Hôm nay,  

Tôi Đi Học

29/06/201300:00:00(Xem: 220393)
ton_nu_thu_dung_resized
Trước Tháng Tư 1975, tại Saigon, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ vài năm trước đây, Thu Dung dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và sẽ nhận giải thưởng đầu tiên với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", kể về một cựu chiến binh Mỹ còn nặng tình với cuộc chiến tại Việt Nam. Hình bên, tác giả và biểu hiệu của thành phố San Dimas, California, nơi cô và gia đình định cư. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

Sau rất nhiều năm hết làm thầy tới bán sách…, vừa mới chân ướt, chân ráo, chân trước, chân sau tới CA là tôi bị đưa ngay vào cái lớp bổ túc văn hoá ESL. (tức English As Second Language: Anh Văn là ngôn ngữ thứ hai)

“Buổi mai hôm đó, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…” Chôm nguyên văn của Thanh Tịnh, chớ tôi mà viết được một câu hay ho đến vậy thì… thiên hạ chết liền. Tôi áo pull trắng, quần jean xanh (không hề rách hay bạc phếch hai đầu gối như cái thời đi học ở Viện Đại học Cộng Đồng Duyên Hải Nha Trang), áo khoác đen, tay ôm cái Kindle Fire cho ra vẻ học trò ngoan ngoãn… Tôi trực chỉ Mt. SAC College theo sự chỉ dẫn của Google map.

Bạn tôi nói: Học ở đó hơi xa nhà chút, nhưng sau này lên College hoặc lấy vài chứng chỉ để có Financial aid xài chơi thì cái bằng cấp cũng có giá trị lắm lắm, vì Mt. SAC là 1 trong 100 trường tầm cỡ ở Mỹ… Bạn đã từng học ở đó trước tôi chừng… 20 năm. (bạn không nói gì thêm, nhưng tôi thầm nghĩ: chắc là nó đứng thứ 99.) Thôi kệ, đi học ESL chớ phải đi làm vương làm tướng gì mà đòi hỏi cho cao sang, tôi lại âm thầm nghĩ vậy.

Tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ nhấp nha nhấp nháy bảy tám làn đường thách thức tay lái lụa của tôi, tôi vuột mất cái tấm bảng to chà bá dựng góc đường MOUNTAIN SAN ANTONIO COLLEGE, phải tìm chỗ cua lại. Không sao, “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông…” Câu này cũng không phải tôi nghĩ ra mà là của một danh nhân văn hóa tôi vô cùng ngưỡng mộ vì ông rất… đẹp trai!

Tôi lạnh gáy vì Google map chỉ đến đây là hết, nó chưa thông minh đến độ tìm giùm tôi một Parking Lot gần nơi tôi đến nhất… biết đường nào mà đi tiếp đây trời? Khu vực trường rộng mênh mang thiên địa…7, 8 bãi đậu xe đông nghìn nghịt… (sau tôi search trên Google mới biết trường rộng đến 420 acre và có tới 33.317 sinh viên chưa tính tôi.) Hoang mang cùng cực nhưng tôi vẫn tự trấn an mình: Đường đi ở miệng chớ đâu!

Tôi cẩn thận tìm chỗ rộng rãi đậu xe, ghi nhớ chi tiết trong đầu vị trí địa lý chỗ chiếc xe mình đang đậu. Xong băng qua bãi cỏ, chặn đầu một ông có vẻ Á Châu với hình thức bên ngoài rất tiên phong đạo cốt, sau khi đã ngắm nghía chán chê cả mấy chục người đi xuôi đi ngược (ra đi bạn có dặn rằng: “You còn… ngon cơm lắm…coi chừng bọn xấu bỏ bùa hay bắt cóc”… Lúc đó tôi nghĩ: tôi bỏ bùa, bắt cóc người khác thì có! Nhưng cũng không nói ra để bạn còn giữ mãi hình tượng bạn ngoan, vợ hiền, mẹ giỏi từ mấy chục năm nay.) Tôi hỏi:

- Are you Vietnamese?

Ổng nhìn tôi ái ngại, nhún vai, lắc đầu rồi tuôn ra một tràng tiếng Tàu (tôi hiểu vì có nghe ngộ ngộ, nị nị, hảo hảo gì đó… Tôi đủ thông minh để biết là ổng nói: “Tui ở bên Tàu tui mới qua, tui không biết bạn nói cái quái gì, tui chỉ biết đi đâu tui nói tiếng tàu cũng có người hiểu được…”

Tôi tự khen mình thông minh đĩnh ngộ. Bèn chọn một nạn nhân khác, chắc chắn Việt Nam:

- Are you Vietnamese?

Lại một tràng tiếng Nhật, tôi cũng hiểu luôn vì nghe có mấy tiếng hara-kiri, ajinomoto, fuji, tokio gì gì đó. Hơi tuyệt vọng, nhưng không sao, bạn đã chẳng từng khuyên tôi: “không tuyệt vọng, trong vực đá sâu cũng không tuyệt vọng… cho dù chết đi cũng không tuyệt vọng” đó sao (nhạc và lời của Tuấn-Ngọc –Hoàng) dù lúc đó tôi rủa thầm trong bụng: chết thì còn biết quái gì nữa mà tuyệt vọng! Tôi đến gần một cô nhỏ, không ăn mặc hở hang, không mắt xanh môi đỏ, không hoa hòe hoa sói… đúng điệu là một cô bé Việt Nam ngoan. Tôi cười làm quen:

- Are you Vietnamese?

- No, Im not. Im Cambodia.

A ha, có công mài sắt có ngày nên kim, ông bà ta không hề nói sai, dù cái kim này không hề là cái kim mình ra sức mài nãy giờ, nhưng xài tàm tạm được. Ít ra cả hai người đã cùng sử dụng chung một ngôn ngữ thứ ba ( to quơ)

- Do you know the ESL office?

Tôi cho là mình khá giỏi khi vừa nói xong cô bé hiểu ngay lập tức và nhanh nhẩu trả lời:

- Sorry, I dont know. Im finding it!

Tôi chưng hửng và thất vọng tiếp, giờ thì cái thân mình chưa lo xong lại còn phải cưu mang thêm cô bé Cambodia này nữa. Nhưng bản năng người mẹ trỗi dậy, tôi thấy cảm thương cho cô bé, muốn che chở và an ủi một kẻ lưu vong xa xứ, đất khách quê người như tôi vậy:

- Dont worry, Follow me.

Tôi nghĩ, tiếng Mỹ mình có thể dở ẹt, nói không ai hiểu (bởi vậy mới đi học ESL chớ!) nhưng ngôn ngữ hình thể thì very good! nhất là nhìn vào cái mặt tôi thì ai cũng hiểu tôi muốn nói gì rồi. Cô bé mừng rỡ Thank you so much om sòm… Rút kinh nghiệm những lần trước, tôi không thèm tin vào cái khả năng nhìn người đoán quốc tịch của mình nữa. Tôi nhanh nhẹn đi tìm một ông security có bảng tên trên áo, bộ đàm đeo ngang hông đang chắp tay sau lưng ngắm nghía người qua kẻ lại.

- Sorry, can you help me?

- Yes, of course …

Mấy câu này dễ ợt vì tôi đã trang bị đầy đủ từ nhà tối hôm qua, vấn đề ở chỗ khi ổng help me xong thì tôi chẳng hiểu ổng nói cái chi chi… Tôi cố mỉm cười duyên dáng mà trong đầu thì đã hơi nhụt chí anh hùng:

- I dont understand. I dont Speak English.

Ông bảo vệ nhìn tôi, cô bé Cambodia nhìn tôi thiếu điều há hốc miệng mà ngạc nhiên khi nghe tôi thú nhận mình không biết tiếng Anh với cái giọng rất Mỹ lên bổng, xuống trầm, với đầy đủ âm nặng, âm nhẹ lẫn âm gió… Có gì mà phải ngạc nhiên, con gái tôi hôm qua đã dạy tôi độ 10 câu làm vốn liếng vì cháu biết sáng nay tôi phải “tứ bề thọ địch” khi một thân, một mình đi học…

- Oh, my God! Wait me few minutes!

Ông bảo vệ nói, câu này tôi cũng hiểu luôn nên tự tin đứng chờ phép lạ. Cô bé Cambodia nắm tay tôi, nhìn với đôi mắt trong veo đầy vẻ biết ơn. Trong lúc đợi chờ, tôi định nói với cô bé là tôi không hề ghét cô dù dân tộc cô đã một thời “cáp duồng” không ít người của dân tộc tôi, nhưng tôi không nói được trước đôi mắt tin tưởng ngây thơ vô tội đó, đâu phải lỗi cô, hơn nữa, tôi không lường trước được tình huống sáng nay nên không hỏi con gái từ “cáp duồng” bằng tiếng Mỹ… Có thể cháu cũng không biết và tôi cũng không muốn cho cháu biết cái hình ảnh ghê rợn của một dòng sông đẫm máu và xác chết năm nào tôi nhìn trên các báo và bỏ ăn hơn tuần lễ.

Đang trầm ngâm suy tưởng, một chiếc xe điện dừng ngay cạnh tôi, ông bảo vệ ra hiệu cho tôi và cô bé ra phía sau ngồi. Xe chạy vòng vèo chừng 5 phút rồi ngừng ở Building 66, có hàng chữ ESL CENTER chà bá. Chúa ơi, để tôi tự tìm chắc 3 ngày chưa ra. Tôi xuống xe, thank you so much, thấy lòng rưng rưng muốn khóc vì thương quá cái xứ sở gì mà có nhiều người thật tốt…

Tôi vào văn phòng, một ông thầy từa tựa Hemingway râu tóc bạc phơ thoáng thấy 2 cái bản mặt Á Châu lơ ngơ láo ngáo không cần hỏi gì, chỉ Good morning rồi dẫn vô phòng Lab điền đơn nhập học và thi xếp lớp. Tất cả đều làm trên computer. Con gái dặn: “Mẹ làm cỡ 50% thôi để được học lớp …1. Mẹ mà giỏi quá nó đưa lên lớp 3, lớp 4 thì vừa học vừa khóc đó.” Khỏi dặn mất công. Biết thân phận mình, phần writing & reading tôi làm đúng 70/100 câu. Qua phần listening tôi nghe được 10/100 câu. Bù qua sớt lại, tôi được vào lớp 1 như ước nguyện… Thật hú hồn hú vía.

Chương trình 3 tháng một lớp tôi học dễ như ăn gỏi, đến lớp đủ cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông … Đúng 18 tháng tôi điềm nhiên học xong level 6 (quên kể tôi thu tóm lớp 1 và lớp 2 vào chung 3 tháng), level cao ngất ngưỡng đụng la phông. Tôi ghi tên vào College để một năm được $5,500 tiền Financial aid chính phủ tiểu bang cấp cho dân low income mà chịu khó xách láp tóp đi học đều đều.

Tôi ghi danh vào lớp Special Eduacation sau khi được sự tư vấn tận tình của một counselor đã theo dõi tôi suốt quá trình tôi theo học ở đây. My counselor quả là một dị nhân khi suốt 18 tháng gặp tôi hàng ngày vẫn kiên nhẫn nghe và nói chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Anh vô cùng dễ hiểu… Để đến ngày mãn khóa, sau khi tôi bùi ngùi chia tay bằng một cái ôm ấm áp tình người thì ông thầy rưng rưng nước mắt, ấp úng mà rằng với cái giọng Huế rặt ri không lẫn vào đâu được: “Tina ơi. Cô là một học trò chăm chỉ nhất của con đó.” Lạy Chúa, tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai, như từ trên trời rơi xuống đất…

Té ra my counselor là ông thầy Việt Nam duy nhất của trường Mt SAC COLLEGE này!

Tôn Nữ Thu Dung
(San Dimas)

Ý kiến bạn đọc
04/07/201317:07:41
Khách
Cảm ơn các bạn đã like bài của mình. Điều này chứng tỏ các bạn vẫn còn TUỔI NGỌC trong tim nên mới thích bài của nhà giáo chuyên trị con nít như mình . Mời các bạn vào http://tuongtri để đọc các nhà văn nhà thơ TUỔI NGỌC khác.
29/06/201304:26:05
Khách
Quá hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến