Hôm nay,  

Hai Cha Con

01/03/201300:00:00(Xem: 254866)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một dương cầm thủ đồng thời là nhà văn, có nhiều CD và sách đã xuất bản, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của Phương Lan là một truyện ngắn gia đình.

Bữa cơm chiều hôm đó vắng mặt thằng Tuấn, nó nói đến nhà bạn học bài, và sẽ về trước giờ ăn. Nhưng ngoài trời đã tắt hẳn nắng, thành phố lên đèn đã từ lâu rồi, mà Tuấn vẫn biệt tăm. Mọi người bắt đầu sốt ruột, không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Ông Bình cứ đi qua, đi lại trong phòng cả chục lần. Sau cùng, khi chuông đồng hồ gõ tám tiếng, không thể chờ đợi lâu hơn, ông ra lệnh cứ ăn trước. Mọi người cầm đũa một cách uể oải, mặt người nào cũng lộ vẻ lo lắng.

Thường thì bữa cơm chiều là lúc vui nhất, cả nhà quây quần bên bàn ăn, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện xảy ra trong ngày. Nhưng hôm nay, mọi người đều im lặng, nhai, nuốt chậm chạp, mặc dù đồ ăn rất ngon. Thằng Cường, con Dung thường ngày nói tía lia, ồn ào nhất nhà, bây giờ cũng chỉ cúi đầu ngồi ăn, thỉnh thoảng lại liếc nhìn cha mẹ với vẻ sợ sệt, làm như chính chúng là kẻ có lỗi. Không khí trong phòng ăn có vẻ nặng nề, chỉ nghe tiếng lách cách của chén đũa, và tiếng máy lạnh chạy ù ù.

Ông Bình hỏi vợ:

- Dạo này nó hay vắng nhà, mà bà có biết nó đi đâu không?

- Làm sao biết được? Bà Bình dè dặt trả lời, thấy nó nói là đến nhà bạn học bài, tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy, chứ làm sao kiểm soát?

- Hừ! bà là mẹ thì phải để mắt đến con cái chứ?

Sau cùng, gần 9 giờ, khi bữa ăn sắp chấm dứt, mọi người sắp sửa dùng đến món tráng miệng, thì có tiếng xe dừng ngay trước cửa nhà, một đứa bạn của Tuấn đưa nó về. Bà Bình vui mừng đứng dậy, toan lấy thêm thức ăn, nhưng Tuấn lắc đầu nói:

- Con ăn ở nhà bạn rồi.

Nói xong, nó đi một mạch lên lầu, không nhìn ai cả. Ông Bình nhìn theo con, chăm chú quan sát một hồi, rồi cau mày nói:

- Nó nói dối, đến nhà bạn học bài mà sao không đem theo sách vở chi cả? Thằng này hỏng, phải phạt nó mới được, tôi sẽ không mua xe cho nó như đã hứa.

Noi xong ông cũng lên lầu, nhưng vào phòng riêng của ông, chứ không vào phòng Tuấn. Bà Bình ngạc nhiên, rồi thở ra nhẹ nhõm.

Tự thuở giờ, ông Bình vốn có tiếng là một người cha nghiêm khắc, bà chờ đợi một cơn thịnh nộ của chồng sẽ bộc phát dữ dội, nào ngờ chỉ có thế. Dạo này, báo cáo của nhà trường cho thấy điểm số trong học bạ của Tuấn tụt xuống một cách thê thảm, gần như đội sổ. Mặc dù Tuấn làm ra vẻ siêng năng, hay đi sớm về khuya, lúc nào cũng nói là đến nhà bạn để học nhóm. Nhưng bà biết là Tuấn nói dối, linh tính của một người mẹ cho bà thấy là Tuấn đang có điều gì lo nghĩ, trông nó có vẻ chán đời mà bà không hiểu tại sao.

Năm nay Tuấn mười bẩy tuổi và đang học lớp 12. Ở Mỹ, mười tám tuổi là có thể sống độc lập, nên nhà trường và phụ huynh tiếp tay nhau sửa soạn cho học sinh vào đời. Ngay từ lớp 11, nhà trường đã bắt đầu dạy học trò tập và đi thi bằng lái xe. Nhiều đứa bạn của Tuấn đã được cha mẹ sắm cho xe hơi riêng, Tuấn cũng vừa mới đậu bằng lái xe, và được cha hứa sẽ mua cho một cái xe hơi cũ vào cuối học kỳ này. Cả ba anh em nó đều háo hức, và Tuấn đã hứa sẽ cho các em đi ké. Nhưng bây giờ thật là hết hy vọng, Cường và Dung tiu nghỉu, chúng lẻn vào phòng anh, báo tin chẳng lành, Tuấn chỉ nhếch miệng cười nhạt:

- Cam đoan ông già sẽ không phạt tao đâu. Đừng lo! ổng chỉ doạ thôi, rồi tụi bay coi, ổng sẽ phải mua xe cho tao mà.

Hai đứa nhỏ nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu gì cả, chúng cho rằng anh chúng nói ngông, nhưng Tuấn vẫn cười một cách tự tin:

- Tao không xạo đâu, chúng mày cứ chờ coi.

Vì sao Tuấn có thể nói một cách quả quyết như thế? Thật ra cũng chẳng có gì khó hiểu cả, chỉ vì Tuấn tình cờ biết được bí mật của ông bố. Từ đó, cậu đâm ra xem thường, không còn kính phục cha như trước nữa.

Số là hôm đó, ông Bình có việc phải đi vội, và bỏ quên điện thoại di động ở nhà. Tuấn đang ngồi học bài, tiếng điện thoại reo liên tục làm cậu bực mình vì bị chia trí, đến lần thứ năm, thứ sáu… thì cực chẳng đã, cậu phải bốc điện thoại lên nghe. Những tiếng nói ở đầu giây bên kia làm cậu giật nẩy mình, ngồi thẳng người lên:

- A lô, anh Bình đó hả? em, Diễm Thu đây! anh khoẻ không? Lóng rầy bị mụ vợ già kiểm soát chặt chẽ lắm hay sao, mà không thấy gọi cho em? Bận gì thì bận cũng phải nhắn lại cho em vài lời chứ? Sắp đến sinh nhật em rồi đấy, liệu mà chuẩn bị quà cáp gởi về cho em. Còn cái vụ căn nhà đã đặt cọc, anh phải lo tiến tới đi chứ? chủ bán cứ dục phải trả nốt, mà em thì làm gì có tiền?

Tuấn há miệng kinh ngạc, không nói được lời nào, cậu còn đang bàng hoàng thì tiếng nói bên kia lại tiếp tục, lần này đổi qua giọng nũng nịu, vòi vĩnh:

- Tết này mình về với em được không? Nhớ quá, có người yêu ở xa buồn chịu không nổi. Hay là mình ly dị phứt con mụ khọm già ấy đi cho rồi? thu xếp công việc xong rồi về Việt Nam ở luôn với em, chịu không cưng? Kìa! sao không thấy anh nói chi cả?

Bấy giờ Tuấn mới mở miệng được, lạnh lùng:

- Tôi không phải là Bình.

Ngỡ ngàng một giây, rồi tiếng người đàn bên kia đầu giây vội vã:

- Ồ xin lỗi, tôi gọi nhầm số.

Lập tức bà ta tắt máy nghe cái cụp, Tuấn cũng đặt điện thoại xuống, bàng hoàng như người vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Ngồi một lát, chờ cho tim bớt đập, Tuấn dò theo số điện thoại, và đọc được nhiều tin nhắn cũng của người đàn bà tên Diễm Thu ấy, toàn một giọng tình tứ lả lơi, và sau cùng là... nã tiền.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là cha cậu đã có nhân tình. Sau khi bình tâm nhớ lại, suy xét, và phối hợp mọi sự kiện, bây giờ thì cậu hiểu cả, cậu hiểu vì sao dạo này cha cậu hay tìm cớ để về Việt Nam nhiều như đi chợ. Ông viện đủ mọi lý do: khi thì thăm người nhà đau yếu, khi về xây mộ ông bà, khi về nghiên cứu tình hình để sửa soạn cho một cuộc kinh doanh trong tương lai… Bà và các con nghe vậy thì chỉ biết vậy, chứ chẳng ai nghĩ tới việc tìm hiểu xem ông nói thiệt hay là nói dối.

Gia đình Tuấn thuộc loại khá giả, ông Bình là chủ nhân của hai tiệm buôn vải vóc, quần áo phụ nữ và một trung tâm băng nhạc khá đông khách, lợi tức đủ để gia đình sống một cách thoải mái, lại có của ăn, của để. Ông Bình vừa chẵn sáu mươi, bà Bình mới ngoài năm mươi tuổi, ông bà có ba người con: hai trai, một gái, Tuấn là lớn nhất, đang học năm chót của trung học, hè tới sẽ thi vô đại học.

Ông Bình là một doanh gia thành công trên thương trường, con cái đều ngoan ngoãn, chăm học. Người ngoài nhìn vào, ai cũng nói đây là một gia đình hạnh phúc, chính mẹ cậu cũng thường hãnh diện khoe với mọi người, rằng bà có ông chồng đàng hoàng, đứng đắn. Ngờ đâu bà đã lầm, cũng như mọi người đều lầm, có ai ngờ con người trông đạo mạo, nghiêm trang kia, thật ra chỉ có cái vỏ bề ngoài, che dấu một tâm địa thấp hèn ở bên trong. Còn đâu hình ảnh của một người cha đạo đức, mẫu mực, mà cậu vẫn tôn kính? Những lời giáo huấn nghiêm trang cha cậy vẫn răn dạy con cái chẳng qua chỉ là diễn xuất mà thôi, như người đóng kịch trên sân khấu. Khi bức màn nhung đã buông xuống, son phấn đã rửa sạch, bộ mặt thật của diễn viên mới lộ ra, khác hẳn. Tuấn đau lòng nhận thấy bi kịch của gia đình cậu không phải mới xảy ra lúc gần đây, mà thật sự đã bắt đầu từ hai năm về trước.

Sau chuyến theo bạn bè đi du lịch Việt Nam về, Tuấn thấy cha có vẻ hơi khang khác, ông có vẻ lo ra, và luôn luôn than phiền dạo này làm ăn thất bại, tiền chỉ có ra, mà không vô. Ông nói dạo này kinh tế xuống thấp, thất nghiệp đông, hàng hoá ít được tiêu thụ, phải giảm giá mới có người mua, vì vậy những nhà buôn không kiếm ra lời, cứ phải ăn vào vốn. Ông nói vậy để giải thích cho bà vì sao tiền để dành trong chương mục tiết kiệm của gia đình cứ hao hụt dần. Ông nói sao thì bà hay vậy, không hề nghi ngờ, bà vốn tin chồng, và thật ra lời lãi rất khó mà kiểm soát. Nghe vậy, cả nhà đều lo lắng, nào ngờ ông đem tiền cho gái…

Từ lúc tình cờ khám phá ra những bí mật của cha, cậu thiếu niên mười bẩy tuổi, chưa bao giờ nhìn thấy mặt trái của cuộc đời này, đâm ra thất vọng não nề. Từ nhỏ, cậu đã coi cha như một vĩ nhân, tượng trưng cho tất cả những gì cao đẹp nhất. Bây giờ ông vĩ nhân đã tự hạ bệ, Tuấn thấy ông sao tầm thường quá, cậu xót xa nhận thấy lòng kính trọng của cậu đối với cha không còn được như xưa. Tuy trong tâm bất bình, nhưng Tuấn vẫn giữ kín, không hé môi cho ai biết, cậu không muốn thấy cảnh một gia đình đang đầm ấm, yên vui, bỗng dưng bị xáo trộn, cậu cũng không muốn thấy mẹ buồn. Nhưng lòng cậu lại buồn vô hạn, vì đã mất hết niềm tin vào cuộc đời.


Trong tâm trạng hoang mang, chán nản đó, Tuấn bị lũ bạn xấu rủ rê, và cậu đã buông thả, theo chúng bạn tập tành con đường ăn chơi, để trả thù đời.

Ông Bình, qua lời kể của cô nhân tình, cũng đoán biết là Tuấn đã rõ những bí mật của ông, nên trong lòng ông cứ bứt rứt không yên. Ông hay lén rình xem thái độ của con, và nghĩ bụng nếu nó cũng bắt chuớc ông, đi vào con đường hư hỏng sớm như thế, thì nguy quá, phải cứu vãn tình thế mới được. Ông chờ dịp bà vắng nhà, qua tiểu bang khác, thăm ông bà nhạc, mới gọi Tuấn vào phòng riêng, cho ông nói chuyện.

Chẳng cần thông minh, Tuấn cũng biết ngay là chẳng có chuyện gì ngoài chuyện cha có bồ nhí. Không hiểu ông sẽ thanh minh, thanh nga thế nào để chối tội? Hay là ông định hối lộ cho cậu một món tiền, để cậu khỏi mách mẹ? Một ý nghĩ làm cho Tuấn mỉm cười, nhân dịp này tống tiền ông già cho bõ ghét? Nhưng rồi cậu lại gạt ngay ý tưởng đó, dù sao cậu thiếu niên mới tập tành hư hỏng này cũng chưa đến nỗi đánh mất nhân cách. Cậu chỉ muốn nhắc nhở cha thôi, rằng ông đang là tấm gương để con cái noi theo mà bắt chước, rằng con cái nên hay hư là tùy tư cách của người cha. Nghĩ thế, cậu chuẩn bị thái độ, và ung dung vào phòng, ngồi đợi.

Ông Bình mở đầu câu chuyện bằng một giọng tra hỏi, nhưng không có vẻ gì gay gắt:

- Tối qua, con đi đâu mà quá nửa khuya mới về?

- Con đến nhà bạn học bài. Tuấn nói dối tỉnh bơ.

- Đứa nào?

- Thằng Hùng.

Tuấn nói đại tên một đứa bạn chăm học, nào dè cha cậu đập tay xuống bàn đánh thình một cái, quát:

- Nói láo! Tối qua tao mới nói chuyện với ba thằng Hùng, mày đâu có tới nhà nó?

Tuấn giương mắt nhìn cha, không hề sợ sệt, ông già đang tra gạn, hỏi tội cậu ư? Thật là buồn cười, ông cũng dối trá, lại tra vặn thằng con về tội dối trá? Được, đã thế phải cho ông biết là cậu đã rõ hết mọi chuyện, để xem thái độ của ông ra sao? Nghĩ vậy, Tuấn sửa thế ngồi ngay ngắn lại, điềm tĩnh:

- Vậy thì con nói thật, hôm qua con đi vũ trường, nhảy đầm với bạn gái.

Ông Bình ngạc nhiên, không ngờ thằng Tuấn dám to gan đến thế, nó dám nói huỵch tẹt cả ra, mà không cần che đậy chi cả, chứng tỏ nó đã hết sợ ông rồi. Coi cái bản mặt ngang tàng của nó kìa! sẵn sàng nghênh chiến đó, găng với nó bây giờ là hỏng hết, nó sẽ đương đầu cho tới cùng. Mà đấu với nó, chắc chắn ông sẽ thua thê thảm, bởi vì nó đã nắm được cái tẩy của ông. Ông xìu xuống ngay, thôi đành chịu lùi một bước vậy, ông cố nén tiếng thở dài, lần đầu tiên người cha lầm lỗi này cảm thấy nhục nhã, vì đã đánh mất oai quyền làm bố. Ông xuống giọng, nhỏ nhẹ:

- Năm nay con đang học lớp 12 là năm then chốt ở trung học, nếu điểm số kém, con sẽ không được lên đại học, vì không trường nào sẽ nhận con cả. Tương lai của con là do con quyết định, sau này con sẽ làm nghề gì? Nếu không có chút vốn học vấn trong tay? Còn nhỏ, sao con không học hành chăm chỉ, lại đi vào con đường ăn chơi sớm thế?

- Vậy ba nói hễ lớn tuổi thì mới có quyền ăn chơi hay sao?

Tuấn hỏi một câu rất ngây thơ làm ông Bình bối rối, lúng túng mãi mới tìm ra câu trả lời:

- Không phải vậy, nhưng… nhưng người già làm gì có tương lai mà sợ hỏng?

- Con lại nghĩ khác, người già không có tương lai, nhưng có quá khứ, nếu không cẩn thận, họ có thể phá hỏng tất cả những gì họ đã xây dựng trong quá khứ.

Ông Bình giật mình, thằng Tuấn không còn con nít như ông tưởng, nó đã biết nhận xét, suy nghĩ như người lớn, cậu thiếu niên thông minh, can cường này giống y chang hình ảnh của ông thời còn trẻ. Ông nhìn con bằng ánh mắt thương yêu:

- Con đã trưởng thành rồi đó!

Tuấn cười ngượng nghịu:

- Con cũng nghĩ vậy, mà ba có biết cái gì đã làm cho con trưởng thành trước tuổi không?

Ông Bình lại giật mình, nét mặt hơi biến đổi. Thấy vậy Tuấn vụt hối hận và thôi ngay ý định khiêu chiến, vì thật lòng cậu cũng không muốn dồn cha vào thế bí. Vội vã cậu sửa lại nét mặt hiền hoà:

- Mà thôi con cũng chẳng nói, vì có thể là con hiểu lầm.

Ông Bình thở ra nhẹ nhõm, nhìn con bằng cặp mắt thầm cám ơn. Người cha tội nghiệp này thấy cần phải nói một cái gì đó để vớt vát lại một chút sĩ diện, nhưng ông nghĩ không ra. Hai cha con ngồi im một lúc lâu, sau cùng ông lên tiếng, ông nói với con như tâm sự với một người bạn:

- Dạo này ba có nhiều chuyện lo nghĩ. Công việc làm ăn của ba bị thất bại, vì kinh tế suy thoái là tình trạng chung, gia đình nào cũng bị ảnh hưởng, vì vậy ba có ý định dời đổi cơ sở làm ăn về Việt Nam…

Tuấn buồn cười và thương hại cho cha, ông đang cố tìm cớ để bào chữa cho những việc làm sai quấy của ông đây. Cậu mỉm cười, hỏi:

- Ba có chắc về Việt Nam làm ăn, ba sẽ thành công không?

- Không chắc lắm, nhưng nếu không thử thời vận thì sao biết được? Đó là lý do dạo này ba hay về Việt Nam… Việc này tốn nhiều thì giờ lắm, trước hết là phải nghiên cứu tình hình, tìm địa điểm thuận lợi, tìm người hợp tác, rồi còn phải giao thiệp, phải xuất vốn nữa…

Tuấn lại cười thầm trong bụng, nhưng không nỡ làm cho cha bẽ mặt, cậu vờ tin thật và gật gù:

- Con hiểu rồi, ba giải thích vì sao mà quỹ tiết kiệm của gia đình mình hao hụt và ba hay về Việt Nam. Nhưng… Tuấn ngưng lại, cố lựa lời cho cha khỏi đau lòng, nhưng ba nên cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định xem có nên đem tất cả vốn liếng mà ba má đã khổ công gây dựng, chắt chiu dành dụm trong hai mươi lăm năm trời, để đổi lấy một thứ mà chính ba cũng không biết chắc là sẽ thành công? Ba có nghĩ đến hậu quả không? Nếu thất bại thì gia đình mình tan vỡ là chuyện dĩ nhiên, mà tương lai của các con cũng sẽ hỏng cả, vì tụi con còn tâm trạng đâu mà học hành?

Ông Bình thầm phục đứa con khôn lanh, nó vừa giữ thể diện cho ông, nhưng đồng thời cũng không quên mục đích, nó đang gián tiếp ra điều kiện cho ông chọn đó, hoặc là gia đình, hoặc là mối tình phù phiếm, chứ ông không thể có cả hai. Mấy lúc gần đây, ông đã suy nghĩ lại và thấy mình dại, chỉ vì một chút thú vui bất chính, ông muốn hưởng thụ để vớt vát tuổi già, mà ông đã đánh mất bao nhiêu thứ: uy tín đối với con cái, hạnh phúc gia đình và cả tiền bạc nữa chứ. Ấy là chưa kể những tiếng thị phi, những khổ tâm nhọc trí mà ông phải lo đối phó che đậy, dấu giếm tội lỗi. Bây giờ thì ông tỉnh ngộ rồi, ông nhất quyết làm lại, ông muốn nói cho con ông hiểu để nó yên lòng. Dịu dàng mỉm cười, ông vỗ nhẹ vai Tuấn:

- Con nói phải, đó chỉ là một việc làm hồ đồ nhất thời. Mấy lúc sau này, ba đã bình tâm suy nghĩ lại, và thấy không thể tiếp tục một chuyện làm ăn bấp bênh như vậy được, nên ba đã quyết định chấm dứt. Ba không còn ý định thay đổi công việc nữa, ba sẽ lo chấn chỉnh, tu bổ lại mấy cơ sở làm ăn của gia đình mình ở đây, con yên tâm.

- Cám ơn ba!

Lòng Tuấn bừng lên một niềm vui khó tả, cậu cũng nhìn cha bằng cặp mắt vô cùng thương yêu:

- Con cũng xin lỗi đã làm ba buồn lòng bấy lâu nay. Con hứa từ nay sẽ chăm học và không lêu lổng nữa.

Ông Bình gật đầu, giọng cảm động:

- Phải vậy mới đúng con ạ. Đời người ai cũng có lúc lầm lỡ, nhưng phải biết tỉnh ngộ và dừng lại đúng lúc, đừng để sự việc đi quá xa. Thôi bây giờ con về phòng học bài đi!

Tuấn chào cha và bước ra cửa. Nhìn theo bóng con đi khuất sau hành lang, ông Bình lẩm bẩm một mình:

- Mong nó cũng rút được một bài học kinh nghiệm, để sau này đi trên con đường đời, khỏi vấp phải vết bánh xe cũ mà ta đã đi.

Ông thấy lòng nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng đeo đẳng làm ông bứt rứt, khó chịu cả mấy năm trời. Ông thong thả bước ra vườn sau, nhìn mấy cây mai, cây đào đơm chi chít những nụ, ông mỉm cười:

- Lại sắp tết nữa rồi.

Tết năm nào bà cũng gói bánh chưng. Tội nghiệp người vợ hiền đã đi bên cạnh ông suốt hai mươi lăm năm trường, tận tụy hy sinh, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chồng, con. Năm nay bà không gói bánh chưng, cũng chẳng sửa soạn nhà cửa, vì bà tưởng ông không ăn Tết ở nhà, bà buồn nên đi thăm ông bà ngoại của xấp nhỏ cho khuây khoả. Ông đang sốt ruột mong bà về, để nói cho bà biết rằng ông đã tỉnh ngộ rồi, bà không có gì phải lo buồn nữa. Thay vì về Việt Nam với nhân tình, ông sẽ đưa vợ con đi du lịch một chuyến, sau khi ăn một cái Tết lớn ở nhà. Tối nay ông sẽ điện thoại cho vợ biết quyết định ấy và dục bà về sớm.

- Chắc má nó mừng lắm.

Vừa tỉ mẩn ngắt mấy cái lá mai, ông vừa mỉm cười một mình, mấy hôm nay thời tiết thay đổi rõ rệt, lại một mùa Xuân nữa sắp về.

Phương Lan
(Trích tập truyện Lấy chồng xa)

Ý kiến bạn đọc
02/03/201321:56:31
Khách
Mấy bà không ăn diện dễ bị mấy ông chạy về VN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến