Hôm nay,  

Hoa Hồng Trắng

05/12/201200:00:00(Xem: 254829)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ chồng. Bài mới nhất của tác giả kể về sự thần giao cách cảm của lòng mẹ bao la.

Trời bắt đầu vào đông. Thời tiết se lạnh khiến tôi uể oải không muốn ra vườn ngồi uống cà phê như mọi ngày. Cảnh vật u buồn, ảm đạm. Những cây hoa hồng chung quanh nhà và sau vườn đã trụi lá, không còn một cánh hoa nào nữa.

Chiều hôm qua khi ra vườn quét lá, gom những chiếc lá thu cuối cùng còn sót lại trên thảm cỏ úa vàng . Tôi chợt trông thấy một hoa hồng trắng trong bụi cây xơ xác bên nhà.

Cây hoa hồng trắng này hình như tôi đã bỏ quên từ lâu lắm.

Tuy lạ lùng nhưng thấy cánh hoa hồng trắng đẹp quá và trời sắp mưa lớn nên tôi vội cắt hoa đem vào nhà. Tôi rất yêu hoa hồng. Khu vườn hồng nhà tôi với đủ mọi sắc màu : đỏ, hồng, vàng, cam, tím, xanh, trắng… và tôi vẫn thường cắt những cánh hoa hồng xinh đẹp này đem vào nhà chưng.

Chưa bao giờ nhà tôi chưng hoa hồng màu trắng và lại là một cành hoa duy nhất. Vì tuy mua cùng một chổ, trồng cùng một lúc, cùng tưới nước và dùng một loại phân bón giống nhau. Cây hoa hồng trắng của nhà tôi chưa từng bao giờ nở hoa.

Sáng hôm sau đang còn ngủ nướng trên giường, điện thoại reng. Chị tôi ở Việt Nam gọi sang báo tin mẹ vừa mới mất. Lúc mẹ ra đi trời mưa lớn như các con đang khóc mẹ.

Tôi như kẻ mộng du bàng hoàng tỉnh giấc, nhảy vội xuống giường. Vội vàng mở máy computer lên. Từ ngày trở về Mỹ lại tôi vẫn theo dõi cuộc sống, bệnh tình của mẹ hàng ngày qua mạng Skype.

Cách đây ba ngày mẹ tôi bắt đầu đau đớn nhiều và rơi vào tình trạng hôn mê. Bác sĩ cho biết không còn bao lâu nữa.

Tôi khóc nức nở trước màn hình máy computer khi thấy mẹ rên rỉ, mặt mày nhăn nhó đau đớn:

- Mạ ơi ! Mạ hứa sẽ sống chờ con sang năm về thăm mạ nữa mà.

Khẽ mở mắt ngơ ngác nhìn chung quanh nhà với đôi mắt trắng đục vô hồn, mẹ mấp máy:

- Ừ…mạ…chờ…!

Từ hốc mắt sâu hoắm của mẹ, tôi thấy dòng lệ chảy dài xuống gò má nhăn nheo.

Tôi vật vã thảm thiết:

- Mạ đừng đi mạ ơi! Con sẽ về ngay.

Chị tôi dỗ dành:

- Mạ đau đớn lắm rồi và không còn biết gì nữa ! Em đừng khóc mạ nuối không đi được. Hành xác lâu hơn càng khổ và tội cho mạ.

Biết tôi là đứa dễ xúc động, hay khóc nhất làm mẹ tôi kéo dài nghiệp dĩ, không đi được dễ dàng nên bên nhà quyết định cúp máy không cho tôi xem nữa. Ngày hôm sau mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng.

Mẹ tôi đã gặp được tất cả các con ở nước ngoài về thăm. Các anh chị em ở ngoài Huế vô đầy đủ. Thế là mẹ đã thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc đời, mãn nguyện ra đi trong sự thanh thản, nhe nhàng như lời cầu xin của chúng tôi với bố khi ông quyết định rước mẹ tôi về bên ông.

Còn nhớ tháng trước khi về thăm mẹ. Tuy cơ thể đã yếu nhưng đầu óc mẹ hãy còn minh mẫn lắm. Tôi đã có một tháng hạnh phúc bên mẹ. Hằng đêm nghe mẹ kể chuyện tình cách đây hơn sáu mươi năm của cô nữ sinh xứ Huế, yêu anh chàng Bắc kỳ lãng tử, tứ cố vô thân bị ôn mệ ngăn cấm.

Buổi sáng trong khi mẹ uống sữa ăn cháo, tôi nhâm nhi ly cà phê sữa nóng. Tiếp tục nghe mẹ kể chuyện về con cái- từ đứa lớn nhất tới đứa bé nhất. Từ lúc nghèo khổ ở miền Trung cho tới khi vào Saigòn- đất lành chịm đậu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đến ngày 30-4-75.

Tôi cũng có dịp kể cho mẹ nghe một phần đời của mình ở nước ngoài:

- Mạ biết không! Bên Mỹ sáng ra con đâu được ngồi nhâm nhi cà phê hàng giờ như bên này. Sáng thức dậy từ lúc 5 giờ. Chuẩn bị tất cả mọi thứ cho gia đình xong, cầm ly cà phê chạy ra xe cho kịp giờ đến chổ làm. Vừa nghe nhạc Việt Nam, vừa uống cà phê trong xe trên đường đi làm….

Mẹ lơ đễng nghe, chẳng thể hình dung nổi những điều tôi vừa kể.


Chúng tôi cố ép mẹ uống sữa, ăn cháo, súp dinh dưỡng cho có sức để chóng lành bệnh nhưng mẹ ăn uống rất miễn cưỡng, không ngon miệng. Mẹ bảo chỉ thèm bún bò Huế, bánh canh, bánh bèo, bánh nậm …

Tôi nhớ chị bạn bên Mỹ có chồng bi bệnh ung thư. Ông rất thích ăn ngon và ăn rất nhiều.

Trong thời gian chữa trị phải kiêng cử đủ thứ. Khi bác sĩ “chê” cho về nhà chờ ngày ra đi. Chị bạn quyết định cho anh ăn tất cả các thứ anh thèm. Ngày nào chị cũng nấu phở, bún, bánh cuốn, xôi lạp xưởng cho anh ăn.

Mẹ tôi cũng bị bác sĩ “chê” cho đem về nhà. Ăn hay không ăn thì cuối cùng cũng xuôi tay nhắm mắt. Tôi không muốn khi mất mẹ trở thành con ma đói, thèm thuồng đủ thứ.

Tôi nói với mẹ:

- Mai con mua cho mạ tô bánh canh cua hỉ. Chổ này bán ngon lắm !

Đêm đó tôi thấy mẹ trăn qua, trở lại không ngủ được. Tôi cố gắng nằm im vì sợ động đậy nhiều làm mẹ thức giấc. Sáng ra tôi hỏi ngay:

- Tối qua mạ mệt hay sao mà không ngủ được ?

Mẹ cười bẽn lẽn:

- Mạ nằm cứ nghĩ tới tô bánh canh cua mà không ngủ được. Chỉ mong cho mau sáng để đươc ăn.

Ôi ! Tôi thương mẹ quá! Tôi quyết định không bắt mẹ ăn kiêng cử gì nữa. Cứ một ngày ăn cháo, súp dinh dưỡng thì một ngày ăn các thứ mẹ thèm dù các chị em tôi phản đối. Tất cả những gì làm được cho mẹ tôi đều muốn làm khi mẹ còn sống. Sau khi mẹ mất rồi tất cả mọi thứ trên đời đều trở thành vô nghĩa.

Văn hóa Đông, Tây luôn có sự khác biệt và không bao giờ gặp nhau. Người Mỹ thường ăn mừng ngày sinh nhật và người mình thường quan trọng ngày chết, ngày giỗ. Đám tang bên Mỹ được tổ chức trang nghiêm, lặng lẽ, tôn kính, nhanh gọn. Đám tang ở Việt Nam kéo dài gần cả tuần, chộn rộn, đông đúc, ồn ào - từ lúc liệm xác, phát tang, cúng cầu siêu, viếng thăm, giờ phút động quan cho tới khi hạ huyệt. Tất cả cũng chỉ mong cho người chết đươc vui lòng và sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Tôi không may mắn được về Việt Nam thọ tang mẹ. Qua mạng Skype tôi cảm thấy như mình đang đứng cạnh và nghe thấy tất cả mọi việc trong đám tang của mẹ. Tôi xem cứng cả mắt, lạnh cả người nhưng khóc thì không thể nào khóc được.

Tôi thèm được khóc khi mẹ còn sống. Thèm được nhìn thấy hình ảnh con cái thương yêu, quây quần bên mẹ khi mẹ còn sống. Thèm được thấy đứa con trai trưởng mà bố mẹ tôi cưng như ngọc như vàng dâng cơm cho mẹ mỗi ngày khi mẹ tuổi già, sức yếu. Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy chúng tôi đã không làm được khi mẹ còn sống để mẹ vui lòng. Thì khi mẹ mất đi - đám tang lớn, nhỏ để nói lên ý nghĩa gì hay chỉ còn là nỗi ân hận, ray rứt mà thôi.

Mỗi màu sắc của hoa hồng đều có ý nghĩa riêng của nó.

Tôi là hoa Hồng đen của mối tình đầu lãng mạn. Dù chàng hết lời ca tụng nhưng tôi vẫn ghét cái màu đen tang tóc này: Hoa hồng đen tượng trưng cho vẻ đẹp tinh thần. Không rực rỡ, nổi bật khi xuất hiện nhưng là sắc màu bí ẩn. Hoa hồng đen còn tượng trưng cho những đam mê, khát khao và chàng yêu tôi bởi sự cô đơn, lạnh lùng đó.

Hoa hồng đen khiến tôi linh cảm đến một tình yêu sẽ chết và quả thật tình đầu tuy đẹp nhưng rất mong manh, dễ vỡ. Trong lá thư cuối cùng chàng viết cho tôi: Anh không chúc bé “Trăm năm hạnh phúc”. Anh chỉ xin chúc “Đoá hồng đen” của anh từ nay sẽ là “Đóa hồng vàng” vĩnh viễn. Quên nhau là chúc nhau hạnh phúc trọn vẹn.

Khép lại quá khứ thương đau và sẵn sàng bắt đầu cuộc sống mới. Vâng! Tôi đã là cánh hoa hồng vàng, say đắm với nụ cười luôn rạng ngời, hạnh phúc trên môi.

Tôi tin vào linh cảm của mình. Chiều mưa hôm ấy, giữa hai bờ đại dương cách trở, Hoa Hồng Trắng lẻ loi xuất hiện bởi “thần giao cách cảm” của lòng mẹ bao la - Như một thông điệp gởi tới đứa con xa quê hương của mẹ - Tôi biết tôi phải khóc mẹ hôm nay.

Xin gởi Hoa Hồng Trắng này tặng tất cả chị em tôi - Từ hôm nay chúng ta sẽ cài Hoa Hồng Trắng trên ngực áo.

Hải Âu

Ý kiến bạn đọc
07/12/201214:03:16
Khách
Xin chia sẻ đến Hải Âu:
Thắp nén hương,khói bay về đâu,bốn phương trời cánh chim bặt dấu,bay vào mắt cay nuốt giọt lệ vừa trào.
Dòng đời xâu chuỗi mộng,có bao giờ mộng lại giấc đêm qua.
Thôi cũng đành cho dù đời thường nghĩa thật, thôi cũng đành một lần nữa ngó lơ.
Áo quan vừa khuất dấu,thì có chăng trời nở trắng đoá hồng.
T-C
06/12/201206:25:15
Khách
Xin chia sẻ với Hải Âu :
Thắp nén hương, khói bay về đâu, bốn phương trời cánh chim bặt dấu, bay vào mắt cay nuốt giọt lệ vừa trào.
Dòng đời xâu chuỗi mộng, có bao giờ mộng lại giấc đêm qua.
Thôi cũng đành cho dù đời thường nghĩa thật, thôi cũng đành một lần nữa ngó lơ.
Áo quan vừa khuất dấu, thì có chăng trời nở trắng đoá hồng.
T-C
05/12/201215:32:27
Khách
Chị Hải Âu viết hay lắm! Cám ơn chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,401,338
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến