Hôm nay,  

30 Tháng Tư Và Chuyện Hai Người Bạn

30/04/201300:00:00(Xem: 257184)


Tác giả: ThaiNC
Bài số 3883-13-29283vb3043013

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là hai bài viết mới: Viết ngắn cho Tháng Tư, và một truyện ngắn.

***

Bài I. Hàng Triệu Người Buồn

28 tháng Tư…
Ngày này 38 năm trước, tôi là cậu bé 16 tuổi đang ôm khẩu súng Carbin cổ lỗ sĩ trong một phiên gác Nhân Dân Tự Vệ.
Trời mưa. Sấm và chớp. Nhóm của tôi toán ba người đang rút vào nhà một người quen trú mưa chờ dứt phiên gác, và vô tình cùng gia đình họ ngồi nghe tường thuật trực tiếp toàn bộ buổi bàn giao chức vụ TổngThống lịch sử.
“Đây là phóng viên Hệ Thống Truyền Thanh VN, quí thính giả đang theo dõi trực tiếp truyền thanh lễ trao nhiệm chức tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu đại tướng Dương Văn Minh…
"Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài Dinh Dộc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…”
Đó là nguyên văn câu tường thuật của người phóng viên trong buổi lễ. Giọng nói đầy xúc cảm của người phóng viên đã in sâu trong đầu tôi suốt bao nhiêu năm dài.
Chính câu nói đó chỉ trong mấy giây thôi, đã thay đổi tôi từ một cậu bé học trò vô tư hồn nhiên thành một… cậu bé khác. Tôi vẫn là một cậu bé, nhưng đã biết suy tư. Tôi bỗng nhận ra tôi là ai. Tôi bỗng nhận ra hai chữ “đất nước” của người phóng viên vừa nhắc đến đó chính là “đất nưóc” hiện tại của tôi đang sống, đang thở. Cái “đất nước” đã nuôi tôi khôn lớn, cho tôi những tháng ngày tươi đẹp của tuổi ấu thơ, đã dạy cho tôi bao điều hay lẽ phải trong trường lớp…
Nhưng cái “đất nước” đó của tôi nó đang hấp hối…
"Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài Dinh Dộc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…”
Ôi, tôi vừa nhận ra “đất nước” của tôi, tiếc thay nó chỉ sống đưọc có đôi ngày nữa mà thôi.


Nhà tôi ngay mặt tiền đường Trương Minh Giảng. Quận 3.
Bây giờ thì họ gọi là đường Lê Văn Sĩ. Trước đó, có thời tên là đường Nguyễn Văn Trỗi.
Đây là một trong ba con đường chính dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất của Sài gòn. Từ nhà tôi, mấy ngày nay đã có thể dễ dàng trông thấy những cụm khói bốc lên từ phía phi trường cùng những tiếng nổ ì ầm vọng lại...

Sáng ngày 30.
Bỗng nhiên vắng lặng một cách lạ lùng. Không có tiếng súng. Không bóng người trên đường phố.
Khoảng 8 giờ sáng từng tốp nhỏ những người lính Cộng Hoà từ phía phi trường đi bộ lên. Không đội hình. Không súng ống. Một số không cả ba lô hành trang nào cả. Những người lính đi mà hình như không biết đang đi đâu. Họ chỉ đi…
Một tốp lính khoảng chừng 10 người dừng lại trước nhà tôi. Những người lính rất trẻ. Họ bắt đầu cởi áo lính ...
Nhà tôi lúc đó có một người anh họ con ông bác, là Trung úy bộ binh, từ Phan Thiết dẫn được vợ con chạy kịp về SàiGòn mấy ngày trước, tỵ nạn trong nhà.
Anh ấy và ba tôi nói chuyện gì một lúc, tôi thấy hai người gom một mớ quần áo và tiền. Xong, anh tôi ôm mớ quần áo và tiền đó mở cửa bước ra trao lại cho những người lính này. Anh tôi bắt tay vài người, vỗ vai an ủi vài người lính khác… Họ có nói với nhau vài lời nhưng tôi không nghe rõ. Trước khi trở lại vào nhà, anh móc túi lấy gói thuốc trao lại cho một người lính trong đó.
...

Vài tiếng sau, một đoàn lính khác từ phía phi trường đi bộ lên.
Rất đông.
Họ đi ngay hàng thẳng lối, nép sát dưới những mái hiên. Đội hình kỷ luật. Ba lô súng ống đầy đủ.
Và im lặng.
Toán bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt đầu tiên tiến vào Sài Gòn từ ngả phi trường.
Thành phố tôi ở chính thức đổi chủ,
... và đổi tên.

*
Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng của nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
Bây giờ, đã thêm gần mười năm nữa trôi qua.
Bạn ở trong số hàng triệu người vui, và vẫn còn vui thì cứ vui.
Bạn vẫn còn say men chiến thắng thì cứ tiếp tục “liên hoan” chiến thắng.
Tôi ở trong số hàng triệu người buồn kia… chất chồng theo năm tháng.
*
Sau đây là một truyện ngắn sau 30 tháng Tư

*II. Chuyện Hai Người Bạn

Suốt những năm trung học, Hào và Hữu là hai thằng bạn nối khố, cặp bài trùng. Họ thân nhau ngay từ ngày đầu tiên ngồi cạnh nhau, và bao giờ cũng sát cánh suốt bảy năm trời mài ghế nhà trường.
Sau khi cùng đỗTú Tài tốt nghiệp trung học, Hào ghi danh vào Luật Khoa như dự định. Tưởng bạn sẽ theo mình, hay ít ra cũng tiếp tục đường học vấn, nhưng không, Hữu cho biết hắn sẽ xin vào Hải Quân, thực hiện mộng hải hồ. Hào ngạc nhiên khi nghe hắn nói. Tương lai, gia đình, và bè bạn không đủ cầm chân hắn. Hữu cho biết hắn đã suy nghĩ kỹ. Hải Quân là nơi thích hợp nhất, vừa đáp lại lời kêu gọi của núi sông, vừa là dịp cho hắn được đi khắp miền quê hương gấm vóc.
Năm đầu ở Luật Khoa buồn nản. Hào cảm thấy thiếu vắng tình bạn thân thiết. Hữu ra đi biền biệt, thỉnh thoảng chỉ gửi cho Hào một tấm thiệp nhỏ, cho biết từng địa danh hắn đã đi qua… Anh cảm thấy phục bạn mình hơn bao giờ. Hắn đã dám dấn thân nam nhi chi chí, còn anh vẫn mỗi ngày cắp sách đến trường, sống yên vui trong sự che chở của bao người cùng trang lứa, đang từng ngày đối diện với quân thù.
Mặc cảm hèn yếu theo đuổi Hào ngày mỗi lớn. Khi anh có ý định ra đi như Hữu, thì Mai xuất hiện trong cuộc đời chàng. Những ánh mắt gặp nhau trong giảng đường, những ly nuớc dừa tươi của con đường Duy Tân cây dài bóng mát đã mang đến cho Hào một luồng gió mới. Buổi hò hẹn hò trong thư viện, từng vòng tay ôm, nụ hôn vội vàng, đã cầm chân Hào trở lại. Anh tạm quên ý hướng ra đi, tạm quên Hữu để phiêu lưu trong tình yêu đầu đời.

*

Hữu trở lại Sàigòn lần đầu tiên sau một năm trời xa vắng, đến tìm Hào tại trường. Hắn thay đổi hẳn, mái tóc cắt ngắn, da đen sạm, khỏe mạnh trong bộ quân phục màu xanh nước biển. Chỉ có ánh mắt tinh nghịch và phong cách cởi mở là không thay đổi. Một lần nữa Hào lại cảm thấy mình nhỏ đi trước bạn. Không để anh suy nghĩ lâu hơn, Hữu vỗ vai Hào thân mật:
-Đi mày, ra làm vài chai băm ba với tau rồi nói chuyện sau.
Hào vui vẻ theo Hữu ra khỏi trường, quên luôn giờ hẹn với Mai ở thư viện. ...
Đơn vị Hữu đang đóng ở Vũng Tàu nên hắn về Sàigòn đều đặn hơn. Gặp Hào, hắn nói là phép, thỉnh thoảng lại mỉm cười bí mật: tao “dù” về chơi. Hào giới thiệu Mai với Hữu. Nhưng những cuộc đi chơi tay ba không mấy thú vị. Hào nhận thấy bạn mình không được vui vẻ cởi mở như trước nữa. Có thể hắn thấy sự hiện diện của Mai chia xẻ tình thân của Hào. Cũng có thể hắn thấy lẻ loi. Hào biết bạn mình đang trống vắng. Đời sống quân ngủ với thời gian ít ỏi đã không cho hắn những cơ hội gặp gỡ. Anh đem cảm nghĩ mình bàn lại với Mai, nhờ nàng giúp đỡ.
Như dự định, lần sau đó khi Hữu về Sàigòn, Mai đã đến với một người con gái khác, Vân, cô em họ của nàng để giới thiệu với Hữu. Họ tổ chức một cuộc picnic tại Thủ Đức. Buổi đi chơi xa có lẽ mang lại kết quả tốt. Hào và Mai cố ý tách ra để hai người được tự do. Vân thật hiền và ít nói. Nàng chỉ chăm chú nghe và hưởng ứng những chuyện Hữu kể về những chuyền đi biển và phong tục đặc biệt từng địa phương hắn ghé qua.
Qua mấy lần gặp gỡ, thấy bạn không có dấu hiệu gì tiến triển, Hào hỏi thẳng cảm nghĩ của Hữu về Vân.
-Vân ? Đẹp và dễ thương ghê.
-Vậy mày…. thấy sao?
Hắn tỉnh bơ:
-Tao nhận Vân làm em gái rồi.
Hào sững sờ:
Ban đầu chàng tưởng bạn mình giở trò “em gái hậu phương” để tô điểm cho cuộc tình. Nhưng anh lầm. Hữu thật tình coi Vân như em. Hào buồn bã kể lại cho Mai và nhờ nàng kiếm giùm…một người khác. .
Cơ hội thứ hai không thể đến. Hữu được lệnh nhổ neo ra một vùng nào đó ở miền Trung. Hắn nói lần này ra đi sẽ rất lâu, chưa biết khi nào trở về. Hào, Mai và Vân lặng lẽ tiển đưa Hữu rời bến.
Đó là lần cuối cùng hai người gặp nhau. Đất nước sụp đổ đã kéo hàng vạn người ra biển vượt thoát, trong đó có Hào. Anh ra đi bất ngờ như tiếng gọi của định mệnh. Từng khối người chen chúc trên con tàu già nua từ từ rời cảng Sàigòn. Hào phóng mình bơi theo và leo lên như một mãnh lực huyền bí nào đó đã khiến anh quên tất cả.

*
Sàigòn 1980
Anh thân mến,
Chỉ còn vài tiếng nữa là bắt đầu một năm mới. Pháo đang nổ báo hiệu cho tất cả mọi người, già cũng như trẻ, trai hay gái, tư sản hay vô sản…đều được thăng thưởng thêm một tuổi. Có lẽ đây là điều công bằng nhất của thượng đế. Giữa giây phút thiêng liêng của đất trời này, Mai lại nhớ anh.
Anh ơi, Mai mới ra Bắc thăm ba. Mẹ lại đau nặng và yếu quá nên năm nay Mai đi thay. Mai đáp tàu lửa ở Sàigòn đến một vùng hẻo lánh thuộc Cao Bắc Lạng gần biên giới Tàu. Cả đi lẫn về mất gần một tháng. Nghĩ lại Mai còn rùng mình thấy sợ. Nếu không có anh Hữu chắc Mai chết mất. Cũng tức cười, anh Hữu vừa ra khỏi tù thì lại đi thăm tù. Ba anh ấy cùng giam một chỗ với ba Mai nên tụi Mai đi chung. Lần đầu tiên trong đời Mai đi xa như vậy, và có đi mới biết được thế nào là thân gái dặm trường. Mai chỉ còn nhớ khi tàu ra tới Huế là kiệt lực, không biết gì nữa. Mọi việc anh Hữu lo liệu hết. Mai ngất xỉu nhiều lần, mỗi lần tỉnh lại thấy gói quà cho ba vẫn còn bên cạnh mới yên tâm, rồi lại thiếp đi. Hình như sau khi xuống sân ga Cao Bằng, tụi Mai đã đi xe hàng, đi xe, đi bộ…và có lúc anh Hữu phải cỏng Mai nữa. Tội nghiệp anh ấy, ôm hai gói đồ trong tay lại còn đèo Mai trên lưng. Vậy mà anh vẫn cố gắng theo kịp mọi người vào trại ở trên đồi. Mỗi khi nghĩ lại cảnh đó Mai chỉ muốn khóc. Cuối cùng rồi Mai cũng đưa được gói quà đến tận tay ba. Rồi lại đi bộ, đi ghe, đi tàu về lại Sàigòn …vừa kịp đón Tết.
Không biết mình còn phải chờ bao lâu nữa mới gặp lại nhau? Anh Hữu bảo nếu em muốn, anh ấy có thể tìm đường giùm. Người ta đi nhiều lắm anh ơi! Mỗi ngày lại thấy vắng bóng một người quen làm Mai nóng ruột quá. Làm sao bây giờ? Ba vẫn còn tù tội, mẹ đau yếu, lũ em nheo nhóc…cả nhà chỉ còn trông chờ vào Mai. Mai đã cố gắng hết sức và mỏi mệt lắm rồi! Nếu ba về, chắc sẽ có nhiều hy vọng hơn, nhưng biết đến khi nào?
Kìa, pháo nổ lớn, nhiều lắm! Giao thừa rồi! Mẹ Mai đang cúng ông bà, riêng Mai nhớ anh muốn khóc đây. Chờ Mai nhé, viết thư cho Mai nhiều hơn nghe anh.
Chúc anh một năm mới như ý.
Mai.

Hào gấp lá thư lại, thở dài. Anh đọc mãi câu cuối “…chờ Mai nhé” mà tưởng như tiếng nàng vang vọng bên tai. Mai ơi, năm sáu năm rồi anh vẫn chờ, nhưng liệu chúng ta sẽ còn chịu đựng được bao lâu nữa?
Ngẩng đầu lên, chàng nhìn lại Vân, người con gái đã ở cạnh chàng gần hai năm qua.
Ngày gặp Vân thật bất ngờ khi hội nhà thờ địa phương nhờ chàng giúp đỡ phiên dịch cho hai chị em Việt Nam mới được bảo lảnh qua. Nhìn cô gái co ro trong cái lạnh của xứ người, chàng ngờ ngợ nhưng không dám nhận. Chỉ khi Vân ngạc nhiên hỏi “Anh…Hào hả?” chàng mới reo lên mừng rỡ và ôm chầm lấy Vân. Trong một giây, Hào quên mọi người chung quanh, quên Vân là con gái, quên luôn người mới qua chưa quen lối thân mật kiểu Mỹ mà chàng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước mắt chàng không phảI là Vân nữa, mà là những gì chàng bỏ lại sau lưng từ tháng tư năm ấy, là Sàigòn, là em gái chàng, là Mai, là … tất cả.
Sau khi lo liệu xong mọi việc cho chị em Vân, đời sống của Hào bỗng nhiên khởi sắc. Mỗi tuần Vân đã đến. Căn phòng độc thân bề bộn được chăm sóc gọn ghẽ. Nhà bếp từ lâu vắng lạnh được hâm nóng với những món ăn quen thuộc mà Vân khéo léo chắp nối từ những gia vị của Tàu, Đại Hàn… Hào có cảm tưởng như mình đang sống trong cảnh Bích Câu Kỳ Ngộ mà chàng đã học trong một giờ Việt Văn năm xưa.

Nhưng không hẳn. Tú Uyên đã xé bức tranh và cưới Giáng Kiều làm vợ. Còn Hào và Vân vẫn còn một khoảng cách ở giữa: Mai. Đã có những lúc Hào muốn quên tất cả để xây dựng hiện tại và tiến tới hạnh phúc tương lai thì những lá thư của Mai từ quê nhà kéo anh trở lại. Những kỷ niệm êm đềm, những lời hẹn ước đằm thắm còn văng vẳng. Hình ảnh cô sinh viên Luật trẻ trung tươi thắm, theo dòng đời đổi thay đã thành một cô chợ trời lam lũ.
Mai, anh vẫn yêu em nhưng anh không là thánh nhân. Làm sao anh có thể sống mãi với một bóng hình trừu tượng? Nơi đó dù sao em cũng còn một quê hương để yêu, để ghét. Dù sao em cũng còn tình thương của gia đình, bạn bè thân thuộc. Anh ở đây nào có gì ngoài một tấm thân cô độc?
Hào nhìn Vân. Cả năm trời gần gũi mà tình thân không qua một cái nắm tay. Sự quan hệ gắng gượng giữa hai người ngày càng làm Hào bứt rứt.
-Anh ăn đi, cơm nguội hết rồi. ..Tiếng Vân nhắc nhở cắt đứt gìòng tư tưởng. Chàng nâng chén và bắt gặp Vân đang nhìn mình âu yếm. Hào cảm thấy bồi hồi xao xuyến, chỉ muốn bỏ chén xuống, ôm lấy tấm thân nhỏ nhắn kia, xiết mạnh và hôn lên đôi mắt dịu hiền, nói tiếng cám ơn.
-Em tốt với anh quá?
Vân cúi đầu thật lâu, và nói dối với chính mình:
-Em… săn sóc anh giùm cho chị Mai mà.
Hào muốn nổ tung ra như xác pháo. Nếu anh có thể xẻ mình làm hai. Một nửa ở lại chờ Mai, nửa kia giao cho Vân, đáp đền duyên tri ngộ.

*

Sàigòn 1982.
Hào thân mến,
Cám ơn thùng quà của mày đã cho tao một mùa Giáng Sinh êm đẹp. Đừng cười bạn hiền. Tao biết tiếng cám ơn giữa tao và mày quả hơi thừa thải. Nhưng nếu không như thế, tao biết lý do nào để viết thư này? Mấy lần cầm bút rồi lại buông! Có nhiều điều muốn nói với mày quá, mà sao cứ ngập ngừng. Thôi thì cũng đành nói hết một lần.
Ba tao mất rồi, trước Noel khoảng ba tháng. Khi tao ra tới nơi, chỉ còn nấm mồ hoang lạnh của ông dướI hai gốc chuối. Tao ở đó một ngày trời, không biết làm gì hơn là đọc kinh cầu nguyện cho ông. Chẳng hiểu sao đời tao gặp nhiều bất hạnh. Năm 75 khi mày ra đi thì tao mang thân tù tội. Vừa ra tù thì mẹ mất. Bây giờ người thân cuối cùng cũng bỏ ra đi. Tự nhiên tao trở thành một thằng không cha mẹ, không luôn cả thân bằng quyến thuộc. Bạn bè cũ đã từng thằng giã biệt. Bà con tao hầu hết ở ngoài Bắc và cũng không liên lạc. Hết cả rồi! Tao đã có ý định tìm đường qua đó với mày. Sàigòn không có gì cho tao lưu luyến, nếu không vì hoàn cảnh của Mai.
Cuộc sống bên này chắc mày đã biết, qua báo chí, qua thư của Mai. Nhưng Hào ạ, mày không thể tưởng tượng được hoàn cảnh sự thực qua những giòng chữ đó đâu! Mai đã thôi bán chợ trời. Tụi nó bố ráp, kiểm kê, tịch thu… và cho Mai đi cải tạo thương nghiệp 7 ngày, nhẹ thôi mà. Bây giờ Mai dọn một hàng trà đá và thuốc lá lẻ ở bến xe miền đông, gắng gượng qua ngày. Bác gái không làm gì được nữa, chỉ chăm sóc nhà cửa, đau yếu luôn. Tao từ ngày về vẫn chiếc xích lô độ nhật. Một thân một mình dầu sao vẫn dễ chịu hơn. Mỗi sáng, tao tạt ngang qua nhà phụ Mai chở đồ ra bến xe, rồi tà tà kiếm khách. Bữa nào khấm khá thì ghé làm vài ly bia quốc doanh… tối lại đến bến xe giúp Mai dọn về. Cứ thế mỗi ngày mà sống. Thỉnh thoảng ở lại dùng cơm tối với nhà Mai, tìm lại chút hơi ấm gia đình. Bác gái làm tao nhớ mẹ ray rứt.
Hào ạ, tao có lỗi với mày nếu tao yêu Mai không? Thời gian qua tao vẫn cố giúp đỡ Mai giùm mày và hằng đêm vẫn cầu nguyện cho hai người sớm gặp lại. Nhưng Chúa ở cao quá, hay có quá nhiều người cầu nguyện nên chưa tới phiên tao. Mai không thể ra đi trong hoàn cảnh này. Bác trai hầu như tuyệt vọng. Càng ngày tao càng cảm thấy số phận tao và Mai có gì ràng buộc lẫn nhau. Từ những lần tiếp tế đồ cho hai ông cụ. Những lần Mai hớt hải lo buồn khi bị đổi tiền ,gia đình bị kiểm kê tài sản. Người con gái yếu ớt cần một sự chở che, an ủi bên cạnh mà mày nào biết. Mày làm sao tưởng tượng được cô sinh viên tươi tắn ngày nào, nay đã héo hon, mòn mõi, mỗi chiều ngồi trước xe, ôm lấy từng cái ly, từng gói thuốc, bảo vệ di sản cuối cùng của nàng. Hào ơi, trái tim tao cũng không phải bằng đá. Ngày xưa, tình yêu của mày và Mai được tô thắm bằng những buổi chiều công viên, bằng vị ngọt của nước dừa. Hôm nay tình yêu của tao và Mai chỉ là những lon gạo đong, chan hòa những giọt nước mắt.
Tao biết mày vẫn chưa quên Mai và cố gắng đợi chờ. Tình đầu bao giờ cũng đẹp nhưng không có nghĩa là nó sẽ thành. Dù mày không nói nhưng tao cũng đoán Vân và mày đã yêu nhau rồi, chỉ có Mai là chút vấn vương còn sót lại. Đã đến lúc mình không thể chối bỏ sự thực. Bắt đầu già hết rồi Hào. Mình không thể ôm kỷ niệm mà sống, và để tuổi xuân của Mai và Vân phai tàn theo thời gian. Kỷ niệm dù đẹp cũng chỉ là dĩ vãng, hãy nên nhìn vào thực tại và vươn lên nắm lấy tương lai. Vân là em gái tao, mày nhớ chứ? Và tao sẽ rất vui mừng nếu có thằng em… là mày.
Những gì cần nói, tao đã nói hết, mong mày hiểu. Dù sao đi nữa tao cũng đợi thơ mày trước khi làm bất cứ chuyện gì. Chúc mày những ngày tháng đẹp.
Hữu .

Hào lặng lẽ châm điếu thuốc và đọc lại lá thư dài của Hữu. Có phải đây là kết cuộc tốt đẹp nhất cho bốn người? Tâm trạng và lời lẽ của Hữu trong thư cũng giống như những gì Hào đang nghĩ và định viết cho Mai. Không ai có thể sống mãi với kỷ niệm mà quên đi hạnh phúc trước mắt. Chàng không thể để cho Vân chờ đợi lâu hơn, mà ngay cả chính chàng cũng không thể chịu đựng được nữa những ngày dài cô độc. Vân ở đây, vẫn mỗi ngày săn sóc chàng với cả trời thương mến, tại sao chàng cứ để một bóng hình khác che khuất con tim?
Và Hữu, cuối cùng rồi hắn cũng tìm được tình yêu, cho dù là tình yêu của từng lon gạo đong chan hòa những giọt nước mắt như hắn nói. Hắn nào có lỗi gì đâu? Hào cảm thấy thông cảm và thương bạn hơn bao giờ hết. Tại sao số phận cứ dành cho anh những ưu đãi, bình yên, rồi trừ lại bằng những mất mát bất hạnh cho Hữu? Dù sao Hào cũng cảm thấy yên tâm và an ủi vi Hữu là người sẽ đưa Mai đi nốt quãng đời còn lại.

*

Đám cưới của Hào và Vân, Hữu gửi mừng một bức cưa lộng rất công phu do chính tay hắn làm lấy. Những miếng gỗ thông mịn màng do chính Hữu cưa và tỉ mỉ ghép lại theo hình con tem đám cướI Việt Nam ngày trước. Trong thư hắn viết: “Quà cưới của mày cho tao và Mai hậu hĩ quá, làm tao không biết gởi gì cho Vân và mày nữa. Bên đó đầy đủ tất cả, đành gởi tạm cái này gọi là…”
Hào cảm động trước chân tình của bạn. Hắn và chàng là đôi bạn thân nhưng từ lâu Hào biết, trong thâm tâm, Hữu hơn mình về mọi phương diện. Rời ghế nhà trường hắn đã biết chọn cho mình một lý tưởng để noi theo. Ngày bại trận, với phương tiện vượt thoát trong tay, hắn can đảm chọn ở lại để mong thấy quê hương thanh bình. Vỡ mộng, cái giá phải trả là mấy năm cải tạo, hắn vẫn chịu đựng, phấn đấu để sống còn và đùm bọc cho Mai.
Trước đó, trong thiệp cưới của Mai và Hữu gởi cho Hào và Vân, Mai kèm một bức thư ngắn: “… Mai cám ơn anh đã thông cảm cho hoàn cảnh của chúng ta. Từ nay mọi chuyện anh Hữu sẽ viết thư cho anh. Tâm hồn Mai bây giờ đã bình yên, không còn cuống quít với kỷ niệm xưa cũ nữa. Mai cảm thấy tin tưởng hơn vào cuộc sống mới, và vẫn kính trọng anh là một người bạn thân thiết nhất của đời Mai. Vân là một người hoàn toàn, anh phải đối xử tốt với nó và đừng chần chờ nữa”

*
Nhưng dòng đời không bao giờ trôi suông sẻ. Bên kia bờ đại dương, Hữu và Mai đang sống những ngày hạnh phúc. Đứa con đầu lòng của họ đã được ba tuổi. Ngày Mai khai hoa nở nhụy, Hữu đánh điện tín sang, phong cho Hào-Vân làm cha mẹ đỡ đầu đứa bé. Hào cũng vui mừng không kém. Trong giờ phút thiêng liêng được lên chức “bố” hắn vẫn nhớ đến chàng. Thư từ qua lại đều đặn hơn giữa bốn người.
Niềm sung sướng hãnh diện về đứa con Hữu và Mai làm Vân lo lắng suy nghĩ. Đã mấy năm chung sống, hai người ân ái mặn nồng như bất cứ cặp vợ chồng nào hạnh phúc nhất trên đời, vẫn không thấy có triệu chứng gì Vân sẽ cho Hào một đứa con.
Nỗi lo lắng của Vân ngày một lớn dù Hào có an ủi và không mấy quan tâm. Anh vẫn quan niệm, con cái là do trời cho, khi có là… tự nhiên sẽ có.
Nhưng Vân lại không nghĩ như vậy. Nàng bắt đầu dò hỏi, tìm tòi qua sách báo, tìm ra những phương pháp và yêu cầu Hào áp dụng khi hai người gần gũi. Thậm chí nàng còn đi lễ chùa để cầu khẩn (mặc dù đây chỉ có chùa…Nhật Bản). Nghĩa là Vân đã cố gắng hết sức, từ khoa học hiện đại cho đến mê tín dị đoan. Vẫn không thấy kết quả.
Bác sĩ cho hay Vân không thể có con. Đám mây đen đầu tiên xuất hiện trong cuộc sống hai người. Cả mấy tuần Vân chẳng thiết ăn uống, chỉ nằm khóc cho số phận. Hào không biết làm cách nào để an ủi vợ. Chàng hiểu nỗi mong ước có con của Vân lớn đến chừng nào. Đến khi giải pháp xin một đứa con nuôi của Hào mới làm Vân nguôi ngoai.
Họ thực hiện ngay ý định. Những cú phone, thư từ và các thủ tục khác lần lượt qua Hội Cha Mẹ Nuôi, qua Cao Ủy Tị Nạn… đã mang bé Hạnh về với gia đình chàng. Vân và Hào được Cao Ủy cho hay, Hạnh là một số ít người còn sống sót trong chuyến tàu vượt biên bị hải tặc tấn công. Cha mẹ đều vùi thây dưới biển cả. Cô bé sống trong trại không thân nhân, không rõ gốc tích, và đang chuẩn bị được đưa sang Thụy Sĩ nhờ những bàn tay nhân ái. Hai người cảm thấy thương mến ngay đứa bé mồ côi tội nghiệp, và quyết định mang bé về với gia đình.
Sự hiện diện của bé Hạnh đã mang lại gia đình Hào nguồn sống mới. Vân như hồi sinh. Ngày đón đứa bé tại phi trường, Hào và Vân đã nắm chặt tay nhau trong niềm thông cảm sâu xa. Cuộc đời cũng không đến nỗi bất công cho lắm. Tại đây, gần mười năm trước hai người đã gặp lại nhau, vượt qua bao thử thách. Nay cũng nơi này, đang mang về cho họ một đứa con từ bên kia bờ biển xa xôi.
Vân đã chuẩn bị đầy đủ tất cả. Một căn phòng riêng cho con, áo ấm, giầy vớ, búp bê…không thiếu món gì. Nàng dạy cho bé Hạnh kêu chàng là “ba”, gọi nàng là “mẹ”. Mỗi ngày đi làm về, Hào sung sướng khi thấy hai mẹ con quấn quít bên nhau.
Tuy sống trong tình thương yêu của Vân và Hào, hai người thỉnh thoảng bắt gặp bé Hạnh một mình tư lự trong phòng. Bé có một cuốn sổ tay mang theo trong người, hàng ngày vẫn mở ra coi rồi lại buồn thiu muốn khóc, nhưng mỗi khi thấy vợ chồng chàng, nó lại dấu đi. Vân tò mò muốn xem, cuối cùng lại thôi. Hai người đều tin đó là kỷ vật còn lại của cha mẹ ruột nó. Họ phải tôn trọng người đã khuất cũng như sự riêng tư của con. Ngày tháng còn dài để tìm hiểu bé.
....
Hôm nay tại sao bé Hạnh lại đưa cho Vân coi cuốn sổ tay có tấm hình?
Tấm hình tuy đã nhòe vài chỗ nhưng vẫn rõ ràng một gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con, bé Hạnh.
Hai người ở phía sau, chình là Hữu và Mai.
Hào và Vân run rẩy nhìn sửng tấm hình như không thể tin được sự thật.
Chỉ một thời gian không thư từ, Hào đâu ngờ họ đã vượt biên để đi đến một kết quả bi thảm!
Nước mắt chảy dài trên má. Hào đau đớn không thể thốt ra tiếng nấc… Chàng như nghe thấy tiếng sóng biển rì rào lẫn tiếng cười man rợ của loài dã thú.
Có tiếng la hét cầu cứu!
Tiếng phụ nữ!
Tiếng của Mai...
Hào như thấy Hữu thân yếu thế cô vẫn cố xông lại mong cứu người vợ yêu dấu đang dẫy dụa trong bàn tay của loài thú dữ.
Một nhát búa!
Hai nhát búa!
Máu loang lổ!
Một cái đẩy tay tàn bạo đưa người sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi năm xưa về với biển khơi. Chuyến hải trình cuối cùng! Hào lại thấy Mai trong phút tuyệt vọng khốn cùng, thoát khỏi bàn tay dã nhân, lao mình xuống dòng nước. Nàng lấy tay che vết thương trên đầu chồng và cùng nhau chìm xuống biển sâu.

*
Hào đón lấy bé Hạnh từ tay Vân. Đứa con của Hữu và Mai đây. Nó đã từ ngàn dặm tìm đến gia đình chàng mà chàng nào biết. Có phải hồn thiêng của hai người bạn đã đưa đứa con mồ côi của họ về cho vợ chồng chàng nuôi dưỡng?
Hữu và Mai ơi, các bạn hãy yên tâm nhắm mắt. Đây là đứa con của chúng ta. Tôi sẽ thương yêu, đùm bọc nó cho đến khi nên người.
Bé Hạnh nằm yên trong lòng. Nó cũng đang khóc và cảm nhận sự thương yêu vô cùng của cha mẹ.
Ngoài kia, trên bầu trời xanh, trong áng mây chiều lờ lững như đang có Hữu và Mai đứng đó đón nhận lời khấn nguyện của Hào. Họ mỉm cười mãn nguyện, và nương theo làn gió bay về chốn thiên đàng./.
ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
08/07/201815:09:27
Khách
WE blamed vietcong và cũng khộng quên blaming người đạo diễn tồi mẽo
11/03/201423:23:39
Khách
Hay lam anh ThaiNC. Mong anh se tiep tuc viet nhieu nua nhe....Thanks.
30/04/201319:35:57
Khách
Bai hay va cam dong, khong biet co phai la chuyen that khong vay tac gia ThaiNC?
30/04/201320:22:53
Khách
Hôm nay ngày 30 tháng 4, đọc bài này lòng tôi chùng xuống. Có biết bao thảm cảnh gia đình như Hửu và Mai đã xảy ra trên đường vượt biên. Xin quí vị đô.c giả luôn ghi nhớ tội ác CS, để những cái chết thuyền nhân, bộ nhân không bao giờ chìm vào quên lãng !
01/05/201315:00:41
Khách
Đoạn cuối buồn lắm! Xin cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến