹ hay thể dục thể thao, tiếng Mỹ gọi là các “gym” hay các “fitness center” để tập luyện vừa có sức khỏe, giữ được thân hình thon gọn vừa có bạn mới. Người có bệnh thì tìm tới các trung tâm tập khí công, taichi, yoga, dưỡng sinh, nhân điện, thiền…miễn phí (“đồng bệnh tương lân” thế nào cũng tìm được người chia sẻ với mình về vấn đề sức khỏe). Ông bà nào chỉ thích ở nhà thì đã có các đài bằng tiếng Việt 24 trên 24 đủ các chương trình giải trí và tin tức cả ngày lẫn đêm. Nếu ai chán tivi thì có phim bộ Đại hàn, Hồng kong, phim truyện Việt nam. Ai biết tiếng Mỹ thì có Netflix đủ các loại phim trên thế giới. Ai biết dùng “net” thì vô các trang nhà tìm tòi, khám phá biết bao điều mới lạ trên cõi đời này nhất là có thể kết bạn mới trên màn ảnh ảo. Ai thích đọc sách báo, viết văn, nghe nhạc, nấu ăn, shopping, chơi thể thao, làm vườn, gặp gỡ bạn bè, đi thăm con cháu…đây là cơ hội hưởng thụ các “hobby” của mình. Nhớ lại hồi tôi còn đi làm, thời gian nghỉ ngơi eo hẹp, bận rộn với công việc đều đặn mỗi ngày giống như thói quen ăn vội vã mỗi một món cơm, bây giờ về hưu, tôi có thì giờ nhẩn nha thưởng thức các món khác nhau nào là món cháo gà nhẹ nhàng ví như môn tập khí công, món bún thang thanh cảnh như làm vườn, món hủ tiếu Mỹ Tho đậm đà như môn đi bộ, món phở ăn hoài không chán như học computer, món bún mắm hầm bà lằng như xem đủ các loại phim trên Netflix, món lẩu thập cẩm như vô “net”, (vô rồi ngồi hoài không dứt), món bò bía linh tinh nhiều thứ như môn đọc sách, viết văn, học vẽ, học đàn…

Những môn sở thích này, là triệu phú …thời gian, tôi có cơ hội để sống với nó, mới cảm nghiệm được cuộc sống bây giờ có nhiều điều thật mới lạ và phong phú nhưng quỹ thời gian còn lại cho mình đâu còn bao nhiêu, tuổi già đến thật nhanh, bệnh tật gần như…bạn vì thế tôi tập cho mình cách sống buông bỏ, không nghĩ đến chuyện quá khứ vui, buồn đã qua, còn tương lai không có gì để bận tâm, chỉ biết sống trong giây phút này và ở nơi đây “here and now”. Không biết nên gọi đó là triết lý hiện sinh hay triết lý Thiền?

Ông chồng bảo tôi trở thành một “triết gia” từ hồi về hưu vì có thì giờ… “ suy tư” lẩm cẩm ba cái chuyện đời. Cụ Nguyễn Công Trứ cũng là một triết gia đấy chứ! Cụ thật là khôn ngoan và biết hưởng thụ. Cụ quan niệm cuộc đời thật ngắn ngủi “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?”, trừ 8 tiếng cho giấc ngủ, 4 tiếng sinh hoạt cá nhân, còn lại 12 tiếng không đủ cho cụ “enjoy” lạc thú cuộc đời nên cụ bắt chước người xưa, thắp đuốc đi chơi đêm “Chợt nhớ chữ cổ nhân bỉnh chúc”. Kẻ hậu sinh như mình biết thế là đủ, còn gì mà không bắt chước các bậc tiền bối tiêu cho hết món quà thời gian hưởng nhàn của tuổi già thân tặng cho mình?

Tôi đến chơi thăm chị Minh Hiếu, nghe chị rủ rê cũng bùi tai:

“Đi học vẽ vui lắm Annie ơi, mỗi chiều thứ tư, hơn một tiếng đồng hồ, miễn phí.

“Mình không phải mua một thứ gì, giấy , bút chì than, màu sơn, cọ…họ cung cấp hết.

“Toàn là những người lớn tuổi như bọn mình đi học. Chị học được hai khóa rồi, khóa này là khóa thứ ba… Đi học với chị cho vui, mình có nhiều bạn mới.

Chiều thứ tư, lúc 1 giờ rưỡi tại hội trường báo Người Việt, khi tôi đến đó đã thấy khoảng 30 các anh chị trạc tuổi ngoài 60 như tôi có mặt đông đủ rồi.

Cô giáo trẻ, ngoài 30 tuổi tên là Trịnh Mai có nụ cười rất xinh, vui vẻ chào đón các học viên. Chị Minh Hiếu là lớp trưởng rất năng động và nhanh nhẹn đang giúp cô giáo sắp xếp bàn ghế, phân phát giấy vẽ và các dụng cụ bút chì than, cục gôm cho học viên. Các khóa vẽ được phân công làm lớp trưởng, chị quen tên, biết mặt gần hết các bạn.

Hôm nay có vài học viên mới, chị mời các bạn tự giới thiệu và làm quen với nhau. Đề tài vẽ hôm nay là vẽ tĩnh vật. Mỗi người chọn một bức hình ưa thích, có bức là những quả táo, có bức là hình chai rượu, nhành hoa, cái ly… học viên dựa vào hình mẫu đó vẽ trên giấy trắng khổ lớn. Trong khi chờ đợi, tôi đi một vòng ngắm các bức tranh vẽ tĩnh vật bằng bút chì than hoặc vẽ chân dung bằng cọ và màu nước của các học viên khóa trước treo trên tường, khám phá một điều có nhiều bức tranh vẽ thật đẹp và sống động như được tạo ra từ bàn tay của họa sĩ, chứng tỏ trong số các học viên lớn tuổi này có những người có năng khiếu vẽ thực sự. Chẳng hạn như anh Lê Chấn, anh Joe… mặc dù các anh nói lúc còn trẻ, mãi lo bôn ba sinh kế bộn bề, về già rảnh rang mới có cơ hội học vẽ nhưng ngắm những bức tranh tĩnh vật thật sống động của anh cứ ngỡ ông họa sĩ nào chứ không phải các “senior” mới bước chân vào ngành hội họa. Nếu không được đi học lớp này, các anh không có cơ hội khám phá bản thân và biết mình có năng khiếu tiềm tàng về môn này.

Trước mặt tôi là tờ giấy trắng, bút chì than, cục gôm và bức hình mẫu. Cô giáo qua Mỹ lúc còn bé tuy nhiên nói tiếng Việt khá rành rẽ, cô mời các học viên mới đến xem cô chỉ dẫn cách vẽ phác thảo 3 hình chai rượu, trái táo và cái ly sao cho thích hợp trên khổ giấy lớn bằng hai quyển tập. Cô chỉ cho cách nhìn các chỗ sáng, chỗ tối trên bức hình, làm thế nào để vẽ các điểm “highlight” hoặc vẽ các bóng sáng làm cho tĩnh vật trở nên sống động…

Nhìn ba mươi cái đầu chăm chú, miệt mài trên trang giấy trắng, họ quên thời gian, quên không gian, quên người bạn ngồi bên cạnh, quên cả cô giáo đang đi quan sát từng học viên, thỉnh thoảng cô ngừng lại khen học viên này, chỉ dẫn hay trả lời học viên kia, các trang giấy trắng đã trở thành những bức tranh có hình thù và đường nét rõ rệt. Đã sắp hết giờ, đây là lúc lớp bắt đầu lao xao, ồn ào vì các học viên đã hoàn thành xong tác phẩm. Họ đi lại, trao đổi, cười đùa về những bức tranh vụng về và buồn cười như vẽ trái táo thành trái cam, vẽ cái chai thành cái thùng…Có người vẽ xong rồi… dấu luôn vì… xấu quá không dám khoe với ai. Họ ngắm nghía tranh của mình và so sánh tranh của bạn. Họ hỏi han và khen ngợi tranh của bạn ở điểm này, trở về bôi, sửa, vẽ lại trên tranh của mình. “Học thầy không tày học bạn”. Các bức tranh hoàn tất xong được cô đính trên tường. Cô và các bạn cùng nhau thưởng thức tranh. Các học viên đứng chung quanh cô, lắng nghe cô nhận xét, phê bình những nét vẽ thành công trên vài bức tranh tiêu biểu.

Những buổi học kế tiếp đề tài vẫn là vẽ tĩnh vật nhưng mẫu vẽ là những đồ vật được trưng bày trên hai dãy bàn lớn ở giữa phòng, phủ trên những tấm khăn trắng bằng satin bóng, có những đường nét uốn lượn cao thấp, lên xuống, tối sáng để học viên tự chọn theo sở thích và góc độ nhìn của mình. Người thì chọn lẵng hoa, người thì chọn mâm trái cây, người thì chọn giỏ táo, đơn giản hơn là một cái bình trà, một chậu cây, một cái khay…

Sang tuần lễ thứ tư, cô cho các học viên bước vào thế giới của màu sắc, dùng cọ và màu nước vẽ trên giấy. Cô phát cho học viên mỗi người một tờ chỉ dẫn cách pha màu. Học viên chọn một tấm hình tĩnh vật đen trắng và một tấm hình màu cùng với cọ, màu, giấy, nước…Lần này cô giáo Trần Anh mời các học viên mới trong đó có tôi tập trung nghe cô chỉ dẫn cách vẽ. Đầu tiên, tôi dùng bút chì than vẽ phác họa đề tài đồ vật đã chọn là một lẵng hoa. Sau đó, tôi học cách nhìn màu trên bức ảnh màu tôi chọn là ảnh của Van Gogh với cái mũ màu xanh đen sậm, cái khăn quàng màu vàng nhạt điểm trắng, áo màu xanh lá cây, bối cảnh là màu cam…từ đó nhìn vào ảnh đen trắng hình lẵng hoa, người vẽ sẽ pha những màu đậm nhạt khác nhau từ chiếc ảnh màu Van Gogh. Điều thú vị là học viên tự sáng tạo các màu, tô vẽ làm thế nào các tĩnh vật như cánh hoa nhờ những màu sắc đậm nhạt trở nên sống động.

Điểm đặc biệt của khóa học vẽ này là lớp có tổ chức những buổi đi chơi thăm viện bảo tàng Bowers Museum trên đường Main, thành phố Santa Ana miễn phí, cách 2 tuần một lần vào sáng thứ năm lúc 10 giờ. Nhờ đi học vẽ mới biết đây là chương trình “The Treasures program” của “James Irvine Foundation” tài trợ cho những nhóm tour đi tham quan viện bảo tàng và các lớp học vẽ mà tôi đang theo học. Mục đích của chương trình này là chăm lo cho những người già thuộc hai cộng đồng chính nói tiếng Tây ban Nha và tiếng Việt thuộc hai quận Santa Ana và Westminster, giúp cho những người già có lợi tức thấp giải tỏa những áp lực hay căng thẳng trong đời sống, khám phá về văn hóa và nghệ thuật trên thế giới, mở mang những kinh nghiệm, kết thêm bạn mới, phát triển óc sáng tạo và tinh thần qua những lớp học vẽ và những chuyến đi chơi này. Tôn chỉ của họ là: “Every senior is an artist. Every artist is a treasure”. “Mỗi người già là một nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ là một kho báu”.

Từ ngày qua Mỹ làm việc đến khi về hưu tính ra gần 20 năm chỉ quanh quẩn trong cộng đồng người Việt, tôi ít có dịp tham gia sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng người Mỹ hoặc các nước khác.Tôi ghi danh vào nhóm gồm 14 người “senior” do cô Trịnh Mai hướng dẫn, tập trung đúng 9 giờ sáng, rời tòa soạn báo Người Việt đến bảo tàng viện bằng hai xe van mỗi xe 7 người. Sau khi đi một vòng ngắm các cổ vật từ nhiều nước trưng bày dọc theo hành lang, nhóm được thông báo chương trình chính hôm nay là… nặn đất sét. Có 4 cái bàn lớn trải khăn, mỗi bàn bày sẵn 12 cục đất sét xám to bằng nắm tay đặt trên một cái chén giấy. Cạnh đó là những cái que gỗ, cái thì đầu nhọn, cái thì đầu phẳng. Một vài nhóm người Mễ và Mỹ đen, Mỹ trắng đều là “senior”, có người chống gậy, có người ngồi xe lăn…tất cả ngồi vào bàn nghe các cô hướng dẫn người Mỹ chỉ cho cách làm theo các con vật làm mẫu như thỏ, chó, cá sấu, rắn, mèo…hình thù rất ngộ nghĩnh đặt trên bàn. Ai muốn chọn mẫu nào tùy thích và nặn theo sự tưởng tượng của mình. Có người thì chọn con cá sấu có cái đuôi dài, có người thì chọn con chó có cái mặt dễ thương...Tôi nắm bóp cục đất sét trong tay, nghĩ ngợi mãi, cuối cùng chọn cho mình đề tài là nặn hình một “ baby” nằm trong nôi. Ngẫm lại “60 năm cuộc đời” như “bóng câu qua cửa sổ”, mới ngày nào tôi cất tiếng khóc oe oe chào đời bây giờ đã là bà già ngoài 60.Tôi nhớ lúc còn bé, tôi mò mẫm kiếm đâu được cục đất sét, tưởng tượng đủ loại con thú nắn thành đồ chơi không biết chán hoặc mê man nhìn người đàn ông cưỡi chiếc xe đạp cũ kỹ, nắn hình thú vật và trái cây gắn trên một cây que với đủ màu sắc, cắm trên chiếc ghi”đông, ông vừa làm vừa rao bán trong khu hội chợ hay sở thú ở Việt nam. Trẻ con nào đi ngang qua không thể không vòi mẹ mua cho một “con giống” làm quà. Trải qua thời thơ ấu, thành niên, trung niên và bây giờ là những ...lão niên, có cụ đã từng ngồi vui chơi với cháu nội hay cháu ngoại, nắn những hình thú vật bằng chất dẻo với các cháu, bây giờ các cụ trở về với tuổi thơ, cùng với các bạn già chơi trò…nặn đất sét trong viện bảo tàng Bowers ở xứ Mỹ.

Người già có nhiều điểm rất giống trẻ con về sinh hoạt và tâm lý. Ngẫm mà xem khi răng rụng hết rồi không còn nhai được nữa cũng phải nuốt các chất lỏng như cháo, bột, sữa của trẻ con. Khi các khớp xương đã thoái hóa, lưng còng, gối mỏi, đi đứng từng bước khó khăn, chậm chạp có khác gì trẻ con chập chững tập đi. Người già nói năng ngọng nghịu, phát âm không rõ có khác gì trẻ con bi bô tập nói. Người già tóc bạc và rụng dần, có người đầu hói khi chưa về già có khác gì trẻ con sinh ra chỉ có loe hoe vài sợi trên đầu.Tâm lý người già thích được quan tâm, khen tặng, chiều chuộng, chăm sóc, vòi vĩnh… như trẻ con. Các tình cảm vui, buồn, hờn mát, giận lẫy, … thay đổi bất thường như trẻ con. Người già khi biết buông bỏ hết chuyện thị phi, phải quấy, đúng sai đầy hỉ, nộ, ái, ố ở ngoài đời, xa lìa những ham muốn thế gian, bỏ cái tính cố chấp và cái “tôi” to lớn của mình, thấy mọi sự đời chỉ là hai chữ phù du, tâm của họ hồn nhiên, vô tư, thánh thiện, trong sáng đâu khác gì trẻ con. Có khác chăng chỉ là cái hình tướng già, trẻ bên ngoài. Những người sáng lập ra viện bảo tàng Bowers có sáng kiến cho các cụ “senior” nhà ta đi chơi, bày ra trò chơi của trẻ con nặn đất sét chắc phải hiểu rõ tâm lý người già và trẻ con có nhiều điểm tương đồng. Họ nghiên cứu trò chơi này để các cụ có cơ hội giết thời gian nhàn rỗi, sinh hoạt với cộng đồng để kết bạn, luyện sự tập trung và chú ý vào những ngón tay khi cử động nắn bóp cục đất sét theo hình thù nào đó. Nếu biết thực tập phối hợp thân tâm là một và enjoy” công việc tạo hình, họ sẽ hưởng rất nhiều hạnh phúc và an lạc trong lúc ngồi nặn những cục đất sét vô tri này.

Suốt hơn một tiếng đồng hồ, khoảng 60 con người tóc đã muối tiêu, có người tóc đã bạc trắng, có người không còn sợi nào, sử dụng những ngón tay mày mò, khi thì vo tròn, khi thì bóp méo, khi thì kéo thẳng , khi thì bẻ cong, lúc thì đắp dầy, lúc thì vuốt mỏng (bằng chút nước cho mềm mỗi khi đất sét khô), dùng những que gỗ khắc những đôi mắt, hàm răng, móng chân…con chó, con gấu…. Những bàn tay của các “senior” lấm lem đất sét, miệng họ không ngớt chuyện trò, cười đùa vì những con thú nặn ra có hình thù ngộ nghĩnh. Một anh tên Phong trong đoàn, anh nắn hình con chó với nét mặt giống con… trâu, gặm một cục xương trông thật buồn cười khiến các bà hướng dẫn người Mỹ đi ngang qua, bà nào cũng dừng lại ngắm nghía và gọi các bạn khác cùng đến để “appreciate” một tác phẩm đầy sáng tạo và độc đáo. Có học viên nói viện bảo tàng Bowers mướn các bà hướng dẫn viên lớn tuổi này làm mỗi công việc là đi vòng vòng chỉ để…khen chứ không …chê. Lời nhận xét này cũng đúng phần nào với văn hóa Mỹ và tâm lý người già vì ai cũng được “wow!”, “It is so cute!”, “How funny it is!”.Hãy nhìn nét mặt tươi vui, nụ cười rạng rỡ của người già khi được khen. Các bà hướng dẫn viên cũng thế. Họ cười nói vui vẻ, hỏi han, khen ngợi khi đi ngắm các tác phẩm của học viên mới thấy họ thật kiên nhẫn và dễ thương. Người Mỹ có thói quen khen để động viên nhiều hơn là chê. Có mất mát gì một lời khen. Theo tôi, lời khen thể hiện nếp sống văn minh trong sự giao tế và có tác động tâm lý tích cực cho người lớn tuổi. Tôi ra về, mang trên đôi tay vụng về của mình cục đất sét hình “baby” nằm trong chiếc nôi trông thật xấu xí với niềm vui sáng tạo và bài học về những lời khen từ những bà hướng dẫn viên trong lớp này.

Sau màn nặn đất sét là màn thưởng thức và tham gia chơi trống trong một phòng họp có sân khấu nhỏ có sức chứa khoảng 200 người. Nhóm chúng tôi và một đoàn khác khoảng 10 người, có người bị bệnh “Alzheimer” được hướng dẫn và sắp xếp ngồi ở hai dãy ghế đầu. Người trình diễn là một nghệ sĩ người Mexican tên là Martin Espino, nói tiếng Mỹ lưu loát, có mái tóc dài cột thành một cái đuôi như đuôi ngựa sau ót, có nước da nâu, mặc bộ quần áo thêu những hoa văn giống như người da đỏ. Chung quanh ông đủ các loại dụng cụ âm nhạc cổ xưa nhiều nhất là trống, trống lớn, trống nhỏ, trống tròn, trống vuông, các mai rùa, vỏ ốc, sáo tre, đàn guitar nhỏ gọi là “akulele”…Ông ngỏ lời chào đón các khách tham quan, nói vài câu khôi hài, giới thiệu chương trình với đề tài “Sounds of ancient Mexico” gồm phần trình diễn sáo, trống, đàn… Ông chơi một màn thổi sáo, hướng dẫn khách hát một bài dân ca bằng tiếng Tây ban nha, cuối cùng là màn hướng dẫn khách sử dụng hai loại nhạc cụ trống và mai rùa phối hợp với cái trống lớn ông cầm trên tay.

Màn độc đáo nhất là ông tập cho các “senior” cách lắng nghe âm điệu của tiếng trống. Giống như người nhạc trưởng, ông điều khiển hai bàn tay ra hiệu các nhịp như nhịp 1/2, 1/3, 1/4, 1/5…, ông chỉ dẫn cách phân biệt các âm điệu của tiếng trống.

Khách được phát mỗi người một dụng cụ âm nhạc, người chọn trống thì tay cầm trống, tay cầm dùi, người chọn mai rùa thì tay cầm mai rùa, tay cầm cây gõ…, ông cùng với các khách tham gia tiết mục hòa tấu. Tiếng thùng thình của trống, tiếng lốc cốc của mai rùa vang lên thật hùng hồn và vui tai. Mỗi khi ban hòa tấu dứt tiếng trống đúng nhịp theo sự điều khiển của ông, mọi người vỗ tay reo mừng.

Ai trong chúng ta trong đời chưa hề đánh trống nhưng đánh trống đúng nhịp và cùng đánh với các bạn thì có người chưa một lần vì không có cơ hội. Người già, khả năng nghe và trí nhớ càng ngày càng yếu theo thời gian, màn tập đánh trống khá sinh động này là dịp cho các cụ tập vận dụng khả năng lắng nghe nhịp điệu của các âm thanh, cách sử dụng trống, cách cầm dùi trống, cách đánh trống theo nhịp, hoạt động các cánh tay, bàn tay cho mềm mại không bị tê cứng. Hơn nửa giờ thưởng thức và tham gia văn nghệ với nhạc sĩ Martin Espino, mọi người cảm thấy thư giãn và thoải mái. Đoàn chúng tôi trở về tòa soạn báo Người Việt lúc 1 giờ trưa.

Cách hai tuần vào ngày thứ năm, viện bảo tàng lại tổ chức tham quan và sinh hoạt tại viện bảo tàng Bowers. Lần này, tôi tham gia cùng với 14 “senior” khác của lớp học vẽ, tập nắn hình đất sét màu trắng và dùng cọ, nước sơn đủ màu để trang trí tác phẩm của mình. Cô giáo Mai nắn hình con chim bồ câu trắng, mập mạp, tô điểm thêm hai con mắt màu nâu, cái mỏ màu đỏ, phơn phớt bộ lông màu nâu xám trông thật giống con chim thật. Lần này, tôi vẫn chọn đề tài là trẻ con, tôi nắn hình một em bé gái, tô điểm đủ màu sắc như chiếc váy màu xanh, chiếc áo màu hồng, vài sợi tóc màu vàng, mắt xanh, môi đỏ trông như một em bé Mỹ.

Chương trình văn nghệ, ngoài nhạc sĩ người Mexican Martin Espino hướng dẫn trống, còn có thêm một anh nhạc sĩ Mexican trẻ, đẹp trai trình diễn sáo và các loại trống khác. Đi tham quan viện bảo tàng lần này, tôi có thời gian tìm hiểu về các sinh hoạt khác như viện bảo tàng có mục triển lãm tên là “Lucys Legacy” với chủ đề “The hidden treasure of Ethiopia”, nơi đậy có những “fossil” là những di thể của loài người tiền sử đã được bảo tồn do chôn dưới đất và hóa thạch cách đây hàng triệu năm tên là “The Ark of the Covenant”.

Dr Donald Johanson ở Ethiopia là người Mỹ đã khám phá các di thể này tại Phi châu, một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Chúng tôi được vào xem mục triển lãm tên là “Scrimshaw” là một công trình nghệ thuật truyền thống của những người Mỹ săn cá voi. Trong những chuyến đi săn dài, họ đã đục, đẽo xương và răng cá voi, chạm trổ khắc thành hàng trăm loại dụng cụ khác nhau như những con xúc xắc, bảng ghi điểm số trong trò chơi cờ “cribbage board”, kim để may vá quần áo và cánh buồm; dụng cụ cá nhân như đồ cạo râu, gạt tàn thuốc; đồ dùng nhà bếp, tượng các cô gái ăn mặc thời trang, cướp biển… Chúng tôi ghé vào xem tiết mục rất gần gũi với người Việt nam đó là “The ancient Arts of China” được mệnh danh là “ A 5000 years legacy”, di sản 5000 năm văn hóa và nghệ thuật cổ xưa của đất nước Trung Hoa để ngắm những tượng Phật rất sống động bằng sứ hoặc bằng đá quý, các bình sứ lớn, các dĩa ăn làm bằng men nổi tiếng thời nhà Minh, các hình ngựa và lạc đà bằng ngà voi, các áo gấm bằng lụa của các quan thời xưa…

Thời gian qua thật mau.Trong khung cảnh tĩnh lặng, ánh đèn vàng mờ ảo, tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên đưa người thưởng ngoạn trở về với quá khứ, những người yêu văn hóa nghệ thuật sẽ thích thú khi học hỏi được nhiều kiến thức về các nền văn minh của nhân loại, khám phá nhiều điều mới lạ trong đời sống văn hóa mà khi về già mới có thời gian tìm hiểu.

Ngày chủ nhật July 7 là ngày hội miễn phí tại viện bảo tàng Bowers. Trong lớp học, anh Nguyễn Linh đại diện báo Người Việt loan tin vui. Các tác phẩm của học viên sẽ được triễn lãm tại phòng tranh viện bảo tàng. Lớp vẽ sẽ có một buổi tham quan miễn phí bằng xe buýt khoảng 50 người vào ngày hội này để cho các “họa sĩ” được ngắm tranh của mình. Viện bảo tàng sẽ chiêu đãi ăn trưa. Các học viên của lớp sẽ được thưởng thức nhiều chương trình văn nghệ ngoài trời như nghe các ca sĩ Sandii Castleberry hát những bài hát dân ca và “pop songs”quen thuộc, nổi tiếng và trữ tình. Ca sĩ Ben Hall và đoàn vũ The Eagle Spirit trình diễn các màn trống và điệu nhảy truyền thống “Native American”. Ngoài ra, ban nhạc 3rd Degree Band sẽ trình diễn các bản nhạc “blue”, “jazz”, “soul”, “rock , n roll” của tiểu bang Chicago và New Orleans… Đặc biệt viện bảo tàng mở cửa triển lãm miễn phí “Gems of the Medici”và “TsarsCabinet” là hai chương trình đặc sắc đã quảng cáo bằng “flyer” trước đây cùng với các chương trình triển lãm khác như “Temple Murals”, ”Sacred Realms”, “Californias Legacy”, “Missions and Ranchos”, “ California :The Golden Years”…

Xe buýt đến đón đoàn tham quan đúng 10 giờ tại tòa soạn báo Người Việt. Trên xe buýt, Anh Nguyễn Linh trưởng đoàn cùng với chị Minh Hiếu là phụ tá chào mừng 50 vị cao niên của lớp học vẽ và các thân hữu, dặn dò các vị giữ số phone để liên lạc nếu bị lạc, làm quen với người bạn bên cạnh để nhắc nhở nhau…Anh Nguyễn Linh liên lạc với ban tổ chức, hướng dẫn đoàn đến phòng triển lãm tranh của các học viên trong lớp vẽ của người cao niên.

Trong căn phòng rộng lớn trưng bày các cổ vật của Mã Lai, Trung hoa, Đại hàn… hơn 50 bức tranh của các anh chị học viên được đính một cách trang trọng trên các tấm bảng lớn ghi tên từng người đặt ở giữa phòng. Các anh chị tỏa ra đi tìm tranh của mình và cùng với thân nhân và bạn bè đứng ngắm nghía và bình phẩm mãi. Vẫn là bức tranh quen thuộc vẫn thấy trong lớp học vẽ nhưng khi được triển lãm tại phòng tranh ở viện bảo tàng, bức tranh trở nên đẹp hơn, có giá trị hơn, có ý nghĩa hơn vì đó là niềm vui, là công sức lao động miệt mài của những học viên tuy tuổi tác đã cao nhưng sức sống và lòng yêu nghệ thuật vẫn tràn trề mặc dù dưới con mắt của một họa sĩ chuyên nghiệp, những bức tranh ấy màu sắc còn thô sơ, đường nét còn vụng về, ngây ngô như nét vẽ của trẻ con.

Trong khi chờ đợi ăn trưa, tôi đi một vòng thăm triển lãm “Gems of the Medici”còn gọi là thế giới ngọc của dòng họ Medici.Vào những năm 1400s, nhiều nghệ nhân, thợ bạc, thợ điêu khắc tài giỏi…do sự hấp dẫn bởi sự giàu có và phong phú của thành phố Florence nước Ý, họ đã đến thành phố này lập nghiệp trong đó có dòng họ Medici. Suốt 3 thế kỷ từ thế kỷ 14 đến 17, dòng họ này chiếm lĩnh thị trường ngọc quý. Họ trở nên nổi tiếng nhờ thế lực hoàng tộc, tài năng khéo léo, óc kinh doanh. Họ xây đựng các “workshop” là các xưởng làm ra các sản phẩm nghệ thuật bằng đá quý hay còn gọi là ngọc “gems” đủ màu, cẩn hay khắc trên những chiếc mề đay bằng vàng và bạc như những món đồ trang sức. Họ đã có những bộ sưu tập độc nhất vô nhị, xưa và có giá trị nhất về ngọc quý trên thế giới.Trong căn phòng rộng với ánh sáng mờ ảo, tiếng nhạc cổ điển du dương, những ngọn đèn vàng chiếu sáng trên các cổ vật của gia đình Medici được trưng bày trong các tủ kiếng bóng lộn, tôi đã mê man bước vào thế giới của ngọc “topaz” màu vàng trong suốt, “sapphire” màu xanh biếc, ngọc “ruby” màu đỏ, ngọc “jade” màu xanh cẩm thạch, và các loại ngọc “amethyst” màu tím than, “agate”màu nâu đen, “amber” màu vàng chói, “onyx” màu đen, “garnet” đỏ sậm…được cẩn rất tinh vi hình các thú vật và hình người. Đẹp nhất, tỉ mỉ và sống động nhất, theo tôi, là miếng ngọc trắng nhỏ chỉ bằng hai ngón tay thế mà người nghệ nhân của dòng họ Medici đục, đẽo, cưa, cắt, mài, dũa, chạm, khắc thành hình người phụ nữ cầm giây cương rong ruổi trên chiếc xe kéo bởi hai con ngựa. Cùng với thế giới ngọc là thế giới tranh như bức chân dung vô cùng sống động của nàng Anna Maria Luisa de Medici người phụ nữ Ý dòng dõi gia đình quý tộc Medici, cháu vua Louis Đệ tam để lại di chúc bộ sưu tập về ngọc nổi tiếng của bà. Bên cạnh đó còn nhiều cổ vật quý giá khác là các đồ nữ trang bằng ngọc tuyệt đẹp và những hình ảnh về các nhân vật nổi tiếng của dòng họ Medici cũng như sự tàn lụi của đại gia đình quý tộc giàu có này.

Rời thế giới ngọc, tôi tìm đến phòng triển lãm “The Tsars Cabinet”.Trở về với

lịch sử, triều đại “Tsars”, Sa hoàng kéo dài từ năm 1613 đến năm 1917 được hơn

300 năm. Viện bảo tàng Bowers trưng bày hơn 100 tác phẩm của hoàng gia nước Nga dưới triều đại Romanov gồm các cổ vật dùng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày như ly, tách, dĩa, tô lớn đựng soup, dao, nĩa, bình và tách uống trà… bằng sứ cẩn vàng, những quả trứng cẩn bạc đựng chất thơm, tráp đựng nữ trang, bình cắm hoa, bình đốt hương trầm…mẫu mã tinh xảo, sang trọng, nhiều màu sắc, các hoa văn trang trí độc đáo, tỉ mỉ, xinh xắn chứng tỏ nghệ thuật trang trí thời Nga hoàng Romanov đạt đến đỉnh cao cũng như lối sống xa hoa hưởng thụ tột đỉnh của triều đại quý tộc “Tsars” Sa hoàng.

Đi một vòng các phòng triển lãm đã thấy rất đông người xếp hàng lấy vé vào xem theo từng đợt vì phòng triển lãm có sức chứa giới hạn.Tôi đã đứng thật lâu để xem trên màn hình chỉ dẫn cách vẽ độc đáo và ngắm bộ sưu tập “Sacred Realms” còn gọi là “Temple Murals” gồm 7 bức tranh thật lớn treo trên tường của nhà sư Phật giáo TâyTạng Shashi Dhoj Tulachan 69 tuổi vẽ theo trường phái “thangka paintings”. Đây là một lối vẽ lấy đề tài là các huyền thoại về các vị long thần hộ pháp trong kinh điển Phật giáo, các màu sắc trong tranh thật hài hòa lấy từ các sắc tố thiên nhiên, các đường nét hoa văn trang trí trên tranh chính xác, tinh vi và sắc sảo. Thật là một công trình nghệ thuật có giá trị.

Chúng ta sống ở California đừng quên ghé vào phòng triển lãm “Californias Legacy” và “Missions and Ranchos” 1768-1848 để thấy vài nét về lịch sử của tiểu bang California và quận Orange county như thùng rượu nho thật to, tượng thánh St Anthony tại thánh đường Serra Chapel ở Mission San Juan Capistrano, những túi da “dispatch pouch” của những người Mexican làm công việc liên lạc thông tin thời “Ranchos period” tại California. Ngoài ra còn rất nhiều quần áo, tranh ảnh, đồ dùng hàng ngày dưới thời cai trị của các gia đình “ranchos” là những người Mexican giàu có, thế lực, làm chủ đất đai và các nông trại nuôi gia súc đến lập nghiệp đầu tiên tại tiểu bang này.

Những người yêu tranh không thể bỏ qua phòng triển lãm tranh gọi là “California: The Golden years” để ngắm 22 bức tranh tuyệt đẹp của các họa sĩ danh tiếng như Guy Rose vẽ bức họa “ Maguerite”, cô gái mặc áo kimono màu tím , bức cô gái khỏa thân “Nude figure by firelight” với màu sắc tương phản giữa bóng tối của ban đêm và ánh lửa sáng , bức họa “Confirmation Class” của Fannie Duvall vẽ các cô gái mặc áo trắng rất thanh khiết trong vườn hoa tại San Juan Capistrano, bức “Ideal California Day” của Frank Coburn vẽ cô gái đứng ngắm hoa bên cạnh các kệ hoa rực rỡ ở Los Angeles…Hầu hết các tác phẩm của các họa sĩ này nằm trong bộ sưu tập của viện bảo tàng Bowers, đề tài là phong cảnh biển, thành phố, tĩnh vật, chân dung được vẽ ngoài trời “in the open air” trong ánh sáng tự nhiên và cảm hứng của các họa sĩ từ các sinh hoạt tại tiểu bang này.

Nếu còn thì giờ, người yêu nghệ thuật sẽ được xem vài chương trình triển lãm khác như “Spirits and Headhunters” để tìm hiểu vể nền văn hóa Micronesia, Melanesia, Polynesia tập trung tại New Guinea châu Phi, nơi đây có nghệ thuật săn bắn nổi tiếng với các tác phẩm như các mặt nạ vẽ hình ma quái rất là kinh dị, các dụng cụ săn bắn đủ loại, các tô lớn dùng trong các đại tiệc, vỏ sò, đồ trang sức, lông thú, vật dụng cá nhân dùng trong những cuộc hành trình dài ngày…Phần triển lãm còn nhiều tiết mục phong phú lắm nhưng đồng hồ đã chỉ 12 giờ trưa.

Đã đến giờ ăn, chúng tôi tập trung tại phòng ăn trên lầu của viện bảo tàng. Bà Barri phụ trách mục ẩm thực đã sẵn sàng mời nhóm chúng tôi sắp hàng, bên phải là các món ăn Việt nam như chả giò, cơm chiên, nem nướng, thạch dừa…bên trái là các món ăn Mễ như “Taco”, gà chiên, “chips” ăn với các loại “sauce”…Đứng trên phòng ăn từ trên lầu nhìn xuống là các khán giả ngồi xem dưới những chiếc lều trắng.Trên một khoảng sân rộng, các nghệ sĩ da đen đang trình diễn các tiết mục văn nghệ ngoài trời rất là sôi động, các khán giả người Mỹ cao hứng tham gia vào các màn vũ. Đoàn chúng tôi ngồi trong bóng mát, đứng ở ban công nhìn xuống, vừa ăn vừa xem văn nghệ thật là thú vị.

Càng về trưa, sân khấu trình diễn văn nghệ ngoài trời càng đông người. Các cặp vợ chồng người Mỹ già âu yếm ngồi bên nhau, chia sẻ miếng “ hotdog”, họ vừa ăn vừa nghe nhạc, hoặc hát theo các bản nhạc. Có vài cặp Mỹ già khác vừa ôm vừa hôn nhau theo điệu nhạc “blue” dưới một bóng cây. Các gia đình có con em đến đây được bố mẹ cho tham gia vào các trò chơi như cho các em vẽ tự do trên những cái dù trắng mua sẵn 10 đồng hoặc chơi cắt các miếng vải nhỏ dán thành các hình như lá cờ, con gấu… Đông nhất là các em sắp hàng chơi trò chơi vẽ mặt “face painting” theo ý thích chọn lựa của các em. Có những em kiên nhẫn, ngồi thật lâu và thật yên để các cô họa sĩ vẽ người dơi “batman” hoặc người cá “mermaid” trên gò má. Em nào đứng lên cũng tươi cười hớn hở và hài lòng với khuôn mặt đủ hình thù và màu sắc ngộ nghĩnh. Tiền công vẽ vài đồng được các phụ huynh vui vẻ bỏ vào thùng để viện bảo tàng mua dụng cụ và màu sơn. Cạnh đó là nhà hàng sang trọng bán đủ loại thức ăn và một cửa hàng dã chiến bán thức ăn nhanh như “ hotdog”, “hamburger” và nước uống. Các phụ huynh dẫn con em mình vào đây như đi cắm trại gần nhà, có ăn uống, triển lãm, trò chơi, có “workshop”, văn nghệ và nhiều sinh hoạt khác cho người lớn và trẻ em. Cuộc triển lãm kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Chúng tôi hẹn nhau có mặt ở sân viện bảo tàng lúc 3 giờ để lên xe trở về. Người tài xế rất đúng hẹn. Ông đã có mặt ở xe buýt tươi cười chờ chúng tôi từ lúc nào.

Trên đường từ viện bảo tàng về tòa soạn báo Người Việt mất khoảng 20 phút, anh trưởng đoàn Nguyễn Linh đã không bỏ lỡ cơ hội phỏng vấn vài bác lớn tuổi và vài anh chị trong đoàn.Tất cả đều có chung những ý kiến đây là buổi tham quan rất vui, thú vị và bổ ích. Qua các mục triển lãm tại viện bảo tàng, chúng tôi học hỏi nhiều điều về các nền văn minh thời tiền sử của nhân loại, mở mang kiến thức thêm phong phú về văn hóa, nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điêu khắc…của các nước, thấy tận mắt đây là nơi lưu trữ và bảo tồn các di sản trí tuệ vô cùng quý giá của các bậc tiền nhân trên thế giới. Không khí lắng đọng, yên tĩnh trong viện bảo tàng và nội dung triển lãm đều là những sinh hoạt thuộc về quá khứ, theo tôi, rất thích hợp cho tâm lý của người cao niên vì càng về già, họ càng sống nhiều với quá khứ, họ có khuynh hướng quay về với những kỷ niệm đã qua nhất là những thời vàng son, oanh liệt xa xưa. Đi thăm viện bảo tàng Bowers, những người cao niên di dân Việt nam sống ở xứ Mỹ như chúng tôi có cơ hội hiểu biết thêm về đất nước và con người đã bao dung 3 thế hệ chúng tôi và đàn con, cháu. Thật là may mắn cho thế hệ thứ nhất chúng tôi được hưởng nhiều phúc lợi về xã hội và y tế như “medicare”, “medical”, tiền hưu, tiền già, trợ cấp nhà “housing”, trợ cấp thực phẩm “food stamps”…thêm vào đó còn là những phúc lợi về mặt tinh thần nữa. Viết những dòng này, tôi không thể quên được trong chuyến về Việt nam thăm gia đình năm ngoái, tại bưu điện thành phố Saigon tấp nập người qua lại vào ngày cuối tuần, tôi đã gặp một bà cụ già đội chiếc nón lá đã cũ, quần áo xốc xếch, ống thấp ống cao, chiếc lưng của bà còng như nửa chữ o, gánh hai cái thúng đựng đậu phụng luộc. Bà đi từ xa, từng bước chậm rãi , lảo đảo, có lẽ vì mệt mỏi nên bà hạ gánh xuống ngồi nghỉ cạnh bờ tường. Bà nhìn ông đi qua bà đi lại với đôi mắt van xin mua dùm bà vài lon đậu phụng ế vào cuối ngày. Từ bưu điện đi ra, tôi đến gần nhìn thúng đậu phụng luộc đã khô héo, nhìn những nếp nhăn xếp thành lớp trên khuôn mặt hốc hác và khắc khổ của bà, nhìn chiếc miệng móm xọm không còn chiếc răng nào, nhìn đôi mắt trắng đục, kèm nhèm nhìn tôi tha thiết. Tôi ngồi xuống hỏi mua hết thúng đậu phụng luộc. Bà ra giá 100.000 đồng Việt nam tương đương với 5 đô-la. Tôi đưa cho bà 2 tờ giấy 200.000 đồng Việt nam dặn bà giữ cẩn thận. Bà mừng quá, hai tay run run, quờ quạng cất tiền vào túi trong hai lớp áo, mau mau trút đậu vào bao ni lông chắc sợ khách hàng đổi ý và không ngớt lời cám ơn. Hỏi thăm về hoàn cảnh già, tuổi đã ngoài 70 sao còn đi bán đậu, bà nói bà sống một mình ở góc cầu thang của một chung cư, bà có một đứa con trai nghèo lắm, vợ bỏ, đi làm thợ hồ ở Bình Dương không đủ nuôi bà, bà phải bán đậu kiếm sống qua ngày không phiền đến con. Nhìn lại những người cao niên Việt nam ở xứ Mỹ nói chung và trong lớp học vẽ nói riêng, chúng tôi may mắn có đầy đủ về vật chất và hạnh phúc về tinh thần. Nhớ lại hình ảnh bà cụ, tôi không khỏi ngậm ngùi thương xót thân phận bị bạc đãi của những người già, nghèo, neo đơn ở Việt nam, ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, họ vẫn phải vất vả dầm mưa dãi nắng kiếm sống từng ngày. Đó là lúc khỏe mạnh, rồi những khi đau ốm, lấy tiền đâu lo thuốc men, bác sĩ, bệnh viện, người chăm sóc? Tương lai của họ thật là đen tối, mù mịt. Họ sống để chờ đợi cái chết đến gần trong nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật để rồi ra đi không biết tấm thân già này có thành nắm tro tàn để trở về với cát bụi hay không?

Lớp học vẽ kéo dài 8 tuần lễ sắp chấm dứt. Chị trưởng lớp đã có danh sách 30 học viên sẽ đóng góp các món ăn trong buổi tiệc chia tay này. Chị đề nghị mỗi người về nhà vẽ một bức tranh, mỗi người nhận một con số chẳng hạn như số của tôi là 18, bạn nào bốc thăm trúng số 18 sẽ nhận được bức tranh của tôi. Mấy ngày nay tôi đã miệt mài vẽ hai bức, một bức bằng chì than hình bình hoa có dòng chữ “The warmth of a friend s presence brings joy to our hearts, sunlight to our souls and pleasure to all of life”, bức kia tôi vẽ con búp bê Nhật, tiếng Nhật gọi là “Kokeshi” và dòng chữ bằng tiếng Nhật “Kono kawakunai kokeshi no e wosashi agemasu” “Xin bạn nhận món quà của tôi là bức tranh con búp bê Nhật xấu xí này” rồi ký tên.

Tôi nấu một nồi chè chuối và một khay xôi đóng góp cho buổi họp mặt mãn khóa của lớp học vẽ.Thức ăn ê hề nào là thịt “bacon” đút lò, gà, thịt quay, bò kho, xôi vò, miến xào, mì xào, bánh cuốn, nem, chè, bánh ngọt, trái cây…Ban tổ chức đã đến sớm để chuẩn bị bàn ghế, bày biện thức ăn, đính các bức tranh trên tường…Chương trình lớp vẽ lần này đặc biệt có các nhân vật đại diện cho viện bảo tàng Bowers là bà Nancy , bà Jeanne, bà Barri đến dự, có “cameraman” của viện bảo tàng đến quay phim, có phần phỏng vấn học viên, có phần phát biểu của hai cô giáo và chị trưởng lớp, có màn tặng hoa cho hai cô giáo và khách mời, vui nhất là màn bốc thăm nhận tranh giữa các học viên, cuối cùng là chương trình văn nghệ bỏ túi và kết thúc là màn chụp hình lưu niệm.

Tám tuần lễ trôi qua thật nhanh. Các học viên ra về và nhận lại những bức tranh của mình.Tôi ngồi ngắm thật lâu 6 bức tranh đã vẽ. Vài bức tranh đầu tiên nét vẽ còn sơ sài, những bức về sau “đẹp” hẳn lên. Có một điều không ngờ là từ trước đến giờ chưa bao giờ mình cầm bút vẽ, lòng tự hỏi tại sao mình có thể vẽ được những bức tranh tĩnh vật “đẹp” như thế chỉ trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ trong lớp ? Các quả táo, chai rượu, cái ly, bình hoa…trông cũng sống động, cũng có chút “hồn” có lẽ vì người vẽ đã đặt hết tâm trí mình trong đó. “Every senior is an artist. Every artist is a treasure ” để đi đến kết luận “Every senior is also a treasure”. “Mỗi vị cao niên cũng là một kho báu”. Họ được đất nước, xã hội này quan tâm, chăm sóc, quý trọng như một “kho báu” chứa những tiềm năng quý giá của xã hội chứ không bị quên lãng, bỏ rơi hay gạt ra ngoài các sinh hoạt cộng đồng mặc dù họ đã già. Thêm vào đó, đối với người cao niên, “kho báu” là sự khám phá về bản thân họ sau bao nhiêu năm lăn lộn kiếm sống ngoài đời. “Kho báu” là tìm được cái chân, thiện, mỹ trong nghệ thuật hội họa khiến họ phát khởi lòng đam mê thích cầm cọ và yêu màu sắc để diễn tả cái gì đó chất chứa trong lòng. “Kho báu” là ngọn lửa thiêu đốt sự cô độc và cô đơn của người già, là cảm hứng từ sự sống còn sáng lên trong tim của mỗi người, là sự sáng tạo còn bừng dậy trong bộ não đã bắt đầu lão hóa, là đôi tay còn vững vàng và khéo léo để phóng cọ và màu sắc trên trang giấy, là niềm vui biết rằng mình sống có ích, còn chút khả năng làm được một cái gì đó cho bản thân mình vào cuối đời. Các bệnh mất trí nhớ như “Alzheimer”, run các cơ bắp như “Parkinson”, trầm cảm như “depression”và nhiều bệnh khác của người già… một ngày nào đó rất gần sẽ đến với họ cho nên nghệ thuật hội họa đã giúp họ phần nào duy trì và bảo tồn “kho báu” này.

Cám ơn nước Mỹ và viện bảo tàng Bowers đã trân quý những người Việt cao niên tại quận Cam, xem họ như một “kho báu”, tạo cho họ cơ hội hiếm có được ngồi vẽ như những đứa trẻ thơ và khám phá mình là một “ kho báu” ở đất nước này: “Every senior is a treasure”.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
09/08/201301:32:12
Khách
Hi chi Annie,
Chị viết bài hay quá. Là học viên mới cũa lớp vẽ, dù không có tham gia tất cả những sinh hoạt của lớp nhưng được tin tức qua bài của chị thật là thích thú. Cảm ơn chị.
26/07/201315:55:40
Khách
Cảm ơn cô Annie Kim đã góp 1 bài viết rất hay và hữu ích cho các quý vị đến tuổi hồi hưu!
25/07/201317:47:49
Khách
tác giả ngày xưa là nhà mô phạm nên thể hiện trong bài viết hay, khoan thai, từ tốn và có nhiều tin tức bổ ích. Chì có 1 điểm rất nhỏ là nếu thay được chử "tham quan" bằng chử "thăm viếng" thì tuyệt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến