Hôm nay,  

Xin Chiều Đừng Tàn Trên Capitol

19/02/201300:00:00(Xem: 309716)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân ở Sacramento, Cali và tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Buổi phỏng vấn việc làm đã diễn ra và kéo dài gần hết ngày mà chưa có kết quả gì cụ thể. Tuy nhiên, chị em Thành vẫn không nao núng vì đây không phải là cuộc phỏng vấn xin việc làm mà là phỏng vấn tìm người làm. Là chủ mà! Có gì phải lo lắng.

Thời bấy giờ là lúc ngành địa ốc đang lên ở Mỹ, mọi người đổ xô vào việc mua bán nhà cửa. Những người làm việc trong lãnh vực dịch vụ như Thành cũng phải lao vào cơn sốt này. Thoạt đầu, Thành chỉ là một "loan officer", giúp khách hàng vay nợ ngân hàng để mua nhà, nhưng thời thế đưa đẩy khiến Thành phải lăng xăng kiếm cho bằng được bằng địa ốc "broker" để có thể mở rộng hoạt động hơn. Thật ra, trong lãnh vực dịch vụ tư nhân, các văn phòng chỉ cần một người chủ và nếu thêm nữa là vài người thân tín trong gia đình. Do đó, Thành chỉ cần nhờ hai người chị, lúc đó chưa có việc làm, vào phụ. Phụ về nghề nghiệp nhưng vẫn là chị hay "xếp" Thành trong các lãnh vực khác.

Khi văn phòng địa ốc trở nên phát đạt, chị em Thành thường phải đi ngoài để đưa khách hàng xem nhà, nên mới nghĩ tới việc phải thuê một người, đúng ra là một cô ngồi thường trực ở phòng trước, tiếp tân, trả lời điện thoại và làm chút đỉnh giấy tờ.

Chị cả Thành giành ghế bành lớn, ngồi giữa để làm "chánh chủ khảo", chị kế ngồi kế bên để dò xét tình hình, còn Thành lớ quớ bên cạnh đó, ngắm nghía các cô đến tìm việc.

Cô hẹn đầu tiên đến thật đúng giờ, trẻ và khá xinh, trịnh trọng mang theo tờ resumé và nói giọng lớ lớ nửa Việt, nửa Mỹ không bỏ dấu.

- Cháu tên là Helen Nguyen, thấy có lời rao tìm người làm của cô chú trên báo…
- Cô học và tốt nghiệp ở đâu? Chị Thành chận hỏi ngay.
- Dạ cháu học high school ở Mỹ, tốt nghiệp ở Sac State về accounting, cháu có một số kinh nghiệm.

- Thôi được, chị Thành vội ngắt lời, chúng tôi đã có đầy đủ chi tiết trong resumé của cô, khi cần chúng tôi sẽ gọi cô.

Khi Helen xong cuộc phỏng vấn ngắn và ra đi, chị em Thành so kết quả "chấm điểm" thì lạ thay, cả ba đều đánh con C, nghĩa là thí sinh ít hy vọng được việc nhất. Mọi người đều nghĩ rằng cô này học giỏi, đỗ đạt nên quá khả năng tài chính thuê mướn của văn phòng, thế cũng hơi bất công, còn Thành chỉ muốn phạt cô này thiếu xã giao vì tội "gọi anh bằng chú".

Người được phỏng vấn tiếp là một cô bé du học sinh từ Việt Nam, rất xinh, khoảng tuổi đôi mươi, nhanh nhẹn tự giới thiệu:

- Em là Tuyết Nhung, qua Mỹ gần một năm để du học, em đang rất cần việc làm để thêm tiền cho việc ăn ở, học hành.

- Ở Việt Nam, em học gì? Chị Thành hỏi với giọng có cảm tình.

- Dạ em học trường đại học ngoại ngữ, chuyên ngành Anh Văn, tới năm thứ hai thì thủ tục xin du học hoàn tất nên em qua đây học tiếp trường college.

Sau đó, Tuyết Nhung kể cho nghe rất linh hoạt câu chuyện lo đi du học từ giai đoạn ở Việt Nam, đến trường học ở Mỹ, nơi ăn, chốn ở… Gương mặt trái soan đôi, mắt đen huyền của Tuyết Nhung thỉnh thoảng hắt một tia nhìn thân mật về phía Thành, một chàng trai bốn mươi tuổi đầu mà vẫn còn lẻ bóng, khiến Thành thấy lòng xao xuyến và buột miệng hỏi:

- Bây giờ em có bận chuyện gia đình gì không?

- Em độc thân anh à! Tuyết Nhung trả lời giọng ngọt ngào đáo để. Em có một bà dì ở tận LA, nên em phải share phòng ở Sacramento là nơi trường college đã nhận em vào học.

- Nhưng em có làm được full-time không? Thành hăm hở phỏng vấn tiếp.

- Em chỉ làm được thứ hai, tư, sáu và cuối tuần, còn thứ ba và thứ năm em có lớp ở trường.

"Thôi hỏng cả rồi", Thành thất vọng nhủ thầm. Liếc nhìn tờ chấm điểm của hai chị, thấy con B, Thành biết đây chỉ là điểm an ủi. Thành bỗng nghe tiếc làm sao, nói vói theo khi Tuyết Nhung vừa đứng dậy bước ra:

- Để anh xem có ai làm được thứ ba và thứ năm, sẽ phối hợp cho đủ tuần để em được làm việc nhé!

Tuyết Nhung mừng rỡ, cám ơn, nhưng hai chị vừa lườm Thành làm Thành cụt hứng luôn.

Một người bạn trước đây có nói mà nay Thành mới nghiệm thấy đúng: "Thời điểm mà con gái đẹp nhất là lúc thi hoa hậu và tìm việc. Thi hoa hậu thì các cô phải phô trương tài sắc đã đành, còn lúc tìm việc cũng phải ăn mặc trang nhã, nói năng lễ phép, dịu dàng"

Người cuối cùng được phỏng vấn trong ngày chắc định làm cả hai: tìm việc và thi hoa hậu. "Thí sinh" Stephanie Lệ Hà, bước vào phòng phỏng vấn với tà áo dài màu thiên thanh, thướt tha và thơm phức.

Vừa kéo vạt áo dài ngồi xuống, Lệ Hà nhoẻn miệng cười, má lúm đồng tiền, phân trần trước cặp mắt tò mò của mọi người.

- Em mặc áo dài cho được lịch sự với anh chị phỏng vấn em. Hơn nữa, đã gần Tết rồi.

Mọi người đều "à" lên một tiếng. Đúng rồi! Ở Mỹ, Tết Việt Nam tương đối yên lặng, nhất là những vùng không có đông người Việt lắm. Bây giờ mới nhớ lại là báo chí Việt ở đây đã đăng nhiều thông báo về Tết, chỉ còn vài tuần nữa là có dạ tiệc, dạ vũ mừng Xuân, nào là chương trình hai ngày hội chợ Tết có diễn hành xe hoa, thi hoa hậu áo dài…

Chị Thành có vẻ thông cảm với tà áo dài đến bất ngờ này, hỏi nhẹ nhàng:

- Em muốn được anh chị gọi là gì?

- Thưa chị, Stephanie là tên Mỹ của em lúc em ở tiểu bang miền Đông, lúc em move về Cali thì nhiều người Việt nên em thích được gọi là Lệ Hà.

- Hiện em đang làm gì? Chị Thành hỏi tiếp.

- Em đang làm nails, nhưng nghề này đã xuống quá nên em mong được anh chị nhận thì sẵn sàng bỏ nghề nails để làm full-time cho anh chị.

Theo tiêu chuẩn tuyển chọn của hai chị Thành, thế là đủ: chỉ cần sẵn sàng làm việc full-time, không cần có học vấn cao vì việc của văn phòng này là công việc đơn giản của một người thư ký. Cho nên, Lệ Hà đã nhận được hai chữ A, còn Thành thì cho thêm một bonus thành A cộng, đó là tà áo dài của Lệ Hà. Có hai tượng trưng cho quê hương là lũy tre xanh, một hình ảnh của mơ màng ở tận cuối chân trời, còn tà áo dài được theo con người qua tận quê người, làm ấm lòng người hải ngoại rất nhiều.

Trong những ngày đầu tiên nhận việc tại văn phòng, Lệ Hà rất chăm chỉ và siêng năng. Thành thường phải đi ngoài nên ít có dịp tiếp xúc với cô thư ký mới này. Do đó, Lệ Hà làm việc dưới sự trông coi của các chị Thành nhiều hơn. Điều ngạc nhiên mỗi khi Thành thoáng nhìn Lệ Hà là má lúm đồng tiền lúc phỏng vấn tìm việc nay đâu mất, chỉ còn mái tóc huyền xỏa bờ vai.

Do công việc văn phòng trở nên bề bộn Lệ Hà lãnh thêm nhiệm vụ làm một vài việc trên computer là việc làm khá mới là cho một cô làm nails chuyển ngành. Thành là đàn ông rành kỹ thuật hơn các chị nên phải lo hướng dẫn Lệ Hà trong lãnh vực mới mẻ này, nên bắt đầu có dịp gần gũi Hà, tất nhiên trong phạm vi nghề nghiệp thôi.

Một hôm lúc mọi người đi vắng, chỉ còn Thành ở lại vì có hẹn với thân chủ, thì bỗng Lệ Hà gọi Thành, giọng khẩn trương:

- Thành ơi! Anh đến giúp em ngay mau lên, em để fill đủ chi tiết ở màn ảnh rồi, mà khi click "search" vẫn không đi được, thân chủ sắp đến xem listing.

Thành hiểu ngay vấn đề kỹ thuật, tiến đến máy computer, ngồi sát bên Lệ Hà và chỉ dẫn:

- Này nhé, khi software không cho đi tới nữa có nghĩa là mình vẫn có thiếu vài chi tiết, máy tự động cho ra những hàng chữ màu đỏ để cho biết chi tiết nào mình thiếu.

Lệ Hà theo lời chỉ của Thành điền vào các chỗ thiếu, nhưng sao chậm chạp, lâu quá. Xem kìa, con mouse Lệ Hà không quen sử dụng, khiến cursor mũi tên trên màn ảnh không vào đúng chỗ muốn mà lạng qua lại không đi vào đâu. Thành sốt ruột, bất chợt choàng tay phải qua người Lệ Hà, nắm bàn tay Hà để điều khiển con chuột cho Hà xem. Hà có vẻ tự tin và hài lòng khi được giúp tận tình, trở nên vui vẻ, đầu hơi ngả về Thành, nhoẻn miệng cười tươi. Ôi! Má lúm đồng tiền đâu bất chợt hiện về như khi Hà được phỏng vấn. Thành mới nhớ lời chị bạn chuyên về thẫm mỹ: má lúm đồng tiền của các cô khi cười mới có, đó là tự nhiên trời cho, còn nếu lúc nào cũng thấy là của giả đó, do giải phẫu thôi.

Thời gian bên nhau có vài phút mà còn nghe hương thơm vương đâu đây, dư âm tiếng tim còn rộn ràng như tuổi đôi mươi…

- Anh vói lấy hồ sơ mới em để phía gần anh, Hà nói.

Thành chợt tỉnh mộng, lấy hồ sơ cho Hà và chuyển câu chuyện qua lối khác, nhưng cũng còn thân mật:

- Những lúc rảnh rỗi sau giờ làm việc, Hà thích làm gì?

Đây là loại câu hỏi không xen lấn vào đời tư, không đụng chạm đến gia cảnh, tuổi tác, nhưng sẽ cho biết rất nhiều việc.

- Em thích âm nhạc và nhất là khiêu vũ, nhưng không bao giờ được đi, Hà trả lời.

- Tại sao? Thành ngạc nhiên hỏi.

Hà trở nên buồn bã, nói giọng tức tưỡi:

- Chồng em rất bạc bẽo anh à! Anh ấy không thích nhạc và cũng không biết khiêu vũ, không cho em đi đâu mà đêm nào cũng bỏ đi theo các thú vui khác.

Thành giật mình, bỡ ngỡ, tự trách sao cuộc phỏng vấn Lệ Hà lại quá vội vàng mà mọi người quên câu hỏi thông thường về gia cảnh đến nỗi phải bỡ ngỡ thế này.

Thế rồi ngày Tết ta phải đến. Mặc dù có một số khách hàng ngoại quốc, văn phòng Thành vẫn đóng cửa 3 ngày Tết cho đúng với truyền thống phần nào. Trong ngày nghỉ đó, Thành có một hồ sơ quan trọng phải vào văn phòng làm cho xong. Vừa mới lật hồ sơ thì Lệ Hà cũng bước vào với bộ áo dài màu hồng điểm hoa trắng thướt tha.

- Ủa, sao em không nghỉ? Thành hỏi.

- Em đi hội chợ Tết, sẵn ghé qua đây làm cho xong nốt hồ sơ còn dang dở. Hà trả lời Thành.

- Thảo nào mới được xem bộ áo dài mới của Lệ Hà.

Hà mỉm một nụ cười má lúm đồng tiền, khoe với Thành:

- Em có rất nhiều áo dài ở Việt Nam khoảng năm mươi cái, nhưng qua đây em chỉ đem theo khoảng hai chục cái và đã cho bạn bè bớt. Đây là bộ áo dài khá đắc ý của em may từ Việt Nam. Anh thấy sao?

- Áo dài là tượng trưng cho truyền thống quê hương ta và cũng được ưa chuộng dưới mắt người ngoại quốc nữa. Nó vừa kín đáo, thâm trầm mà vẫn cho người mặc phô trương mọi vẻ kiều diễm của mình.

- Còn áo em thì sao? Lệ Hà đứng đối diện Thành, hóm hỉnh hỏi.

- Áo dài của em có màu đỏ rất đẹp và nổi. Hôm nay có kỳ thi hoa hậu áo dài ở hội chợ Tết, sao em không đến dự thi?

- Em đang thi tại đây, Hà ngắt lời đề nghị Thành.

Nói xong, Lệ Hà bắt đầu di chuyển theo kiểu người mẫu về phía Thành, bước chữ chi đều đặn, lả lướt, càng ngày càng gần Thành. Thật là huyền diệu! Chiếc áo dài vừa kín đáo vừa mềm mại, ôm vào một cơ thể của người con gái đã tới thời kỳ nảy nở chín muồi! Khi tới gần sát bàn Thành ngồi, Hà quay nhẹ một vòng, vén tà áo tung bay lên. Trời ơi! Một làn hương ngào ngạt, đê mê tâm hồn. Giữa lúc Thành ráng nhướng mắt của một người đàn ông tuổi bốn mươi, và cũng là tuổi thanh niên theo như một văn hào Mỹ, nhìn vào bóng dáng ngà ngọc thì một số thân chủ đã gõ cửa bước vào.

Thành cúi mặt, nhắm nghiền mắt như cố giữ lại dư vị của hương thơm kỳ diệu, những đường cong tuyệt mỹ.

Lệ Hà làm việc vui vẻ một thời gian thì bỗng tính tình thay đổi bất thường. Có những lúc Lệ Hà trở nên buồn bã, ủ dột, không muốn nói chuyện với ai, cả việc trả lời điện thoại là nhiệm vụ chính của Hà. Một vài khách hàng của Thành gọi đùa Lệ Hà là hoa hậu u buồn.

Một hôm, Thành thoáng nghe Lệ Hà khóc nức nỡ, tâm sự với chị Thành trong giờ ăn trưa là chồng Hà đã sanh tật rượu chè, cờ bạc và đánh đập vợ đến nỗi không chịu được nữa và sắp phải ly dị. Nhưng cũng có hôm bước vào văn phòng, Lệ Hà mặt mày hớn hở khoe đã có được một công ty Mỹ cho đại diện để ký hợp đồng với Trung Đông mua dầu, trị giá cả trăm triệu, hợp đồng này chưa dứt thì đã tới một hợp đồng khác với Thụy Sĩ để khai thác vàng trên thế giới, cũng trị giá vài trăm triệu.

Chuyện thay đổi tính tình "mưa nắng" của Lệ Hà xảy ra liên tục một thời gian thì cuối cùng Lệ Hà đến văn phòng vui tươi hơn bao giờ hết và xin nghỉ việc.

Chị Thành nói trước chận đầu:

- Em đã có job lớn quá lớn rồi thì chị phải để em đi cho tương lai.

- Không phải vậy đâu chị, Lệ Hà mau lẹ đính chính. Nhưng em đã có người lo cho đầy đủ suốt đời!

- Ai vậy? Chị Thành hỏi có vẻ không tin.

- Người yêu mới của em, Arnold, Hà sôi nổi trả lời.

Chị Thành nhíu mày:

- Arnold Schw… chị Thành đọc không nổi last name ông này.

- Dạ, Arnold, thống đốc Cali, Lệ Hà kiêu hãnh trả lời.

Thấy chị Thành cũng có vẻ không tin, Lệ Hà trưng ra hình Arnold, nhưng cũng chỉ là hình chân dung, không phải hình hai người chụp chung và kể vài mẩu chuyện về ông thống đốc kiêm tài tử điện ảnh mà ai cũng biết.

Thu xếp xong mọi việc cuối cùng, Lệ Hà hí hửng bước ra đi mà quên từ giã Thành, người đã lỡ chôn vào lòng hình ảnh của tà áo ai, hôm nào.

Khi Lệ Hà vừa ra đi, thì chị em Thành họp lại bàn luận sôi nổi:

- Lệ Hà nó nổ quá đi, chị cả Thành nói. Làm gì mà nó cặp bồ nổi với ông thống đốc Arnold. Chắc nó bị bệnh ảo tưởng giống như nó đã mơ tưởng đến những hợp đồng kinh doanh cả trăm triệu mà nó khoe khoang suốt thời gian làm việc với mình.

Chị kế Thành cãi lại:

- Cũng có thể chuyện Arnold này có thật là vì ông này là tài tử điện ảnh mà rất có tiếng là đào hoa, đa tình. Còn cô bé Lệ Hà từ khi ly dị với chồng, nó học đòi, giao du thì có thể hai người gặp gỡ nhau.

Thành rất muốn không tin, mặt nóng ran, cãi:

- Không đâu, rất khó tin. Lệ Hà không rành Anh ngữ, sống trong cộng đồng Việt Nam thì làm sao có dịp gặp gỡ người ngoại quốc, nhất là người có trình độ, địa vị cao hơn nhiều. Các chị có còn nhớ không, cách đây vài năm, cũng có một bà bị bệnh ảo tưởng, tự xưng là luật sư, đi đâu cũng cầm điện thoại nói với những người có chức vụ về những chuyện lớn, nhưng thật ra đầu dây kia không có ai cả!

Thành nói thế nhưng vẫn bán tín bán nghi, lo âu vơ vẩn cho duyên phận của mình. Chuyện lạ kỳ của Lệ Hà theo thời gian tưởng đã chìm vào quên lãng, cho đến một ngày…

Cho đến một ngày, Thành được một tin rất phiền. Từ đầu dây kia, chị Thành gọi:

- Này Thành, anh chị Tám ở Houston nói sắp tới Sacramento thăm gia đình mình và bạn bè. Anh chị sẽ ở lại đây có một ngày, chị lãnh phần đãi anh chị ăn chiều, còn em rước giùm anh chị.

- Rước ở đâu chị? Thành sốt sắng hỏi.

- Anh chị đi Amtrak, tới bến ở downtown, nhưng anh chị có ngỏ ý muốn ghé thăm Capitol cũng ở gần đó. Vậy em giúp được anh chị đi một vòng thăm Capitol trước khi về nhà nhé!

Thành nghe xong thì rụng rời. Thành phố chúng Thành ở, Sacramento, thủ phủ của Cali, là một trung tâm hành chánh, không có danh lam thắng cảnh nào khác hơn là Capitol, nơi làm việc của thống đốc và nơi họp của Quốc Hội tiểu bang. Capitol đây là State Capitol, của tiểu bang chớ không phải Capitol ở thủ đô Hoa thịnh Đốn.Từ lâu nay, bao nhiêu bạn bè, bà con ở xa tới, Thành đều phải dẫn tới thăm Capitol, nếu không muốn đi xa hơn. Tệ hơn nũa, vài năm trước, nơi đây cũng chôn vùi kỷ niệm của một mối tình không còn nữa, nên Thành thề không bao giờ trở lại để khơi lại nỗi buồn dĩ vãng đó.

Tưởng đâu được yên tĩnh, nguôi ngoai phần nào theo thời gian, nào ngờ, hôm nay Thành lại phải đích thân trở lại chốn cũ đau buồn vì anh chị họ Thành là bà con gần nhất ở nước Mỹ này, không thể nhờ ai khác làm chuyện này

Thôi thì việc gì đến sẽ phải đến. Thành rước anh chị họ Thành từ bến xe Amtrak, đi khoảng 10 phút nữa đến dowtown, đậu xe tại đường số 10 là đường ở phía Tây của Capitol, tương đối dễ nhất, đi bộ từ ngã vào ở góc đường 10 và đường L, theo "đường xưa lối cũ" đi xéo hướng về công viên Capitol. Thành bước thơ thẩn qua hàng cây thông tàng rậm sà xuống thấp rồi đến hàng cây dương liễu xỏa tóc u buồn như mối tình buồn của Thành thuở nào. Rồi tòa Cali Capitol cũng từ từ hiện ra khi đi hết các hàng cây che khuất; kiến trúc trông cũng giống như Capitol của Washington DC, cũng là tòa nhà trắng với một dome trên chóp cao, nhưng chỉ nhỏ hơn.

Thành cũng làm theo thông lệ, đưa anh chị Thành đến mặt tiền Capitol để chụp hình kỷ niệm, xong đi về cổng phía trái để chuẩn bị vào xem bên trong. Bỗng Thành bàng hoàng, không biết mình có nhìn lầm không! Lệ Hà. Phải Lệ Hà đang ngồi tại bệ xi măng cao vừa đủ chỗ cho một người ngồi, ngay bên rìa trái của mặt tiền Capitol. Thành hồi hộp tiến bước gần một chút nữa. Ồ! Quả thật Lệ Hà, cô thư ký cũ của Thành với tà áo dài độc đáo, nhưng lần này chiếc áo màu vàng rất sang trọng và chững chạc. Thành tiến tới, tiến tới, tim đập rộn ràng. Lệ Hà trang điểm đẹp hơn bao giờ hết, gương mặt có vẻ tự tin, chờ đợi. Bỗng Thành đứng khựng lại, nghẹn ngào vì chợt nhớ ra một điều quan trọng. À! Lệ Hà là người yêu của Arnold, nàng ngồi đây để chờ đợi ông thống đốc, thảo nào xem nàng vui quá.!

Nghĩ như vậy, nên Thành đành lòng quay lại, tiếp tục cuộc hành trình, dẫn anh chị họ Thành vào viếng bên trong Capitol. Từ tầng một, chị em Thành chụp một số ảnh kỷ niệm bên các bức tượng lịch sử màu trắng, đến tầng hai đang lúc Quốc Hội tiểu bang đang họp vì đây là ngày làm việc, không được chụp hình nhưng công chúng có thể ngồi trên cao quan sát cuộc họp. Rồi lần lần, không tìm mà cũng phải đến chỗ "định mệnh": văn phòng thống đốc.

Lần nào qua phòng thống đốc, Thành đều thấy bàn trước trống trơn, có vẻ như chỉ là chổ trưng bày lịch sử, nhưng thật ra, thống đốc có thể làm việc bên trong. Hơn nữa, thời kỳ của câu chuyện này là lúc thống đốc Arnold vừa nhậm chức nhiệm kỳ đầu, chỉ có phân nửa thời gian do cuộc "recall" mà ra. Do đó công việc thống đốc Cali có thể rất bận rộn, không phải luôn luôn có mặt ở văn phòng chính Capitol mà còn những văn phòng phụ ở San Diego, LA và San Francisco.

Thành đang suy nghĩ miên man thì bất ngờ anh chị họ Thành níu Thành lại, bảo chụp dùm hình anh chị đứng kế bên con gấu gần phòng thống đốc. Thành miễn cưỡng ngắm máy chụp hình, mà mắt lệ mờ hình dáng xưa, cũng tại nơi đây vài năm trước.

Nhưng cuối cùng, Thành cũng chấm dứt được chuyến đi “đoạn trường” này vì đã sắp tới giờ đóng cửa, nhân viên an ninh cho biết.

Bước ra ngoài, trời đã về chiều, khách tham quan cũng rất thưa thớt.

Thành bước theo sau anh chị, cố tình đi chậm để đưa cặp mắt thăm dò về bên trái mặt tiền Capitol. Trời ơi! Lệ Hà vẫn còn đó! Vẫn còn ngồi y vị trí cũ như gần hai tiếng trước đây! Lòng Thành ngổn ngang trăm câu hỏi và tự trả lời. Arnold hôm nay có đi làm không? Sao không ra rước nàng? Mà sao thống đốc lại dám hẹn hò liều lĩnh với bạn gái nơi công cộng là chỗ làm việc của mình. Hay là Lệ Hà có hẹn ai khác? Không thể được, nàng chỉ có yêu Arnold và ngồi tại đây là đợi Arnold, quyết tâm chờ, nồng nàn đợi.

Nhìn dáng Lệ Hà trơ trọi, lúc mặt trời sắp tàn, Thành bỗng thấy như quên mình đi để say đắm trong mối tình của tha nhân. Không! chuyện tình này không hoang tưởng được. Tiếng gọi của tình yêu phải lớn lao, tuyệt vời, áp đảo cả những dị biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, địa vị… Chắc chắn Arnold đã đi đâu đó và sẽ trở lại rước nàng Stephanie, xin dùng tên Mỹ của Lệ Hà cho Arnold dễ gọi. Arnold, người hùng của tiểu bang Cali lúc đó và cũng là thần tượng của Thành và thanh niên trong bộ phim "Terminator" sẽ sánh duyên cùng nàng Stephanie với chiếc áo dài thướt tha.

Chiều đang tàn.

Thành bước vội theo anh chị và đưa họ ra khỏi công viên Capitol.

Mặt trời từ từ lặn xuống các hàng cây Palm ở downtown. Thành lo lắng, hoang mang.

Trời sắp tối rồi mà vẫn còn người con gái mặc áo dài ngồi đợi người yêu thống đốc ở Cali Capitol!

Thành lẩm bẩm cầu nguyện "Xin chiều đừng tàn! Xin chiều đừng tàn trên Capitol!”

Giang Thiên Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến