Hôm nay,  

Ông “Cố Vấn”

04/04/201300:00:00(Xem: 242759)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1939, hiện là cư dân Houston, Texas, tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009 và đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Trước 1975, ông là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang.Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư ở Mỹ. Bài viết mới nhân Tháng Tư trở lại, kể về những dư chấn từ cuộc chiến Việt Nam, một cuộc tình Việt Mỹ và những con lai.


Thời quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam, bên cạnh các đại đơn vị chuyên lùng và diệt địch, còn có những đơn vị nhỏ lưu động hoặc đóng chốt tại các điểm hiểm yếu để bảo vệ căn cứ. Trong đạo quân bình định nầy, có tổ chức được mệnh danh là “Chương trình hành động chung”, (Combie action program), đưa từng tiểu và trung đội Mỹ, cùng sống với nghĩa quân của Việt nam trong các thôn làng quanh vùng mà quân Mỹ chiụ trách nhiệm kiểm soát. Các đơn vị nhỏ này phải thường xuyên tiếp xúc với dân chúng địa phương để thâu thập dân ý.

Từ nhu cầu đó, Mỹ tổ chức một trường dạy tiếng Việt mang tên “Vietnamese language school” -trường Việt ngữ- đặt trong Bộ tư lệnh thuỷ quân lục chiến Mỹ (IlI MAF) III MARINE AMFIBIOUS FORCE, do trung tướng Walt làm tư lệnh lực lượng nầy, đóng tại bờ sông Hàn, Đà nẵng.

Mỹ yêu cầu bên quân lực Việt nam cung cấp sĩ quan biệt phái qua làm sĩ quan liên lạc -liaison officers- cho họ, một số theo làm sĩ quan liên lạc giúp các đơn vị tác chiến Mỹ tiếp cận với dân. Số khác thì đi dạy tiếng Việt ở trường Việt ngữ. Vô hình chung, các sĩ quan VNCH nầy trở thành những “ông cố vấn” bất đắc dĩ ngược lại cho quân đội Mỹ.

Trong số các sĩ quan biệt phái này, từ năm 1968, tôi được chỉ định theo toán đi dạy Việt ngữ cho Mỹ. Mỗi lớp học có 20-25 người, từ hàng binh sĩ đến sĩ quan, có cả bác sĩ, nha sĩ, vì những người nầy là những sĩ quan làm công tác dân sự vụ, (civil affairs) khám bệnh và chữa răng cho đồng bào ta ở các thôn làng.

Khoá học 6 tuần lễ. Chương trình do Mỹ soạn, có học cách phát âm 24 mẫu tự, phát âm năm dấu, rồi qua học câu căn bản, dần dà sau đó học các câu dài hơn.

Xen kẽ vào chương trình, còn có giờ dạy đánh cờ tướng, để lính Mỹ cùng vui chơi với Nghĩa quân Việt khi đồn trú chung. Họ cũng học cách vấn thuốc lá, thuốc rê, như anh em Nghĩa quân thường hút. (mục nầy người Mỹ chịu vụng về vì các ngón tay búp măng cồng kềnh khó xe điếu thuốc cho tròn). Cũng có giờ dạy giao tế với dân làng, như tham dự các buổi lễ hội, đình đám cổ truyền của Việt nam. Đôi khi tôi cũng dạy họ hát tiếng Việt như bài “Vui Ca Lên”. Hát sẽ giúp cho lưỡi bớt đơ cứng khi phát âm.

Ngoài ra hàng tuần tôi cũng đưa các học viên Mỹ đi dã ngoại (out trips) thăm thú vài điạ phương quanh Đà nẵng để giới thiệu những sinh hoạt của xã hội Việt nam ta.

*Những nơi đáng nhớ

Trong số những điểm thăm viếng, có nhiều nơi đặc biệt đáng nhớ.

- Trước hết là Núi Khỉ (Monkey moutain). Khỉ ở đây được tính từng đàn, từng bầy vô số kể ở đỉnh núi Sơn Trà, hay còn gọi đỉnh Tiên Sa. Chính ngọn núi nầy là thần hộ mệnh cho thành phố Đà nẵng tránh được bao mùa bão tố khốc liệt từ biển Đông thối vào. Núi không có cọp, chỉ có trăng và khỉ. Theo truyền tụng, có tiên ông thường hiện xuống tảng đá lớn trên đỉnh núi đánh cờ vui chơi và tắm suối với các tiên nữ. Khi Mỹ đặt một đài radar có công năng kiểm báo, kiểm thính toàn vùng Đông Nam Á tại đây thì, tiên ông và tiên nữ đã thăng thiên, vì Mỹ quậy quá!

- Thăm núi Ngũ Hành sơn non nước, (marble moutain). Theo truyền thuyết, năm ngọn núi này giống như năm ngón tay trong bàn tay Phật mở ra, để đón bắt Tôn Ngộ Không, Tế Thiên Đại Thánh nhốt vào hang động thâm u luồn sâu xuống lòng biển! Khách thăm Ngũ Hành Dơn thời ấy có thể thấy tận mắt những nghệ nhân điêu khắc tượng bằng đá hoa cương rất tinh xảo, nghệ thuật.

- Thăm làng Nam-Ô, nơi sản xuất nước mắm nổi tiếng. Để thấy dụng cụ làm nghề mắm lỉnh kỉnh những chum, vại, hồ ướp cá đang lên men. Người Mỹ vào đây đều nín thỡ vì chưa quen với mùi vị tanh nồng của nước mắm.

- Thăm làng trồng thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng của Việt nam thời đó, để thấy thuốc lá Việt khác với thuốc lá Cuba ra sao. Dịp nầy cho họ được thấy vài cô gái trồng thuốc, bập bập điếu thuốc lá khô trên môi môt cách thành thạo, điệu nghệ, và ngon lành nữa. Mỹ gọi là Cigar girls.

Nghề trồng thuốc cẩm lệ rất công phu và kiên nhẫn, không thua nghề nông trồng luá gạo. Mặc dù Miền trung mùa đông trời giá lạnh, nhưng người ta phải thức dậy thật sớm để ra rẫy thuốc bắt sâu. Gọi là sâu thuốc. Sâu cùng màu xanh với lá, chúng ẩn mình rất khéo dưới tàn lá, phải rọi đèn bắt từng con, nếu bắt không kỹ, lá thuốc bị chúng cắn lủng từng mảng thì thành phẩm sau nầy bị mất giá. Mặt trời ló dạng là sâu biến mất. Để chống lạnh người ta hút thuốc từ đó.

Là dân gốc Cẩm Lệ, tôi vẫn nhớ kỷ niệm thuở thiếu thời. Ba giờ sáng là tay cầm lon (để bỏ sâu vào) tay cầm đèn”bão”, theo ông nội ra rẫy bắt sâu. Sáu giờ về, lãnh gói xôi vừa ăn vừa đi đến trường. Với mọi người, cuốc bộ và xôi, sắn, là chính. Nhờ chắt chiu, mới gom tiền cho cho con, cháu, từ Đà-nẵng ra Huế “du học” các trường Quốc Học và Đồng Khánh được.

Con cháu ta nay ở Mỹ, đâu biết cha ông chúng ngày trước sống cơ cực như thế mà chia xẻ. Thật là thương cho tuổi trẻ Việt nam thời chinh chiến 1945-1975.

* Mỹ nói tiếng Việt

Thời ấy, mỗi khoá học xong đều có tổ chức lễ mãn khoá. Thường là một buổi tiệc BBQ picnic tại bờ biển Mỹ khê, Đà Nẵng. Ông xã trưởng gần trường và một vài cô nữ sinh được mời tham dự để có dịp cho học viên Mỹ thực tập tiếng Việt. Trong những dịp thực tập này, có nhiều chuyện rất khó nhịn cười, ví dụ màn chào hỏi trái khoáy: ông xã trưởng già mà bị gọi bằng anh hoặc em, cô nữ sinh trẻ thì bị gọi bằng bà.

Làm sao thành thạo với 6 tuần lễ cho một ngôn ngữ, nhứt là ngôn ngữ Việt nam có nhiều thanh âm, trầm, bổng khác nhau.(Sau này, tại trại tị nạn ở Mã Lai dành cho thuyền nhân Việt, cũng có chuyện bà cao ủy Daeng (cha Thái, mẹ Việt) khi nói tiếng Việt, luôn kêu dân tỵ nạn bằng “con”, dù trong đó có người đáng tuổi cha, ông, cuả bà. Thay vì định hỏi: Cô nói vậy, ông bà có nghe không, thì bà nói, “cô nói vậy các CON có nghe không”. Không phải bà cao ngạo gì. Chỉ là muốn tỏ tình thân thiện mà ngôn ngữ chưa thông. Ai cũng hiểu điều này và đều cười đại xá!)

Trường cũng có những cuộc thanh tra ở các đơn vị rải rác trong vùng I, từ Quảng ngãi ra đến Quảng trị, Đông Hà, Gio linh, là vùng trách nhiệm của TQLC Mỹ đã gởi quân nhân về học, xem học viên có tiến bộ hay không. Trong một lần thanh tra tại quận Đại lộc tỉnh Quảng nam, cách thành phố Đà nẵng 45 km ở hướng Tây, khi gặp lại một người “học trò” cũ ở trường Việt ngữ, tôi tình cờ biết được một “chuyện tình Mỹ Việt” đặc biệt.

* Chuyện tình Bác sĩ Mỹ và cô mụ Việt

Bác sĩ Terry King, lúc đó đang làm công tác dân sự vụ (civil affairs) tại quận Đại Lộc. Qua đôi điều thăm hỏi bằng tiếng Việt như mục đích của trường đề ra, còn lại chúng tôi nói chuyện khác ngoài đề cho vui. Không ngờ nghe được chuyện tình của bác sĩ Terry và cô “cô mụ” Lộc của chàng như sau:

Bên cạnh hàng rào cuả toán dân sự vụ Mỹ làm việc là phòng bảo sanh của quận, do “cô mụ” Lộc làm trưởng phòng, Cô Lộc xuất thân từ trường cán sự điều dưỡng Huế hai năm ra, được bổ nhiệm về đây phụ trách phòng bảo sanh nầy.”Cô mụ” Lộc ngủ ngay bên cạnh phòng hộ sinh để dễ bề đáp ứng công việc. Do vị trí thuận lợi và kề cận nghề nghiệp, lửa gần rơm lâu ngày phải cháy, nên đã đưa hai người đến cuộc tình dị chủng bén rể và nở hoa từ đó.

Bác sĩ Terry King tâm sự, ông và Lộc yêu nhau và Lộc đã có thai với chàng. Chàng tính chuyện xin phép đơn vị cho kết hôn với Lộc, dù chỉ trên phương diện pháp lý, nhưng bị trở ngại, vì chàng là quân nhân trong tình trạng chiến đấu. Thủ tục hồ sơ quá nhiêu khê không tiến hành được.

Phần cô Lộc, sau khi có bầu với Terry King, cô bị rào cản lễ giáo gia đình trói buộc gay gắt, không cho cô tiến xa hơn nữa, cô bị lên án là gái trắc nết, là đồ “lấy mỹ”. Dư luận hùa theo chê bai hất hủi, khinh thường tình cảm trong sáng của Lộc, khiến cô đau đớn từ tinh thần lẩn thể xác. Biết tỏ bày cùng ai, khi mà cổ lệ còn quá nặng nề quàng lên đầu thân phận người đàn bà Á-Đông bất hạnh như Lộc. Cô cho biết, sẽ bỏ xứ ra đi để tự mình tháo gỡ “xích xiềng” hủ tục ấy.

Nhưng biết đi về đâu thân gái dặm trường! Bèo dạt mây trôi, trong tình hình chiến sự ngày càng gia tăng. Cái giá mà Lộc phải trả cho cuộc tình của mình quả là khủng khiếp, dưới nhãn quan còn hạn hẹp, của một xã hội còn quá nhiều thành kiến với người dị chủng.

Mấy tháng sau, tôi nhận được thư của Terry King gởi về trường, trong thư chàng cho biết đơn vị đã chuyển ra quận Phú Lộc Thừa Thiên (Huế). Terry ngỏ ý rất thương tiếc phải rời xa người yêu và đứa con sắp chào đời. Terry cũng cho biết, trước khi đi chàng có trao cho Lộc số tiền để Lộc lo liệu lúc lâm bồn, trong khi chàng không thể có mặt săn sóc được như cảnh vợ chồng có mái ấm gia đình bình thường. Và hy vọng sau nầy sẽ gặp lại mẹ con Lộc, ở nơi nào đó khi có cơ hội. Nhưng lời hứa chỉ là gió thoảng mây bay, có gì để hy vọng.Bởi: “đời chiến binh có mấy người đi mà trở lại”?!

Cuộc chiến Việt nam bước qua ngõ cụt phải chấm dứt. Mỹ rút quân. Chắc rằng trong đoàn quân đó có Terry theo cùng. Mấy chục năm sau trên đất Mỹ, không ngờ chính tôi lại có dịp dự phần vào việc tìm ra Terry cho cô mụ Lộc, giúp đôi bạn tình xưa có ngày tái ngộ. Đó là chuyện sẽ kể ở cuối bài.

*Chuyện con lai Mỹ Việt

Sau mười năm tham chiến, với trên nửa triệu quân rải cùng khắp Miền Nam, khi rút quân người Mỹ đã để lại vô vàn hệ lụy trầm thống. Trong số này, có “đạo binh con lai” hàng chục ngàn trẻ em lai Mỹ.

Những trẻ lai vô tội sau nầy, lớn lên trong xã hội đầy hận thù của Việt Cộng đã phải hứng chịu muôn vàn nghiệt ngã đớn đau.

Phải cả chục năm sau, trước khi lập bang giao với Hà Nội để quay lại Việt-Nam làm ăn với kẻ thù cũ, đám con lai bị bỏ rơi mới được nước Mỹ chiếu cố, can thiệp cho chúng được xuất cảnh sang My. Tại Việt Nam, đó là lúc đám con lai được săn lùng như vàng đen, mua về ghép hộ (bleu card) ra đi, giá rẻ mà an toàn hơn đi diện vượt biển, chín phần chết chỉ một phần sống.

“Con lai Mỹ Việt” trên danh nghĩa về lại quê cha, tưởng phải được nhiều ưu đãi mới đúng với đạo lý nhân bản của Mỹ, vì những đứa con, cháu cưng nầy, sinh ra mà “quê nội” không tốn một cent nào tiền nhà bảo sanh (trung bình ở Mỹ phải mất $12.000 cho một ca sinh/3ngày). Cũng không tốn cent nào tiền foodstamp nuôi dưỡng. Thế mà buồn thay, thân phận chúng cũng hẩm hiu như thân phận của cha chúng khi rút quân về ngày trước, không được hưởng một quyền lợi ưu đãi nào khác.

Thấm thía được tình cảnh trên, sau khi tới Mỹ, các con lai “Mỹ Việt” tìm nhau, tụ lại lập hội để nương tựa sống còn. Tại Houston, một buổi ra mắt hội con lai”Mỹ Việt” (Amerasian association of Houston) được tổ chức, quy tụ được cả trăm em. Tôi được mời tham dự. Không ngờ sau đó được mời làm “cố vấn”cho hội, vì có người giới thiệu với các em trước đây tôi đã có thời làm việc với Mỹ ở Việt Nam.

Hội được sống và trưởng thành trong lòng cộng đồng như phía “bên ngoại”. Hội tiến xa hơn, tổ chức được một đại hội con lai “Mỹ Việt” trên toàn quốc Hoa kỳ về dự tại thành phố Houston TX và, một lần diễn hành với người Mỹ, hội VFW post 8905, (Veteran of Foreign Wars). Lần nầy điểm mặt được nhiều anh tài con lai “Mỹ Việt”đã nỡ hoa. Một số đã tự vươn lên như hạt mầm kẹt trong kẽ đá khi có ánh mặt trời rọi vào, bùng dậy. Họ là Bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, nhà văn và nhà đạo diễn phim ảnh. Trên thương trường, họ cũng có mặt trong mọi ngành nghề trên đất Mỹ rất khích lệ. Nhìn chung họ như được tắm gội dưới cơn mưa rào tươi mát, sau cơn oai bức của tình thế. Như những hạt giống tốt được gieo vào thữa ruộng đầy phù sa Mỹ, gặp gió thuận, mưa hoà (tự do, bình đẳng) nên trổi dậy vươn lên thật tươi tốt. Nhưng không phải tất cả đều nắm được cơ hội.

Hội Con Lai có mấy điểm cần phải quan tâm:

1/- Vận động quốc hội Mỹ cho một số lớn con laii Mỹ Việt khác được tự động nhập quốc tịch Mỹ, khỏi phải thi, vì trước đây do hoàn cảnh nghiệt ngã ở Việt nam, các em không được học hành nhiều nên có phần trở ngại ngôn ngữ. Dù sao họ cũng là người có cha gốc Mỹ hợp pháp.

2/ Vận động quốc hội Mỹ can thiệp cho một số vài ngàn em còn kẹt lại Việt Nam được sớm ra đi. Đây là những em trước đây thiếu hồ sơ chứng minh, vì sống các điạ phương vùng quê thiếu phương tiện tiếp cận không đệ nạp kịp.

3/ Gây quỹ, kiếm tiền trợ giúp cho những người còn kẹt lại Việt Nam, để họ trang trải những chi phí hành chánh và sinh sống qua ngày trong khi chờ đợi.

Vấn đề nào xem ra cũng nhức nhối với con lai “Mỹ Việt” cả. Đã có bao dự luật đệ trình quốc hội từ lâu. Nhưng xem ra “dân cần, quan trễ” kéo dài mãi từ năm nầy qua năm khác không có giải pháp chung cuộc. Xem ra, việc cứu xét cho con lai”Mỹ Việt” được hưởng quyền lợi đã bị chìm xuồng, vì tình cảnh xã hội Mỹ nay đã đổi thay.

Năm 1995, vì kinh tế.Mỹ phải làm ăn với Việt nam nên đưa con lai và H.O ra đi. Nay 2013, vì quyền lợi chính trị, (lá phiếu) họ phải lo cho người “ướt lưng” Hispanic vào Mỹ để kiếm phiếu.

Con số vài ngàn con lai còn kẹt lại Việt nam cùng lắm chỉ là hạt bụi nhỏ trên “chiếc áo khoác” to lớn, mười ba triệu người Hispanic đang được xem xét để lần lượt cho vào Mỹ. Thế mà họ đành buông tay!

Xót xa tình đời với các em, tôi tự động hạ màn nghề “cố vấn” để chia xẻ nỗi buồn với các em.

*Terry King và cô Lộc tái hợp

Nhìn lại, mấy năm hoạt động bên cạnh Hội Con Lai, tôi thấy mình không làm được gì hơn. Chỉ làm được một việc mò kim đáy biển, ấy là góp phần tìm ra chàng bác sĩ Terry King ở tiểu bang Nevada cho “cô mụ” Lộc ở tiểu bang Texas.

Sau hai năm trời gõ cửa, từ Bộ cựu chiến binh, Bộ quốc phòng và một đài truyền hình Mỹ, chính ông chủ đài nầy đã đem lại “mùa xuân yêu đương” cho hai người, ông vốn gốcTQLC nên có truyền thống giúp bạn của binh chủng mình. Khi đọc được thư gởi xin giúp đở, ông đã tận tình với chiến hữu cũ.

Nhưng buồn thay cho cô Lộc! “Người tình trăm năm” của cô nay “hoa đã tàn, nhụy đã tan”. Chàng bác sĩ đẹp trai năm nào nay đã ngồi xe lăn do cơn bệnh ngặt nghèo gây nên. Chàng chỉ hồi đáp bằng lá thư đầy nước mắt, tỏ lòng thương tiếc và ngỏ lời xin nối lại tình xưa, vì vợ chàng đã ra người thiên cổ, nay chàng cần người sớm hôm chăm sóc. Đời sống vật chất ổn định, dù bệnh tật.

Nhận được tin nầy cô mụ Lộc năm xưa như người từ trên mây rơi xuống, vừa thương cảm cho người tình trong cơn hoạn nạn, cô quạnh trong cảnh xế chiều, vừa thương cho phận mình mãi chịu long đong! Hết ngang trái cách chia, nay gặp cảnh đau đớn tật nguyền của người yêu cũ. Số phận chăng? Định mệnh chăng? Cô tự hỏi.

Nhưng rồi, cô đã làm theo bản năng trong sáng và đạo làm người của mình. Làm theo tiếng gọi từ con tim vẩn còn vấn vương tình cũ, cô chấp nhận lời cầu hôn từ TERRY, vì cô vẫn còn “độc thân” tại chỗ, sau cơn sóng tình nát vụn đầy trôi nổi giữa Terry và Nàng. Thế là “Châu về hợp phố.

Nghĩa vợ chồng như biển rộng sông dài. Tuy gặp nhau đã quá muộn màng, nhưng Terry và cô Lộc đã xử thế đầy nhân hậu của tình người có thuỷ có chung từ đầu đến cuối. Thật đáng mừng cho họ.

NGÔ VĂN THU

Ý kiến bạn đọc
05/04/201316:15:00
Khách
Chuyện này hay quá hén. Cuộc chiến mà Mỹ chủ động vào VN, bản thân nó đã là vô lý vì thế nó gây ra hệ luỵ vô lý.
Cựu chiến binh Mỹ bị đối xử lạnh lùng là do tính chỉ thích người thắng, không tình nghĩa của người Mỹ, thắng hay thua là do cấp trên.
Mỹ thua vì không biết rõ tình hình chính trị ở VN, vào không đúng lúc.
chế độ mà Mỹ dựng lên từng phục vụ Pháp.
06/04/201300:18:54
Khách
Chào ông Thu,
Bài viết ông rất hay và cảm động. Tội nghiệp cho cô Lộc nhưng sau cùng có kết quả rất tốt đẹp. Trước kia tôi là TQLC Mỹ đóng quân ở Việt Nam nên có nhiều điểm trong bài viết ông quen thuộc lắm.

Chúc ông bình an.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,189,404
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến