Hôm nay,  

Còn Mãi Những Mùa Đông

12/01/201300:00:00(Xem: 134949)

Bài số 3790-13-29190vb7011213
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bài được chuyển bằng điện thư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và vui lòng sơ lược tiểu sử và bổ túc địa chỉ liên lạc.

***
Sáng nay sương mù xuống dầy đặc, che kín con đường trước mặt báo hiệu một ngày nắng gắt. Hai bên, rừng cây như đang còn say ngủ, chìm đắm trong một màu trắng đục của khí trời lành lạnh buổi đầu đông. Lẫn trong hơi nước chưa tan đó, đoàn tù lầm lũi co ro cất bước với đôi chân không, môi run lập cập đánh vào nhau dưới thời tiết giá rét. Hai tay họ ôm chéo lấy đôi vai trần gầy guộc cho đỡ lạnh vì mỗi người chỉ được phép mặc độc nhất một chiếc quần cộc khi ra “hiện trường” lao động mà thôi!
Trại cải tạo Đồng Phú của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh; nơi nhốt đủ loại tù, từ trộm cắp giựt dọc tới vượt biên, vốn được thành lập vào khoảng tháng Mười năm 1979 đến nay, nên nó còn có tên là Trường 10/79 đã trở thành nỗi tiếng là một trong các trại lao động cưỡng bức tàn ác nhất ở Miền Đông không chỉ vì sự bạo tàn của quản giáo, cai tù mà còn bởi sự khắt nghiệt của tiết trời độc hại do đuợc xây dựng giữa mật khu rừng thiêng nước độc của cộng sản trước năm 1975. 
Cắm cúi theo đám tù, cứ thế tôi cất bước đi cho đến khi mặt trời lên cao, sương giăng mỏng dần và dọi những tía nắng chói chang xuyên qua ngọn cây, kẽ lá làm lộ rõ con đường đất đỏ thì cũng là lúc có tiếng xe bò gõ lóc cóc phía sau. Chẳng mấy chốc chiếc xe vượt qua mặt chúng tôi rồi nhỏ dần phía trước. Nhìn con bò thở phì phò, nện từng bước chân nặng nhọc trên đường và thỉnh thoảng ông già lại vung roi quất trên lưng nó để đốc thúc, tôi nghe tê tái. Tiếng roi vút trong không trung và rơi trên lưng con bò cam phận làm lòng tôi quặn đau khi nghĩ tới hoàn cảnh của mình bây giờ cũng không thua gì con bò ấy! 

Khi chiếc xe bò sắp khuất khỏi tầm mắt của chúng tôi thì dường như có một vật gì đó ở sau xe rơi xuống và mặc cho bọn tôi kêu réo ông già vẫn không nghe. Lúc ông lão và chiếc xe mất dạng thì cũng là lúc đoàn tù lên tới. Hóa ra đấy là một tấm da bò đã thuộc xong và được buộc tròn lại bằng một sợi dây kẽm to. Sau một hồi lưỡng lự đội phó của chúng tôi sai mấy anh tù vác tấm da này giấu vào một bụi cây gần đấy. Buổi chiều trên đường về, đội phó cho lệnh ngừng lại mang lấy tấm da theo.
Đêm đó, toàn lán của tôi nhốn nháo, kẻ tới người lui nhộn nhịp. Sau khi bốn năm cấp trưởng hì hục cắt, chặt, chia xẻ tấm da bò ra làm chín mươi chín phần đều nhau trừ anh đội trưởng vì có thăm nuôi dư dả nên không cần thì từng người lần lượt đến nhận phần mình. Cầm miếng da bò được chia dài cở ba lóng tay và ngang chừng độ hai lóng, tôi phân vân không biết phải làm gì với miếng da này? Một số người chuẩn bị củi đốt từ chiều nên từng tốp dăm bảy người xuống bếp nấu những miếng da trên. Cuối cùng tôi cũng cùng với vài ba anh em khác bỏ chung các miếng da bò vào cái lon “guigoz” rồi đun sôi lên. Chúng tôi ninh cả tiếng đồng hồ với bao củi lửa và châm nước thêm năm bảy bận mà miếng da chỉ nở lớn ra thêm chứ không mềm! Khi kẻng báo ngủ vang rền khắp trại thì tính ra chúng tôi đã luộc mấy míếng da ấy hơn ba giờ đồng hồ. Mọi người phải ngưng nấu và vào chỗ ngủ. Không có cách nào khác, chúng tôi đành bỏ miếng da vào miệng. Tiếng nhai nhóp nhép vang lên khắp lán suốt đêm. 
Nhai hoài miếng da vẫn không đứt tuy nhiên dịch vị hai bên mép tiết ra làm cho miếng da bùi bùi cũng khá ngon. Càng về khuya cơn buồn ngủ càng đến gần khiến tôi phải suy nghĩ tìm giải pháp bởi lẽ không thể kéo dài hoài tình trạng này vì sẽ mất ngủ và ngày mai không đi lao động nổi, rất dễ bị “ăn đòn” nhưng nếu nhả bỏ thì tiếc quá, sau cùng tôi cố gắng nuốt đại nó vào bụng. Do nằm chớ không được phép ngồi dậy trong giờ ngủ nên vất vả lắm tôi mới nuốt được miếng da to ấy khiến tôi nhiều phen mắc nghẹn muốn trợn trắng, tưởng không thể thở được.

*
…Cuối năm 1988, trong một lần vượt biên khác, ghe tôi bị Đội Lưới Hoàng Khơi của Tỉnh Tiền Giang bắt trong hải phận Malaysia, cách giàn khoan dầu Tây Đức chừng khoảng ba giờ đồng hồ sau hai mươi sáu ngày lênh đênh trên biển. 
Có giàu tưởng tượng đến mấy chúng tôi cũng không bao giờ ngờ là chúng tôi lại bị ghe Việt Nam bắt ở đây. Sau khi tháo lấy sợi dây “belt” của máy ghe xong chúng cột ghe tôi vào ghe chúng và lôi theo trên đường vừa đánh cá vừa trở về Việt Nam. Chỉ đến lúc ở tù rồi thì chúng tôi mới biết là Đội Lưới Hoàng Khơi này vốn là ghe của bộ đội biên phòng. Nhiệm vụ của đội này là đánh bắt cá và bảo vệ lãnh hải nước mình nhưng trớ trêu thay chúng lại hay đi xâm phạm và đánh cá trái phép ở nước láng giềng hơn là làm nhiệm vụ! 
Một tuần lễ sau thì chúng tôi đã bị kéo vô tới bờ, được xe áp tải về trại giam tỉnh vaò lúc nửa đêm. Mọi người mệt nhừ sau chuyến hải hành kinh hoàng đầy bão tố phong ba, đói khát, hải tặc tưởng chừng không thể sống sót được trên biển thì giờ lại vô cùng thất vọng xen lẫn nơm nớp âu lo sẽ bị hành hạ, đánh đập, khủng bố tinh thần lúc lấy cung. Con đường mơ ước qua Mỹ giờ đã thành “quy Mã,” âu cũng là số phận! 
Gần ba tuần bị lôi lên lôi xuống để tra khảo, cuối cùng việc kết cung cũng hoàn tất bởi ghe vượt biên của chúng tôi không có chủ, chỉ toàn là khách nên mọi việc có vẻ dễ dàng hơn. Vào một ngày đẹp trời, nắng chói chang đang lung linh trên bãi cỏ ngọn cây thì bọn đàn ông thanh niên chúng tôi được gọi ra ngoài lao động. Thế là ngày ngày chúng tôi đi trồng bắp cải nồi hay tưới rau, gần Tết thì lo trồng dưa hấu. 
Một ngày nọ, chúng tôi được lệnh sang lò sản xuất đường của trại giam gần đó để dỡ mía từ trên xe xuống cho lò đường. Ngay từ tảng sáng, bọn tôi được gọi ra ngồi tập họp trước sân trại giam. 
Điểm danh xong, khoảng chừng ba chục người đàn ông tuổi từ mười tám tới năm mươi xếp thành hàng một rồi tay người này bị trói vào tay người kia và cột cách khoảng với nhau bằng mấy sợi dây dù đoạn từ từ tiến ra khỏi cổng trại dưới sự áp tải của một anh công an trẻ tên Hà, luôn mang súng AK-47 kè kè trên vai. 
Trời sáng tinh mơ, sương mai còn đọng hạt long lanh theo các bờ cỏ bên đường. Gió thổi nhè nhẹ, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh lẽo của muà đông đang bao trùm. Tôi tỉnh bơ cất bước dưới những cặp mắt tò mò, soi mói của dân chúng qua lại. Nhiều lần tù tội cho tôi một kinh nghiệm là ở tù thì bất cần, không lo gì cả vì có lo cũng vô ích, chẳng được gì, sung sướng được lúc nào hay lúc ấy. Do vậy mà tôi bước đi thật bình thản, hít thật sâu cái không khí trong lành vào lồng ngực mà cảm thấy vô cùng khoan khoái. Và lúc đoàn người lên đến Cầu Quay, ngang qua một tiệm hủ tíu đầy khách thì thấy toàn bộ đổ dồn ánh mắt về hướng chúng tôi. Một bà tuổi khoảng trung niên bước ra to nhỏ với mấy anh em dẫn đầu rồi trở vô nói vừa đủ cho mọi người nghe:
- Vượt biên! Vượt biên bị bắt!
Thế là trong quán bắt đầu nhốn nháo. Một đỗi sau, hai ba người cả đàn ông lẫn đàn bà cầm mấy lon sữa bò đầy cà phê sữa đá trong đó chạy ra đưa cho bọn tôi. Thấy chúng tôi vẫn không dám cầm họ chợt hiểu ý vôi vã tìm anh Hà xin phép cho chúng tôi được nhận mấy lon cà phê kia. Anh Hà vốn là một thanh niên hiền lành của thành phố này. Theo lời anh tâm sự thì sau khi thi hỏng đại học đôi lần anh đành xin vào nghành công an. Học chuyên môn xong, ra trường anh được điều về làm công an trại giam nên anh có phần thông cảm cho chúng tôi. Đôi lúc anh tỏ ra áy náy khi thấy bọn tôi lao động khổ cực mà ăn uống lại qúă thiếu thốn nên ít khi anh hành hạ hay bắt nạt bọn tôi. Do đó mà hôm nào anh dẫn đi lao động thì tụi tôi cảm thấy thoải mái, lòng mừng rơn!
Được anh đồng ý, bọn tôi cầm lấy mấy lon cà phê kia rồi lần lượt chuyền cho nhau uống. Hơn hai tháng, lần đầu tiên mới hớp lại ngụm cà phê sữa tôi nghe lòng sảng khoái và đầu óc lâng lâng khó tả. Cái lạnh của nước đá mang theo vị đắng cà phê trộn lẫn với sự ngọt ngào của đường sữa trôi xuống tới đâu là tôi cảm nhận được hương thơm của cà phê sữa lan tỏa tới đó trong cuống họng. Mọi người phấn chấn hẳn lên, nhìn mặt ai tôi cũng có cảm giác họ đang yêu đời hơn. Khi đoàn người xuống tới bên kia cầu thì thực khách trong quán lại đèo nhau trên hai chiếc Cub cánh én đuổi theo để tặng thêm cho chúng tôi mấy lon cà phê sữa đá cùng ba bốn gói thuốc Jet và Hero nữa. Đó là một ngày vui, khó quên!


Tháng Mười Hai, gió lạnh se sắt, đám tù cóng róng ra khỏi trại đi bộ lên Cầu Quay rồi băng ngang công viên Vườn Hoa Lạc Hồng xuống lò đường nằm tại Hai Giếng Nước của thành phố Mỹ Tho, cách biệt thự của bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân của ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa không bao xa, để lao động . Chúng tôi làm từ sáng đến khi mờ đất mới được dẫn về trại và sau nửa giờ tắm rửa chúng tôi được trả về phòng đợi ăn tối. Cơm phát cho tù thường là cơm xấu nấu từ gạo ẩm mốc được đựng trong một cái thau nhôm cho một phòng mười người, mà khi chia đều ra thì phần của mỗi người ước chừng được một to nhỏ. Đồ ăn thì vẫn là canh đại dương bí đỏ hay rau muống với một chén nước muối. Ăn xong thì đám tù ngồi tụm năm tụm ba tán gẫu cho đến lúc kẻng báo ngủ vang lên thì lại lăn ra nền xi măng của phòng mà ngủ không mùng mềm chăn gối chi cả để lấy sức cho ngày lao động sớm mai.
Ngày nọ, chúng tôi theo cán bộ Hà xuống Đồng Tâm, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ, đã trở thành nơi chuyên sản xuất gạch bốn lỗ để mang gạch về xây công an tỉnh trên một xe trọng tải cỡ lớn. Lúc xe chạy qua khỏi Hai Giếng Nước tới chợ Vòng Nhỏ thì chúng tôi xin anh Hà cho vào chợ mua ít rau quả cho buổi ăn trưa. 
Thời gian này tội vượt biên được nhà nước xem là một tội hình sự nhẹ chứ không còn bị ghép vào loại trong tội phản quốc như lúc trước nữa nên thông thường người bị bắt chỉ bị giam ba tháng, đóng phạt hai trăm ngàn đồng rồi sẽ được thả về để địa phương quản chế do đó mà phạm nhân ít nghĩ đến chuyện trốn trại thành thử ra việc canh giữ có phần dễ dãi hơn như cho ra ngoài lao động hay đi lại đó đây.v.v…vì thế việc chúng tôi xin vào chợ mua đồ ăn trưa nay chỉ là “chuyện nhỏ” đối với anh Hà. Hơn nữa nếu chúng tôi mua thức ăn thì anh cũng có phần vì tiêu chuẩn ăn trưa của công an quèn như anh thì cũng chả có gì!
- Nhanh nhanh nha!
Anh nói với theo khi bảo tài xế cho xe dừng lại bên ngoài, cả đám ào ào phóng xuống chạy tuốt vô chợ. Ở chợ này người ta bày hàng hóa hai bên lề của con đường nhỏ do đó việc mua đồ của chúng tôi cũng không mấy khó khăn. Đứa mua dưa chuột thằng lựa cà chua hay rau sống phần tôi thì chọn đậu rồng bởi vì hấu hết chúng tôi đều còn mắm ruốc hoặc thịt heo kho, khô, mặn mà gia đình thăm nuôi lần trước nên bay giờ chỉ cần rau tươi mà thôi. Tuy nhiên phiên chợ hôm nay khá đông người khiến chúng tôi bị chậm trể. Bà bán hàng càu nhàu khi tôi hối thúc bà cho đến khi bóng cán bộ Hà xuất hiện với khẩu súng trên tay, miệng giục giã:
- Thôi, thôi, không mua gì nữa cả. Ra, ra nhanh! Trễ giờ rồi.
Tôi liệng vội tiền lên sạp cho bà bán hàng mà không đợi lấy tiền thối và quơ lấy mấy trái đậu rồng rồi ba chân bốn cẳng dzọt ra ngoài theo những bạn tù mặc cho bà gọi giật giọng phía sau. Bấy giờ trong chợ dân chúng mới ngã ngữa ra lúc biết chúng tôi là tù chứ không phải người dân bình thường đi chợ. Khi tôi đứng yên trong thùng xe và xe chuẩn bị lăn bánh thì bà bán hàng cho tôi cũng vừa hơ hãi chạy tới. Bà kiểng chân lên cao đưa cho chúng tôi hai nải chuối xiêm chín vàng ươm, miệng mếu máo:
- Cầm lấy chuối này mà ăn nè tụi con.
Đoạn bà nhìn sang tôi:
- Bà cho con đó, thằng “chó con.” Thấy mày tao nhớ cháu nội tao quá!
Nói xong bà quăng lên xe hai chục ngàn đồng tiền đậu rồng mà tôi vừa trả bà khi nãy. Xe chạy xa, bóng bà già vẫn còn đó trong bụi mờ. Mắt tôi bỗng cay xè!
Hơn hai mươi năm đã trôi qua nhưng các kỷ niệm ân tình cao quý ấy của bà con Tiền Giang đối với tôi trong thời trai trẻ khi tôi gian nan đi tìm tự do vẫn còn lưu giữ mãi cho đến ngày hôm nay.

*
…Trại PFAC (The Philipppine First Asylum Camp) năm 1994, trước sân Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, hàng ngàn người lánh cư căng lều biểu tình ngồi. Họ ngồi như thế từ hơn cả tháng nay rồi. Họ đòi xem xét lại tiến trình thanh lọc người tị nạn có nhiều bất công, sai sót. Nhưng Cao Uỷ vẫn làm ngơ!
Sau gần năm năm sống vật vờ trên hoang đảo, đêm nay họ ngồi đây chập chờn trong gió lộng. Mùa đông đến dần. Giáng Sinh đến gần. Trong lúc khắp nơi người ta đang tưng bừng chào đón ngày trọng đại của nhân loại thì ở đây vẫn có các kẻ bất hạnh, ngồi van xin tình người trong cô đơn rét buốt. Đêm về sâu, gió từ đại dương thổi vào từng cơn, người lánh cư run lập cập, xúm xít ngồi sát vào nhau hơn để tìm hơi ấm. Gió thổi mạnh, bật tung tấm bạt che nắng gió, sương đêm. Người ta ơi ới gọi nhau, cùng nhau níu giữ lấy tấm bạt như níu lấy thân phận mình. Bên trong, văn phòng Cao Ủy vẫn im lìm, tối đen. Tình thương đã mệt mõi. Tình người đã chết. Thuyền nhân ơi! Trại tị nạn ơi! Thôi… đã xa vời!
Đoàn biểu tình bị Cảnh Sát và Thuỷ Quân Lục Chiến Phi giải tán bằng khiên với dùi cui, vòi rồng và xe cứu hỏa có “ambulance” theo hộ tống sau Christmas chấm dứt sáu mươi lăm ngày đêm, để lại trong lòng dân tị nạn Việt Nam ở PFAC nói riêng, tất cả các trại tị nạn ở Đông Nam Á nói chung, vết thương không bao giờ lành. Ngày nay dù ở bất cứ nơi đâu, người lánh cư dẫu hồi hương hay đã định cư mỗi khi nhớ đến tháng năm tủi nhục ấy thì dường như vết thương lại rướm máu và nhức nhối!
*
…Cuối tháng Mười Hai năm 2012. Đứng trong nhà nhìn ra cửa sổ, tuyết phủ khắp nơi. Mùa đông Ohio, nhà cửa, cây cối, xe cộ trắng toát. Năm nay tuyết rơi nhiều hơn năm qua. Trông cảnh vật im lìm, trắng tinh, như gấu ngủ mùa đông, tôi bỗng thấy buồn. Dư âm cuộc tàn sát hai mươi em nhỏ và sáu cô giáo ở Connecticut trước Christmas không bao xa là thảm họa, là nỗi đau khổ lớn lao nhất trong năm của đất nước này mà tới hôm nay mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn còn cảm thấy mệt, và giận.
Thương các em bé ngây thơ, đáng yêu, vô tội, chết tức tưởi ở tuổi thần tiên. Thương những gia đình vô cớ mất người thân yêu trong dịp lễ tết cuối năm làm tôi trở nên sợ hãi trước sự bắn giết bừa bãi, vì tôi cũng là người cha có con nhỏ. Súng chỉ là phương tiện. Dùng súng là đặc điểm từ lâu đời của nước Mỹ như một phương cách hữu hiệu của sự tự vệ tuy nhiên theo thời gian người ta đã dùng súng bán tự động (Semi- Automatic Firearms) để bắn giết lẫn nhau làm cho số thương vong thêm nhiều và bạo lực gia tăng khiến chuyện cấm sử dụng súng sát thương hàng loạt AWB (The Assault Weapons Ban) ra đời vì chỉ cần xài súng ngắn (Firearms) là đủ chứ không cần thiết phải có súng liên thanh như súng tấn công (Assault weapons) hiện nay. Do đó AWB đã được Quốc Hội phê chuẩn vào ngày 13 tháng 09 năm 1994 và được cựu Tổng Thống Bill Clinton ký thành luật trong thời hạn mười năm.
Giờ đây vì vụ thảm sát ở trường Sandy Hook, Connecticut mà các người bài trừ súng ống đã làm dấy lên làn sóng chống đối, đòi phục hồi lại AWB vốn đã hết hiệu lực. Nhưng đáng tiếc thay! Sinh mạng của con người không hơn tiền bạc và quyền lợi do vậy Ban Giám Đốc của Hiệp Hội Súng Trường Quốc Gia NRA (The National Rifle Association) luôn biện minh việc thảm sát bằng súng với một quan điểm khác để phản bác chủ trương cấm vũ khí nhằm bảo vệ công việc làm ăn của họ.
Ngoài ra, một số chính khách Mỹ không muốn làm sống lại AWB vì sợ sẽ lại mâu thuẫn với Tu Chính Án Số Hai là quyền sở hữu vũ khí cùng Tu Chính Án Số Một là tu chính án được xem như quyền tự do căn bản của người Mỹ. Hơn nữa, NRA là một hiệp hội lớn đầy thế lực có ảnh hưởng trong chính trường nước Mỹ, chi phối các chính trị gia nên xem ra đây là một vấn đề cấp bách và đầy khó khăn phức tạp, là một cục xương khó nuốt mà ông Obama phải tế nhị, khéo léo tìm cách giải quyết trong nhiêm kỳ hai này để đưa ra một đạo luật rỏ ràng về việc cấm sử dụng súng liên thanh cũng như kiểm soát chặt chẻ súng đạn sắp tới.
Nhưng bất luận thế nào thì mùa đông năm nay có thể nói là mùa đông tệ hại nhất bởi mức độ thương tâm của sự sát hại kinh hoàng, tang thương to tát không những cho lịch sử của nước Mỹ mà còn cho cả thế giới nữa. Việc đã xảy ra và đã qua, không luận bàn thêm nhưng điều quan tâm hiện nay là làm thế nào để tạo ra sự bình yên, ổn định xã hội cho mọi người ở đây, cho học sinh, nhất là bảo vệ tính mạng của các em nhỏ trong tương lai mới là chuyện chính yếu và đó cũng là liều thuốc công hiệu chữa lành đau thương hôm nay. Bởi thế tôi đã vào trang mạng “We The People” của Nhà Trắng để ký vào những thỉnh nguyện thư cấm sử dụng vũ khí liên thanh và xiết chặt việc kiểm soát súng mà nhiều người Mỹ đã yêu cầu Tổng Thống Obama có biện pháp, như một hành động cần thiết trong lúc này.
Mãi mê suy tư về một giải pháp khả thi cho ngày mai tôi quên hẳn thực tại cho đến khi một cơn gió lớn nỗi lên hốt theo một đống tuyết thật to chạy mạnh và va vào hàng rào cây thật xa nghe rào rào làm tôi tỉnh hẳn. Ngoài kia, tuyết lại rơi. Những mùa đông không bao giờ quên!
MiamiTownship, Ohio
Mùa đông 2012
Phong Trần (TPN)

Ý kiến bạn đọc
14/02/201316:05:51
Khách
Lại các chuyện đau lòng cùa vượt biên, của trai cưỡng bức lao động. Tù cộng sản thì chổ nào cũng khổ. Tội nghiệp! Xin hỏi tác giả, trong lần vượt biên bị bắt ở Malaysia thì trên ghe ấy có ai là anh Vũ Xuân Phượng, xạ thủ M79, em trai của Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Biệt Kích 81 Vũ Xuân Thông không? Nếu có thì chấc là tôi cùng tác giả đi chung trên con tàu bất hạnh ấy rồi. Chân thành cám ơn tác giả đã chia xẻ những chuyện buồn đó một cách thật lòng.
17/02/201305:13:29
Khách
Người ta thường nói "trái đất chỉ nhỏ bằng quả Phật thủ" thôi. Thật không ngờ lại gặp cố nhân ở chốn này và điều đó làm mình nhớ lại biết bao kỷ niệm của hơn hai mươi năm về trước khi cùng biết bao anh em thanh niên trai tráng đã chống chọi cùng phong ba bảo táp, biển sâu sóng dữ, hải tặc, đói khát suốt 26 ngày đêm để giành lấy sự sống cho moi người trong chuyến hải hành bất hạnh ấy. Giờ đây nhiều lúc nhớ lại dĩ vãng, mình thường cầu nguyện cho mọi người trên con tàu đó hôm nay được bình an và hạnh phúc. Nhân dịp đầu năm mới mình chúc cho bạn mọi điều may mắn, vạn sự hạnh thông.
23/04/201311:56:23
Khách
Tác giả đã trả giá đắt cho tự do. Bài học quý hiếm cho những ai tìm được tự do dễ dàng. Tác giả xứng đáng được sống tại USA, một người có lòng quan tâm tới nơi mình đang sống trước vấn nạn xã hội như sự kiểm soát súng hiện nay.
08/02/201318:07:27
Khách
Xin tác giả Phong Trần vui lòng liên lạc để trao đổi thông tin về trại cưỡng bức lao động có tên Trường T10/79 ở Đồng Phú, Đồng Xoài nơi có các các bộ kế hoạch Thế và Bạch. Xin cảm ơn. [email protected]
05/03/201319:54:07
Khách
Tác giả làm mình nhớ một thời tỵ nạn thân thương
05/03/201319:52:47
Khách
ok, bai hay.
29/01/201313:13:35
Khách
Để chuyển tải cho hết một tâm tư, đôi khi cũng cần ngọn ngành. Hay
29/01/201312:42:42
Khách
Tác giả làm mình nhớ một thời tỵ nạn thân thương
01/02/201314:48:48
Khách
Cám ơn tác giả đã ghi lại các bài học vô cùng qúy giá về lòng kiên trì, hy sinh to lớn trên đường tìm tự do, lánh nạn Cộng Sản Việt Nam sau năm 1975 của người dân đúng như Martin Luther King Jr. đã nói "freedom is not free" cũng như nỗi niềm lo lắng cho sự an nguy của mọi người trong xã hội Mỹ, quốc gia mà tác giả định cư, trước vấn nạn to tát hiện tại là làm sao để kiểm soát súng đạn có hiệu quả tránh sự bắn giết bừa bãi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,826,731
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Tác giả lần đầu đến với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bài và hình ảnh do thân hữu chuyển đến bằng eMail. Mong Huyen Lam sẽ bổ túc địa chỉ liên lạc và tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ
Đêm Giáng Sinh, mời đọc bài kể về thùng quà đặc biệt nhận từ bưu điện Mỹ. Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Giáng Sinh.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 2 hãng điện thoại Mỹ. Năm 2012, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, Thiên Đàng Còn Xa. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến