Hôm nay,  

Trễ Hẹn Mùa Xuân

30/11/201200:00:00(Xem: 264575)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009 và sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

1.
+84 9050617…
11h20 sáng giờ miền Đông nước Mỹ.
10h20 tối giờ Việt Nam.

Đang ngồi nói chuyện với bạn trên mạng, Hữu hoảng hồn khi nhìn màn hình iphone. Anh đã dặn gia đình rất nhiều lần, nếu chẳng có gì cấp bách thì không được gọi vào những giờ “linh” như thế này. Hữu mở cửa, chạy ra khoảnh sân phía sau công ty nghe điện thoại. Chị Hoàng nấc từng tiếng một, nghẹn ngào.

- Ba đi rồi Hữu ơi!

- Đi đâu? Đi đâu hả? Chuyện gì đang xảy ra vậy trời?

- Nửa đêm Ba thức dậy đi vệ sinh rồi lên cơn suyễn. Nhà gọi cấp cứu nhưng ba không cho. Ba nói muốn được mất trong nhà mình chứ chẳng chịu trút hơi thở giữa đường cái. Mọi người gọi xe rồi, họ đang trên đường tới, nhưng có lẽ không kịp nữa.

Hữu ngồi bệt xuống thảm cỏ, điện thoại áp vào tai, gục đầu xuống gối, điếng hết cả người khi nghe tiếng khóc ngấc trong điện thoại. Đang mơ, đang mơ, đừng bao giờ là sự thật chứ không mình chẳng biết phải làm gì. Đừng, ba ơi đừng đi, ở lại với con đi mà. Đừng làm con sợ ba nhen.

Nhưng ông trời không chiều ý Hữu. Năm phút nghẹt thở mong giông bão đi qua vậy mà nó ập về, dữ dội hơn. Chị Hoàng òa lên nức nở.

- Người ta nói không cứu được nữa. Ba đi thiệt rồi cậu ơi. Về… về… coi tranh thủ về nhen cậu.

Hữu buông tay, iphone rớt xuống thảm cỏ xanh một ngày hè tháng sáu. Anh lẩy bẩy ôm mặt, nghe nghe đâu đó, cả bầu trời sụp xuống trước mặt, đè lên ngực mình, ngay chỗ trái tim. Làm gì bây giờ? Đi đâu bây giờ? Sao lẹ dữ vậy hả trời? Không kéo dài thêm được phút giây nào nữa sao? Nghe tiếng la thất thanh từ phía ngoài, Marisol lật đật chạy ra, mặt tái mét, ấp a ấp úng. Chuyện gì vậy sếp? Chuyện gì vậy sếp? Ba tao mất rồi. Cô ôm lấy anh, hai tay run run, đầu gối muốn khụy xuống. Cô vỗ vào lưng Hữu, chầm chậm dìu anh vô văn phòng, ngồi lên ghế, rót một ly nước lạnh uống cho tỉnh.

- Tôi có thể làm gì để giúp sếp thì nói nhen. Sếp đừng làm tôi sợ.

Anh lắc đầu. Với tay lấy điện thoại gọi cho sếp của mình.

- Hello David. Ba tôi vừa mất...

- Hả? Cái gì?

- Chị tôi vừa gọi qua báo là ba mất rồi.

- Thành thật chia buồn. Book vé về gấp đi. Mọi chuyện cứ để yên đó, đừng lo gì hết.

- Hậu hả?

- Ừa, ừa. Biết rồi… biết rồi. Về nhà đi rồi tính tiếp.


2. Ừa, rốt cục rồi cái ngày kinh hoàng đó cũng đến. Từ tám năm nay, từ ngày má lẳng lặng bỏ gia đình để về cõi vĩnh hằng sau một cơn đau tim đột ngột, Hữu luôn nghĩ về má và những ngày xưa cũ hai mẹ con tối nào cũng trải chiếu trên tấm đi văng ngủ trước sân, bên dưới là con Lucky sủa gâu gâu canh trộm. Ngày đó, gom góp hết tiền trong nhà chỉ đủ mua hai vé máy bay cho ba và anh Hậu về chịu tang. Ba đứa phải ở lại đón cái Tết buồn nhất trong đời khi không thể vuốt mắt tiễn đưa, chẳng thể đội tang lên đầu tiễn má về lòng đất lạnh.

Hữu biết, cái ngày ba bỏ anh và cuộc đời rồi sẽ tới. Anh muốn có thời gian chuẩn bị sẵn tâm lý, muốn bay về để ngồi cạnh ba trong những giây phút cuối đời, chứ không phải ra đi đột ngột và bất ngờ như thế này. Ba đã bảy mươi chín tuổi, đã từ rất lâu, anh biết ngày mình gần bên ba không còn nhiều nữa. Thời gian không còn tính ngày tính tháng, mà được tính bằng phút, bằng giây. Cái cảm giác một lúc nào đó ba sẽ như má, vĩnh viễn ra đi cứ ám ảnh giấc ngủ mỗi đêm. Tranh thủ ba bốn tháng, anh mừng mừng tủi tủi về thăm nhà, ngồi với ba ít ngày, ăn bữa cơm, tâm sự với ông già. Đàn ông con trai với nhau đâu có nói được gì nhiều, cứ ậm ừ cho qua chuyện nhưng vẫn vui vì được nhìn ba cười, nghe ba hờn trách bây đi chơi không chịu về đúng hẹn, để tao nhớ, tao chờ. Anh đã tính chuyện trở về, để được tháng ngày cận kề hôm sớm, được thấy ba khỏe mạnh, nói cười vui vẻ, được trả mối nợ sum vầy trót hứa trót vay ngày nào với má. Vậy mà… Có mấy tháng nữa chớ nhiêu vậy mà không đợi nổi. Biết vậy sao mình không về sớm? Sao cứ chần chờ hoài để đến nông nổi này rồi hối tiếc?

“Kể từ hôm nay tôi chính thức thành một đứa mồ côi...”

Hữu viết vội vài dòng trên facebook, nhắn tin cho bạn bè được rõ.

- Ba anh mất rồi.

- Trời ơi! Anh nói gì? Khi nào vậy anh?

- Mới đây thôi, chị Hoàng điện thoại qua báo. Anh buồn quá…

- Anh bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe. Em khóc nãy giờ nè. Để em gọi điện thông báo với mọi người.

Anh vác cặp táp, lảo đảo bước ra xe.

- Sếp ok không? Để tôi nhờ ai chở sếp về.

- Không sao đâu Marisol. Ok mà. Tôi phải bay về nhà gấp. Có gì thắc mắc cứ email cho tôi nhé.

Hữu đề máy, chậm chậm lái xe về. Đoạn đường chưa tới mười lăm phút vậy mà hôm nay dài vô tận. Bạn gọi.

- Anh có nghe Khanh nói. Sao đột ngột dữ vậy.

- Ừa, trở tay không kịp luôn.

- Vậy có về không?

- Có, đang book vé.

- Có gì thì nhắn cho anh để anh lo vé bên này và ra Tân Sơn Nhất đón.

- Nhắn với bạn bè giúp tui luôn nhen. Rối quá, chẳng biết phải làm sao.

- Giữ gìn sức khỏe nhen. Chuyến bay dài, ráng ăn ngủ một tí còn có sức mà tính chuyện nữa. Gục xuống là xong đấy.

- Ừa, thôi bye.

Anh tắt điện thoại, cố ngồi thẳng lưng, mắt mở to, giữ bình tĩnh để lái an toàn về nhà.

3. Hữu nhìn bên đường, kìa cái trạm bus hồi anh dắt ba tới đây đứng chờ xe để tới bộ Xã Hội xin tiền trợ cấp. Ba ở nhà hoài, ít đi ra đường và vận động, gặp trúng trời lạnh bị thấp khớp, mới một đoạn đã đi không nổi nữa. Kìa tiệm McDonalds, có lần anh dắt ba vô, hai cha con dè xẻn mua một phần ăn hết năm đô. Hữu ngồi ăn khoai tây chiên, nhường hết cái bánh cho ba. Ông không chịu, bẻ hơn một nửa đưa anh. Hữu cắn chặt môi không dám khóc. Bảy năm ba về quê, anh qua lại mỗi ngày nhưng có bao giờ chợt nhớ bởi nó bình thường và quen thuộc quá, hóa nhàm. Giờ lại thấy rưng rưng.

Như có linh cảm trước, mấy bữa nay Hữu không ngủ được. Cảm giác bực bội, bứt rứt khó chịu cứ vây lấy anh. Hôm qua, chị Hằng gọi qua, buồn bã. Cậu gọi về nhà tí, ba bị cảm, không chịu uống thuốc Tây mà cứ đòi uống lung tung mớ rễ cây của mấy ông thầy thuốc Nam.

- Ba khỏe không?

- Hữu hả? Không khỏe lắm. Dạo này trời nóng với lại cúp điện liên miên nên khó chịu trong người.

- Có bệnh thì kêu chị dẫn đi bác sỹ chứ đừng có uống thuốc bậy bạ mà không tốt nhen ba.

- Ừa, tao biết rồi.

- Ba nè. Tết này con về nhà ở luôn với ba nhen.

- Bây kiếm được việc làm chưa mà đòi về?

- Dạ thì về đó rồi từ từ kiếm cũng được mà.

- Ừa thì sao cũng được. Coi đường nào tốt nhất thì làm. Nhưng cũng ráng làm kiếm tí đỉnh giúp đỡ anh chị. Nhìn tụi nó khổ tao không đành.

- Sắp ba mươi, con muốn dừng lại một chút chứ mệt mỏi lắm rồi.

- Bây cũng biết mình sắp ba mươi nữa hả? Nửa đời người rồi đó.

- Nữa. Có nhiêu đó ba cứ nói hoài.

- Hoài gì? Hồi tao hai lăm đã sanh chị Hai bây. Coi bây kìa…

Mười năm. Hữu giật mình, mồ hôi rịn ướt trán. Cũng đúng ngày này, đêm thế này mười năm trước, má ngồi trên giường, khóc điếng, nước mắt chảy thành dòng, miệng ấp úng không nói nổi một lời, tiễn chồng và bốn đứa con lên đường sang Mỹ tìm kiếm tương lai. Đi Mỹ, cái ước mơ má đã đánh đổi bằng nước mắt, nụ cười, bằng những ngày gian lao, cực khổ một nách mười mấy đứa con và cả một gia đình bên ngoại khi chồng vào trại cải tạo những năm sau cuộc chiến. Mỗi tháng, má nín nhịn tí tiền, mua ít thịt, kho tí cá, bỏ vô lon gô, dẫn theo một hai đứa con, ngồi xe đò, băng đèo Cả, ra A30 thăm chồng, rồi gạt nước mắt trở về rạng sáng hôm sau bởi công việc bán buôn và bầy con đang líu ríu đợi mình về. Ba năm ròng rã, ngày nắng, tháng mưa, vẫn tủi tủi, bùi ngùi gạt nước mắt mong ngày đoàn tụ.

Khi chương trình ra đi có trật tự bắt đầu, má gom góp tiền cho ba chạy ngược chạy xuôi hết Nha Trang, Đà Nẵng tới Sài Gòn lo làm thủ tục xuất cảnh. HO-19 rồi đôn lên HO-16, hàng xóm được gọi phỏng vấn, bà con được gọi lên đường, bạn bè lên máy bay đi tìm cuộc đời mới, vậy mà mọi thứ vẫn lặng im, không có gì thay đổi. Ba lại ngồi những chuyến xe đò, xuyên màn đêm, cầm một ít tiền vào Sài Gòn khiếu nại, năn nỉ xem thử chuyện gì đang xảy ra với hồ sơ mình. Những lá đơn gửi đi trong vô vọng, không một lời hồi đáp, có hay chăng cũng chỉ là “chúng tôi đang xem xét tình trạng của gia đình ông”.

Tuổi xuân đi qua, tháng ngày chồng chất, không chờ nổi nữa khi con gái có thì, chị lên xe hoa, anh làm lễ hỏi. Những đám cưới nghèo có rạp lá dừa, cổng treo đủng đỉnh, vài bàn đãi khách, mớ bánh phu thê, mâm xôi bảy màu, tiễn chị về nhà chồng, rước dâu về nhà mình bởi gia đình khánh tận, má chạy khắp nơi không đủ tiền mua cho con một chỉ vàng làm của hồi môn.

Những tháng năm vất vả, gồng mình lo lắng cho gia đình cộng với sự nghiệt ngã của số phận đã quật ngã má. Tai biến mạch máu não, không tiền thang thuốc, chạy vạy tứ lung tung, bán đi hết những thứ có thể bán trong nhà để thang thuốc. Má về, nhà lại không tiền, bầy con tứ xứ làm lụng cực thân đắp đổi qua ngày. Nhiều khi má rót chén nước lạnh bỏ lên bàn thờ, cầu trời khẩn Phật biến nó thành chén thuốc để má uống cho bớt bệnh. Ba thì vẫn thế, lặng lẽ như một cái bóng âm thầm. Bất đắc chí, hận cuộc đời, đau trước tình cảnh của gia đình mà bất lực không thể nào giúp được.


Trời thương, Phật giúp, những lá đơn cuối cùng cũng đến được nơi cần đến. Giấy báo gọi đi làm thủ tục sang Mỹ. Mười người còn năm, anh chị đã có vợ có chồng đành ở lại. Má muốn đi, thèm qua Mỹ nhưng tao bệnh tật như vầy qua đó chỉ làm khổ tụi bây.

Ba nắm tay má, siết chặt, khóc như mưa. Gần chục năm nay tuổi tác chất chồng, hai ông bà ngủ riêng, đâu còn chung chăn chung gối. Giận nhau thì cãi, tức nhau thì nói móc, nói hành nhưng chồng mình mà, vợ mình mà, không thương sao có cả chục đứa con, không yêu sao sống với nhau năm chục năm có lẻ. Ông đi mạnh khỏe, khi nào thong thả nhớ về thăm tui. Má chỉ nói được bấy nhiêu thôi và có ai ngờ lại là lần cuối cùng vĩnh biệt.

Mười năm xa cách, bao nhớ bao thương, chắc đêm nay má về lặng lẽ dắt ba sang cõi Niết.

4. Hữu mở cửa bước vô nhà, nhìn lên bàn thờ, đôi mắt buồn của má nhìn thẳng vào anh. Hữu không biết nói gì hơn, lại khóc. Ít bữa nữa thôi, hình của ba cũng nằm ngay bên cạnh má, để mỗi chiều đi làm về, mở cửa bước vô, nhà vắng một mình, anh lại nhớ. Để đêm đêm anh lại thắp nén nhang, cầu phật trời phù hộ cho vong linh ba má tiêu diêu nơi miền cực lạc. Ba về nước, chị lấy chồng, ba anh em thui thủi sống chung một mái nhà. Chưa vợ, chẳng có người yêu, nỗi nhớ quê hương trĩu nặng trong lòng, đứa nào cũng cật lực làm kiếm tiền để mỗi năm mua vé về thăm nhà, gặp bạn bè, mơ hồ tìm vài kỉ niệm. Ba thằng con trai, gương mặt thất thần, đôi mắt thâm quầng vì nghẹn khóc.

- Anh hỏi vé rồi. Tối nay bay thì gần năm ngàn đô khứ hồi. Còn sáng mai thì cỡ hai ngàn, nhưng phải quá cảnh hai nơi. Anh mới gọi về bên nhà, mốt sẽ liệm, bữa kia chôn. Có về tối nay cũng không kịp nhìn mặt ba lần cuối.

- Nếu bay sáng mai thì về nhà có kịp đưa ba ra nghĩa trang không?

- Kịp. Nhưng sáng mình về tới nhà, chiều đã đi chôn.

- Không còn cách nào nữa sao?

- Không. Hè mà. Lại gấp nên không tìm được vé rẻ. Thôi đành chịu.

- Ừa thôi book đi. Chứ biết tính sao giờ.

Hữu vô phòng đóng cửa, dựa lưng vào tường, khóc điếng. Anh muốn về khi chưa khâm liệm, muốn nắm bàn tay lạnh ngắt của ba thì thầm vài lời thương nhớ, muốn vuốt mắt lần cuối cho ba đi thanh thản. Ba à, con về với ba rồi nè. Sao ba không dậy mà nghe con nói? Sao ba không trách con mang tiếng về thăm nhà mà cứ ham chơi đi hoài, để tao nhớ? Sao ba không kêu Hữu ơi Hữu hỡi, dưới kia có đám này hay lắm, bây ưng không thì tao dắt xuống coi mắt, rồi yên bề gia thất cho tao mừng. Nhưng ba cái vé, mười lăm ngàn đô. Dẫu biết tiền bạc là phù dù, còn sức dài vai rông sẽ kiếm lại được nhưng lúc kinh tế khó khăn cũng không dám vung tay. Phải để dành khi trái gió trở trời hay thất nghiệp có cái mà xoay xở. Ba thương không hết chắc không phiền, chẳng giận, không ghét, chẳng hờn khi tụi con không thể về vuốt mặt lần cuối, phải không ba?

Anh gọi về nhà. Hữu nghe tiếng người nói lao xao, chen lẫn tiếng khóc nức nở, sư thầy đều đều tụng kinh Địa Tạng vãng sanh, tiếng con nít khóc la ỏm tỏi.

- Mọi việc ok hết chứ Hoàng?

- Ừa. Mọi người coi ngày xong hết rồi. Bữa kia…

- Anh Hậu có nói.

- Ừa, vậy thôi không nói nữa.

- Bà con tới đông không?

- Đông. Cô Hai nghe điện thoại báo lật đật chạy ra ôm ba khóc nãy giờ. Tội nghiệp. Hai chị em đầu tóc bạc, giờ người còn, kẻ mất, lấy chi không đau lòng. Anh Thành cũng gọi cho chú Tám. Chú nói sáng mai chạy ra chứ giờ ở Bến Tre không còn chuyến xe nào nữa hết.

- Thôi Hoàng có làm gì thì làm đi, cứ để điện thoại đó, đừng tắt nhen.

Anh nằm dài trên giường. Môi khát cháy. Hữu mở speaker, để điện thoại một bên nghe tiếng lào xào ít nhiều cũng mang lại cho anh chút cảm giác mình đang ở cạnh ba và mọi người.

Mệt mỏi, anh nhắm mắt thiu thiu ngủ.

Hữu thấy anh với ba ra trước sân ngồi ngó trời, ngó đất. Ba mặc bộ pajama xám, tóc bạc trắng, mang đôi dép lào màu vàng nhạt. Ba không nói gì, thỉnh thoảng nhìn anh cười ấm áp. Một đỗi sau, Hữu thấy mình vác ba lô, taxi chờ trước cổng. Anh vô bàn thờ thắp nhang lạy chào ông bà, tạm biệt má, mong cho một chuyến bay tốt lành. Hữ bước ra sân, ba đứng lặng yên bên cổng.

- Con đi…

- Ừa. Bây đi mạnh giỏi…nhớ… nhớ về sớm với tao…

- Ba ở nhà ráng uống thuốc đều đặn, giữ gìn sức khỏe. Tranh thủ vài tháng con về thăm.

Hữu quay bước. Bàn tay nhăn nheo không chịu rời tay anh. Níu kéo. Hữu quay lại, hai dòng nước mắt chảy dài trên gượng mặt già nua. Đừng khóc nữa ba. Con sẽ về trong nay mai mà…

Anh giật mình tỉnh giấc. Tiếng tụng kinh vẫn đều đều trong điện thoại. Màn đêm buông dần xuống, dàu dàu.

5. Anh Hậu gõ cửa.

- Ra rửa mặt rồi ăn chút gì đi cho có tí sức. Cứ như vậy hoài chắc gục mất. Mai còn bay cả ngày nữa.

- Ừa để đó đi. Tí nữa ra ăn. Hậu với Minh chuẩn bị đồ xong chưa?

- Rồi. Tranh thủ đóng vali đi rồi ngủ một chút nhen.

- Ok.

Hữu mở tủ, lấy ít đồ xếp ngay ngắn bỏ vô vali. Anh gom mớ áo quần mua bữa giờ về làm quà cho tụi nhỏ. Anh nhìn cái hộp màu nâu nằm trong góc, chưa kịp mở mà nước mắt đã chực trào trên khóe mi.

Anh run run lật từng tấm hình một. Má ngồi sau bếp ăn cơm. Cái góc bếp cũ kĩ, dậy mùi ẩm mốc, cái tủ gạc-băng-rê sứt cửa, trơ những xoong nồi ám khói. Má ẵm hai đứa cháu nội mới sinh, cười ấm áp. Má ngồi trước nhà, cười tươi, nhưng đôi mắt buồn nao cả dạ. Chị Hòa hay kể, chiều nào má cũng ra cổng ngồi buồn buồn, nhớ chồng, mong con ở phía trời xa dịu vợi. Mỗi lần nghe kể, Hữu khóc thiếu điều muốn hết nước mắt. Kìa tờ giấy an sinh xã hội của ba, cái thẻ IOM nền trắng, chữ xanh, mười năm dĩ vãng đã xóa mờ đường nét gương mặt cũ. Ba bảy mươi, ốm nhom, gương mặt hốc hác. Hữu lật hồ sơ khám bệnh lúc mới sang. Ba hút thuốc mấy chục năm trời, đi khám, bác sỹ kêu phải bỏ thuốc nếu muốn sống thêm vài chục năm nữa. Ba bỏ thiệt, bởi tự nhiên thèm được sống, muốn nhìn lũ con thành đạt để về quê nở mặt nở mày với người ta. Cô y tá tới nhà mỗi ngày, bắt ba uống thuốc để sạch phổi, thông gan, hai tháng trời mới hết. Thỉnh thoảng có ai tới chơi, hút điếu thuốc, ba thèm, len lén lấy một điếu, chờ lúc mọi người ngủ say mới vô toilet bập cho đỡ cơn ghiền. Hữu bắt gặp, chưa kịp rầy ba đã lật đật quăng đi, cười buồn, đừng la, tại tao ghiền quá nên rít một hơi cho vui thôi mà. Tấm hình năm cha con chụp chung lúc mới qua làm Hữu gục mặt xuống giường, vỡ òa đau đớn.

Hai năm sống với tụi con bên này, ba cứ ru rú trong nhà, anh chị sáng sớm đi làm, tối mịt mới về. Hữu lo học, tranh thủ chiều đi làm kiếm thêm chút đỉnh. Nhà chỉ còn ba, trống trải. Tuổi bảy mươi, ba hy sinh những ngày bình thản ở quê dẫn tụi con qua đây rồi miệt mài cô đơn trong góc phòng nhỏ, ôm cái radio nghe tin tức Việt. Tụi con thấy hết, biết hết, đau lòng lắm nhưng chẳng làm gì được bởi cuộc sống mà, không làm, không học thì sao có tương lai. Hai năm của ba buồn hơn những lúc ba một mình ngồi ghe, rẽ nước sông Dinh giữa đêm đen, quơ chèo, thả lưới bắt ít con tôm, con cá hay những ngày trầm ngâm nhìn đời bên ly rượu và điếu thuốc rê dang dở.

Lúc cầm thẻ xanh trong tay, ba cười như một đứa trẻ, cuối cùng cũng thành thường trú nhân của Mỹ. Đứa nào tranh thủ dẫn tao về thăm bả nhen bây. Hữu kêu ba ráng đợi Tết này học xong con sẽ dẫn về thăm má. Ba gọi về khoe, tui sắp dzìa thăm bà rồi, ráng chờ nhen. Má ho húng hắng, dạo này trở trời là tui thấy yếu trong người, sợ qua hổng nổi. Ông và tụi nhỏ tranh thủ dzìa sớm với tui nhen. Ai ngờ má thiệt chờ hổng nổi, bỏ ba và bầy con vào một ngày giáp Tết. Lúc chị Hằng gọi điện thoại qua báo, Hữu hét lên đớn đau rồi gục xuống. Ba ngồi một góc, lặng lẽ khóc đến cạn dòng nước mắt khi người vợ tấm mẳn bỏ mình đi mãi mãi không kịp một lời trăn trối thương yêu.

Hỉnh ảnh, thư từ nằm im trong hộp, giờ Hữu lôi ra, như một vết dao cứa qua cứa lại tim mình, rỉ máu. Hữu rã rời buông tay. Trong gương, đôi mắt bầm đen, thâm quầng, không còn sức sống.

Kỷ vật còn đây, hơi ấm còn đó, bóng hình chưa xóa nhòa, sao giờ người đã hóa mãi thiên thu.

Cũng lại là lời hẹn mùa xuân con sẽ vễ. Trễ mất rồi, muộn mất rồi. Đời mình giờ còn gì nữa những mùa xuân?

6. Bốn giờ sáng. Lolita và chồng đứng trước nhà đợi chở mọi người ra phi trường. Trời chưa sáng hẳn. Thành phố vẫn chìm trong bóng đêm sâu thẳm. Hữu rùng mình thấy lành lạnh khắp người.

- Sếp về giữ gìn sức khỏe. Đừng lo gì bên này. Chút nữa tôi phải đi làm, không tiễn được. Cho tôi gửi lời chia buồn với gia đình. Khi nào về tới nhà thì nhắn tin cho chúng tôi biết nhé.

Về nhà? Nhà ư? Ba má luôn là chốn bình yên để bọn con tìm về trú ngụ, như dòng máu đỏ chảy tràn qua tim óc, kết nối tâm hồn những đứa con lạc loài chả chịu lớn bao giờ. Nơi đó có còn là nhà nữa không khi xác thân má đã tan vào lòng đất lạnh, khi bóng ba chẳng nôn nao đi ra đi vô ngóng bước chân thằng con thiên di về ngang trước ngõ rồi hớn hở mừng vui.

Giờ chỉ còn một cơ thể nằm im bất động, đợi bọn anh về, gục đầu khóc ngất tiếng biệt ly.

Nguyễn Hữu Tài

Ý kiến bạn đọc
01/12/201201:23:12
Khách
Sinh ly tử biệt ! Cái hệ luỵ đó khó tránh cho loài người nhưng làm sao khỏi đau lòng khi phải đối diện !

Tử biệt thì không ai thoát được nhưng xảy đàn tan nghé,xa lìa chồng vợ rã rời lứa đôi thì phải xét lại :" Vì ai gây dựng cho nên nỗi này !".

Thôi thì chỉ biết chia xẻ với tác giả rằng " Sinh ký tử quy " mất mát thì đau thưuơng nhưng hãy nghĩ cha già mẹ yếu mà phải chịu đựng đau đớn bệnh tật trong thiếu thốn và buồn rầu thương nhớ con xa thì hãy cầu nguyện cho ông bà được an nghỉ nơi miền cực lạc còn hơn.

Bài viết rất truyền cảm,văn phong mạch lạc vững vàng;rất thành công trong việc chia xẻ tâm sự với người đọc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,930,142
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.