Hôm nay,  

Cây Nhà Lá Vườn - Khô Cá Lù Đù

20/10/201200:00:00(Xem: 241824)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tựa đề trên đây không phải cho một, mà là hai bài riêng biệt, của cùng một tác giả. Ông dự viết về nước Mỹ từ năm đầu, từng nhận giải tác phẩm xuất sắc 2002, giải Việt Bút 2010 và hiện là thành viên ban giám khảo chung kết. Tác phẩm đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.

1. Cây Nhà Lá Vườn

Người bạn lính năm xưa có con trai lấy vợ, nên bạn bè cùng khoá với chúng tôi hẹn nhau ra xe đò Hoàng mà đi San Jose ăn cưới. Tuổi chưa già mà sao ai nấy ngán lái xe quá.

Năm nay nhà tôi chuối sứ trổ ra tới 18 buồng, mà buồng nào cũng trên dưới 10 nải. Dịp này có ba buồng đã chín nên tôi đóng vô một thùng 10 nải đem đi làm quà, còn bao nhiêu phân phối cho bà con bạn bè hết. Tuy có 10 nải, nhưng mỗi nải gần 20 trái, nên thùng chuối làm khổ cái lưng khòm của tôi lắm. Đúng là của một đồng, công một nén.

Cũng bởi cái tật tôi hay khoe khoang, post hình những buồng chuối ngon lành lên internet, bây giờ lờ tít không mang đi coi sao được.

Mới tám rưỡi thì ba đứa chúng tôi đã an vị ở hàng ghế ngon nhất, bỗng có một ông tóc đã ngả màu muối tiêu nhoai lên xe, ngó dáo dác. Ông này trông không những già mà còn xấu trai hơn tôi nhiều. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Ô kìa, ông Liêm, ông cũng đi San Jose hả?

- Có đâu, tôi tới gửi thùng trái cây lên làm quà. Lên tới đó ông mang về nhà ông cố Dưỡng giùm, hay là bất cứ nhà ai mà họ hàng với tôi cũng được. Trong đó có từng bọc, ghi tên đủ cả, rồi họ gọi nhau tới lấy chứ công đâu mang đến từng nhà.

Tôi nói:

- Phải ông ra sớm chút, tôi nhận cái thùng đó thì ông đỡ tốn hai chục tiền gởi.

- Tại tôi chạy từ Pomona xuống, mà kẹt xe quá chừng.

Tài xế chạy khá nhanh, nhưng vì hơn 9 g sáng mới đề-pa nên tới San Jose đã gần 3g chiều.

Hai ông kia có người ra đón liền để về nhà có đám cưới, nhưng tôi vướng mấy cái thùng quà này nên phải đợi.

Kẹt một điều nữa là thùng giấy carton xếp từ xe xuống nhiều quá, tôi không biết hình dạng màu sắc thùng quà của ông Liêm nó ra sao, lại cũng không biết tên người gửi lẫn người nhận. Gọi cho ông Liêm thì không thấy bắt máy. Thế là chờ cho họ lãnh gần hết. Nhưng nếu tôi không biết tên hoặc số phone người nhận thì họ cũng chẳng giao cho mình. Mãi cả 15 phút sau, phone đi phone lại mới biết ai gửi cho ai.

Đứa em bà con ra chở tôi về, nhưng quái lạ, cái thùng này đã lớn quá cỡ thợ mộc, lại đựng những gì mà nặng còn hơn cối đá, hai ba người mới chất nó lên được xe.

Về tới nhà ông cố Dưỡng, anh nào cũng sợ đau lưng nên đành mở thùng ra để dễ mang từng bọc vô nhà.

Cha chả, một nửa thùng là ổi xá lỵ lớn như nắm tay, còn nửa kia là những chùm nhãn hái nguyên cành, hèn chi nó nặng dữ.

Tôi chưa từng thấy cành nhãn nào nhiều trái như thế, mỗi chùm có tới năm bảy chục trái chứ không ít. Ở quê nhà, má tôi có một cây nhãn do anh chị Yêm trồng lâu rồi, trái sai chi chít, nhưng có lẽ còn thua xa cây nhãn nhà ông Liêm ở trên Pomona.

Tôi cắt một nải chuối bày lên dĩa, nải kia để nguyên cho đẹp. Đứa em bổ ổi, rồi bày nhãn lên bàn.

Lúc này họ hàng đến chơi khá đông, ai cũng khen trái cây Nam Cali tuyệt vời.

Chuối sứ ông Tân thì no tròn, vỏ mỏng, ngọt lịm; ổi bà Liêm vừa to vừa thơm vừa dòn; còn nhãn ông Liêm thì chùm nào chùm nấy vừa nhiều trái vừa mọng nước.

Kết luận là ngon hơn cả trái cây bên VN luôn.

Tôi cười cười:

- Đất Nam Cali trái ngọt người hiền.

Mấy bà con miền Bắc Cali vừa ăn trái cây vừa gật gù khen rằng phải phải, lần sau có lên nhớ mang nhiều nhiều.

2. Khô Cá Lù Đù

Cứ mỗi lần có người quen đi qua Texas về, chúng tôi thường được chia quà, đó là một gói khô cá lù đù.

Đây là một loại gọi là khô, nhưng chắc chỉ phơi vài nắng nên nó còn hơi mềm, đã được ướp gia vị và muối, nên khi ăn, chỉ cần chiên vàng là có thể ăn với cơm, ngon quá nên ăn hoài mà không biết no.

Có người bằm xoài sống bày trên dĩa rồi mới xếp cá lên trên trông càng bắt mắt và ăn ngon hơn.

Thực ra cá lù đù không phải là loại cá qúi. Nó chẳng dám so sánh với chim, thu, nhụ, bẹ... trong tứ qúi của hải sản, mà so với tôm hùm, bào ngư thì nó lại càng chẳng dám.

Trong ca dao Việt Nam có câu:

- Chê tôm ăn cá lù đù

Chê thằng to bụng lấy anh gù gù lưng.

Để chê cười mấy cô con gái õng ẹo, chê anh chàng ngon lành, sau cùng lấy nhằm anh chồng chẳng ra gì.

Như vậy con cá lù đù kể như là bị xếp hạng chót bẹt, thua cả con cá phèn!

Khô cá lù đù còn tệ hơn nữa, ở bên VN người ta mua xô, mua mớ hay cần xé, chẳng thèm cân ký, để nguyên con, không làm vảy mổ ruột gì hết, ướp nhiều muối nên sau khi phơi nó trắng sát, cứng còng, bị người ta liệt vào hạng cá heo, chỉ được bỏ thêm vô nồi cám nấu cho heo ăn.

Tuy nhiên, nhà nghèo nhiều khi bắt buộc dùng làm thức ăn thì phải làm vảy ruột, cắt đầu, rửa bớt mặn rồi mới chiên hoặc nướng, nhưng thực tình mà nói, nó chẳng ngon lành gì, vừa mặn vừa bở rục như miếng củi mục, nghèo quá mới phải ăn.

Thế nhưng khô cá lù đù ở Texas thì lại thuộc dòng cao cấp, qúi ai lắm người ta mới tặng một gói chừng nửa kí lô.

Con cá phải to hơn nửa cổ tay trở lên, còn tươi, để khi phơi rồi thớ thịt dai dai chứ không bở rệu. Người ta làm vảy xong rồi mới lạng hai miếng thịt hai bên ra, bỏ xương, đem ướp gia vị, sau đó đem phơi nếu có nắng, mà nếu trời mưa thì sấy trong lò.

Họ bỏ vô bọc ziplock chừng 1 pound mỗi bọc, đông đá rồi mới đem bán.

Có lẽ chỉ bán theo dạng "Cây nhà lá vườn" nên không có nhãn mác hoặc bày bán trong siêu thị.

Vài năm trước, cháu tôi có một chiếc ca nô khá lớn, chú cháu thường chạy ra gần mấy dàn khoan ở Long Beach câu cá nhồng và cá mú, nhưng nếu bữa đó cá ít thì lại gần mấy bè nuôi cá mồi, thì có rất nhiều cá lù đù quẩn quanh ăn thức ăn nuôi cá dư. Nếu mỗi cần mắc hai ba lưỡi câu thì thường là dính hai ba con một lúc, loài cá này ăn rất hỗn. Cá ở vùng biển dọc tiểu bang Cali hơi nhỏ, chỉ dài khoảng một gang tay, vảy trắng bạc, vây và đuôi màu vàng.

Sở Thực Phẩm tiểu bang Cali khuyến cáo không nên ăn loại cá này, vì trong thịt nó nhiễm chất thủy ngân, từ các nhà máy công nghiệp thải ra. Tuy ít nhưng cũng không tốt cho sức khỏe.

Không ai nghe nói tới loài cá lù đù này bên vùng biển Texas nhiễm độc cả.

Tôi có lộc ăn, vì rằng liên tiếp 2 tuần đều có 2 người bạn từ Texas qua Nam Cali ăn cưới.

Anh chị Tường thì có quá đông họ hàng nên tôi được tặng có nửa gói, nhưng anh chị Châu Sợi, ít bà con ở đây hơn, nên tôi được nguyên một bọc to.

O Điểm lâu nay đang giận chồng, lúc nào cái mặt cũng nụ ra như cái gáo đờn, nhưng khi thấy tôi cầm bọc cá khô về, nói là có người đồng hương mới cho, thì nàng bỗng cười tươi hơn hớn.

Nấu nồi cơm gạo mới, cá khô chiên lên, trước khi bắc xuống khỏi bếp rắc lên chút đường thì nó chảy ra, ngấm vào cá. Chỉ cần có thêm trái dưa leo nữa thì chẳng kém gì cao lương mỹ vị.

Mấy hôm sau, tôi mới biết tại sao bà xã có nụ cười bí mật Mona Lisa.

Số là không biết do ai chỉ vẽ, mấy bả cho rằng cứ cho chồng ăn cá lù đù, thì đương sự sẽ khờ hẳn ra, lù đù như con cá lù đù, bảo chi cũng vâng lời không dám cãi lại, nhất là ra đường khi thấy đàn bà con gái đẹp, cái mặt y ta cứ khờ câm, lủi thủi đi đằng sau vợ như một gã nô lệ.

Tương kế tựu kế, tôi cũng thường lấy bộ dạng ngớ ngẩn sau khi ăn cá lù đù, nhưng hễ cứ vắng mặt vợ là mắt lại láo liên và miệng thì hót còn hơn khướu.

Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
24/10/201203:04:57
Khách
Bài viết rất dí dỏm và lôi cuốn! Rất thích khi đọc bài này!
21/10/201200:18:39
Khách
Câu văn đọc thấu như quen sự buồn đang hiện hữu. Ăn cá lù đù ở VN duy nhất một lần đù luôn tới giờ, nay được biết có cá này ở Texas nhưng chưa có dịp thử. Đọc thấy khen trái cây Nam CA mà rầu vì nhãn của mình kg hoa,chả trái,chuối thì chỉ lá thọi.....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 834,284,987
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”