Hôm nay,  

Thà Lỗ Hơn Lời!

15/11/201200:00:00(Xem: 316038)
viet-ve-nuoc-my_190x135Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Bài mới nhất của cô là một truyện ngắn về đời sống Mỹ, với đủ loại bảo hiểm và chuyện “đầu tư” cho con cái.

Ông bà Ngọc và cô con gái nhỏ vượt biên qua Hồng Kông vào đầu thập niên 80. Nhờ hội nhà thờ bảo trợ nên sau 2 năm ở trại tỵ nạn gia đình 3 người được qua định cư ở tiểu bang Minnesota.

Nhờ hội nhà thờ giới thiệu nên ông Ngọc được vào làm thợ máy một hãng điện tử lớn, còn bà Ngọc vợ ông được vào làm assembly hãng medical gần nhà. Cả hai ông bà đều được trả lương khá và có nhiều overtime nên đi làm mệt nghỉ từ sáng đến tối chẳng bỏ một buổi nào. Cô con gái mới 8 tuổi, học trường tiểu học gần nhà có xe bus đưa đón mỗi ngày.

Sáng sáng ông Ngọc thức dậy sớm chở vợ ghé qua hãng của bà trước rồi ông chạy tới hãng mình xa hơn. Cô con gái thức dậy thì cha mẹ đã đi khỏi. Cô bé còn nhỏ nhưng rất khôn ngoan biết tự lo thu xếp sách vở đón xe school bus đến trường. Chiều về đến nhà cha mẹ cũng chưa về đến, cô bé tự lo hâm đồ ăn mẹ nấu để lại từ hôm qua ăn trước rồi lủi thủi coi ti vi hoặc ôn bài vở.

Cha mẹ đã dặn ở Mỹ có nhiều “ông kẹ” thích bắt trẻ em ăn thịt nên con nít một mình phải ở trong nhà không được ra ngoài tránh bị bắt cóc. Ngoài ra cảnh sát thấy con nít ở ngoài đường một mình sẽ bắt về cho sở xã hội nuôi và bắt cha mẹ bỏ tù. Trong nhà cũng không được làm ồn hàng xóm để ý báo cảnh sát đến bắt, cũng không được mở cửa cho người lạ hoặc trả lời phone lạ. Cô bé nhất nhất tuân theo lời cha mẹ dặn nên mọi việc đều được suông sẻ.

Thường ngày, chỉ bữa cơm chiều là vui vẻ nhộn nhịp. Bố mẹ kể chuyện hãng xưởng, con kể chuyện trường lớp. Căn phòng sáng chiều vắng lặng, bấy giờ mới rộn ràng ấm cúng. Một hôm bà Ngọc nói với chồng:

- Bố con Nguyệt ơi! Em nghe mấy chị bạn trong hãng bàn nhau nên mua bảo hiểm nhân thọ. Xứ Mỹ này ngày nào cũng có tin tức chết người vì tai nạn này nọ. Mấy chỉ bảo lỡ có chuyện gì xảy ra cho mình thì còn có tiền để lại cho con cái.

Ông Ngọc tán thành:

- Ý kiến hay! Bên xứ này mình chẳng có bà con gì cả, lỡ rủi ro mất đi thì con gái chắc phải thành ăn mày. Mẹ nó có nghe mấy chỉ nói biết ai bán bảo hiểm nhân thọ không?

Bà Ngọc bảo:

- Hình như chồng của chị Minh trong hãng em làm nghề bán bảo hiểm hay sao đó. Để mai lên hãng em hỏi và nếu đúng thì mình hẹn ngày tới văn phòng của họ mua nhé.

Vài ngày sau, ông bà Ngọc được chồng bà Minh là người đại lý của hãng bảo hiểm xách cặp da tới tận nhà để giới thiệu và giải thích về vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Sau khi nghe người đại lý giải thích nhiều loại bảo hiểm nhân thọ, ông bà Ngọc đồng ý chọn loại bảo hiểm bồi thường 150,000 đô la với mức đóng $35 mỗi tháng cho mỗi người. Vị chi 2 người một tháng đóng tổng cộng $70 đồng. Tiền đóng ít mà lãnh nhiều ai lại không ham, mặc dù người đại lý nhắc trước chọn loại bảo hiểm này nếu đương sự đến 60 tuổi sẽ tăng giá. Bây giờ cả hai vợ chồng mới 40, còn đến 20 năm nữa biết có sống đến ngày đó không mà sợ tăng giá. Sống ở xứ này xe cộ tấp nập, hãng xưởng nhà máy thả nhiều khí thải dễ bị ung thư, rủi ro bất trắc rất dễ xảy ra. Bây giờ mua xong bảo hiểm nhân thọ tự nhiên thấy an tâm bớt lo, ông bà Ngọc vui vẻ lắm.

Trời thương, vợ chồng cùng có công ăn việc làm tốt kiếm nhiều tiền nên sau 2 năm dành dụm ông bà Ngọc có tiền down mua được căn nhà nhỏ xinh xắn tuy hơi cũ, xây được gần 30 năm rồi. Cũ người mới ta, an cư lạc nghiệp! Cả nhà đều mừng rỡ vui vẻ lo trang hoàng sắm sửa cho căn nhà được đầy đủ tiện nghi. Nhưng mới ở được vài tháng thì đường cống nước bị nghẹt phải bỏ ra hơn 200 đồng kêu thợ tới thông cống nên ông Ngọc bàn với vợ:

- Anh thấy sở điện lực có chương trình mua bảo hiểm đồ điện trong nhà như máy lạnh, máy sưởi, máy nước nóng, tủ lạnh, máy giặt máy sấy, và cả cống nước mỗi tháng $25. Em thấy nên mua không để lỡ bị hư có nhân viên điện lực tới sửa ngay cho mình mà không tính thêm tiền?

Bà Ngọc tán thành ngay:

- Căn nhà của mình đã xấp xỉ 30 tuổi, đồ đạc không còn mới dễ hư hỏng lắm. 25 đồng coi như 2 giờ làm overtime thôi. Mua đi anh. Lỡ mùa đông mà máy sưởi hoặc máy nước nóng hư thình lình có họ tới sửa ngay cho đỡ khổ.

Không biết sao, từ ngày mua bảo hiểm đồ điện chẳng có cái máy nào trục trặc cả. Người bạn ông bà bảo:

- Máy sưởi nhà tôi bị hư, kêu họ tới sửa chỉ trả có $250. Mấy năm mới hư một lần chứ đâu phải hư hoài đâu. Mà đồ gì cũ và hay hư thì bỏ tiền ra mua cái mới tính ra lợi hơn mỗi tháng phải đóng tiền bảo trì như ông bà. Tôi thấy góp lắt nhắt mỗi tháng vậy chứ tính gộp lại ngày này qua tháng nọ thành số tiền lớn thấy uổng phí quá.

Chẳng biết có phí tiền không nhưng ông bà Ngọc không dám cancel vì sợ lỡ vừa cancel đồ điện nó lăn đùng ra hư thình lình thì tức lắm. Đã lỡ phóng lao thì phải theo lao! Thôi cứ coi như bỏ tiền ra mua sự an tâm vậy.

Được vài tháng sau trong bữa ăn, bà Ngọc lại kể cho chồng nghe chuyện cô bạn trong hãng bị hàng xóm thưa vì con chó đực nhà họ làm con chó cái nhà hàng xóm có bầu. Chuyện ruồi bu nhưng ở xứ Mỹ này hở chút là thưa kiện đủ loại trên trời dưới đất phiền phức lắm. Mình là người Việt di dân, qua xứ người không biết tiếng tăm, dễ bị “Xu” lắm. Mấy người bạn trong hãng nghe thế rủ nhau đi mua “Pre-pay legal services” dịch nôm na giống như “Bảo hiểm luật pháp” cho an tâm. Mỗi tháng chỉ trả $15 không đáng bao nhiêu mà lỡ có gì đụng chạm đến pháp luật họ sẽ cãi cho mình không lấy tiền. Nghe cũng bùi tai nên ông bà Ngọc cũng móc túi bỏ thêm chút ít tiền mỗi tháng mà đỡ lo. Chuyện nhỏ!

Giòng đời cứ thế mà trôi. Tre già măng mọc, cô bé Nguyệt giờ đã phổng phao cao lớn. Cô không còn là một cô bé con lơ ngơ nhút nhát cô đơn ngày nào mà ngược lại trông cô nay lanh lợi, dạn dĩ, và bạn bè rất nhiều đủ các quốc tịch. Cô cũng không còn buồn bã rúc trong nhà mỗi chiều đi học về mà cùng đám bạn học đi shopping, đi nhảy nhót, hoặc tụm năm tụm ba cho tới trước giờ bố mẹ về thì cô có nhà sẵn để đóng vai đứa con ngoan. Ông bà Ngọc đi làm về mệt nhưng thấy cô con gái cưng ngoan ngoãn ngồi ở bàn học trước đống sách vở cao nghều là bao nhiêu mệt mỏi tan biến, trong lòng vui mừng vô cùng.

Cô con gái “ngoan” đòi gì cha mẹ cũng chiều. Quần áo, son phấn đều là đồ hiệu mắc tiền để khỏi thua kém bạn bè. Thời đó computer còn mắc, cô xin một cái để học thêm về mấy lớp computer và tìm tòi bài vở trên mạng bố mẹ đồng ý ngay. Rồi cô đòi mua xe để tiện việc đến nhà bạn cùng học nhóm, cha mẹ làm sao lắc đầu được. Ông Ngọc bàn với vợ:

- Con nhỏ mới có bằng lái không nên mua xe mới cho nó. Còn mua xe cũ quá lỡ hư dọc đường con gái sẽ không biết ứng phó. Anh thấy mình tìm mua cho con 1 cái xe dùng rồi nhưng ít miles không lo hư vặt an tâm hơn và cũng tiết kiệm được tiền.

Bà Ngọc tán đồng ngay:

- Anh nói thế đúng lắm.

Thế là ông Ngọc đi tìm và mua được 1 cái xe Honda CRV mới ba chục ngàn miles. Xe trông còn mới cáo và đẹp lắm, chạy thử thấy máy êm và mạnh. Giá 15 ngàn chứ ít đâu. Trong lúc làm giấy tờ người bán hàng vui vẻ mời chào:

- Ông bà mua thêm bảo hành cho xe nhé. Chỉ 1 ngàn thôi. Cho chắc ăn. Nếu có hư máy móc thì được sửa miễn phí.

Lại cũng để mua sự an tâm nên bà Ngọc xúi chồng:

-Mua đi anh. So với mua xe mới tiết kiệm được gần 6 ngàn. Có bảo hành yên bụng hơn, khỏi lo.

Đi được vài tháng xe bị mòn thắng. Ông Ngọc đem tới dealer bán xe đòi sửa free. Họ bảo:

- Chỉ guarantee máy móc xe thôi. Hư cái này không nằm trong mấy thứ được bảo hành.

Trớt quớt! Hồi đó người bán hàng cũng có giải thích nhưng có lẽ tiếng Mỹ chưa khá nên ông bà Ngọc mới nghe chữ free đã thấy khoái chí quên để ý đến những thứ khác. Mấy năm sau đó xe cũng chỉ bị hư lốp, hư quạt nước, hư mấy thứ lặt vặt bỏ tiền ra tiệm thay thôi chứ chẳng được họ bồi thường thay không thứ gì cả. Khi không cúng $1000 cho thiên hạ ăn uổng quá.

Cô Nguyệt tốt nghiệp xong trung học lên đại học được 2 năm thì bỏ ngang và làm cha mẹ thất vọng biết bao khi bảo:

- Con không thích học tiếp Đại học nữa. Học nhiều cho lắm cũng để đi làm kiếm tiền mà chắc gì khi ra trường lại kiếm được job. Con muốn làm giàu ngay thôi. Bố Mẹ cho con tiền học nghề nail đi. Nghề này chỉ cần học ít tháng ra mở tiệm làm chủ kiếm bộn tiền.

Ông bà Ngọc khuyên mấy cô cũng không chịu nghe để hoàn tất chương trình đại học mà cứ đòi học đại ngành nail. Cuối cùng cũng phải nhượng bộ con gái cưng. Ra trường lấy được bằng làm nail và bằng manager cô xin bố mẹ góp vốn cho sang lại một tiệm nail để làm chủ. Sáng đi tối về rất siêng năng. Ông bà Ngọc hỏi tới cô nàng khoe làm ăn rất khá, khách đông không phục vụ kịp nghe mà mừng. Được một năm cô bảo cha mẹ:

- Nhà cửa đang lên giá vùn vụt, bố mẹ bán nhà này mua nhà lớn hơn ở vài năm bán kiếm lời đi. Chú của bạn trai con đang muốn bán căn nhà mới 3 tuổi để xây căn nhà lớn hơn. Bố mẹ tới coi thử nha.

Rồi cô thuyết phục và dẫn bố mẹ tới xem căn nhà này. Quả thật là quá đẹp, nhà cửa khang trang mọi thứ đều mới mẻ. Chỉ mới xây được 3 năm thôi mà. Lại ở khu vực tốt, gần sân golf, gần free way. Chủ nhà nói:

- Anh chị mua căn nhà này ở độ 2 năm bán chắc chắn kiếm được 1, 2 trăm ngàn. Nhà cửa thị trường đang hot hết sức, thả ra là thiên hạ chụp ngay. Nể tình cháu Nguyệt đây quen với thằng cháu tôi nên tôi báo cho anh chị biết trước khi trao cho realter đăng bản bán. Rao bán 500 ngàn có khi thiên hạ trả hơn giá để chụp mua nữa đó nhưng ưu tiên cho bà con quen biết trước.

Về lại nhà ông bà Ngọc bàn nhau:

- Căn nhà mình đang ở hồi đó mua 100 ngàn, giờ cũng lên được 200 ngàn. Mình bán ra lấy tiền down cho căn nhà mới này. Tiền nhà mỗi tháng mình ráng làm overtime góp cũng đủ trả. Ráng ở 1, 2 năm bán kiếm lời vài trăm ngàn khỏe re há. Chỉ ngại tiền thuế đất nghe nói đến 7 ngàn một năm hơi nặng đô nhưng mình chịu khó gồng 1, 2 năm chứ có ở luôn đâu mà sợ.


Cô con gái bảo:

- Bố Mẹ để lại căn nhà đang ở cho con đi. Bán cho người ta uổng lắm. Rồi con trả góp Bố Mẹ lấy tiền đó đóng tiền nhà mới. Con cũng sắp lấy chồng rồi cũng cần có tổ ấm riêng.

- Con gái có tiền để down cho căn nhà này không? Bố Mẹ phải có tiền để down cho căn nhà kia chứ?

Cô Nguyệt nũng nịu:

- Bố Mẹ giúp cho con thì sau này con phụng dưỡng lại cho Bố Mẹ mà. Để lại căn nhà này cho con 150 ngàn thôi nhé. Bố Mẹ được lời 50 ngàn. Con cũng được lợi 50 ngàn thay vì bán cho người ta, coi như quà cưới cho hai đứa con.

Vậy là ông bà Ngọc sang tên để lại căn nhà cho cô con gái cưng 150 ngàn với chẳng có đồng tiền down nào vì cô đang kẹt tiền lo đám cưới tháng sau. Cô cũng khỏi phải vay nợ ngân hàng tốn thêm tiền thủ tục và trả tiền lãi cho ngân hàng rất uổng. Coi như bố mẹ là ngân hàng và mỗi tháng cô nàng phải trả góp cho cha mẹ $1200 trong vòng 30 năm. Vì thương con và cũng nghĩ thân tình là chính nên ông bà chẳng cần phải làm giấy nợ cho con.

Thế rồi nhờ người môi giới nhà vấn kế, ông bà Ngọc mượn home equity loan 100 ngàn để có tiền down mua căn nhà mới. Thời bấy giờ mượn loan mua nhà dễ lắm. Ông bà Ngọc vì tiền thu nhập không đủ điều kiện để vay toàn bộ 500 ngàn nên nhân viên ngân hàng cũng chính là con ông chú đã làm phù phép để ông bà Ngọc được vay home equity loan cho căn nhà mới trong khi chưa sở hữu nó. Cũng chính vì cái dễ này nên ông bà Ngọc mới gặp rắc rối sau này.

Ở nhà mới sướng đâu không thấy mà còng lưng làm overtime từ sáng đến tối mịt mới về nhà ăn vội rồi nằm lăn ra ngủ lấy sức mai cày tiếp để có tiền trả góp hằng tháng. Cũng là làm overtime nhiều như ngày xưa nhưng nay tuổi không còn trẻ, sức không khỏe và nhất là khoản nợ mới như một gánh nặng đè trĩu cả thể xác lẫn tinh thần nên cả ông lẫn bà đều thấy mệt mỏi vô cùng. Ông bà Ngọc cũng tự an ủi ráng chỉ 1, 2 năm thôi là có thể bán kiếm lời 1, 2 trăm ngàn khỏe ru. Bây giờ cứ tưởng tượng đến cái lợi sau này để làm động lực tiếp tục làm kiếp con trâu cày trên xứ Mỹ.

Mới ở hơn năm thì giá nhà tự nhiên khựng lại rồi từ từ tuột dốc. Ông Ngọc vội kêu realter tới nhờ đăng bản bán nhà nhưng chẳng ai mua. Đã vậy, bỗng một ngày vợ chồng đứa con gái yêu xách vali quần áo dọn vào ở chung bảo là chúng nó đã bán đứt căn nhà đang ở.

Ông bà Ngọc ngạc nhiên hỏi:

- Sao tụi con bán nhà mà chẳng thấy treo bản bán nhà gì cả? Hay thế! Tụi con bán được giá bao nhiêu, có lỗ không?

Bà Ngọc chen vào nhắc:

- Tụi con bán căn nhà rồi, vậy tiền đâu đưa lại cho bố mẹ để trả bớt cho căn nhà hiện nay?

Nguyệt trả lời lấp lửng:

- Thời buổi này bán hạ giá khá khá thì nhanh thôi. Con mới đánh tiếng thì có người đòi mua ngay chưa kịp lên bảng bán. Thủ tục giấy tờ chưa xong, còn vài khâu nữa mới hoàn tất. Bố mẹ đừng lo, khi nào rút được tiền con sẽ đưa lại cho.

Ông Ngọc thắc mắc:

- Mà khi không sao lại bán nhà? Tụi con đã nói là muốn có tổ ấm riêng mà.

Nguyệt có vẻ bực mình:

- Thì nhà cửa đang xuống giá ôm nó có mà chết à. Bán để lấy tiền đầu tư chuyện khác chứ. Nhà bố mẹ đang rộng trống không, tụi con dọn về ở chung để phụ tiền điện nước không tốt hơn sao. Với lại con sắp sinh em bé, bố mẹ sẽ có cháu ngoại trong nhà cho vui nhà vui cửa. Nếu bố mẹ không thích thì tụi con kiếm apartment dọn ra.

Bà Ngọc vội nói:

- Ừ, thì dọn về ở chung cho vui cũng không sao. Có điều các con phải lo thủ tục ngân hàng cho nhanh lấy tiền về đưa cho bố mẹ đấy.

Ngày này qua ngày khác, thấy vợ chồng con Nguyệt cứ im ru chẳng đả động gì đến số tiền bán nhà, và cũng đã lâu lơ mất không đóng $1200 tiền góp mua căn nhà cũ, ông bà Ngọc lại nhắc nữa. Nhắm mòi không dấu được nữa cô con gái yêu mới khóc lóc thú nhận đã làm ăn thất bại phải bán nhà trả nợ. Và chẳng những chỉ bán căn nhà, cô ta đã sang luôn cả căn tiệm. Bây giờ bụng lại bầu bì gần sinh nở nên không tiện đi kiếm việc làm, chỉ có người chồng còn việc làm để có bảo hiểm và lo cho 2 mẹ con sinh nở thôi.

Bao nhiêu đó chưa đủ vì họa đâu có vô đơn chí. Khoảng một năm sau, một bữa đang làm việc thì bà Ngọc bị trúng gió thình lình phải kêu ông Ngọc tới đón bà về sớm. Sẵn ông lấy thơ vào luôn mới lòi ra cái thơ của hãng đòi nợ cho biết bà Ngọc đã nợ tiền credit card gần 100 ngàn, nếu không trả sẽ đưa bà ra tòa. Có ai đó đã dùng tên tuổi của bà Ngọc xin các credit card mà tiêu dùng và không chịu trả nên họ đã nhờ công ty đòi nợ gởi thơ đòi. Ông Ngọc giận quá đòi đi báo cảnh sát nhưng lại cũng cô con gái thú nhận chính mình đã lấy số an sinh xã hội của mẹ mà xin credit card để dùng. Truy tới cùng cô nàng thú nhận thêm trong thời gian bầu bì vô công rỗi nghề đã lấy tiền mặt trong các credit card đi dâng cho sòng bài mong gỡ gạc tiền làm ăn thua lỗ.

Con dại cái mang! Có một đứa con đầu tư tâm tư, tiền bạc, thời giờ mong nó lớn khôn nên người hữu dụng không ngờ lại thành kẻ bài bạc, trộm cắp, không nghĩ gì đến tương lai của mình và ân tình của cha mẹ. Bây giờ phải cắn răng mà chịu chứ làm sao đưa nó ra tòa được. Cũng không dám la nhiều vì sợ nó giận bồng cháu ngoại đi thì tội nghiệp. Đứa nhỏ mới được 3 tháng, xinh xắn, giống mẹ nó thuở nhỏ y hệt. Ông bà ngoại yêu cháu vô cùng nên đành tìm cách trả nợ cho con gái. Ông Ngọc phải rút 50 ngàn trong quỹ 41K của hãng trả bớt, còn lại 50 ngàn ra tòa xin trả góp trừ vào tiền lương hàng tháng. Tiền 41K rút sớm bị phạt 10% và đóng thuế liên bang 20% nhưng cũng phải chịu.

Kinh tế xuống nên hãng cả hai ông bà đều hết overtime. Tiền thu nhập ít đi mà tiền phải chi hàng tháng tăng lên. Tiền trả góp công ty đòi nợ, tiền bảo hiểm nhân thọ, tiền bảo hiểm đồ điện, tiền trả trước luật sư, tiền điện nước, tiền bill nhà, rác, bill linh tinh lang tang mỗi tháng cộng lại cao gấp đôi tiền lương của ông bà Ngọc. Chịu đựng không thấu nên ở căn nhà mới được 3 năm ông bà Ngọc quyết định bỏ nhà trả lại cho ngân hàng. Coi như 3 năm đóng cho họ hết 150 ngàn chứ ít đâu. Nhưng phải chịu thôi chứ càng ôm càng chết, tình hình bỏ nhà cho ngân hàng là tình trạng chung ngoài xã hội.

Tưởng bỏ căn nhà cho ngân hàng là yên, nhưng ai ngờ vẫn còn dây dưa. Ngân hàng gọi lại đòi tiền vay home equity 100 ngàn để down ngày trước. Đâu có phải bỏ nhà chịu mất 3 năm trả góp là xí xóa tất cả. Tiền vay home equity loan không nằm trong khoản tiền vay mua nhà. Số tiền này chỉ được vay trên căn nhà đang ở để sửa chữa chứ ai mà cho vay dựa trên căn nhà chưa mua! Nếu ông bà Ngọc muốn kiện cũng được nhưng người làm giấy tờ là bà con bên thằng rể nên đành phải ngậm bồ hòn làm thinh. Tiền 41K lâu nay đã rút gần hết, tiền để dành cũng hết nên nghe vợ chồng đứa con gái vấn kế, ông bà Ngọc nhờ luật sư lo khai bankruptcy chứ tiền đâu mà trả. Bây giờ là lúc dùng đến “Pre-pay legal services” lâu nay đã đóng gần 15 năm trời.

Gọi cho văn phòng luật sư “phe ta” thì họ bảo:

- Xin lỗi! Văn phòng chúng tôi không làm về vấn đề bankruptcy. Chúng tôi sẽ giới thiệu ông bà tới văn phòng luật sư chuyên môn về việc này.

- Các ông không làm nhưng có phải các ông sẽ trả hết chi phí cho chúng tôi không? Chúng tôi đã đóng “Pre-pay legal services” 14 năm rồi.

- Xin lỗi! Chúng tôi chỉ giới thiệu và sẽ trả phụ cho ông 20% thôi.

Vậy là ông bà Ngọc phải tìm tới văn phòng luật sư họ giới thiệu để làm thủ tục giấy tờ. Chi phí sau khi được giảm 20% là 2 ngàn đồng và phải trả trước, không cần biết kết quả có thắng hay thua, có được chấp nhận bankruptcy hay không? Người ta bảo đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước nhưng ông bà Ngọc thấy chẳng đúng gì cả. Từ nay thôi chấm dứt không dư tiền mà đóng cho cái vụ “pre-pay legal services” này nữa.

Còn bảo hiểm nhân thọ, khi ông bà Ngọc được 60 tuổi, lâu nay đóng tiền cho họ “mới” được tròn 20 năm thì nhận được thơ chúc mừng của hãng bảo hiểm. Đồng thời thông báo kể từ nay tiền bảo hiểm mỗi tháng 2 người phải đóng là $700 cho 2 người. Tăng gấp 10 lần! Nếu muốn đóng giá cũ $70 mỗi tháng cho cả hai người thì thay vì được lãnh mức $150,000 như ngày xưa thì nay chỉ còn được lãnh $25,000 thôi.

Ông Ngọc ức quá chửi đổng:

- Tiên sư cái bọn lừa đảo, bọn bóc lột. Dẹp! Không mua nữa! Tăng vừa phải chớ tăng kiểu này là muốn chơi xỏ người ta. Tính ra 20 năm nay mình đã đóng cho họ tất cả là $70 X 12 tháng X 20 năm = $16,800. Nếu tính trượt giá của đồng tiền thì số tiền mình đã đóng còn hơn $25,000 nữa. Vậy mà giờ họ nói chỉ bồi thường $25,000 ngàn thôi nếu còn muốn đóng giá cũ, nghe có sướng không?

Bà Ngọc tiếc rẻ:

- Bây giờ mà bỏ ngang thì uổng quá! Khi không mất tiêu số tiền đã đóng. Thôi mình chọn mua loại bồi thường 25 ngàn để lỡ có chết còn có tiền lo chôn cất.

Ông Ngọc vẫn hầm hơi:

- Chớ đeo theo chưa chắc đến năm 70 tuổi họ không tăng giá nữa. Mà đến lúc mình chết 25 ngàn chỉ còn giá trị một nửa thì còn lỗ nặng. Bà lâu nay cứ xúi tôi mua đủ loại bảo hiểm giờ có thấy chưa? Toàn là vô duyên chẳng có đâu ra đâu cả. Cứ đòi mua cho an tâm. An tâm gì mà an tâm, bực mình muốn điên thì có.

Ông thở ra cái thượt rồi nói thêm:

- Nghĩ lại mình đụng vào loại bảo hiểm gì cũng thấy phí tiền và lỗ hết. Bảo hiểm xe cộ đóng tiền lâu nay có bao giờ bị accident hay sự cố nào để đòi tiền bồi thường đâu. Coi như mất trắng. Còn bảo hiểm sức khỏe thì chỉ để lâu lâu đi kiểm tra tổng quát, bịnh hoạn nhức đầu sổ mũi đều ở nhà tự mua thuốc uống tự chữa.

Bà Ngọc nhìn chồng cười cười:

- Suy cho kỹ thì thà lỗ nặng mà tốt đấy ông à! Bộ ông mong một trong hai người mình chết sớm để lãnh tiền bảo hiểm hả? Hoặc giả ông muốn có bịnh ngặt nghèo để đi bệnh viện nhiều cho lại vốn à?

Ông Ngọc nghe vợ nói, chưng hửng ngẩn ngơ một lúc rồi phá ra cười:

- Ừ nhỉ! Giận quá mất khôn! Thật ra mình bỏ tiền mua bảo hiểm để mua sự an tâm chứ tính chuyện kiếm lời thì tiêu. Trừ việc đầu tư cho đứa con gái thì đây là những loại đầu tư thà lỗ hơn lời mà!

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
25/11/201216:53:53
Khách
Cám ơn các bạn đã đóng góp những ý kiến và thông tin rất quí báu để những người có ý định mua bảo hiểm này nọ lưu ý và cẩn thận hơn, và những ai đã lỡ mua thì cũng biết cách mà ứng phó khi người nhà không may ra đi. Người VN mình thường cho thân nhân uống sâm trước khi lâm chung hy vọng kéo dài mạng sống, ai ngờ đây cũng là lý do mà hãng BH không chịu đền!!!! TM sẽ nói lại cho vợ chồng ông Ngọc biết về việc này.
Thanh Mai
20/11/201219:24:33
Khách
Xin đóng góp với HoaiAn một chuyện nha:
Tôi có biết một ông cụ có vợ và 6 người con vừa trai vừa gái. Hai ông bà cũng sợ cha chung không ai khóc nên mua bảo hiểm nhân thọ để lỡ khi nằm xuống các con không ai phải lo, cứ lấy số tiển do hãng bảo hiểm đền mà lo ma chay và để được vinh dự ghi thêm vào phần cáo phó “xin miễn phúng điếu” cho oai. Hai ông bà mua BH $50,000 từ lúc 76,77 gì đó đóng khoảng 380/tháng/người, hy vọng nếu chết trước 80 thì “lời” Nhg hai cụ cứ sống qua 80 và đến 81 thì may quá được renew chứ hãng không nhận người mới, và phải trả gần 550/thang/người . Đến lúc này hai cụ mới chột dạ nếu sống đến 90 thì hãng không cho renew nữa thì mất trắng những năm đã đóng tiền. Mấy người con không nói ra nhưng cũng mong cho cụ chết sớm để có tiền, thì may quá, cụ ông quy tiên vào năm 84 lúc ấy tính ra đã đóng BH là (380x12x4) + (550x12x4)= 44,640. Thôi chết sớm nên cũng còn lời hơn 5,000. Đám tang, có 50 ngàn BH, các con “trông rỏ bỏ thóc” tạm ứng mỗi người 7 ngàn trước khi lãnh của hãng, tiến hành khá linh đình và trang trọng. Xong công việc nay đến người thụ hưởng làm thủ tục lãnh tiền về chia nhau. Nhưng đến lúc ấy mới vỡ lẽ ra trong hợp đồng có nhiều khoản exceptions (ngoại trừ) tức là những trường hợp không được bồi thường gồm nào là do chiến tranh, tự tử, lái xe, lái máy bay, thuốc không do chỉ định, v.v… và v.v.. và không rõ người thụ hưởng lúc khai báo có bị “cài độ” hay không mà lại tỉ tê khai là cụ có được uống sâm nhung bổ khỏe trước phát hiện phải gọi 91. Chắc do khai vậy nên phạm vào việc dùng thuốc không toa BS (thuốc không do chỉ định), nên BH không đền. Vụ việc lại phải chạy LS và cuối cùng sau nhiều tháng sau mới thắng, tiền đền, sau chi phí LS kiện cáo, mổi người con lúc làm ma chay tạm ứng 7 ngàn, nay còn được chưa đến 4 ngàn. Gạt bỏ phần thiệt hại về tiền bạc ra, chỉ nói về tình nghĩa thì khi các cụ chơi BH là con cháu “hy vọng” các cụ chóng chết mới có lời thì lương tâm đã “bất hiếu” biết là nhương nào.
16/11/201221:07:23
Khách
Cap vo chong nay that de thuong qua. Ong ba gap toan nhung chuyen bat nhu y trong cuoc song, ma cuoi vai van thay ho cuoi vui voi nhau. That de thuong qua!
20/11/201201:05:32
Khách
Người mua bảo hiểm là người chân chất thật thà, người bán bảo hiểm là người sắc sảo tinh ma.
Đóng tiền hàng tháng thì dễ dàng và vui vẻ, lúc đụng chuyện mới biết là khó khăn và nặng nề.
Những hàng chữ nhỏ li ti ở phía dưới bản contract là những cái bẫy không dễ gì người thông thái hiểu nổi nói chi dân lành, những cái exceptions của bản hợp đồng là những hàng rào ngăn chặn thật vững chãi khi bạn vấp phải lúc đòi bồi thường. Mộc mạc chân chất và hiền lành thì chớ nên "nghe" mà mua bảo hiểm, phải "tìm" được người tín cẩn từng trải, và thông thái để cố vấn rồi hãy phóng lao.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,676,714
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến