Hôm nay,  

Lưới Tình

05/06/201300:00:00(Xem: 289255)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giải thưởng VVNM 2013, cô có 5 bài tham dự. Tiêu biểu là hai bài “Cũng Một Đời Người” và “Thiên Thần Đen”, kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mức quên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Sau đây là bài viết mới nhất.

Tôi nhận được một cú điện thoại từ một người đàn bà Việt Nam trong buổi sáng tương đối rỗi rảnh. Chị nói muốn gặp tôi trong một tiệm phở ở vùng Midtown, lý do gặp nhau là để tâm sự. Chị biết tôi qua vài ba bài viết ở trên internet và tạp chí nào đó. Dĩ nhiên tôi không biết chị là ai, nhưng cũng chẳng có gì đáng lo ngại nên tôi nhận lời.

Người phụ nữ tôi gặp không đẹp lắm nhưng có một nụ cười rất duyên dáng, cách ăn mặc, trang điểm nhẹ nhàng, thanh nhã gây thiện cảm cho người đối diện. Tên chị là Hiền, qua Mỹ được hơn hai mươi năm đang sống một mình vì các con đã lập gia đình ở riêng (có người đi xa, có người còn sống trong thành phố này). Chị cho biết ông chồng là một Sĩ Quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chị Hiền qua Mỹ do một người chị bảo lãnh khi các con còn nhỏ và khi đó chị chưa được bốn mươi tuổi. Chị không tiến thêm bước nữa vì bận lo cho các con và vì hình ảnh thân thương của người chồng quá cố mà chị không thể nào quên được.

Chị nói:

- Tôi đã sống một mình quen rồi và nghĩ rằng sẽ sống như thế cho hết quãng đời còn lại vì mình đã có“một thời để yêu và một thời để chết”

Tôi cười xoà:

- Một thời để nhớ thì đúng hơn!

Chúng tôi nhắc lại nhan đề của một cuốn truyện của nhà văn Đức Erich Maria Remarque (A time to love and a time to die) đã đuợc chuyển sang Việt ngữ trước năm 75. Tôi đâm ra có cảm tình nhiều với chị vì chỉ vài câu nói đã thấy rằng có thể tiếp tục được.

Chị hỏi:

- Chị có tin trên đời này có tình yêu không? Chị có tin vào định mệnh không? Chị có tin rằng: tình yêu là một món quà mà ơn trên đã ban cho chúng ta không?

Những câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng không biết phải trả lời như thế nào, vì thật sự chính tôi cũng không biết chắc chắn những điều chị vừa hỏi. Tôi cũng như chị Hiền, cũng như một số đông chúng ta được sinh ra, lớn lên, trẻ trung rồi già nua và cuối cùng là chết … Và dễ mấy ai có thể trả lời một cách chính xác những thắc mắc chị nêu ra, có thể câu hỏi được trả lời đúng hay sai là do kinh nghiệm của bản thân và đời sống của mỗi người và đó chính là sự bí mật mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.

Tôi nói với chị những điều tôi đang nghĩ, tôi thấy thỏa đáng với những gì mình vừa nói ra và vừa mong muốn được nghe chị nói thêm nữa. Tôi cảm thấy rất thú vị vì cuộc diện kiến với một người không quen trong một buổi sáng rảnh rang này. Và lắng nghe chị nói tiếp:

-Tôi đã hơn sáu mươi tuổi, góa chồng năm hăm ba tuổi, mọi người và ngay con cái lúc nào cũng xem tôi như một người đàn bà nghiêm nghị đến khô khan. Khi còn ở Việt Nam sống khốn khổ cơm chẳng đủ ăn thì còn nghĩ gì đến chuyện chồng con, nhưng khi đến nước Mỹ đời sống vật chất khá đầy đủ cũng có vài ba người theo đuổi nhưng tôi vẫn không bao giờ nghĩ đến việc tái giá. Tôi nêu lý do là phải lo cho con cái còn nhỏ dại, nhưng thật ra thiếu gì người có con mà vẫn lấy chồng thì có gì là không đúng đâu. Cũng có lẽ vì tôi còn yêu chồng, một người đàn ông rất oai hùng, rất đẹp trai và là mối tình đầu của tôi, anh chết đi làm tình yêu trong tôi cũng chết từ đó. Tôi không còn có thể yêu ai được chứ đừng nói chi đến việc bước thêm bước nữa. Cho nên tôi đã nói với chị rằng: “Một thời để yêu và một thời để chết” cũng không phải là một lời quá đáng!

Tôi đã nghe rõ và nhìn chị Hiền kỹ càng hơn, chị không tuyệt đẹp nhưng dễ nhìn, duyên dáng. Với số tuổi quá sáu mươi được như vậy huống chị thời bốn hay năm mươi, chị lại có vẻ sang sang, cách ăn mặc, lời lẽ chứng tỏ là người đàn bà có trình độ. Tôi kết luận những gì chị nói có thể tin cậy được chứ không phải do tính cách chủ quan của chị.

Chị cũng nhìn thật sâu vào mắt tôi rồi mỉm cười nói tiếp:

Thế nhưng …

Cuộc đời bắt đầu rắc rối bằng hai tiếng“thế nhưng”. Nếu không có hai tiếng này, tôi cái người đàn bà hay viết lách lem nhem sẽ không có hân hạnh được mời đến tiệm phở này, trong không gian bé nhỏ thơm lừng món ăn quốc hồn, quốc túy đã làm cho bao nhiêu người, bao nhiêu dân tộc say mê hương vị Phở Việt Nam. Nếu không có “thế nhưng” làm sao tôi biết được có nhưng đời sống Việt Nam lìa bỏ xứ sở sống cô đơn ở những vùng xa xôi, xa đồng bào và được tìm đến nhau bằng những dịp đặc biệt, không phải để nhỏ to chuyện giàu nghèo, nhà to, xe đẹp, con cái thành danh …Mà là để tâm sự, để giải tỏa những uẩn khuất của con người, của cuộc sống tưởng là giản dị với chuyện cơm ăn, áo mặc, tiền tài, danh vọng mà thật ra không phải là vậy!

Tôi chờ đợi chị Hiền bằng tất cả sự say mê, tò mò của mình và hình như tôi đã làm cho chị phấn khởi thêm trong câu chuyện:

-Tôi bị mất job, sau một thời gian ăn tiền thất nghiệp được giới thiệu vào làm một công ty khác. Mình lớn tuổi rồi nên được xếp đặt vào một công việc nhẹ nhàng thôi, cũng cần cho chị rõ công việc của tôi thuộc loại dành cho những người không có bằng cấp hay trình độ gì cả. Công ty có cả trăm nhân viên nên cũng chẳng ai chú tâm đến một người đàn bà Á Đông già nua, nhỏ bé như tôi, tuy nhiên mình cảm thất dễ chịu với những gì đang có.

Độ chừng vài tuần sau, trong khi đang bận rộn với công việc thì nghe thiện hạ xung quanh chào hỏi ríu rít một người nào đó, mình tò mò ngẩng đầu lên thì trông thấy một người đàn ông Mỹ trắng khoảng bằng tuổi mình đang thân mật hỏi han mọi người. Ông ta khá bảnh trai, thon thả với giọng nói trầm ấm, ông ta chẳng chú ý gì đến mình. Khi ông ta đi rồi thì mọi người cho biết đó là một nhân vật có chức quyền trong công ty. Tôi không gặp ông lại từ đó cho đến hai, ba tháng sau vào mùa Chrirstmas!

Công ty tổ chức tiệc tùng, tặng quà cho nhân viên vào mùa Giáng sinh. Đó là một ngày giá lạnh phủ đầy tuyết trắng, tuy không phải là người Thiên Chúa Giáo nhưng mình rất yêu mùa Chrirstmas, tâm hồn mình luôn luôn rộn ràng xao xuyến bởi những kỷ niệm của những mùa Noel xưa khi còn là thiếu nữ, lúc còn sống trong tình yêu thơ mộng nơi quê nhà. Khi mang những gói quà ra xe thì loay hoay thế nào lại bỏ quên chìa khóa trong trunk. Tôi phải chạy ngược vào sở kêu cho đứa con trai mang chìa khóa đến. Trời bên ngoài quá lạnh nên mình phải đứng ở trong hành lang công ty để chờ con.

Đã sống bên Mỹ, đã từng bỏ quên chìa khóa trong xe chị mới hiểu cho tâm trạng đau khổ của tôi lúc này. Nếu có chìa khóa trong tay, ra xe rồ máy rồi chạy đi thì chúng ta nên cảm ơn cuộc đời về những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Còn nếu bỏ quên chìa khóa trong xe hay ở nơi nào đó thì hỡi ơi như tai nạn lớn đã xảy ra cho mình. Một cảm giác hụt hẫng, sượng sùng, khó chịu không sao tả xiết được, một lần tôi đã nghe một thanh niên Mỹ vào tiệm tạp hóa để xin kêu điện thoại cho bạn gái chở về vì anh ta đã quên chìa khóa trong xe, anh ta nói:

- Hãy đến nhanh lên, anh đang ở trong tiệm tạp hóa để chờ em. Anh xấu hổ quá và có cảm tưởng như mình là một têm homeless.

Lúc đó tôi thật sự tức cười và nghĩ rằng anh ta quá lời, vì để quên chì khóa là một việc nhỏ mà ai ai cũng có thể phạm phải có gì mà xấu hổ. Bây giờ đến phiên tôi, tôi mới thông cảm cho những người ở trong tình trạng dở khóc, dở cười này! Tôi đứng co ro, thảm hại ở một góc hành lang trong khi những nhân viên của công ty lũ lượt kéo nhau về, ai ai cũng có vẻ hối hả trong những ngày cận Giáng Sinh vì chắc chắn rằng có rất nhiều việc đang chờ đón họ ở nhà hay trong những cửa hàng (chính tôi cũng vậy), bây giờ thì mình lại đứng đây một cách vô dụng để trả lời, để phân trần những lời hỏi han ân cần của những người khác. Nếu trời không quá lạnh, nếu tuyết không bao phủ trắng xóa ngoài kia thì tôi thà đứng ngoài trời chứ không bao giờ muốn hiện diện trong góc hành lang quỷ quái này.

Làm ở công ty gần nửa năm mà có người chưa từng thấy tôi, họ tưởng tôi là một người nào đó vào đây để tránh lạnh. Để quên chìa khóa trong xe trở thành một dịp để cho mọi người biết tôi! Và rồi tôi gặp lại ông ta, cái người đàn ông Mỹ trắng mà tôi đã nói với chị lúc nãy và đó là lần đầu tiên ông ta biết đến sự hiện diện của tôi trong công ty này. Ông nhìn tôi một cách ngạc nhiên và lạ lùng - nếu không muốn nói là sửng sốt- làm tôi đâm ra bối rối. Thà rằng tôi trẻ, thà rằng tôi đẹp thì khi được một người đàn ông ngoại quốc nhìn chăm chăm như vậy tôi rất lấy làm hãnh diện, đàng này tôi già cả, kín mít trong chiếc áo choàng đen thui, khăn quấn cổ trùm đầu chỉ lộ ra khuôn mặt nhăn nhó, bồn chồn trông chẳng giống ai mà bị người khác phái nhìn thì đúng là một cực hình. Tuy nhiên với bản chất ngang ngạnh, cứng cỏi, tôi vội vã dấu kín những cảm giác xấu hổ của mình và nở một nụ cười gượng gạo gần như mếu máo với ông ta.

Ông dừng chân lại, mắt vẫn nhìn chăm chú vào mắt tôi rồi ân cần hỏi:

- Việc gì xảy ra vậy, bà đang chờ ai phải không?

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy, tôi chờ con trai đem chìa khóa đến vì tôi đã bỏ quên nó trong xe rồi!

- Thật đáng tiếc, bà có chắc chắn con trai bà sẽ đến sớm không? Bà có cần giúp đỡ gì không?

Tôi xua tay:

- Xin cảm ơn ông, con trai tôi đang trên đường đến đây.

Vừa nói tôi vừa chìa chiếc cell phone ra cho ông ta thấy. Ông ta gật gù chúc tôi may mắn rồi quay bước, hai con mắt vẫn dán chặt vào mắt tôi. Hai con mắt rất lạ làm tôi thấy thật là bối rối.

Câu chuyện bắt đầu có vẻ hấp dẫn tôi, tôi nhìn chị Hoàng chăm chú - chắc như ông Mỹ kia đã nhìn chị - mắt chị hơi to hơn người bình thường, cũng màu nâu đen mang nỗi buồn xa xôi nào đó như những đôi mắt người đàn bà Việt Nam. Chị bỗng nhìn tôi rồi bật cười:

- Đừng nhìn tôi như thế.

Tôi cười to, rồi nôn nóng hỏi:

- Rồi sao nữa?

- Mùa Giáng Sinh qua, tôi cũng quên đi ông ta vì cũng chẳng có chi đặc biệt. Tôi lại vui vẻ với việc làm của mình nhưng sau một thời gian tôi lại thấy ông ta bắt đầu xuất hiện nơi tôi làm việc gần như hàng ngày, lúc nào ông ta cũng ân cần chào hỏi mọi người nhưng tôi có cảm tưởng ông ta đến đây vì tôi. Khi biết tôi có thói quen đi làm sớm hơn mọi người thì ông ta cũng đến thật sớm để chào hỏi tôi. Tôi không phải là một con người ngu ngốc để không biết là ai thích mình, để ý đến mình. Tuy nhiên, như đã nói với chị, tôi già rồi, không phải là người đàn bà đẹp hay lẳng lơ nên thái độ của ông ta làm tôi rất khó nghĩ. Một lần nào đó tôi nghe người ta nói vợ ông đã qua đời và ông là một người rất đứng đắn. Tôi bắt đầu chú ý đến ông ta và nghĩ rằng ông là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng rất bảnh trai lại có địa vị trong xã hội thì thiếu gì người đàn bà Mỹ thích mà ông phải để ý đến tôi. Ông tỏ ra bối rối mỗi khi gặp tôi và bao giờ cũng nhìn tôi bằng hai con mắt lạ lùng mà tôi không thể nào hiểu nổi!

Tôi cười:

- Có gì mà không hiểu hay là tại chị không muốn hiểu thôi. Đó là đôi mắt của người đàn ông đang yêu đó mà!

Chị Hiền giật mình trố mắt nhìn tôi như bị điện giật, chị hơi bối rối một chút nhưng sau đó lấy lại bình tĩnh nói tiếp:

- Yêu à, nhưng tại sao là tôi. Tôi là một người đàn bà tầm thường đâu có gì quyến rũ đâu và cũng không xứng đáng gì so với địa vị của ông ấy trong xã hội.

Tôi cười:

- Tình yêu không có đối tượng mà! Còn về phía chị thì sao?

Đôi mắt chị bỗng trở nên xa xôi, chị như đang nói chuyện với một người nào khác:

- Tôi không biết bắt đầu thế nào cho sự gặp gỡ giữa tôi và ông ta, tôi cũng không biết phải gọi như thế nào cho đúng nghĩa những gì đã xảy đến cho tôi và ông khi hai chúng tôi đã bước gần hết một đời người. Và hôm nay đây dường như một thứ hạnh phúc và một niềm đau đớn quen thuộc tưởng đã chôn vùi theo ngày tháng không tên chồng chất bỗng trở về một cách bất ngờ trong tôi. Cơn đau cũ trở về trong những giờ phút tôi nghĩ rằng nếu sẽ mất ông vĩnh viễn. Cuối cùng mỗi người chỉ còn những giọt nước mắt để tự vỗ về, an ủi mình mà thôi. Đó là nỗi cô đơn vô cùng tận của một kiếp người, đó là nỗi đau khổ mà không ai có thể san sẻ được cho mỗi chúng ta.

Tôi không thể bắt chước ai cảm ơn ông ta đã đến trong cuộc sống quá đỗi cô đơn của tôi. Tôi cũng không thể nghe một lời dạy bảo là hãy sống hạnh phúc trong những ảo tưởng của mình vì thật ra đời sống này tất cả những gì mình tưởng là thật cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi. Tôi lẩn quẩn trong những suy tư rối rắm như tơ vò, như loài rong rêu kỳ dị đan bện, bám chặt vào nhau không mối gỡ. Và tôi bất ngờ khám phá ra rằng nếu vì một lý do nào đó mà không bao giờ được gặp lại là điều làm tôi đau khổ biết là dường nào! Đó có phải chăng là tình yêu!

Có thật là tình yêu còn đến với một người đàn bà hơn sáu mươi tuổi, tình yêu của một bà già có thể làm đề tài giễu cợt cho đám con cháu hậu sinh. Đâu đó vang lên câu hát của bọn trẻ con và cả chính tôi trong một đám đông nào đó ngày xưa:

“Bà già lý le ông già, chiều chiều lén ra bờ sông. Hai người nói chuyện tâm tình cùng nhau chui đầu xuống sình.”

Tình yêu người già thường làm trò cười cho đám đông xung quanh. Tình yêu của những người già thường bị xúc phạm bởi những sự giễu cợt đôi khi đến chỗ quá trớn và độc ác của con người, cho nên người già thường hay dấu diếm tình cảm của họ. Khi con người còn quá trẻ để có quyền yêu người ta cũng phải dấu diếm đi những xúc cảm về tình yêu đầu đời của mình cũng như những người sáu mươi chợt bắt gặp tình yêu muộn màng sau nhiều năm tháng cô đơn, buồn chán. Vậy là tuổi mười sáu và tuổi sáu mươi đã gặp nhau trong tình yêu con người. Tại sao người trẻ có quyền yêu mà người già thì không, có phải chăng những người trẻ luôn muốn người già phải nằm im, phải khóa mình trong những bổn phận của họ. Ôi cái bổn phận đã giam giữ tôi gần hết một đời người, đời của người đàn bà góa chồng từ thủa tuổi mới quá đôi mươi.

Chị thở ra rồi nói tiếp:

- Phải chi ông ta đừng đến, thà rằng ông ta đừng đến cho tôi cam phận với cuộc sống cô đơn của mình, thà như vậy mà hơn chị ạ. Ông ta đã khuấy động đời sống vốn dĩ lặng lẽ của tôi. Tôi hiểu tôi rất rõ trong những giây phút này và tôi tin chắc rằng chị cũng hiểu điều đó.

Càng nghe chị nói tôi càng cảm thấy bất ngờ, lạ lùng vì đời tôi chưa bao giờ nghe một người già nói về tình cảm của họ. Thường thì họ hay lặng thinh để ai muốn hiểu sao cũng mặc, bởi khi khi càng lớn tuổi tình yêu đã hiển nhiên trở thành một điều cấm kỵ khó có thể giải bày.

Lời chị ai oán, xót xa làm sao và trong giây phút tôi thấy cảm thương chị vô cùng. Tôi nắm bàn tay Hiền nói thật nhỏ nhẹ:

- Tôi hiểu chị, xin chị hãy tin điều đó và tôi cũng biết những nỗi khó khăn, dằn vặt của một tình yêu muộn màng nhưng biết sao hơn khi chúng ta chỉ là những con người.

Mắt chị long lanh như muốn khóc:

- Đúng là sáu mươi mà chưa qua khỏi lưới tình, tôi đau khổ lắm. Tôi suy nghĩ rất nhiều, biết nói với ai đây không lẽ nói với con với cháu là mẹ đang yêu hay bà đang yêu, còn cái đám đông xung quanh nữa. Trời ơi mà cứ nghĩ đến chuyện phải xa hay mất ông ta là tôi lại muốn điên lên được, mà phải chi hồi giờ tôi là một người đàn bà gặp đâu yêu đó thì chẳng nói làm chi, đàng này…

Tôi thở dài:

- Tôi cũng chẳng biết khuyên chị như thế nào chỉ xin nói rằng: tình yêu dù ở tuổi nào cũng mang đến cho ta niềm hạnh phúc, hạnh phúc và đau khổ là khuôn mặt thật của tình yêu. Tình yêu là hai chữ hạnh phúc viết trên tấm bảng đen, hạnh phúc đi đôi với bất hạnh, có an vui và có cô đơn. Dù sao chị cũng đang hạnh phúc mà! Thôi thì cứ nhận lấy những điều đó những tặng phẩm mà cuộc đời đã tặng cho ta.

Tôi không thể hay không biết khuyên chị thế nào. Khuyên chị hãy quên đi những tình cảm vớ vẩn làm vướng bận tuổi già, khuyên chị trở về với những ngày, những đêm ôm cháu nhỏ cho cha mẹ chúng đi chơi về. Khuyên chị hãy lặng lẽ trong căn bếp nấu những món ăn ngon cho con cháu và nghe những lời xưng tụng. Hay là chị sẽ đến chùa, đến nhà thờ để xin Phật, xin Chúa giúp chị quên đi hình bóng người đàn ông đã đến đời chị quá đổi muộn màng, muộn màng đến độ chính bản thân chị không thể dựa vào lý lẽ nào để bảo vệ tình yêu của mình mà không bị gièm pha, xúc phạm. Hay khuyên chị hãy vào công viên ngồi trên ghế đá nhìn những chiếc lá vàng khô, héo úa rơi rụng để nghe thời gian gọi mình về cội úa. Tôi thật sự không biết khuyên chị ra sao?

Một ngày nào đó trong thành phố sẽ ồn ào lên vì câu chuyện của một bà già hơn sáu mươi góa chồng đã bốn mươi năm, có tiếng đàng hoàng, đức hạnh bỏ con bỏ cháu đi lấy một ông Mỹ già. Một đứa con dâu không có ai giữ con để đi chơi với chồng sẽ phàn nàn:

- Tôi thật sự không hiểu mẹ anh, già khú đế rồi mà không chịu yên thân với con với cháu mà còn tính chuyện nọ kia.

Hay đứa con gái sẽ khóc lóc với chồng:

- Em thật sự không hiểu mẹ em được, làm những chuyện không giống ai làm em xấu hổ vì bạn bè giễu cợt.

Vân vân và vân vân.

Chúng tôi ngồi im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Tôi nghĩ đến hai chữ duyên nợ mà người đời hay nhắc đến và tự hỏi đây là duyên hay là nợ. Nếu không là duyên thì làm sao gặp được nhau, nếu không là nợ thì làm sao người đàn bà trước mặt tôi phải muộn phiền sầu thảm vì đời sống bị khuấy động như thế này đây. Người ta hay nói lưới trời lồng lộng một con kiến không lọt còn với tôi lưới tình cũng chẳng chừa bỏ một ai. Lưới tình có thể chụp xuống bất cứ một cuộc đời nào dù già trẻ hay nam nữ mà khi đã mắc lưới rồi thì cũng khó lòng mà thoát ra được.

Tôi bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy chợt đến. Chị Hiền cũng cười theo tôi.

Ngày xưa những tờ báo trong nước hay có mục “gỡ rối tơ lòng” do bà Tùng Long phụ trách và ngày nay sống trên nước Mỹ tôi cũng thấy mục gỡ rối tơ lòng được thực hiện nhan nhản trong những show trên đài truyền hình. Tơ lòng của chị Hiền chắc chắn rằng tôi không bao giờ gỡ được cũng như những nhân vật phụ trách việc giải đáp về tình yêu, hôn nhân là những người đã từng ly dị nhiều lần và chính họ đã không gỡ rối tơ lòng của mình được.

Chúng tôi từ giã nhau, tôi đứng nhìn chị Hiền đi chầm chập về phía chiếc xe của chị. Tôi bỗng khám phá ra lưng chị hình như hơi còng xuống theo thời gian chồng chất của lứa tuổi sáu mươi dù công bằng mà nói chị không đến nỗi già lắm. Cảm nghĩ này chợt đến với tôi như một sự ngậm ngùi, trắc ẩn, xót thương bâng quơ. Ôi tình yêu, ôi cô đơn, tuổi già và chiếc lưới tình oan nghiệt. Rồi tư tưởng tôi lai lan man vẽ ra hình ảnh người đàn ông Mỹ trong câu chuyện chị kể, có thật ông ta là một người bảnh trai với hai con mắt nhìn đắm đuối hay cũng chỉ là một người già cô đơn như nhiều người đàn ông cô đơn trên cuộc đời này! Và tín hiệu của sự cô đơn đã làm người ta bắt gặp nhau, ưa thích nhau và yêu nhau chăng!

Chiếc lưới tình muôn đời vẫn là một điều khó hiểu như nỗi niềm cô đơn trong mỗi chúng ta từ khi mang thân làm kiếp con người./

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
11/07/201313:46:25
Khách
Xin cáo lỗi cùng quý độc giả của Việt Báo,
Hôm nay tình cờ thấy Lưới Tình xuất hiện trên những web khác của Google tôi rất lấy làm thú vị. Tuy nhiên tôi bỗng giật thoát mình vì nhận ra tôi đã phạm một lỗi chính tả rất trầm trọng về Anh Ngữ!
Tôi đã viết sai từ Christmas thành Chrirstmas (nghĩa là dư một chữ R)
Xin thành hật cáo lỗi cùng tất cả Quý Vị độc giả, tuy quá trễ nhưng còn hơn là không!
Kính,
Mimosa Phương vinh
19/06/201321:13:33
Khách
Yêu thương đâu có phải là cái tội,huống chi chồng chị HIỂN mất đã quá lâu rồi.và chị cũng đã dành gần trọn cuôc đời chăm lo cho con cháu,giờ muốn hưởng thụ một chút hạnh phúc cuối đời đâu có gì sai trái.
13/06/201301:17:45
Khách
Bài viết rất hay. Dành cho tất cả mọi người từ 9 đến 99 tuổi!
07/06/201300:25:30
Khách
Tình yêu không phân biệt tuổi tác, màu da, chủng tộc, tôn giáo, giới tính... Hãy cứ yêu và sống cho chính mình trước khi quá trễ vì đời người vốn ngắn ngủi. Khổ cho những người đàn bà VN cả đời hy sinh vì con cái đến khi tuổi về chiều muốn yêu thì bị con cái ngăn cản. Hãy bỏ ngoài tay những chỉ trích dèm pha để yêu và được yêu vì tình yêu vốn không phương hại ai cả thì: TẠI SAO KHÔNG?
06/06/201320:02:09
Khách
Đúng vậy, ai cũng co tình yêu cả, dù già hay trẻ, vì chúng ta là Human Being, Cho nên chúng ta nên tôn trọng tình cảm của những người lớn tuổi.
05/06/201319:25:41
Khách
Great story
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,153