Hôm nay,  

Chờ Nghe Tiếng Còi Tàu

23/01/201300:00:00(Xem: 233303)
viet-ve-nuoc-my_190x135Trước 30/4/1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn, truyện dài cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, và Tủ Sách Tuổi Hoa - hiện có trên trang mạng: http://tuoihoa.hatnang.com/ và http://www.camlinguyenthimythanh.com Sau ngày 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose, California từ năm 2003; từ 2009 Cam Li bắt đầu góp cho Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010. Bài viết mới của Cam Li được viết nhân Ngày Tưởng Niệm Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 2013.

Kính tặng
các chiến sĩ Hải quân VNCH

Thuở nhỏ, tôi thường chờ đợi nghe tiếng còi tàu trong những dịp đặc biệt, nhất là phút đón chào năm mới. Sau khi chuông chùa và chuông nhà thờ đổ rồi sẽ đến tiếng còi tàu. Còi hụ rất lâu, từ bến tàu Sài Gòn. Tôi nao nức lắm, tưởng tượng những con tàu thật lớn đang neo đậu, đang cất lời cùng với con người ca ngợi giây phút thiêng liêng. Không biết có bạn nhỏ nào giống như tôi không? Như thế đó! Và thật bình yên, tôi mở một trang giấy mới, ngồi ngay ngắn, “khai bút” đầu năm.

Tôi có ông anh họ làm lính hải quân - anh Sơn. Anh đi đi về về và thường ghé thăm Ba Má. Anh nói anh chẳng có quà chi đặc biệt cho cô em gái. Không lẽ anh vớt “hoa sóng” về cho em ư? Nghe buồn cười quá, giống như trong một bài hát, không giống thật. Nhưng anh có một biệt tài: khắc hình thiếu nữ bằng những viên phấn. Anh xin tôi những viên phấn nguyên vẹn - cái này thì tôi không thiếu, vì tôi hay làm cô giáo tưởng tượng, có bảng đen, có phấn trắng hẳn hoi. Và thế là chỉ với một lưỡi dao lam, anh Sơn khắc viên phấn thành cô gái. Cái đầu viên phấn có chút xíu thế mà anh khắc sống mũi cao, đôi môi cong dễ thương, rồi thì mái tóc, rồi thì thân hình mặc áo dài. Sau đó anh tô màu sơn dầu. Chưa hết, khi tác phẩm đã hoàn thành, anh Sơn nhúng cả “cô phấn” vào một ly sáp chảy lỏng rồi lấy ra. Thế là một bức tượng thiếu nữ nhỏ nhắn bóng láng được đặt đứng trên bàn, quá xinh. Tôi cung cấp cho anh Sơn đầy đủ “nguyên vật liệu”, học lóm nghề điêu khắc của anh, và thưởng thức những tác phẩm của anh.

Anh Sơn bảo đời lính biển không có gì vui, chỉ thấy biển và trời, nên các anh ai cũng tự học một “nghề” làm vui cho chính mình. Anh không biết rằng cái mà các anh thấy quen thuộc đến nhàm chán, lại là điều mà tôi ao ước được đến.

Sau này anh Sơn bị bệnh, phải sớm giã từ quân ngũ. Anh nói anh nhớ biển, nhớ trời, nhớ những con tàu đến điên cuồng.

**

Và rồi tôi có một lần được đi trên một con tàu: Dương vận hạm Vũng Tàu HQ 503.

Chiếc tàu này trong một kỳ nghỉ ngơi, đã được điều để giúp đưa nhóm sinh viên Dược khoa ra Nha Trang. Mùa hè 1973.

Đi bằng đường biển! Tôi vui sướng khôn tả. Mơ ước đã trở thành sự thật!

Dương vận hạm Vũng Tàu HQ 503! Ngay cái tên đã làm chúng tôi hình dung được một chiếc tàu vận tải thật lớn. Đúng như vậy! Boong tàu dài ơi là dài! Chúng tôi reo lên, và đã hát hò sinh hoạt suốt ngày trên boong tàu. Tôi khám phá một điều mà sau này tôi cứ dùng để chia sẻ như một “bí quyết” cho những người đi tàu, đó là: hát hò sẽ giúp chúng ta không bị say sóng. Và nguyên nhóm văn nghệ chúng tôi không ai bị chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn hay ói mửa gì cả. Trong khi đó những anh chị vào nằm trong các phòng kín mít lại bị “nôn tới mật xanh mật vàng”, kể cả mấy vị bác sĩ.

Thế nhưng có một lúc tôi cùng các bạn được vào trong hầm tàu, dưới sự hướng dẫn của một sĩ quan. Chúng tôi vào phòng máy. Không khí trong phòng nóng và ngột ngạt. Tiếng máy chạy ồn điếc tai. Không ai nghe được người khác nói gì. Rời phòng máy, chúng tôi được đi xem các nơi khác trong tàu, như phòng ngủ, nhà bếp, và cả phòng tắm và vệ sinh nữa. Dĩ nhiên những cái này là dành cho những người quân nhân sống đời hải hồ như anh Sơn của tôi vậy.

Ra khơi… biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viển vông, biết ta hãi hùng.

Ra khơi… thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới.

Chơi vơi… con thuyền trên sóng không nguôi, bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái.

Xa xôi… hỡi người trong viễn phương ơi, hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi… (*)

Tiếng hát cứ cất lên, tiếp nối nhau trong những bài ca tụng biển cả, kéo dài đến cuối ngày. Đêm trên biển mênh mông thật lạ lùng, thú vị. Chúng tôi thấy bờ biển Phan Thiết phía xa, đèn sáng cả một vùng,  thấy ánh đèn từ những chiếc ghe của ngư dân đi đánh cá đêm, lập lòe. Và trăng đêm rằm kìa! Một mảnh tròn sáng vằng vặc. Nó làm cho lòng người reo vui.

Sau những ngày chúng tôi đi du khảo ở Nha Trang, chiếc tàu theo hẹn đến đón chúng tôi về lại Sài Gòn. Nắng gió trên boong tàu làm mặt đứa nào đứa nấy đen sì.

Dương vận hạm Vũng Tàu HQ 503, tôi nhớ lắm! Không chỉ là nhớ con tàu, mà còn những người thợ làm việc mệt nhọc dưới phòng máy, những công nhân khu “hậu cần”, suốt ngày có khi không thấy mặt trời, cho đến những người lính thủy rắn rỏi nhanh nhẹn, những vị sĩ quan nghiêm nghị ở đài chỉ huy.

Đó là chuyện vui chơi. Năm tháng trôi đi… Có khi người ta không nghĩ đến chúng - những con tàu.

Nửa năm sau đó, một chiếc chiến hạm đã vĩnh viễn chìm vào sóng cả - Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10. Các chiến hạm của VNCH tham gia trận hải chiến Hoàng Sa ngoài chiếc Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10  còn có Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16), Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) và Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4). Chuyện đó thì không ai có thể quên. Hải quân Thiếu tá Nguỵ Văn Thà cùng 73 chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Cộng xâm lược.

Sóng khóc... Biển hờn...

 

alt

 

Hôm nay nhớ đến con tàu năm xưa mà mình đã hân hạnh đi về hai bận như với một người bạn đồng hành ngắn ngủi, tôi băn khoăn tự hỏi con tàu ấy đã ra sao. Sau ngày 30 tháng Tư 1975 tất cả những binh chủng không còn! Có chăng là còn trong trí nhớ và trong ngập tràn lòng biết ơn của những người từng sống ở thời ấy. Tôi tìm tòi tài liệu nơi cái thế giới “vi hữu” của tôi. Đây rồi, mấy dòng ngắn ngủi:

“Tháng 3/1975, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang trấn đóng tại Đại Lộc, Quảng Nam, được lệnh bàn giao khu vực trách nhiệm cho Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và xuống hai Dương vận hạm HQ 503 và HQ 504 tại cảng Đà Nẵng để về Sài Gòn. Cùng lúc đó, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 - Quân Khu 2, xin Bộ Tổng Tham mưu cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù tăng viện để lập phòng tuyến mới tại Khánh Dương. Sau khi đổ quân xuống Nha Trang, HQ 503 quay trở lại Đà Nẵng tiếp tục công tác di tản. Ngày 17 tháng 4/1975, trong công tác cứu vớt quân bạn gần vịnh Cà Ná, Bình Thuận, HQ 503 đã bị đạn pháo bắn trúng bên hông”.

(http://www.mekongrepublic.com)

Ở một trang khác:

“Trên đường lui binh về Nam, các chiến hạm Hải Quân, hoặc đã đầy người, hoặc đang chuyên chở vũ khí nặng, không thể giúp các đơn vị bạn tại Phan Thiết nhiều, như đã giúp những đơn vị khác từ các tỉnh miền Trung. ..

Tại vịnh Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận, HQ 503 đang tuần tiễu thì thấy một trực thăng bay quanh chiến hạm. Một mệnh lệnh vang lên từ máy truyền tin: “Mặt trời muốn nói chuyện”. Hạm Trưởng HQ 503 tức tốc chụp ống liên hợp. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi từ trực thăng đích thân ra lệnh cho Hạm Trưởng HQ 503: “Anh vào bờ vớt mấy thằng con của tôi.” Chỉ một câu đó thôi, rồi trực thăng biến dạng vào bờ.

Sau khi lấy ống dòm, nhìn vào bờ và thấy mấy toán Nhảy Dù đang dùng kính phản chiếu cấp cứu rọi ra chiến hạm, Hạm Trưởng HQ 503 liên lạc với Hạm Trưởng HQ 17, xin chỉ thị. Hạm Trưởng HQ 17 chấp thuận.

Vùng Cà Ná núi đá ra tận biển, cho nên việc đưa một chiến hạm vào sát bờ là không thể thực hiện được. Nhưng khoảng cách từ chiến hạm đến bờ cũng khoảng hai, ba trăm thước, không thể nào mấy toán Nhảy Dù có thể bơi ra. Thấy một số ghe tam bản đánh cá gần đó, Hạm Trưởng HQ 503 cho gọi họ đến, thương lượng. Những ngư phủ này đồng ý đưa mấy toán Nhảy Dù ra chiến hạm để đổi lấy hai “phuy” dầu cặn.

Vì ghe tam bản không có khả năng đi xa, Hạm Trưởng phải giữ chiến hạm càng gần bờ càng tốt. Trong vị thế như vậy, chỉ một sơ hở hay một cơn sóng bất thần hoặc một luồng gió mạnh cũng có thể đẩy chiến hạm lên bờ; mà mắc cạn trong lúc này là chết hết!

Để phòng ngừa mọi bất trắc, Hạm Trưởng chia nhân viên thành hai nhóm. Nhóm chỉ huy chiến hạm do Hạm Trưởng đảm trách; nhóm chỉ huy các ghe vào đón quân Dù do Hạm Phó phụ trách.

Chiều 16 tháng 4,  khoảng 5 giờ, công tác hoàn tất. HQ 503 vớt được 20 binh sĩ Dù.

Sau khi vận chuyển, quay mũi ra khơi, Hạm Trưởng HQ 503 giao chiến hạm cho sĩ quan đương phiên. Vào phòng chưa được bao lâu, Hạm Trưởng nghe tiếng gõ cửa gấp rút: “Hạm Trưởng! Hạm Trưởng! VC pháo ra tàu.” Hạm Trưởng chụp ngay ống liên hợp, ra lệnh cho đài chỉ huy: “Nhiệm sở tác chiến! Tăng tốc độ tối đa. Lái zigzag ra khơi. Gọi tàu bạn tới cứu!”

Ra lệnh xong, Hạm Trưởng chạy ngay lên đài chỉ huy. Hạm Trưởng vừa lên ngang phòng ăn, một trái đạn rớt ngay phòng vô tuyến. Sĩ quan vô tuyến bị thương. Hạm Trưởng ra lệnh cho hạ sĩ quan vô tuyến: “Gọi tàu bạn tới cứu!” rồi Hạm Trưởng tiếp tục chạy lên đài chỉ huy.

Vì nghĩ rằng khi chiến hạm bị trúng trọng pháo, điện sẽ bị hỏng, hệ thống điện thoại sẽ bị gián đoạn, Hạm Trưởng chạy vòng ra phía trước, bên ngoài đài chỉ huy, cầm ống hơi – không cần dòng điện – để chỉ huy, chứ Ông không vào đài chỉ huy, ngồi lên ghế Hạm Trưởng, với đầy đủ hệ thống chỉ huy toàn chiến hạm.

Hạm Trưởng vừa cầm ống hơi, bất ngờ một quả đại bác rớt ngay đài chỉ huy. Một sĩ quan và năm nhân viên trong đài chỉ huy bị tử thương! Hạm Trưởng bị sức ép, ngã xuống. Chỉ vài tích tắc, Hạm Trưởng HQ 503 bừng tỉnh và cảm thấy vật gì nhầy nhụa trong lòng bàn tay trái và máu từ trên đầu tuôn xối xả! Hạm Trưởng tưởng rằng Ông đã chết và vật nhầy nhụa trong bàn tay là não của Ông! Nhưng không hiểu một mãnh lực nào đó trợ giúp, Hạm Trưởng HQ 503  gượng đứng dậy, tiếp tục ra lệnh cho phòng lái (ngay dưới đài chỉ huy): “Tiếp tục lái ra khơi. Kêu tàu bạn tới cứu. Báo cáo Hạm Trưởng có lẽ đã chết!”

Nghe HQ 503 kêu cứu, HQ 17 phản pháo dữ dội.

Ra khỏi tầm đạn của VC, kiểm điểm lại, HQ 503 bị trúng 20 trái đại bác. Chiến hạm bị hư hại nặng, chỉ còn một máy. Hai mươi nhân viên chết và bị thương. Hạm Trưởng thoát chết!

(Trích từ HQ/VNCH Ra Khơi, 1975 (trang 143-145) của Điệp Mỹ Linh)

Hạm trưởng HQ 503, Trung Tá Hải quân Nguyễn Văn Lộc, hoài niệm:

 

“Biến cố 75, “Mộng Hải Hồ” của tôi tan biến cùng với sự sụp đổ của Miền Nam.  Tôi giã từ biển cả, được bạn đưa đi dung thân trên xứ lạ quê người.  Lòng tôi đau đớn, đau hơn cả vết thương trên đầu do một mảnh đạn 105 khi tôi đưa tàu vào bờ biển Phan Thiết để cứu binh chủng bạn.  Tàu tôi bị địch bắn trực xạ hàng loạt pháo 105.  Phòng chỉ huy của tôi bị nổ tung.  Một số sĩ quan và binh sĩ đã hy sinh tại chỗ.  Tôi nhờ đứng phía ngoài nên chưa ngã gục, nhưng đã bị ngất xỉu vì sức ép của đại pháo.  Tôi đã bị thương ở đầu vì một mảnh đạn xẹt qua.  Máu chảy ướt hết cả áo, tận đến thắt lưng mà tôi chẳng thấy đau.  Trong cơn nguy hiểm, hình như tất cả đều quên mình.  Sau một phút kinh hoàng, tôi tỉnh lại và đứng dậy tiếp tục chỉ huy bằng ống loa, ra lệnh cho tàu chạy zic-zac ra khơi, để tránh những luồng đạn ác nghiệt nối tiếp theo sau.

Ôi! mảnh đạn oan nghiệt kia, nó không kết liễu đời tôi để được trọn vẹn chung thủy với gần 20 đồng đội đã vĩnh biệt ra đi lúc đó, không có lễ lộc, không có vòng hoa, cũng không có điếu văn từ giã.  Nhưng các bạn đó là người của biển, đã hãnh diện bỏ mình ngay trên mặt biển, được biển đón về trong tiếng nhạc êm đềm không dứt. Trở lại là mảnh đạn oan nghiệt đó, nó không lấy đời tôi nhưng hình như đã hủy hoại một bộ phận trong não bộ của tôi, nơi đó có chức năng sinh sản chất dopamine, vì vậy đã gây cho tôi mang một cố bệnh, mà hiện nay trên thế giới chưa có thuốc chữa, chỉ có thuốc cầm chừng và giảm đau.  Cơn bệnh càng ngày càng trầm trọng và có lẽ nay đã đến giai đoạn cuối.  Bệnh của tôi, anh em ai cũng biết.  Có bạn đến thăm thấy bệnh tình của tôi, đã quay mặt che giấu những giọt nước mắt ứa ra vì thương cảm.  Tôi tiếu lâm: “Tôi đang enjoy bệnh của tôi mà!” …

Trích từ HQ/VNCH Ra Khơi, 1975 (trang 143-145) của Điệp Mỹ Linh.

 

Nguyên Hạm Trưởng Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ 503, Trung Tá Hải quân Nguyễn Văn Lộc, chịu đựng vết thương trong 30 năm, đã giã từ gia đình và bè bạn vào ngày 20 tháng 3 năm 2005 tại San Jose, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 68 tuổi.

**

Ôi những con tàu, hoặc đã chìm vào lòng đại dương hay đã bị dẫn dắt về một công xưởng nào đó, vẫn để lại những lời vang vọng. Lời của tàu mênh mang trong khói sóng. Đó là tiếng buồn của quê hương. Mấy mươi năm qua rồi, biển mẹ còn đau day dứt.

Tôi vẫn khắc khoải chờ nghe những tiếng còi tàu. Như chờ một mùa xuân.

 

Kính tặng các chiến sĩ Hải quân VNCH

Tưởng niệm Ngày Hoàng Sa 19/1/1974

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

19 tháng Giêng, 2013

vietbao.com

 

(*) Viễn Du, nhạc và lời của Phạm Duy

Ý kiến bạn đọc
21/01/202021:02:10
Khách
Cam Li NTMT hôm nay hân hạnh được biết những đoạn do Blog Vũ Thất trích dẫn là từ quyển HQ/VNCH Ra Khơi, 1975 của Điệp Mỹ Linh, từ trang 143 đến 145. Xin trân trọng cám ơn tác giả Điệp Mỹ Linh và giới thiệu đến quý độc giả quyển sách quý giá này. Cam Li sẽ đề nghị Việt Báo cho ghi chú thêm phần này. Cám ơn quý báo.
Cam Li NTMT
26/01/201311:08:27
Khách
Hay va Cam Dong ! Cam on chi Cam Li nhieu.
23/01/201322:38:07
Khách
Cám ơn Cam Li. Chúng ta cùng chờ một Mùa Xuân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến