Hôm nay,  

Tình Không Biên Giới

29/05/201300:00:00(Xem: 356959)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nails vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California khi 62 tuổi. Hiện đang volunteer tại một trường tiểu học ở Marysville, Bắc Cali, trong khi chờ đi dạy.” Bài viết mới, theo tác giả, là một chuyện tình hy hữu mà có thật.

Một buổi tối, đang dọn dẹp trong nhà, tôi bỗng nghe tiếng hát Khánh Ly:

“Tình không biên giới! Em ở cao sang còn anh vẫn mang số kiếp phong trần mặc cho ngày tháng. Tình không biên giới! Anh hãy tin rằng không cách chi ngăn lứa đôi chúng mình...

Đó là bài “Tình Không Biên Giới” của nhạc sĩ Văn Lương.

Tôi lật đật chạy vào xem. Thì ra ông nhà tôi trong lúc dọn dẹp “after moving” đã tìm thấy chiếc cassette cũ có cuộn băng nằm trong đó nên mở thử. Bất ngờ nghe được thần tượng Khánh Ly, tôi “trúng mánh” ngồi nghe luôn, quên cả chuyện đi dọn dẹp và rửa chén.

Tiếng hát Khánh Ly ấm áp, lời ca trữ tình làm tôi xúc động, nhớ lại chuyện tình “hi hữu,” của một cô gái người Mỹ tôi quen thân khi còn ở Oakland. Xin mượn tựa đề bài hát làm tựa cho câu chuyện.

Chuyện tình của một cô gái Mỹ trắng xinh đẹp và chàng trai Cam Bốt này đã một thời làm xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí thành phố Oakland, nơi tôi từng sống và làm việc trước đây. Chuyện xảy ra vào khoảng cuối năm 2011.

Tôi biết Gabby, tên gọi tắt của Gabriella, khi cô bé mới học lớp tám. Đó là lần đầu tiên mẹ và chị gái dắt Gabby đến tiệm tôi để làm móng tay. Thường thì với những người khách đến tiệm lần đầu, tôi luôn nhìn họ bằng con mắt người-nào-giống-như-người-nấy, hễ ai da trắng tóc vàng là “bà Mỹ Trắng,” da nâu bóng loáng là “ông Mỹ Đen,” da tai tái là “cô người Thái,” mắt một mí là “chị Đại Hàn.” Nhưng đặc biệt với Gabriella, tôi nhớ mặt và tên cô bé ngay lần gặp đầu tiên dù cái tên rất là khó nhớ.

Chẳng những nét mặt thiên thần dễ yêu của Gabby làm cho tôi chú ý mà tính tình cô bé cũng rất khác với những khách hàng “nhí” của tôi. Bọn nhỏ thường đòi hỏi sơn kiểu này, vẽ kiểu kia, đôi khi không vừa ý thì mặt mày phụng phịu. Gabby lúc nào cũng vui vẻ, lễ phép, dễ dãi “okay” những gì mẹ và chị cô gợi ý. 

Vì không được cái diễm phúc có một cô con gái cho vui cửa vui nhà, nên tôi thường “ganh tị” với những bà mẹ có con gái dễ thương, “thèm thuồng” thầm ước phải chi mình có một đứa, nên tôi đã thích mê cô bé tóc vàng này. Tôi thường nói chuyện với Gabby và vẽ những mẫu mới tặng cho mỗi khi cô bé đến. Gabby cũng kể tôi nghe chuyện học hành, bạn bè, rồi lớn lên một chút cô kể tôi nghe chuyện đi prom và tiệc tùng của bạn bè cô.

Ngày Gabriella đến làm đẹp cho lần sinh nhật thứ mười sáu, cô khoe vừa mới quen cậu bạn trai tại tiệc sinh nhật của một người bạn. Khi Gabby kể huyên thuyên về Bourey chàng trai tị nạn người gốc Campuchia bằng ánh mắt long lanh chứa đầy yêu thương, cô không hề biết cuộc tình này về sau sẽ dẫn dắt đời cô đến một ngả rẽ thật là bi đát.

Cô bé đã bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng ngay khi vừa bước vào đời. Yêu rồi, Gabby mới biết anh chàng đó đã một lần li dị và có hai con. Nhưng cô bé vẫn không phiền, cô nói., “phong tục người Cam Bốt lấy vợ sớm, đẻ con đông là chuyện bình thường, cháu không ngại đâu, miễn Bourey yêu cháu thật lòng là đủ rồi.”

Vì còn ảnh hưởng bỡi tư tưởng Á Đông, khi thấy đứa con gái mới lớn xinh đẹp mà đi yêu người đã từng li dị và có con, tôi cảm thấy tội nghiệp, tôi tiếc thầm cho Gabby. Nhưng tôi nghĩ tuổi trẻ Mỹ vốn “yêu cuồng sống vội,” cuộc tình này sẽ chẳng tồn tại được bao lâu.

Tôi đã lầm. Cặp tình nhân này keo sơn yêu nhau “tới bến” kể từ khi gặp gỡ. Lúc nào gặp tôi Gabby cũng tỏ ra rất hạnh phúc. Cô kể đủ thứ về người yêu, đẹp trai dịu dàng lịch sự, về việc làm quan trọng của anh ở Big O Tires, và về hai đứa con của anh, với những lời lẽ trìu mến vô cùng. Đáp lại, Bourey cũng yêu cô bé hết lòng, bọn họ tính sẽ làm đám cưới sau khi Gabby học xong và có việc làm ổn định.

Họ yêu nhau được hai năm. Khi Gabby vừa mười tám tuổi, thì một hôm Bourey bị bắt, chỉ vì cái tội xem như “lảng xẹt” mà lại dẫn đến kết quả tệ hại vô cùng, đó là tội “không tuân lệnh cảnh sát” khi bị chận lại. Họ phát hiện ra vài năm trước Bourey đã có “sổ đen” vì liên quan đến ma túy. Thế là “nợ cũ chồng nợ mới,” anh bị tuyên án mười sáu tháng tù.

“Khi yêu trái ấu cũng tròn,” Gabby chẳng hề trách móc hay oán hờn người yêu. Cô chấp nhận sự việc như một “tai nạn,” và những ngày cuối tuần đi thăm Bourey, Gabby còn dẫn theo hai đứa con của anh để chúng gặp cha. Tôi rất khâm phục cô gái này. Có rất nhiều khách hàng trẻ của tôi đã bỏ phăng người yêu khi họ phạm tội phải vào tù, thậm chí bạn gái một cảnh sát cũng chia tay anh ta vì “đi cả ngày lẫn đêm” không chăm sóc cô tận tình như cô muốn. Gabby nói Bourey rất hối hận, anh hứa là sau khi ra tù sẽ tuyệt đối không làm điều gì sai trái nữa.

Khổ nỗi, khi anh nhận ra sự sai lầm thì đã quá muộn. Vì một phút cạn nghĩ, lỡ lầm vui chơi cùng chúng bạn, Bourey không ngờ mình phạm phải luật “thiên điều” của Hoa Kỳ.

Đến Mỹ diện tị nạn cùng gia đình khi mới vừa ba tuổi, Bourey đã được cấp thẻ xanh thường trú. Lẽ ra khi lên mười tám anh có thể thi vào quốc tịch, nhưng sau khi học xong High School, anh có việc làm ổn định rồi vì bận rộn và không biết tầm quan trọng của nó nên đã không hề để tâm đến. Giờ gặp chuyện, Bourey mới “tá hỏa tam tinh.” Dân Mỹ “chính hiệu con nai” có quốc tịch đàng hoàng mà phạm tội vào tù còn bị vết đen cả đời huống chi một thường trú nhân như anh. Anh lại phạm tội đến hai lần nên đã bị thu lại thẻ thường trú nhân, chờ thi hành xong án tù sẽ trục xuất về nguyên quán Cam Bốt.

Tội nghiệp Gabby, cô bé biết được tin này, hốt hoảng tìm cách “xoay chuyển thế cờ” để giúp người yêu. Cô nói với tôi:

- Cháu sẽ vào trong tù làm lễ kết hôn với anh ấy để bảo lãnh cho anh được ở lại. Bourey đến Mỹ khi còn nhỏ xíu, anh học hành và chơi với bạn bè toàn nói tiếng Anh nên anh không biết nói tiếng mẹ đẻ Khmer của mình, bây giờ bắt anh về bên đó làm sao mà sống?

Gabby tuyên bố bằng mọi giá cô sẽ kết hôn với Bourey, bất chấp sự can ngăn của gia đình và khuyên bảo của bạn bè là kết hôn với một tù nhân đời cô sẽ gặp nhiều bất trắc.

Nhưng rồi người ta không đồng ý cho cặp đôi này làm thủ tục kết hôn trong tù vì lẽ Bourey thuộc diện bị chờ trục xuất. Gabby không nản chí, cô bé bèn làm một quyết định táo bạo, đến trại giam thăm người yêu thường xuyên và ở lại luôn đêm. Cô muốn có một đứa con với Bourey, nghĩ rằng anh có thể được chính phủ khoan hồng cho ở lại vì lý do anh là “cha công dân Mỹ.”

Cuối cùng Gabby cũng được như ý. Khi cô mệt nhọc vác cái bụng bầu gần ngày sinh đến gặp tôi, cô mang theo hai đứa con riêng của Bourey, Buntoeun là đứa con trai bảy tuổi cao gần đến vai cô và đứa con gái Chanthou bốn tuổi. Tôi thật xúc động khi nhìn “bà dì ghẻ tí hon” mười tám tuổi tỏ ra rất ngọt ngào, ép uổng hai đứa con riêng của người yêu ăn cho hết phần ăn trưa McDonald cô mua cho chúng và hai đứa bé thì đeo bám theo cô thân tình còn hơn là mẹ ruột. Một hình ảnh cảm động thật hiếm thấy giữa mẹ ghẻ con chồng. Không biết trên thế giới này còn có bao nhiêu cô gái làm được như Gabby nếu họ ở vào hoàn cảnh của cô.

Thấy tôi nhìn hai đứa bé bằng ánh mắt ngạc nhiên, Cô ôm Chanthou vào lòng, vuốt tóc nó và nói:

- Cuối tuần không đi làm, cháu đưa hai đứa về ở với cháu cho vui, cho bớt nhớ Bourey. Cháu cũng thường xuyên đưa tụi nó đi gặp cha để anh đỡ bị khủng hoảng tinh thần.

Tôi thường nói với bè bạn và người thân, Bourey thật là “tu chín kiếp” và Gabriella là hiện thân của một thiên thần bị đọa xuống trần gian.

Đến năm 2007 khi Bourey mãn hạn tù, chính phủ Hoa Kỳ chưa ký được thỏa thuận nhận lại anh từ chính phủ Campuchia nên họ thả anh về, và lệnh cho anh phải ra trình diện mỗi ba tháng. Gabriella mừng quính tưởng vậy đã yên, đón Bourey về thuê nhà ở chung. Khi anh tìm được việc làm, cô dục anh làm thủ tục nhận nuôi hai đứa con riêng vì người mẹ ruột nghiện ngập rượu chè sợ sẽ ảnh hưởng đến chúng. Gabby rất thương tụi nhỏ mà hai đứa cũng mến người “mẹ ghẻ” này hơn cả mẹ ruột. Rồi Gabby lại biết thêm Bourey có một đứa con riêng khác nữa khi anh còn học High School và người mẹ ấy đòi anh trợ cấp. Tôi nghe được tỏ ra “giận dùm” cho Gabby nhưng cô nói tỉnh bơ:

- “I dont care!” Cháu không phiền đâu! Bây giờ Bourey đi làm được thì phải có trách nhiệm trợ cấp cho đứa con anh ấy chứ!

Tôi thật phải “cúi đầu” trước tinh thần trách nhiệm và tôn trọng luật pháp của cô gái này.

Bourey đi làm fulltime, Gabby làm part time ở Long John Silver, họ cùng nhau nuôi ba đứa con và chuẩn bị cho cái đám cưới. Cuộc sống của cặp đôi này rất tốt, Gabby thường “cập nhật” cho tôi nghe về gia đình nhỏ của cô. Cô rất hạnh phúc vì Bourey là một người chồng tốt. Anh cũng yêu vợ vô cùng, đi làm ra là về nhà chăm sóc vợ con, không bao giờ đi nhậu nhẹt hay la cà bè bạn như ngày xưa nữa.

-Gia đình Bourey nói anh thay đổi hoàn tòan từ ngày yêu cháu. Gabriella hãnh diện kể.

Đầu năm 2008, sau cái đám cưới truyền thống của gia đình, Gabby đến báo tin buồn là chính quyền vẫn không chịu cấp giấy hôn thú cho vợ chồng cô dù cô bắt đầu mang thai đứa con thứ nhì. Đó cũng là lúc cộng đồng Việt Nam đang xôn xao bàn tán về việc bà thứ trưởng Bộ An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Julie Myer, đặc trách về nhập cư, đã ký một thỏa ước với ông Đào Việt Trung thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam để nhận những người Việt phạm tội bị chính phủ Hoa Kỳ trục xuất.

Tôi đoán biết là Bourey cũng sẽ không “thoát khỏi lưới trời.” Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã làm việc đến hơn mười năm. Lâu nay mọi người thầm mừng, ngỡ họ đã quên, không ngờ bây giờ họ lại bắt đầu giáng đòn “sấm sét.”

Tôi thấy thương cho những gia đình đang sắp sửa bị “xẻ nghé tan đàn” như gia đình của Gabriella. Thương cho những bậc cha mẹ đã phải vất vả dường nào, có khi vượt qua sống chết trong đường tơ kẽ tóc, chạy trốn khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để đem con cái đến tị nạn trên miền đất tự do này như cha mẹ của Bourey. Vậy mà chỉ vì không hiểu thấu tầm quan trọng của cái chứng thư quốc tịch, và vì một vài phút cạn nghĩ, yếu lòng vì bè bạn, họ đã gây hại, đánh mất tương lai chẳng những cho bản thân mà còn làm cho cha mẹ đau lòng và gia đình tan nát. Đã mang danh đi “tị nạn” giờ bị trả về thì làm sao sống nổi?

Tôi không dám kể Gabby nghe về việc ký kết ấy, một phần vì hai quốc gia riêng biệt có khi Hoa Kỳ áp dụng luật lệ khác nhau, một phần vì tôi nghe đài Á Châu Tự Do phỏng vấn luật sư Phạm Đức Tiến cho biết hiệp ước này chỉ dành riêng cho những người phạm tội đã đến Mỹ sau tháng 7 năm 1995, Bourey đến Mỹ từ lâu biết đâu lại khác, một phần nữa cũng vì nói ra làm cho cô thêm lo lắng. Tôi muốn để cô gái chung tình Gabriella vô tư hưởng hạnh phúc từ cái gia đình nhỏ bé của cô được lúc nào hay lúc ấy. Nhưng trong thâm tâm, tôi luôn bị “ám ảnh” bỡi câu trả lời của luật sư Tiến trên đài Á Châu Tự Do ngày 29 tháng 01, 2008, “Một khi lệnh đã xuống, đã “final” và “order” rồi thì không thể làm gì được hết. Có thể tùy trường hợp, nhưng ngay cả lúc đó họ có vợ con, mà có lệnh xuống rồi thì cũng không giải quyết được.”

Nếu thế thì trong trường hợp này, Bourey đã được tòa tuyên phán, “order” rồi, sớm muộn họ cũng làm việc tiếp tục thôi.

Sự việc của Bourey dường như “chìm xuồng” được bốn năm. Đó là những năm tháng hạnh phúc của Gabby.

Đùng một cái, trước lễ Thanksgiving 2011 chị của Gabriella đem đến đưa tôi tờ nhật báo địa phương, vừa nói vừa khóc:

- Linda, chị làm ơn nói vài lời khuyên bảo Gabby dùm tôi. Nó đang chuẩn bị đem hai đứa con của nó qua Cam Bốt để sống với Bourey. Gia đình tôi và bạn bè nó đều cố hết sức can ngăn nhưng nó một mực không nghe. Gia đình Bourey đều ở Mỹ, Gabby thì không biết một chữ Khmer, cả Bourey cũng vậy. Qua đó làm sao mà sống?

Tôi sững sờ:

- Trời đất! Gabby mới gặp tôi cách đây không lâu, cô ấy có nói gì đâu!

- Tuần trước người của ICE (Immigration & Customs Enforcement) đã đến tận chỗ làm bắt Bourey đi rồi. Bây giờ họ đang giữ nó ở Sacramento, chỉ mười ngày nữa là sẽ bị trục xuất về Cam Bốt. Gabby rất thích chị và chị cũng thường nói chuyện với nó, may ra nó nghe lời chị chứ chúng tôi hết cách rồi! Mấy ngày nay nó lo tổ chức việc rửa xe gây quĩ để kiếm tiền mua vé máy bay.

Tôi thật quá bất ngờ. Trước đây đã có lần Gabby nói với tôi nếu chẳng may Bourey bị trả về Cam Bốt thì cô cũng sẽ đi theo vì cô “không thể nào sống thiếu anh ấy được.” Tôi nghĩ cô chỉ nói vậy thôi chứ làm sao mà cô dám đi. Thế mà bây giờ…

Cầm lấy tờ báo nhìn vào trang nhất, tôi bỗng nghẹn ngào rơi nước mắt. Cô Gabriella xinh đẹp hai mươi hai tuổi tôi mới gặp gần đây, bây giờ nhìn giống như một phụ nữ trung niên, mặt mũi bơ phờ, mái tóc bạch kim lóng lánh ngày nào giờ đã rụng đâu mất hết chỉ còn thưa thớt loe hoe, bẹp dí ra đàng sau giống như người hói. Dáng ngồi thiểu não, Gabby đang ôm hai đứa con ruột trong lòng, hai đứa con chồng thì tựa vào cô như tìm sự chở che. Tấm hình nhìn đau đứt ruột. Thương cho Gabby, tôi chỉ biết trách thầm tạo hóa gây chi cảnh đọan trường này.

Trong bài phỏng vấn, Gabriella kể với nhà báo, mới đầu khi chồng bị bắt đi, cô khóc ròng rã hai ngày. Cô rất giận Bourey vì đã không lo việc vào quốc tịch và nghe theo bạn bè xấu để liên lụy vào thân. Nhưng rồi cô nghĩ lại “ai cũng có lần lầm lỡ” và vì yêu chồng cô bỏ qua hết để đứng dậy tiến về phía trước mà lo cho mấy đứa con. Cô đang thu xếp để gửi lại hai đứa con lớn cho gia đình chăm sóc và sẽ mang hai đứa nhỏ nhất qua Cambodia theo chồng sau khi cô gom góp đủ tiền cho vé máy bay.

Tờ báo cũng bày tỏ sự quan tâm của họ về mối tình này. Họ nhận xét, trường hợp của Gabriella đã minh họa cho sự phức tạp rắc rối về thủ tục của luật di trú và trục xuất của Hoa Kỳ, và điều này đã “tear families apart,” xé nát nhiều gia đình. Nhà báo đã tìm gặp người quản lý nơi Bourey làm việc để hỏi về anh. Họ được cho biết anh là một người cần mẫn, nhiệt tình, và rất có trách nhiệm trong việc làm. Xếp của Bourey cũng kể lại trong bốn năm anh làm việc ở đây, mọi người đều yêu mến anh, họ đều biết ngoài việc đi làm chăm chỉ, Bourey là một người rất yêu vợ thương con.

Phóng viên của tờ báo cũng đã liên lạc với cơ quan ICE để tìm hiểu thêm về trường hợp của Bourey. Họ cho biết, những thường trú nhân của Hoa Kỳ một khi đã phạm tội thì tùy thuộc vào sự phán quyết cuối cùng của tòa án, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà định liệu về việc trục xuất. Nếu một khi tòa án đã quyết định rồi thì ICE có trách nhiệm phải thi hành chứ không còn chọn lựa nào khác. Cho nên, mặc dù Bourey đã ăn năn hối cải, trong bốn năm qua anh đã chứng tỏ là một người chồng, người cha, người công dân tốt, đi làm đóng thuế, chăm sóc vợ, nuôi con, đi trình diện mỗi ba tháng, nhưng anh vẫn không được khoan hồng.

Tuy tôi hứa với chị của Gabriella sẽ tìm cách thuyết phục cô đừng đi Cam Bốt, nhưng tôi biết việc này chỉ hoài công, vì tình yêu của Gabby đối với Bourey trên cả cái mức mà người ta gọi là “yêu chết được!”

Mà đúng như vậy. Khi gặp nhau tôi chưa kịp nói lời nào cô đã kể, người ta cho biết sau mười năm tính từ ngày ban lệnh trục xuất Bourey mới được nộp đơn xin trở lại Mỹ để đoàn tụ gia đình. Rồi cô nói:

- Chờ đến mười năm? “No way!” Không có chuyện đó đâu! Cô biết rõ cháu mà, làm sao cháu xa Bourey đến ngần ấy năm cho được?

Người vợ trẻ gan dạ này còn lên kế họach khi qua Cam Bốt, cô sẽ học tiếng Khmer và đi làm ở khách sạn, ước mong chỉ cần kiếm được mỗi ngày từ một đến ba đô la. Cô cũng sẽ học làm vườn, tự trồng trọt hoa màu để gia đình cô sinh sống.

Tôi thấy rõ quyết tâm của Gabby nên đã không thể mở miệng nói được một lời nào.

Dư luận thành phố rất cảm động về tình yêu chân thành của Gabriella, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về câu chuyện của cô. Báo chí thì theo dõi đường đi nước bước của Bourey sau khi anh về đến Cam Bốt để xem anh có được an toàn.

Sau đó một tờ báo địa phương có đăng bài về cuộc nói chuyện điện thoại với Bourey từ một trại tập trung ở Cam Bốt. Anh kể với nhà báo là anh nhớ vợ con, nhớ gia đình, nhớ cuộc sống tự do ngày nào ở Mỹ, nhớ đến điên cuồng. Mỗi khi đêm về anh không thể nào ngủ được, cứ nằm khóc mãi cho đến khi thiếp đi trong mộng mị kinh hoàng.

Bourey còn cho nhà báo biết, ở xứ Chùa Tháp này những kẻ có tiền là có sức mạnh. Vừa bước xuống phi cơ, anh đã bị cảnh sát làm tiền. Trên đường đến Phnom Penh anh chứng kiến cảnh một chiếc xe hơi đụng xe gắn máy, sau đó người chủ xe hơi bước xuống quát tháo người lái xe gắn máy, bắt đền anh ta vì chiếc xe hơi bị trầy. Người đó không có tiền đền, ông ta xiết luôn chiếc xe gắn máy! Anh chưa làm được giấy tờ tùy thân vì phải tốn ít nhất là hai trăm đô lo lót cho cán bộ hành chính. Anh cũng không dám ra đường vì anh thường bị nhìn chằm chằm như người đến từ hành tinh khác.

Cánh báo chí thấy tội nghiệp cho cặp “Ngưu Lang Chức Nữ” này nên đã giúp tìm giải pháp. Họ tiếp xúc với các công ty luật chuyên về di trú và cho Gabby biết, trong luật di trú về phần trục xuất, chính phủ cũng có “chừa cửa” cho những trường hợp đặc biệt mà thân nhân có thể điền đơn xin cứu xét.

Tôi cũng bị “cuốn hút” theo hoàn cảnh thương tâm của Gabriella nên thường theo dõi, hỏi thăm. Gabriella kể tôi nghe người ta đã khuyên cô nên làm đơn khiếu nại để có thể bảo lãnh chồng trở lại Hoa Kỳ sớm hơn thời hạn mười năm, với lý do Bourey đã ăn năn hối cải, thể hiện là một công dân tốt trong bốn năm liền, anh là trụ cột gia đình, đi làm nuôi vợ và năm đứa con, sự vắng mặt của anh khiến gia đình lâm vào cảnh kinh tế khó khăn tột độ (extreme hardship). Cô nói bằng mọi cách cô sẽ hòan thành thủ tục này trước khi theo Bourey qua Cambodia.

Tôi đã mừng dùm cho Gabby, và cũng mừng dùm cho những người Việt nào đã lỡ bước gây ra “nghiệp chướng” bị tù tội và trả về Việt Nam, nhất là những người đã có gia đình. May ra họ sẽ có cơ hội để được người thân làm đơn xin cho trở lại Mỹ sớm hơn mức qui định của tòa án.

Một tuần sau đó, trong khi ở Cam Bốt Bourey ngắc ngư mò mẫm học lại tiếng mẹ đẻ Khmer, hy vọng có thể kiếm được việc làm trên quê hương cũ của mình, thì tại Mỹ, Gabriella người vợ thủy chung của anh cũng vừa vật vã lo nuôi bốn đứa con cho anh, vừa lo tổ chức rửa xe gây quỹ mỗi cuối tuần, chắt chiu dành dụm từng đồng, chờ mong đủ tiền mua ba chiếc vé máy bay để mang con bay qua nửa vòng trái đất hầu sum họp với “nửa kia” của mình. Dù đó sẽ là một hành trình vô cùng khó nhọc và một cuộc sống mà cô chưa bao giờ có thể hình dung ra đang chờ cô phía trước.

- Có tình yêu của Bourey, dù khó khăn nào, biên giới nào cháu cũng sẽ vượt qua! Gabriella khẳng định.

Bài viết trên đây xong đã lâu nhưng tôi có ý chờ xin phép nhân vật chính được giữ nguyên tên thật rồi mới gửi Việt Báo. Rất tiếc vì đã dời khỏi Oakland hơn một năm rồi nên dù cố gắng, tôi cũng không liên lạc được với cô. Có lẽ cô đã theo chồng qua Cam Bốt. Tôi đành thay đổi tên nhân vật và địa danh trong bài.

Cầu mong cho nhân vật trong chuyện tình có thật này được an lành, may mắn.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
01/06/201301:18:48
Khách
Cám on* các bạn conmeo, Hoang, và Tuan,

Bạn conmeo va Hoang đã nói rất đúng! "Pháp luật Mỹ rất nghiêm khắc," mà buồn thay, nhiều người dân nhập cư đã "tho`o* vó­­i luật di trú " nên mo*i xảy ra chuyện, làm chia cắt gia đình. Cám on các bạn đã chúc lành cho nhân vật, đó cũng là điều mà tác giả mong muốn.

PH
30/05/201321:04:00
Khách
Bài viết thật là xúc động. Tác giả cho người đọc cái nhìn mới về tình yêu không biên giới.
30/05/201318:30:19
Khách
Co^ Hoa oi con thiet la thich’ loi’ viet’ truyen cua co^. Loi van gian di & de^ hieu. Noi dung cau chuyen dduoc co^ ke^ lai ngan’ gon & loi cuon’ nguoi` ddoc. Co^ co’ cach’ viet’ truyen that la hay va thuc te^’ nua~. Co^ am hieu nhieu ddieu trong cuoc song’ chu*’ khong phai la viet’ cang viet dai. Loi van co^ viet luc’ di’ dom lam` cho minh cuoi & luc’ that buon lam` minh khoc’. Cau` mong cho g/d 2 ban tre trong truyen cua co^ co’ mot ket’ qua dduoc tot’ ddep hon. Mong ho dduoc ddoan tu tro* lai tren nuoc’ My~ nay. That la` toi nghiep cho nhung~ nguoi` tre voi’ nhung~ loi lam bong bot. Luat phap thiet qua’ cung’ rang. Lo*~ bi 1 vet dden gi` roi` thi` co* hoi lam` lai cuoc ddoi sao ma` qua’ kho’.
30/05/201304:30:59
Khách
Truyện rất cảm động. cám ơn tác giả chia xẻ.
29/05/201319:57:47
Khách
Bài viết của tác giả thật hay và cảm động. Cách viết của tác giả rất phong phú vửa để lại trong lòng người đọc cảm giác buổn xót xa, vừa ấm ức và tiết thay cho tình yêu của cô Gabby vì pháp luật của Mỹ đôi khi quá khắt khe và hơi cứng không có sự co giản hay tình người mặc dù Nước Mỹ là sứ tự do và lỏng nhân ái # 1. Nhân vật nữ chính cũng đáng khâm phục..nhất là ở đất Mỹ nảy hiếm kiếm được 1 cô da trắng có được tấm lòng hi sinh vì tình yêu như phụ nữ Á Châu. Bài viết này tuy kể chuyện tình của đôi trai gái nhưng ý chính của tác giả cũng không quên nhắc nhở cho những ai chưa biết hay thờ ơ với luật di trú của Mỹ thì cũng nên tìm hiểu và phòng ngừa để đừng bị mắc phải tương tự như nhân vật trong truyện...Đọc bài nào của tác giả Phương Hoa tôi cũng đều rưng rưng nước mắt hết.
29/05/201317:13:15
Khách
Chuyện hay và cảm động. Pháp luật Mỹ rất nghiêm khắc, một người bình thường nghiêm chỉnh còn khó sống huống chi những người còn trẻ làm sao chịu nổi.
Không dễ gì kiếm tình yêu ở xứ này, cô gái này đẹp, tốt, khổ là người hiếm có.
Tôi có kinh nghiệm sống ở VN, giấy tờ quan trọng lắm, mình không là công dân xứ nào hết có nước ra biển ở.
Chắc chắn cô ta sẽ có hậu vận tốt nơi xứ người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến