Hôm nay,  

Mai Nở Giữa Mùa Đông

09/01/201300:00:00(Xem: 218978)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ chồng. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.

Khi những tiếng nhạc rộn ràng Jingle Bells! Jingle Bells! mừng Giáng Sinh, rồi tiếp theo là Happy New Year ! thánh thót, vui tươi của nhóm nhạc ABBA vừa chấm dứt. Người ta biết một mùa Giáng Sinh nữa đã trôi qua và năm mới đang bắt đầu.

Tuyết vẫn rơi. Mùa đông đang hiện hữu. Năm nay cả nước Mỹ đón Giáng Sinh và Tết trong không khí âm u, lạnh lẽo. Lạnh lẽo vì thời tiết khắc nghiệt- mưa bão, tuyết, thiên tai… Âm u vì nền kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng. Bao nhiêu người thất nghiệp, mất nhà cửa. Chưa bao giờ ở Mỹ hình ảnh những người homeless xuất hiện nhiều ở các ngả tư đèn xanh, đỏ như bây giờ.

Thêm vào đó là những biến cố thời sự dồn dập, những vụ nổ súng, bắn giết dã man xảy ra vào những ngày cuối năm. Đau lòng nhất là vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut khiến bao trẻ thơ vô tội bị giết chết và người dân Mỹ vẫn chưa hết kinh hoàng, đau đớn.

Trong cái giá lạnh, ảm đạm của mùa đông. Đâu đó trong những ngôi nhà, những cộng đồng người Việt ở hải ngoại lại vang lên nhạc khúc mừng Xuân quen thuộc “ Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”. Hay “Con biết bây giờ mẹ chờ, em mong. Khi thấy Mai vàng nở đầy bên hiên…”. Dường như những lời nhạc Xuân năm nay của người Việt cũng chất chứa nỗi nghẹn ngào, xúc động hơn. Chúng ta đã cùng cảm nhận và chia sẻ những nỗi đau đớn, mất mác chung với nước Mỹ.

Do sự khác biệt của ngày tháng âm lịch. Người Việt ở hải ngoại thường đón Tết Việt Nam vào tháng hai, giữa mùa đông lạnh lẽo dù nhiều nơi chẳng thấy hoa mai, hoa đào nở. Hay pháo nổ đì đùng đón mừng năm mới đến.

Qua Mỹ gần hai mươi năm theo diện HO. Định cư tại một thành phố nhỏ xa xôi, ít người Việt. Ngọc chưa từng một lần được hưởng không khí Tết Việt Nam như ở quê nhà. Những năm ngày Tết Việt Nam rơi vào ngày thường. Vợ chồng, con cái Ngọc vẫn đi làm, đi học như thường lệ.

Tuy vậy, Ngọc vẫn giữ gìn phong tục, tập quán ngày lễ Tết cho gia đình, con cái. Ngọc cũng cúng giao thừa. Nấu bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, dưa giá. Lì xì cho các con để cả nhà cùng có không khí Tết Việt Nam dù đang sống xa quê hương.

Sau những ngày lễ rộn ràng cuối năm. Bệnh viện Grand Strand trở lại cuộc sống thường nhật và Ngọc vẫn tất bật với công việc hàng ngày của mình.

Mười tám năm sống dưới chế độ cộng sản từ sau năm 75. Vợ chồng Ngọc đến được vùng đất hứa tự do khi tóc không còn xanh và hai con còn nhỏ dại. Nhờ một người quen giới thiệu Ngọc xin được một chân quét dọn, làm vệ sinh ở bệnh viện này để nuôi chồng đi học lại. Ngọc định khi chồng ra trường, có việc làm ổn định thì nàng sẽ quay lại trường và trở về với nghề Sư Phạm của mình.

Nhưng những năm tháng tù đày, học tập cải tạo, bương chải ở những vùng kinh tế mới đã giết chết tương lai và mơ ước của gia đình Ngọc. Đi học được hai năm, chồng Ngọc sau một cơn bạo bệnh đã qua đời. Từ ngày chồng mất Ngọc không dám thay đổi công việc của mình – vì cuộc sống, vì bảo hiểm y tế, vì tương lai của hai con. Đôi lúc Ngọc cũng mặc cảm với nghề nghiệp thấp kém của mình nhưng Ngọc không bao giờ than thân trách phận. Đời vợ lính trải qua bao gian nan, vất vả đã rèn luyện cho Ngọc tính nhẫn nại, chịu đựng và hy sinh.

Bước vào tuổi sáu mươi và với công việc nặng nhọc, Ngọc thấy sức khỏe của mình ngày càng đi xuống. Vài ba năm nữa khi các con tốt nghiệp đại học nàng sẽ về hưu. Ngọc đinh sẽ về Việt Nam thăm quê hương, bà con, mồ mả của hai bên nội ngoại. Ý tưởng đó đã giúp Ngọc thêm sức mạnh để đi nốt cuộc đời còn lại của mình.

Mùa đông năm nay thời tiết lạnh hơn mọi năm. Những tin tức về vụ thảm sát trẻ em ở trường học Sandy Hook trước Giáng Sinh vài tuần vẫn làm Ngọc đau đớn, mất ngủ. Hình ảnh các em học sinh thơ ngây, vô tội cứ ám ảnh nàng. Ngọc như người ốm nặng, lê chân đẩy chiếc xe con đựng các vật dụng làm vệ sinh từ phòng bệnh nhân này sang phòng bệnh nhân khác như một kẻ mất hồn.

Bỗng dưng Ngọc choáng váng, suýt ngã. Từ phía hành lang vắng lặng của bệnh viện, Ngọc thoáng thấy bóng dáng hai vị bác sĩ đi ngược lại với mình, hai tay Ngọc chới với. Dù đang bận rộn với những bước chân nhanh, tay cầm xấp giấy tờ và đang trao đổi công việc với nhau một cách nghiêm trọng. Thấy Ngọc lảo đảo, chiếc xe trong tay lạc hướng. Một vị bác sĩ kịp đỡ Ngọc. Vị bác sĩ kia lên tiếng:

- Bác ơi! Bác có sao không?

Ngọc mở mắt chưa kịp tỉnh hồn thì bác sĩ Nguyễn lại hỏi dồn dập:

- Bác! Bác có phải là cô giáo Ngọc không ?

Ngọc đang còn bất ngờ, khẽ gật đầu thì bác sĩ Nguyễn đã nắm hai vai Ngọc lắc nhẹ rồi lễ phép:

- Thưa Cô! Con là Mai - học trò của cô ở Rạch Giá đây! Cô còn nhớ con không?

Ngọc không tin vào mắt mình: trước mặt nàng là một vị bác sĩ trẻ tuổi dáng thanh mảnh, nước da trắng trẻo. Tấm bảng tên trên ngực áo ghi rõ tên họ Dr. Mai Nguyễn. Ngọc nhíu mày cố gắng hình dung lại mấy chục học trò nhỏ của nàng ở trường tiểu học Rạch Giá.

Bỗng Ngọc nhớ ra:

- Mai! Em là “Mai con gái” phải không ?

Bác sĩ Nguyễn ngượng ngùng, vui sướng gật đầu. Rồi quay sang vị bác sĩ Mỹ đồng nghiệp và những người làm việc chung quanh đang tò mò nghe ngóng chuyện. Bác sĩ Nguyễn chỉ vào Ngọc- một người công nhân làm vệ sinh ở bệnh viện, hãnh diện giới thiệu:

- Thưa quý vị ! Đây là Cô giáo Ngọc. Người đã dạy tôi học thuở còn bé ở Việt Nam ngày xưa.

Trong phút giây hội ngộ cảm động đầy nước mắt với người học trò tiểu học năm xưa. Ngọc nhớ lại bài tập đọc xa xưa trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư cuả Trần Trọng Kim. Chuyện về ông Marie Francois Sadi Carnot- Một vị quan to nước Pháp. Sau khi thành tài, trở về trường cũ thăm thầy đã chào hỏi lễ phép và thưa rằng:

- “Tôi là Carnot- học trò của thầy đây. Thầy còn nhớ tôi không?“

Rồi quay xuống lớp ông nói với các học trò:

- Ta bình sinh nhất là ơn Cha, ơn Mẹ. Sau là ơn Thầy. Nhờ có Thầy dạy bảo ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.

Cái tên “Mai con gái” đã khơi dậy ký ức đầy kỷ niệm một thời tuổi trẻ của Ngọc.

Thuộc diện “Gia đình nguỵ quân, ngụy quyền”, có chồng đi học tập cải tạo. Ra trường Sư Phạm Ngọc bị đổi về các vùng xa xôi, hẻo lánh dạy học. Số phận đưa đẩy khiến Ngọc trôi giạt về vùng Rạch Giá- một địa danh lý tưởng cho những người muốn vượt biên thời bấy giờ.

Học trò của Ngọc khoảng trên dưới hai chục đứa, đa số nghèo khổ lem luốc. Cuộc sống xa nhà khổ cực, thiếu thốn đôi lúc khiến Ngọc nản lòng muốn bỏ nhiệm sở về Saigòn. Nhưng mỗi lần nhìn xuống những gương mặt thơ ngây, hiền hòa. Những ánh mắt buồn bã đầy hy vọng, tin tưởng của đám học trò nhỏ, Ngọc lại thấy xót xa, ngậm ngùi. Một lý do chính khiến Ngọc định từ bỏ cái nghề “gõ đầu trẻ” vì Ngọc không muốn gieo những hạt mầm đỏ xuống những tâm hồn bé thơ, trong trắng cho các học trò của mình.

Nhớ một lần Ngọc đã không cầm được nước mắt khi nghe một em học sinh hỏi:

- Cô ơi ! con không muốn hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ. Râu bác dài, tóc bác bạc phơ…” Con chỉ muốn mơ gặp ba thôi. Sao ba đi học tập lâu quá hổng dìa? Con nhớ ba quá à!

Ngoài việc dạy học Ngọc còn có bổn phận theo dõi, báo cáo tư tưởng, hành động của từng học sinh và gia đình dù các em còn nhỏ dại. Điều này cũng dễ hiểu vì trong lớp học thỉnh thoảng có em học sinh “biến mất”. Ngọc ngầm hiểu rằng gia đình em đó đã đi vượt biên. Trong những bảng báo cáo, Ngọc thường nêu các lý do để che chở cho học sinh của mình: Vắng mặt! Vì gia đình nghèo, không đủ khả năng cho con đi học. Đi xứ khác làm ăn hay đi lao động vùng kinh tế mới. Ngọc cũng không quên cầu nguyện cho gia đình các em đi thoát được.

“Mai con gái” là một học sinh đặc biệt của Ngọc. Gia đình em thuộc loại khá giả và từng bị đánh tư sản mại bản nên cũng nuôi ý định vượt biên. Mai vóc dáng nhỏ nhắn, nước da trắng hồng, tánh tình dịu dàng, nhỏ nhẹ như con gái. Mai thường bị các bạn trong lớp trêu chọc:

- Lêu lêu! Con trai mà tên con gái !

- Thằng Mai đúng là “Mai con gái “ tụi bây ơi !

Tánh tình nhút nhát bị bạn bè trêu chọc, Mai thường chỉ trốn ở góc lớp thút thít khóc.

Qua tìm hiểu Ngọc được biết: Ba má Mai có ba người con trai. Ông bà ao ước có thêm một đứa con gái cho đủ nếp, đủ tẻ.

Mai là đứa con cầu, con khẩn và bà má còn đặt tên trước cho con là Mai với hy vọng điều cầu xin của mình sẽ được như ý. Mai còn có ý nghĩa mùa Xuân vì hai người biết đứa con thứ tư sẽ chào đời vào đúng mùa Xuân.

Oái ăm thay đứa bé chào đời lại là con trai. Có lẽ do ảnh hưởng tinh thần trong chín tháng mang thai của người mẹ, cậu bé trông xinh xắn, dễ thương như một cô bé. Tuy thất vọng nhưng nhìn đứa con trai với da trắng, tóc đen tuyền, đôi môi đỏ chúm chím. Người mẹ quyết định vẫn đặt tên con là Mai- Nguyễn Văn Mai.

Mai rất thông minh và chăm chỉ. Ngọc thường đem những thành tích học tập xuất sắc của Mai để làm gương tốt cho học sinh. Dần dà các bạn học tỏ vẻ thán phục và bớt chọc ghẹo Mai. Riêng Mai, cậu bé luôn nhìn Ngọc với ánh mắt biết ơn, khâm phục. Ngày càng cố gắng học tập hơn để đền ơn cô giáo của mình.

Một hôm cuối giờ học. Như thường lệ Mai ở lại giúp Ngọc lau bảng, nhặt phấn, sắp xếp tập vở. Chợt Mai kề sát tai Ngọc nói nhỏ:

- Gia đình con có ghe đi trốn. Cô có muốn đi với con không ?

Ngọc hốt hoảng đưa tay bịt miệng cậu học trò nhỏ dại dột:

- Nguy hiểm lắm, con biết không? Đừng nói với ai chuyện này.

Rồi Ngọc vội vàng ra khỏi lớp, bước nhanh về hướng phòng trọ dành cho giáo viên của mình.

Hôm sau trò Mai “biến mất” khỏi lớp học. Ngọc rất hồi hộp, lo lắng nhưng vẫn tỏ ra điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

Ngọc tự cho rằng mình đã quyết định đúng khi từ chối một cơ hội tốt đi vượt biên mà bao người mơ ước. Lúc đó chỉ một ý nghĩ duy nhất đến với Ngọc: Cả hai thầy trò cùng “biến mất” một lúc. Chuyện vượt biên của gia đình Mai sẽ bại lộ ngay và hậu qủa thật khó lường.

Sau chuyện này Ngọc bị công an, ban giám hiệu của trường khủng bố tinh thần cả tháng với những bản tự kiểm điểm viết tay mỗi ngày khiến tinh thần Ngọc sa sút rõ rệt.

Cuối cùng trường sa thải Ngọc với lý do như một bản án tử hình: Tiếp tay với gia đình học trò, bao che tổ chức vượt biên, chống phá cách mang.

Ngọc trở về Saigòn và cuốn hút theo dòng đời nghiệt ngã cho đến ngày định cư tại Mỹ với gia đình nhỏ của mình.

Quá khứ tưởng chừng đã lãng quên tất cả theo từng cơn gió xoáy của cuộc đời. Nhưng dường như vẫn còn ngủ yên trong một góc tim nào đó của Ngọc.

Sau buổi hội ngộ bất ngờ với cô giáo cũ của mình. Bác sĩ Nguyễn hẹn đưa vợ con tới nhà thăm Ngọc. Hai con của Ngọc đi học xa chưa về. Xin phép thắp một nén nhang cho Thầy, Mai nói với giọng bùi ngùi:

- Ngày xưa con chưa được hân hạnh gặp Thầy. Nhưng con vẫn ghi lòng để dạ công ơn dạy dỗ, che chở, thương yêu của Cô như một người mẹ hiền. Con mong từ nay được ở gần bên cô, chăm sóc các em như em ruột của mình.

Các em học sinh nhỏ của trường Sandy Hook bắt đầu đi học lại. Người ta cố tìm những biện pháp hữu hiệu để giúp các em cảm thấy yên tâm và quên đi những hình ảnh kinh hoàng của vụ thảm sát. Nhưng liệu các em và mọi người có quên được dễ dàng chăng?

Cũng như Ngọc- ngoài hình ảnh thơ ngây, xinh đẹp của các em học sinh vô tội. Làm sao Ngọc quên được hình ảnh vị Hiệu trưởng và các Cô giáo khả kính ở Newtown, đã dùng thân mình chắn đạn, che chở cho học trò của mình. Sự hy sinh của họ được tôn vinh như những vị anh hùng giữa cái thiện và cái ác của lòng dạ con người.

Ngọc không dám so sánh mình với những vị anh hùng này. Ngày nay gặp lại những em học sinh cũ một thời của mình, Ngọc chỉ cảm thấy hãnh diện và tin tưởng rằng: Những người đã lựa chọn và gắn bó cuộc đời mình với nghiệp “gõ đầu trẻ”, đều mong ước gieo những hạt mầm tốt đẹp về kiến thức, sự thương yêu và lòng nhân ái.

Ngọc mỉm cười trong hạnh phúc: Cuộc đời này vẫn tươi đẹp và luôn có những bất ngờ như hoa Mai vẫn có thể nở giữa mùa đông. Tâm hồn Ngọc cảm thấy ấm áp hơn dù trời vẫn chưa vào Xuân.

Hải Âu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến