Hôm nay,  

Lên Hương

23/11/201200:00:00(Xem: 256813)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với kiểu “viết như nói”, tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O.; Hiện là nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Bài viết mới nhất của Vành Khuyên lần này có kèm theo ít dòng sau đây:

“Thưa quý bạn đọc,

Trong các bài viết của tôi, tôi kể về cùng một con người là tôi. Mỗi bài viết nhấn mạnh vào một mặt nào đó trong những khoảnh khắc của cuộc đời mà tôi muốn đề cập tới. Sự trùng lặp không thể tránh khỏi, tôi viết những dòng này để mong chia xẻ với mọi người những nhận thức tôi có được trong cuộc đời. Chân thành và trân trọng cảm ơn.”


Tiếng Việt có hai chữ chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng khi ráp lại nó lại cho một nghĩa bóng rất hay: Lên Hương, khi bàn tới sự hãnh diện hay sự thăng tiến trong đời.

Khi nói tới lên hương, bạn có thể vuốt cằm, ngửa mặt lên trời, cười mãn nguyện cùng mong đợi sự lên hương này còn mãi với bạn dù bạn biết nó tồn tại với bạn hay không còn do số trời. Dù sao, lên hương được cứ lên cái đã, lên được rồi, sau đó muốn gì lại chả làm được.

Đời tôi chẳng bao giờ lên hương. Đường đường cũng học hành tới nơi tới chốn nhưng cứ đến khi tôi nghĩ tôi gần được lên hương thì lại có chuyện.

1990 khi mới đến Mỹ, tôi ráng thi các bài placement tests được điểm cao để vào được ngay các lớp lấy điểm vào đại học dù tôi biết tôi nói tiếng Anh chẳng ai có thể hiểu được. Ráng thật ráng tôi cũng ra trường với bằng Associate như ai sau hai năm ở Community College. Đời lên hương là thế ai dè nộp đơn cả 15 jobs không nơi nào nhận tại Salem. Tôi đành xin lại Financial Aid để học tiếp ngành Quản lý tội phạm tại trường college này chờ đổi đời xem có tới không( Crimial Justice). Khi học ngành này, tôi đã mong cuối cùng làm được chân quản giáo trong nhà tù phụ nữ của Mỹ mà bảo vệ các bà khỏi bị những nhục hình vô lý. Học được tới term thứ hai, tôi quyết định bỏ thành phố Salem lên thành phố lớn Portland đi tìm chân lý của mình tại My, chứ học gì mà mỗi sáng phải lái xe tới nhà tù phụ nữ nhìn mặt trái đời sống Mỹ, tôi thấy mình như đang bị điên.

Khi tôi nộp đơn học tiếp hai năm còn lại để lấy bằng cử nhân tại Portland State University, cầm tờ Financial Aid mới nhận, cứ mỗi năm học xong tôi nợ khoảng 10000 dollars và phải mất ba năm nữa tôi mới ra được bằng cử nhân thì nợ chắc 30000 dollars rồi còn gì. Tôi chưa cầm đồng tiền nào mà cứ thấy tay mình run run như đã nợ. Biết khi ra trường có việc làm để có tiền sống và trả nợ hay không hay lại đi làm vớ làm vẩn hoặc ăn bám vào cha mẹ thì chết. Thôi thì cứ học chứ biết làm cách nào khác bây giờ.

Khi tôi chấm dứt term thứ nhất tại trường đại học, tôi bắt đầu đi kiếm công việc mùa Hè để làm và chờ học tiếp. Tôi may mắn được gọi đi phỏng vấn làm nhân viên xã hội tại Beaverton và được nhận. Lúc tôi được gọi nhận job, tôi còn chưa muốn tin, tôi còn dám hỏi lại người gọi tôi tại sao bà lại nhận tôi nữa chứ.Bà ta cười ha hả bên đầu dây bên kia. Tôi biết mình tầm bậy nhưng đã lỡ hỏi thì phải im lặng đợi trả lời. Bà bảo tại tôi thành thật. Trời ơi, không thành thật thì đâu còn biết làm gì khác hả bà, thật ra thành thật mà còn chưa nói hết những điều mình nghĩ thì bịa chuyện gì khác làm sao trôi.

Tôi vừa đi học và đi làm rất chăm chỉ và hầu như toàn bộ cuối tuần tôi dành hết cho việc học hay các lớp học cuối tuần vì trong tuần tôi không có thời gian tới trường. Đại học tại Mỹ hay thật. Cứ kiên trì là đi tới đích, đi không tới bò cũng tới. Tôi đã bò bốn năm để xong hai năm còn lại. Tôi cũng đã bao lần tính bỏ dở nữa chừng nhưng trong đầu còn nghĩ tới cha mẹ và đôi mắt buồn bã của họ khi còn ở Việt Nam tôi bị phân biệt này nọ không vào đại học được, mà qua được tới Mỹ không học lên nổi đại học thì làm con bò chứ làm con cha mẹ tôi làm gì.

Trong suốt 4 năm học của tôi, có những tuần lễ cuối của tháng, tôi không còn tiền ăn cơm, tôi cứ chuối và bagel sống cho tới cuối tuần. Tiền còn dành dụm đổ xăng, có xe mà không có xăng thì có mà bỏ học luôn. Tôi rất mừng vì mình đã trưởng thành trong suy nghĩ rất nhiều. Dù nghèo túng, không mượn tiền ai, không kèo nèo cha mẹ, họ bảo xong 4 năm mới về thì cứ thế mà làm. Tôi không dám thò đầu về lại Salem khi chưa có bằng 4 năm. Lúc đó tôi đã qua Mỹ được 5 năm mà đầu óc vẫn còn sĩ diện hảo như người Việt Nam chính hiệu. Cha mẹ tôi mà tôi còn không chia xẻ được, cứ im thin thít, sống chết kệ, thì có ngày tôi chết vất vưởng không ai biết chứ chẳng phải chơi.

Tôi vốn sinh ra không phải một đứa bé khoẻ mạnh. Tôi phải cám ơn cuộc sống đã cho tôi đủ nghị lực vượt qua bốn năm gian khó này để tốt nghiệp cử nhân tại Mỹ.

Tôi mang mũ mão về chụp hình với cha mẹ ngày trước ra trường. Họ hãnh diện ra mặt và thoả mãn lắm. Đời tôi đang lên hương. Tôi có công việc ổn định, tôi đã ra trường cử nhân, chỉ còn báo cha mẹ tôi tổ chức đám cưới cho tôi như họ mong đợi nữa là xong. Kế tiếp tôi sẽ nộp đơn cho công việc cao hơn, đời tôi cứ thế mà đi lên. Tháng 8 cùng năm tôi làm đám cưới. Chỉ năm tháng sau, tôi sinh đứa con thiếu tháng vì tôi mang thai nhau thấp. Con trai tôi nằm trong intensive care 5 tháng đến tháng 4 năm sau thì cháu mất vì nhiều biến chứng. 5 tháng biết bao đau thương, muộn phiền với vợ chồng tôi, giờ lại phải đối đầu với sự mất con. Bản thân tôi như điên, như dại.

Đời tôi đúng là không bao giờ lên hương!

Cũng không cần phải nói rõ hơn là sau sự ra đi của đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi trở nên xa lạ với nhau rõ rệt dù đúng ra là phải đứng gần nhau hơn. Tôi được tiếp thụ cách học vượt qua đau buồn bằng trợ giúp của lớp Lost and Griefs. Còn theo cách cổ điển chồng tôi chỉ đợi thời gian làm vơi bớt đi đau buồn. Anh trở nên ít nói hẳn và để mặc tôi muốn làm gì thì làm. Anh sống vô hồn còn tôi thì nhìn anh như vậy chỉ càng thêm đau đớn. Tôi muốn anh dù có buồn nhưng biết nhìn về phía trước vì đời sống của cả hai không thể chỉ dừng lại ở đây. Anh vẫn sống theo anh.

Chúng tôi sống chung một nhà mà là hai thế giới riêng biệt. Nếu cho tôi chọn lại, tôi sẽ không lập gia đình cho tới khi tôi hiểu rõ lập gia đình có phải là cho mình hay là cho cha mẹ mình yên tâm và vui lòng không. Tôi và anh khác nhau quá xa. Tôi là sự pha trộn của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Còn anh là kinh nghiệm sống và tồn tại của một con người từng trải tại Mỹ. Yêu thương là không phải là nền tảng chính trong hôn nhân giữa chúng tôi mà tôi thấy rõ đó là sự thúc giục của gia đình tôi. Tôi không biết rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu lúc đó.


Tôi đòi ly dị. Anh không trả vốn, trả lời gì. Sự im lặng của người đàn ông vốn đã đáng sợ nay lại đáng sợ hơn từ anh. Tôi ngậm miệng làm hoà vì tôi sợ mất mặt cha mẹ mình. Đồ sĩ diện hão. Tôi không dám quyết định cho mình chuyện gì, ngay cả sinh mạng của mình cũng không dám giải quyết để khỏi lấn sâu hơn vào con đường không lối thoát. Tôi hèn nhát còn hơn bất cứ loài vật nào tôi có thể nghĩ ra lúc này.

Tôi không còn nghĩ tới lên hương cái con bà gì nữa, giờ xuống hay lên, tôi mà để ý tôi chết liền. Đời sống hôn nhân chưa chắc có giữ được hay không nữa trước mặt.

Tới mức này, dù có điên đến mấy, tôi cũng còn một chút tỉnh táo để hiểu rằng dù bước tiếp với anh, hay với người khác tôi cũng phải đi lại từ đầu. Dù khó khăn và chông gai bao nhiêu trên con đường sắp tới, anh và tôi ít nhiều gì cũng đã qua cùng đau khổ mất con có muốn xoá đi ký ức đó ra khỏi cuộc đời cũng không xóa được. Tôi bình tĩnh nhìn lại mình.

Anh dù có không muốn nói chuyện với tôi, thì tôi tìm cách khác để làm vơi những suy nghĩ của mình thật an toàn. Tôi thả suy nghĩ và ký ức của mình vào các bài viết trên mạng nghe cũng vơi bớt phần nào những đau khổ và suy tư trong đời thường. Tôi đưa hết từ những mâu thuẫn nghe như rất riêng tư của một người phụ nữ giàu tình cảm nhưng không hạnh phúc trong đời sống riêng, tới những tình cảm biết ơn với đồng nghiệp khác màu da, hay những kỳ thị trong công việc làm vào bài viết. Theo tôi đó là đời sống thực, không chỉ của riêng tôi mà gần như là của mọi người, ít nhiều gì bạn đọc nhìn thấy họ trong bài viết của tôi. Tôi đem niềm vui đó chia xẻ với anh, anh bực tôi ra mặt. Anh cho rằng tôi mang chuyện gia đình ra phơi bày. Vô lý! Bày đâu mà bày. Tôi muốn mọi việc tốt đẹp hơn và không thể chịu mãi cảnh sống đầu Đông trên đất Tây được.

Có thể là cuộc thi Viết về Nước Mỹ cảm động trước sự nhiệt tình của tôi. Năm 2005 tôi được nhận giải khuyến khích từ những bài viết của mình. Đời tôi lại lên hương.

Từ hồi lấy chồng, mất con, cay đắng, đời tôi nay lại trồi lên chút xíu. Chồng tôi cũng vui lây khi tôi nhận giải. Tôi cũng không bình thường, cứ cho chồng vui thì có sao đâu, đàng này tôi hỏi tại sao anh bực bội khi không cho tôi viết mà lại vui với tôi khi tôi nhận giải. Anh rất buồn khi tôi hỏi anh như vậy.

Với tôi, đàn ông thì nói đàn bà khó hiểu. Tôi sẽ nói đàn ông còn khó hiểu gấp bội.

Tháng 11/2006 chồng tôi mất vì heart attack sau khi nằm hôn mê trong bịnh viện hai tuần lễ. Tôi bắt đầu đời sống đơn độc với hai con nhỏ. Đời tôi ai bảo lên hương tôi chết liền.

Tôi bắt đầu cảm nhận đời sống theo một con mắt hoàn toàn khác. Có đó, mất đó. Chỉ nhớ một điều khi tôi còn đang cầm giữ trong tay, hãy sống trọn tình, trọn ý với những điều mình đang có, để khi mất đi có ân hận cũng không vượt quá mức có thể chịu đựng.

Bây giờ tôi không còn chờ lên hương gì cả. Tóc tôi điểm bạc khá nhiều trong 6 năm vừa qua. Tôi chẳng nhuộm, chẳng mong ít bạc hơn hay có bạc nhiều đi thì với tôi đó cũng là chuyện dĩ nhiên.

Tôi dần bình tĩnh và lấy lại thăng bằng cho đời sống của mình và hai con. Phải nói là rất nhiều nước mắt và những đêm không ngủ trong sáu năm vừa qua. Rồi thì sao? Tôi bị buộc và không còn cách nào khác là ngẩng đầu đi tiếp.

Trong một năm vừa qua tôi nộp tới hai mươi bảy đơn để xin đổi công việc có lương cao hơn mong sao dư dả chút đỉnh khi về hưu và có thể thay đổi được một số tiêu cực trong ngành nếu tôi có may mắn nhận được job mới. Tôi đã hy vọng quá nhiều. Trong hai mươi bảy job đó, tôi không đủ tiêu chuẩn những năm jobs, năm jobs không có kinh nghiệp trực tiếp, năm jobs không trả lời và những jobs còn lại tôi chỉ biết đã nhận người, tôi còn chưa tới lượt được gọi phỏng vấn.

Một vài người bạn khuyên hộ hay tôi đổi tên cho người bản xứ dễ gọi. Gọi trẹo miệng cái tên Ng của tôi và tiếng Anh trong đơn có lúc còn vấp vài lỗi chính tả thì thất bại là đúng rồi. Cái tên Ngọc Trâm Trần trong ngành mười chín năm năm cùng một job không có gì nổi bật cho người ta làm niềm tin để được thăng tiến. Đổi gì hả bạn? Tôi đi dự Diversity Conference, người speaker trong hội nghị xuất thân từ South Africa có bằng tiến sĩ cũng nói ông đã đổi tên để có được job như ý muốn. Trong khi chia xẻ điều đó tôi hiểu ông không có ý khuyên ai đổi tên cả. Theo tôi ông chỉ xác nhận có sự phân biệt trong sự tuyển chọn người mà ông từng là nạn nhân. Tôi tin là không một người di dân nào ở đây có thể phủ nhận điều đó.

Tôi được Boss và những người bạn có kinh nghiệm nộp đơn đề nghị sẵn sàng giúp tôi chỉnh sửa lại những từ ngữ chữ nghĩa và kinh nghiệm làm việc trong đơn.

Còn chỉnh sửa gì hả bạn. Tên tôi đó, kinh nghiệm tôi đó. Họ hiểu và tôn trọng tôi thì chỉ cần một cú phone tới người điều hành trực tiếp của tôi là biết tôi làm việc thế nào và khả năng tôi tới đâu chứ cần chi khác.

Tôi chỉ có thể là tôi, dù tôi có ăn mặc sang trọng hơn bình thường thì "cái áo đâu có làm nên thầy tu".

Cũng trong sáu năm vừa qua từ khi sống một mình nuôi hai con, tôi cũng tập im lặng như đã từng im lặng khi còn đang cố gắng học để có bằng cử nhân. Tôi nhận ra hai sự im lặng rất là khác nhau. Trước kia tôi im lặng và chịu đựng vì tôi còn sĩ diện hảo, không muốn ai biết mình dở, không muốn ai biết mình đang không bình yên, tôi không kêu cứu ai vì tôi bi quan khi tin rằng cũng không ai đoái hoài tới mình. Giờ tôi cũng im lặng, nhưng sự im lặng này là do tôi hiểu khó khăn nào rồi cũng qua khi tôi cố gắng nhìn ra vấn đề chính mà giải quyết, nếu giải quyết không xong một ngày, hai ngày thì vấn đề đó cần thời gian để ổn định. Điều tôi cần có trong đời là lòng tự tin vào chính bản thân mình để mà đi tới những dự định mình đã vạch ra.

Tôi nhìn thấy xung quanh, đồng nghiệp hay người quen lên hương thì mừng dùm và nói lời chúc mừng với họ. Còn tôi, giờ đây tôi chỉ cầu những ngày bình an trong đời sống, quan tâm và chăm sóc con khỏe mạnh, dạy dỗ con khôn lớn và thành người có ích cho xã hội sau này.

Những gì tới sẽ tới phải không bạn, dù tôi có chờ hay không.

Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
29/08/201714:38:34
Khách
Em đã đọc hết, chi VK kính mến ạ! Kính trọng và biết ơn chị nhiều nhiều...
10/01/201321:56:59
Khách
Ngọc Trâm à,

Tôi là Diệu Anh ở ĐH Tổng Hợp hồi trước đây. Em email cho tôi nhe. [email protected]. DA
01/12/201201:16:45
Khách
Vành Khuyên ơi! Cuộc sống với nhiều thử thách nhưng mình rất mừng là VK không mất đi con người thành thật và tử tế của VK. Thân chúc VK và các con luôn vui, mạnh, và thêm nghị lực để đạt những điều VK mong muốn.
23/11/201216:11:06
Khách
Tôi đã đọc các bài viết của Vành Khuyên từ nhiều năm nay trên các websites khác nhau. Hôm nay, đọc bài này hiểu thêm được nhiều hơn về tác giả. Xin chúc gia đình Vành Khuyên nhiều sức khoẻ và bình an.
29/11/201202:16:13
Khách
Lần đầu tiên, tôi đọc bài viết của Vành Khuyên. Tôi nghĩ Vành Khuyên sẽ còn viết nhiều trong những ngày sắp tới dù cuối bài, Vành Khuyên nói : " Còn tôi, giờ đây tôi chỉ cầu những ngày bình an trong đời sống, quan tâm và chăm sóc con khỏe mạnh, dạy dỗ con khôn lớn và thành người có ích cho xã hội sau này."
Nghe ngắn gọn nhưng mỗi chữ trong đó là một đề tài viết mãi không hết.
Cám ơn Vành Khuyên đã chia xẻ cuộc đời với đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,180,623
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến