Hôm nay,  

Định Mệnh

13/09/201200:00:00(Xem: 163321)
Đây là bài đầu tiên của một tác giả người Mỹ trực tiếp viết văn bằng Việt ngữ. Email kèm bài viết được ông xưng danh là “Steve Brown tức là Sáu.” Ông chính là “người Mỹ yêu tiếng Việt” mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài “Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu.” Mới đây, khi nhắc tới tài làm thơ Việt của ông, Khôi An viết: “Tôi gọi ông là chú Sáu thay vì Mr. Steve Brown. Chú Sáu đã từng đóng quân ở Việt Nam, nơi đó chú đã gặp thím Sáu.” Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Chú Sáu kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt.

Hình ảnh Ảnh cũ, Biên Hoà 1973, do tác giả ghi chú.
vietnam_2011_005
Tuyết mặc áo dài ngày đám cưới.
vietnam_2011_003
Hình này chụp tại nhà gia đình Tuyết sau khi đám cưới xong.
europe_2010__tuyet__090
Ông Bà Brown, Âu Châu 2010.
Khi tôi khoảng 10 tuổi tin tức trong truyện hình bắt đầu nói đến chiến tranh Việt Nam thường xuyên. Trong suốt mấy năm trưởng thành tôi theo dõi cũng nhiều. Khi tôi học trung học tôi tìm trong thư viện một cuốn sách tên là Địa Ngục Tại Một Chỗ Nhỏ (Hell In A Very Small Place) về chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi mượn sách đó mang về nhà đọc. Sách này giúp tôi hiểu một số về lịch sử Việt Nam. Đến lớp 12 tôi ghi tên vô Thủy Quân Lục Chiến. Mười ngày sau khi tốt nghiệp trung học, tôi lên đường đi huấn luyện.

Mùa xuân năm 1972 tôi đóng quân ở Nhật Bản rồi đơn vị tôi được lịnh qua Việt Nam. Sau khi đóng quân ở Biên Hoà khoảng chừng năm tháng tôi làm quen với một cô gái Việt Nam tên là Tuyết. Chắc điều đầu tiên là tôi thấy em ấy đẹp với một nụ cười rất dễ thương. Chúng tôi hay hẹn gặp nhau tại cổng căn cứ quân sự. Tuyết thường mang theo những món ăn Việt Nam ngon cho chúng tôi ăn chung. Tôi rất thích nghe em kể truyện cổ Việt Nam chẳng hạn như Hòn vọng Phu, Lâm Sanh Xuân Nương, Sự Tích Hoa Trinh Nữ, vân vân.

Hồi đó, khi lực lượng quân địch pháo vô căn cứ thì nhiều khi đạn hỏa tiễn trúng vô thành phố Biên Hòa. Có lần một gia đình 10 người bị giết hết, rất gần nơi gia đình Tuyết ở. Khi nào có những tấn công như thế cả hai chúng tôi lo cho nhau thật nhiều. Phải chờ đợi đến khi gặp lại nhau mới biết mọi sự được bình an.

Hẹn tao ngộ tại cổng hai
Trước giờ có hỏa tiễn bay vô vùng
Nhà cửa bị cháy lung tung
Hỏa châu soi sáng bập bùng gần xa
Chờ giờ gặp lại cô ta
Có hay không, số phận ta định rồi
Ước ao nghe được một lời
Nàng qua cơn bão, cuộc đời bình an

Mấy tháng sau khi gặp nhau thì chúng tôi đính hôn, dù rằng trong lúc đó vì tình hình chiến tranh chúng tôi không chắc lắm về tương lai.

Cuối tháng một năm 1973, sau khi hiệp định Ba Lê có hiệu lực, đơn vị tôi phải ra khỏi Việt Nam đi qua Nhật Bản. Qua các điều kiện ký kết trong hiệp định tôi không tin rằng chiến tranh thật sự kết thúc. Đến ngày tôi phải ra đi chúng tôi gặp nhau tại cổng của căn cứ lần cuối cùng. Thật ra tôi không biết là sẽ gặp lại Tuyết hay không nên việc chia tay vô cùng khó khăn. Chúng tôi nhìn nhau lần cuối, rồi tôi phải ra đi. Thật là buồn!

Khi đến Nhật Bản tôi nghe tin tức nói chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục làm tôi càng thấy buồn. Ở bên đó không có cách gì liên lạc với nhau. Thời gian qua rất chậm. Cũng trong lúc đóng quân ở đó tôi mới biết được là đầu tháng Ba tôi sẽ được ra khỏi quân đội. Mấy ngày sau, tôi lên máy bay đi về quê hương tại tiểu bang Vermont.

Khi về đến nhà, tôi thấy một số lá thư của Tuyết gởi mà Tuyết đã nhờ ai đã dịch ra tiếng Anh. Khi đọc những gì Tuyết viết thì tôi rất mừng. Sau đó một ông luật sư ở Việt Nam gởi các giấy tờ giải thích các thủ tục để đem người hôn thê tôi đến nước Mỹ. Tôi thấy các thủ tục này rất phức tạp, chắc lâu lắm mới xong. Cùng lúc đó tôi nghe tin tức nói có đánh nhau lớn gần Biên Hòa nên tôi lo lắm. Trong khoảng thời gian đó Tuyết có đến Sài Gòn để gọi điện thoại cho tôi một vài lần. Nhưng lúc đó gọi đi nước ngoài mắc quá chừng nên chúng tôi chỉ được nói chuyện khoảng 10 phút thôi.

Sáu đó tôi nghĩ đến hoàn cảnh bên Việt Nam mong manh như thế nào, nên tôi quyết định trở qua Việt Nam. Tôi lấy sổ thông hành và xin giấy chiếu khán Việt Nam. Rồi chúng tôi định gặp nhau ở tại một chỗ dễ tìm ở Sài Gòn vì tôi không biết nhà Tuyết ở đâu. Tôi chỉ biết họ ở Biên Hòa mà thôi. Trước kia khi đóng quân ở Việt Nam thì tôi chưa có cơ hội đến Sài Gòn lần nào. Theo vé máy bay, tôi đến Sài-gòn ngày 28 tháng 3 nhưng vì giấy chiếu khán đến trễ nên tôi phải đổi vé máy bay. Chẳng may tôi không có cách nào cho Tuyết biết chuyến bay tôi đã thay đổi!

Nhưng tôi vẫn đi.

Sau bao nhiêu chuyến bay trôi qua rất chậm, tôi thấy vùng duyên hải Việt Nam. Bỗng dưng tôi có cảm giác rất lạ vì tôi không ngờ là mình sẽ trở lại khu chiến tranh sớm như thế (khoảng chừng hai tháng sau khi tôi ra khỏi Việt Nam lần đầu tiên).

Máy bay hạ xuống tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi tới ngay chỗ chúng tôi đã đồng ý gặp nhau. Nhưng đó là ngày một tháng Tư rồi (tức là đã bốn ngày trễ). Tôi không thấy Tuyết đâu hết. Tôi hỏi những người xung quanh chỗ đó nhưng không ai nhìn ra Tuyết qua tấm hình mà tôi mang theo cả. Chết cha! Bây giờ tôi nên làm gì?

Giấy chiếu khán chỉ cho phép ở lại Việt Nam được ba ngày thôi. Nếu không tìm được Tuyết trong vòng ba ngày thì tôi phải ra khỏi Việt Nam. Tôi chỉ có đủ tiền đi Việt Nam một lần mà thôi. Tôi bước ra bên đường kêu xe tắc-xi. Tài xế tắc-xi nói là sẽ tìm nhà qua địa chỉ trên phong bì được. Lúc đó tôi chưa quen phong tục trả giá nên ông ta ra giá đầu tiên (20 Mỹ kim) là tôi đồng ý liền. Sau đó tôi mới biết gía đó cao gấp 6 lần giá bình thường. Rồi tôi lên xe của ông ấy mà đi đến Biên Hòa. Ông tài xế đến chợ Biên Hòa mà hỏi một số người về địa chỉ gia đình Tuyết nhưng không ai biết hết. Sau đó chúng tôi đi ra quốc lộ 1B hỏi nữa mà vẫn không có kết qủa.

Cuối cùng tôi trả tiền mà xuống xe gần Cảnh Sát Cuộc phía trước căn cứ Biên Hòa. Rồi tôi bắt đầu đi về hướng ngã ba vườn mít. Khi gặp bất cứ ai bên đường, tôi đều đưa họ coi hình gia đình Tuyết. Nhưng vẫn không ai biết hết. Lúc đó tôi chưa biết nói tiếng Việt nên không hỏi gì được cả.

Rồi thình lình một chiếc xe ghé vô, ông lái xe kêu tôi lên xe đi. Tôi không biết ông ấy là ai mà cũng không biết lý do tại sao ông ấy kêu tôi lên xe. Khi tôi đưa tấm hình ra, ông ta coi rồi gật đầu liền. Chúng tôi đi không bao xa rồi xe quẹo vô một đường hẻm. Ông ấy chỉ tôi thấy một phụ nữ mặc đồ bình dân đứng phía trước xe. Bỗng dưng tôi nhìn ra Tuyết đang đứng đó, trông em đẹp như "trăng mươi sáu". Tôi xuống xe liền. Thế là chúng tôi được gặp lại nhau. Cả hai chúng tôi cùng mừng quá! Tuyết nói là đã chờ đợi ở Sài Gòn ba ngày rồi mà không biết lý do tại sao tôi không đến. Còn ông tài xế là người quen của gia đình.

Sau khi chúng tôi nói chuyện được mấy phút thì đi bộ tiếp sâu vào đường hẻm qua đường ray xe lửa mà đến nhà gia đình em ấy. Tuyết giới thiệu ba của em và những người thân khác trong nhà. Tôi thấy nhà em đông người lắm. Trong nhà có phòng khách và phòng ăn ở bên dưới, ở trên có hai phòng ngủ nhưng phải leo lên cầu thang. Trong phòng vệ sinh thì không có gì hết. Chỉ có một lỗ đổ thông vào con mương dưới nhà mà thôi. Ở ngoài có cái giếng và đó cũng là chỗ tắm nữa. Nói chung đó là một ngôi nhà rất đơn sơ. Đối với tôi thì đó không phải là vấn đề vì gia đình tôi bên Mỹ cũng tương đối nghèo. Nhưng có một điều khác mà tôi không quen thuộc. Trong nhà có 24 người vì một số người đang trốn chiến tranh mà đến đó tạm ở. Như vậy thì chật lắm.

Những người trong gia đình đối xử tôi tốt lắm nhưng chẳng may là không được nói chuyện với nhau. Lúc đó tôi cũng chưa được hiểu phong tục tập quán Việt Nam như thế nào nên cũng có nhiều điều thắc mắc. Trong lúc tôi ở lại với gia đình vợ tôi có một người đàn ông đến nói chuyện thường xuyên. Anh ấy cũng quê tỉnh Bình Định như gia đình vợ tôi. Hơn 20 năm sau chúng tôi mới biết anh ấy là Việt Cộng nằm vùng.

Vì tình hình chiến tranh lúc đó chúng tôi không được đi chơi ở đâu hết. Chúng tôi có bàn luận về chuyến đi tuần trăng mật ở tại Đà Lạt nhưng người anh của Tuyết khuyên bảo là không nên vì nguy hiểm. Như thế thì chúng tôi chỉ ở nhà và thỉnh thoảng đi lên Sài-gòn làm giấy tờ cho Tuyết. Lúc đó tôi đã xin được loại giấy chiếu khán vô hạn nên được phép ở lại Việt Nam bao lâu cũng được.

Ngày 10 tháng Tư năm 1973 chúng tôi làm đám cưới theo phong tục Việt Nam. Phong tục Việt Nam rất khác với phong tục Mỹ nên tôi có nhiều điều thắc mắc. Mùa xuân năm đó tôi ở Việt Nam được sáu tuần lễ rồi chúng tôi đi về Mỹ. Việc từ giã gia đình Tuyết rất khó khăn. Khi em nói là chúng tôi sắp đi Mỹ thì tất cả mọi người trong gia đình buồn lắm, và họ khóc. Sau đó tôi mới biết theo phong tục người Việt Nam thì gia đình là qúi trọng hơn hết.

Theo tôi nghĩ chuyện chúng tôi được thành vợ chồng là định mệnh. Năm nay chúng tôi đã lấy nhau được 39 năm rồi.

Nhớ cách đây hơn bốn thập niên
Bước về quê vợ lần đầu tiên
Thời gian ảnh hưởng toàn đời sống
Nhưng chuyện chúng mình không thể quên

Chú Sáu Steve Brown

Ý kiến bạn đọc
27/07/201817:58:52
Khách
Cảm ơn Phạm Thanh Phong đọc bài viết tôi và có lời khen.
Chúc bạn mọi sự thật tốt đẹp.
26/07/201819:08:58
Khách
Một mối tình đẹp , một nhân duyên tốt , thật là may mắn, đang chờ đọc bài tiếp theo của tác giả , xin cám ơn STEVE BROWN
02/10/201201:56:07
Khách
Cảm ơn Tom Pham và Lệ hoa Wilson.
19/09/201206:59:48
Khách
Thím sáu đẹp quá ta. Định mệnh chú sáu hên quá.
18/09/201200:48:35
Khách
Cảm ơn Kim Quan và Kim, Thật ra "nếu không có tình yêu của thím" thì chắc việc tự học tiếng Việt không bao giờ có. Nhưng vì điều đó đã "định mệnh" mới có. :)
22/09/201203:33:54
Khách
Cám ơn ông đã kể lại cuộc tình duyên của ông và bà nhà bằng tiếng Việt tuyệt vời. Ông chẳng những có một đầu óc thông minh mà lại còn có một trái tim trung thành tuyệt diệu. Ai nói người Mỹ chỉ trọng vật chất mà không có trái tim thì tôi sẽ giới thiệu họ đọc bài nầy. Bà nhà giỏi hơn tôi vì đã giúp cho ông học và viết tiếng Việt giỏi như vậy. Đọc bài của ông tôi cũng muốn cố dạy ông xã tôi viết tiếng Việt nhưng chỉ sợ ổng ' thăng' vì bị quá nhiều stress. Thôi đành đọc bài của ông. Thân gởi lời chào bà. Mong có ngày gặp được cả hai
Bà Lệ Hoa Wilson
13/09/201213:26:00
Khách
Tác giả viết tiếng Việt hay lắm!
13/09/201218:05:30
Khách
rất hay cho bài viết đầu tiên. Cố lên ông già!
16/09/201204:11:50
Khách
Hoan nghênh chú Sáu hai tay lẫn hai chân!

Chuyện tình đơn sơ,mộc mạc mà dễ thương quá!

Hoan nghênh thím Sáu luôn;nếu không có tình yêu của thím,chú Sáu có học và viết tiếng Việt thanh thục như vầy được chăng?!

Chú Sáu ơi,chú thật là tuyệt vời đó nha.
13/09/201219:39:25
Khách
Chuyện rất dễ thương. Chú Sáu viết tiếng Việt "hết xảy" :-)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,287,065
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến