Hôm nay,  

Con Sáo Sang Sông Trên Đất Mỹ

31/12/201200:00:00(Xem: 333467)
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009, và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Đón năm mới 2013, mời đọc bài viết cuối năm của Khôi An kể chuyện về thanh âm, ca nhạc.
vb2_12-31_3mien
Ba cô kỹ sư ca sĩ dân ca ba miền tại tiệc tất niên Hội người Việt trong công ty Intel.
Từ bao năm nay tôi có một cái lệ cho riêng mình: sáng đi làm nghe đài radio Mỹ, chiều về nghe đài Việt Nam. Làm hoài thành thói quen, rồi lâu ngày trở thành chuyện tự nhiên, cho tới gần đây tôi mới tự thắc mắc tìm hiểu lý do. Và tôi nghiệm ra rằng mỗi ngày từ khi lùi xe ra khỏi garage là tôi đã chuẩn bị tư thế ứng phó với việc làm. Những câu hỏi đến từ cấp trên và cấp dưới, từ văn phòng cùng dãy tới phía bên kia địa cầu; những buổi họp với người gặp hàng ngày và qua internet với người chưa bao giờ biết mặt; những khúc mắc giải quyết được trong năm phút hay những vấn đề có thể làm công việc khựng lại cả tháng …. chuyện gì cũng có thể xảy ra trong ngày. Sáng sớm khi nghe những tin tức nóng hổi và gắn liền với đời sống chung quanh từ đài radio Mỹ, đối với tôi, giống như người thợ vô dầu mỗi sáng trước khi đề máy. Còn buổi chiều khi công việc đã xong, tôi chọn tiếng Việt để đồng hành với tôi trở về nơi bình an đang chờ đón. Có những ngày đầu óc mệt mỏi, không cần chú ý lắng tai, tiếng Việt thân thương nghe sơ vẫn hiểu, câu nhạc quen thuộc dù bật lên nửa chừng cũng vẫn đầy âm điệu thân mến, du dương…

Một hôm sửa đường, kẹt xe quá sức. Ngồi trên xe nhích nhích, cứ mười phút radio lại báo “quãng xa lộ 237 West dẫn vào Santa Clara vẫn còn kẹt cứng như bãi đậu”, tôi hết muốn nghe. Vói tay nhấn nút chuyển qua đài Việt Nam, bỗng cái gì đó chụp lấy sự chú ý của tôi. Một giọng nói. Không phải là giọng của xướng ngôn viên chuyên nghiệp mà là một giọng nói địa phương miền Trung.

Nghe tiếp tôi mới biết đó là trích đoạn phỏng vấn một giáo dân tại Cồn Dầu, một giáo xứ nhỏ bé ven sông Hàn, Đà Nẵng. Thêm một chuyện công an và chính quyền địa phương thừa lệnh những thế lực bí mật trên cao ngang nhiên đánh dân tới chết để bật gốc họ khỏi khu đất có vị trí đẹp. Người ta muốn biến những mảnh đất đẹp đó thành khu “sinh thái”, thành đô thị thượng lưu, nơi một căn biệt thự trị giá hơn tài sản của hàng chục thế hệ người dân đã đổ mồ hôi nước mắt khai phá và xây dựng chính khu đất đó. Chuyện Việt Nam bao giờ cũng làm tôi đau lòng, suy nghĩ, nhưng lần đó giọng nói mới là điều đưa tư tưởng của tôi đi xa. Giọng Đà Nẵng tình cờ gặp giữa SanJose sao thân thương quá! Cách phát âm đặc biệt, lâu lắm mới được nghe một cách chân chất, không chút sửa sang, gợi lên cái gì nao lòng bàng bạc mà chính tôi cũng không gọi tên được.

Giống như cảm giác chợt nghe một bài dân ca ở thành phố Berkeley, hơn hai mươi năm trước.

Đêm, gió lớn và trời rất lạnh. Mười một giờ thư viện đóng cửa, tôi lầm lũi ra xe đi về. Đi ngang một quán cà phê nhỏ, bụi bặm, tôi chợt khựng chân. Rõ ràng là bài Lý Chim Quyên của Việt Nam thổi bằng sáo! Tôi đứng lặng. Gió thổi rung các cành cây, cả con phố dài chỉ còn bóng tôi quẩy cái ba lô to hơn nửa người, đổ dài dưới ánh đèn đường vàng vọt. Nhưng tôi vẫn thấy ấm cúng và vui. Tôi lẩm nhẩm hát theo “Chim quyên quầy, quen trái quây… Nhãn lồng … Nhãn lồng ….” Và sực nhớ hôm đó là 29 Tết.

Hồi còn nhỏ ở Sài gòn, thời chiến tranh, Bố Mẹ tôi là nhà giáo nên đủ cơm ăn áo mặc là vui rồi, chẳng dư dả cho con “học đàn, học địch”. Vì theo quan niệm xưa nên Bố Mẹ tôi chỉ muốn chúng tôi học, học, học, chứ không cổ súy chuyện “văn nghệ, văn gừng”. Thỉnh thoảng Bố tôi mới cho nghe nhạc từ vài cái đĩa nhựa qúy. Những bài hòa tấu như Nocturne in C sharp Minor của Chopin, MoonLight Sonata của Bethoveen, Air on G string của Bach đã mê hoặc tôi. Trong trí óc còn non của tôi thời bấy giờ, chỉ có nhạc bán cổ điển Tây phương là hay, là mẫu mực của âm nhạc. Còn mấy bài dân ca “Ví dầu cầu ván đóng đinh…” , mấy bài Lý thỉnh thoảng nghe trên TiVi thì cũng dễ thương nhưng thường quá! Con nít Việt Nam thời đó, có lẽ ít nhiều đều mang tâm trạng “nỗi buồn nhược tiểu”(*). Nói về cô gái đẹp thì phải “đẹp như lai”, nói về lịch sự thì phải “sang như Tây”, còn nét tiểu thư lãng mạn thì phải giống Hàn Ni mong manh bên phím dương cầm trong phim Mùa Thu Lá Bay của Hồng Kông thì mới đủ “quý phái”.

Rồi tôi qua Mỹ, may mắn học được bao nhiêu điều, và càng học tôi càng thấy nước Mỹ là cường quốc thế giới cũng vì họ biết gom cái hay cái đẹp. Từ thời lập quốc, nước Mỹ đã là nơi gặp gỡ của kinh nghiệm và kiến thức đến từ khắp mọi nơi. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hiểu rõ hơn ai hết rằng khi những nét văn hóa cộng lại với nhau thì kết quả là một xã hội sinh động, mạnh mẽ, và nhạy bén với mọi thay đổi. Gắn liền với mỗi dân tộc là một gia sản văn hóa độc đáo, vì thế những gì thuần chất là rất quý. Những điều đó, sống ở Mỹ, tôi cảm thấy và hiểu rõ nhưng vẫn chưa in sâu vào óc tôi…

Cho đến một hôm…

Tôi tham dự buổi trình diễn hôm đó vì cháu David con cô em đánh đàn piano rất giỏi. Hôm đó cháu đại diện cho trường trong một buổi trình diễn tài năng học sinh. Ở Mỹ, con nít quả thật là sướng, hầu như gia đình trung lưu nào cũng cố gắng cho con học ít nhất một nhạc cụ. Chương trình chỉ gồm học sinh trung học trong một học khu mà rất các cháu chơi xuất sắc từ những bài cổ điển tới những tấu khúc nổi tiếng đương thời. Cháu David trổ tài chạy ngón bằng bài Nostaliga vũ bão của Yanni, nhìn tay cháu bay trên phím đàn mà tôi ngẩn ngơ thán phục. Nhưng thú thật, toàn là piano với vài bài violin, tới khoảng tiết mục thứ mười lăm là đầu óc tôi bắt đầu rón rén “đi hoang”. Và, ngay lúc đó, người điều khiển chương trình giới thiệu hai chị em họ Nguyễn song tấu bài Hòn Vọng Phu bằng đàn tranh và đàn bầu.

Cây đàn mười sáu giây đi với cây đàn một giây. Hầu như mọi người đều ngồi thẳng lên, lắng nghe vì tò mò về hai cây đàn lạ. Bây giờ kể lại thì … mắc cỡ nhưng hôm đó ngồi nghe mà tôi muốn khóc. Muốn khóc vì bài nhạc Việt Nam nghe không thua gì những bài nổi tiếng nãy giờ, vì cách trình diễn say mê và trang trọng của hai cháu làm tôi thấy quá tự hào. Tới lúc đó tôi mới nhận thấy rằng trên thế giới không có một nhạc cụ nào có thể chơi những câu “Nơi man khê còn tung gió bụi mịt mùng, Nơi tiêu tương còn thương tiếc ai ngàn trùng, Người đi ngoài vạn lý xa xăm, Người trông chồng còn đứng …muôn năm” ngọt ngào, tình tự hơn tiếng đàn bầu. Tiếng nhạc như bóp vào tim. Khi hai cháu chấm dứt, cả hội trường vỗ tay rào rào. Không phải chỉ mình tôi với nỗi niềm người Việt, mà mọi người đều thấy màn trình diễn này độc đáo nhất.

Tôi để ý nghe dân ca và các nhạc cụ thuần Việt hơn, từ đó. Và tôi thấy rằng mỗi loại nhạc đều có chỗ đứng riêng giống như cội nguồn của chúng là những phần khác nhau trên thế giới. Ngẫm nghĩ cho cùng, cây đàn bầu làm bằng một khúc cây với một sợi dây duy nhất mà vang lên những thanh âm uyển chuyển gần nhất với tiếng người mới quả thật là tuyệt diệu.


Mỗi năm hội người Việt trong hãng Intel đều tổ chức tiệc tất niên. Không chỉ họp mặt ăn uống mà còn trình diễn văn nghệ giúp vui. Toàn “cây nhà lá vườn” nhưng chương trình có đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch và năm nào cũng có ít nhất là một bài múa thuần túy Việt Nam.

Năm đó, để chương trình thêm gần với văn hóa Việt, chúng tôi có một màn dân ca ba miền. Tôi “điếc không sợ súng”, xung phong làm ca sĩ. Chuyện phân chia bài hát cũng đơn giản, nhẹ nhàng. Chị M người xứ Quảng nhưng làm dâu gia đình Bắc Ninh hơn ba mươi năm, rất rành các bài hát quê chồng nên dĩ nhiên chị đảm nhận bài quan họ miền Bắc. Chị P thích một bài có âm hưởng Nghệ An nên hát phần miền Trung, và tôi lãnh vai cô gái miền Nam. Dù hàng ngày nói giọng Bắc nhưng tôi thấy không có chi đáng lo. Ít gì tôi cũng sinh ra ở Tân Định, uống nước từ nguồn sông Đồng Nai mà lớn, nghe cải lương từ bé, và biết nói giọng Sài Gòn. Hát dân ca miền Nam chỉ là chuyện nhỏ, tôi nghĩ vậy.

Vì công việc hãng bận rộn nên chúng tôi đồng ý phần ai nấy tập, cuối cùng mới ráp lại với nhau. Tôi về nhà, lên Internet chọn bài có nhạc sẵn để tập theo. Nghe Bạch Yến hát Lý Ngựa Ô, thích lắm, nhưng hì hục tập rồi tôi mới thấy khó. Âm điệu ngựa ô đi lóc cóc, dồn dập, hát phải thật vững nhịp và trình diễn bài hát vui nhộn này cần phải dạn sân khấu, diễn tả thật linh động, duyên dáng. Lần đầu làm ca sĩ mà phải vừa hát vừa diễn, chắc chắn tôi không đủ sức làm Bạch Yến. Kiếm bài mùi có lẽ chắc ăn hơn…

Nghĩ vậy nhưng bao nhiêu chuyện bận rộn dồn dập, tôi chẳng có nhiều giờ tìm. Tới khi chỉ còn gần hai tuần tôi mới chọn được bài Lý Cái Mơn. Tất tả chạy lên thương xá Grand Century mua một đĩa Karaoke, tôi hối hả tập. Cũng may, bài này không khó. Sau mấy lần tập luyện, ra vô đúng nhịp và hát không sai một note nào, tôi nghĩ sắp xong rồi. Giờ nghỉ trưa tôi hay vào phòng họp, đóng kín cửa, bật nhạc lên vừa ăn vừa nghe Phượng Mai ca thánh thót. Tôi muốn nghe cho nhập tâm, lúc lên sân khấu lỡ có run quá thì còn hát theo … phản xạ.

Một ngày kia, tôi nhờ một người bạn rành về dân ca nghe tôi hát thử. Anh ta lắng nghe rồi góp ý “Hát bài này muốn hay cần láy cho thiệt mùi và phát âm giọng miền Nam thiệt ngọt… Người miền Nam dễ tính, xuề xòa ngay trong cả giọng nói. Họ phát âm lơi lơi, không cần uốn miệng nhiều. Chữ â, chữ ô đớt đớt, nhè nhẹ chứ không rõ ràng như Khôi An nói…” Mấy ngày sau đó, giờ ăn trưa tôi đi dạo trong một bãi đậu xe rộng, ít người qua lại. Nắng đầu Xuân hưng hửng dịu dàng, tôi vừa đi vừa tập hát cho đúng giọng Bến Tre. Trên cành cây, những chú chim ríu rít rồi bay vút lên, lòng tôi cũng bay cao theo câu hát Đôi bờ dẫng nghe chim nhạng tìm nhaaao…

Áp dụng đúng tiêu chuẩn làm việc ở Intel, trước ngày trình diễn chúng tôi phải cho chương trình chạy thử. Màn dân ca ba miền dợt trước năm sáu khán giả, trong đó có một anh từng sinh hoạt văn nghệ lâu năm. Anh nói với tôi “Khôi An hát được rồi nhưng cần diễn tả thêm. Chỗ như tóc em bay theo lòng thủy chung câu hẹn ngày xưa... em phải hát mềm mại chứ đừng căng thẳng vậy. Em làm được mà! Ráng chút nữa thôi!” Tới đây thì bắt tôi đầu lo. Hát dân ca miền Nam lần đầu mà bảo không được căng thẳng, coi bộ anh này nghĩ sau mấy lần vừa ăn trưa vừa tập hát tôi đã hóa thân thành “kỹ sư-ca sĩ”.

Còn hai hôm nữa là tới ngày trình diễn. Áo bà ba đã mượn xong, ngày hôm đó chị H đem cho tôi cái nón lá, thế là đủ bộ. Chiều hôm đó, tôi muốn ráng tập thêm một lần. Đã hơn sáu giờ, phòng lab chỉ còn vài người, nhưng tự nhiên đứng hát thì cũng kỳ. Nhưng nếu bây giờ tôi làm không được với hai người bạn thì làm sao cuối tuần tôi làm được trước hai trăm người? Thế là tôi cắp nón vào phòng lab, mời hai người bạn nghe tôi hát Lý dân ca. Trước hai khán giả mặc lab coat, giữa đám máy móc, tôi mặc quần jean, cầm nón lá, bắt đầu “Đàn cò bay, về nơi thương nhớ…” Tôi tưởng tượng mình là cô thôn nữ hát dưới hàng dừa xanh, trên con đò xuôi trên dòng Cái Mơn. Tôi gởi lòng qua đuôi mắt khi nhắn nhủ thiết tha có sang sông thì chim sáo hát câu hẹn hò làm cô bạn phá lên cười “Coi đưa đẩy ác liệt chưa kìa! Tới lắm!”

Buổi tiệc thành công, ai cũng khen các màn trình diễn. Và tôi tin rằng nếu chúng tôi có quá run mà vấp váp chút đỉnh cũng chẳng ai chấp nhất. Điều quan trọng hơn cả, ai cũng thấy, là các “nghệ sĩ” không chuyên nghiệp đã trình diễn hết sức, hết lòng.

Tôi thật sự không nhớ mình có hát thật đúng giọng miền Nam hay không, không nhớ mình có mỉm cười, liếc mắt khi hát câu hẹn hò hay không, nhưng tôi thấy vui. Vi tôi đã hát dân ca cho mọi người nghe, đã dùng hết khả năng của tôi để nhắn nhủ với bạn Intel rằng dân ca Việt Nam là gia sản quý báu, là một phần làm âm nhạc Việt Nam đáng nhớ trong muôn ngàn thanh âm trên thế giới.

Mới đây tôi nghe cháu David kể lại rằng cô chị đánh đành bầu trong buổi trình diễn năm ấy được nhận vào Stanford. Tôi tin rằng khả năng xử dụng cây đàn độc đáo của cô bé có ảnh hưởng phần nào tới thành quả rực rỡ mà cô đạt được. Bởi vì tất cả các chuyên viên cố vấn cho học sinh (counselors) và các cha mẹ đã trải qua con đường đưa con vào đại học đều đồng ý rằng ở những trường nổi tiếng, cách lựa chọn giữa hàng chục ngàn học sinh xuất sắc là tìm những học sinh có năng khiếu hay thành tích xã hội đặc biệt. Đối với tôi và mọi người được xem hai cô bé biểu diễn, điều cô sinh ra trên đất Mỹ mà xử dụng nhuần nhuyễn một nhạc cụ thuần túy từ quê cha, mà trân trọng nhạc của quê mẹ, đó là một điều hết sức đẹp đẽ và đặc biệt.

Hơn hai mươi năm làm công dân Hoa Kỳ, tôi không còn xem đất nước này là nơi tạm dung hay nơi tôi phải ở vì không có lựa chọn khác. Tôi cảm thấy tôi là một phần của đất nước này, và tôi chia sẻ niềm tự hào, niềm tin Hoa Kỳ - đã từng được chứng minh và lập lại nhiều lần: hoàn thành những sứ mạng khó khăn gần như không tưởng là đặc trưng của đất nước Mỹ, là truyền thống của người dân Mỹ. Tại sao người Mỹ làm được như vậy? Bởi vì họ gom sức mạnh từ các nơi, bởi vì họ hiểu, quý trọng, và phát huy từng cái đặc biệt, từng cái hay của mỗi sắc dân. Ngay từ còn nhỏ, nhà trường đã dạy học sinh tôn trọng sự khác biệt và học hỏi từ người khác bằng những buổi thảo luận, những ngày Diveristy Day.

Người Việt lưu vong như “những phấn hoa tản khắp phương trời” (**). Ở Mỹ, phấn hoa đã rơi xuống mảnh đất vô cùng màu mỡ. Nở thành một nhánh hoa đẹp đẽ, độc đáo hay một bông hoa giông giống các bông hoa khác trong vườn, là tuỳ theo mỗi người. Riêng tôi, tôi mong đó vẫn là những nhánh hoa đầy sắc thái Việt Nam.

Khôi An

(*) Nỗi Buồn Nhược Tiểu: tên bản dịch một tác phẩm của Pearl Buck, nữ văn sĩ Hoa Kỳ được giải Nobel Văn chương năm 1938

(**) Những Phấn Hoa Tản Khắp Phương Trời: tựa bài viết năm 2000 về giải thưởng VVNM của cố nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (1921 – 2012)

Ý kiến bạn đọc
30/06/201515:55:42
Khách
Không thể ngờ được là chỉ có tập một thời gian ngắn mà Khôi An lại hát đạt đến thế. Bài viết thì trôi chẩy êm đềm như một giòng sông êm đềm đang uốn khúc .Chúc mừng cháu.Mến
18/11/201400:51:52
Khách
Cô ơi cháu rất thích đọc những bài viết của cô! Mong cô viết thêm nhiều nhiều!
04/01/201301:09:33
Khách
Cám ơn Khôi An. Hy vọng vẫn còn nhiều người Việt biết thưởng thức và biết hát dân ca như Khôi An.
10/01/201323:57:42
Khách
Cám ơn chú Ko^ng Li về cái chức "kép" thật là dài. Khôi An giỡn chơi cho vui trong bài viết chứ Khôi An ngại chức dài, vác nặng lắm chú ơi.
Cám ơn Tâm Trần đã quá rộng rãi lời khen. Mong Tâm tiếp tục đọc VVMN và tham gia viết nữa. Nếu được vây thi sớm muộn gì cũng có dịp gặp nhau trong lễ họp mặt hàng năm của Việt Báo và làm bạn với nhau.
Cám ơn chú Sáu, chú chia sẻ về kỷ niệm của chú với âm nhạc VN nha?
Cám ơn sjreader, Khôi An ước mình hát hay hơn đe^? quảng bá dân ca nhiều hơn/!
11/01/201318:30:51
Khách
5 sao
01/01/201311:53:25
Khách
Cô kỷ sư/ca sĩ/văn sĩ ui,
Bài viết quá hay, hay đến đổi tui không dám viết nữa.
Công lý
02/01/201307:19:45
Khách
Khôi An xinh đẹp, thông minh. Giọng văn tự nhiên, khôn ngoan. Ước gì được làm bạn với Khôi An
03/01/201303:28:37
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết của cháu rất hay. Chú thích cách cháu mô tả quá trình đến biết âm nhạc Việt Nam phong phú như thế nào. Tuyệt vời!

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,261,291
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến