Hôm nay,  

Ngày Thẳng Đứng

03/11/201200:00:00(Xem: 245774)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với cách viết tinh tế, sô1ng động, Nguyễn Văn đã nhân giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012, cho biết ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Cho tới nay, ông đã góp các bài: “Chuyện Của Bill”; “Tôi Không Là Ai Cả”; “Ngày Tháng Buồn Hiu”; “Mùa Thu Nashville”; “Đêm Mưa Bong Bóng”. Sau đây là bài viết mới nhất.

Bà Diệu tay dắt đứa cháu gái, tay cầm chai nước lọc bước vào khu bãi bên bờ hồ Michigan lúc trời đã bắt đầu xế bóng. Ở cái thành phố Chicago này vào những ngày hè cuối tuần thì ai cũng biết nó ồn ào và náo nhiệt như thế nào rồi. Người đi lại chen chúc, tấp nập trên các con phố. Xe cộ chạy rần rần từ sáng tinh mơ tới nửa đêm. Rồi tiếng nhạc xập xình của các ban nhạc đường phố. Cứ nhìn mấy tay nghệ sĩ khố rách áo ôm này, thật đôi lúc khiến người ta đâm chạnh lòng. Người nào người nấy trông hem huốc đến thảm thương. Tóc tai dài thậm thượt như đàn bà. Mình mẩy gầy tong, chỉ thấy da bọc xương. Ai cũng mặc độc một chiếc quần jean tả tơi, rách đến tưởng chừng như không thể nào rách hơn được nữa. Họ chơi những điệu nhạc xưa cũ, nhảy nhót hệt kẻ động kinh, miệng tru những câu ca man dại, lời lẽ mơ hồ thật không ai hiểu nổi.

Ngày nóng như thiêu. Nhiệt độ hôm nào cũng lên gần một trăm độ F. Không ai muốn ở trong nhà. Mà ở làm sao được trong những căn phòng lúc nào cũng hừng hực như chiếc lò sưởi ấy. Máy điều hòa chạy suốt ngày, càng chạy càng thấy nóng.

Các khu công viên đông nghẹt người. Ai cũng muốn ra đây tìm một chút gió mát. Những căn lều, những chiếc ô dù mọc lên tạm bợ, nhan nhản trên các khu đất. Mà cũng không dễ gì kiếm được một chỗ như thế. Có người phải cơm mang nước xách ra đây từ sáng tinh mơ mới mong tìm được một chỗ cho mình. Khách ngồi, nằm la liệt dưới các tàng cây, trên bãi cỏ. Nóng đến nỗi không ai còn muốn mặc thứ gì trên người. Quần áo lột hết cả ra. Da thịt bày hở hang, lồ lộ đến bỏng rát dưới ánh mặt trời. Mùi thức ăn nướng cháy hăng hắc trên các lò than xen lẫn mùi mồ hôi thoảng lên trong không gian, khiến cho những cái bao tử rỗng vừa thèm ăn đến cồn cào lại vừa có cảm giác buồn nôn.

Bà Diệu có hẹn với một người bạn cùng đi thả bộ chiều nay. Không hiểu hai người hò hẹn thế nào, cuối cùng chẳng ai tìm thấy được ai. Mà cũng không dễ gì nhận được mặt nhau trong cái biển người đông đúc như thế này.

Đứa cháu gái năm tuổi của bà cứ chốc chốc lại đòi nước uống. Uống xong, nó lại muốn đi nhà vệ sinh. Bà Diệu đâm bực mình.

“Đái ỉa cái gì? Nín đi!...”

Đứa bé ngước đôi mắt nhìn bà nó, im thin thít. Thấy con bé mặt tái mét vì nín nhịn, bà thật không đành lòng.

“Thôi được rồi. Nhà vệ sinh ở đâu?” Bà dỗ dành.

“Chỗ kìa, bà nậu!...”

Con bé đáp ngọng ngịu, rồi đưa tay chỉ dãy nhà phía trước.

“Sao cháu biết?”

“Thì chữ washroom đó...”

“Chữ gì?”

“Washroom.”

“Con gái mẹ mày! Nói tiếng Việt…”

Hai bà cháu, chân thấp chân cao nhắm dãy nhà trước mặt, bước tới. Con bé đi bên cạnh, miệng mím chặt. Nó là đứa cháu gái đầu tiên của bà, tên Mitchelle. Một cái tên rặt theo kiểu Mỹ. Bà ghét cay ghét đắng những cái tên như thế. Bà cứ kêu nó là con Mít. Thì đã sao! Nhớ ngày xưa lúc còn nhỏ, bố mẹ chẳng đã từng gọi bà bằng cái tên cục mịch hơn thế. Con Bẻm! Không riêng gì trong gia đình, cả xóm ai cũng kêu bà bằng cái tên đó. Bà vẫn lớn lên, vẫn đi lấy chồng đấy thôi. Mà hồi đó, bà mạnh khỏe chứ không như con Mít bây giờ. Bà chẳng biết chích ngừa là như thế nào. Vậy mà bà có sao đâu! Còn bây giờ, con Mít vừa ấm đầu, sổ mũi một chút là mẹ nó lập tức đưa đi gặp bác sĩ, có khi một tháng lên tới ba bốn lần. Con bé uống thuốc nhiều cũng gần bằng số lần nó ăn cơm vậy. Nhưng nó có mạnh khỏe gì cho cam. Người thì cứ tong teo như que củi. Mặt mày lại xanh mướt tựa tàu lá.

Báo chí suốt ngày cứ đăng nhan nhản các tin về thành tựu khoa học. Nào là tàu vũ trụ đã lên tới sao Hỏa. Tương lai con người sẽ đi du lịch vào không gian. Và sự sống trên các hành tinh xa xôi là điều có thật. Rồi những phát minh y khoa sẽ giúp đẩy lùi được tất cả mọi thứ bệnh tật. Tuổi thọ con người cũng theo đó mà dài ra.

Riêng bà lại không tin. Bà cứ nhất định là hồi xưa ông bà mình có sức khỏe, mạnh mẽ hơn bây giờ. Thì bằng chứng rành rành ra đấy! Bà đã hơn năm mươi mà có thấy đau ốm gì đâu. Người cứ khỏe re như đang hồi xuân. Trong khi con dâu bà chưa đến ba mươi lại mang đủ thứ bịnh trong người, nào nóng gan, mỡ trong máu, thỉnh thoảng còn bị tụt đường huyết. Thuốc uống hằng ngày mà bệnh có thấy hết đâu. Mấy ông bác sĩ bây giờ chỉ giỏi việc lấy tiền người ta, còn chữa bệnh thì cứ ù ù khạc khạc. Thầy thuốc gì mà khám bệnh cứ toàn đi hỏi người ốm rồi ghi toa, lại còn hẹn tới hẹn lui.

Ai cũng bảo nước Mỹ văn minh, phú cường. Vậy mà sống ở xứ này bao năm trời, bà Diệu vẫn không tài nào thích nghi nổi. Nhìn đâu bà cũng thấy rặt một thứ lai căng đến khó chịu. Mấy người bạn của bà, mỗi lần gặp mặt đều thi nhau kể khổ. Mà cũng lạ. Nhà ai cũng có chuyện để nói! Hết khoe nhà cao cửa rộng, con cái thành đạt lại đến chuyện con dâu, con rể ở không phải đạo. Từ chuyện tốt đến chuyện xấu. Và lần nào cũng thế, bà Diệu trút nỗi bực bội trong lòng vào cô Hạnh, con dâu của bà.

“Dâu gì, cái ngữ ấy! Nếu sống bên Việt Nam chỉ có mà ở góa. Con cái gì mà hỗn hào hết chỗ nói. Mình mới nói một tiếng, nó táp lại đến mười tiếng. Mình nói tiếng Việt. Nó xổ tiếng Anh. Thì nó chửi mình chứ còn gì nữa!…”


Nói riết ở nhà sợ con cháu nghe thấy, mấy bà bèn rủ nhau ra công viên la hét cho hả tức. Hết chuyện trong nhà, lại bắt đầu tới chuyện thiên hạ. Tuần nào cũng vậy, chuyện đâu mà nhiều thế không biết.

“Cháu gái bà nhà hàng xóm chỗ tui ở, mới mười hai tuổi đã có bạn trai nhé!”

“Thế có gì phải nói! Nhà kia có chuyện chàng rể ngủ luôn với bà mẹ vợ mới là lạ…”

“Ấy chết! Người Việt mình hả bà?”

“Không! Dân Mỹ trắng.”

“Thế à!...”

“Mấy ông Sư ở chùa giảng rằng chúng ta đang sống trong thời mạt pháp!”

“Thì đúng!..”

Sau một hồi than trời trách đất chán chê, bao giờ cũng là điệp khúc: Tổ cha nước Mỹ!

Người ta bảo rằng tuổi già thường sống trong hoài niệm. Đa phần đều mang cảm giác nuối tiếc về quá khứ. Cái đã mất bao giờ cũng to lớn hơn cái đang hiện hữu. Không ai có thể lấy lại được thời gian đã trôi qua. Đó là thứ mất mát vĩnh viễn…

“Thật bực mình cái con mẹ Hoa. Đã bảo hẹn chỗ lùm cây mà chờ hoài chẳng thấy!” Bà Diệu lẩm bẩm một mình.

“Bà bảo gì ạ?”

“Không phải chuyện của cháu…”

“Bà ơi! Bà cho Mít tắm đi?”

Vừa nói, con bé vừa chỉ tay vào đám người đứng lố nhố nơi mép nước.

“Tắm đông người như thế, muốn bị lây ghẻ chốc hả?... Không được tắm!”

Mặt con bé xụ xuống, phụng phịu.

“Ngồi xuống đây!”

Bà Diệu chỉ tay vào khoảng đất trống. Ông Mỹ trắng già đang nằm đọc sách trên tấm khăn trải gần đó, nhỏm dậy. Ông nuốt vội thứ gì đó trong miệng. Chúng trôi từng cục xuống chiếc cần cổ khô héo và rám nắng. Tiếng nói như nghẹn lại.

“Hi! How are you doing?”

“Ổng nói gì, cháu?”

“He hỏi bà nậu khỏe hôn?”

Không khỏe sao ra được đây. Đồ điên! Bà chửi thầm. Không thấy bà trả lời, ông Mỹ già nhe răng cười hềnh hệch.

“She looks so cute!” Rồi ông hướng về đứa bé. “You want some?”

Ông giơ ra trước mặt con bé một bao giấy, bên trong đựng những chiếc bánh Cookie. Con bé lắc đầu.

“I dont want it. Thank you!”

“I am Joe,” ông chỉ tay vào bộ ngực đầy lông lá của mình, nói với bà.

Mắt ông ánh lên một thứ lửa mông lung. Ông nói là đã gặp bà trước đây. Ông bảo hồi chồng bà mất ông có đi dự đám tang ở nhà quàn. Ông hỏi bà còn thấy buồn không. Rồi ông khen bà xinh đẹp. Cứ nghe con bé lắp bắp lại bằng tiếng Việt, mặt bà Diệu nóng ran, đỏ bừng vì ngượng. Ngồi chưa nóng đít, bà đã kéo tay đứa cháu gái đứng dậy.

“Đi cháu. Đi tắm!…”

“See you.” Con bé nói.

“Bye.” Ông Mỹ già vẫy tay, vẻ ngập ngừng.

Bà Diệu dẫn bé Mít vào bãi tắm. Hai bà cháu quần xắn tới gối, dép nắm trên tay, dầm chân trong làn nước mát.

Hồ Michigan rộng đến mút tầm mắt. Sóng gợn lao xao, từng lớp nối đuôi nhau vỗ ì ạch vào bờ cát. Ánh chiều như rải một lớp tráng bạc lóng lánh xuống mặt nước. Đằng xa kia, những chiếc thuyền buồm trôi dập dềnh như không biết đi đâu, về đâu. Dọc theo bờ kè đá, mấy chiếc mô tô nước rú ga, lướt như bay trên mặt sóng. Những âm thanh khuấy động một lúc rồi tất cả mất hút vào mênh mông. Mây như tan vào tầng không. Gió còn trốn ở phương nào xa lắm. Trời cao thẳm, xanh hun hút ở trên đầu. Mấy con mòng biển sải cánh lượn vòng từng đôi trên cao, gọi nhau líu ríu buồn bã. Cả một khung trời thanh bình đến đơn điệu. Nắng nhạt dần. Cái nóng cũng bắt đầu dịu lại.

Con Mít chạy lúp xúp trong làn nước mát, chốc chốc lại dùng tay té nước vào người bà của nó rồi cười lên nắc nẻ. Bà Diệu mân mê những chiếc vỏ ốc đủ màu vừa nhặt được trong lòng bàn tay, dáng vẻ thờ thẩn. Đã hơn một giờ đồng hồ trôi qua, bà Hoa, bạn bà vẫn chưa thấy tới. Ông Mỹ già khi nãy không còn đọc sách nữa, ngồi nhìn bâng quơ vào đám đông nơi bãi tắm như đang trông ngóng một điều gì.

Quái lạ! Lẽ nào ổng nhìn mình? Bà Diệu lẩm bẩm. Mà cũng tình cờ làm sao, ổng đúng là ông già sống một mình trong căn nhà ngay đầu đường khu mình ở chứ đâu. Sáng nào ổng cũng chạy thể dục quanh xóm. Lầm sao được…

Không hiểu sao, bà thấy người bần thần. Chồng bà mất cách đây mười năm. Trước đây, gia đình ép gả bà sau khi ông đi tù về. Một cuộc hôn nhân nhuốm mùi vụ lợi, không xuất phát từ tình yêu. Rồi bà cùng chồng và đứa con trai đến Mỹ theo diện HO. Kể từ ấy, ông bắt đầu sống trong chuỗi ngày đau ốm triền miên, hệ quả từ những lần bị hành hạ, đói cơm thiếu nước trong tù. Cũng may bà đã sinh được cho ông một đứa con trai. Số ngày hạnh phúc giữa hai vợ chồng ít oi đến nỗi có thể đếm được trên đầu ngón tay. Chưa bao giờ bà nghĩ đến chuyện sẽ đi bước nữa khi ông mất. Lẽ nào bây giờ đã hơn năm mươi tuổi bà lại đâm ra nghĩ quẩn. Rồi bà nghĩ tới những bà bạn mồm loa mép giải của mình. Chắc họ sẽ mặc sức đàm tiếu nếu hay tin bà đi cặp với một ông Mỹ già. Còn vợ chồng đứa con trai bà, chúng sẽ nói gì. Càng nghĩ bà Diệu càng rùng mình. Mà giữa bà với ông Mỹ kia đã có gì đâu chứ?…

Và như vô tình, bà lại liếc mắt về chỗ ông Joe đang ngồi. Nơi ấy bây giờ chỉ còn là một khoảng đất trống. Bà đứng tần ngần, một cảm giác bâng khuâng dâng lên trong lòng.

Chiều phai dần. Các tòa cao ốc dọc theo bờ hồ đứng trầm mặc, hắt những chiếc bóng ngoằn ngoèo nhợt nhạt xuống làn nước. Khách nhàn cư lũ lượt đổ vào các con đường trở lại thành phố. Từng đoàn người cứ như bị nuốt chửng, mất hút dần vào những dãy nhà cao tầng.

“Bà ơi, về đi!”

“Ừ!...”

Bà Diệu dắt đứa cháu ra chỗ để xe, dáng ngập ngừng, mắt như vẫn còn dõi tìm một hình bóng nào đó trong ánh chiều chạng vạng.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
14/11/201201:33:28
Khách
Phải chăng khi bóng xế chiều tà của cuộc đời người ta mong nhìn lại bóng mình , mong có thêm một cái bóng bên cạnh cùng ngả về 1 hướng nào đó chứ không mong không có bóng nào cả như khi mặt trời chiếu thẳng đứng- hình mình dọi xuống bóng mình cô đơn ?
12/11/201219:26:25
Khách
Cảm ơn,
Gửi Con Mèo, Thuận Hải, 172. Xin cảm ơn lời nhận xét của chư vị.
Thân. Văn.
09/11/201223:17:15
Khách
Chỉ một thoáng rung động cũng đủ để tưới mát một tâm hồn sỏi đá.
Bài viết nhẹ nhàng nhưng chính chắn. Nhân vật tiêu biểu và thật. Người, cảnh, câu chuyện được dựng một cách ý tứ, đơn giản nhưng tài tình. Khác với những truyện trước của tác giả, Ngày Thẳng Ðứng không chú trọng đến hiện tượng xã hội, không đả phá, không lột mặt trái, mà ngược lại cho thấy tính cách mềm mại, pha chút tếu lâm trong lối viết.
06/11/201223:23:45
Khách
Bài viết dí dỏm, văn chương mượt mà, ý tưởng thật sâu sắc, bội phục!
03/11/201215:56:24
Khách
Chuyện hay. Nước Mỹ này tui thấy là chỉ có shopping là en joy còn lại toàn là sạo, lừa gạt.
cũng may là tui biết cách sống đạo lý làm người, ở hiền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến