Hôm nay,  

Học Nghề

27/08/201200:00:00(Xem: 233065)
viet-ve-nuoc-my_190x135Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện vui thời học nghề hớt tóc.

Một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, đang đứng nhin thiên hạ lăng xăng mua bán ở khu yardsale thì hắn nghe gọi tên, không những tên mà cả họ và chữ lót nữa. Quay lại, hắn thấy một anh chàng nhỏ con đang ngoắc lia liạ. Đến gần, bắt tay rồi mà hắn cũng chưa nhận ra là ai, thật là bực với trí nhớ quá đoãn của mình! Thấy hắn ngờ ngợ, anh bạn vỗ vai hắn, nói lớn:

-Mầy không nhớ tao hả. Tao ở trong tiểu đội của mầy trong tù. Mầy đã kềm kẹp tụi tao hơn ba năm trời đó, mầy nhớ chưa?

-Ối giời đất ơi. Mầy đó hả? Hồi mầy bị nhốt conex vì cái tội xé sách “tiểu sử Nê Lin” hút thuốc nào, tao tưởng mày tiêu rồi chớ.

- Ê, tao hỏi cái này mày đừng giận nhé. Tụi nó nói mày làm ăng ten , phải không?

Hắn nhìn bạn mình và nói:

-Mày biết rồi mà còn hỏi nữa. Chuyện như thế này: một hôm quản giáo gọi tao lên và cho biết họ chọn tao làm tổ trưởng một toán gồm 10 tên ác ôn,của các đơn vị có nhiều nợ máu như lính nước đánh bộ, giặc lái máy bay xuống thẳng, lính tăng, lính cà nông…. Và nhiệm vụ của tao là theo dõi, động viên họ lao động tốt, học tập tốt, và báo cáo những biểu hiện chống đối, bôi bác, các âm miu trốn trại, nổi loạn … Nếu tao làm tốt công tác giao phó, tao sẽ được xét về sớm trong các đợt lễ lớn và Tết sắp tới. Chỉ vì cái miệng ăn mắm, ăn muối mà tao mất chức tổ trưởng đó.

- Mầy hỏi gì?

- Tao chỉ hỏi Tết nào? Lèo, Marốc hay Congo?

Bạn hắn mừng rỡ kéo hắn về nhà, cụng ly trưóc để mừng việc gặp gỡ bất ngờ sau gần 40 năm dâu biển, sau để khoe cơ ngơi của mình: hai xe hơi đời mới, một căn nhà 3 lầu: tầng trên cho thuê, gia đình ở tầng một và tầng trệt là tiệm hớt tóc có 4 ghế và ba thợ. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của bạn, hắn thở dài, nghĩ đến thân phận trâu chậm của hắn, không biết có còn nước đục để uống không, và bao giờ hắn được như bạn mình.

Thấy hắn hơi buồn, ông bạn tốt của hắn liền đổi tông:

- Thôi nói chuyện khác vui hơn. Bây giờ trăm phần trăm và ngày mai mày dọn về đây ở. Tao còn một phòng trống. Khi nào mày đi làm có tiền, thì trả cho tao cũng được.

Hàng ngày, nếu không đi làm tiền mặt, thì hắn xuống tiệm xem hớt tóc. Tiệm nằm trong khu buôn bán sầm uất có nhiều Việt Nam, nhưng phần lớn khách là Mỹ đen, mà không phải khách thường đâu đấy. Toàn là các ngôi sao của đội bóng rổ, bóng tròn, bóng méo của các đội danh tiếng nước Mỹ. Họ đến cái tiệm không được sang trọng này bằng xe limousine có tài xế. Khi xong, họ móc túi, có bao nhiêu tiền thì dúi cho thợ, năm ba chục là thường, có khi được tờ 100. Nhìn bạn hái ra tiền, hắn mê lắm! Thấy khách Việt Nam le que, hắn thắc mắc:

- Sao không thấy phe ta đến ủng hộ, vậy mậy?

Quân ta có truyền thống ăn cần, ở kiệm, có tiền thì mua khoen, mua khoẻn cất, mà hớt tóc 10 đồng thấy mắc, lại boa nữa, nên thường thường họ cắt tóc ở mấy ông thợ tốt nghiệp ở trại cải tạo, chỉ có 4,5 đồng thôi.

- Ừ nhỉ, hèn chi!

Hắn mê mẩn nhìn ông thợ điêu luyện múa kéo và tondeuse trên chiếc đầu quăn quíu của khách. Tiếng lách cách đều đều của chiếc kéo nghe khá vui tai làm hắn nhớ lại lúc trong tù :

- Thằng này khéo tay thật. Hèn chi lúc trong đó, nó tạo ra rất nhiều vật dụng để dùng như dao, kéo hớt tóc, dao cạo mặt, chặt thịt, cưa gỗ, nồi niêu, thau chậu cho nhà bếp…

Chưa đến 15 phút đã xong cái đầu thật hoàn hảo. Ông khách hài lòng và típ thật hậu.

- Tao thấy hớt Mỹ đen dễ hơn Việt Nam, chỉ đưa máy lên xuống, qua lại là xong. Ăn tiền ngon quá. Hắn nói.

Hắn bị bạn quạt liền.

- Mầy là thằng dùi đục, biết gì mà nói. Coi vậy mà khó lắm. Theo yêu cầu của khách, thợ phải dùng 3 đến 5 lưỡi dao, số 0, ½, 1, 1A, 2 và số 3 để hớt kiểu Fade (kiểu tóc dợt dần). Nếu không tin mắt và tay nghề, cái đầu bạc triệu của khách sẽ có những lằn ngang lằn dọc như vòng kim cô của Tôn Ngộ Không, họ sẽ bẻ lọi tay, đục mày không còn cái răng ăn cháo đấy!

- Vậy mày thấy tao có học được không? Hắn hỏi.

- À, à… có thể được, nếu mày chịu khó học hỏi.

Hắn được hướng dẫn làm đơn xin học và vay lối 8000 đô để đi học lớp cạo đầu thiên hạ ăn tiền.

Trường là một dãy nhà dài, rộng, khang trang và sáng sủa, có lối 15 ghế, một phòng học lý thuyết, vừa là phòng nghỉ và ăn trưa cho học viên. Trường chỉ có một giám đốc và phó giám đốc kiêm giảng viên. Trường hoan nghênh hắn là người Việt Nam thứ hai học ờ trường này. Học viên phải hội đủ 1000 giờ học lý thuyết và thực hành ở đây mới được thi lấy chứng chỉ hành nghề, gồm một bài thi viết 100 câu, rất khó. Có người thi đến 3 lần mới lọt được vào thực hành.

Thời khóa biểu học rất thoáng, đến và đi lúc nào cũng được, học trong 8 tháng hay 1, 2 năm cũng xong, miễn là đủ số giờ ấn định. Mỗi ngày học lý thuyết 45 phút, sau đó ra tiệm hành nghề. Khách được trường chiêu dụ từ các trung tâm dạy trẻ khuyết tật, cô nhi viện, bệnh viện tâm thần nhẹ, các ông bà thất nghiệp, homeless, với tờ quảng cáo: “Mại dô, hớt tóc chỉ 1 đồng thôi, bảo đảm sạch, đẹp, rủi hư, có thầy sửa !”

Trong gần một năm trời trụ trì ở đây, hắn suýt bỏ trường mấy lần vì bị stress quá cỡ khi phục vụ các khách hàng vô cùng đặc biệt này.

Một lần, một ông khách đầu chôm bôm, rối nùi, vừa vào là ngồi bịch xuống ghế. Mấy học viên khác thấy khó nuốt, lẳng lặng lãng đi chỗ khác. Vì chậm chân, nên ông thầy chỉ hắn ra tiếp khách.

Lọng cọng choàng khăn cho khách, hắn ngạt mũi vì mùi Vodka nồng nực xông lên. Hắn hỏi :

- Hớt thế nào, thưa ông?

- Như cũ. Giọng nhừa nhựa trả lời.

Mẹ ơi, hắn nhìn cái cái tổ quạ mà không biết hớt như thế nào.

Ông thầy thấy hắn luống cuống, đến gần, vạch tóc khách lên:

- Chỗ này là chân tóc cũ nè. Hớt đến đây thôi.

Miệng dạ, dạ, nhưng hắn chỉ thấy một đám rừng thôi. Thấy hắn ngơ ngác, ông thầy đẩy cho một đường mẫu, và bảo cứ thế mà làm.

Mới xong một bên mà mồ hôi ướt đẫm cả áo. Chưa kịp sang bên kia thì hắn đã nghe tiếng ngáy ồ ồ: ông khách đang say sưa giấc kê vàng!

Chẳng biết làm sao, hắn vào gọi ông thầy. Ổng tỉnh bơ nói :

- Kệ! để ông ngủ một chút. Lần nào cũng vậy. Khi chả thức dậy, mình hớt tiếp.

Ngủ đã quá, nên khi rũ áo ra đi, khách quên tiền boa cho hắn, và cũng chẳng thèm nhìn lại cái đầu tròn hay méo.

Một hôm, bà nhân viên xã hội dẫn một đoàn trẻ con đến hớt tóc. Hắn được giao húi đầu cho một đứa bé lối 8, 9 tuổi, mặt dèm dẹp, ngơ ngác, miệng chảy dãi lòng thòng, hình như có triệu chứng của bệnh Down. Hắn nản vô cùng, vì thằng nhỏ không chịu ngồi yên, hỏi chuyện lung tung với giọng ngọng nghịu, hắn im lặng làm việc vì chẳng hiểu gì mà trả lời. Đang hớt ngon trớn, thằng nhỏ bỗng chồm ra trước, cây kéo sượt ngang mang tai nó, hắn toát mồ hôi lạnh, vội cất kéo vào túi. Thằng bé chụp cây lược, đập chan chát vào ghế. Vô cùng bực mình, nhưng hắn vẫn cắm cúi hớt. Không dám nhìn cái đầu thằng nhỏ, vì lỗm chỗm, chỗ trắng, chỗ đen, may là bà nhân viên xã hội luôn miệng nói :

- Không sao đâu, lỗi của nó!

Đang cuối sát đầu thằng bé để hớt lằn cuối cùng, thì nó quay lại, dộng cái lược vào trán hắn một phát đau điếng. Mặc dù giận lắm, nhưng hắn chỉ giật cái lược, bỏ vào túi và lẫm bẫm:


- Cái ngữ mày ở xứ ông thì.... Đồ ranh con mất dạy!

Bà nhân viên bận chạy tới, chạy lui, không thấy, nên coi như không có việc gì xảy ra.

Một ngày hè đẹp trời, một bà mẹ trẻ dân bản xứ dắt đứa con lối gần 2 tuổi đến nhờ hắn hớt trọc cho mát. Hắn mang chiếc ghế cao đến, nhưng thằng bé thấy người lạ, không chịu ngồi. Bà mẹ phải ngồi vào ghế hớt tóc, ôm đứa con trong lòng. Bà mẹ có vẻ vui tính, hỏi hắn đủ thứ chuyện. Thấy hắn nhìn chiếc phi cơ nhỏ xiú bằng vàng trên sợi dây chuyền đeo tòn teng ở cổ,bà hỏi hắn :

- Model mới đó. Đẹp không, ông có thích không?

- Rất đẹp, tôi thích lắm!

Miệng nói thế, nhưng không phải thế. Hắn thích cái phi trường trắng toát và đồ sộ kia hơn. Của đáng tội, hôm đó nhiệt độ phải đến hơn 90 độ, nên bà chỉ mặc một chiếc áo mỏng, hai dây, chỉ lớn hơn chân cây nhang một tí. Chiếc áo rộng cổ, hở trước, hở sau, hở cả bên hông, mà còn hơn “giết người không AK ”, lại “xăng xú” nữa, nên mới là độc ác!

Hắn đứng trước hai mẹ con, đang tính cách để cạo đầu nó. Thằng nhỏ bị mẹ kẹp cứng hai chân, hai tay bị đè chặt, đầu dựa vào ngực mẹ, nhưng cũng cố cựa quậy. Hắn vừa đưa tay vịn đầu nó, thì nó hất mạnh, bàn tay hắn văng ra, chạm nhẹ vào chiếc Boeing. Hú hồn! Như bị điện giật, hắn lui ra, nhìn hai mẹ con, không biết nói gì. Bà mẹ thấy vậy, chỉ cười và nói :

-Không sao, ông cứ hớt đi. Vừa nói bà vừa ôm chặt thằng bé hơn.

Hắn thò tay, nắm chặt ót thằng bé, cố gắng kéo về phía mình, vội vàng đưa tondeuse đẩy lia lịa, vừa làm vừa kêu lô tô, vì bàn tay hắn quá gần phi trường và phi đạo.

Năm phút căng thẳng trôi qua, gần xong cái đầu thì thằng bé bỗng nổi loạn, có lẽ bị hai người lớn kềm kẹp quá lâu. Nó trân mình, duỗi mạnh cẳng ra, đầu nó đập mạnh vào ngực mẹ, mà rủi thay, tay hắn đang cầm cái lược, bị kẹt cứng ở giữa.

Hắn lạnh toát trong tình thế chết người này, chưa biết phản ứng ra sao, rút mạnh tay ra, cây lược có thể làm trầy đầu thằng bé, và trong trường hợp xấu nhất, răng lược sẽ giật đứt sợi dây áo, gây “lộ hàng” (TV Mỹ gọi là wardrobe malfunction của các ca sĩ Taylor Swift, Beyoncé và Whitney Houston... trong năm 2012), mà, mà để yên bàn tay nơi “khu quân sự, tuyết đối cấm vào”, thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Bà ta chỉ cần la lên “Ối ông phú lít ơi” là đời hắn sẽ tàn sau song sắt khá lâu. Ở xứ Cờ Hoa này, đụng tới con nít, xâm phạm vùng cấm mà không có giấy duyệt “THUẬN” của đương sự thì ủ tờ hơi lâu, nặng hơn tội vô ý giết người.

Tình hình chỉ mành treo tảng đá của hắn chỉ xảy ra trong vài giây, nhưng hắn tưởng là thiên thu, đứng như trời trồng. Thấy ông thợ mặt mày không giống ai, bà khách thông cảm, đẩy vai đứa con ra. Nhưng sao thế này, tay hắn tê cứng, không cử động đưọc, nên vẫn nằm yên tại phi trường, đè lên chiếc Dream 787!

Bà khách nhìn mặt hắn, trắng dã, nhưng thấy không có ý đồ đen tối gì, nhẹ nhàng nhấc bàn tay hắn ra và nói bâng quơ:

- Thằng bé hư quá!

Sực tỉnh giấc mơ hoa, hắn nhìn lại bàn tay.

- Ủa cây lược đâu rồi. Liếc qua, hắn thấy cây lược nằm chình ình “trong đó”.

Nhìn chỗ khác, hắn lí nhí :

- Bà lấy dùm cây lược!

Lấy lại được cây lược, hắn hấp tấp đẩy vài đường cho xong, kẻo hồi hộp, tim hắn chịu không thấu. Nhưng lần này hắn cẩn thận, xuống tấn hẵn hòi, đề phòng thằng bé chơi cú nữa, có thế mà chống đỡ, tránh đụng chạm ngoài vòng pháp luật.

Hôm đó, hắn được khen cạo đầu thằng bé trọc lóc, không còn một sợi tóc, và được tip 2 đồng.

Chiều về nhà, hắn mua nhang đèn tạ ơn ông Thần Húi đã phù hộ hắn tai qua nạn khỏi.

Trong khi các học viên khác bận rộn với khách hàng thường xuyên, với bạn bè, gia đình họ mang tới để thực hành thì hắn ngày qua ngày, cũng chỉ với những khách như thế thôi, nên gần 6 tháng mà tay nghề hắn vẫn vũ như cẩn” như ngày mới vào.

Nước chảy, hoa trôi, rồi hắn cũng được cấp giấy tốt nghiệp sau gần một năm trầy trật ở trường, và chờ ngày thi lấy giấy phép hành nghề.

Giai đọan I thi lý thuyết gồm 100 câu hỏi liên quan đến rất nhiều lãnh vực : y khoa, hóa chất, vệ sinh dụng cụ, cá nhân, phòng bệnh, cách pha màu, phương pháp cắt tóc nữ. …. khá khó nên tỉ lệ đậu thường lối 60%. Lù khù như hắn nhưng có ông Cù độ mạng nên hắn thi một phát là đậu ngay.

Thi thực hành, trái lại, rất dễ. 100% đều đậu. Phần này nặng về hình thức và trình diễn để giám khảo xem chơi, chớ ít khi xài trong tiệm.

Thí sinh mang theo đầu mẫu: không được hói hay trọc. Giám khảo đánh giá thí sinh qua hơn 100 mục gồm: tóc tai, áo choàng, bày biện và vệ sinh đồ nghề, bàn ghế, đủ thứ linh tinh như khăn vải, khăn giấy, alcohol sát trùng, thuốc cầm máu khi cần, băng keo, bao rác…, cách sử dụng khăn nóng đắp mặt khách trước khi cạo mặt và râu, cách cầm dao và thế đứng khi cạo ngược, cạo xuôi, massage mặt và da đầu sau khi xong… Tất cả đều phải y chang như trong sách.

Con dao cạo cổ điển của thợ nay không còn xài nữa vì sợ lây lan bệnh ếch nhái (AIDS), siêu gan A,B,C, phong tình.. nhưng thí sinh phải đi một đường múa dao cho giám khảo chấm điểm. Viên đá mài dài cở 15cm nằm gọn trong tay, thí sinh đưa dao từ trước ra sau, rồi uốn cổ tay, kéo lên, lượn theo hình số 8, làm 5 lần. Xong đến liếc dao trên tấm da: đè mạnh lưỡi dao từ trên xuống cuối tấm da, lật ngược lưỡi dao, vuốt ngược lên, cũng 5 lần.

Hắn hơi lo vì tài nghệ chỉ đạt ở bậc… hạ thừa, nhưng khi thấy giám khảo, hắn mừng rơn, vì ổng là thầy hắn. Hắn thở khì :

- Phen này, nhắm mắt hớt cũng đậu nữa.

Hắn là người cuối cùng rời phòng thi, sau gần 90 phút vật lộn với cái đầu không được nhiều tóc lắm. Hắn được giám khảo khen là “hoàn thành cuộc thi một cách từ tốn”, nhưng hắn nghĩ là ông ta ám chỉ hắn “làm từ từ nên tốn nhiều thời gian!”

Cầm cái licence mới tinh, ông bạn chủ tiệm nói:

- Mầy ngồi đây xem tao hớt, rút kinh nghiệm, rồi từ từ tao đưa khách cho.

- Bao lâu?

- Lối một tháng!

Giận mà không dám nói ra, hắn lẩm bẩm :

- Mẹ kiếp, tao ngồi không gần một năm rồi, bây giờ mày bắt tao ngồi chơi thêm một tháng nữa!

Mới ngồi chưa được 2 tuần thì hắn vừa chán, vừa ê mông, vừa đói nên hắn tự động xin từ nhiệm, mặc dù chưa hành nghề ngày nào.

Vắt tay lên trán suy nghĩ được hai ngày, hắn bỗng nảy ra một sáng kiến không được sáng sủa lắm: Kêu gọi bạn bè, quen cũng như lạ, về phòng mình hớt với giá discount 50%, có bonus cà phê và trà, thậm chí còn offer “cut one get one free” nữa.

Cũng có vài người nghe lời đường mật, đến với hắn. Nhưng sau đó, mất tích luôn, không một lần từ giã hay tạ từ! Hắn ngồi trông khách còn hơn thiếu phụ Nam Xưong chờ chồng, buồn hết biết !

Ngồi không, nghĩ lung tung. Hắn nhớ lại câu ông bà mình thường nói “Thấy người ta ăn khoai, đừng vác mai mà chạy” thật là đúng. Không biết mình, biết ta, thì chỉ có từ bị thương đến chết thôi . Thua keo này, bày keo khác, hắn nghĩ đến nghề thợ may, nhưng nếu học xong rồi mà may một chiếc áo, lai dài lai ngắn, mặc vào chưa kịp thở, nút đã văng tùm lum, thì khốn khổ thêm. Hay nghề neo kiếm tiền dễ lắm! Mà hắn lại e thay vì dũa móng, hắn lại mài da họ chảy máu, lấy tiền đâu mà đền?

Rốt cuộc, hiện nay ban ngày hắn chạy bàn để kiếm miếng ăn, tối ôm công việc vệ sinh, tức là dọn dẹp những nơi mất vệ sinh để kiếm tiền trả nợ thầy hù. Có điều hơi an ủi là hắn không phải tốn tiền hớt tóc suốt đời vì hắn tự hớt ở nhà.

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
21/08/201302:02:50
Khách
anh này hay à nha. Vậy nên tui mới biết cắt tóc cũng chẳng dễ gì. Thôi chúc anh làm job khác thành công.
04/09/201212:18:23
Khách
Hi ông bạn Hai Hoang,
Ở xứ này không lạc quan thì chết là cái chắc. Ở VN, tôi was thầy , ở đây tôi làm cả chục nghề, mà vẫn tỉnh như con ruồi, không khe, không mind gì cả, Vẫn đi chơi khắp thế giới như thiên hạ.
Cám ơn lời khen của bạn
Công Lý
27/08/201204:52:26
Khách
bài dí dỏm ghê
27/08/201202:39:35
Khách
Bài viết vui lắm!
28/08/201212:00:54
Khách
Bài viết của chú lúc nào cũng mang vẽ dí dỏm, vui vẽ, lạc quan ...

Cám ơn chú.
03/09/201204:59:34
Khách
Người đâu mà lạc quan quá trời. Cũng may là cả năm ăn học vẫn sống khoẻ, không mắc nợ không trả nổi hay bad credit là quá giỏi rồi. Chứ thời buổi giờ, mới qua vài năm như mình, cày chết bỏ, có tí xíu nghề từ Vietnam đem qua mới tàm tạm trụ được ở xứ này. Nói vậy cho vui thôi chứ tác giả viết rất có duyên, hợp lý hay không chưa biết, có lẽ chục năm trước kinh tế phát triển nên dễ sống hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Nhạc sĩ Cung Tiến