Hôm nay,  

Thằng “Nước Mắm”

01/02/201300:00:00(Xem: 396120)

Bài số 3807-13-29207vb6020113

Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Thư kèm bài viết về nước Mỹ đầu tiên, bà cho biết “Tôi tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California hồi tháng 5, 2012 khi tôi vừa tròn 62 tuổi. Chúng tôi cũng vừa mới dọn đến thành phố này được hơn một tháng, sau khi tôi tốt nghiệp và bán đi cái tiệm nail. Hiện tôi đang volunteer tại một trường Tiểu học ở Marysville trong khi nộp đơn xin đi dạy.” Thằng Nước Mắm là bài viết thứ ba của tác giả dự Viết Về Nước Mỹ 2013.

*** 

Nó đến Mỹ cùng cha mẹ diện HO. Căn cứ theo tuổi trên giấy tờ, nó được xếp vào lớp tám. Ngày đầu đi học, má nó bới cho hộp cơm trưa, bà không biết nó mới qua thuộc diện con nhà nghèo, được ăn miễn phí. Cơm trắng và tôm bạc rim nước mắm là món ăn “quí tộc” mà hồi ở Việt Namnó không mấy khi có dịp được ăn. Những ngày đầu ở Mỹ, nó chỉ thích mỗi món cơm trắng với tôm kho, ăn đến no chứ không bao giờ biết chán.

Buổi trưa nó cầm hộp cơm theo các bạn đến nhà ăn của trường. Kiếm một chỗ ngồi, nó mở hộp ra, kê mũi vào đó hít một hơi. Đang đói, mùi tôm kho nước mắm và mùi cơm trắng hấp dẫn làm nó chảy nước miếng. Nó xúc một muổng cơm kèm với con tôm, sắp sửa đưa lên miệng thì nghe tiếng đứa ngồi kề bên nói lớn:

- Ê, mùi gì mà “stink,” thúi quá vậy tụi bay?

Nó xoay qua thấy cái thằng đen thui cùng lớp một tay bịt mũi, tay kia quạt lia lịa. Một thằng, có lẽ là dân Á châu, chạy lại nhìn vào hộp cơm của nó, mũi khịt khịt:

- À, đồ ăn của thằng này, có mùi “fish sauce,” nước mắm, chứ chi mà ồn thế!

Thằng bên cạnh nó bèn la lên, mặt nhăn nhó:

- “Yuck!” Nước mắm! Gớm quá đi!

Nó ngẹn ngào, muổng cơm chưa kịp đưa vào miệng đã phải bỏ xuống. Nó lật đật đem hộp cơm đổ ập vào thùng rác rồi lầm lũi bước đi. Đàng sau tiếng thằng da màu la lớn:

- The “Fish Sause!” A ha! Thằng “Nước Mắm!” và bọn nhóc cười vang phụ họa.

Về nhà nó không dám nói lại, sợ má nó buồn. Nó thương má lắm. Những ngày ba nó đi tù, nhà nó bị đưa đi kinh tế mới. Bà Nội tuổi già sức yếu không chịu được nước độc rừng thiêng nên bịnh hoạn triền miên. Má nó vất vả làm rẫy để nuôi nó và bà Nội, vừa thăm nuôi ba. Nhưng rồi bà Nội mất mà không kịp nhìn mặt ba nó, người con độc nhất của bà. Một tay má nó lo việc tang ma cho bà Nội. Nhà không có tiền nên nó chưa bao giờ ăn được miếng cá miếng thịt cho ngon, ngoài mấy mớ cá “giã cào” kho quẹt với rau lang hoặc cải làng mọc dại. Lâu lâu khi bán bớt mớ bắp mớ khoai, má nó nhín tiền mua vài con tôm bạc về kho, đó là thực đơn “vương giả” nhất trong quảng đời ấu thơ của nó. Vậy mà hôm nay nó đành lòng vất vào thùng rác cái món ăn “cực phẩm” ấy.

Một tuần học đã trôi qua. Giờ ra chơi nó ngồi dưới gốc cây nhìn tụi trẻ nô đùa. Nó chưa có bạn, một phần vì tiếng Anh giới hạn – dù nó đã học được hơn hai năm tiếng Anh và thuộc rất nhiều từ vựng ba nó dạy – một phần vì mặc cảm bị chế nhạo bỡi cái món nước mắm kho tôm, nên giờ “break time” nó thường ngồi một mình. Chợt nghe tiếng “bình bịch” đàng sau, nó quay lại thấy một thằng bự con đang rê banh ào ào về phía sân bóng rổ. Quần jean kéo lê dưới đất, bụi bay mù mịt quanh chân, chiếc áo thun màu xám rộng thùng thình “treo” tòng teng không che được hai cái đầu gối “lọ nồi” nhô ra từ hai chỗ rách. Mái tóc hắn xoăn tít, lởm chởm dưới cái mũ Lynynd Skynyrd đội ngược. Nó nhận ra đó là thằng Jack cùng lớp, cái thằng đã chế nhạo nó hôm nào.

Theo lời thằng Bob và thằng Andrew, Jack chơi bóng rổ rất “cừ,” hắn ném cú nào là vào cú nấy. Jack ở trong đội bóng rổ của trường, thầy cô nói hắn rất có tương lai nên hắn lên mặt “ta đây” lắm. Bạn bè nể phục những cú ném bóng “thần sầu” của hắn, đặt cho cái nick name “Hooper Cooper” và hắn rất tự hào về cái biệt hiệu đó.

Nhồi banh đến cái mức trong sân, Jack dạng chân, hai tay nâng banh ngang trán. Mắt nhìn thẳng lên cái rổ, hắn cong cùi chỏ bên phải, nhún đầu gối xuống rồi bất thình lình phóng lên cùng lúc thả lỏng trái banh, tay phải đẩy mạnh một phát thẳng cánh. Trái banh lao chính xác lên trên miệng rổ, đứng sựng lại, rồi lọt tỏm vào cái vòng, rơi xuống đất.

- “Whoa!” Tuyệt thật! Hooper Cooper! Bob và Andrew chạy lại vỗ tay la ầm ĩ.

Thằng Jack nở mũi ném mấy trái liên tục, trái nào cũng vào rổ đẹp hết biết. Bọn trẻ hò hét, kéo lại thật đông. Nó ngồi xem mà thấy khâm phục thằng Jack vô cùng. Nó cũng mê chơi banh lắm nên định khi nào thằng Jack bớt ác cảm với nó, nó sẽ xin hắn tập chơi.

Tiếng Anh nó chưa giỏi, nhưng toán thì “khỏi chê!” Nó giải được hết những bài tập thầy cho. Có nhiều bài nó giải xong, thầy nói nó giải ngắn hơn cách của ông vài bước. Một hôm, ông thầy bỗng nhiên giao cho nó một nhiệm vụ. Khổ nỗi, cái nhiệm vụ đó lại làm cho thằng Jack nổi khùng. Thế là chẳng những cái mộng học chơi bóng rổ của nó tiêu tùng, nó còn bị thằng Jack lôi vào “vòng ân oán.”

Hôm đó đến giờ toán. Ông thầy gọi nó:

- Hiệp! Tất cả bài tập em đã làm xong. Bây giờ em hãy đi vòng vòng giúp cho các bạn, nhất là Jack, hãy đến giúp bạn ấy!

Cực chẳng đã, nó bước lại chỗ Jack và nói, giọng tiếng Anh nặng trịch âm Việt:

- “Yu nít hép?” Bạn cần giúp không?

- “Nah!” Hắn gầm gừ và ném cho nó một cái nhìn giận dữ.

Nó quay lại bàn giúp cho Bob, Andrew, và các bạn chung quanh. Với toán không cần nói nhiều tiếng Anh nên nó giúp không mấy khó. Cuối cùng tụi bạn nhìn nó rạng rỡ biết ơn. Kể từ hôm đó, nó trở thành “tutor” của lớp toán.

Nhưng không phải với Jack. Hắn chả cần sự giúp đỡ của nó. Hắn ngồi gạch gạch, xóa xóa đến hết giờ cũng chỉ xong được có mấy bài. Khi Bob và Andrew chạy lại rủ đi ra ngoài, hắn điên tiết quẳng cây bút xuống:

- “Damn it!” Đồ khốn kiếp! Phân số với lại phương trình! Chả như bóng rổ, ném một phát là xong ngay!

Thằng Bob cười hì hì:

- Kêu thằng Hiệp nó giúp cho, mày sẽ làm nhanh lắm! Nó đã giúp tụi tao hiểu được nhiều phép giải rất “thần kỳ.”

- Mày câm đi! Tao, một “Hooper Cooper,” mà để cái thằng khù khờ nói tiếng Anh ngọng nghịu đó làm thầy hả? “No way!”

Ra ngoài, gặp nó ở một khúc quanh, Jack thộp cổ áo nó và dứ dứ cái nắm đấm:

- Ê! “Nước Mắm!” Bày đặc làm giỏi hả? Đừng bao giờ làm cho tao cảm thấy ngu ngốc trước mặt mọi người nghe! Liệu hồn đấy!

- Tôi…tôi…Nó xanh mặt, nhìn quanh cầu cứu. May mà thằng Jack bỏ đi.

Ba nó ngày xưa từng làm việc với cố vấn Mỹ nên tiếng Anh cũng tạm “đủ xài.” Ông xin làm ở một trạm xăng, má nó đi phụ bếp nhà hàng. Nhưng bán xăng được một thời gian thì bị cướp nên ông sợ quá xin nghỉ việc và đi bỏ báo. Tuy phải chạy đôn chạy đáo với việc làm nhưng ba má nó lúc nào cũng dành thời gian dạy dỗ nó. Tối nào ba nó cũng xem bài vở, nhắc nhở nó làm bài tập và rèn luyện tiếng Anh. Nó kể ba má nghe những chuyện ở trường, như là thư viện có nhiều sách đọc đã luôn và ông thầy kêu nó kèm toán cho các bạn. Nhưng nó không dám kể chuyện bị thằng Jack bắt nạt và cái tên “Nước Mắm.”

Lên lớp chín, lớp nó có hai thằng “nhất” được thầy cô và bạn bè nể mặt. Nó học giỏi nhất, thằng Jack ném bóng rổ giỏi nhất. “Một rừng không thể có hai cọp,” thằng Jack nổi điên mỗi khi nó được thầy cô khen. Hắn bẹo má nó:

- Hey, “Con tôm!” Cái đầu mày bé tẹo thế này, chỗ đâu mày chứa nhiều con số thế?”

Nó đã chịu đựng thằng Jack một năm rồi. Nhưng nó học càng giỏi thì hắn ngày càng làm tới, khi véo mũi, lúc kéo tai, hoặc ca bài “Nước Mắm” để chọc cười cho bọn nhãi. Dần dà nó cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến lớp. Đi đâu, làm gì nó cũng nơm nớp ngó trước nhìn sau để xem thằng Jack ở đâu mà tránh. Nó luôn bị ám ảnh bỡi cái mặt đen sì và cái nắm đấm của hắn. Trong cơn mệt mỏi, tuyệt vọng, nó muốn nghỉ học để đi phụ bỏ báo với ba.

Nhưng rồi có một việc xảy ra với nó. Hôm đó nó ôm trái banh cũ ra chơi một mình. Đang rê banh chạy loanh quanh, thình lình một thằng choai choai mặc đồng phục ở đâu chạy tới tung vào nó. Hai thằng ngã lăn ra đất. Ông Jim hàng xóm lật đật chạy ra:

- Trời ơi! Sao lại thế này? Mấy đứa có bị gì không?

Nó cười, nói không sao và giúp phủi bụi cho thằng nhóc Logan, con ông ấy. Ông thấy nó hiền nên bắt chuyện:

- Chú thấy cháu thường chơi một mình, cháu có muốn đi xem các bạn Hướng Đạo sinh họp đội không? Nếu cháu thích, chú sẽ đến nhà xin ba má đưa cháu đi chơi.

Nhìn thằng Loganmặc đồng phục rất oai, nó mừng quá liền nói cám ơn lia lịa.

Gần tối, ông Jim qua nhà nói chuyện với ba nó. Ông là một “Troop Leader,” trưởng đội Hướng Đạo thành phố. Hai người nói chuyện thật tâm đắc. Họ bàn luận về tiêu chí của Hướng Đạo, là phụ giúp gia đình và học đường rèn luyện cho thanh thiếu niên được mạnh mẽ, cường tráng từ tinh thần đến thể chất, có trách nhiệm, biết trọng danh dự, và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh để thành công dân hữu ích cho đời. Đặc biệt, giúp đào tạo bọn trẻ trở thành những lãnh đạo giỏi trong tương lai.

Tối đó ông Jim giới thiệu nó với đội Hướng Đạo và nó được chào đón rất niềm nỡ. Nó khoái quá, bèn xin ba má ghi danh vào đội ông Jim và trở thành một Hướng Đạo sinh ngay tuần sau đó. Ba nó được mời dự lễ tuyên thệ gia nhập đoàn. Ông vui mừng nhìn nó rạng rỡ trong bộ đồng phục, nâng tay chào và đọc theo lời tuyên thệ “Hoàn thành thật tốt nhiệm vụ đối với Thượng Đế và Quốc gia, chấp hành mọi luật lệ của Hướng Đạo, luôn giúp người, giữ gìn thân thể khỏe mạnh, tâm trí trong sáng, đạo đức, ngay thẳng.”

Từ ngày tham gia Hướng Đạo, nó cảm thấy tự tin, mạnh mẽ, tinh thần rất ổn định. Công tác đầu tiên của nó là theo đội đi volunteer tại một trung tâm homeless. Nhìn cuộc sống của những kẻ không nhà, nó chợt nhận ra là phải nhất quyết học để thành người hữu dụng. Và chẳng biết tự bao giờ, nó không còn cảm thấy run sợ trước thằng Jack nữa.

Nó tốt nghiệp cấp hai, hồi đó là lớp chín, hai năm sau khi đến Mỹ, và được đề cử đọc bài diễn văn. Má nó đã vui đến rơi lệ khi nhìn nó đọc rất hùng hồn và nhiều lần bị ngắt quãng bỡi những tràng vỗ tay nồng nhiệt.

Lên lớp mười, nó tưởng sẽ tránh khỏi cái “nợ đời” Jack. Ngờ đâu “ma dẫn lối quỉ đưa đường,” hắn lại một lần nữa ngồi cùng lớp với nó và thằng Bob. Nhưng hình như từ khi biết nó là một Hướng Đạo sinh, và nó cũng đã cao lớn, thằng Jack bớt “động thủ tay chân,” chỉ thỉnh thoảng phá nó bằng cách gào lên “Thằng Nước Mắm.”

Hè đến, ngoài việc lấy lớp “advance” ở trường college, nó theo đội đi leo núi, cắm trại, tập bơi, gây quĩ giúp người nghèo, hổ trợ US Army, và luyện kỹ năng sống trong hoang dã. Hoạt động nhiều, nó “ăn như hổ, ngủ như heo”và nó lớn nhanh như thổi. Ngày xưa, mỗi lần nó đem “report card” về khoe thì ba cõng nó chạy một vòng. Bây giờ, mỗi lần nó đem “report straight A” về, nó ẵm ba nó xoay một vòng, vì nó không nỡ để cái lưng còng của ba phải khòm thêm vì nó! Nó đã cao hơn ba rồi còn gì!

Thằng Jack vẫn gầm gừ với nó như “trâu trắng với trâu đen.” Nhưng lên cấp ba bận rộn và thi đấu thường xuyên, hắn ít có thời gian để quậy nó. Ngày kia, thằng Jack ném trật trái banh ra lề cỏ. Hắn bị quê với đám bạn nên vội phóng theo. Bất ngờ ống quần Jean của hắn móc vào cái trụ nước tưới làm hắn té nhào. Hắn đứng dậy nhưng lại ngã tiếp.

- Oh God…Trời ơi, tao bị gãy chân rồi! Hắn lăn lộn dưới đất la oai oái.

Mấy đứa con gái lật đật gọi 911.

Nó bước lại xem. Bàn chân phải của thằng Jack sưng vù nơi mắt cá, nó biết là hắn đã bị trẹo gân. Hồi còn ở Việt Nam, bác của nó làm nghề sửa trặc có chỉ nó cách “nắn gân” và nó thường dùng mỗi khi bạn nó đá banh bị trặc. Thấy thằng Jack rên la đau đớn, nó tội nghiệp và cái tâm Hướng Đạo “luôn giúp người” trổi dậy, nó ngồi xuống:

- Để tao xem thử.

Thằng Jack đang nhắm tít mắt kêu gào nên không biết là ai đã nói.

Nó cầm lấy bàn chân của hắn, xoa xoa nắn nắn, rồi bất thình lình giật mạnh.

- Úi da…Chết tao rồi! Thằng Jack rống lên. Mở mắt ra nhìn thấy nó, hắn thét lớn: - “Son of a bitch!” Thằng khốn kiếp! Mày muốn giết tao hả? Rồi hắn dùng bàn chân kia đạp vào mặt nó. Nó bật ngửa, choáng váng mặt mày, máu mũi tuông ra.

Khi xe cứu thương đến, thằng Jack đứng dậy đi tỉnh bơ. Nó thì bị đưa vào nhà thương may hai đường bên dưới mũi. Thằng Jack nói nó bẻ chân hắn để trả thù. Người lớn cũng có vẻ tin thế khi bọn trẻ khai “hai đứa không thích nhau từ lâu.” Vậy là từ ân nhân nó trở thành phạm nhân! Nó ức lắm, nhưng không thèm giải thích. Nhà trường vì nể tình hai đứa trò “đặc biệt” nên chỉ ra hình phạt “cấm đứa nọ lại gần đứa kia.” Sau này nó kể Bob nghe về cái nghề “sửa trặc” và bị hắn chửi, sao hồi đó không chịu nói ra. Bob có nói lại với thằng Jack, nhưng vì lúc ấy sắp tốt nghiệp nên mọi việc rồi cũng trôi qua.

Sau việc này, ba má nó la cho một trận. Sống ở Mỹ khi gặp chuyện, muốn giúp người thì gọi 911, không được đụng đến nạn nhân mà “ách giữa đàng mang vào cổ.” Nhưng việc ấy lại hóa hay cho nó! Không còn phải lo thằng Jack, nó lo “gặt” thành tích học tập ở trường và “hái” huy chương (merit badges) ở Troop Hướng Đạo, quyết chí lấy cho được cái đẳng cấp cao quí “Hướng Đạo Đại Bàng.” Nó luôn học “straight A” và lập rất nhiều thành tích khác. Tên nó được list trong Who’s Who book hàng năm.

Khi nộp đơn lên đại học, thành tích tốt của nó gồm một cái list thật dài. Đầu tháng Năm năm cuối lớp 12, nó được giấy báo cả bốn trường đại học nó nộp đơn đều nhận. Nó nhảy cẩn lên vì cái giấy báo của đại học Stanford. Nó cũng hoàn tất đủ 21 “badges,” chuyên hiệu yêu cầu cho cấp “Hướng Đạo Đại Bàng” trước khi nó18 tuổi. Trong buổi lễ trọng thể gắn huy chương “Eagle Scout Award,” ba má nó được hai Hướng Đạo sinh danh dự “hộ tống” lên khán đài. Họ cũng được vinh danh, và nhận chứng chỉ “Eagle Scout” cho nó cùng lá thư tuyên dương từ ông “Chief Scout Executive”của Hướng Đạo Hoa Kỳ.

Nó xếp hạng thủ khoa toàn khối 12 và được phát thưởng đặc biệt cùng với chín bạn khác, một ngày trước lễ tốt nghiệp High School. Nhà trường tuyên dương nó về thành tích học tập, tham gia nhiều hoạt động, volunteer, và đặc biệt, họ rất hãnh diện vì nó được nhận vào đại học danh tiếng Stanford. Má nó lại khóc khi nó đọc bài diễn văn tốt nghiệp.

Ngày nó tốt nghiệp Cử nhân cũng là ngày nó nhận việc tại một hảng computer. Ban ngày đi làm, ban đêm học tiếp, và nó tốt nghiệp Master cùng lúc vị hôn thê của nó vừa xong Dược sĩ. Vậy là “Tam hỉ lâm môn,” đại-tiểu-đăng-khoa nhập chung một cuộc. Nó đám cưới với cô Dược sĩ “khác họ cùng làng” rồi mua một ngôi nhà thật khang trang, có hồ bơi và vườn cây ăn trái, ở gần San Jose. Nó bàn với vợ, trở lại vừa học vừa làm để lấy bằng Tiến sĩ trong khi chờ đợi “thằng cu Tý” chào đời.

Tình cờ nó gặp lại Bob tại cuộc diễn hành “Holiday Parade” ở down town San Jose. Là fan hâm mộ, vợ nó muốn đi xem cho tận mặt ngôi sao ca nhạc kiêm nhạc sĩ tuổi “teen” Celeste Kellogg. Mãi lo chen lấn, nó lạc cô vợ, và giật nẩy mình khi Bob chụp lấy nó. Hai đứa mừng rỡ trò chuyện râm rang, quên luôn “super star” Celeste Kellogg đang trình bày bài "Handcuffed To Your Heart" cô mới vừa sáng tác. Bob kể đã tốt nghiệp kỷ sư điện tử, đi làm, và hiện sống gần đó. Tâm sự một hồi, đột nhiên Bob hỏi:

- Mày còn nhớ thằng Jack “Hooper Cooper” không?

- Trong mũi tao vẫn còn cái sẹo, làm sao quên được!

- Ừ, hồi đó nó quá đáng thật! Nhưng bây giờ nó tội nghiệp lắm! Lò mò nó cũng xong được Computer soflware Engineer. Nó làm cho hảng X. từ đó đến giờ, có vợ có con, rồi mua nhà ở gần nhà tao. Nhưng hảng của nó vừa mới bị phá sản. Giờ thì vợ bịnh con đau, tiền nhà khất mãi, điệu này vài bữa nữa nhà băng sẽ kéo thôi! Nó đang lên cơn điên, chạy kiếm job tứ tung. Nó nói chắc có ngày nó phải đi “cướp nhà băng” quá!

Thằng “Hooper Cooper,” cái biệt danh“Nước Mắm,” những tháng ngày bị bắt nạt, và cú đạp như trời giáng từ cái bàn chân đen thùi của hắn. Nó quên sao được mà quên!

Cuối tuần nghỉ sớm, nó lái xe rời hảng. Dừng lại chỗ bảng Stop trước cổng, nó bỗng cảm thấy hơi buồn vì cây thông già không còn lấp lánh ánh đèn Christmas. Người ta đã gỡ hết sau Tết Tây, mấy tuần rồi mà nó vẫn còn thấy nhớ. Ai cũng nói cây thông này là biểu tượng của công ty. Đúng vậy. Cây cao chọc trời, đứng ngạo nghễ giữa nắng lửa mưa dầu và luôn vươn lên xanh tốt. Cũng như cái hảng này. Dù nền kinh tế toàn cầu chao đảo ngã nghiêng, hảng vẫn tồn tại vươn lên cùng các chi nhánh khắp thế giới. Đó là nhờ công sức của mọi người, ai nấy đều cống hiến hết mình cho sự sống còn của hảng. Và họ đã được đền bù xứng đáng. Tháng trước, ông boss đã nói “You deserve it” khi trao cho nó cái “Certificate” và tờ check “Bonus” mà nếu ai nhìn thấy cũng phải “phát ghen.” Nó được chọn là một trong mười manager giỏi nhất năm, từ tất cả các chi nhánh trên toàn thế giới.

Ra khỏi xa lộ 101, nó quẹo vào Tully. Chỉ vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán của người Việt nên khu LionPlazarất nhộn nhịp, tấp nập kẻ ra người vào. Hàng Tết, hoa quả, bánh mức đủ sắc đủ màu chưng bày tràn ra tận cửa. Nó đến tiệm giò chả Đức Hương để mua bánh tét bánh chưng đem về cho cha mẹ hai bên ăn Tết. Má nó thường nói “bánh chưng bánh tét là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ ngày xuân,” nên nó ghé mua trước kẻo cận ngày sẽ hết. Cầm giỏ bánh còn nóng hổi trên tay, nó chạnh lòng nhớ lại cái Tết ngày xưa ở vùng kinh tế mới. Cuối tháng Chạp năm đó nó theo bọn trẻ trong làng, lên rừng chặt một khúc củi to cho má nấu bánh chưng, vác về giữa đường gặp một con trăng to rằn ri trông rất khiếp, nó hốt hoảng quăng luôn khúc củi, chạy thục mạng về tay không.

Ngang qua khu hội chợ của cộng đồng Việt, “Tet Festival,” đèn màu rực rỡ cùng tiếng náo nhiệt vọng ra làm nó thấy lòng vui khôn tả. Nó sẽ đưa cả gia đình đi xem hội chợ. Ai cũng nói đến Bắc Cali vào dịp Tết mà không đi xem hội chợ thì thật “uổng một đời,” vì chợ Tết San Jose đổi mới hàng năm với những màn múa lân múa rồng độc đáo, nào thi Hoa Hậu, trình diễn Thời Trang, rồi thì Paris By Night, lúc lại Trung Tâm Asia ca nhạc.

Lên đến down town, vợ nó bỗng gọi nói thèm ăn Big Mac. “Bà bầu” có khác, thèm là phải được ăn ngay, nếu không sau này “thằng cu sẽ chảy nước dãi,” má nó nói vậy. Nó tấp vào McDonald, order một cái Big Mac rồi ngồi chờ. Chợt có tiếng sột soạt ở bàn bên, nó nhìn sang thấy một gã dáng vẻ thiểu não, miệng ngậm cái ống hút, hút xoèn xoẹt vào cái ly đã cạn, mắt chăm chú nhìn tờ báo trước mặt, tay liên tục khoanh tròn. Thấy gã có vẻ quen quen, nó nhìn kỹ, nhận ra đó là thằng Jack. Nó đứng dậy, liếc thấy những chỗ khoanh tròn: Cần người dọn dẹp, làm vườn, phụ bếp…

- Hey Jack! Khỏe không?

Gã giật mình, ngước lên:

- Xin lỗi…you là…

- Thằng… “Nước Mắm”!

Jack trố mắt nhìn nó chằm chằm. Nó không còn là thằng “Nước Mắm” cà tong, rạm nắng ngày nào. Nó cao lớn, trắng trẻo, mặc com lê, xách cặp, dáng oai vệ lãnh đạo.

Nhớ lại chuyện cũ, gã ấp úng:

- Tao…tao…thật xin lỗi…hồi đó…

- Chuyện xưa rồi, bỏ đi! Nó nói, rút tấm danh thiếp trong túi đưa cho gã: - Mày đang tìm việc phải không? Lên trang web này, lấy hồ sơ xin việc điền vào, rồi mang resume đến gặp tao, tao sẽ nộp giúp! Nói xong, nó lại lấy cái Big Mac và bước ra xe.

Jack sững sờ dõi mắt theo chiếc Lexus vừa rời khỏi parking, rồi quay lại nhìn đăm đăm vào hàng chữ trên tấm danh thiếp:

“Hiep Le– Senior Engineering Manager”

Nhìn một hồi, gã bất chợt cười toe, rồi đưa tấm danh thiếp lên môi hôn một phát, nước mắt lấp lánh trên đôi gò má đen bóng, gã hét lớn:

- “God bless you!” Thằng “Nước Mắm!”

Phương Hoa – Xuân Quí Tỵ, 2013

Ý kiến bạn đọc
16/06/201301:52:05
Khách
Cám ơn Yến Tuyết đã đọc truyện và chia xẻ với bạn bè. Tấm hình đăng ở bài đầu tiên là "lấy đại" tấm hình sinh nhật, vì cái laptop bị "virus" nó quậy, nên đã không vừa ý bằng những hình khác, nhưng nghe Tuyết thích làm mình cũng được vui chút chút :)
Thanks
PH.
12/06/201310:23:58
Khách
Bài viết của chị em mới vừa đọc xong ngày hôm qua, bữa trước có mở Email ra nhưng máy của em " cùi bắp" quá nên không đọc được . Hôm qua xong việc trường, em sử dụng máy của cơ quan và đọc được 3 bài đăng của chị: Bằng Nail và bằng cấp; Con kiến kiện củ khoai; Thằng Nước mắm. Bài nào chị viết của có ý nghĩa rất sâu sắc, lời văn gãy gọn, rất hay; nhưng em tâm đắc nhất là bài Con kiến kiện củ khoai. Em rất khâm phục tinh thần cầu tiến, sự tự tin, óc sáng tạo , thông minh và năng động của chị. Mới đến đất Mỹ mà chị đã thể hiện rất rõ tài năng của mình, em phục chị sát đất đó. Em đã in 3 bài này để cho mọi người đọc. Cảm ơn chị đã gửi bài để cho tụi em đọc. Em chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ. ( Hình của chị trong bài đầu tiên trông thật đẹp đó, tiết là khi in ra chỉ là hình trắng đen) Thôi em phải về nhà, chào chị. Hẹn những bài viết sau nhé
03/02/201317:12:00
Khách
Chào các bạn quynh huong, conmeo, Mai, Le,

Cám ơn các bạn đã đọc và cho ý kiến. Sự quan tâm của các bạn giúp tác giả cố gắng hơn.
Chúc tất cả một năm mới hạnh phúc

PH
05/02/201306:04:05
Khách
Bài viết hay quá. Nhất định sẽ giới thiệu cho gia đình và bạn bè cùng đọc.
01/02/201309:40:23
Khách
K/G Việt Báo,

Không hiểu vì “trục trặc kỷ thuật” hay sao mà bài viết này khi đăng lại bị “chập mạch,” một đoạn văn ở trang giữa lại chạy lên đầu trang làm cho trang giữa bị thiếu, mất ý nghĩa, mà đoạn văn mở đầu thì bị dư, đọc cũng chẳng hiểu gì. Bài này đăng trong Báo Xuân cũng bị lỗi y như vậy. Báo Xuân thì không điều chỉnh được nữa rồi, hy vọng Ban Biên Tập vui lòng điều chỉnh lại dùm bài đăng trên online này để độc cho giả xem. Xin cám ơn nhiều.

Dưới đây là mấy đoạn văn đã bị lỗi:

Đoạn mở đầu, mấy hàng trong ngoặc là bị dư, xin làm ơn cắt bỏ: (Đến Mỹ, và được đề cử đọc bài diễn văn. Má nó đã vui đến rơi lệ khi nhìn nó đọc rất hùng hồn và nhiều lần bị ngắt quãng bỡi những tràng vỗ tay nồng nhiệt.
Lên lớp mười, nó tưởng sẽ tránh khỏi cái "nợ đời" Jack. Ngờ đâu "ma dẫn lối quỉ đưa đường," hắn lại một lần nữa ngồi cùng lớp với nó và thằng Bob. Nhưng hình như từ khi biết nó là một Hướng Đạo sinh, và) Mở đầu bài viết nguyên thủy là từ đây: Nó đến Mỹ cùng cha mẹ diện HO. Căn cứ theo tuổi trên giấy tờ, nó được xếp vào lớp tám. Ngày đầu đi học, má nó bới cho hộp cơm trưa, bà không biết nó mới qua thuộc diện con nhà nghèo, được ăn miễn phí. Cơm trắng và tôm bạc rim nước mắm là món ăn "quí tộc" mà hồi ở Việt Nam nó không mấy khi có dịp được ăn. Những ngày đầu ở Mỹ, nó chỉ thích mỗi món cơm trắng với tôm kho, ăn đến no chứ không bao giờ biết chán.

Và đoạn văn ở trang giữa, mấy hàng trong ngoặc là bị thiếu vì tụi nó “chạy” lên nằm trên đầu bài, xin làm ơn add vào dùm cho đầy đủ: Nó tốt nghiệp cấp hai, hồi đó là lớp chín, hai năm sau khi (đến Mỹ, và được đề cử đọc bài diễn văn. Má nó đã vui đến rơi lệ khi nhìn nó đọc rất hùng hồn và nhiều lần bị ngắt quãng bỡi những tràng vỗ tay nồng nhiệt.
Lên lớp mười, nó tưởng sẽ tránh khỏi cái "nợ đời" Jack. Ngờ đâu "ma dẫn lối quỉ đưa đường," hắn lại một lần nữa ngồi cùng lớp với nó và thằng Bob. Nhưng hình như từ khi biết nó là một Hướng Đạo sinh, và nó cũng) đã cao lớn, thằng Jack bớt "động thủ tay chân," chỉ thỉnh thoảng phá nó bằng cách gào lên "Thằng Nước Mắm."

Hè đến, ngoài việc lấy lớp "advance" ở trường college...

Xin cám ơn nhiều,
Phương Hoa
02/02/201317:40:04
Khách
Bài viết hay, bố cục rỏ ràng, đọc dễ hiểu và xác thực.
02/02/201317:35:34
Khách
Tác giả viết quá hay, diễn tả tâm lý của mỗi nhân vật rất đúng với thưc tế. Mai đọc bài này của tác giả không sót 1 chữ vì bài viết thật hấp dẫn. Cứ mỗi đoạn của câu chuyện là Mai liên tưởng đến thời đi học trung học khó quên của mình và bạn bè. Tác giả nói rất đúng với tâm lý và khó khăn của các con em người Việt tại hải ngoại, đánh thức cho các bậc cha mẹ cũng nên bỏ chút ít thời để quan tâm và chia sẽ cho con cái mình lúc còn đi học tiểu học hay trung học khi mới đặt chân đến nước Mỹ. Bài viết nói rất đúng về 2 chữ "nước mắm"...biết bao nhiêu cha mẹ người Việt ở hải ngoại phải đi làm thuê khổ cực để nuôi con cái thành "ông, bà bác sĩ" sau này. Hai chữ nước mắm nhắc nhở chúng ta luôn nhớ đến cội nguồn, thành công của chúng ta hôm nay là nhờ 1 phần công lao rất lớn của cha mẹ ông bà Việt nam chúng ta. Và chúng ta cũng hãnh diện mình là người Việt nam. Nói đến 2 chữ "nước mắm" không ai không biết 2 chữ Việt Nam. Cám ơn bài viết tuyệt vời của tác giả, 1 bữa ăn tinh thần vào buổi sáng cuối tuần.
02/02/201317:11:23
Khách
Sống ở Mỹ có cái khổ là dân nước ngoài hay ăn hiếp mình.
cho dù dân vn có đẻ ra ở Mỹ cũng vậy.
02/02/201306:29:04
Khách
Bài viết hạy . Phỏng đoán đây là câu chuyện có thực ngoài đời .

Ngoài ra, tui cũng xúc động khi đọc thấy hàng chữ "đến Mỹ... diện tị nạn chính trị theo chồng" trong phần giới thiệu về tác giả của bài viết .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến