Hôm nay,  

Cũng Một Đời Người

25/04/201300:00:00(Xem: 338321)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sang năm 2013, đầu tháng Giêng, tác giả góp thêm bài “Thiên Thần Đen”, hiện đã hơn 14,000 lượt người đọc. Phần góp ý, ngày 01-12, có độc giả Nguyễn Cường viết “Hãy viết về một Yellow Angel nào đó và những con đường tắt không tên trong khu rừng hoang vắng kia.” Tác giả trả lời ngày 01-27, “Thưa bạn Nguyễn Cường, Quả thật đã có rất nhiều Thiên Thần Vàng đã và đang hiện diện trong những bài viết vụng về của tôi. Dầu sao tôi cũng cảm thấy do dự khi muốn post lên một câu chuyện của một người cùng mang họ Nguyễn như tôi và bạn mà tôi đã biết khi sống trên đất Mỹ. Có thể những lời góp ý của bạn đã làm tôi thấy tự tin hơn và hy vọng câu chuyện này sẽ hân hạnh được đến với bạn cùng những độc giả thân kính của Việt Báo một ngày không xa! Thân kính, Mimosa Phương vinh.”

Bài viết mới, 38 năm sau biến cố Tháng Tư 1975, là chuyện đời một người lính năm xưa. Không thấy từ ngữ “thiên thần” trong bài, nhưng có thể đây là bài tác giả đã hẹn.

“Một ngày tôi đi qua trại lính ngang nhà, thấy một lá cờ với một vòng hoa. Hỏi ra mới biết anh là lính trẻ xa nhà chết trận đêm qua. Xung quanh đây có ai đâu đưa tiễn anh về, đưa tiễn anh về với lòng đất sâu. Hỏi ra anh có mẹ già ở tận phương xa. Tôi thấy tôi buồn, tôi thấy tôi buồn.”

Ôi! Một bài hát với lời lẽ dung dị, mộc mạc qua giọng ca Thanh Lan đã tạo cho tôi cảm giác ngậm ngùi, xót xa suốt chuỗi ngày xa xưa mấy chục năm trước khi quê hương miền Nam đang sôi sục, điêu tàn vì khói lửa chiến tranh.

Tôi không thuộc hết lời ca, không biết tác giả là ai, nhưng đó là bản nhạc tôi ưa thích vì nó rất gần gũi, chân tình. Bởi vì tôi thấy chính mình trong đó như tôi đã đi qua một đồn lính nào đó, tôi thấy một lá cờ một vòng hoa, có một người lính trẻ xa nhà đã nằm xuống!

Rồi thời gian trôi qua với bao vật đổi sao dời, bài hát cũng theo thời gian phôi pha, mờ nhạt trong ký ức, tôi đã quên nó như đã quên đi quá nhiều điều trong cuộc đời quá ư bận rộn. Vậy mà có một buổi chiều bài hát xưa bỗng trở về với một niềm xót xa quen thuộc, tôi thấy mình đang sống lại trong khoảnh khắc xa xôi với biết bao kỷ niệm thời trẻ dại cùng những hệ lụy, mất mát của chiến tranh, hận thù và nước mắt.

Đó là một buổi chiều mùa đông tuyết phủ trên đất khách quê người, tôi không đi qua một trại lính nào đó trên quê hương mà đến một nhà quàng trên đất Mỹ để viếng thăm một đồng bào đã qua đời. Tôi cũng thấy một vòng hoa trơ trọi, tôi cũng thấy một lá cờ quen thuộc và chiếc quan tài đơn sơ. Hỏi ra mới biết anh là người lính già chết vì bệnh ung thư, hỏi ra anh có người chị già còn ở lại quê hương. Nơi đây cũng chẳng có ai là người thân thiết, anh không có gia đình vợ con chi cả, anh ra đi trong cô đơn xung quanh chỉ có mấy người quen, vài ba người lính năm xưa đã hom hem, bạc đầu sương gió.

Bài hát ngày nào bỗng vang lên đâu đó, vẫn bằng cái giọng hát như ngậm đầy nước mắt của người ca sĩ năm xưa. Tôi thấy tôi buồn, tôi thấy tôi buồn đến chảy nước mắt. Sống mấy chục năm trên đất Mỹ, đi dự nhiều đám tang nhưng hình như chưa đám tang nào gây cho tôi nhiều xúc động như buổi chiều đi thăm viếng anh. Sự cô đơn, quạnh quẽ như loài rong rêu ma quái bám chặt từng khoảng không gian lạnh lẽo trong nhà quàng, anh nằm đó cũng còn phảng phất đâu đây cái dáng hiên ngang cao lớn của một người lính. Ngày anh còn sống tôi chưa có hân hạnh được trò chuyện cùng anh, mấy chục năm sống cùng thành phố không đông người Việt này hình như tôi chỉ gặp anh một vài lần. Tôi không để ý đến anh như anh cũng chẳng bao giờ để ý đến ai.

Người ta nói anh đã tự vẽ cho cuộc sống mình một các vòng tròn ngăn cách mọi người và anh sống một mình trong đó. Anh không làm phiền lòng ai và cũng chẳng muốn ai làm phiền đến mình. Dĩ nhiên anh có quyền như the, như mọi người đều có quyền với đời sống của chính họ mà không ai có thể phê bình hay chê khen này nọ. Nhưng sao buổi chiều đến viếng thăm anh lần cuối trong nỗi buồn vời vợi không thể dấu được trong mỗi người bởi cuộc biệt ly không ai tránh khỏi, lòng tôi bỗng nặng trĩu u hoài.

Tôi chắp vá những mẩu chuyện đời anh với lời qua, tiếng lại của thiên hạ, trong âm điệu muộn phiền của bài ca năm xưa. Nơi đây có ai đâu đưa tiễn anh về, đưa tiễn anh về với lòng đất sâu!

Tên anh là Khoa, anh mang họ Nguyễn như một số rất đông người Việt Nam. Anh sinh trưởng ở Saigòn, đến trường và sau đó vào lính như những thanh niên thời chiến, anh có vài ba mối tình nhỏ và một mối tình lớn. Người yêu anh không phải là một nàng hoa hậu nhan sắc tuyệt trần nhưng cũng rất xinh, anh chưa tính chuyện cưới vợ vì nghĩ rằng mình lính tráng rày đây mai đó, chết sống lúc nào chẳng hay và nhất là không muốn người yêu mình thành góa phụ.

Sau năm 75, anh đi tù ở cái tuổi hăm lăm, mẹ anh đã qua đời nên đi thăm nuôi chỉ nhờ cậy vào bà chị nghèo chồng chết với bầy con năm đứa. Đời sống khốn khổ quá, đói rách quá nên người yêu anh phải bỏ đi vượt biên cùng một người đàn ông khác. Nghe tin anh chua xót, đau đớn nhiều nhưng không trách móc người yêu, mọi người đều phải tìm cho mình một lối thoát.

Ở trong tù thỉnh thoảng nhận những gói quà thăm nuôi nghèo nàn, nhỏ bé của chị anh ứa nước mắt thương cảm. Anh biết chị rất nghèo, anh biết mình đã ăn tranh với đàn cháu đói nhưng không còn sự lựa chọn nào cả, anh nuốt thức ăn trộn chung nước mắt. Anh phải sống với một chút hy vọng vu vơ nào đó, người ta đã dùng miếng ăn để giết dần dần, để kiềm chế và để sỉ nhục đồng bào của mình. Lòng dạ lang sói đó đáng cho trời tru đất diệt. Anh phải sống và tự hứa sẽ không bao giờ quên đi ân tình của chị và các cháu.

Rồi anh ra tù sống lây lất bữa đói, bữa no cho đến một ngày lên máy bay qua Mỹ. Đi Mỹ lúc đó là một phép lạ đối với những người tù vừa được phóng thích từ một nhà tù nhỏ ra nhà tù có tầm cỡ lớn hơn, nhất là đối với anh một người tù khốn khổ, cơ cực hơn mọi người khác trên cuộc đời này. Hy vọng bắt đầu nảy nở trong mái nhà dột nát của bà chị nghèo góa chồng và đàn cháu nhếch nhác, ốm o không lúc nào có một bộ quần áo lành lặn. Mặc dầu bảy tám năm trời được học tập lao động trong một trường cải tạo khe khắt, độc ác nhất của thế kỷ hai mươi sức lao động anh cũng không đem lại cho gia đình bà chị một cuộc sống sung túc hơn. Vẫn đói rách triền miên, khốn khổ triền miên.

Đến nước Mỹ, ở nhà chưa được một tuần anh theo người Việt Nam vào làm trong một hãng sản xuất thực phẩm đóng hộp. Việc của anh là chuyển những thùng hàng ra xe, xếp đặt nhà kho và ghi chép một số giấy tờ, chung quanh anh phần đông là những người Mỹ da đen to lớn, nghèo nàn. Cái nghèo bên Mỹ khác xa cái nghèo ở Việt Nam, nghèo có nghĩa là không có nhà đẹp, xe đẹp chứ nghèo không có nghĩa là đói ăn, đói mặc. Người Mỹ nghèo vẫn mập ú vì thức ăn dư thừa, áo quần vẫn bảnh bao mỗi ngày mỗi bộ, giàu thì xài đồ hiệu, đồ mới, ăn cơm tiệm, nghèo thì vào tiệm đồ cũ hay đến cơ quan từ thiện mà xin ăn, xin mặc. Người Mỹ xem thức ăn, cái mặc là những ân huệ thượng đế ban cho con người nên con người có bổn phận phải chia xẻ với đồng loại. Chỉ nội cái quan niệm đó xã hội Mỹ đã ăn đứt cái thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa luôn dùng vật chất, miếng ăn để điều khiển, đày đọa con người.

Một ngày ra khu chợ gần nhà anh gặp một người đàn bà đứng rung chuông xin tiền người qua lại, bà ta mập mạp ăn mặc sạch sẽ, khuôn mặt trang điểm hẳn hoi với mười ngón tay sơn đỏ chói. Người đi chợ bỏ tiền vào cái hộp cho bà, anh tự nhủ: đi ăn xin diện như vậy sao vẫn có người cho. Sau này anh rút ra được một kinh nghiệm khá thú vị là đi xin mà có bộ vó dễ coi sẽ được tiền nhiều hơn mấy anh chàng nghiện ngập say sưa, đầu bù tóc rối, ăn mặc nhếch nhác.

Công việc lao động đầu tiên của anh trên nước Mỹ được lãnh 320 dollars một tuần, trừ thuế má, ăn uống xong mỗi tháng anh còn dư hơn 500 dollars, anh vội gởi về cứu đói gia đình bà chị 300 dollars, một số tiền mà dù nằm mơ chị anh cũng không dám nghĩ đến. Mấy tháng sau anh thi lấy bằng lái, mua xe và tìm cho mình một căn phòng trong khu cư xá nghèo với giá 300 dollars một tháng. Nhà gồm phòng ngủ, phòng khách và bếp, những người Mỹ đen hàng xóm vẫn làm anh thấy bằng lòng hơn là ở chung với những người bạn Việt Nam cùng sở vì bản tính anh không thích ồn ào, không thích làm phiền ai và ngược lại.

Vì làm việc chăm chỉ, biết đôi chút tiếng Anh nên Khoa được lên lương rất sớm, việc này làm phiền lòng không ít những người Việt chung sở vì họ làm trước anh khá lâu và cũng chăm chỉ như anh. Họ nghĩ anh nịnh chủ, hay dèm pha này kia để lấy lòng cấp trên mà sự thật không phải như thế. Họ không bao giờ hiểu rằng dù Khoa cũng như họ, cũng tóc đen, da vàng, cũng gầy gò mang tấm thân tha phương cầu thực, cũng mang sức lao động để kiếm miếng ăn nhưng anh khác họ đôi chút vì anh có kiến thức hơn, lại chịu khó học hỏi nên dễ gây thiện cảm với cấp trên. Thật khó giải thích điều đó với những đồng bào của mình, họ còn cho Khoa là kẻ phản phúc, ngày nào mới qua Mỹ mặt mày lơ láo nhờ họ giới thiệu vô sở làm, giờ biết lái xe, lên lương được tụi Mỹ tin dùng coi đồng hương chẳng ra chi … vân vân và vân vân …

Họ nào biết rằng những ngày cuối tuần trong khi họ lo ăn nhậu, đi Casino, hay ngồi luyện phim diễm tình nhiều tập Trung Hoa, Đại Hàn thì Khoa lại miệt mài đọc sách truyện bằng Anh Ngữ với quyển tự điển dày cộm bên cạnh. Khoa không có ước vọng trở lại trường Đại Học tiếp tục việc học dở dang mấy chục năm trước mà anh chỉ học để biết, để dễ dàng tiếp xúc với người Mỹ xung quanh, anh cần kiếm nhiều tiền để giúp đỡ chị và đàn cháu bên Việt Nam. Anh mua cái tivi nhỏ để xem tin tức, phim ảnh và cũng để trau dồi thêm vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn của mình. Khổ nỗi, nội cái việc không tiếp xúc nhiều với người Việt xung quanh càng làm cho họ ghét Khoa nhiều hơn. Bản tính Khoa lại ít nói, cứng đầu cứng cổ không thích phân bua với ai, anh quan niệm họ nói sao thì nói, việc mình làm cứ làm. Anh còn có nhiều điều để lo thì hơi sức đâu lấy lòng những người Việt lắm điều, ưa đố kỵ.

Khoa làm người Mỹ trả tiền cho anh chứ đâu phải người Việt trả, gặp nhau họ chào thì anh chào lại, mà nếu cứ ganh tị, mỉa mai này nọ thì anh coi như không có họ. Tan sở anh leo lên xe chạy như bay chứ không có thì giờ cà kê, dê ngỗng như phần đông người mình tụm ba, tụm bảy trong bãi đậu xe cho mất thì giờ vàng ngọc. Thật ra trò chuyện tán gẩu đôi ba phút khi tan sở cũng là một cái thú của mọi người chứ không phải chỉ người Việt mới có, thứ nhất để giải tỏa những phiền muộn trong cả ngày làm việc, sau đó là những hứa hẹn, toan tính cho ngày mai. Khoa không có thói quen này vì anh còn nhiều việc đang cần giải quyết, anh phải đi gởi tiền cho thằng cháu đầu đang thi vào Đại Học, những đứa sau cũng cần áo quần để đi học. Dạo này các trường bắt học sinh phải mặc đồng phục, chỉ nghĩ đến đám cháu xúng xính trong những bộ áo quần mới đến trường, lòng Khoa chợt thấy ấm lại, sự mệt mỏi của hơn tám giờ lao động chợt tan biến đâu mất. Và thay vì về thẳng nhà anh chạy lên hướng Midtown nơi chị Bảy Hậu cư ngụ, chị là người chuyên chuyển tiền về Việt Nam mà Khoa là khách hàng rất quen thuộc. Đôi khi giữa chị Bảy và Khoa cũng có những mẩu đối thoại ngắn:

- Này chú Khoa ơi! Đời sống ở Mỹ của chú nay cũng khá ổn định mà sao vẫn cu ky một mình vậy, sao không kiếm một cô để đỡ đần nhau?

Khoa cười hề hề:

- Thôi chị Bảy ơi, tôi già rồi ai mà thèm.

- Già gì, đàn ông năm mươi thì còn trẻ chán, nếu chú muốn tôi sẽ làm mai cho một cô.

- Cô nào?

- Cô này góa chồng đã lâu, hai con đã lớn và đi làm rồi. Cổ có quốc tịch Mỹ, biết lái xe, có nhà riêng, đẹp thì không đẹp lắm nhưng cũng dễ coi lo làm ăn, có job hẳn hoi chú ạ!

Thấy Khoa im lặng chị Bảy nói tiếp:

- Chú cũng đừng ngại gì mấy đứa con cô ta, tụi nhỏ bây giờ cũng thông cảm cho cha mẹ lắm, chúng không còn khư khư muốn cha mẹ phải hy sinh suốt cuộc đời cho mình đâu. Quan niệm đó xưa rồi, xưa như trái đất.

Khoa pha trò:

- Trái đất xưa nhưng trái đất vẫn quay như thời khai thiên lập địa đó chị Bảy.

Chị Bảy xịu mặt:

- Tôi nói thật đó chứ không đùa đâu, mặc dầu bây giờ chú còn khỏe mạnh, đi làm ra tiền nhưng biết đâu ngày mai, dù gì khi đau ốm cũng cần người giúp đỡ sớm hôm. Có vợ có chồng vẫn hơn chú ạ, mà tôi nói thật không dễ gì kiếm được một người đàn bà như cô Diễm Châu đâu, cô về Việt Nam hiếm gì kẻ giàu có, đẹp trai sẳn sàng xin cưới để qua Mỹ.

Khoa chợt hỏi:

- Cô Diễm Châu là ai mới được chứ?

Chị Bảy nguýt dài:

- Bộ hồi nãy giờ chú không nghe tôi nói à, chú như từ cung trăng rơi xuống. Cô Diễm Châu là cô góa chồng hai con mà tôi định làm mai cho chú đó, tuy người ta nhan sắc không phải chim sa cá lặn nhưng cũng chẳng phải xấu đâu, xin tuyên bố với chú như vậy đó.

Khoa cười:

- Tôi có chê đẹp xấu gì đâu chị Bảy nhưng thật tình tôi chưa nghĩ đến, có lẽ ngày nào đó tôi sẽ nhờ chị mai mối đó.

Rồi Khoa bỏ đi, sau lưng anh chị Bảy càm ràm một mình:

- Đợi đến ngày đi gặp anh Sáu tấm chắc, chẳng giống ai cả!

Chị Bảy ấm ức trong lòng vì tấm chân tình của chị không được Khoa đáp ứng, dù gì chị cũng là người đàn bà tốt bụng. Thấy Khoa lo làm ăn, chẳng bài bạc rượu chè, đàn đúm bè bạn chị cũng có bụng thương nên muốn làm mai cô Diễm Châu cho anh. Mặc dầu chuyển tiền về Việt Nam đã đem cho chị một số lợi nhuận nhưng thấy Khoa gởi tiền về nhà nhiều quá chị cũng thấy áy náy, chị đem chuyện này nói với chồng:

- Chú ấy cứ gởi tiền về nhà nhiều như vậy mà chẳng lo gì cho bản thân mình, tôi thấy sao sao ấy!

Anh Bảy nhún vai:

- Bà cứ lo bò trắng răng, đời ai nấy lo bà ạ! Việc bà chuyển tiền thì cứ lo chuyển tiền, chú Khoa hơn năm mươi rồi chứ có phải đôi tám đâu. Lại còn mai với mối, chú ta không chịu lấy vợ đâu!

- Sao ông biết?

- Đâu phải một mình bà muốn ăn đầu heo, nhiều người giới thiệu cô này, bà nọ chú ta đều gạt phăng hết, thật là chẳng giống ai cả. Lầm lầm lì lì sống như con ốc sống trong cái vỏ.


Rồi anh Bảy kể chuyện có ông nào đòi giới thiệu con gái của ông Đại Úy Tâm cho Khoa, cô Thu Thảo đã hơn bốn lăm tuổi mà chưa có đời chồng nào. Cô khá đẹp nhưng sở dĩ không lấy chồng vì phải giúp mẹ nuôi các em khi cha đi tù Cộng Sản, khi cha về đi diện H.O. cô lớn tuổi nên bị gạt khỏi danh sách. Cô phải chờ cha bảo lãnh lại nên quyết định không lấy chồng, khi Thu Thảo qua Mỹ tuổi đã lớn. Như thế thật xứng đôi vừa lứa với Khoa bởi hai kiếp đời dang dở như nhau, ai cũng thấy là được mà Khoa lại thấy không được. Có người nói Khoa còn thương người yêu cũ mà qua lời Khoa thì rất xinh đẹp và họ kết luận:

- Người đẹp mà không ở cùng mình thì cũng chẳng nghĩa lý gì, hơi sức đâu mà nhớ người đã ra đi. Với lại đã già rồi xấu đẹp cũng như nhau thôi, da ai chẳng nhăn tóc ai chẳng bạc, mà chưa chắc gì bây giờ người yêu xưa của Khoa so sánh bằng cô Thu Thảo.

Mới đầu ông bà Đại Úy Tâm cũng hơi cay cú một chút vì Khoa dám chê con gái mình nhưng vài năm sau thì họ mừng húm khi cô Thu Thảo kết hôn với ông Mỹ góa vợ 60 tuổi, cô được thừa hưởng một cái nhà đã trả hết nợ lại được chồng cưng như trứng mỏng.

Kết luận Khoa không muốn lấy vợ, vẫn ngày qua ngày làm lụng chăm chỉ, gởi tiền đều đều về Việt Nam.

Thật ra nói tiền gởi đều đều cũng không đúng vì càng ngày đám cháu bên nhà càng lớn thì những nhu cầu càng cao, hơn nữa bà chị Khoa cũng xây đắp, sửa sang thêm nhà cửa cho con cái đỡ mất mặt với bạn bè trang lứa, đó là chưa kể còn có đứa làm đám cưới, đám hỏi. Một bà chị, năm đứa cháu ăn học do một tay Khoa lo lắng, những đám hàng hóa chất vào kho, đưa lên xe truck ngày càng trở nên nặng nề hơn trên vai khi tuổi đời đã cao, tuy nhiên Khoa lấy niềm vui của gia đình chị làm niềm vui của mình mà bỏ quên đi những hạnh phúc cũng có thể tìm thấy xung quanh.

Khoa luôn từ chối những lời mời đi tham dự họp hành của những người lính năm xưa vì Khoa nghĩ họ chỉ đến đó để khích bác và cãi nhau. Thật ra thì sự bất đồng ý kiến ở đâu chẳng có, dù là nơi thờ phượng như chùa chiền hay nhà thờ nhưng nếu chúng ta cứ chú ý vào những điều đó để từ chối hợp tác thì trên đời này chẳng còn một tổ chức hay một đoàn thể nào cả. Những buổi tiệc tùng, cưới xin hay văn nghệ chào mừng năm mới, những nơi cộng đồng Người Việt ăn Tết cũng chẳng thấy sự xuất hiện của Khoa. Ngày cuối năm Khoa gọi điện thoại về Việt Nam ăn Tết hàm thụ cùng gia đình chị, nghe kể chuyện mua sắm của các cháu, đón gia thừa cúng kiến với chị và thả hồn vào những mùa Xuân năm xưa. Trong căn phòng nhỏ giữa khu cư xá lạnh lùng không hề có bóng dáng của nàng xuân, không hề có một tiếng pháo đón giao thừa. Trong nhà không một gói mứt, không một cành hoa thì nói nói chi đến một chiếc bàn thờ, một bình hoa hay một mùi trầm hương ấm cúng!

Nếu lái xe ra khỏi khu cư xá độ nửa giờ, nếu sẳn sàng nhập cuộc Khoa sẽ thấy không khí Tết trong một đám đông nào đó, cũng khói hương nghi ngút trên bàn thờ, những khuôn mặt hớn hở, nụ cười vui tươi trong ánh mắt đồng bào, họ dựng lại mùa Xuân trên đất khách, những lời chúc tụng, những hy vọng, hân hoan chờ mùa Xuân thực sự trên quê hương đất nước. Có những đứa bé gái, trai trong áo dài khăn đóng ê a bài hát bằng ngôn ngữ Việt, những người tuổi trẻ lăng xăng qua lại tiếp đón, trò chuyện với người lớnvà cũng có rất nhiều người ngoại quốc, người Mỹ đến chung vui với dân tộc Việt Nam.

Còn Khoa, anh không tốn một đồng bạc cho những đồng bào mình ở đây dù là mua một đòn bánh tét nhỏ trong một cửa tiệm tạp hóa Việt Nam hay tặng cho một hội đoàn nào vài chục đồng. Tuy nhiên lại chi một số tiền quá lớn cho cái Tết ở quê nhà mà Khoa chỉ tham dự qua hình ảnh, qua Internet và điện thoại. Khoa không đi chùa, không đi nhà thờ, không tham dự những ngày kỷ niệm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà có thời Khoa đã là một thành viên, có thời Khoa đã từng bị trả thù và đầy đọa. Khoa càng xa lánh mọi người thì người ta cũng không còn để ý đến Khoa nữa, với anh điều đó thật là một nổi cô đơn dễ chịu vô cùng và anh tận hưởng hạnh phúc trong sự cô độc tuyệt vời này.

Một ngày kia Khoa nhận được tin vui bên nhà đứa cháu trai đã ra Bác sĩ, anh hớn hở chạy xuống chị Bảy gởi mừng cháu một số tiền khá lớn, vừa nhìn Khoa chị Bảy vụt nói:

- Chú Khoa sao dạo này xuống sắc vậy, coi bộ đau ốm gì đó, liệu mà đi Bác Sĩ đi!

Khoa cười vui vẻ:

- Tôi có đau ốm gì đâu, hồi hôm vui quá khi nghe thằng cháu mới ra Bác Sĩ nên chẳng ngủ được chút nào cả.

Chị Bảy chặt lưỡi:

- À ra vậy, chia vui với chú đó nhưng mà chú Khoa ơi! Dù có thương gia đình cách mấy thì cũng lo cho mình một chút, nên nghĩ ngơi đi chơi đây đó để giải trí chứ nếu chú bệnh hoạn nằm xuống thì chẳng có ai chăm lo đâu. Chị và các cháu thì quá xa xôi, phải chi…

Chị Bảy định nói chuyện cô Diễm Châu, rồi nghĩ đến cô Thu Thảo mà tiếc giùm cho Khoa nhưng sực nhớ lời anh Bảy khuyên thì chị im lặng.

Trên đường lái xe về Khoa bỗng chú ý đến lời khuyên của chị Bảy là nên đi chơi đây đó. A! Phải rồi, nay cháu đã học hành thành tài sao mình không về Việt Nam chơi một chuyến, mười mấy năm ra đi chưa một lần trở lại, bà chị nay cũng đã già lắm rồi về thăm là đúng.

Vậy là Khoa quyết định mua vé máy bay về Việt Nam, những ngày sau đó Khoa bận rộn việc quà cáp cho gia đình, xin phép ở hãng, Khoa thấy vui vẻ, hạnh phúc như mở hội trong lòng khiến những người xung quanh ngạc nhiên và kháo nhau: chắc hắn ta có cô nào rồi nên mặt mày mới rạng rỡ như thế, để chờ xem sao?

Một buổi sáng ngủ dậy Khoa cảm thấy trong người có những triệu chứng bất thường nhưng cũng ráng lái xe đi làm, đến nửa buổi thì Khoa gượng không nổi nữa nên phải nhờ người chở về nhà. Mọi người đoán là anh bị bồ đá hay sao đó, đời khổ là vậy: không đàn bà cũng khổ mà có đàn bà lại càng khổ hơn. Rồi Khoa không trở lại sở từ ngày đó, anh đi Bác Sĩ khám bệnh và nằm liệt giường.

Một ngày kia ông Lê là người giúp đỡ Khoa nhiều nhất trong những ngày đầu tiên anh mới đến đất Mỹ nhận được cú điện thoại từ ông Trần Lâm làm trong dịch vụ bán vé máy bay về Việt Nam:

- Ông Nguyễn Khoa bạn thân của ông đã mua vé máy bay về Việt Nam nhưng nay ổng đau nặng quá nên xin trả vé lại. Ông ta gọi tôi nhờ ông đại diện để nhận tiền hoàn trả vì ông ta chẳng có ai ở đây!

Ông Lê như trên trời rơi xuống, một hồi lâu mới nhớ mình có người bạn thân tên Nguyễn Khoa. Thật ra hồi trước ông Lê có giúp Khoa lái xe, mua xe và vô số việc trên trời dưới đất cần thiết cho một người mới lớ ngớ lần đầu đến Mỹ. Ông giúp Khoa cũng như đã giúp mọi người từ việc nhỏ đến việc lớn, ai ai cũng cho là ông tốt bụng, hào hiệp nhưng vợ con ông thì nói ông là người ăn cơm nhà đi vác ngà voi, chuyên lo chuyện bao đồng, chuyện tào lao.

Ở đám đông nào cũng có mặt ông Lê, ai ông cũng quen biết. Ông theo đạo Phật nhưng khi nhà thờ có việc thì ông cũng lăn xả vào mà giúp, ông từng là một người lính nên việc lính là ông tính liền, ở đâu có lính là ở đó có ông cho nên anh Thiếu Úy Nguyễn Khoa đi diện H.O. vừa đến thành phố này thì làm sao tránh được sự ân cần giúp đỡ của ông Lê. Ông chưa bao giờ nghĩ mình là một người bạn thân của Khoa cả vì sau khi đời sống trên đất Mỹ khá ổn định thì hơn ai hết Khoa đã lánh mặt ông. Không phải anh ghét gì ông Lê mà chỉ vì khi giao thiệp, qua lại thì ông hay rủ rê Khoa đi tham gia hội này hội nọ. Ông Lê là người quá hăng say việc xã hội nên không thích hợp với bản tính trầm lặng, sống âm thầm xa cách mọi người của Khoa.

Nghe tin chẳng lành của Khoa ông Lê vội xách xe chạy đi, dạo này ông về hưu nên càng làm việc thiên hạ nhiều hơn, vợ con càm ràm riết cũng chán để mặc ông muốn làm gì thì làm. Cũng may là con cái học hành thành đạt, công việc làm ăn đàng hoàng nên ông hay tuyên bố:

- Nhờ ba làm việc thiện nên tụi bây mới hưởng được phước, cho nên tụi bây không nên cản trở mà phải khuyến khích tao nghe chưa?

Tụi nhỏ la ó:

- Ai mà cản ba nổi, mẹ cũng đành bó tay huống chi tụi con. Thôi thì ba muốn làm gì thì làm miễn rằng ba hạnh phúc là được rồi!

Vậy là những ngày cuối cùng của Khoa chỉ có ông Lê bên cạnh, ông bỏ việc nhà việc cửa lo săn sóc, giặt giũ, cơm nước cho Khoa. Ông không từ chối dù những việc dơ dáy, phóng uế của một người bị ung thư ruột, khi bệnh Khoa trở nên quá nặng phải chở vào bệnh viện thì ông phải chạy đi chạy về để lo chuyện tiền bạc, giấy tờ. Rồi Khoa qua đời ông phải đi quyên góp để lo đám tang.

Ông than thở:

- Ngày còn sống chú ấy sống khép kín quá, không biết đến ai nên khi qua đời cũng chẳng ai biết đến chú ấy. Tôi gặp khó khăn trong việc quyên góp, bao nhiêu tiền bạc làm được chú gởi cả về Việt Nam khi nằm xuống chẳng có đồng nào. Thật là tội cái thân đơn chiếc, tứ cố vô thân!

Ông Lê kêu điện thoại cho gia đình bên Việt Nam báo tin thì nghe bà chị và lũ cháu khóc như gi.

Người cháu Bác Sĩ nói:

- Cậu con thật tội nghiệp, cứ lo cho gia đình bên này mà quên cả thân mình. Cậu có ước nguyện được đem tro cốt về Việt Nam nên xin bác lo giùm, tốn kém bao nhiêu chúng con xin hoàn trả sau.

Ông Lê phải chạy về năn nỉ bà vợ cho mượn một số tiền, khi cầm tiền chắc trong tay rồi ông mới nói với vợ:

- Nghĩa tử nghĩa tận, số tiền này mình cho họ mượn nếu họ không trả lại thì kể như mình làm phước nghe bà!

Bà vợ làm thinh, im lặng là chấp nhận vậy là ông ba chân bốn cẳng chạy đi liên lạc với nhà quàng để lo thủ tục thiêu hài cốt của Khoa.

Bây giờ thì Khoa nằm đó, một chiếc quan tài đơn sơ chờ vào lò thiêu xác. Không vợ con, không họ hàng thân thuộc, người thăm viếng cũng thưa thớt đếm được trên đầu ngón tay. Một lá cờ vàng ba sọc đỏ vắt ngang trên vòng hoa tang độc nhất, ông Lê thở dài:

- Tôi mang lá cờ đến cho chú ấy, dù gì chú cũng có thời chiến đấu dưới màu cờ này. Huynh đệ chi binh mà, chú ra đi có vài anh em như vầy cũng được!

Thôi thì cũng được, thôi thì cũng một kiếp người nhưng sao tôi nghe có gì nghẹn ngào trong cổ họng. Anh sống đúng hay sai tôi không dám bàn tới nhưng có một điều không thể chối cãi được là chưa bao giờ anh được sống cho chính mình, tuổi trẻ của anh mịt mù trong khói lửa chiến tranh, rồi bị vùi dập trong thù hận, trong những trại tù. Qua đến xứ tự do, chưa bao giờ tận hưởng được những hạnh phúc cho riêng mình mà sức lực lại tiêu hao trong bổn phận, trong những ân nghĩa mà anh tự nguyện trang trải. Tình yêu không có nơi để mọc cánh, để đơm hoa kết trái bởi những kỹ niệm đau buồn trong quá khứ. Bây giờ anh nằm đó, người lính già cô đơn tội nghiệp, người lính không chết trên chiến trường mà chết trong âm thầm với những roi vọt, những vết hằn thù của đời sống. Cũng có thể tôi đã đi quá xa, đã tưởng tượng quá nhiều và đâu đó dư âm bài hát năm xưa bỗng vang vọng đâu đây. Nơi đây có ai đâu đưa tiễn anh về, đưa tin anh về với lòng đất sâu.

Chiếc hòm của anh quá đơn sơ đến tội nghiệp, đó chỉ là những tấm cạt tông cứng màu xám xịt ghép vào nhau. Dù vẫn biết chiếc hòm nào cũng bị vùi lấp trong đất, cũng bị đẩy vào lò thiêu nhưng tôi vẫn thấy bất nhẫn quá. Tôi quay đi để dấu những giọt nước mắt thương cảm và nói với chị bạn bên cạnh:

- Sao thảm quá chị à!

Chị bạn im lặng thở dài, ông Lê phân trần:

- Chúng tôi chỉ lo được như thế. Ngày còn sống chú không giao thiệp với ai nên khi nằm xuống cũng khó có người biết đến, chẳng qua chỉ có anh em lính tráng kẻ ít người nhiều thôi cô ạ! Cũng may mà bà xã tôi không cằn nhằn khi tôi giúp chú ấy. Khi tôi đi quyên góp còn có người nói: Ăn rồi cứ lo gởi tiền về Việt Nam đến khi nằm xuống sao không kêu người bên Việt Nam giúp cho!

Ông Lê thở dài:

- Họ nói cũng có cái lý của họ, nhưng biết sao đây. Bán anh em xa mua láng giềng gần nhưng nói thì nói chứ có ai dám làm như thế đâu cô nhỉ!

Rồi mọi người cũng quên người lính già Nguyễn Khoa cho đến một hôm trong một buổi văn nghệ giúp các anh Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa người xướng lên tên những vị Mạnh Thường Quân bỗng tôi nghe người ta nhắc đến tên anh:

- Ông Nguyễn Khoa Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa ủng hộ 300 Dollars.

Có tiếng xì xào dưới khán đài:

- Ông Nguyễn Khoa chết rồi mà, ổng chết mấy tháng nay rồi! Biết có phải ông ta không?

- Chứ còn ai nữa, ở thành phố này có ai tên Khoa nữa đâu!

Thấy ông Lê đang lăng xăng chạy tới chạy lui trong hội trường tôi bước đến hỏi thăm:

- Này anh Lê ơi, có phải anh Khoa gởi tiền cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa không?

Ông Lê cười buồn:

- Trong những ngày cuối cùng chú bị dằn vặt nhiều và muốn đến với các anh em nhưng đã quá muộn rồi. Tôi nói người ta sắp tổ chức văn nghệ để giúp các anh em Thương Phế Binh đang sống khốn khổ tại quê nhà, chú nói nếu lành bệnh sẽ đi tham dự và lập lại lời hứa cho đến những giây phút ra đi và đó cũng là số tiền cuối cùng của chú gởi đến giúp các anh em mình. Nói gì nói chứ cũng tội nghiệp quá, chú mang vết thương lòng khi nằm trong tù nghe người yêu bỏ đi vượt biên. Chú nhớ hoài ngày bà chị nghèo đi bới xách và đùm bọc khi ra tù nên lúc nào cũng mong được đền đáp.

Tôi nói:

- Nhưng còn cuộc đời của anh ấy, nhưng còn hạnh phúc của anh ấy thì sao?

Ông Lê nhú vai:

- Có những vết thương không bao giờ lành được đâu cô. Khi nỗi khốn khổ đã đi quá cái giới hạn thì nó sẽ trở thành sự ám ảnh không thể nào nguôi ngoai, Khoa lại thuộc túp người sống trầm lặng, thà rằng cứ nói ra mà nó dễ chịu cô ạ. Cho nên người ta nói chú ấy chẳng giống ai, chưa điên khùng là may rồi, thế cũng xong một đời.

Ông Lê chào tôi rồi bước tới một đám đông nào đó, ông cười cười nói nói không phút nào ngơi. Tôi tự hỏi đời sống này sẽ ra sao nếu thiếu những người như ông. Cuộc sống ông Lê và cuộc sống của Khoa hoàn toàn trái ngược nhau như mặt trăng với mặt trời, như sao Hôm với sao Mai, như Nam cực với Bắc cực. Vậy mà trong những phút cuối đời Khoa đã sống trong vòng tay đùm bọc, đỡ đần của ông, cho nên đôi khi người ta vẫn thấy mặt trăng giữa ban ngày. Sao Hôm và Sao Mai chỉ là một. Nam Cực và Bắc Cực cũng đều lạnh giá như nhau.

Thế cũng xong một kiếp người, người lính năm xưa đã trở về với đất. Xin cầu nguyện cho anh bắt đầu một đời sống khác hạnh phúc hơn cuộc đời anh đã đi qua./

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
29/10/202100:22:49
Khách
https://cialiswithdapoxetine.com/ cialis without a doctor prescription
26/02/202108:14:56
Khách
https://genericviagragog.com generic viagra reviews
05/06/201319:14:46
Khách
Cảm ơn bài viết này với những ý nghĩa sâu sắc và sự thật của 1 cuộc sống không bị tha hóa trong thực tế đầy phức tạp này hoặc tiểu thuyết hóa để tôn vinh 1 kiếp người đáng sống như người Chiến sĩ tên Khoa. Cũng như những thân phận này trong vận nước nỗi trôi của chúng ta; họ đã phải hy sinh và chịu đựng trong những ngày tháng tù đày và kể cả những người thân của họ cũng đã phải hy sinh đến thể xác để được sinh tồn và đến bây giờ trên đất khách quê người chính bản thân họ đã tìm được chân lý của tình cảm Cao quý hơn Tình yêu: Đó là Tình người.
"Tôi viết bài ca này cho Quê hương tôi,
Quê hương yêu dấu đã cho tôi 1 cuộc đời.
Quê hương tang tóc đã cho tôi 1 tình người,
Và 1 niềm tin mãi sáng trong tôi...."
Mong được đọc 1 câu chuyện khác về Tình người từ Mimosa PV.
25/04/201319:35:38
Khách
Hay qua!
25/04/201315:23:43
Khách
Đừng có xúi đi lính nữa, tội nghiệp dân VN lắm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến