Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Năm

07/02/201300:00:00(Xem: 282699)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả từng nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước 2007. Một bài viết của ông từ năm nhận giải, “Bài Không Tên thứ 20” hiện đã có tới 134,588 lượt người đọc trên Viebao Online, tính tới hôm nay. Ông là một cựu SVSQ Học viện CSQG Thủ Đức, cao học Xã hội học CSUF, CA State parole officer, đệ tử bốn đẳng của Võ sư Đặng huy Đức. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Có những lúc nằm vắt tay lên trán, tôi mới thấy thời gian trôi nhanh quá! Mặc dù cũng phải có đủ xuân hạ thu đông, nhưng thế nào thì cũng tới lúc năm hết, tết đến!

Rồi giật mình, mới hay đây là cái Tết Tây thứ hai mươi lăm ở Mỹ của mình – một cái tết so ra sao buồn tẻ hơn trong tất cả…

Còn nhớ, sáng ba mươi Tết Tây năm ngoái nhằm ngày Thứ sáu, trước khi đi làm tôi có liếc sơ vài hàng tin trên tờ báo Register, rồi chỉ vội cho vợ con coi cái tin, ngày hôm trước một bà Việt Nam 42 tuổi lao đầu vào xe lửa Amtrak ở Orange, cũng ngày đó, một ông 68 tuổi không rõ chủng tộc nào, lái xe lên bãi đậu xe từng sáu ở Costa Mesa, rồi nhảy xuống…

Buổi sáng đó, trên đường tới nhà tù Orange County ở Santa Ana, đang chờ đèn đỏ ở ngã tư Đường Bristol và Fifth, nhìn lên kiếng chiếu hậu thấy một bà Mễ xồn xồn cũng chờ đèn đỏ sau xe tôi, ôm mặt khóc nức nở một mình trong xe…

Chạnh nghĩ sao đời người buồn quá vậy cà!

Thiệt ra, nhiều năm trước, tôi có nghe nói mùa lễ lạc cuối năm thường làm nhiều người Mỹ trở nên “trầm cảm” u buồn (depression) sao đó! Có thể vì thời tiết lạnh lẽo tối tăm, phố xá ướt át im lìm với đèn sắc Noel muôn màu, làm họ gợi nhớ những kỷ niệm lễ lạc xa xưa, hay nhớ người thân ở xa hoặc đã qua đời… Tôi nghĩ bọn Mỹ hay vẽ chuyện thôi!

Ngày mới qua Mỹ tôi làm nghề thẩy báo cho tờ Register hơn năm năm, bảy ngày một tuần. Ngoài giờ kiếm ăn thì mài đũng quần jean ở college cho có cái nghề vững chắc sau này mà nuôi thân và vợ con. Cho nên lễ tết của Mỹ tôi chẳng mấy quan tâm, chỉ chờ Tết Ta cúng ông bà ba mươi Tết rồi lì xì con cái, xong đâu lại vào đó cũng như ngày thường, vì Mỹ không chơi Tết Ta!

Tới khi làm officer trong tù, lễ tết lại mong bọn Mỹ kêu vô sở xin nghỉ “bệnh” ở nhà ăn nhậu vui chơi thì mình có dịp làm overtime. Cho nên weekend, Thanksgiving hay Noel lúc nào tôi cũng ở trong tù từ sáng đến tối cực như trâu (nhưng đâu phải trâu) mà vẫn thấy vui vì có thêm tiền, còn việc nhà giao hết cho vợ hiền, kể cả việc coi sóc dạy dỗ con cái còn nhỏ, vì lúc mình đi làm năm giờ sáng thì chúng chưa dậy, khi mình về mười một giờ đêm thì chúng ngủ rồi! Từ đó dần dần hết lễ tết luôn…

Đến khi ra làm parole officer ngoài đường thì cũng chẳng khác bao nhiêu, tuy được nghỉ weekend ở nhà, còn thì có khi mười giờ đêm vẫn còn ở Riverside, dẫn cảnh sát đạp cửa xông vô nhà kiếm bắt thằng tù trốn trình diện… Cho nên việc vợ chồng con cái ngồi cùng bàn ăn cơm chẳng còn nữa, trừ những ngày lễ lạc dạo gần đây thôi, do con gái mang chồng con về thăm bố mẹ, còn thì nói chung tới giờ ăn đứa nào cũng ôm một tô trước TV hay trong phòng là xong!

Còn đồ ăn Mỹ, chỉ hơn mười năm nay tôi mới thử thưởng thức coi hamburger, french fries, cà phê Mỹ nó ra sao, mà một năm ăn một hai lần mới thấy ngon, nhưng cà phê đen loãng của nó thì nay uống mỗi ngày một ly cối làm cô nha sĩ Christine Bùi mỗi lần chà răng tôi buồn hết … một phút!

Nói tới cái cô nha sĩ dễ thương này, cả hai má con đều làm nha sĩ mà thật kỹ lưỡng và tử tế vô cùng, chả bù với ông nha sĩ bạn con gái tôi, lúc nào miệng cũng nói mình là chỗ quen nhưng lần nào khám cũng vẽ vời rồi lánh mặt để con y tá Mễ tính tiền từng món, kể cả cái món mà bảo hiểm phải trả cho mình! Thiệt là mang tiếng quen biết chi cho nó chặt mà mình ngại hổng dám hỏi lại. Đã vậy, lại còn làm vội làm dối nữa chứ…

Thôi trở lại cái chuyện “trầm cảm ngày lễ lạc” ở trên kẻo lại quên!

Tôi nhớ năm ngoái văn phòng parole chỗ tôi làm có hơn hai mươi parole officer, ngàyThanksgiving và Noel có trang hoàng cây thông ăn nhậu nhộn nhịp tưng bừng.

Năm nay, chính phủ Cali tiết kiệm ngân sách tiểu bang, ký luật mới giảm án cho tù nhân được thả sớm, lại tha sớm tới năm chục phần trăm tù nhân đang bị parole. Hậu quả là sa thải hàng trăm parole officer, đóng cửa hàng chục văn phòng parole khắp Cali!

Do vậy, những ngày gần lễ tết cuối năm nay, tôi buồn tình tha thẩn dọc hành lang vắng hoe, nhìn vô các văn phòng hai bên tối thui chỉ còn trơ bàn ghế với dụng cụ văn phòng vứt ngổn ngang mà tê tái cho bạn bè bị mất việc, đứa thì đi xin tiền thất nghiệp hay đang xin việc khác giữa thời buổi khó khăn này, có đứa may hơn thì được cho lộn trở lại nhà tù làm officer, mười năm làm officer cho tiểu bang vẫn bị sa thải như thường, mà ai ai thì cũng có gia đình con cái, nhà cửa, cả đống bills phải trả!

Giờ thì còn chừng chục thằng trong đó có tôi đang xót xa cho đồng bạn thiếu may mắn!

Nghĩ cho cùng cái bang Cali này thật tệ, dân số chỉ bắng một phần mười nước Mỹ, chừng ba chục triệu, mà một phần ba tổng số dân ăn welfare của cả nước Mỹ lại đóng đô ở đây vì nó cho tiền mặt, foodstamp nhiều hơn các bang khác, hèn gì trước sau nó hổng banh ta lông sao được!

Đám chính trị gia ở đây đa số thuộc Đảng Dân chủ với tôn chỉ đứng về phía dân nghèo nên chuyện cắt xén welfare là cực chẳng đã, nên nói chung được bầu vào ghế thống đốc và nghị viện tiểu bang lâu bền hơn mấy anh thuộc Đảng Cộng hòa thường cay cú đám “47% ăn bám” như anh Romney từng dại dột buột miệng tuyên bố cái sự thật mất lòng này…

Cho nên trong ngày bầu cử hễ múi giờ sang tới Cali là anh Obama lập tức thắng liền, dù dân mình đa số không đi bầu hay bầu Mỹ đen như mấy anh Nhật, Tầu, Phi, Đaị hàn ở xứ này, nghe như ăn cháo đái bát sao đó…

Tôi có biết ông cụ kia bảo lãnh hết con cái gần chục đứa có gia đình qua Cali, lúc đầu chỉ có foodstamp và medical. Sau năm năm đươc luôn tiền mặt và housing. Nay đám cháu lớn lên chẳng chịu học hành nên có ma lấy, đành lộn về Việt Nam cưới vợ lấy chồng qua đẻ lập tức rồi bắt đầu một thế hệ welfare mới hai ba chục năm nữa chứ chơi sao!

Vậy mà anh em nó khi gặp nhau ăn nhậu đứa này muối mặt tâng bốc đứa kia là “đại gia”, vì nhờ ăn welfare lâu ngày làm lậu không khai mà tích tiểu thành đại, rồi nhờ anh em trong nhà có đứa đi tu đứng tên mua mấy căn nhà trả cash, căn ở căn cho mướn, nên tưởng mình ngon quá xá…

Có đứa ăn welfare lâu quá, Sở Xã hội bắt đi xin việc mới cho ăn tiếp, nhưng làm ít ít cho hợp lệ, hãng cho làm overtime cũng lắc đầu quầy quậy, em chả em chả!

Còn bà xã tôi lâu lâu mới dám mua một hai con tôm hùm cho con cháu ăn nhằm dịp sinh nhật gì đó của nó, thấy người ta vô chợ vênh váo kêu anh bán cá bắt cho năm bẩy con thiệt bự, thêm chục con ốc vòi voi, tưởng sao ra tính tiền trả bằng thẻ EBT (foodstamp)!

Mấy anh Đảng Cộng hòa trong nghị viện tiểu bang từng bàn kế cắt lợi tức welfare xuống còn năm chục phần trăm cho nó dọn hết sang Texas để giảm bớt thâm thủng ngân sách tiểu bang mà hổng xong, đành lặng lẽ kiếm đủ cách tăng lệ phí mọi dịch vụ công cộng như DMV, police ticket … chẳng hạn!

Thêm sưu cao thuế nặng đủ loại đủ kiểu khiến các hãng xưởng chịu không nổi thi nhau dọn hết sang Texas, Arizona … đưa đến thất nghiệp và welfare nhiều hơn nữa!

Cũng có thể mùa lễ tết năm nay tôi thấy buồn hơn vì chạnh nghĩ hai mươi lăm năm trước mình qua Mỹ thì cha mẹ còn đủ, nay cả ông lẫn bà đều theo nhau vô bình sành ở hết trong chùa!

Hôm hăm sáu tây sau Noel, tôi kêu thằng con chở bố vô chùa thăm ông bà. Thằng nhỏ thấy bình tro cốt bày trên kệ la liệt và hình người chết già trẻ dán tràn lan trên tường mà ngẩn tò te ra hồi lâu!

Cha con thò tay định kéo miếng kính che kệ qua một bên để sờ bình tro cốt cha mẹ ông bà mà hổng xong vì họ khóa cửa kính các kệ lại không sao nhúc nhích gì được! Nhân đó, hình như nó cảm nhận được đời người là tạm bợ, có sanh có diệt, không loài gì sống hoài mà không chết, cũng hay!

Tôi tiện thể bảo nó sau này đừng mang bố vô đây, đem rải ngoài biển cho cát bụi về với cát bụi. Nó nói như vậy làm sao thăm bố, tôi giải thích sở dĩ ông bà còn ở đây vì các chú muốn vậy chứ không phải ý bố, lúc nào nhớ tới bố là “thăm” rôì, khỏi cần đi đâu cho mất công…

Hôm đó nó lại hỏi thăm tôi về ông Phật dưới “hell” (Địa tạng Bồ tát) tên gì, ông Phật trên trái đất là ai (Thích Ca), và ông Phật trên Niết bàn (A Di Đà) trông thế nào, coi bộ suy nghĩ mông lung lắm…

Một lý do nữa khiến tôi buồn bực mùa lễ năm nay là vụ tàn sát hai mươi trẻ con lên sáu, bẩy tuổi và sáu cô giáo ở Bang Connecticut chừng mười ngày trước Noel!

Tất cả đều bị bắn nhiều phát bằng loại súng giống như M16 dùng trong chiến tranh Việt Nam!

Hai mươi sáu gia đình từ nay sẽ tan nát mãi mãi! Vì trẻ con thì có cha mẹ, anh chị em, ông bà cô chú hai bên, các cô giáo thì cũng vậy thôi, cha mẹ, chồng con…


Lại nghĩ cho cùng, như tất cả con người khác, tôi cũng có những nỗi niềm lo âu cay đắng riêng tư của cuộc đời, nhưng nếu đem so với sự đau thương mất mát của những gia đình nạn nhân nói trên thì nó chẳng nghĩa lý gì hết…

Nói tới M16, tôi mới nhớ lại những ngày cuối cùng trước khi mất nước, ông đại đội trưởng phát cho anh em chúng tôi mỗi đứa hai băng đạn M16, thời đó mỗi băng chứa hai chục viên, dặn tiết kiệm vì Mỹ cắt quân viện thật rồi!

Vậy mà chưa bắn đươc anh Vẹm nào, thì cái ông xưng là Tổng Thống giờ thứ 25 đã ra lệnh tất cả phải buông súng đầu hàng vô điều kiện!

Qua Mỹ, làm officer, tôi được phép mua giữ M16 với ống nhắm và băng đạn ba mươi viên. Nhưng chỉ có làm kỷ niệm thôi. Thứ này, khi bắn, đạn trúng mục tiêu sẽ bể ra làm hai ba mảnh, và với cái đà những mảnh này sẽ xoáy lung tung bên trong mục tiêu, phá nát các cơ phận trong người, ít có cơ may sống sót lắm!

Năm hết tết đến cũng làm tôi nhớ tới quê hương cố quốc bên kia bờ đại dương xanh thẳm, mà đã hơn hai mươi lăm năm rồi không trở lại!

Hoặc có thể sẽ không bao giờ trở lại ngày nào bọn Vẹm còn đó…

Bà xã tôi thỉnh thoảng có nhắc nhớ tới thời con gái trẻ trung hồn nhiên “lang thang thành phố tóc mây cài…” của nàng.

Cũng như nàng, chúng tôi lớn lên trên thành phố thân yêu mang tên Sài Gòn, “Hòn ngọc Viễn đông” một thời vang bóng… trên một quê hương miền Nam tự do non trẻ, khai sinh từ 1954.

Ngày học tiểu học, tôi nhớ Sài Gòn vẫn còn nhiều khu dân cư lụp xụp rất nghèo. Nhưng sống trên quê hương miền Nam đồng lúa mênh mông tôi chưa từng thấy ai không có cơm ăn!

Thời ấy, đất nước còn nghèo nhưng thanh bình lắm, không mấy ai nghe nói tới Vẹm bao giờ!

Cho đến ngày mất nước, bố mẹ anh em tôi, như tất cả mọi gia đình trung bình khác đang sống êm đềm trong một chế độ tự do phồn thịnh.

Nhà tôi ngay ngã ba Đường Lê văn Duyệt và Hòa hưng, đường vào Khám Chí hòa.

Nên tôi nhớ Trường Thánh mẫu với các ma-sơ trẻ trung, nơi u già người làm đưa đón tôi đi học mẫu giáo năm lên bốn, và thường cho ngồi trên cái ghế xếp ăn bò viên ở xe bò viên ngay cạnh cổng trường.

Năm mười bẩy, tôi hay chơi bi da với bè bạn đốí diện cổng trường này, nay đã là trường nữ trung học, để ngắm các cô nữ sinh nho nhỏ thùy mị nết na trong tà áo trắng thơ ngây, mà lòng trai trẻ bắt đầu thấy rung động lạ kỳ…

Tôi cũng nhớ ngôi Trường tiểu học Chí hòa và buổi sáng đầu tiên mẹ tôi dẫn tôi đến trường, vào học lớp Năm 8 (lớp một bây giờ) với thầy Đoàn văn Thẩm mà tuổi chắc cỡ tôi bây giờ…

Và những lần đi coi phim Ấn độ, cao bồi ở Rạp hát Thanh vân gần Chợ Hòa hưng, cái chợ mà những ngày còn nhỏ tôi thường ngồi xe thổ mộ lọc cọc đi chợ với mẹ…

Nhớ Khám Chí hòa, tan học vào chơi bắn bi ở nhà thằng bạn lớp ba tên Nguyễn kim Quang có bố làm giám thị, lớn lên đi Biệt kích dù.

Nhớ lần party nhảy đầm của đám “choi choi” năm lớp mười hai ở nhà tụi con Phó Giám đốc đề lao Bùi ngọcTuấn.

Nhớ Tuấn, Tú hai thằng bạn tuổi thơ có mấy cô chị thật xinh con Đại úy Tiến chủ Siêu thị Chí hòa.

Nhớ Vườn bông tươi mát Chí hòa, kế Bót Cảnh sát Nguyễn đình Chiểu nơi tôi đi trình diện cải tạo năm mười chín tuổi!

Nhớ quán bi da Đường Nguyễn thượng Hiền chạy dọc đường rầy tới Công trường Dân chủ nơi có em Hương con ông thiếu tá quân cụ, và cái thời niên thiếu ngây ngô đầy kỷ niệm!

Và cũng trên con đường này, có một thời học sinh trai trẻ theo em đường về suốt niên học lớp mười hai, mà nhà em xa lắm, mãi phía gần nhà thờ Phú Nhuận!

Tôi nhớ ngã ba Tân định và con đường dẫn đến Lăng Ông nhang khói nghi ngút những ngày Tết bà con đến hái lộc xin xâm. Hay chạy tuốt thì ra Bến Bạch đằng nơi có tượng Trần hưng Đạo và Công viên Bến Bạch đằng mà ngày còn nhỏ mẹ tôi thường cho mấy anh em đi xích lô máy ra hóng gió những tối cuối tuần ăn mía ghim, hột vịt lộn, hay khô mực nướng ép máy quay tay…

Nhớ Trường La san Hiền Vương nơi tôi theo học bốn năm tới hết lớp chín, rồi thề không bao giờ trở lại vì bị ăn roi mây bợp tai nhiều quá tại học ngu, trừ bọn con ông cháu cha thì hổng sao!

Và Trường Văn học của vợ chồng Thầy Lan (nhà thơ Nguyên Sa), đối diện là con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra Chợ Vườn chuối ở Phan đình Phùng nơi có tiệm bán sơn nhà bác tôi mà ngày còn bé mẹ tôi mang tôi về ở với bác, nhà có anh Nguyễn ngọc Quang du học Đức.

Nhớ con rể bác, Thiếu tá Cảnh sát Nguyễn xuân Trạch lái xe Díp chở tôi vào Bệnh viện CSQG An đông khám sức khỏe đi cảnh sát…

Nhớ Trường Trung thu nơi tôi thi tú tài cùng phòng với Võ kim Quang, thằng bạn đồng khóa SVSQ Cảnh sát Thủ đức sau này.

Cạnh trường là nhà ông bác, tuy làm công chức và đông con, nhưng có các anh lớn du học Mỹ, bác sĩ Y khoa Sài Gòn, kỹ sư Phú thọ. Có các chị Ngọc, Mai, Thúy nay ở Canada.

Nhớ bến xe lục tỉnh ở Ngã bẩy dẫn vô Chợ lớn hay đổ ra Chợ Cá thúi rùm gần Phở Tàu bay tô lớn, hương vị có một không hai thời đó…

Nhớ Chợ Cũ Đường Hàm Nghi đổ ra bờ sông, nơi bán quần áo cũ giày nón nhà binh và chim chóc, rùa, khỉ, ngay cả gấu con, mà tôi thường lui tới coi…

Nhớ Rạp hát Rex, Long vân, Đại đồng, Nam quang, Việt long, Casino Đakao kế chè Hiển khánh, Đại nam, Vĩnh lợi … và cả một thời niên thiếu rong chơi khắp thành phố thân yêu, hay những tối trốn học anh văn Trường Nguyễn ngọc Linh đi coi ci-nê một mình mà bố chẳng bao giờ biết!

Nhớ Tiệm kem Bắc cực gần Rạp Vĩnh lợi nơi ăn kem với cô gái nhỏ lần đầu tiên trong đời năm lớp mười…

Nhớ Nhà thờ Đức bà và những đêm Noel đông ngẹt bà con đổ xô đi chơi tới sáng, kế bên là nhà Bưu điện Trung ương nơi đánh điện hay gởi thơ đi ngoại quốc…

Hay Công trường Con rùa với những hàng cây cao vút hai bên đường quanh năm xanh rì mát rượi gần Đại học Văn khoa, Luật khoa…

Nhớ Trại Hoàng hoa Thám với hai anh em thằng bạn Khôi Khuê có bố lính dù, và Cha Đáng một lần nhẩy dù bị vướng tòng teng trên ngọn cây…

Hay Trại Lê văn Duyệt có Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô nơi tôi vào nộp đơn đi Võ bị Đà lạt…

Nhớ Bộ Tư lệnh CSQG Đường Nguyễn Trãi nơi tôi tới coi kết quả thi đậu hạng bẩy mươi bẩy trên năm trăm để vào Học viện CSQG Thủ đức.

Nhớ Bác tôi ở cư xá khang trang kế Nhà thờ Ba chuông và Trường Thánh Thomas Đường Trương minh Giàng, ngay cổng xe lửa Số 6 nơi chị tôi theo học tới tú tài.

Năm di cư, bác làm cho Cao ủy Tỵ nạn ở Hà nội và là bạn của anh họ mẹ tôi, từng giúp vô số người di cư vào nam. Thấy mẹ tôi mồ côi cha mẹ, bác đưa cho vé máy bay vào nam, mẹ tôi lưu luyến Hà nội, đem vé cho người khác. Bác lại phải đến lôi ra phi trường đẩy lên máy bay mới thôi!

Vào nam, ngày còn trẻ bác không con, xin tôi làm con nuôi mà mẹ không cho. Rồi đến cuối tháng hai, năm mất nước bác vẫn còn lái ô tô mang bốn bộ quân phục Cảnh sát Dã chiến mới tinh xuống nhà tôi và nhà thằng bạn đồng khóa Trần kỳ Tứ ở ngã tư Bảy hiền, nói là quân phục của anh Công (Viện trưởng Học viện CSQG Thủ Đức) gửi cho hai đứa sửa lại cho có mà mặc thêm ở quân trường…

Nói tới Cổng xe lửa số 6, mới nhớ tới con hẻm dẫn vô nhà bà bác tôi, mẹ Đại úy HQ Vũ trọng Sơn, gốc người nhái.

Những ngày cuối trước khi mất nước, tầu anh chở đạn cho Vùng IV ở Năm căn, bị Vẹm bên sông bắn hư hết một máy, nhưng lết về được Hải quân Công xưởng xin phép sửa chữa.

Tuy nhiên, hạm trưởng mất tinh thần đào ngũ luôn, là hạm phó anh lãnh hết trọng trách con tầu một máy, vì thầy thợ sửa chữa ở công xưởng bỏ chạy luôn rồi!

Mẹ anh là chị dâu bố tôi, và anh lại một mẹ một con. Nên bố mẹ các em tôi nằm chờ ở nhà bác mấy ngày vì chắc thế nào thì anh cũng phải về đón mẹ.

Nhưng vì trách nhiệm anh không làm sao rời tầu được, giờ chót đành lết một máy ra biển theo các tầu bạn tháo chạy sang Phi…

Nhớ nhà cậu mợ tôi ở hẻm chùa Đường Nguyễn huỳnh Đức.

Ngày còn trẻ cậu mợ (người bắc có nơi gọi cha mẹ bằng cậu mợ) chưa con, xin tôi làm con nuôi. Mẹ tôi đồng ý vì người cùng làng. Năm 1957, cậu là thiếu úy đóng ở Nội thành Huế. Trong xóm có ma, đêm thường thò tay qua cửa sổ nhéo tôi cho khóc ré lên. Cậu nhìn thấy bèn qua nằm bên phía cửa sổ mới hết. Sau mẹ tôi đổi ý, ra Huế nhất mực đòi con lại. Năm mất nước, cậu là Trung tá Vũ công Lễ, ở Tiểu khu Gia định, nghe lời mợ bỏ vợ con mà chạy thoát!

Số tôi, Mệnh vô chính diệu, năm lên một làm con nuôi họ Vũ, nên dù đời có vất vả, vẫn còn sống sót đến ngày nay, không thì đã mục xác trong lao tù cộng sản từ lâu rồi!

Nhưng đất nước tôi, so ra kém may mắn hơn tôi, nó đã yểu vong một cách tức tưởi năm hai mươi mốt tuổi, tức năm 1975!

Tuy nhiên, giờ tôi đã hiểu vì sao mùa lễ tết năm nay của tôi lại buồn hơn trong tất cả!

Vì nghĩ cho cùng mất quê hương là mất tất cả!

Và đời tôi, tôi thấy mình như đã chết một lần từ năm mười chín tuổi, theo cái ngày bị bức tử của miền Nam Việt nam…

Quân Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
18/02/201322:53:12
Khách
Nguên bản của tác giả bị cắt bớt cho vừa trang báo, đây là phần bị cắt, nếu bạn đọc muốn xem:

Thái Thanh từng hát, “… khóc cười theo vận nước nổi trôi…,” một câu hát để đời nghe thấm thía làm sao!
Ngày học tiểu học, tôi nhớ Sài Gòn vẫn còn nhiều khu dân cư lụp ụp rất nghèo. Nhưng sống trên quê hương miền Nam đồng lúa mênh mông tôi chưa từng thấy ai không có cơm ăn!
Học sinh chúng tôi và các thầy cô mỗi sáng Thứ hai đều đứng xếp hàng chào cờ, và nghe ống phóng thanh ca, “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm…”
Đất nước còn nghèo nhưng thanh bình lắm, không mấy ai nghe nói tới Vẹm bao giờ!
Hệ thống chính quyền rập theo khuôn mẫu của Tây nên dần dần ngay ngắn và khá công bình cho một nước nghèo trên đà vươn lên…
Khi Vẹm miền Bắc với sự trợ giúp của Nga và Tầu cộng, muốn lăm le thôn tính miền Nam, Chính quyền Kennedy cũng muốn thò tay vào mớ bòng bong gọi là để bảo vệ cái thành trì chống cộng hàng đầu từ phương bắc, bằng cách đòi đổ quân Mỹ vào miền Nam để chỉ đạo cuộc chiến theo ý họ!
Trong khi Tổng thống Diệm muốn Mỹ viện trợ kinh tế và võ khí để miền Nam tự bảo vệ chủ quyền của mình, vì theo ông, để Quân đội Mỹ đóng ở miền Nam sẽ làm cho miền Bắc dùng chiêu bài chính trị tuyên truyền lừa bịp dân miền Bắc và cả thế giới rằng Mỹ đang chiếm đóng miền Nam, và “đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới chế độ kềm cặp khắc nghiệt của Mỹ Ngụy!”
Vậy thì phải tiến đánh miền Nam để “giải phóng” đồng bào khỏi ách “Mỹ Ngụy”, và đó là “chánh nghĩa dối trá” dùng lừa bịp toàn dân miền Bắc của chúng!
Khi Tổng thống Diệm từ chối để Quân Mỹ vào Việt Nam với lý do này, họ tìm cách móc nối những tên tướng phản chủ như Dương văn Minh để giết hại hai anh em Tổng thống, rồi tử hình người em Ngô đình Cẩn cho dứt hậu hoạn…
Sau đó Quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam. Họ chỉ đạo cuộc chiến một cách cầm chừng không muốn thắng! Vẹm có AK-47, ta chỉ có Carbine M1 và M2…
Mỹ biết trước Vẹm sẽ đánh Tết Mậu thân trên toàn lãnh thổ miền Nam, nhưng im lặng chờ cho nó đánh ta coi sao. Đến khi, toàn dân toàn quân miền Nam quyết một lòng đánh trả và bẻ gẫy được cuộc tổng tấn công, họ mới miễn cưỡng yểm trợ phi pháo diệt sạch bọn chính qui từ Bắc, và toàn thể bọn du kích nằm vùng trong Nam, con đẻ của Vẹm!
Nhưng bao nhiêu dân lành miền Nam đã bị Vẹm sát hại trong cuộc tổng tấn công này, cụ thể là ở Huế, vì sự lừng khừng đểu cáng này?
Khỏi cần mất công “Mong trời tru đất diệt nhà thằng Kennedy tới đời con đời cháu” làm gì. Hai anh em nó không bao lâu đã lãnh đạn, và thằng con quí tử mới ba mươi đi chầu Hà bá luôn rồi!
Ai cỡ tuổi tôi trở lên chắc còn nhớ vụ B-52 Mỹ dồn dập ném bom miền Bắc dịp Giáng Sinh 1972 từ ngày 18 tới 29 tháng chạp.
Lúc ấy toàn dân miền Nam (lẫn miền Bắc) đều hồi hộp trông chờ tin miền Bắc sẽ đầu hàng như Nhật thôi (sau khi ăn hai quả bom nguyên tử thô thiển thời 1945)!
Nhưng không có gì xảy ra hết, vì Mỹ đột nhiên ngưng không tập Hà nội một cách bí ẩn…
Rồi ba mươi lăm năm sau, một người Mỹ tên Ted Gunderson, một cựu Chánh sở FBI ở Los Angeles, vào cuối đời bực mình với những sự sai trái vô lương, bèn huỵch tẹc tất cả những phản trắc, xấu xa, đểu cáng của Chính phủ Mỹ mà ông đã tận tụy phục vụ nó trên ba mươi năm...
Có một câu chuyện được ông kể lại như sau:
“Trong một buổi thuyết trình gần đây ở Long Beach của tôi. Tôi có dịp hàn huyên với một cựu Sĩ quan Lục quân Mỹ. Ông ta từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, và có một đồng sự làm việc bên tình báo ở Phòng Truyền tin của Quân lực Hoa kỳ tại Việt Nam. Viên đồng sự này kể lại rằng vào một trong những ngày đầu Tháng giêng năm 1973, ngay vào lúc Mỹ bí ẩn ngưng không tập Bắc Việt, Phòng truyền tin của ông nhận được tín hiệu xin đầu hàng vô điều kiện của Hà nội (vì chúng đang banh ta lông mà không biết chừng nào Mỹ mới ngưng ném bom và phong tỏa hải cảng cho chết đói đây!). Phòng Truyền tin lập tức chuyển tin điện này về Ngũ giác đài (Bộ Quốc phòng) ở Mỹ.
Thay vì công bố cho t
16/02/201316:39:20
Khách
Trước 75 có nhiều thầy bói, không biết có thầy nào đoán được là miền Nam đổi chủ không.
Ông có biết bao giờ VN thay đổi không, tương lai VN ra sao không.
20/02/201305:54:08
Khách
Thay vì công bố cho thế giới và nhân dân Mỹ biết chuyện này, Ngũ giác đài tức tốc thuyên chuyển tất cả nhân viên quân sự của Phòng Truyền tin sang cơ quan khác và thay thế toàn bộ nhân sự của phòng này bằng nhân viên của Bộ Ngoại giao…
(Xin bạn đánh hàng chữ này trên mạng “1973 North Vietnamese surrender” để thấy trái tim mình rạn nứt lần nữa vì sự phản bội tột cùng của người Mỹ.)
Đừng quên, năm 72, Nixon và Ngoại trưởng Kissinger từng sang Bắc kinh viếng thăm Tầu cộng. Chúng đã bàn chuyện bỏ rơi miền Nam cho miền Bắc thôn tính, để mưu tìm thị trường mới cho tư bản Mỹ vào lục địa Tầu, nên sự bất thần đầu hàng Mỹ vô điều kiện của Vẹm sẽ làm phức tạp hóa sự thỏa thuận chó má của chúng…
Ngay lập tức Mỹ dàn xếp ký Hiệp định Paris 27 Tháng Giêng 73 để hoàn tất sự phản trắc và bán đứng cả một đất nước một dân tộc. Rồi khoanh tay ngó lơ không thi hành hiệp định này bằng cách cúp quân viện khi Vẹm bắt đầu tiến hành đánh miền Nam năm 75!
Để chứng minh cho Tầu cộng thấy rõ thiện chí của mình, Hải quân Mỹ đứng nhìn Tầu cộng xâm chiếm Hoàng Sa của miền Nam năm 74 một cách bất động…
Rồi nay, để trả món nợ viện trợ trong chiến tranh, Vẹm phải thụt lui toàn biên giới với Tầu mười lăm cây số, thành mất luôn Ải Nam quan, Thác Bản giốc có từ mấy ngàn năm cha ông gin giữ, mất luôn Trường Sa năm 88, cộng thêm Biển Đông nay co cụm còn có ven bờ!
Rừng đầu nguồn Tấu bắt cho nó thuê năm mươi năm tha hồ khai thác đào hầm hố xây công sự. Tây nguyên sang nhiều sư đoàn giả dạng công nhân Bô-xít nằm phục sẵn, đổ xô ra lấy vợ Việt để đồng hóa dân ta…
Dân uất ức mất đất mất biển hò nhau đi biểu tình chống Tầu, thì Vẹm theo lệnh Thái thú Tầu ở Hà nội thẳng tay đàn áp trù dập xử tù rất nặng…
Có đôi lúc tôi tự hỏi cũng bị chiến tranh quốc cộng như Nam hàn, Đài loan, mà sao Mỹ chỉ bỏ rơi miền Nam? Có thể vào thời 1949, 1951, chính trị gia Mỹ chưa có những thằng chó đẻ như ngày nay…
Thật nực cười ngày Lễ Memorial (Chiến sĩ Trận vong), bà con Mỹ đổ ra Bức tường Đá đen ở Hoa thịnh Đốn để tưởng nhớ 58,526 người Mỹ cha chồng anh em con cháu của họ hy sinh tại Việt Nam trong một cuộc bại trận bên kia bờ đại dương, mà chẳng nghi ngờ gì hết…
Người Mỹ làm sao thua khi Vẹm xin đầu hàng vô điều kiện? Cũng như quê hương, dân tộc miền Nam tôi thôi, họ đã bị phản bội, lừa dối bởi Chính phủ Mỹ thời đó, căm hận thay!
Và số phận của hàng chục triệu quân dân cán chính miền Nam đã ra sao do sự bội phản này thì tôi chẳng cần phải lập lại ở đây…
Mà lạ, các chế độ cộng sản tàn bạo vô lương đã bị loài người khai trừ gần hết trên trái đất, chỉ còn lại có bốn thằng là Tầu cộng, Bắc hàn, Cu ba, và Việt nam! Tại sao lại phải có đất nước tôi trong đám khốn đó?
Vẹm cũng chẳng “giải phóng” ai hết. Chúng chỉ là một đám bè đảng vô học vô lương, dùng thủ đoạn bịp bợm bất nhân của Chủ nghĩa Cộng sản mà chiếm chính quyền để cai trị và cướp bóc!
Năm 73 may được Mỹ tha mà làm tới, rồi từ đó thành tay sai bán nước cho Tầu cộng luôn!
Nay chúng đổi lốt thành đám tư bản đỏ cưỡi cọp, biết rõ hễ xuống là dân giết sạch ngay lập tức, nên thà cưỡi cọp đàn áp giết hại dân, luồn cúi bán nước cho Tầu vẫn hơn.
Tôi tuy không chắc có ngày về cố quốc…
Nhưng Vẹm cũng sẽ không thoát được lời nguyền “trời tru đất diệt” của tôi…
Mà này, hổng nhớ tôi có nói, “Mong trời tru đất diệt thằng Nixon, Kissingser tới đời con đời cháu” nó chưa?
Tuy nhiên, giờ tôi đã hiểu vì sao mùa lễ tết năm nay của tôi lại buồn hơn trong tất cả!
Vì nghĩ cho cùng mất quê hương là mất tất cả!
Và đời tôi, thật ra đã chết từ năm mười chín tuổi, theo cái ngày bị bức tử của miền Nam Việt Nam thân yêu…

Quân Nguyễn
07/02/201315:42:59
Khách
Cám ơn tác giả đã viết ra nhiều sự thật trong bài này.
08/02/201323:49:13
Khách
Thua tac gia,
Doc bai viet cuoi nam cua ong sao toi buon qua.
Mong ong vui len trong nhung ngay Tet.Dau sao mua Xuan dang ve, nen tan huong no khi chung ta con co the. Chuyen qua khu chung ta chang thay doi duoc nua. Nho den de them buon do ong oi. Cung nhu ong, moi dip Xuan ve toi lai nho den nhung thang ngay tuoi nho truoc 1975, nho vo van de roi luyen tiec khong nguoi. Nhung chung ta roi cung phai tiep tuc di cho het quang doi nay. Nen thoi, nho thi co nho, de trong tam tu. Ta nen vui voi Xuan hien tai ong nhe.
Kinh ,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến