Hôm nay,  

Chuyện Chiếc Xe Lăn

06/07/201300:00:00(Xem: 201153)
viet-ve-nuoc-my_190x135Sinh năm 1955. Tốt nghiệp bác sỹ Y Khoa Huế. Làm việc tại các bệnh viện miền Trung Việt Nam. Vượt biển đến Hoa Kỳ 1989. Thành viên của Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Hiện đang hành nghề bác sỹ chỉnh xương cho bảo hiểm lao động, worker compensation, tại Los Angeles county. Tác giả cho biết ông viết bài này với ước mong bà con góp một bàn tay cho chương trình Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh 2013, San Jose.

I.
Nhìn qua cửa kính từ bồn rửa tay, bệnh nhân đã được “tiền mê” -có nghĩa gây mê trước. Nhân viên phòng mổ đang chuẩn bị gần xong dụng cụ. Tôi dùng vai bên phải đẩy cửa bước vào. Một cô y tá choàng áo cho tôi, rồi đeo găng tay. Luôn luôn là latex số bảy rưỡi. Anh nhân viên gây mê nhìn tôi, nhẹ nhàng nói qua khẩu trang: “Chờ ông.” Dưới ánh đèn sáng rực, tôi nhìn lại một lần cuối đầu gối bên phải của bệnh nhân. Cần phải cắt bỏ một phần ba dưới xương đùi và làm lại mỏm cụt. Sau đó, mới có thể lắp ráp chân giả vào được.

Không phải ca mổ cấp cứu nên anh em trong toán phẫu thuật có thể hỏi nhỏ nhau:

“Sao để lâu vậy nhỉ.”
“Không có điều kiện.”
“Thế ban đầu bị cái gì.”
“Mìn nổ, bay mất hai cẳng chân, chuyển từ tiền phương về trong tình trạng shock. Bác sĩ lúc đó chỉ có thể tháo khớp gối cứu mạng. Không ngờ bệnh viện đóng cửa, để luôn cho đến nay.”

“Đau lắm nhỉ.” Ừ, không hiểu sao bệnh nhân chịu đựng nổi. Periosteol, màng xương, là vùng chịu cảm giác đau nhiều nhất.

Chuẩn bị thì lâu nhưng ca mổ chỉ kéo dài khoảng một giờ là xong. Sau khi kéo các bắp thịt che phần xương đùi đã được gọt vá tròn trịa, khâu lại da, đặt một ống dẫn lưu máu bầm. Tôi kiểm tra lại lần cuối rồi cho y tá băng vết thương. Xong bước ra ngoài, viết hồ sơ bệnh án, thuốc men hậu phẫu rồi thay áo bước xuống khu hồi sức.

Bên ngoài nắng đã lên rất cao.

ll.
Bác Bảy đánh cộp cốc rượu xuống bàn, hít sâu một hơi thuốc lào. Nhả khói, rồi lên giọng:

“Mẹ kiếp! Ông là trung sĩ thủy quân lục chiến, lữ đoàn đóng ở Mỹ Chánh, bảo vệ phía bắc Huế. Đang chỉ huy tiểu đội đuổi theo môt toán Sao Vàng thì đạp phải mìn nổ. Nó hất tung ông lên tuốt trời xanh. Khói và cát bay mù mịt, thằng em chạy bên cạnh cũng lãnh đạn như thế. Xong chẳng biết gì nữa. Tỉnh dậy trong hầm bệnh viện dã chiến, nghe loáng thoáng các bác sĩ bảo nhau: Bên trái cưa, bên phải tháo khớp. Chờ trực thăng đưa về sau. Rồi ông lại mê tiếp. Chẳng thấy đau đớn gì cả. Có lẽ mấy thằng em lụi morphine nhiều quá. Chỉ buồn ngủ. Người lả đi không ngo ngoe nổi một ngón tay.

Đám thanh niên trong quán chăm chú lắng nghe. Đa số là thanh niên xung phong, hoặc được đưa đi vùng kinh tế mới, buổi tối tụ tập, thắp đèn dầu ngồi lai rai với nhau. Có thằng hỏi tiếp:

- Rồi sao bác về đây?

- Hậu khổ.

- Nghĩa là sao?

- Là hộ khẩu. Thằng này ngu quá! “Chính quyền cách mạng” bắt về địa phương cư trú. À, ông chưa kể xong, mày cứ cắt ngang hông. Còn rượu không. Rót!

Không khí vui hẳn lên, giữa đám đông nghèo cùng cực của vùng núi non heo hút. Mới tám giờ tối. Khí lạnh đã bao trùm cả vùng đồi hoang sơ Tiên Lãnh này. Ban ngày, họ lên rừng cắt dây mây, ôm lại thành từng bó, chiều đem về đếm lại cho hợp tác xã mây tre. Những người không lao động được thì chẻ, gọt, tước ra thành từng sợi nhỏ. Nhóm khác thì đan lại thành những cái quạt, cái đập bụi, ghế mây. Nghe nói nhà nước xuất cảng qua tận Liên Xô!

Bác Bảy cao hứng kể tiếp:

- Rồi chẳng có trực thăng gì ráo. Tối hai lăm tháng ba, ông được xe cứu thương chở về bệnh viện Mang Cá, Huế. Họ chuyền máu, thuốc men, nói vài hôm sẽ chuẩn bị mổ lại. Súng đạn vẫn nổ ì ầm ngoài xa. Chiều hôm sau, mở mắt thấy cả khu bệnh xá vắng vẻ lạ thường. Nghe mấy ổng đã quyết định bỏ Huế. Ngồi dậy, choáng váng lắm. Một tay trung uý quân y. Bơ phờ. Có lẽ suốt cả tuần làm việc không ngủ. Cái tay này dễ thương hết sức. Ở lại với thương binh đến giờ phút chót, bọn bây chả hiểu quái gì đâu.

- Rồi sao nữa? Bọn trẻ lao nhao hỏi:

- Tay bác sĩ bế ông lên chiếc xe lăn duy nhất còn lại trong bệnh viện, rồi vội vả đẩy ra ngoài sân. Cứ vài ba phút lại có tiếng hoả tiễn, đại bác bay lạc qua đầu. Không khí đầy khét mùi pháo, mùi thuốc súng, một y tá nhét ông lên xe dodge rồi cùng nhiều bệnh nhân khác chạy xuôi về Nam.

- Thế gia đình bác đâu?

- Tán loạn, biết đâu mà tìm, hỏi cắc cớ!

Làm tiếp một điếu thuốc lào nữa, lim dim đôi mắt, ông chậm rãi kể:

- Mất hai ngày mới vượt qua đoạn đường trăm cây số. Khổ nhất là lúc lên và xuống đèo Hải Vân vì người và xe kẹt lẩn với nhau. Đến được Đà Nẵng, gặp gia đình vài ngày thì cái thành phố này tiêu luôn. Thật là khỉ gió! Chưa đánh nhau đã tan hàng. Coi như ông gãy súng.

Rồi ông hề hà:

- Có chiếc xe lăn này, đỡ lắm, ban ngày ông nấu cơm, lo việc nhà. Cho đến khi nhà nước bảo phải đi kinh tế mới lập nghiệp. Lưu lạc nơi này. Ấy, mới có chuyện kể các chú nghe.

lll.

Bác Bảy đến tìm tôi một chiều mưa, quán cà phê nhỏ vàng vọt ánh đèn dầu vắng khách. Co ro và rút người vào trong tấm áo mưa, hai tay chầm chậm giữ xe đứng yên, chiếc xe lăn là tài sản cuối cùng ông có được sau cuộc chiến. Bác lúi húi moi ra một điếu thuốc lá. Nhẹ nhàng để trong lòng bàn tay tôi và nói:


- Nhờ bác sĩ, mỏm xương đùi đã hết đau. Từ từ sẽ kiếm cách đi chân giả hoặc đeo nạng gỗ. Có chút chuyện gia đình, cho phép được không?

Tôi mỉm cười, lấy điếu thuốc châm lửa cho ông vui lòng. Gió chiều hôm ấy rất lạnh. Có những hạt mưa phùn bay lất phất qua hàng hiên. Miền Trung vào mùa đông thường mưa và lạnh kéo dài cả tháng.

- Giúp được gì, tôi sẽ gắng.

Ngần ngừ một lát, cúi đầu trầm ngâm, ông nói:

- Tôi cần tiền. Muốn bán cái xe lăn này.

Tôi cắn chặt điếu thuốc, nó chợt như muốn rơi xuống đất. Cái cảm giác tê rần trên môi và cay cay trong mí mắt. Nhìn thẳng vào mắt ông, đôi mắt vẫn sáng rực sức sống của lứa tuổi ngoài ba mươi.

- Nhưng nó là đôi chân của bác. Tôi bảo.

- Cả tuần rồi, sáng đi ra chợ Cồn, chiều về tay không. Chả có ma nào dám mua. Tôi biết bác sĩ có nhiều bệnh nhân trong thành phố. Có ai cần, xin giới thiệu giúp. Được không?

- Rồi sống làm sao khi không có nó?

- Tôi sẽ có cách. Tôi sẽ không chết, nhưng cả gia đình tôi chẳng sống được vì hết gạo. Bọn nhỏ ăn cháo cả tháng nay. Ngày một bữa. Đói rã người!

lV.
Nhớ lại có bệnh nhân ở cuối phố. Vỡ mạch máu não. Liệt nửa người đã hơn mấy năm nay, chữa trị thế quái nào mà hồi phục được. Gia đình cần xe lăn. Một phần cho dễ dàng trong cuộc sống, một phần để đưa vào Sài Gòn, gặp phái đoàn phỏng vấn đi đoàn tụ nước ngoài. Cũng âu do duyên nghiệp. Thế là tôi cho địa chỉ bác Bảy để họ thương lượng nhau.

Gia đình người bán vui, có tiền mua gạo qua cơn bĩ cực. Người mua cũng vui. Chỉ có tôi và bác Bảy ngỡ ngàng nhìn nhau. Không nói được gì. Lặng lẽ. Tôi chỉ cho bác cách đệm làm chân giả, chống nạng để tạm sống qua ngày. Chúa ơi, thời 1980, bác sĩ như chúng tôi làm việc chưa đủ sống, làm sao giúp người khác.

Thời gian, cuộc sống cứ thế trôi đi. Tôi cũng ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả, những mơ ước và hoài bão, muốn xây dựng một cái gì tốt đẹp hơn cho quê hương mình… Thế nhưng, cái mặc cảm để một chiến binh trên bước đường cùng. Tàn phế. Phải chịu đau khổ hơn. Đày đọa hơn, làm tôi không ngủ yên. Nhiều đêm, trong giấc mộng, tôi vẫn thấy hình ảnh bác Bảy trở về. Không xe lăn, không nạng gỗ. Lê lết trong thành phố bởi thiếu hẳn đôi chân, giữa muôn ngàn người qua kẻ lại vô tình.

Năm 1996, tôi điện thoại cho Wheels For Humanity, một tổ chức vô vụ lợi ở Hollywood. Tôi bảo, muốn xin một xe lăn gởi về Việt Nam. Khi đến gặp họ, tôi thấy hàng chục người đang làm việc tình nguyện, không lương. Đây là một tổ chức chuyên đi xin, lượm lặt xe lăn cũ. Xong họ đem về chùi rửa, vô dầu mỡ, sửa sang lại rồi gởi đi khắp thế giới cho người khuyết tật.

- Bạn có kích thước, cân nặng của bệnh nhân không?

- Tôi nói bừa. Đàn ông, nặng trăm ba mươi pounds, cao năm feet năm.

- OK, một tuần sau sẽ có. Ông bạn có thể tự lo chi phí gởi về được chứ. Nhanh nhất là gởi bằng đường hàng không.

Ngày thứ bảy cuối tuần, tôi mượn cái xe truck chở thùng hàng đến đại lý của Air France ở Los Angeles gởi về Việt Nam, cô thư ký nhận hàng, ghi địa chỉ, dán băng keo cẩn thận rồi bảo:

- Cước phí này ngang trị giá món hàng ông muốn gởi về đấy!

- Tôi mỉm cười. Vâng, có nhiều thứ không tính bằng tiền bạc được, cám ơn cô.

V.
Sau hơn hai mươi năm xa nhà, tôi đáp máy bay xuống phi trường Đà Nẵng. Thành phố thay đổi chóng mặt với những phố xá và nhà cao tầng. Trông bên ngoài, ai cũng có vẻ no ăn đủ ấm. Chiến tranh đã chấm dứt hơn ba mươi lăm năm rồi.

Tôi mua vé tàu lửa đi Huế. Tàu dừng lại ở Lăng Cô vài phút, tránh chuyến từ Bắc đi vào. Không khí ồn ào hẳn vì các em bé nhào lên, mời mua kẹo, mua quà. Trời rất nóng và ẩm ướt. Sân ga ngập trong mùi gió mằn mặn của biển. Xen lẫn trong âm thanh ầm ĩ ấy, vang vọng tiếng hát của vài người hành khất bên đường. Có người hát cải lương, có người hát nhạc tự chế. Nhiều bài hát ngày xưa tôi cho là sến, bây giờ nghe cũng thấy hay hay. Có lẽ nó đi vào đúng tâm trạng mình những ngày xa xứ.

Tàu hú còi chuẩn bị chạy. Cửa sổ kính được kéo xuống. Rồi tàu từ từ lăn bánh. Tôi vẫn nhìn hai bên vệ đường. Phía trước, tay phải, dưới bóng cây là một người đang đàn guitar, cái microphone nhỏ cột trên vai áo. Tiếng hát vang lên qua một loa thùng, trơ vơ, tróc vỏ dưới chân. Người đàn ông ấy ngồi trên chiếc xe lăn có cái hình logo của Wheels for humanity và cụt hai chân. Chỉ vài giây khi tàu lướt qua, tôi nhận ngay ra đó là ai. Tôi dí người chồm sát cửa sổ, la lớn nhiều lần: Bác Bảy, bác Bảy... Nhưng bác không nghe. Bác cũng không nhìn thấy tôi bên trong khung cửa đầy hành khách. Hình như không ai nhận ra ai, giữa cái âm thanh cuồng nộ trong cuộc sống, trên quê hương này.

Khi tôi mở được cánh cửa sổ. Con tàu đã vùn vụt lao đi trong buổi chiều tắt nắng. Hình ảnh Bác Bảy không còn đó nữa. Nhưng người thương binh ấy, không bao giờ bị quên lãng trong trái tim tôi.

Nguyễn Phước Bảo Tiên

Ý kiến bạn đọc
08/01/201501:58:44
Khách
Từ nhỏ đến lớn, tôi không hiểu gì về người thương binh của cả hai miền Nam Bắc cho đến khi đọc xong bài này. Càng đọc càng thấy sự khủng khiếp của chiến tranh, nhất là giửa người cùng một dòng máu với nhau. Bài viết chân tình, không màu mè, như có người đang ngồi bên cạnh kể chuyện cho mình nghe. Cám ơn Việt Báo và tác giả.
07/01/201507:54:52
Khách
Quê hương của một thời đạn bom, một thời mất mác.
Bài viết thật hay và ngậm ngùi.
17/07/201315:04:30
Khách
Rất hay và cảm đông
17/07/201303:24:10
Khách
Bác sĩ mà viết lách cũng đâu có thua gì văn sĩ đâu nhỉ.
Cám ơn BS. Mot nét đẹp của cuộc đời
11/07/201316:20:49
Khách
XUẤT SẮC. ĐẦY TÌNH NGƯỜI.
08/07/201301:22:09
Khách
Cám ơn Việt Báo và tác giả.
07/07/201317:53:59
Khách
Đọc và nhớ lại những cám giác mình đã trải qua trong thập niên 1980. Những chuyện như thế này thật là không thể nào quên. Hàng nâm hàng năm Đại hội Cám Ơn Anh làm công viêc nhắc nhở, giúp cho chúng ta một cơ hội nhớ lại và đóng góp để phần nào giảm bớt nổi khó khăn của người chiến sỹ năm xưa và già đình họ. Tri ân người chiến sỹ là bổn phận của mổi chúng ta. Mọi đóng góp xin gởi về Đại Hội Cám Ơn Anh 2013.
07/07/201301:39:07
Khách
Hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,290,508
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến