Hôm nay,  

Chiếc Nhẫn Hoa Tim

21/02/201300:00:00(Xem: 399590)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California khi 62 tuổi. Hiện đang volunteer tại một trường tiểu học ở Marysville, Bắc Cali, trong khi chờ đi dạy.” Bài viết mới của tác giả cho mùa Valentine là một truyện tình Việt-Mỹ bắt đầu từ thời chiến, với ghi chú:

“Thương tặng dì 8.”

Vừa từ bệnh viện về đến nhà, Lệ lấy ngay con cá bông lau ra cắt và rửa sạch rồi cho vào tủ lạnh. Trưa nay nàng sẽ nấu món canh chua cho Lớp, con bé mới nhắc hôm qua lâu rồi mẹ không nấu canh chua. Vào phòng thay đồ, nàng ngửi thấy tay còn mùi cá nên đi rửa lại. Đang khi kỳ cọ Lệ nhìn vào gương chợt bắt gặp đôi mắt thiếu ngủ của mình. Từ ngày xin đổi làm ca sớm để đi học lại, nàng ngủ không đủ giấc.

Thôi kệ. Để có được ngày hôm nay, nàng đã phải “tả xung hữu đột” ngay từ ngày đầu đến Mỹ, giờ ráng thêm tí nữa cũng chả sao. Bỗng trong tiếng nước chảy lào xào một tiếng “cạch” vang lên, chiếc nhẫn trên ngón áp út của Lệ vuột ra trôi tuột theo dòng nước. Chết rồi, tại sao mình không đóng cái sink lại chứ! Lệ vội điện thoại cho công ty ống nước và họ gửi ngay đến một nhân viên.

Anh ta hì hục một hồi thì tìm thấy chiếc nhẫn. May quá, nó còn kẹt lại chỗ đường cong bên dưới cái bồn. Lệ vội chộp lấy đeo ngay vào tay như sợ nó mất đi lần nữa.

Người thợ ống nước rời khỏi từ lâu mà Lệ vẫn ngồi thừ nhìn chiếc nhẫn. Cái khoen bạch kim còn sáng, lấp lánh những hột xoàn tấm li ti trên hai đóa hoa ti gôn mũm mĩm chạm trổ hoa văn ở hai bên, nhưng cái hột hình trái tim của chiếc nhẫn đã bị mờ với nhiều vết sần sùi. Nàng nhớ lại vẻ mặt người thợ. Chắc anh ta lấy làm lạ khi thấy nàng cuống lên vì chiếc nhẫn cũ kỹ này. Có thể nó không đáng một xu đối với anh ta. Đời người kỷ niệm vốn vô giá. Anh ta làm sao biết được nàng đã gìn giữ nó hơn hai chục năm nay.

Mân mê chiếc nhẫn, Lệ bất giác rùng mình. Đã hơn hai mươi năm rồi sao.Thế mà tất cả cứ như mới hôm qua. Quá khứ trong phút chốc bỗng ngùn ngụt ập về làm nàng run rẩy.

Khi miền trung chiến sự tràn lan, gia đình Lệ bỏ làng xuống sống ở khu định cư Đông Tác. Một ngày trong tháng Sáu,1969, Lệ và mẹ đi ăn giỗ nhà người bà con bên phía nam. Trên đường về gặp pháo kích từ trong núi bắn ra quận. Hai mẹ con lăn xuống ruộng nép mình, bịt chặt tai, hãi hùng nghe tiếng đạn “Ú…U” trên đầu. Đột nhiên một tiếng “ầm” rất gần, mảnh đạn văng trúng làm Lệ bị thương ở đùi. Đó cũng là lúc ca nông của quân đội Quốc Gia nã dồn dập vào núi để “đáp lễ.” Mẹ Lệ kêu khóc lạc giọng giữa tiếng gầm hú của ca nông. Nhưng phải một hồi lâu, sau khi ca nông dập tắt được ổ pháo kích, tình hình yên ắng trở lại, người trong xóm mới dám ra và giúp võng nàng chạy bộ đi bệnh viện. Đến gần quận Hiếu Xương, Lệ ngất xỉu vì máu ra nhiều quá. Tỉnh dậy nàng thấy mình đang ở trong bệnh viện dã chiến của quân đội Hoa Kỳ.

Bob, một người lính Mỹ, sau này Lệ cứ gọi bằng tiếng Việt là “Bớp,” và bạn anh tên Zibo người da đen, gặp bọn họ trên đường đã giúp đưa nàng vào đây điều trị. Qua người thông dịch, nàng quen Bob từ đấy.

Sau khi lành bệnh, Lệ được Bob giúp xin vào làm dọn dẹp trong câu lạc bộ của phi trường “Tuy Hoa Air Base.” Lệ có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về ngôn ngữ. Chỉ sau một thời gian làm việc ở đây, nàng đã nói tiếng Mỹ “như bẻ cây,” tiếng bồi, chứ không biết viết. Và Lệ được lên làm phục vụ. Việc cũng dễ, khách vào Lệ đưa bản thực đơn cho người ta đánh dấu mấy món họ cần chứ không phải nói nhiều. Tiếng bồi của Lệ nghe thật tức cười, “Hia, mi ghi du chen” (Here, me give you change) khi thối lại tiền, hoặc “Lì, quay mi bít” (Please, wait me little bit) khi kêu khách đợi; kỳ lạ thay, người ta hiểu hết!

Tuy là một cô gái quê, Lệ có làn da trắng mịn, mũi thẳng, mái tóc đen tuyền chấm thắt lưng, và nụ cười với hai lúm đồng tiền. Mỗi khi Lệ đi qua những người lính, là y như có tiếng huýt sáo sau lưng. Từ ngày Lệ làm phục vụ, các chàng lính qui tụ lại đông hơn, ngồi dai hơn. Bob bận công tác liên miên, nhưng khi về căn cứ anh hay vào “đóng đô” trong câu lạc bộ nhìn Lệ lăng xăng chạy đi chạy lại. Có lần Zibo chọc Lệ, “Cái thằngchicken đó nó thích cô mà đâu dám nói! Nếu là tôi, tôi đã…hốt xác cô từ lâu!” Lệ la lên và rủa anh ta bằng thứ tiếng lóng mà nàng học được.

Bob mới hai mươi tuổi, anh rất đẹp trai, và đôi mắt xanh của vị ân nhân này đã làm trái tim nàng rộn rã. Lệ thích cái vẻ thật thà lóng ngóng của anh. Nàng càng thấy Bob dễ thương khi anh bập bẹ vài câu tiếng Việt không bỏ dấu. Rồi Lệ bắt đầu cảm thấy buồn mỗi lần anh đi công tác. Một lần, Bob “biến mất” rất lâu, đi làm Lệ cứ nhìn vào cái bàn trong góc, chỗ anh thường ngồi.

Hàng ngày, người quản lý câu lạc bộ lái chiếc GMC ra ngoài rước Lệ và các nhân viên khác vô làm rồi chở họ về trả sau khi tan sở. Chiều hôm đó khi xong việc, Lệ liếc nhìn cái bàn trơ trọi trong góc căn tin, rồi uể oải bước theo mấy người làm chung để ra bãi chờ xe đưa về. Bỗng Bob thình lình xuất hiện chụp lấy tay nàng, kéo chạy khuất ra phía sau.

Tựa người vào vách, anh nắm lấy hai vai Lệ, tay run lên bần bật. Anh nhìn chằm chằm vào mặt nàng, đôi mắt xanh biếc dường như có lửa! Lệ hốt hoảng trước thái độ kỳ dị đó, nàng thấy Bob mặt mũi bơ phờ, bộ đồ trận lấm đầy bùn đất, và cả máu. Anh run giọng, “Lệ! Tôi muốn em biết rằng tôi rất yêu em!” Một cách tỏ tình kỳ lạ! Lệ linh cảm có chuyện gì đó đã xảy ra cho Bob. Nhưng ngôn ngữ của nàng không đủ để chia xẻ hoặc hỏi han. “Có chuyện gì vậy?” Nàng chỉ nói được như thế rồi tựa vào người anh, đưa tay lên sờ vào khuôn mặt đầy bụi đất ấy. Cử chỉ này làm cho Bob xúc động, anh bỗng ôm chặt lấy nàng và bật khóc. “Thằng Zibo…đã bị giết rồi! Nó chết ngay trước mắt tôi. Chắc giờ này nó đang về Mỹ trong cái túi nilon, thiếu… một cánh tay.” Giọng anh đứt quãng trong tiếng nấc. “Trời!” Lệ thảng thốt kêu lên rồi chẳng biết nói gì thêm, nàng chỉ khóc.

Vừa mới đây tại câu lạc bộ, Zibo khoe hai tuần nữa anh sẽ xong nhiệm vụ, “Con bồ tao nói, nếu tao giữ được cái đít còn nguyên vẹn mang về Mỹ, nó sẽ thưởng tao đậmlắm! Chỉ hai tuần nữa thôi, là tao sẽ gặp lại nó! Yay!” Lệ còn nhớ rõ mồn một nụ cười khoe hai hàm răng trắng nuốt và cái vung tay của Zibo khi anh nói câu này! Họ đứng đó ôm nhau một lúc, rồi Bob thì thầm, “Nếu tôi không nói yêu em ngay bây giờ, tôi sợ rủi sau này không còn dịp.” Lệ lật đật bụm miệng anh lại. Vài phút sau có tiếng người kêu xe sắp chạy, Lệ vội từ giã Bob để ra xe. Suốt đêm đó nàng thức trắng.

Khi Bob ngỏ ý muốn kết hôn, mẹ nàng và cả đại gia đình kịch liệt phản đối. Hai bên nội ngoại của Lệ ngày xưa thuộc dòng nho học, chú bác cậu dì đang làm việc không trong ngành giáo dục thì cũng bên chính quyền. “Gả con cho người ngoại quốc sẽ làm nhục gia phong,” ông cậu phán. Mẹ nàng thì đòi chết sống, “Người ta sẽ cười vào mặt mẹ mày là để con đi làm me Mỹ!”

Đến tháng năm, 1970, Bob được lệnh về Mỹ. Căn cứ “Tuy Hoa Air Base” sẽ đóng cửa vào cuối năm này. Vì gia đình chống đối, Lệ và Bob bí mật làm lễ cưới tại căn cứ phi trường. Hôm đó Lệ mặc chiếc áo dài màu xanh nước biển, Bob mặc quân phục, và trước sự chứng kiến của vị Mục Sư tuyên úy người Mỹ, vài người bạn, và cấp chỉ huy, Bob trang trọng đeo vào tay Lệ chiếc nhẫn này. Sau khi chúc phúc cho hai đứa, vị chỉ huy giục Bob làm thủ tục gấp để đưa nàng đi vì anh sẽ bay trong tuần. Lệ cứ mãi áy náy, cảm thấy có tội với gia đình nên nhờ Hà, đứa em bà con, hãy nói dùm lời xin lỗi sau khi Lệ bay. Nhưng đây là chuyện “động trời”đối với cô gái. Ả thóc mách ngay với ông cậu, một người có địa vị ở thành phố Tuy Hòa. Ông đến nhà Lệ cho hay bà ngoại trên Củng Sơn bệnh nặng, “Chiều nay có chiếc trực thăng lên đó hôm sau sẽ bay về lại Tuy Hòa, có đứa nào muốn đi thăm bà không” Đi nhờ trực thăng là cách di chuyển tốt nhất của các cấp bên chính quyền thời điểm ấy. Lệ cũng muốn nhân cơ hội này từ giã bà lần cuối, nàng đi Củng Sơn mà không kịp cho Bob hay.

Rốt cuộc, bà ngoại chẳng hề bệnh hoạn mà ông cậu lại không kiếm trực thăng cho chuyến về. Đường bộ đã bị Việt Cộng cắt. Bob phát điên khi Lệ đột nhiên biến mất. Mấy người bạn giúp anh lén trốn trại chạy ra nhà Lệ, mẹ nàng thấy bộ dạng hoảng hốt của anh lại đâm ra thương, giục ông cậu cho nàng về, “dù gì nó cũng đã cứu con Lệ và giúp xin việc làm tử tế.” Nhưng ông ấy cứ làm ngơ. Rồi Bob không đến nữa, anh đã về nước một mình. “Bob uống rượu say mèm, khóc dữ dội trước khi lên máy bay,” một người bạn nói với Lệ.

Khi biết Lệ có thai, mẹ nàng vô cùng giận dữ. Cha mất sớm bà đã ở vậy nuôi con mà giờ nàng lại làm cho bà bỉ mặt. Nhưng “hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con.” Sau khi hết lời chì chiết, bà bắt dọn vào Cam Ranh để “tránh miệng đời.” Lệ xin được việc trong câu lạc bộ của phi trường “Cam Ranh Air Base.” Sinh ra bé gái nàng đặt tên con là Lớp. Người ta chê, “Con gái mà đặt tên Lớp, kỳ cục!” Kệ họ. Đây là bí mật của nàng. Chẳng những “Lớp” mang ý nghĩa là yêu, “Love,” Bob luôn gọi nàng “My love,” mà nó còn cùng vần với tên cha của bé, “Lớp-Bớp”.

Năm 1972 Mỹ rút quân, Cam Ranh Air Base được giao lại cho Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ông cậu bèn giới thiệu Lệ vào phụ việc cho một nhà bảo sanh tư của bạn ông ở Cam Ranh. Có lẽ ông hối hận đã “nhốt” Lệ trên Củng Sơn ngày ấy, để bây giờ Lệ một mình nuôi con. Thấy Lệ siêng năng người ta dạy nàng nghề y tá. Nàng làm việc ở đó cho đến tháng Tư 1975.

Đang miên man hồi tưởng, Lệ bỗng giật mình vì tiếng chuông đổ từ chiếc đồng hồ “Grandfather clock” trên tường. Mười hai giờ trưa rồi. Có lẽ Lớp sắp về, nàng vội vào bếp nấu món canh chua. Nhìn cái tủ lạnh đầy ắp thức ăn Lệ lại rơi nước mắt. Đã có nhiều ngày tháng nàng nuôi con bằng cám nấu rau dền rau trai, thức ăn của lợn. Bé Lớp đã lớn lên như thế, trong sự đói khổ, rẻ khinh, và trêu chọc. Con bé không hề biết đến cái thú có một đứa bạn để chơi cùng. Ngoài mẹ, bé chỉ có bà ngoại.

Ngày xưa bà phản đối hôn nhân của Lệ, bây giờ trái tim bà nhũn đi, đau như ai xé khi nhìn đứa cháu dễ thương bị tật nguyền. Bà thường làm đồ chơi cuốn kèn bằng lá chuối cho bé thổi tí te và nặn những con vật bằng đất sét rồi nhét hai hột cườm thảo làm hai con mắt. Vậy mà bé thích lắm. Bà cũng cố gắng giúp bé đến trường, nhất quyết không để cháu bà dốt chữ. Hàng ngày Lệ phải đi mót lúa, làm thuê, hay vào rừng cắt tranh bán kiếm tiền mua gạo. Bà ở nhà dắt cháu đi học, tan trường bà đến đón về. Bà luôn mang theo một nhánh chà gai để rượt đuổi đám trẻ tai quái kéo theo sau Lớp, bắt chước bước thấp bước cao, đồng ca “Mỹ lai dẹo,” Mỹ lai mười hai con mắt.”

Cái chân tật nguyền của bé là “sản phẩm” sau 75.

Sau 75 trở về làng cũ, Lệ và những bà mẹ có con lai được người ta đề cập đến như là những kẻ bỏ đi trong xã hội. “Me Mỹ, phản quốc, theo chân đế quốc Mỹ…” Người ta xầm xì, “mấy ổng” rất ghét những ai liên quan đến “Đế quốc Mỹ,” “Bắt thằng lính ngụy thì tha, thằng làm cho Mỹ lột da chặt đầu!” Lệ đâm hoảng. Trong bóp Lệ lúc nào cũng có tấm hình chụp với Bob ngày kết hôn. Lệ bỏ nó vào bao nilon rồi đem chôn ở đầu hè.

Từ thành thị về, Lệ là một cô gái đẹp, lại là “gái một con,” nên nàng đã bị lọt vào tầm ngắm của một tay “cường hào đỏ” trong xóm. Hôm đó mẹ Lệ vắng nhà. Buổi chiều sau khi ra đồng bắt cua về, nàng lo cơm nước cho con rồi cho bé ngủ. Dọn dẹp xong trời đã tối, Lệ để nguyên bộ đồ lấm bùn ra giếng tắm. Xung quanh giếng bao bọc bỡi mấy bụi chuối và đám môn bạc hà, dù có cởi trần ra tắm cũng không sợ ai đi ngoài đường nhìn thấy.

Xách một gàu nước dội lên đầu, Lệ vuốt mặt rồi thả gàu xuống lần nữa. Đang lom khom vục nước vào chiếc gàu dây, bất thình lình cái quần lưng thun của Lệ bị ai ở đàng sau tuột xuống, rồi đôi tay rắn chắc của tên dâm tặc chụp lấy eo nàng, ghì sát vào tấm thân trần truồng của hắn. Hốt hoảng Lệ thả luôn chiếc gàu xuống giếng, quay lại cào cấu đẩy xô. Làng này nhà cửa thưa thớt trời lại tối om. Lệ la hét kêu cứu nhưng chẳng ai nghe. Hắn vật nàng xuống nền giếng cạnh cái thùng nước và giữ chặc hai tay, nhưng Lệ chống cự quyết liệt làm hắn thở hồng hộc. Trong khi hắn hùng hổ cố sức để dạng chân nàng ra, Lệ giật thoát được một tay bấu vào thùng nước. Nàng bỗng chạm phải cái gáo dừa và lập tức chụp lấy nện vào đầu hắn. “Bốp!” Cú đập trúng ngay màng tang, cái gáo bị nứt, cắt hắn một đường nơi đuôi mắt trái. Hắn ôm lấy mặt thét lên, máu phụt ra trên mặt Lệ. Nàng xô hắn bật ngửa rồi chạy vào nhà chốt cửa và chụp lấy cái rựa đứng chờ. Nếu hắn cạy cửa nàng sẽ chém ngay. Nhưng có lẽ vì đau quá, hắn chỉ rít lên “Con me Mỹ! Bày đặt làm cao, hãy chờ coi ông trị mày!” rồi lỉnh mất.

Hắn đã nói thật. Tháng sau, người ta đến xét nhà vì có mật báo Lệ “tham gia phản động.” Họ kiếm ra một số “chứng cứ” và nàng bị bắt vô tù. Tai họa không dừng lại ở đó. Lệ vào tù được vài tuần thì nhà nàng bị đốt. Mẹ nàng chỉ có đủ thời gian bồng bé Lớp chạy ra ngoài. Tất cả mọi thứ đều cháy sạch. Một người bà con, ông hai Thị, huy động dòng họ xúm lại chặt cây, cắt tranh, che mái nhà cho hai bà cháu. Rồi bé Lớp lên cơn sốt rất nặng. Không tiền mua thuốc, mẹ nàng sắc nước cây Xuyên Tam Liên, lúc ấy được truyền tụng là phương thuốc “thần dược trị bá bệnh,” cho bé uống. Kết quả, bé bị bại liệt một chân.

Sự trả thù của “con dê” còn dẫn đến việc Lệ sém bị cọp vồ. Ở tù về, con nàng bị bại liệt, nhà không có gạo, mà mái tranh che tạm cũng bắt đầu xiêu vẹo. Lệ đi theo ông hai Thị và mấy người làng lên khu rừng núi Lá chặt cây về để sửa nhà. Người ta nói “Cọp núi Lá, Cá sông Hinh,” nhưng những lần đi rừng trước Lệ chưa bao giờ gặp cọp. Vậy là “điếc không sợ súng,” khi nhìn thấy chòm cây thẳng đẹp, Lệ vác rựa một mình rẽ qua.

Đang loay hoay vẹt đám dây leo bỗng một mùi hôi thúi kỳ dị đập vào mũi Lệ, và cái bụi rậm đàng trước lung lay xao động, dù trời không chút gió. Rồi Lệ thấy tấm lưng màu nâu đỏ của “ông ba mươi” ẩn hiện bên dưới đám lá xanh. Quá kinh khiếp, nàng la lên: “Bác hai ơi! Có cọp!” Ông hai Thị là người có nhiều kinh nghiệm đi rừng. Nghe nói cha ông trước kia rất giỏi võ hổ, cụ đã từng đánh nhau với cọp núi Lá nhiều trận kinh thiên để cứu giúp dân làng. Ông hai cũng nghe mùi thúi và biết có cọp xuất hiện quanh đây nhưng ông chưa kịp gom mọi người lại thì nghe tiếng la của Lệ. Ông hét to, “Đứng yên, đừng chạy! Nắm chặc cái rựa đưa lên cao! Khi nào tao hét lên thì bước lui chầm chậm lại đây!” Rồi ông bắt đầu thét lớn, “Chém đầu nó! Hãy chém đầu nó!” Tiếng thét của ông vang vọng cả núi rừng. Vừa hét ông vừa gõ cái rựa trên đá kêu boong boong, lập đi lập lại nhiều lần, và hai người đi chung ở gần cũng xúm gõ rựa la hét. Lệ hai tay cầm chặt cái rựa đưa lên cao, sợ điếng người nhưng vẫn run lẩy bẩy bước lui từng bước. Cuối cùng, cọp ta phóng một cái xào biến vào rừng. Đôi khi giây phút sinh tử cũng giúp người ta giữ được bình tĩnh, nếu hôm ấy Lệ bỏ chạy là kể như “tiêu” luôn! Ông hai Thị nói cọp thở ra mùi thúi là cọp dữ thích ăn thịt người. Ông thấy tấm thân của nó đã phình to, lớn hơn con bò nghé, mà theo kinh nghiệm, đó là lúc nó chuẩn bị vồ mồi. Nhưng cọp rất “ngán” những người biết võ hổ. Lệ đưa cao rựa như thủ thế tấn công, cộng với tiếng la hét đập gõ đã đuổi được nó.

Diện con lai đã giải thoát cho mẹ con Lệ. Nàng phải mượn từng thùng lúa, ký gạo, mớ khoai để bán lấy tiền lo thủ tục. Lệ nhớ mãi việc này, tự hứa sẽ quyết không phụ lòng những bà con đã tin tưởng và giúp đỡ. Trong thời gian chờ đợi giấy tờ, nàng cố ôn lại những câu tiếng Anh ngày xưa và dạy cho con gái. Khi vào gặp phái đoàn, Lệ nhiều lần buột miệng trả lời trước khi người thông dịch viên kịp dịch ra Việt ngữ và đã đậu phỏng vấn một cách dễ dàng.

Trong sáu tháng ở trung tâm chuyển tiếp Bataan Philippines, mặc kệ thiên hạ kháo nhau, cứ “Yes yes, no no, sáu tháng cũng go, tội gì phải học!” mẹ con nàng chăm chỉ gạo tiếng Anh và học về cách sống ở Mỹ. Ngày xưa vì chiến tranh Lệ chỉ học đến lớp nhất, nhưng nhờ tính chịu khó lại sẵn có số vốn tiếng Anh mấy năm làm sở Mỹ, nàng nói và nghe khá dễ dàng. Về nhà mỗi tối Lệ đều kèm thêm cho Lớp nên con bé cũng tiến bộ rất nhanh.

Ở Bataan Lệ theoTin Lành nên được một Hội Thánh bảo trợ về San Francisco. Nhớ lại những tháng ngày tủi nhục và nhận biết đây là cơ hội tiến thân, Lệ xin vào học ở trường “Adult.” Việc chữa bệnh cho Lớp cũng được tiến hành. Ở quê nhà, Lớp luôn bị bạn bè trêu chọc vì chân đi “cà dẹo” mà chẳng ai bênh vực. Sống trên đất Mỹ, cô bé được tôn trọng, được ưu tiên ở mọi nơi, và được hưởng tất cả các thứ như những trẻ lành lặn khác.

Lệ cũng tính đến việc tìm Bob nhưng lại chần chừ. Mười mấy năm rồi, anh chắc giờ đã vợ con êm ấm. Tuy lòng còn yêu Bob, nàng vẫn phải từ từ, chờ khi tự đứng vững trên đôi chân của mình rồi hãy tính. Không chừng tìm gặp phải đối diện cảnh đau lòng. Báo chí và truyền hình Mỹ vẫn thường nói, chỉ đâu khoảng vài phần trăm trẻ Mỹ lai tìm được cha mà đã gặp lại với rất nhiều nghịch cảnh. Nhưng một lúc nào đó nàng cũng phải tìm Bob để cho Lớp gặp cha, người cha không hề biết mình đã để lại một giọt máu trên cái đất nước anh từng giúp chiến đấu.

Mỗi ngày trên đường đi học về, Lệ cố gắng lượm lon, góp nhặt đem bán rồi cất kỹ số tiền đó. Khi đã hết mấy tháng trợ cấp của chính phủ, Lệ vừa học vừa làm. Ở trường Adult ra, Lệ đi bộ lên rửa chén cho một nhà hàng người Hoa trên Downtown. Nàng làm quần quật chẳng hở tay lại còn bị người ta hối thúc, la hét suốt ngày. Nhiều khi vội quá, Lệ quẳng luôn đôi găng, xài tay không cho lẹ. Tay Lệ bị xà phòng ăn lở lói đau rát, mà vẫn phải bưng từng thùng chén nặng trịch, đau thấu tâm can. Nhiều buổi tối làm xong mệt lả, rũ rượi tay chân cũng phải ráng lê bước qua những con dốc để về nhà, Lệ vừa thở vừa nghĩ đến mẹ. Ngày xưa mẹ nàng kể bà rất vất vả khi về làm dâu nhà nội.

Bà nội khó vô cùng, cưới về ở chung, hàng ngày mẹ phải gánh gồng, làm lụng cực nhọc mà không một lời than thở. Mấy bà bác thiếm khác không nghe lời nội nên bà rất phiền lòng. Khi nội già, nàng dâu nội cưng quí nhất nhà là mẹ. Rồi Lệ mỉm cười vì một sự liên tưởng khôi hài hiện ra trong trí, nàng là một cô dâu và nước Mỹ cũng giống như bà mẹ chồng khó tính. Nàng nhất định phải vươn lên để không phụ lòng “bà mẹ chồng” này!

Lãnh tháng lương đầu tiên, Lệ mua cho con gái chiếc áo đầm, phần nàng đã có quần áo cũ nhà thờ cho đem về sửa lại. Lớp thì có tiền trợ cấp tàn tật, Lệ chỉ để dành một ít, còn bao nhiêu nàng gộp chung với số tiền bán lon, đem gửi hết về Việt Nam. Lệ đã ghi một cái danh sách thật dài, người ta phải bắt điền đi điền lại mấy lần “vì fax sẽ không qua đầy đủ.” Lệ gửi cho mẹ chút ít, rồi liệt kê trả nợ hết cho bà con. Những người từng giúp nàng, ai cũng được nhận một số tiền trị giá gấp nhiều lần số tiền hoặc lúa gạo họ đã cho mượn.

Khi biết nhà thằng Đực ghi số đề mới bắt điện thoại, Lệ thường hẹn mẹ rồi gọi nhờ để nói chuyện với bà. “Miếng khi đói bằng gói khi no,” Lệ rất biết ơn những ân nhân nên những cuộc gọi thường xen vào, mẹ, nhà chị ba Tỏn giờ ra sao? À , thằng chồng nó vừa nhập viện con ạ, hoàn cảnh khổ lắm. Tội nghiệp chưa, hồi đó anh ấy đã phun thuốc dùm cho mảnh ruộng của mình mà chẳng chịu lấy tiền, để mai con gửi cho chị ấy một trăm. Mẹ, chị tám Niếu nay làm gì? Ôi, gần đây nó buồn rầu vì chuyện cái mộ thằng chồng nó. Mộ chôn trong khu đất ông bà nhà nó, sau họ cấp cho chúng cất nhà, cái quân vô hậu sống ké trên đất người ta nó đào xén lấn riết bây giờ cái mộ chỉ còn là một nắm đất, dần dần chắc biến mất luôn. Trời ơi! Anh Cào lính Biệt Động tử trận được phủ cờ vàng ba sọc đỏ chở về năm con học lớp nhứt, con còn nhớ rất rõ, chị Niếu mang cái bụng bầu nhào xuống huyệt khóc lóc thảm thương. Để con gửi ít tiền về cho chị ấy xây mộ anh Cào thì họ sẽ không đào được.

Cứ thế và cứ thế, khi thì nghe tin về quan hôn tang tế, lúc lại nghe bão lụt hoành hành, Lệ đều giúp bà con. Học ra là chạy đi làm, hai bàn tay của Lệ bên này càng tái tê, thì những khuôn mặt của bà con và người làng quen biết bên quê nhà càng hồng tươi thêm chút ít. Túp lều tranh của mẹ Lệ cũng được thay bằng gian nhà ngói đỏ, và bác hai Thị cũng có được căn nhà vách đất lợp ngói âm dương sau khi mái tranh bị bão cuốn. Mẹ Lệ bây giờ “gần gũi” với mọi người, mỗi lần giỗ chạp hay quyên góp người ta liên lạc bà trước tiên.

Thấy Lệ đi bộ vất vả, một người trong nhà thờ đã tặng nàng chiếc Datsun cũ màu nâu sau khi ông mua xe khác. Lệ học lái xe và thi đậu bằng lái ngay lần thi đầu. Chiếc Datsun thuộc đời “cổ lỗ sĩ,” không có tí hệ thống tự động nào. Xe nổ ầm ào như tiếng máy gạo, cửa kính lên xuống phải hì hục quay bằng tay, vô lăng thì cứng ngắc, mỗi lần bẻ cua để quẹo, Lệ phải uốn éo vẹo mình, đu theo nó đến trẹo cả cổ. Vậy mà mẹ con Lệ mừng quính, thay phiên nhau đứng cạnh chiếc xe, cười toe loe để chụp hình gửi về cho bà ngoại.

Khi lấy được bằng GED, tương đương High School, Lệ xin vào City College of San Francisco. Nàng nghỉ đi rửa chén, và qua một trung tâm giới thiệu việc làm, Lệ xin được cái job “Chăm sóc tại gia,” làm hai ngày cuối tuần. Bà chủ tên Edythe người Mỹ trắng, tuổi gần tám mươi, sống một mình. Bàn chân phải của bà đã bị cắt vì bệnh tiểu đường. Một phụ nữ người Hatii tên Leah làm cho bà, nhưng cô ta không chịu làm cuối tuần nên bà phải thuê thêm Lệ. Người con trai độc nhất của bà, ông Ed là một luật sư sống ở Tracy mỗi cuối tuần đều về thăm mẹ. Lệ giúp bà Edythe dọn dẹp và nấu những bữa tiệc nho nhỏ cuối tuần. Thức ăn Mỹ bà chỉ Lệ nấu, lâu lâu Lệ nấu vài món Việt Nam như chả giò, cơm chiên mà bà và ông Ed rất thích. Mỗi lần bà đi nhà thờ hay làm đẹp, Lệ chở bà trên chiếc xe “cà tàng” của nàng; bà nói không “care” đi trên chiếc xe cũ xì ấy, và “càng chạy chậm càng chắc.” Bà Edythe rất thích Lệ. Bà có bằng Thạc sĩ, từng là Giám đốc nhà băng Wells Fargo. Trí nhớ của bà còn rất tốt, bà đã giúp Lệ chỉnh sửa những bài tiểu luận, chỉ cách dùng từ, chấm câu, nên môn Anh Văn Lệ lúc nào cũng đạt được điểm tối đa.

Đã từng quen thuộc với ngành y, Lệ ghi danh học “Licensed Vocational Nursing” (LVN). Theo lời khuyên của các giáo sư, việc làm thiện nguyện ở những trung tâm y tế sẽ là cơ hội tốt để học viên thâu thập kinh nghiệm và dễ dàng tìm việc sau này. Ngoài việc học, đi thực tập, làm cuối tuần cho bà Edythe, Lệ còn làm thiện nguyện mỗi tuần ba buổi ở một viện điều dưỡng (Nursing Home) trong thành phố. Công việc của Lệ là phụ giúp nhân viên ở đây phục vụ cơm chiều cho những người tự đi đứng được, sau đó đến nói chuyện, đọc sách, hay giúp sắp xếp lại vật dụng cá nhân cho những người già, người ngồi xe lăn.

Ngoài ra, Lệ còn đến giúp tại trung tâm “Hospice” mỗi tuần một lần. Hospice là trung tâm đặc biệt dành cho những người bị bệnh nan y đang nằm chờ chết. Ở đó họ được chăm sóc tận tình, được giúp làm dịu bớt sự đau đớn của thể xác và an ủi cho tâm hồn họ thanh thảng vào những ngày tháng cuối đời để họ ra đi. Nếu bệnh nhân muốn sống những ngày cuối tại nhà, nhân viên Hospice sẽ đến thăm viếng, giúp đỡ. Lệ cũng đã nhiều lần đi với y tá đến nhà giúp an ủi những người sắp ra đi và gia đình họ. Nhưng không phải ai cũng “có gan” vào Hospice làm thiện nguyện để hàng ngày chứng kiến cảnh bệnh nhân lìa bỏ cõi đời. Khi biết Lệ làm thiện nguyện ở đây, bà giáo sư đã vinh danh nàng trước lớp,“You have a big heart!” Cô có trái tim nhân hậu. Đây là một việc làm thật đẹp! Tôi tin sau này nó sẽ giúp cô thành công trong nghề nghiệp của mình.”

Bà giáo sư đã nói đúng. Mùa Hè năm 1995, sau sáu năm ở Mỹ, Lệ tốt nghiệp bằng đại học cộng đồng AA với chứng chỉ y tá “Vocational Nursing” rồi lấy “State licence.” Và Lệ được nhận vào làm ở trung tâm điều dưỡng, nơi nàng làm thiện nguyện khi còn đi học. Ngày Lệ đến từ giã bà Edythe để đi nhận việc làm mới, bà và ông Ed tỏ vẻ rất buồn và quyến luyến. Sau đó thỉnh thoảng bà gọi cho Lệ, càm ràm về Leah và than là rất nhớ nàng. Lệ cũng muốn đi thăm bà nhưng vì bận rộn nên không có dịp.

Lớp cũng đã được chữa trị. Qua mấy lần phẩu thuật, chân cô bé gần trở lại bình thường với sự trợ giúp một phân cao hơn của chiếc giày bên trái. Lớp đã hoàn thành chương trình High School. Khi Lớp được nhận vào Sac State University, Lệ cũng mừng quính vì xin được việc ở bệnh viện UC Davis. Hai mẹ con dọn lên Sacramento. Lệ mua ngôi nhà này sau gần một năm làm việc, rồi làm part-time để học tiếp lấy bằng y tá “Register Nurse.”

Bữa trưa vừa được dọn lên bàn thì có tiếng xe ngừng, rồi Lớp nhảy chân sáo vào nhà: - Mẹ! Thay đồ đi shoping với con. Hôm nay Macys bán nữ trang hột xoàn hạ giá cho ngày Valentine. Đi nhanh lên, kẻo mấy món hàng tốt người ta mua hết mất.

- Trời đất! Lệ cười ngất: Ngày lễ tình yêu dành cho giới trẻ bọn con, mẹ già rồi mua sắm làm gì chứ! Thôi, ăn cơm đi đã rồi muốn đi đâu thì đi.

Lớp ngồi sà xuống bàn ăn, múc mấy muổng canh chua húp lấy húp để rồi hít hà:

- Trời ơi! Mẹ nấu canh chua ngon quá! Mà nè, chẳng phải mẹ đã từng mong có dịp sẽ mua lại chiếc nhẫn cưới mà ba con tặng để thay thế chiếc nhẫn cũ kia sao? Đi đi mà!

Nhìn con hăm hở Lệ cũng thấy vui lây: - Ừ đi thì đi. Lâu nay Lệ mãi cảm thấy có lỗi với Bob vì đã gỡ bán cái hột xoàn từ chiếc nhẫn, nàng định có dịp sẽ nhờ người ta làm lại nó.

Khu shopping mall thật nhộn nhịp trong ngày lễ Valentine. Bãi đậu xe chật kín. Lệ thả con gái xuống trước Macys rồi chạy vòng vòng và tìm được một chỗ, nó bé tẻo teo vì hai chiếc xe lớn đậu lấn hai bên. Nàng bẻ tay lái quẹo vào. Nhưng cái xe lại chổng mông về bên trái. Lệ từ từ lui lại, bỗng nghe một tiếng “cốp.” Nàng lật đật dừng xe bước xuống. Một ông già Mỹ đầu tóc lùm xùm râu ria phủ miệng với cái bàn chân bó bột, một tay chống nạng, đang đứng đàng sau; một chiếc nạng nữa nằm dưới đất gần bánh xe của Lệ. Có lẽ nàng đã đụng vào chiếc nạng. Hú hồn!

Lệ vội cúi nhặt lấy nó đưa vào tay ông ta:

- Ông có sao không? Tôi xin lỗi vì hai chiếc xe này che khuất, tôi đã không thấy ông.

Ông già chưa kịp trả lời thì một người đàn ông nữa bước ra từ chiếc xe phía đối diện:

- Mày có sao không Robert? Rồi ông quay sang Lệ, cao giọng: - Cô chạy xe kiểu gì thế?

- Tôi…tôi… Lệ chưa dứt câu bỗng ông ta nhìn nàng, rồi cả hai chợt nhận ra nhau.

- “Oh My God!” Trời ơi! Cô Lệ! Người đó dang hai tay ra bước tới. - Cô sao rồi?

- Ồ! Ông Ed! Không ngờ lại gặp ông ở đây! Hai người ôm nhau mừng rỡ.

Ông Ed cho Lệ biết ông và mẹ đã dọn về Sacramento mấy tháng rồi, vì cái chân bà đau nhức, không chịu được khí hậu lạnh của San Francisco. Mẹ ông thường nhắc tới Lệ, bà nói những tháng ngày Lệ làm cho bà là thời gian bà vui vẻ nhất, mấy người giúp việc khác bà không vừa ý một ai. Rồi ông hỏi số điện thoại của Lệ. “Chắc chắn mẹ tôi sẽ mừng lắm, tôi cá bà sẽ gọi cô ngay để chat với cô.” Lúc sau, ông Ed mới chợt nhớ ra, bèn quay sang ông già chống nạng. Ông ta đang đứng nhìn Lệ chằm chằm.

- Hey, Robert! Đây là cô Lệ, người “care giver” cũ của mẹ tao. Rồi ông nói với Lệ: - Đây là Robert, bạn tôi. Hắn đã từng đi lính bên Việt Nam đấy!

Lệ đưa tay ra: - Chào ông! Rất vui được biết ông. Và nàng cười thật tươi: - Ông đã từng đi lính giúp quê hương cũ của tôi? Ông ta vẫn nhìn Lệ đăm đăm không nói. Ông già gàn này thật là mất lịch sự, Lệ nghĩ thầm. Mặt mày tóc tai trông xù xì dữ tợn, áo quần xộc xệch bê bối, nhưng Lệ cảm thấy đôi mắt ông rất hiền từ và rất quen, hình như giống đôi mắt một bệnh nhân nào đó của Lệ mà lúc này nàng chưa nghĩ ra. Cuối cùng, ông già kẹp một cây nạng vào nách rồi đưa tay bắt tay Lệ. Bàn tay ông run lẩy bẩy, và Lệ chợt nhận ra người ông ta nặc nồng mùi rượu. Ồ, là một “ma men,” nàng rủa thầm, thảo nào người ngợm trông phát khiếp! Tuy vậy, vì không muốn mất lòng ông Ed, Lệ hỏi xã giao:

- Ngày xưa ở Việt Nam ông biết những nơi nào?

- Miền trung…ông ta lẩm bẩm.

- Ồ, miền trung là quê tôi đó!

Đôi bàn tay run rẩy của ông già bỗng giật giật liên hồi như người mắc kinh phong. Rồi ông ôm lấy đầu quằn quại, vẻ rất đau đớn. Mái tóc lù xù trên trán ông ta ướt đẫm mồ hôi.

- Ed! Làm…ơn đưa tao về. “Damn it!” Chứng đau đầu khốn kiếp của tao đang tái phát. Tao cần có thuốc! Nhanh lên!

Ông Ed vội từ giã Lệ và chở ông già đi. Lệ đậu xe ngay ngắn lại rồi vô Macys. Lớp đang đứng ở quầy nữ trang, con bé bắt người ta lấy hết chiếc nhẫn này sang chiếc khác cho mẹ thử. Lệ chìu ý cho con vui chứ nàng biết mình sẽ chỉ mua khi kiếm được chiếc nhẫn nào có hoa hình trái tim giống như chiếc trên tay. Trên đường về, Lệ kể con gái nghe việc gặp ông Ed, càm ràm sém chút nữa đụng phải một lão già say, rồi nói sẽ đi thăm bà Edythe.

Chiều hôm sau, ông Ed gọi. Ông nói mẹ ông rất mừng khi biết Lệ cũng ở đây, và bà muốn mời Lệ thứ Bảy này đến nhà chơi. Lệ vui vẻ nhận lời ngay.

Trưa thứ bảy, mẹ con Lệ đi kiếm nhà bà Edythe, mang theo hộp chả giò. Nhà nằm trong khu vực rất khang trang, cách sông Sacramento River khoảng mười phút lái xe. Ngôi nhà màu trắng trông cổ kính như một lâu đài. Cửa được mở sẵn, chỉ đóng hờ cánh cửa lưới.

- Xin mời vào. Tiếng ông Ed nói. - Cửa không khóa!

Lớp bước vào ngồi xuống ghế sofa, Lệ cầm hộp chả giò theo sau, nàng thấy ông Ed đang bày khăn đĩa ly tách ra bàn ăn ở phòng bên cạnh.- Hi! Cô Lệ chờ cho tí nhé! Ông ta nói khi thấy Lệ nhìn.

Đảo mắt một vòng, Lệ đoán người làm của bà Edythe là một người giỏi. Phòng khách rất ngăn nắp gọn gàng, sàn nhà bằng gỗ nâu bóng loáng, trên tường chỉ có mỗi tấm hình đứa con trai chừng mười lăm tuổi. Không biết đứa cháu nào của bà đây nhỉ? Nàng biết rõ ông Ed không có vợ con. Trên chiếc bàn đèn bên cạnh cái tivi có một lọ hoa hồng vàng thật đẹp. Nàng mỉm cười bước lại mân mê mấy đóa hoa. Có một tấm hình lớn đặt giữa lọ hoa và cây đèn chụp. Cái khung ảnh mới tinh, nhưng tấm hình thì dường như đã được tái tạo, vì nó có dấu một đường rách cắt ngang. Nhìn kỹ tấm hình, Lệ chợt bàng hoàng run rẩy. Nàng đưa tay dụi mắt.

Không thể lầm lẫn được! Đó là tấm hình cưới Lệ mặc áo dài xanh Bob mặc đồ lính năm nào, nó giống y hệt tấm hình nàng đã chôn dưới đất và bị mục rữa.

Có tiếng lộp cộp kề bên, Lệ nhìn lên bỗng sững sờ… Nàng thả rơi hộp chả giò xuống đất, miệng há hốc không thốt nên lời. Trước mặt nàng là một người chống nạng với cái chân bó bột, nhưng không phải “ông già Robert” say rượu ngày kia, mà là một trung niên đẹp trai mặc quần jean áo thun trắng, tóc cắt ngắn kiểu nhà binh, mày râu nhẵn nhụi, đang nhìn nàng trân trối. Nước mắt lã chã trên mặt ông ta, một khuôn mặt thật thân quen.

- Ông…ông là…? Lệ lắp bắp.

- Bob đây! Anh là Bob đây! Lệ…Lệ…

Lệ nhào tới ôm chầm lấy Bob, khóc như mưa: - Trời ơi! Anh đây rồi!Bob ôm chặt Lệ, nước mắt anh ướt đẫm tóc nàng, cặp nạng rời khỏi tay lúc nào không hay:

- Anh xin lỗi! Anh đã nhận ra em hôm ấy. Nhưng vì quá xúc động, bệnh đau đầu của anh tái phát; vả lại, anh trông tàn tệ bê tha, không muốn để em nhận ra. Anh muốn dành cho em một bất ngờ!

Lệ úp mặt vào vai Bob, khóc rấm rức trong vòng tay ấm áp của anh. Bao năm qua Lệ cố gắng, và tưởng rằng mình đã quên được Bob để lo cho tương lai hai mẹ con. Không ngờ tình cảm ngày xưa vẫn còn sôi sục trong trái tim nàng, như đóm lửa bị ủ dưới tro lâu nay, bây giờ được khươi lên, nó sáng chói rực rỡ! Lệ hạnh phúc đến sắp ngất đi. Bỗng nàng sực nhớ đến con gái:

- Lớp! Con lại đây. Ba con đây nè! Mình đã tìm được ba rồi. Anh ơi! Con chúng ta đấy!

Lớp vội vàng chạy lại, đôi mắt đỏ hoe: - Con biết rồi mẹ! Rồi cô ôm lấy Bob: - Ba ơi ba!

Bob sững vài giây rồi choàng tay qua Lớp, khóc nức: -“Oh my God!” Trời ơi, con tôi!

Ông Ed ngồi trong bàn ăn nhìn ra cũng quẹt nước mắt liên hồi. Hai mẹ con dìu Bob đến ngồi trên chiếc ghế dài.

Tay trong tay họ kể cho nhau nghe mọi chuyện. Bob nghẹn ngào bóp chặt tay Lệ, nước mắt tuôn rơi, khi biết nàng ở tù về bé Lớp bị bại liệt, nhà không có gạo nên đã gỡ bán cái hột xoàn của chiếc nhẫn cưới rồi thay vào cái hột giả. Năm đó Bob, cũng là Robert, kiếm không ra Lệ, anh thất thểu về Mỹ rồi viết thư gửi Việt Nam, nhưng chẳng được hồi âm. Đến tháng mười, trước khi Mỹ rút quân khỏi “Tuy Hoa Air Base,” Bob giải ngũ, anh sang Việt Nam lần nữa. Gia đình Lệ đã rời Đông Tác, anh chẳng biết hỏi thăm ai. Trở về Mỹ, Bob tuyệt vọng chán đời hết một thời gian. Về sau đi học lại anh tốt nghiệp luật sư rồi ra làm việc và cưới vợ. Con trai anh tên James, là tấm hình treo trên vách. Đây là nhà của Bob. Mary hờn giận vì Bob giữ mãi tấm hình của anh và cô gái Việt Nam. Một lần cô xé nó đi, liệng vào sọt rác, nhưng Bob lấy ra dán lại. Rồi cô ta có người khác và li dị anh, dắt đứa con đi. Bob buồn nhớ thằng James, uống say bí tỉ đến nỗi bị té gãy chân. Hôm lễ Valentine anh buồn đánh chén li bì, rồi gọi Ed nhờ chở đi mall mua vài vật dụng. Và xe Lệ đã đụng phải anh!

“Đây là phép lạ của Chúa!” Tiếng ông Ed từ phòng ăn như nhắc Bob là đã quá trưa.

- Chắc mọi người cũng đói rồi, Bob nói. -Từ sáng đến giờ, Ed lo giúp chuẩn bị một bữa tiệc cho ngày đoàn tụ của chúng ta. Rồi Bob cầm tay Lệ hôn lên chiếc nhẫn: -Tội nghiệp cho em, lâu nay phải mang chiếc nhẫn cũ này. Ngày mai anh sẽ đưa em đến tiệm bán hột xoàn, mua lại cho em một chiếc nhẫn thật đẹp khác!

Lệ mỉm cười âu yếm:

- Không! Mình sẽ đem tu bổ lại chiếc nhẫn này anh ạ! Nó là kỷ vật tình yêu của chúng ta.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
22/02/201306:37:33
Khách
Chuyện tình thật đẹp. Đúng là tình yêu không biên giới.
24/02/201323:40:15
Khách
Cháu rất ngưỡng mộ cô, là một người đã có tuổi, nhưng bài viết của cô văn phong mạch lạc, nhẹ nhàng,dễ đi vào lòng người. Cháu rất thích sáng tác của cô, mong cô tiếp tục viết.
24/02/201320:45:38
Khách
Bài viết rất cảm động.
27/02/201303:11:14
Khách
Cám ơn Thuy Nguyen đã đọc bài viết và cho ý kiến.

PH
26/02/201304:17:34
Khách
Bài viết thật cảm động và rất sống động. Tôi dự tính sẽ đọc một đoạn thôi và ngày mai đọc tiếp nhưng câu chuyện hấp dẫn đã lôi cuốn tôi và thế là tôi làm một mạch quên ăn cơm tối. Tác giả đã cho người đọc một cảm giác rất thoả mãn với kết cục quá đẹp như vậy!!!
25/02/201320:01:25
Khách
Chào bạn Trần Vũ,
Cám ơn bạn đã đọc và chia xẻ ý nghĩ của bạn. Việc này sẽ giúp cho tác giả cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng bạn đọc.

Chào bạn vankim,
Tác giả rất mừng vì bạn đã đọc và cho nhận định để ủng hộ. Cám ơn thời gian quí báu của bạn

Chào bạn Mai,
Cám ơn Mai đã đọc và cho ý kiến. Tác giả xin ghi nhận lòng "yêu tiếng Việt" :) của bạn và sẽ cố gắng thêm nữa cho những bài viết sau này.

Chào các bạn Thao Nguyen, Sơn, Bara, và Lan_B,
Cám ơn tất cả các bạn đã đọc và cổ vũ. Tác giả rất "lên tinh thần" vì có nhiều độc giả đọc bài của mình. Sẽ cố gắng viết tiếp.

Xin cám ơn tất cả các bạn...
Phương Hoa

23/02/201311:28:27
Khách
Rất cám ơn tác giả Phương Hoa đã viết được một câu chuyện khó xẩy ra ở đời thường , nhưng với lối hành văn mạch lạc , dẫn dắt tài tình làm cho độc giả thấy câu chuyện sống động với những tình tiết bất ngờ , hợp lý như tác giả là người trong cuộc . Bài viết thật cảm động , thật dễ thương . Một câu chuyện tình có hậu làm thoả mãn và yên lòng độc giả . Một lần nữa hoan nghênh Phương Hoa , rất mong được đọc thêm nhiều tác phẩm nửa . Thân mến .
22/02/201307:59:55
Khách
Tuyệt Vời!
21/02/201321:32:25
Khách
Cám ơn Cô Hoa , chuyện rât hay .
21/02/201322:57:02
Khách
Truyện cảm động, không ướt át tình cảm như tiểu thiếu Quỳnh Dao nhưng tác giả diển tả tình tiết thật tài tình đi vào lòng người đọc 1 cách nhẹ nhàng. Nhất là đoạn Bob và Lệ gặp lại nhau rất bồi hồi mình đọc có cảm giác vừa mừng vừa rưng rưng không cầm được nước mắt. Nếu nhân vật Lệ có thật ngoài đời thì quả là tình iêu của Lệ đối với Bob thật mảnh liệt. Qua nhân vật Lệ mình thấy được quả thật sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trên đất Mỹ thật vô biên. Nhân vật Lệ vượt qua bao gian nan khổ cực ở đất Mỹ để nuôi con quả thật đáng phục. Tác giả cho kết thúc câu chuyện tình iêu của Lệ và Bob cũng rất đẹp. Thoả mãn được cảm giác của người đọc. Cám ơn tg.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,540
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.