Hôm nay,  

Im Vietnamese!

24/02/201300:00:00(Xem: 242108)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky. Cưới nhau: 1972. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach. Bài viết mới nhất là một hồi ức về mảnh đất tạm dung và quê hương yêu dấu.

Đầu thập niên 90 có một phim rất hay phỏng theo cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Amy Tan là phim Joy Luck Club. Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh đã đóng một vai chánh trong đó.

Truyện kể về bốn bà mẹ sống ở đại lục Trung Hoa và đã trốn chạy khỏi quê hương khi cộng sản nổi lên chiếm chánh quyền. Sau nhiều luân lạc bốn bà mẹ đã định cư ở Mỹ và tiếp theo đó là chuyện của bốn cô con gái. Nhiều tình tiết éo le, thương cảm, vui tươi, nát lòng. Nhiều tính cách mạnh mẽ, nhu nhược, dịu dàng, chống đối. Nhiều hành động làm tôi sụt sùi rơi lệ cũng như nhiều khoe khoang làm tôi ghét bỏ chê bai. Trong đó có Aunty Ling Ling là người tôi thấy vừa duyên dáng gần gụi mà cũng vừa ích kỷ vô duyên. Bà có một cô con gái 12 tuổi rất giỏi về chơi cờ và cháu nhỏ đã thắng hạng nhứt trong cuộc thi cờ toàn quốc. Hình ảnh cháu được đăng lên trang bìa của một tạp chí danh tiếng Mỹ. Khi bà đi trong phố tàu, một tay dắt con, một tay ôm tờ tạp chí trước ngực với hình con bà xoay ra ngoài, bà dừng lại chào hỏi người quen thân, người quen sơ và ngay cả người không quen để khoe khoang đứa con nhỏ. Hành động khoe mẽ lố bịch của người mẹ làm chính con bà xấu hổ và tôi có ác cảm với bà.

Và quả nhiên là ông bà ta nói không sai! Ghét của nào trời trao của đó. Tôi bây giờ lại thành ra Aunty Ling Ling! Nhưng tôi không có con chơi cờ, cũng không báo nào đăng hình tụi nó thành đạt ra tôi phải tự khoe tôi!.Hỡi ôi!

Năm vừa qua vợ chồng tôi cùng hai người bạn đi du lịch Yellowstone bằng tour xe bus. Khi tới một trạm nghỉ xả hơi, xe tôi may mắn tới trước và bọn đàn bà chen chúc chạy vào toilet. Tôi được đứng hàng thứ mười hai và từ từ nhích lên hàng thứ nhứt. Một chiếc xe bus khác của hãng du lịch Mỹ đổ bến sau xe tôi 10 phút và các bà thì cũng chen nhau chạy vào. Chúng tôi đông đến nổi phải chia thành hai tốp đứng đối diện nhau. Người đàn bà Mỹ trắng trước mặt tôi độ sáu muơi tuổi. Bà cứ nhúc nhích thay đổi chân nầy qua chân kia, tay thì xoa xoa bụng cố gắng dằn cơn thèm khát tuôn xả ra. Tôi thương bà quá đỗi nên hỏi:

“Bà có cần phải đi ngay không?”

Bà gật đầu nói:

“Tôi có vấn đề với cái bọng đái nên đôi khi rất khổ sở”…

Tôi vội nói :

“Vậy thì bà hãy đi đi, tôi đổi chỗ cho bà, tới phiên tôi rồi đó”.

Người đàn bà mừng quýnh vội vàng chạy vào toilet còn tôi đi qua thế vào chỗ của bà. Khi bà mở cửa ra, tôi vẫn còn đứng đợi. Bà dừng lại cám ơn tôi, trao đổi vài câu. Sau cùng tôi mỉm cười nhìn bà:

“Im Vietnamese”.

Mọi người nhìn tôi.

Nhà tôi ở tỉnh La Mirada, ngay góc đường, ngang trường tiểu học Foster Road và nhà thờ St. Paul Of the Cross . Một ngày kia một người đàn bà Mễ đến gõ cửa nhà và nói là cha xứ người Mỹ muốn xin tôi một ít bông. Tôi ngạc nhiên hỏi bà làm sao Cha biết tôi có bông gì mà xin. Bà nói là có một hôm Cha đi ngang qua nhà tôi, Cha nhìn qua vườn thấy mấy chậu quỳnh sen nở rộ, Cha mừng quá vì đó là loại bông Cha thích, khi Cha thấy hình trên sách mà không biết kiếm ở đâu. Tôi vội vàng lựa chậu bông thật đẹp tặng Cha. Bà e ấp nói là bà đã muốn tới hỏi lâu rồi nhưng thấy trong sân vườn tôi có ông Phật nên bà ngại. Tôi ôm vai bà thân mật:

“Ô bà đừng ngại. Cha cần bông gì bà cứ tới hỏi, tôi sẵn sàng chia xẻ. Bà biết không, chùa ở xa nên đôi khi tôi đau khổ quá muốn được cầu nguyện, tôi đã qua nhà thờ quì trước mặt Chúa để chia sớt với Ngài nỗi đau đớn trong tôi. Tôi không ngại đó là Buddha hay Jesus, đức Mẹ Đồng Trinh hay đức Phật Bà Quan Âm. Tôi chỉ biết đó hẳn là những người có một tấm lòng thương yêu bao la, không phán xét, không chê cười những hành động lỗi lầm của tôi nên tôi muốn được cảm thấy bình an mà bộc bạch nỗi lòng…”.

Từ đó Christina, tên người đàn bà Mễ trở thành bạn của tôi và mỗi khi tôi đi xa, bà là người tới tưới nước giữ cho cây cối của tôi được tươi mát. Và dĩ nhiên tôi nhìn bà cười nói:

“Im Vietnamese”.

“Bueno. Vietnamese numero uno !”, bà tán thán.

Tôi thích trồng bông. Ông xã và các con nói tôi có cái rừng chớ không phải cái vườn vì tôi tham lam quá độ, tận dụng đất đai, không cho chỗ nào trống. Less is more, em có hiểu cái đạo lý nầy không? Anh thường hay hỏi tôi mỗi khi thấy tôi rinh thêm mấy chậu bông về nhà. Tôi không trả lời chỉ lo tìm chỗ trống để nhét bông mới vào.

Tôi mua nhà năm 1979 trong một khu bình dân, xung quanh vào khoảng 80% người Mễ. Tới năm nay là 2013 rồi, tôi vẫn ở trong căn nhà đầu tiên. Gặp ngày Teachers day hay Mothers day, tôi cắt những cành bông nho nhỏ, đưa cho những em bé học trò để chúng tặng cô giáo hoặc đem về tặng mẹ. Tới mùa ổi tôi hái những trái ổi tròn to, bỏ vào bọc nhựa, máng dài theo hàng rào, các ông cha bà mẹ đưa con đi học, tự động mỗi người lấy một bọc. Họ truyền tai nhau nên hàng xóm và ngay cả người đi nhà thờ thường gõ cửa nhà tôi để xin một ít cây quỳnh, cây ớt, hoa vạn thọ, vài trái ổi v.v.. và trong khi trao đổi tìm hiểu nhau tôi không bao giờ quên câu kết luận:

“Im Vietnamese”.

Nhiều lần người ta hỏi tôi tên gì tôi thật muốn nói là Aunty Ling Ling! Tôi hành động khoe khoang giống y chang bà ta. Bà lúc nào cũng đưa cái bìa tạp chí có hình con. Tôi lúc nào cũng tìm cách nhét vào câu kết luận: Im Vietnamese!. Nhưng hàng xóm của tôi đã cho tôi một cái tên hơi dài là “Bà ViệtNam tốt bụng có ông Phật mập trong vườn”.

Một hôm tôi lái xe đưa người bạn đến nhà thương Kaiser để chị mổ mắt. Trong khi chờ đợi thang máy, một người đàn bà mà tôi không biết chắc là Mỹ Phi châu hay Mễ hay lai cả hai, chập choạng bước tới và nheo mắt nhìn. Bà hỏi tôi:

“Đây có phải là thang máy lên tầng lầu tư để mổ mắt không ?”

“Phải rồi”, tôi vội trả lời và hỏi thêm “Bà cần lên lầu tư à? Trông bà đi không vững lắm, bà có cần giúp đỡ gì không?”

“À, hôm nay tôi có hẹn mổ mắt nhưng chúng tôi đến hơi trể. Chồng tôi đang kiếm chỗ đậu xe và kêu tôi đi trước. Tôi không rành chỗ nầy lắm và mắt tôi thì không thấy rõ.”

“ May quá chúng tôi cũng lên lầu tư. Để tôi giúp bà nghen.”

Thế là tôi quàng tay tôi qua tay bà, dẫn bà vô thang máy, lên lầu tư, vào phòng chờ đợi, giới thiệu bà với cô thơ ký. Cô nầy thấy tôi và bịnh nhân cặp kè thân mật nên hỏi tôi có phải là thân nhân không và xin cho biết tên và số điện thoại để gọi sau khi ca mổ xong. Tôi nói là vì bà không biết đường và không thấy rõ nên tôi chỉ giúp bà một đoạn. Cả hai nhìn tôi, cùng cám ơn. Tôi thân ái nói có gì đâu, quí vị đã giúp tôi nhiều rồi, tôi chỉ bắt chước quí vị thôi mà. Và trước sự ngạc nhiên của cả hai, tôi mĩm cười nói:

“Im Vietnamese”.

Tôi đọc báo thấy quảng cáo gạo trồng tại Mỹ rất ngon và bổ nên rủ chị Hoa Thiện ở chùa Phổ Hiền đi mua. Khi ra tới chỗ đậu xe , đang nhờ một người nhân công khiên bao gạo bỏ vào thùng xe thì một người đàn bà ViệtNam tới hỏi:

“Tôi thấy người ta quảng cáo quá mà không biết gạo nầy có thật ngon không chị? Tôi muốn mua ăn thử ngặt vì chỉ sống có một mình nên mua bao lớn sợ để lâu nó mốc.”

Cái câu chỉ sống có một mình của người đồng hương lớn tuổi làm lòng tôi chùng xuống, tôi vội nói:

“Để tôi sớt cho chị một ít nghe. Về nhà ăn thử, thấy ngon thì lần sau rủ bạn mua chung.”

Chú nhân công ViệtNam lật đật chạy vào chợ lấy dao ra rạch bao gạo, chia làm ba phần, tôi tặng chị Hoa Thiện một phần, tôi giữ một phần và ân cần trao cho người sống một mình một phần. Chị tần ngần không dám nhận và đề nghị trả tôi một ít tiền . Lần nầy tôi không thể kết luận bằng câu Im Vietnamese nữa mà chỉ nói:

“Chút đỉnh mà, chị đừng ngại. Tụi mình Việtnam với nhau. Hôm nào có duyên gặp lại chị, thấy chị mua gì ngon tôi sẽ xin chị chút ít, vậy là huề nhen ”.

Tôi làm việc cho công ty Dennys bảy năm từ 1979 tới 1985 (xin bạn coi bài Chúng Tôi Mọc Rễ & Thương Yêu cũng được đăng trong mục nầy ngày 16/09/12…). Tôi bắt đầu ở hạng thấp nhứt, entry level. Dennys thời đó có vào khoảng 800 tiệm ăn trong toàn quốc và Canada. Mỗi người trong ban kế toán được chia cho 50 tiệm. Chúng tôi kiểm soát số thu, chi, hóa đơn sữa chữa, tiền thầy thợ v..v.. rồi tổng kết và báo cáo lời lỗ mỗi tuần. Tôi xui xẻo lãnh tiệm vùng Texas. Trong hai tháng đầu mỗi khi điện thoại reo, tôi xanh mặt. Tôi phần lớn không hiểu họ nói gì, nhứt là những người Mỹ Phi châu. Cái accent của họ vừa dính chùm lại vừa kéo dài, tôi không thể nào cứ excuse me hoài được. Một cô bạn người Phi ngồi gần tôi cứu bồ bằng cách trả lời thế cho tôi. Tôi dần dà vượt qua những khó khăn ban đầu và tiến bộ thấy rõ.

Hai năm sau tôi thăng chức lên làm Team Leader, trông coi mười hai nhân viên khác. Hai năm sau nữa tôi làm Floater, tạm gọi là người cái gì cũng biết! (aunty Ling Ling đây bạn ơi). Nhân viên bàn nào kêu vô đau ốm hoặc nghỉ phép hoặc bỏ việc v.v.., no problem, tôi sẽ thế vào chỗ đó, thượng vàng, hạ cám, cái gì tôi cũng làm được hết. Hãng làm sao có thể lay-off tôi được?

Đây là một kinh nghiệm quí báu mà tôi muốn chia xẻ với các bạn đi làm hãng. Khi tôi làm xong công việc của tôi và còn dư thời giờ, tôi không ngồi đó câu giờ, thư giãn. Tôi luôn tìm đến các bạn khác, học hỏi thêm công việc của họ. Và dần dần tôi nắm được tất cả mọi hoạt động, mọi người trong phân bộ. Vì chúng tôi phải báo cáo hằng tuần nên chúng tôi phải hoàn tất mọi kết toán từ thứ tư nầy đến thứ tư sau, không được đem qua tuần khác. Sự giúp đỡ của tôi làm họ mang ơn. Họ luôn đùa nói tôi là special Asian. Tôi luôn mĩm cười:

“Im not a special Asian. Im Vietnamese”.

Còn một điều nữa tôi nhận xét là người Việt mình đi làm thường hay tìm kiếm và tụ tập với nhau. Cùng ăn trưa, cùng nghỉ giải lao, cùng cặp kè bàn chuyện. Dĩ nhiên chúng ta thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Việt nhưng cái lợi khi chúng ta cùng mọi giống dân khác hoà đồng là chúng ta học nói tiếng Anh mau hơn, giỏi hơn. Sự hiểu biết của chúng ta về những phong tục, văn hoá khác dồi dào hơn (điều nầy giúp chúng ta dạy con rất nhiều), chúng ta hiểu những nỗi khó khăn, thắc mắc của họ để giúp họ vượt qua trở ngại đồng thời để họ biết được giá trị tâm linh cũng như khả năng giải quyết vấn đề của ta. Vì thế khi họp bầu người làm team leader hoặc floater v..v.. tên tôi luôn đứng hàng đầu. Đây không phải là khoe khoang nha bạn, chỉ là trao đổi kinh nghiệm mà thôi.

Trong cái thế giới tuy mênh mông nhưng gần gũi ngày nay, ta không nên chỉ đứng bên bờ một dòng sông nhỏ nhìn những trái bần đắng chát mà nói rằng thức ăn đã đầy đủ. Bạn hãy dạy cho con cháu và chính mình nhảy vào cái biển rộng bao la kia mà phấn đấu, mà vẫy vùng, mà phát huy tất cả khả năng ơn trên đã gởi trao cho bạn.

Và xin đừng bao giờ quên câu thành ngữ của Mỹ là khi bạn leo lên nấc thang danh vọng, hãy đưa tay cho đồng nghiệp nắm lấy mà leo lên theo. Đồng nghiệp là tất cả mọi sắc dân, bạn nha. Không chỉ riêng người ViệtNam.

Từ mười năm qua, mỗi năm tôi đều theo các bạn trong hội từ thiện Phổ Hiền đến thăm và cho quà các bệnh nhân tâm thần vào dịp lễ Giáng Sinh: Chapman Boarding Care ở Garden Grove, Royal Boarding & Care ở Anaheim, và hai trung tâm Anaheim Guest Home cũng ở Anaheim. Họ không phải là những người hoàn toàn điên cũng không phải hoàn toàn tỉnh. Những nỗi đau khổ, thất bại, trắc trở trên đường đời đã làm họ từ chối chính mình và xa lánh xã hội. Họ ngơ ngẩn không biết chắc mình là ai, không biết nhân loại dễ thương hay đáng ghét. Họ hy vọng trong tuyệt vọng một cuộc thay đổi nhưng mơ hồ biết rằng cuộc đời họ đã chấm dấu hết.

Chúng tôi đem đến cho họ một ít quần áo vớ mền cũ mới, vài mâm chả giò vàng rượm, mấy thùng coca mát lạnh, năm bẩy đô la dằn túi. Chúng tôi cùng họ hát lạc giọng một vài câu ca chúc Giáng Sinh và tặng họ rất nhiều nụ cười.

“Xin các bạn hãy đứng đối mặt với chúng tôi và chúng ta hãy cùng chấp tay lại. Chúng ta hãy cúi xuống chào nhau, cùng cám ơn các đấng dẫn dắt linh hồn tối cao của chúng ta, đã khiến chúng ta được gặp nhau hôm nay để chia xẻ chút tình người, để chúng ta cảm thấy trong tim rằng thế gian vẫn còn rất nhiều thương yêu và hy vọng.”

Khi chúng tôi lìa bỏ quê hương đến đây, chắc hẳn các bạn đã đi làm, đã đóng thuế, đã giúp chúng tôi trong những bước đầu lạc lõng. Giờ đây chúng tôi đứng vững thì các bạn lại sa chân. Hãy hy vọng, bạn ơi, hãy hy vọng… Và những kẻ đứng đối diện nhau cùng cúi xuống. Thông cảm và biết ơn.

Họ thường hay hỏi: “Who are you guys?”. Tôi nhìn lại đám da vàng đang tíu tít đưa quà cho họ bằng cả hai tay và một nụ cười. Tôi xoay qua họ trả lời với tất cả hãnh diện và trìu mến:

“We are Vietnameses”.

Những cụ bà bây giờ bảy bó trở lên thì chắc hẳn còn nhớ cái đêm mình lạy xuất giá theo chồng. Cha mẹ và các bậc trưởng thượng bắt ghế ngồi. Cô con gái quì trước mặt khóc nức nở, khấp như thiếu nữ vu quy nhật, nước mắt chắc hẳn tràn ngập đại dương. Bà mẹ thì mếu máo căn dặn:

“Con ơi, con về nhà người ta rán ăn ở cho có hiếu hạnh. Con nhớ nghe lời mẹ chồng đừng cãi cọ lôi thôi. Chồng con có lỗi lầm gì cũng rán bỏ qua cho yên nhà yên cửa. Bên chồng nói gì cũng nhịn nhục để trong ấm ngoài êm. Con phải hầu hạ, hiếu thảo với cha mẹ chồng giống như cha mẹ ruột vậy đừng để người ta chưởi cha mắng mẹ là đồ không biết dạy con, tội nghiệp cho ba má lắm…Con ơi…con ơi…con đừng con đừng…con nên con nên…”

Nước mắt của tất cả đàn bà trong đêm đó đủ để tưới tẩm một vườn rau dài trăm dặm. Và người con gái vâng lời mẹ dặn ra đi. Ra đi để tự tạo cho mình một cuộc sống mới, để gầy dựng cho mình một vận mệnh mới nhưng nhớ đừng làm nhục dòng họ mình nghe con…

Chúng ta là những cô gái vu qui mang theo trong tim lời mẹ ân cần trao gởi. Chúng ta lạy mẹ ViệtNam theo chồng về xứ lạ. Hình như mẹ không dặn chúng ta mang tiền muôn bạc triệu về để giúp đỡ gia đình. Hình như mẹ không dạy chúng ta lường trên gạt dưới để làm thành sự nghiệp vẻ vang. Mẹ chỉ muốn chúng ta sống trong thương yêu, tha thứ, tinh tấn, hoà đồng, biết ơn và đừng làm nhục giống dòng.

Lời dạy của Mẹ ViệtNam không phải là một cuốn sách, một bản kinh mà chúng ta phải hằng ngày đọc tụng rồi cất kỹ và quên đi. Nó thấm nhuần vào từng tế bào, từng mạch máu, từng hơi thở, từng hành động. Nó khiến chúng ta thương yêu đưa tay ra cho người nắm lấy, hãnh diện ngẩng đầu lên nhận danh dự, ban khen. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn học hỏi những điều mới lạ, sẵn sàng hòa nhập vào dòng nước cuồn cuộn bao la. Nó ngăn chúng ta đổi trái xoài từ thùng nầy qua thùng nọ trong chợ Costco, khai những lời gian dối để lãnh tiền trợ cấp, làm những điều sai trái để lợi nhuận chất cao. Nó khiến chúng ta kính trọng người da màu đen đủi, thông cảm nổi khổ đau của người khác xứ sở, khác giống dòng. Nó làm tim chúng ta mở rộng ra chấp nhận những khác biệt để cùng thăng tiến và hưởng thụ.

Tôi hay xuýt xoa mừng vui khi đọc tin tức về những người Việt Nam danh tiếng, tìm kiếm ra điều nầy điều nọ để cho cuộc sống nhân loại hạnh phúc hơn, ít đau khổ hơn. Nhưng tôi biết là tôi không bao giờ, ở kiếp nầy, sẽ làm được như họ. Vì thế tôi và bạn, những con người bình thường, chúng ta hãy từ trong những hành động nhỏ nhặt nhứt, từ trong những tư tưởng đơn sơ nhứt, từ trong những đối xử thuần túy nhứt, làm người mẹ Việtnam yêu quí của chúng ta hãnh diện vì chúng ta, vì tất cả người Việt chúng ta.

Một nhường nhịn tầm thường, một giúp đỡ nhỏ nhặt, một cử chỉ thân ái sẽ làm mọi người chúng ta gặp trên đường đời nở nụ cười. Và như một hiểu biết phổ thông trên thế giới, khi nói về nước Pháp người ta nghĩ tới Paris, tới tháp Effeil, tới lãng mạn tình tự. Khi nói về nước Mỹ người ta nghỉ tới New York, tới tượng nữ thần Tự Do, tới dân chủ văn minh. Khi nói về nước Nhật người ta nghĩ tới Tokyo, tới hoa anh đào, tới dịu dàng lễ độ.

Vậy chúng ta hãy làm thế nào mà khi người ta thấy một hành động nhường nhịn, dễ thương, một đối xử có chia xẻ, có tình người, một đám đông tụ tập có ngăn nắp, có tự trọng, một cộng đồng có trật tự, có đoàn kết thì người ta liền sẽ nghỉ tới và gật đầu xác nhận: “of course, he (she/they) is (are) Vietnamese(s)”.

Và chúng ta sẽ ngẩng cao đầu nhìn lên bầu trời trong xanh có Bà Tiên hiền hòa hoặc nhìn về biển rộng mênh mông có Ông Rồng ngạo nghễ, nước mắt dâng mi, một vài giọt nhỏ xuống mặt đất nâu thẳm trả lại cho ngày xuất giá và hãnh diện kết luận:

“Yes, IM VIETNAMESE”.
“Yes, WE ARE VIETNAMESES”
Love,

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
16/07/201705:53:48
Khách
...Nước mắt của tất cả đàn bà trong đêm đó đủ để tưới tẩm một vườn rau dài trăm dặm. Và người con gái vâng lời mẹ dặn ra đi. Ra đi để tự tạo cho mình một cuộc sống mới, để gầy dựng cho mình một vận mệnh mới nhưng nhớ đừng làm nhục dòng họ mình nghe con…

Nghe sao thiết tha...quá hay...
05/03/201300:41:03
Khách
I am Vietnamese and I wish I could have more chances to say yes, I AM VIETNAMESE
01/03/201304:14:53
Khách
Bài viết rất hay và đáng quý. Dễ thương nhất là so sánh người Việt Nam tha hương với những thiếu nữ theo chồng về xứ lạ. Cám ơn tác giả
01/03/201304:46:26
Khách
Bài viết rất hay để chúng ta thỉnh thoảng nhìn lại chính mình...để cùng hãnh diện là "I am Viẹtnamese". Bài viết rất thật, rất thực tế và lại bao gồm tất cả.......Cám ơn tác giả và mong sẽ tiếp tục viết thêm nửa.
28/02/201317:14:25
Khách
Tác giả viết bài nào củng hay, có tấm lòng tử tế và nhân hâu, nhưng cùng rất thực tế. Bài viết hay từ ý tưởng đến văn phong, có nhiều bài học thực tiển lồng trong lời văn dí dỏm. mong tác giả sẻ viết thêm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,153
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.