Hôm nay,  

Đặng Trần Huân, Người Yêu Chữ Nghĩa

28/08/201200:00:00(Xem: 92325)
viet-ve-nuoc-my_190x135Nhà văn nhà báo Đặng Trần Huân nổi tiếng từ Việt Nam, trước 1975. Ông là tổng thư ký một trong những tờ báo quen biết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và là tác giả bộ truyện cười dí dỏm mang tên “Chuyện Cấm Đàn Bà.” Định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O., ông sống tại West Covina, Calif. Năm 2002,hưởng ứng việc tổ chức giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, ông gửi hai bài đóng góp, nhưng không tham dự giải thưởng. Trong eMail gửi chủ nhiệm Việt Báo, Đặng Trần Huân viết “Tôi hay đọc loạt bài viết về nước Mỹ của Việt Báo, thấy có những bài đặc biệt, nên có ý nghĩ chia sẻ kinh nghiệm hội nhập nước Mỹ của chính mình.”

Các bài viết của ông đã được phổ biến trên Vietbao Online, hiện có thể đọc lại theo đường dẫn sau đây:

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-350_4-165605_12-2087/
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-350_4-165510_12-2087/

Chỉ ít tháng sau khi góp bài Viết Về Nước Mỹ, nhà báo Đặng Trần Huân đã trở bệnh nặng và từ trần. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Ông ra đi, mời đọc bài của tác giả Đỗ Xuân Tê, viết về nhà báo nhà văn quân đội Đặng Trần Huân.

Khi tôi với ông và một nhà thơ quân đội ngồi bó gối dưới hầm tàu của con tàu Sông Hương để cùng nhau lên đường ra Bắc (giữa năm 76), nhà văn Đặng Trần Huân không ngờ một ngày nào đó ông lại có thể trở về với nghiệp văn chương. Trong hơn ba ngày đêm ăn ở tiêu tiểu như cảnh nửa địa ngục, chỗ bộ ba chúng tôi ngồi dưới sàn tàu cũng là chỗ chuyển phân và đồ ăn mỗi sáng, nhưng còn may mắn là nhờ sự có mặt của tác giả Chuyện cấm đàn bà nên cuộc hành trình gian khổ cũng vơi đi những muộn phiền.

Có vài điều làm chúng tôi vui là cả ba anh em đều có những kỷ niệm đẹp khi có thời đóng quân ở Huế, nên con tàu buôn được trưng dụng để chở tù cải tạo có cái tên em xinh em bé tên là…Sông Hương tự nhiên gợi nhớ cảnh vật và con người chốn cố đô làm phần nào quên đi nỗi sợ hãi về những ngày lầm than trước mắt. Cái đáng nói nữa là trong chuyến hải hành không ngờ có một nhà văn dáng dấp như ông giáo già với nét hóm hỉnh của nụ cười nửa miệng lại có lối kể chuyện tiếu lâm vô cùng dí dỏm, vừa thanh vừa tục, vừa sâu vừa ý nhi, không nhất thiết phải liên quan đến đàn bà mà đủ chuyện trên đời chẳng phải ở xã hội ta trước 75 mà cả những giai thoại cười ra nước mắt về những ông cán ngố khi họ tiếp quản Sài gòn sau 30 tháng tư.

Tôi nhớ mãi câu chuyện trao đổi giữa hai ông nhà văn và nhà thơ quân đội. Một ông đã giải ngũ nhưng sự nghiệp thơ lại không làm ông nổi tiếng và bạn bè nhắc nhớ nhiều bằng cái tài nấu nướng chế biến món thịt cầy. Cứ tưởng diện của ông chẳng đến nỗi phải đem ra Bắc mà chỉ cải tạo vài ba tháng là về, nên ông biết thời của ông đả điểm, sở trường của ông đến lúc trổ tài, khi những người cán binh phương Bắc mê món thịt chó đến độ khi xuống âm phủ biết có hay không. Chẳng vậy mà nơi Ngã Ba ông Tạ, họ xếp hàng đông như kiến cỏ vì cung không đủ cho cầu. Ông đã phác họa sẽ mở một quán nhỏ lấy tên là Lá Mơ, trùng tên món rau thơm ăn kèm với món thịt luộc và dựa mận. Kế hoạch hấp dẫn đến độ ông Huân nhà văn chính cống bảo nếu mày làm ông chủ cho tao xin chân dọn bàn, chứ tan hàng rồi còn viết lách gì nữa. Rất tiếc giấc mộng con của hai ông già đầu bạc không có cơ trở thành hiện thực, một ông vĩnh viễn ở lại với núi rừng và là người đầu tiên nằm lại Yên Bái, ông kia lê kiếp thân già đi trọn mười năm trên đất Bắc.

Ấy vậy rồi sông có khúc người cũng có lúc, đầu thập niện 90 một trong hai ông già đầu bạc cũng sang được đất Mỹ. Đã lâu không viết, lại là người mê chữ nghĩa, ông nhà văn quyết tranh thủ lấy lại thời gian đã mất, dù ở Mỹ tuổi này là tuổi về hưu. Sẵn có kiến thức và kinh nghiệm qua nhiều năm làm báo và công trình sáng tác, cái khó cho ông là mội trường văn học hải ngoại ở thời điểm này gần như không thuận lợi cho những người làm văn bút nói chung. Chính ông nhà văn nổi tiếng kiêm chủ tịch văn bút hải ngoại là NNN cũng còn phải quay sang viết truyện ma để câu độc giả. Nhưng khó với ai chứ ông già này không chịu bótay.com, ông tâm sự với tôi ông phải viết và phải có tác phẩm được in, dù quỹ thời gian tuổi đời có hạn hẹp (như được tiên tri cho số phận ông mất mười năm sau đó do chứng ung thư gan).

Thế là để lấy ngắn nuôi dài, dù đứa con tinh thần năm xưa có phần èo uột nhưng độc giả Sài gòn cũng vẫn chưa quên, ông dành dụm chút tiền già rồi vay mượn thêm chút đỉnh cho tái bản ngay cuốn Chuyện Cấm Đàn Bà, một tác phẩm tự thân cũng đã được tái bản nhiều lần thời Sài gòn vang bóng, cũng là lúc tác giả vừa hoàn thành tập bản thảo Hành Trình Một Hát-Ô tuy viết xong nhưng còn để đó. In sách đã khó, bán sách còn khó hơn. lại phải thông qua các dịch vụ tốn tiền bằng liên lạc điện thoại viễn liên, bằng gửi sách qua đường bưu điện, độc giả đa phần là chỗ bạn bè người này giới thiệu người kia nể nhau rồi cũng bán được năm, sáu trăm cuốn, thu lại đủ vốn trả sạch nợ nần dùng tiền in ban đầu gối đầu cho các tác phẩm mới.


Nhà văn lại không có xe hơi, chuyên đề mỗi ngày hai chuyến xe bus, sang đi tối về từ Los Angeles ghé quận Cam chỉ có một việc là gặp gỡ bạn bè, gửi bài, in sách và bán sách. Dù mất cả 6,7 tiếng trên xe do chuyển lộ trình cả mấy chặng, nhưng cái hay là xe buýt Mỹ đủ tiện nghi nên có mệt nhưng ông không chán, vẫn dùng thì giờ để viết, để đọc, và nếu gặp ngày đẹp trời có dịp ngắm cả đôi chân của những bà Mỹ ở tuổi xế chiều nhưng trên khuôn mặt còn đọng lại chút xuân sắc môt thời.

Tôi nghiệm ra ông vốn người quê Quan Họ, lại sống lâu năm chốn Tràng An nên nét nghệ sĩ trong ông hình như ăn vào máu. Tự thân, ông ít khi bi quan dù trong nghịch cảnh, sống rất giản dị, ghét chuyện bon chen, làm cấp tá trong quân đội nhưng chưa bao giờ đi riêng một chiếc Jeep, chức vụ chính thống vẫn chỉ là Thư ký tòa soạn của những tờ tập san quân đội suốt nửa đời quân ngũ. Nhưng niềm đam mê chữ nghĩa, trân trọng sách quí qua các kiệt tác cổ kim, đông tây đã giúp ông có một bề dày kiến thức được kể là nhà văn uyên bác như nhà văn Thế Phong công bình đánh giá. Khi nghe bút hiệu và cũng là tên thật Đặng Trần Huân, độc giả cứ tưởng ông chỉ là người hay viết chuyện tiếu lâm, đại loại như Chuyện Cấm Đàn Bà, nhưng những tạp bút nghiên cứu sưu tầm ngữ Việt, những phản biện sắc bén về tác phẩm tác giả qua các cao trào văn học thập niên 30, 40 nếu được tập hợp lại sẽ thành các tuyển tập lý luận phê bình sâu sắc đáng ngưỡng mộ. Ông cũng còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dịch và bút ký trong đó có cả mảng đề tài dành cho thiếu nhi.

Ngẫm lại ta cũng thấy tôi nghiệp cho ý nguyện của nhà văn khi biết tan hàng rồi còn viết lách gì nữa để chịu làm một tay dọn bàn trong quán thịt chó sau cuộc đổi đời thì lại thông cảm niềm hạnh phúc của ông khi trở thành ông già bán sách rong bên hàng rào của các trường tiểu học Thành phố lá me xanh sau khi được thả về từ miền Bắc trước ngày xa xứ. Niềm vui không hẳn chỉ là chút thu nhập đủ ngày hai bữa mà lại được tiếp cận với mớ sách cũ sách mới mua đi bán lại kiểu cò con và ngắm nhìn các cháu thiếu nhi vui vẻ đến trường ngày hai buổi.

Ra hải ngoại được trở lại với nghiệp văn, ăn nằm với chữ nghĩa, rồi bộn bề với con chữ, tất bật với ấn in, ông là tác giả trong số hiếm hoi chỉ trong vòng năm (5) năm đã ra mắt và in được ba (3) tác phẩm trong những ngày đầu định cư tại Mỹ. Tên các tác phẩm trừ cuốn Hành Trình Một Hát-Ô (1995) như một loại bút ký mang tính chia sẻ, còn hai cuốn kia cũng lại chữ & nghĩa, Chữ nghĩa Bề Bề (1998) và Những Người thích Dấu Huyền(2000).

Với văn phong dí dỏm, tôi thích Những người thích dấu huyền thể hiện y chang thói quen biến dạng chữ nghĩa của người Việt hải ngoại khi sử dụng ngôn ngữ bản xứ một cách tùy tiện, đặc biệt hay thêm cái dấu huyền của tiếng mẹ đẻ trong lúc phát âm từ vựng của ngôn ngữ xứ người. (đại để, happy thành háp-pì, cable thành kê-bồ, lucky thành lắc-kì v.v…)

Là người vốn nặng lòng với chữ nghĩa, ông cũng hay có những lạm bàn góp ý khá thẳng thắn, đôi khi xung khắc quan điểm với các tác giả trong cũng như ngoài nước, mà xoay quanh cũng chỉ là những trăn trở về việc làm giàu cho chữ nghĩa, cho các sáng kiến canh tân ngữ Việt và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, tiền đề cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc cho các thế hệ hậu duệ mai sau.

Cũng trong tư cách nhà văn, người ta thấy ông là người có tinh thần thích chia sẻ, đặc biệt đối với những người cùng cảnh ngộ, sống xa quê trên đất nước tạm dung, mà bản thân và gia đình ông đã từng trải nghiệm. Ông đã viết nhiều bài vừa bút ký vừa tạp ghi nhằm chia sẻ những khó khăn của những ngày đầu bỡ ngỡ cùng khích lệ nhau đoàn kết gắn bó xây dựng một cộng đồng vững mạnh cho người Việt Hải ngoại.

Nhân kỷ niệm 12 năm sáng kiến trao đổi những kinh nghiệm sống qua chuyên đề Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, người viết muốn nhắc đến nhà văn ĐặngTrần Huân như một sự trân trọng thiện chí của ông khi mau mắn bày tỏ sự đồng cảm và hoan nghênh sáng kiến này ngay từ những ngày đầu ra mắt và còn tự nguyện đóng góp bài viết với tư cách chỉ tham gia nhưng không dự giải để đỡ gây khó xử cho Ban Tuyển Chọn giải thưởng hàng năm khi thấy có tác giả nhà văn vốn dĩ là một người được cộng đồng độc giả yêu mến.

Rất tiếc ít tháng sau ông trở bệnh nặng nên chỉ tham gia được vài bài và đi vào yên nghỉ, khi thân đã đi nhưng lòng còn muốn viết.

Đỗ Xuân Tê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến