Hôm nay,  

Khí Công, Thiền Và Tiếng Hát

10/03/201300:00:00(Xem: 130187)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam. Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Vài năm trước đây, người viết có mở một lớp dậy Thiền và Khí Công miễn phí để giúp các vị trung và cao niên có sức khỏe tốt và vượt qua một số căn bệnh kinh niên. Một điều đáng vui là sau khi tập Thiền và Khí Công chừng 2, 3 tháng, một số vị trung niên đã cho biết là giọng hát của họ đã hoàn toàn phát triển và hơi ngân của họ đã vượt qua khỏi trường hợp “Ôi, Tiếng Hát không hơi rung nghèo nàn” (nhạc Lê Uyên Phương), nghĩa là đột nhiên họ khám phá thấy làn hơi của họ dài hơn, rung động hơn.

Hơn nữa, vì việc kiểm soát được hơi thở của mình một cách dễ dàng nên họ đã diễn đạt những bài hát của họ tình cảm hơn trước nhiều. Nhiều vị đã chứng minh kết quả tập luyện của họ qua việc trình diễn ngay tại chỗ những bài hát rất truyền cảm và hấp dẫn. Với khám phá tốt đẹp này, các sinh hoạt của những vị “thích hát” đã trở nên phong phú hơn, làm cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn, nhất là với những vị có giọng hát ấm nhưng thiếu hơi ngân. Hầu như, trong các gia đình trung lưu, nhà nào cũng có một máy Karaoke và giàn âm thanh đủ dùng trong các cuộc họp mặt gia đình, bạn bè và thân hữu. Tại các đám cưới, các ban nhạc bây giờ ít mời ca sĩ, tiết kiệm được tiền, vì đã có rất nhiều thân hữu ghi danh để hát góp vui. Cũng có nhiều vị hát được vỗ tay nhiệt liệt, nhưng cũng có trường hợp hát khá “ẹ” vì thiếu hơi ngân, tuy có chất giọng tốt, nhưng không hơi rung, nên không được nhiều vỗ tay cho lắm. Lý do là họ không biết kiểm soát được hơi thở của mình cũng như không phát triển được làn hơi sẵn có trong buồng phổi mỗi người.

Thật ra, việc tập kiểm soát hơi thở đã được những ca sĩ nổi tiếng thực hiện từ rất lâu. Nhiều năm trước đây, một người bạn ca sĩ có làn hơi độc đáo đã cho biết, khi anh học hát với một vị linh mục, thầy dậy của anh bắt anh phải đứng trước kính cửa sổ mà hít hơi vào rồi thở ra sao cho tấm kính rung lên mới thôi. Mỗi ngày anh phải tập cả nửa tiếng đồng hồ một mình, do đó mà anh có làn hơi rất mạnh. Dĩ nhiên, phương pháp này không phải là toàn bộ “Thiền” hay “Khí Công” mà chúng tôi muốn nói ở đây. Đó chỉ là một khía cạnh của phương pháp tập điều khiển hơi thở để cho việc ngân rung thoải mái hơn mà thôi. Người bạn ca sĩ kia đã được thừa hưởng một gia nghiệp trời cho có chất giọng tốt, nên chỉ cần tập một phương thức đó cũng đủ cho làn hơi anh đi rất xa.

Đối với những vị khác mà không được Trời cho chất giọng tốt, mà muốn cho tiếng hát của mình điêu luyện hơn, phong phú hơn thì nên tập “Thiền” và “Khí Công”. Sở dĩ phải phối hợp vừa “Thiền” vừa “Khí Công” vì mỗi phương pháp có những đặc dị riêng, nếu dùng phương pháp này bổ túc cho phương pháp kia, thì kết quả sẽ nhanh chóng hơn và hiệu lực nhiều hơn. “Thiền” giúp cho tâm tĩnh lặng, không bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài, giúp cho người tập tự tin hơn và khi hát, sẽ lắng đọng tâm tình của mình vào bài hát và do đó, có thể trình diễn hòa nhập với bài hát hơn. Còn “Khí Công” thì luyện cho hơi dài hơn, mạnh hơn, hát không bị mệt và đứt hơi khi lên nốt nhạc quá một bát độ. Một bát độ là 8 nốt, thường là từ Đồ đến Đố, trung bình thì hát từ Đồ đến Fa cao (Tenor), hoặc từ Là đến Rế, hiếm có người hát Soprano gần 2 bát độ, từ Là thấp qua La đến Fa cao. (Ca sĩ Việt Nam chỉ có Thái Thanh, Ngọc Hạ, Ánh Tuyết, Mỹ Linh… là hát từ thật thấp đến thật cao.)

Trong phạm vi bài viết này chỉ liên hệ đến việc hát, cho nên sẽ viết về Thiền và Khí Công rất giản lược.

1-Thiền để hát hay:

Mỗi sáng, tập Thiền chừng 20-30 phút. Có hai cách ngồi Thiền:

a-Người không bị đau lưng nên ngồi trên một cái gối tròn, để mông lên gối, còn hai chân khoanh tròn, (có thể để phía bên ngoài hay trong gối thì tùy người cảm giác thấy cách nào thoải mái hơn thì áp dụng), nhưng lưng phải dựa sát vào tường. Lý do: nếu xếp bằng tròn trên một mặt phẳng lâu ở chỗ trống, lưng sẽ từ từ gù về phía trước, khiến cho những đốt xương sống cọ sát vào nhau, gây đau lưng. Ngồi dựa sát vào tường, cho lưng thẳng góc với mông thì tránh được việc đau lưng. Những vị Thiền Sư vẫn ngồi ngay chỗ trống, không cần dựa tường mà không đau lưng vì đã tập luyện từ hồi còn trẻ, các bắp thịt và xương đã quen với thế đó rồi. Còn các vị trung niên hoặc cao niên, bây giờ mới bắt đầu tập mà nếu ngồi giữa chỗ trống, nhất định sẽ bị các cơn đau lưng hành hạ. (Khi lái xe hay ngồi phía hành khách, nếu muốn tránh đau lưng, nên đệm thêm một chiếc gối vừa phải ngay sau thắt lưng, sẽ ngồi xe được lâu hơn mà không đau lưng.)

b-Ngồi trên ghế dựa. Người thường bị đau thắt lưng hay muốn tránh bị đau thắt lưng phải luôn ngồi trên ghế có tựa lưng, và luôn giữ lưng thẳng góc với mông. Ngồi cong người về phía trước, hay ngồi xếp bằng trên một mặt phẳng sẽ kích thích những cơn đau sẵn có, và phải bỏ cuộc. Do đó, nên tìm một cái ghế có lưng thẳng, và ngồi sát mông vào lưng tựa.

Bắt đầu Thiền: Hai tay để trên đùi. Bàn tay mở, hai ngón tay cái và ngón trỏ chạm vào nhau. Nhắm mắt nhưng vẫn tưởng tượng là vẫn nhìn thẳng về phía trước, để thấy một màn sang sáng qua lớp da che mắt. Hít vào thật chậm, theo dõi hơi thở qua lỗ mũi, và tưởng tượng hơi thở từ từ đi qua khí quản, xuống bụng. NÉN HƠI và đếm thầm trong đầu: 1,2, 3. Đếm thật chậm cho hợp với nhịp tim đập. Xong, thì từ từ thở hơi ra, đếm Một (1). Tiếp tục như thế, mỗi lần xong thì đếm môt lần cho đến tối thiểu 20 lần. Mới làm thì thường lầm lẫn về đếm số hay đếm nhanh quá, trí óc còn nghĩ ngợi lung tung, nhiều hình ành hiện lên trong não… Do đó, phải thật tập trung tư tưởng vào hơi thở, vào màn sáng trước mắt và tự nhủ rằng: “Mình đang Thiền! Thiền! Thiền! Không nghĩ gì hết…” Nếu vẫn còn phân tâm, phải nghĩ thêm vài câu “thần chú” là: “DẸP BỎ! DẸP BỎ! KHÔNG NGHĨ GÌ HẾT! DẸP!...” Nghĩ như thế nhiều lần sẽ quen và sẽ hết nghĩ ngợi lung tung. Người có chí, sẽ làm vào buổi tối một lần nữa, hoặc làm vào bất cứ chỗ nào thoải mái, ngồi trong xe, trên phi cơ… Tuyệt đối tránh ngồi ghế salong hay nệm mềm vì khi thụt mông xuống, sẽ bị đau lưng. (Thêm: khi ngủ cũng thế, nếu ngủ thẳng trên nệm mềm sẽ bị đau lưng kinh niên, vì xương sống sẽ bị cong xuống, lâu ngày thành tật, các đốt xuông sống bị cong, nên chạm vào nhau, tấn công dây thần kinh tọa, làm đau nhức, khó chữa.)

2-Khí Công:

Có rất nhiều môn Khí Công, với nhiều hình thức khác nhau, nhưng môn Dịch Cân Kinh thì dễ làm và dễ nhớ nhất. Thật ra, khi nói đến Dịch Cân Kinh, ai cũng nghĩ ngay đến việc đứng thẳng, lưỡi để cong lên, chạm vào mạng khẩu cái, hít thở và nhíu hậu môn lại. Đây là phương pháp rất hay được áp dụng. Nhưng Dịch Cân Kinh mà người viết diễn tả dưới đây là một phương pháp khác, do môt vị Thầy ở Việt Nam mới dậy cho biết, và vì kết quả nhanh chóng hơn, nên mạo muội phổ biến phương pháp này cho bà con tập cho khỏe. (Mong các vị Sư Phụ về Dịch Cân Kinh thứ lỗi nếu có chi sai sót)

Đứng thẳng, hai chân dang ra vừa phải, hai tay giơ ngang trước ngực, kiễng gót chân lên, hai bàn tay rủ xuống đất. Từ từ ngồi xổm xuống cho mông gần chạm phía bắp chuối chân, mới để gót chân chạm đất, trong khi bàn tay lại lật ngược lên trên, nghĩa là khi đứng thì hay bàn tay rủ xuống, khi ngồi xuống thì lật hai bàn tay lên. Khi đứng lên thì hít vào, khi ngồi xuống thì thở ra. Mỗi lần xong môt chuyển động như thế, thì đếm thầm trong đầu: Một, Hai.. Thời gian đầu chỉ có thể làm 5 lần tối đa vì đã mỏi đầu gối, nhưng dần dần tăng lên thành 10, 20, 30.. đến 50 lần thì đã gần trở thành … cao thủ rồi! Riêng người viết bài này cũng chỉ làm được tối đa là 50 lần đã muốn rụng đầu gối.

Thật ra, tập Thiền và Dịch Cân Kinh như thế này, không chỉ để giúp hát hay mà còn trị được nhiều chứng bệnh khác như tim, mạch, thần kinh bất an…Những người mắc bệnh hay hồi hộp, lo lắng (Anxiety attack) nếu tập cả hai phương pháp này thì chóng hết phải dùng thuốc an thần. (Lưu ý: hầu như tất cả thuốc an thần đều có chất gây nghiện. Dùng một thời gian rồi thì khó bỏ, hễ bỏ, lại mắc bệnh lại). Người mắc bệnh tim đập bất thường cũng có thể khỏi sau 3 tháng tập luyện, với điều kiện là tập hàng ngày cả hai môn trên. Bệnh cao huyết áp và mỡ cao cũng sẽ có kết quả tốt, vì tập Dịch cân Kinh sẽ tiêu thụ nhiều calori hơn những thế thể dục nhẹ khác. Riêng những người mới mắc bệnh tiểu đường mà tập Dịch Cân Kinh nhiều lần sẽ vĩnh viễn không bệnh. Nếu khổ công tập luyện thêm vài phương pháp về Khí Công nữa như Tài Chi, Hồng Gia Quyền thì cho dù 80 tuổi cũng sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn và trí óc minh mẫn như người còn trẻ.

Xin lưu ý, phương pháp tập luyện nào cũng có tác dụng tốt và đem lại hiệu quả là khỏe mạnh và minh mẫn, không ai dám nói phương pháp này tốt hơn phương pháp kia, vì thật ra, không có phương tiện nào để cân, đo, đong, đếm những hiệu quả của các cách tập luyện, nhất là những thế tập đều mang lại những kết quả vô hình, trong một thời gian vài tháng tập luyện, cũng vẫn thấy hình như vóc dáng mình không thay đổi, già vẫn già, trung niên vẫn trung niên, nhưng chỉ thấy kết quả thay đổi rõ rệt cả diện mạo và tinh thần là sau khi kiên nhẫn tập cả năm trời, bạn bè mới kêu lên: “Trời! Sao ông (bà) tuổi cao mà trông còn trẻ trung quá!” hoặc “Ông đã trên Thất Thập Cổ Lai Hi rồi mà vẫn còn trí nhớ tốt quá!”

Chúc quý vị độc giả sức khỏe và hạnh phúc với tiếng hát “trung niên” của mình.

Chu Tất Tiến, M.S.P.

Ý kiến bạn đọc
10/03/201313:58:34
Khách
Xin cám ơn tác giả.
10/03/201308:24:38
Khách
Cảm ơn bài viết của Chú, quá rõ ràng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,227,211
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến